Hôm nay,  

Huyền Thoại Mẹ

13/10/200600:00:00(Xem: 159955)

Huyền Thoại Mẹ

Người viết: TRÂN NGUYÊN
Bài số 1117-1726-439-vb6061006
 
Trân Nguyen là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2006. Cô sinh năm 1970, cư dân Monterey Park, Nam California,  nghề nghiệp:  y tá, siêu âm.  Bài mới lần này là chuyện tại một bệnh viện Á Đông có đông bệnh nhân gốc Việt.

*

Không biết là nên vui hay nên buồn nữa, khi hai nhà thương nơi tôi làm việc lần lượt rủ nhau đóng cửa. Một con số thống kê đáng sợ là 89 bệnh viện và Medical Clinics bị 'xóa sổ" trên bản đồ California năm 2004.
Thứ sáu mất việc, thì thứ hai tôi được nhận ngay vào làm việc full time with benefit ở một nhà thương mới: Bệnh viện của người Á Đông "We talk your languages". Với kinh nghiệm 9 năm làm việc, nói hai thứ tiếng Anh - Việt lưu loát, thì có một chỗ đứng khiêm tốn trong loại nhà thương này không khó. Tôi được sắp xếp vào làm việc tại OPD (Outpatients department).
Ngày đầu tiên làm việc ở đây, không hiểu sao tôi lúng túng quá. Học hết lớp 11 rồi tôi mới qua Mỹ, đồng nghĩa với tiếng Việt của tôi thừa mứa, nhưng công thức chào hỏi bằng tiếng Việt theo kiểu nhà thương thì tôi thiệt chưa quen…
- Xin chào Bác Phạm… Cháu tên Mai Thanh (Martina) hân hạnh được tiếp rước bác…
Tôi lẩm bẩm, không ổn!! Nghe nó kỳ kỳ làm sao đó.  Hm.- làm lại.
- Thưa bác Phạm, mời bác vào phòng số 8… Con tên Mai Thanh. Bữa nay sẽ rọi… lá gan cho Bác.
Người Việt mình đâu quen gọi bằng Họ, dù là nể nang vẫn phải gọi bằng tên… "cúng cơm".
- Dạ … Mời bác Minh, bác Phạm ngọc Minh vào phòng số 8, con là Mai Thanh.
Một tuần, hai tuần trôi qua tôi tự nhiên hơn .
Phòng siêu âm của tôi ngay sát phòng chờ đợi, Á Đông nhiều hơn người bản xứ,… người Việt Nam mình là nhiều hơn hết. Có thể nói đây là một thông tấn xã thu nhỏ của người Việt mình, ngồi ở đây mỗi ngày tôi không cần radio TV gì ráo, vẫn biết rất rành…rọt những gì đang diễn ra xung quanh, từ chính trị, đến buôn bán, từ chiến trường, chiến tranh I Rắc cho đến những gì vừa xảy ra ở khu Phước Lộc Thọ… Từ thời tiết bên đây đến bên n nhà… Cả những chuyện trên trời dưới đất như chuyện Ông tư H.O nọ đi về Việt Nam cưới vợ cho thằng con trai. Sẵn tiền rừng bạc bể từ những đứa con đỗ đạt, ông đâm ra phung phí, giở thói trăng hoa với những cô con gái trẻ đẹp chỉ đáng tuổi con cháu mình, nào ngờ đâu ăn trúng bùa mê của chính cô con dâu tương lai xinh đẹp của mình… Làm ngày cưới con, ông cứ như người bị điên giật lơ lơ, láo láo…
Rồi Cô Ba Beauty Nail có một bày con gái , cô này vừa lấy chồng xong rồi sinh con, cô sau làm… ngược lại sinh con rồi mới lấy chồng vân  vân và vân vân …
Ban đầu tôi nghe thấy kích thích, tò mò… sau lần hồi đâm nghiện. Hôm nào có ít người Việt Nam đấu chuyện, tôi lại lờ đờ như người bị thiếu thuốc. Nên sáng nào cũng vậy, tôi thò đầu ra front desk đảo một vòng tươi cười, quan sát… Có bữa tôi cũng bị điện giựt, đang làm việc tự nhiên bên ngoài có tiếng vọng vào (chắc là cô con gái rượu nào đang nói chuyện với má)
- Lát nữa YOU dzô trỏng, hình như có con mẹ Việt Nam làm ở phòng số đó, khỏi biểu tui phiên dịch đi, chở YOU đi đã là mệt lắm rồi. Nhớ đó,  khi con…mẻ hỏi đau chổ nào thì khai đau hết, chổ nào cũng đau, đau ê ẩm, đau… dữ dội… để con mẻ khám kỹ một chút nghe… hôn.
Tôi vừa tức cười vừa bực mình chạy ra.
- Bác Nguyễn Thị Bưởi, rọi tim phòng số 8.
Quay qua nhân vật kêu tôi bằng con…  mẻ:
- Em tên Mai Thanh. Chị cứ yên tâm chờ, để bác em lo cho. Cô ta guợng cười… hở mười cái răng… Hết chuyện.
*
- Chị Mai Thanh, chừng nào tới phiên em"
- Cô Thanh, Ba tôi nhịn đói lâu không được, ông bị tiểu đường. Cô coi dùm chừng nào tới lượt ổng"
Sinh hoạt bệnh viện nói tiếng Việt vẫn rôm rả, đều đều.
Nơi làm có thêm một người Việt Nam nữa, bác sĩ Thomas Thắng Trần. Ảnh là bác sĩ sản phụ khoa, mới tiếp xúc sơ đã thấy có cảm tình, tiếng Mỹ lưu loát, tiếng Việt thì cũng anh anh, em em ngọt xớt…
Có lần tôi nghe được mẩu chuyện từ hành lang bệnh viện:
- Ai đời… Tại mình thấy ổng Việt Nam nên mới chọn ổng
- Bồ biết sao không" Mình chuyển dạ nửa ngày, chẳng thấy mặt mũi ổng đâu. Đến chừng mình mắc đi cầu quá mới gọi được cô y tá. Cổ khám qua loa rồi nói: không được đâu, cổ tử cung đã nở 10 phân rồi, chỉ cần " Rặn" thêm một chút là baby tuột ra luôn đó. Mừng thầm … Vậy mà bác sĩ Thắng Trần vào thì nhăn mặt nói phải C-section thôi , 30 tuổi rồi, khó lắm! Mình lật đật giải thích, nhưng ổng cứ lảng đi… Hai tiếng đồng hồ sau mình vẫn chưa sanh được… vậy là bị đẩy vào phòng mổ. Mấy hôm sau tái khám, mấy chị cùng chờ ở phòng bệnh cũng kể một câu chuyện tương tự… thiệt là…Trần… trắng trợn!!!
Tôi nghe xong lòng chùng xuống, không biết thực hư thế nào. Trong y học có rất nhiều tình huống phức tạp. Có thể nào có hiểu lầm chăng" Nhưng sao một sự kiện lại cùng xảy ra liên tiếp với nhiều người. Tôi đang vẩn vơ thì có người đập vai cái…bốp:
- Mai Thanh!
- Ơ …Martina, đây là má vợ của anh, phu nhân của bác sĩ Sardjono lầu 4 đó. Còn đây Martina, cổ là người Việt Nam, cũng là cô y tá xinh đẹp nhất ở đây đấy. Nói rồi Thomas Thắng nheo mắt cười với tôi.
Tôi luống cuống chào: Chào bà… Rất hân hạnh
À phải rồi nghe nói Dr. Thomas Thắng Trần, vừa ra trường thì lập tức kết hôn và được ba vợ đưa về đây làm việc với đồng nghiệp đồng hương chưa có gì phải phàn nàn. Anh coi cũng được lắm, mà sao người ta nóivậy được" Vô lý! Tôi muốn dộm bước đi thì có hai cô bé Việt Nam cuối chào:
- Chị Mai Thanh.
- Chào hai em.
- Ngày mai má em xuất viện rồi, tụi em tới say bye với gừi chị hộp bánh để cúng Trung Thu.                                   
Tôi "Ồ" lên một tiếng. Từ ngày về làm ở đây quà cáp nhiều quá!
Có bữa Thomas Thắng chọc:
- Anh còn tưởng bữa nay sinh nhật của em nữa chứ.
Tôi cười cười:
- Không bưng dùm còn đứng đó nói nhảm.
Lâu ngày làm việc tôi thấy cũng thân thân với Bác sĩ Thắng như anh em, tôi cũng dần quên đi câu chuyện người ta đàm tiếu về anh ngoài hành lang hôm nào.
Cho đến một hôm…
Vô tình tôi nhìn thấy Thắng ở parking lot, tôi có đưa tay vẫy nhưng dường như ảnh không nhìn thấy tôi… Bên cạnh anh là một phụ nữ lam luốc, quê cục…mặc bao nhiêu là lần áo, giày tất cũ kỹ… nhưng dáng mặt chịu đựng và hiền hòa. Hai người xuống xe đi vào. Thắng đi trước, một cái thùng Carton gì mà thiệt to. chẳng biết có cái quỷ gì trong đó mà Thắng có vẻ lấm lét. Tôi đi   ngang qua mà anh không nhìn thấy, hay cố tình không nhìn thấy tôi…  Người đàn bà lẳng lặng đi, theo đằng sau, tay khư khư ôm bình thủy trúc xanh mướt… gương mặt thì ngời ngời hãnh diện.


Mãi trưa tôi mới tạt xuống phòng bác sĩ Thắng để đưa chồng kết quả khám thai sáng hôm nay cho ảnh xem lại. Bắt gặp bình thủy trúc xanh tươi  trên bàn làm việc của bác sĩ Thắng, hôm nay bằng cấp đều được đóng khung to treo cẩn thận, tất cả được trang hoàng mỹ mãn, ghê lắm. Tôi gật gù:
- Đẹp quá
- Người bệnh nào tặng bình thủy trúc cho anh vậy"
- Là mẹ của anh.
Tôi nhìn anh thán  phục. Mẹ của anh làm tất cả những thứ này cho anh, kể cả đóng khung bằng cấp, trang hoàng ngần thứ đẹp mắt này.
Thì ra người hồi sáng đi cùng , chính là mẹ của anh.  Tôi định mở miệng trách sao anh không giới thiệu để em chào hỏi bác một tiếng, nhưng tôi bỏ lửng… Bởi vì tôi chợt nhớ cách đây không lâu, Thomas Thắng đã hân hoan đưa đi giới thiệu không bỏ sót một người nào, về người má vợ xinh đẹp, phu nhân của bác sĩ trưởng khoa tim Herman Sardjono của anh. Miệng tôi tự nhiên đắng ngắt, dù người ngậm quả đó không phải là tôi.
Mẹ của anh, dầu sao đi nữa, dầu là người không có quyền cao chức trọng… vẫn là mẹ đẻ ra anh, lo cho anh từng miếng cơm, tấm áo, không có bà, sẽ không có những bằng cấp anh treo trên tường ngày hôm nay và… và không có bình thủy trúc. Tại sao anh nỡ…
Để ý nghĩ khỏi bật thành tiếng thét, tôi lẳng lặng bỏ đi giữa cái nhìn ngạc nhiên của Thắng. Chưa kịp bình tâm trở lại thì tôi đã chợt nhậ ra, đó là một tiếng thét có thật ngoài đời, tiếng thét cất lên từ căn phòng ở cuối dãy lầu kia. Như có ai thôi thúc tôi chạy đến gần; mọi người bên trong đang hối hả cấp cứu. Có tiếng mừng rỡ:
- May quá, Martina tới rồi, Bà ấy Việt nam.
Bà cụ Việt Nam nằm dúm dó trong đống mền màn, giây nhợ, máy móc… Thần chết ngăn lại nhưng tôi cứ cố xông vào bằng được: Mẹ! Nghe được tiếng "mẹ" cái đống nhăn nheo đó  khẽ khàng lay động rồi từ từ, phập phòng chút hơi tàn; bà cụ bắt đầu mấp máy đôi môi… tôi nắm lấy đôi bàn tay chỉ còn da bọc xương ấy. Mẹ, Mẹ đừng có đi, đừng có bỏ con mà đi! Lạ lùng thay, tiếng kêu Mẹ như một thứ diệu dược thần kỳ tưới vào, đôi môi khô hạn ấy nở ra một nụ cười mãn nguyện. Nụ cười cuối cùng chấm hết cuộc đời cay đắng.
Xe của nhà thương chở cụ về nơi an nghỉ cuối cùng không một người thân, không một vành khăn tang…
Tôi tưởng mình đã chai sạn với nghề nghiệp, bình thường với bất kỳ trường hợp ra đi nào, nhưng không, không thứ chai sạn nào chịu thấu. Tôi biết về trường hợp bà cụ.
Ba năm về trước, một người phụ nữ trẻ, sang trọng dẫn theo đứa con gái nhỏ, đã mang cụ vào đây. Ngưòi ta kể: Cô ấy nói thấy bà già homeless, thương tâm quá nên đưa bà tìm tới nơi này xin được giúp đỡ. Ngoài ra, cô gái không biết một chút lai lịch gì về người đàn bà tội nghiệp này.
Bà cụ đã sống ngày qua ngày như một cái xác biết đi, nhìn mà như không nhìn, nghe mà như không nghe, người ta cứ ngỡ bà là người câm điếc. Nhưng cách đây một tuần, như không thể nén được nỗi đau quá lớn, bà bật lên thành lời:
- Nó là  con gái đẻ của tôi, người đưa tôi vào đây chính là con gái của tôi… Chồng tôi đã bỏ tôi rồi, đứa con gái duy nhất cũng bỏ tôi nốt… Giời ơi là giời!!
Tới lúc đó, người ta mới biết, bà cụ là người Việt Nam.
Tôi lấy một chiếc nơ trắng, đeo lên bên cạnh tên bên góc trái áo của mình, mắt tôi đỏ bầm… Những người bệnh nhìn tôi xót xa, có người không ngăn được hỏi:
- Cô Thanh mới có người thân qua đời"
- Cha hay mẹ"
Tôi lắc đầu vô hồn.
- Không, chỉ là một người bệnh.
Người ta chắc tưởng tôi tâm thần. Hằng ngày ở tại nhà thương này, trại Hospice này có bao nhiêu là cảnh r a đi…
Buổi chiều hôm đó, người bệnh Việt Nam của tôi khá nhiều, tôi thiệt khó lòng  giải thích cho gương mặt sưng húp của mình và chiếc nơ tang. Tôi cứ phải luôn miệng đính chính
- Dạ thưa không phải… Dạ thưa không phải…
Cuối giờ, tôi ảo não đứng dậy, có người tìm tôi tận cửa phòng:
- Cô Thanh, bữa nay, sắc mặt coi tệ lắm à nghen. Tui nói thiệt Cô đừng có buồn.    Tui làm cái bánh da lợn, làm xong thấy đẹp quá, không dám ăn, để dành biếu Cô.
Tôi đỡ lấy chiếc bánh, gượng cười, nụ cười đầu tiên trong ngày. Tôi nhìn bà thương cảm và mang ơn: Con cám ơn bác.
Tôi cố ôm hết cái mớ chân tình này vào lòng, để mà có cớ ở lại cái nhà thương trả lương rẻ mạt này. Chứ mà không … thì…
Chiếc bánh như là bảo vật !
Đi ngang qua phòng bệnh của một người Việt Nam, thấy hai cô nàng đang đứng bên ngoài chụm đầu vào nhau xầm xì, to nhỏ:
- Gần hết giờ lành tháng tốt rồi mà Mẹ chưa chịu đi… cho rồi, đợi đến chừng nào ("), đến năm cùng tháng hạn để con cái ở lại "ngóc đầu không lên" bà mới chịu đi kia à.
Tôi rùng mình khi có cơn gió lạnh thổi qua, chiếc cờ Mỹ trên cao phất phới trong gió, mùi thịt kho nước dừa, mùi ruốc sả đâu đó lởn vởn trong không gian như lạc lõng giữa cái xứ sở diễm lệ, giàu có này.
Thế mới biết, chết không đáng sợ bằng bệnh tật, tuổi già. Cuộc đời ngắn ngủi quá, tôi ước gì mình có thể làm được gì cho mỗi số phận ngắn ngủi đó.
*
 Khoảng mươi hôm sau. Một bệnh nhân cũ đến tìm tôi.
- Cô Mai Thanh ơi, tui tới chào từ biệt cô, ngày mai tôi đi rồi, đủ tiền vé máy bay rồi, tôi phải về lại Texas. Bên đó có bà bạn thân nhỏ hơn vài tuổi, hai người sẽ nương tựa nhau mà ráng sống cho đến ngày Chúa gọi về. Sống lâu quá cũng thành nợ nần cho con cháu, cô ơi.
Rồi bà bảo tôi:
- Bà già này chắc nấu ăn không ngon bằng má của cô, nhưng tui ướp chút thịt, chút cô về nhà bỏ vô lò oven 375 độ. Chạy vô tắm rửa ra 10 phút  là ăn được rồi. Cám ơn thời  gian qua cô chăm chút cho "già".
Tôi cười mếu máo:
- Qua đó nhớ tự lo cho mình đàng hoàng nghen Bác… Hai (Tôi thiệt không nhớ bác ấy tên gì nữa)  Bác đi bằng gì tới, đợi con, con chở bác về, mà… nhà bác ở đâu "
- Downtown, cô.
Tôi giật mình. Trời đất, ít gì cũng 2 chuyến xe bus, một đoạn đường đi bộ… nhìn ra ngoài, 2 giờ chiều trời còn nắng chang chang.
- May quá, bữa nay thứ 7 con chỉ làm nửa ngày. Không thể ra phi trường, thôi để con tiễn bác một đoạn về nhà cho vui. Bác ngồi nghỉ đợi con chỉ một lát nữa thôi.
Nửa tiếng sau tôi chạy ra, bà già đã về mất tiêu rồi. Chắc bác sợ phiềi tôi. Không sao. Tôi biết trạm xe bus, bà già đi chậm, chưa đi được xa đâu.
Xe tôi chưa kịp trờ tới nơi thì đã bị chăn lại, con đường trước mặt bị phong tỏa hết , xe còi hụ chớp xanh, chớp đỏ bốn bề. Hình như là có đám cháy, tai nạn hay người ta quay film gì đó, nên tôi đành bó tay trở về.
Sáng thứ 2 trở lại làm việc mới hay tin một tai nạn xe cán chết người xảy ra trước nhà thương, ngay gần trạm xe bus: Một lão bà Việt Nam độ ngoài 70 tuổi, mất trên xe cấp cứu đưa về bệnh viện lúc 2 giờ chiều thứ bảy. Ngày… Tháng …..Năm….

Dẫu biết người đi thoát nợ đời
Sao người ở lại buồn chưa vơi
Phù du nhân thế vô thường đó
Tan hợp như mây lửng giữa trời

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,229
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.