Hôm nay,  

Cây Bút Của Ba Tôi

16/06/201100:00:00(Xem: 287795)

Cây Bút Của Ba Tôi

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3205-12-28505vb5061611

Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoạ (hiện có trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoạhatnang.com)
Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho "Viết Về Nước Mỹ" nhiều bài viết giá trị và đã nhận giải vinh danh "Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010.” Bài mới nhất của tác giả dành cho mùa lễ Father’s Day 2011.

***

Nếu phải làm một bài luận văn với nhập đề lung khởi cho đề tài “Ba tôi”, tôi sẽ viết như sau:
“Tôi nghĩ ai cũng có thể viết một chút về “cha tôi”, ngay cả những người con chưa hề thấy mặt cha mình. Một đứa bạn thân của tôi, không biết cha mình là ai, cũng đã tự nhìn vào gương và viết những cảm nghĩ về cha của nó thật cảm động. Riêng tôi, không cần tưởng tượng, tôi cũng thấy cha tôi mỗi ngày. Khi ở Việt Nam, tôi biết ba tôi là một nhà giáo…”
Còn nếu phải nhập đề trực khởi, tôi sẽ vào đề ngay như thế này:
Đó là vào năm 2003, khi cha con tôi được bác tôi bảo lãnh qua Mỹ.
Vâng, đó là vào năm 2003.
Chỉ “bị” ở không có một tháng mà cha con tôi đã cuồng chân cuồng tay lên rồi! Sau vài đợt được nhà bác tôi đưa đi chơi vài nơi trong và ngoài tiểu bang, ba tôi nhất quyết đi tìm việc làm. Với chiếc xe Honda Accord cũ kỹ bác tôi cho, ba tôi đã đi khắp các siêu thị để xin việc. Thật không may, cha con tôi qua Mỹ đúng vào thời điểm mà theo cách nói của mọi người lúc đó là “kinh tế xuống”. Ba tôi thường trở về nhà với gương mặt uể oải. Bác tôi khuyên ba đừng vội vàng làm chi, từ từ rồi kiếm việc, bác có sức bảo bọc hai cha con. Bác nói thì nói thế, chứ hai cha con tôi cũng nhìn thấy hoàn cảnh của nhà bác, đông người, khá chật vật trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại. Tiền điện, tiền nước, tiền chợ búa, tiền bảo hiểm… cũng làm nhức đầu lên rồi! Đến lượt tôi cũng muốn đi làm. Tôi đâu có thể ở chơi không một năm trong khi chờ chính phủ trợ cấp cho đi học. Vâng, phải đến năm tới thì tôi mới được đi học miễn phí. Cho nên tôi quyết tìm việc làm để có tiền. Cũng đơn giản là để hai cha con có thể tự lập, ra thuê nhà ở riêng, khỏi làm bận lòng bác tôi.
Và tôi cũng mang bộ mặt thất vọng về nhà sau những lần đi tìm việc. Đến đâu tôi cũng nhận được những cái lắc đầu kèm theo một nụ cười và tiếng “sorry”. Ôi! Nếu là thời gian cách nay năm mười năm thì, cũng theo lời của bác nói, cha con tôi qua là có thể xin đi làm hãng dễ dàng. “Làm hãng”, nói chung là làm tại các hãng điện tử, bây giờ cũng sa sút rồi! Cái thung lũng hoa vàng, “silicon valley” nơi chúng tôi cư ngụ, cũng như một miếng bọt biển đã no nước rồi!
Đến một ngày tôi may mắn tìm được một chân bán hàng trong tiệm McDonald’s khá xa nhà một chút, tôi hoan hỉ đáp xe bus đi làm, để ba dùng chiếc xe cũ chạy việc. Cha con tôi có chút niềm vui là công việc bán thời gian của tôi đem lại một ít “tiền còm” để xài. Đêm đêm ba lái xe đi đón tôi, hai cha con về nhà khi gia đình bác đã ngủ say. Chúng tôi rón rén vào phòng đóng cửa lại và bàn bạc về những chuyện sắp tới. Ba cứ khuyên tôi đừng buồn, hãy cố gắng. Ba không biết rằng tôi cũng mong ba đừng buồn, hãy yên tâm. Ở bên nhà, ba đi dạy, còn tôi mới bước vào đại học. Ba chọn đi theo “diện” bảo lãnh do bác tôi lo. Trước khi đi, ba cũng đã “vận động” tôi nhiều lắm. Ba nói qua Mỹ không phải là đến xứ thiên đường, mà mọi việc đều phải bắt đầu lại hết. Tôi sẽ phải gián đoạn việc học hành một ít lâu. Ba sẽ không đi dạy, không làm thầy nữa. Tôi nghe hết. Và mọi việc đều xảy ra đúng như chúng tôi tiên liệu. Do đó chúng tôi không buồn hay thất vọng, chỉ là hơi sốt ruột một chút.

*
Có một hôm, tôi thấy ba ngồi miệt mài gõ chiếc máy computer cũ bác cho cha con tôi. Ba gõ cả buổi, quên mất đêm đã khuya. Tôi mắt nhắm mắt mở nhắc chừng, ba tôi mới nghỉ tay. Hôm sau ba cho tôi xem, đó là một truyện ngắn. Tôi đọc, rồi như có một sức hấp dẫn lạ kỳ, tôi đọc ngấu nghiến. Tôi hỏi ba:
- Truyện này… của ba"
- Phải.
- Ba mới viết"
- Không, ba viết lâu rồi, hồi… xửa xừa xưa.
Tôi trợn tròn mắt:
- Thật không ba"
- Thật.
- Hay quá! Sao con không hề biết"
- Vì ba không nói.
- Sao bây giờ ba mới gõ ra"
- Ba nhớ lại, gõ ra, để… ba đăng báo.
- A! Con hiểu rồi! Vậy khi xưa ba có đăng chưa"
- Ba đăng rồi! Có nhiều người đã đọc.
Tôi vỗ tay reo lên:
- Hay quá! Ba là văn sĩ.
- Văn sĩ cái gì! Chỉ là viết cho vui.
- Không ba ơi! Con thấy hay lắm! Có ý nghĩa lắm! Vậy là ngày xưa ba viết bài đăng báo"
- Ừ.
- Ba có in sách không"
- Có.
- Vậy sao … con không nghe ba nói bao giờ"
Ba ngập ngừng:
- Vì ba đã ngưng viết trước khi con ra đời.
Tôi trố mắt không hiểu. Nhưng ba như không muốn nói nhiều. Ba lảng qua chuyện khác.

*
Tôi trở thành “thầy cò” cho ba tôi. Thật vui, bởi vì tôi vừa được đọc truyện do ba tôi nhớ lại và gõ, vừa được tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Chữ nào ba tôi gõ nhanh quá bị sai thì tôi sửa lại. May quá, tôi cũng khá giỏi môn chánh tả khi còn ở bậc tiểu học. Nhưng tôi lại là đứa học trò dở môn văn khi lớn lên. Nói chính xác hơn, là tôi ghét môn văn. Mà học trò thì ai cũng biết rằng hễ mình ghét môn nào tất mình sẽ trở thành người học dở môn ấy.
Ba tôi đăng báo. Mà là báo “ảo”, báo trên internet. Báo internet thì không có chút “tiền còm” nào hết. Ba nói khi “xửa xừa xưa”, ở Việt Nam ấy, cái thời chữ nghĩa còn được trân trọng ấy, tác giả có bài đăng báo sẽ nhận một số tiền gọi là “tiền nhuận bút”. Chà, chữ này đối với tôi nghe rất lạ đây! Nhưng ba giải thích với tôi tại sao ba say sưa “gõ” truyện của ba như vậy. Thứ nhất là vì ba còn đang thất nghiệp, thời gian trống chẳng để làm gì. Thứ hai là ba cảm thấy mừng khi một số người Việt ở đây muốn gầy dựng lại các nhóm văn học đã bị thất tán cùng với bài vở. Ba đồng lòng với ý hướng ấy nên ba làm. Thế thôi! Tôi thấy ba cũng có lý.
Có một điều khiến tôi chạnh lòng lắm. Số là do một hôm tôi buột miệng hỏi ba:
- Vậy má ngày xưa có biết ba đã viết văn không"
- Có.
- Má có đọc, có thưởng thức văn của ba không"
- Không. Má không thưởng thức.
Tôi hết hồn, nín khe luôn. Tôi biết ba má tôi cùng tuổi, học cùng lớp cùng trường, tức là sống cùng thời. Nhưng tôi tự an ủi ngay: “Không cùng tư tưởng, chịu thôi!”
Tôi hãnh diện có cha là một người viết tiểu thuyết. Dù là đứa học trò dở văn, ghét môn văn, tôi vẫn cảm nhận được những gì ba tôi gửi gắm trong văn. Ba nói tôi đừng gọi ba là nhà văn hay văn sĩ hoặc tiểu thuyết gia gì hết, hãy cứ gọi là “người viết” đủ rồi. Tôi “dạ” và nghĩ rằng ba thật “ngộ!”. Văn của ba tôi không cầu kỳ, không bí hiểm, không dùng sáo ngữ. Ba không viết những chuyện xa xôi trên mây trên gió. Tôi đọc và hiểu hết cái tình ba tôi gửi vào những nhân vật tiêu biểu cho thời tuổi trẻ của ba. Tôi thấy nó sống động lắm, gần gũi lắm. Tôi đã hình dung được khung cảnh xã hội của ngày đó ra sao. Tôi cũng đã hình dung ra ba tôi thời đi học, thời đi dạy, thời đi lính là như thế nào rồi!
Nhưng có một điều làm tôi chạnh lòng hơn nữa. Đó là ba đã ngưng viết đến gần ba mươi năm. Ba chỉ nói ra cái “sự kiện” đó mà không kèm lời giải thích. Tôi có hỏi “vì sao” thì ba chỉ nói:
- Sau này ba sẽ nói cho con nghe. Bây giờ, lo đi làm McDonald’s đi, năm tới đi học. Con sẽ học để bước vào “dòng chính”. À mà ba cũng sẽ đi học vào năm tới chứ! Muốn bước vào “dòng chính” thì phải đi học. Chính phủ giúp mà! Cái chuyện viết lách của ba chỉ là cho vui, đừng để tâm đến nhiều. Nó đã thuộc về quá khứ.
Tôi tạm yên tâm. Tôi thấy tôi đã hiểu được ba tôi nhiều hơn trước. Tôi, cái thằng con trai học giỏi nhưng hời hợt lắm!

*

Ba vẫn chưa có việc làm! Cái nghề nhà giáo dạy Toán của ba không dùng được. Ba muốn đi dạy lại thì năm tới ba sẽ bắt đầu đi học lại. Ngành nào cũng vậy mà! Hiện tại Ba vẫn muốn có một công việc nào đó, việc gì cũng được, để kiếm tiền. Hai cha con ước mơ có thể ra mướn nhà. Đi đâu ba cũng nghe câu “kinh tế xuống”. Ba thở dài ngao ngán.
Ba lại gõ, say sưa gõ. Không biết ở đâu mà truyện của ba tôi nhiều thế. Rồi đến một ngày ba khoe tôi một bài viết mới. Tôi reo lên:
- Ba đã viết lại!
Tôi không thể tả được niềm vui của tôi, lẫn một ngạc nhiên thật lớn. Ô, tôi, cái thằng hời hợt đến thế, vẫn cảm nhận được cái vui của người cha. Rồi nghĩ đến má tôi, tôi lại nao lòng. Ba má đã không sống với nhau từ khi tôi tròn mười tuổi. Ba đã thiếu ít nhất một người không đồng cảm.
Một ngày, có người bạn của bác tôi ghé chơi. Bác giới thiệu mọi người với nhau. Hóa ra không phải một cuộc ghé chơi tình cờ, mà là có chủ ý của ông khách. Bác tôi để cho ông bạn nói chuyện riêng với ba. Khi ông ấy về rồi, ba kể cho tôi nghe.
- Con biết không, ông ấy tình cờ đọc và biết ba “còn sống”.
- Ba “còn sống”"
- Phải. Ông ấy nói có lần người ta đồn ba đã chết. Lâu rồi!
- Hả""" Ông ấy đã quen ba sao"
- Không, chỉ biết ba qua sách báo ngày xưa thôi! Nói ngắn gọn là ông ấy đọc trên inernet biết ba còn sống và đã viết lại, rồi tình cờ qua chuyện trò với bác con, ông ấy biết ba là em của bác, ông ấy đến để nhờ ba một việc.
- Việc gì ba"
- Ông ấy nói muốn giúp ba có công việc làm kiếm tiền.
- A! Vậy ba có bằng lòng không" Việc gì"
- Viết.
- Vậy thì hợp với ba quá rồi! Có tiền nhuận bút không ba"
- Có, mà lại rất nhiều nữa.
- Vậy ba viết đi! Ông ấy làm báo nào"
- Không, ông ấy không làm báo, mà ông ấy nhờ ba viết chuyện đời của ông ấy.
- Vậy lại càng hợp với ba nữa! Ba đã nói với con là các nhân vật trong truyện của ba là có thật, ít nhất cũng thật vài mươi phần trăm.
- Nhưng con à, ba có cái sự sáng tạo của riêng ba. Cuộc đời của ai đó chỉ là chất liệu cho ba viết mà thôi! Ba phải nhào nặn câu chuyện theo ý ba. Và trong mỗi câu chuyện, không chỉ hoàn toàn là chuyện của một người, mà là kết hợp nhiều cuộc đời, nhiều cảnh sống.
- Thì ba cứ nói với ông ấy là ba sẽ kết hợp…
- Ông ấy muốn ba viết và nói rõ đó là cuộc đời của chính ông ấy.
- Con không hiểu ba ơi!
- Đây này! Ông ấy nhờ ba viết một quyển hồi ký cho ông ấy, ghi tên tác giả là ông ấy, rồi ông ấy trả tiền “nhuận bút” cho ba. Nói tóm lại là… ông ấy “thuê” ba viết.
- Nghĩa là ba phải ẩn danh"
- Đúng.
Tôi thộn mặt ra. Điều này tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Ba im lặng. Chắc ba cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Ba nếu có nghĩ thì chắc sẽ nghĩ đến một ngày nào ba viết hồi ký cho chính ba. Sóng êm biển lặng hay giông tố bão bùng cũng vẫn chỉ là cuộc đời của ba.

Bác tôi cũng đã nghe ba kể lại cuộc nói chuyện giữa ba và ông bạn của bác. Khác với tôi, bác có ý kiến tích cực hơn. Bác nói:
- Chú mầy biết không, ở đâu cũng vậy, có những người có khả năng viết văn giỏi và họ viết hồi ký giùm cho người khác. Nào phải ai cũng viết được cho hay, cho hấp dẫn đâu! Ngay đến các cựu tổng thống hay những người nổi tiếng, dù cuộc đời và sự nghiệp của họ lẫy lừng đến đâu mà nếu viết không hay thì cũng phải nhờ người sửa câu sửa chữ cho. Điều đó đâu có gì trái. Anh nghĩ chú mầy cứ làm đi! Giúp cho người ta và ít ra mình cũng sử dụng được cái văn tài của mình. Viết bài đăng internet khơi khơi làm gì có tiền!
Ba lặng thinh suy nghĩ. Xem ra ba có vẻ xiêu lòng. Bác tôi còn nói thêm:
- Cha mẹ mình đã dạy, làm việc gì bằng công sức của mình, kiếm tiền nuôi thân, đều không xấu. Chú giúp ông ấy viết hồi ký cũng như chú đi dạy Toán, khác gì đâu! Hoặc cũng giống như anh, đầu tiên qua đây đi cắt cỏ, đi rửa xe… anh không thấy gì là buồn cả. Mà công việc này lại nhàn nữa, chỉ mỏi cái bàn tay gõ, còn hơn đi làm lao động nặng nhọc. Chú nên nhận lời.
- Vâng.
- Anh hẹn cho ông ấy nói chuyện với chú để bàn về nội dung cuốn hồi ký nhé! Kệ, tội nghiệp người ta, có cuốn hồi ký để lại cho con cháu đọc để hiểu cái thời ngày xưa ra sao… cũng là xứng đáng lắm!

*
Khuya nay đón tôi về, ba kể:
- Ông bạn của bác con hẹn ba ra tiệm phở “Âu”, ông bàn chuyện viết và hứa trả tiền cho ba rất khá, đủ để cha con mình thuê nhà nửa năm. Ông còn nói hễ sách càng dày thì tiền càng tăng.
- A! Thật vậy hả ba" Rồi sao nữa" Ba đã biết được ý chính của cuốn sách ba sắp viết chưa"
- Ông ấy kể hết cho ba nghe rồi.
- Vậy ba phải viết đúng một trăm phần trăm cuộc đời của ổng há ba"
- Không.
- Ủa, sao vậy ba" Hồi ký mà!
- Vì là hồi ký… nên ông ấy muốn ba thêu dệt càng nhiều chuyện hấp dẫn càng tốt.
- Cái gì" Sao kỳ vậy ba"
- Ông ấy kể cho ba nghe một số chi tiết có thật xảy ra trong cuộc đời của ông ấy, nói ba dựa vào đó mà viết ra cho lâm ly bi thiết, nói rằng ông ấy gặp hoạn nạn ghê gớm ra sao, rồi ông ấy chống chọi một cách anh dũng thế nào, rồi ông ấy trở nên một người hùng trong mắt mọi người… Chưa hết, chuyện tình cảm của ông cũng phải như tiểu thuyết, như phim, phải thơ mộng, phải đẫm lệ, sao cho người đọc thấy được những cuộc tình đi qua đời ông rất đẹp, rất lãng mạn. Nói chung, như là… Doctor Zhivago vậy.
- Thì như vậy… là một cuốn tiểu thuyết!
- Không, không phải tiểu thuyết. Là một quyển hồi ký, đời thật của một người.
- Như vậy là không thật! Hồi ký thì phải hoàn toàn là sự thật. Thêu dệt là có tội. Tội đánh lừa người đọc. Ủa, mà ba ơi, sao ông ấy lại phải tốn nhiều tiền để làm như vậy"
Ba thở dài, tiếng thở dài này tôi chưa từng nghe:
- Ông ấy nói ông ấy kiếm tiền đã quá mệt mỏi. Bây giờ ông ấy đã có tiền. Ông ấy không cần tiền nữa. Ông ấy cần danh.

*
Ba tôi gặp ông bạn của bác tôi ở tiệm phở “Âu”. Lại tiệm phở “Âu”! Nhưng lần này là do ba hẹn. Ba bảo tôi có rảnh thì ra chơi luôn. Nhân buổi sáng là lúc tôi không có giờ làm việc ở McDonald’s nên tôi cũng ra đó. “Ông khách” của ba tôi đến. Ông vui vẻ kéo ghế, định gọi thức ăn thì ba ngăn lại, nói rằng ba đã gọi rồi. Người bồi bàn đem ra một tô phở. Ông khách ngạc nhiên thì ba nói ngay:
- Xin mời anh. Anh cứ tự nhiên dùng. Hai cha con tôi đã ăn sáng rồi ạ!
- Nhưng tôi sẽ trả tiền hết mà!
- Dạ không sao đâu. Xin anh cứ dùng đi!
- Thôi được. Nhưng tôi rất nôn nóng muốn biết chú cần thêm chi tiết gì nữa trước khi khởi sự viết giùm tôi cuốn hồi ký.
- Dạ thưa anh, tôi sẽ không viết đâu ạ!
Đôi mắt ông khách trợn tròn, ông lắp bắp:
- Chú… chú nói sao" Tại sao"
Ba đáp:
- Thưa anh, tôi thấy tôi không hợp với việc này ạ! Xin anh tìm người khác.
- Nhưng chú phải nói cho tôi biết lý do tại sao… Chú chê tiền à"
Ba lắc đầu, thản nhiên nói trong khi đứng dậy:
- Xin lỗi anh, tôi không giải thích được thêm gì nữa đâu!
- Tôi không hiểu…
- Vâng, anh sẽ không hiểu ạ!
- Tôi… tôi…
- Xin anh tự nhiên dùng. Tô này tôi đã trả tiền. Họ sẽ trừ vào tiền lương của tôi. Xin phép anh, tôi đi làm việc.
Ba quay đi và nhận cái “tạp-dề” từ tay người quản lý tiệm phở, đeo vào. Ba nhìn tôi, nhoẻn miệng cười:
- Thế con có muốn ăn phở không" Ba sẽ bưng cho con một tô…
Tôi cười theo:
- Dạ con muốn. Ba sẽ trừ vào tiền lương của ba chứ"
- Đương nhiên.
Thật tình là tôi muốn reo lên như người hâm mộ reo mừng chiến thắng của đội banh mà mình yêu mến. Tôi nén xúc động, ngồi đường hoàng nơi bàn như một thực khách chờ thức ăn. Và ba tôi kìa! Ba đang mang ra cho tôi một tô phở. Bước chân ba hơi khập khiểng một chút. Nhưng đó là những bước chân vững chắc nhất có thể dìu dắt tôi trong suốt cuộc đời này. Bước chân của một người đã gửi lại trong đất một phần thân thể. Người đó không muốn phản bội lại những gì mình đã hoài mộ. Tôi hiểu ra tại sao ba đã không viết trong một thời gian khá lâu, gần ba mươi năm. Bởi vì ba có một cây bút không thể bẻ cong. Ngày xưa cũng vậy, bây giờ cũng vậy. Người thầy giáo của tôi! Người lính của tôi! Ba yêu quý của tôi!
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
16/06/201103:42:50
Khách
Cám ơn chị Cam Li đã có một bài viết về ngày Từ Phụ rất ý nghĩa.
16/06/201113:29:14
Khách
Hay qua ! Chi My Thanh . Khong co loi nao ca ngoi nguoi cha dep hon vay nua . Cam on chi nhieu
16/06/201111:45:21
Khách
Cám ơn tác giã. Một bài viết thật hay, thật thấm thía. Hy vọng những người cầm bút còn chút lương tri như nhân vật trong truyện nầy, đừng bẽ cong ngòi bút.

Thử
09/07/201117:43:54
Khách
Cám ơn thi sĩ Nguyệt Mai và cám ơn tất cả quý độc giả.
28/06/201113:06:14
Khách
Cây Bút Của Ba Tôi
(Cảm tác truyện ngắn “Cây bút của ba tôi” của Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh)

Cây bút thì có nhiều loại:
Bút mực, bút chì, bút bi
Bút lá tre - thời nhỏ dại
Cho ai nét chữ nhu mì …

Cây bút của thời mới lớn
Viết bao truyện ngắn, truyện dài
Truyện Tuổi Hoa tươi mơn mởn
Của những thứ tình không phai

Ba cũng viết về người lính
Gắn đời mình với quê hương
Những trai hùng thời chinh chiến
Buổi mai xếp bút lên đường …

Một ngày vận nước long đong
Ba cất bút vào một xó
Vì đời không thể bẻ cong
Tô màu điều không thể có

Ba như là thân cây trúc
Đứng thẳng để mình vươn lên
Nâng niu từng câu, từng chữ
Gửi gắm tâm tình khó quên …

Cám ơn những người cầm bút
Còn giữ lại được cái “tâm”
Không làm cho đời vẩn đục
Để luôn sáng tỏ trăng rằm

Trần Thị Nguyệt Mai
23/06/2011
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,955
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.