Hôm nay,  

Tôi Ở Lại Sứ Quán Mỹ

02/08/200600:00:00(Xem: 268462)

Người viết: QUÂN NGUYỄN

Bài số 1069-1678-391-vb3010806

 

Tác giả Quân Nguyễn  cùng vợ con đến Mỹ năm 1987, ông trở lại trường học, tốt nghiệp cao học về Sociology tại CSUF, đệ tam đẳng huyền đai Tae Kwon Do, từng làm counlelor tại nhà tù tiểu bang ở Chino, hiện làm state parole officer ở Santa Ana, và là cư dân Anaheim, CA. Năm 1975, vào giờ thứ 25 của Saigon, ông là người ở lại trong khuôn viên toà đại sứ Mỹ cho tới phút sau cùng  và sau đây là hồi tưởng từng chi tiết sự việc trong cảnh di tản bi hài tại toà đại sứ Mỹ. Bài viết được tác giả ghi “Kính tặng hương hồn Đại sứ Mỹ Graham Martin.”

*

Hơn tuần nay tình hình chiến sự ở miền nam Lebanon vẫn tiếp tục sôi động, kể từ khi máy bay Do Thái xâm phạm lãnh thổ Lebanon để truy kích các mục tiêu của bọn khủng bố Hezbolla, sau khi bọn này bắt cóc hai người lính Do Thái, rồi liên tục pháo kích vào lãnh thổ của họ.  Nhằm bảo vệ tính mạng của công dân Mỹ sinh sống ở xứ đó, mấy ngày qua chính phủ Hoa Kỳ đã ráo riết cho di tản hàng chục ngàn người Mỹ ra khỏi Lebanon bằng tàu thủy lẫn trực thăng của Marines. 

Chiều hôm qua, tôi vô tình được xem trên TV cảnh người Mỹ ở Lebanon chen chúc xếp hàng bồng bế nhau để bước vào đuôi một trong những chiếc trực thăng của Marine đến di tản họ.  Chẳng hiểu sao tôi lại hồi hộp mong sao cho họ mau mắn bước lọt vào trong cái đuôi chiếc trực thăng cho xong, mặc dù rằng họ trông chẳng vội vã gì, và phi hành đoàn còn đang tận tình dìu dắt những gia đình hoặc phụ nữ có con nhỏ lên máy bay...mà chong chóng của trực thăng thì vẫn nằm yên chưa nhúc nhích gì hết.  Xa xa lại có vài chiếc trực thăng khác đậu yên lặng như chờ đợi...Vậy mà tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm sau khi nhìn thấy tất cả những đàn ông đàn bà và trẻ con đã ngồi sát cánh bên nhau trên sàn tàu và "seat belt" vào hai bên thành máy bay!  Thật ra tôi đã thầm cầu xin Trời cho họ được an toàn bay ra khỏi Lebanon trên những chiếc trực thăng mang chữ "Marines" đó...Vì chính tôi, trong cuộc đời khốn khổ, có lần cũng đã ngồi chờ đến phiên mình, để được chạy vào một trong những chiếc máy bay CH-46 Marine Chopper  năm xưa! Sau đây là một mảnh đời cay đắng nữa của tôi trong quá khứ...

*

Ngày 29 tháng tư năm 75, khoảng 9 giờ rưỡi sáng, tôi vào sứ quán Mỹ ở Sài Gòn bằng cổng sau, trên đường Hai bà Trưng thì phải (nếu tôi không lầm, 31 năm rồi còn gì!) 

Người hàng xóm của tôi, chú T, có người chị làm sở Mỹ, và toàn bộ gia đình, trừ chú, đã di tản diện sở Mỹ từ hôm 27.  Người chị chỉ khi vào đến phi trường mới biết là mình đã quá sai lầm khi bỏ lại người em trai duy nhất, vì nghĩ  rằng lính thì ai cho lên máy bay để đi di tản, mà các viên chức Mỹ phụ trách việc di tản ở phi trường thì lại chẳng quan tâm lính hay dân, hễ thân nhân của nhân viên sở Mỹ là OK! 

Từ phi trường cô ta cấp tốc gọi điện thoại cho cô bạn thân làm cùng sở để gửi gắm chú em, vì gia đình này, theo lịch trình được sắp xếp sẽ di tản vào ngày 29 tháng tư.  Không may cho họ, ngày 28 tháng tư, anh Việt cộng nằm vùng Nguyễn thành Trung lén lút lái chiếc F5-E của nó lên bay tới dinh Độc Lập thả đại hai trái bom chẳng trúng vào đâu, và lật đật cắm đầu tẩu thoát ra Đà nẵng.  Dù vậy, cái tin Sài Gòn bị ném bom, rồi phi trường Tân sơn Nhất bị pháo kích, không còn an toàn cho việc di tản của người Mỹ nữa. Thế rồi, chỉ còn sứ quán Mỹ đã là chỗ di tản cuối...

Như được thông báo trước, sáng ngày 29, khoảng 8 giờ sáng, tôi chở chú T tới nhà cô bạn cùng sở của chị chú, ở đường Gia Long, để tháp tùng họ mà vào tòa đại sứ, cách đó chỉ vài con đường ngắn.  Gia đình họ có hai vợ chồng, tuổi độ 30, với hai đứa con nhỏ, một người em trai cỡ tuổi tôi, và một bà mẹ khoảng ngoài 50, mặc áo dài  màu vàng lúa.  Họ lái ô tô màu trắng đi trước, tụi tôi chạy Honda nữ theo sau, mà đường phố thì tấp nập xe cộ, và mọi người đều có vẻ vội vã như trong một sáng 30 tết!

Đến trước cổng tòa đại sứ, họ đậu ô tô bên lề đường, tôi cũng khóa chân chiếc Honda dựng kế bên rồi tất cả nắm tay nhau băng qua đường để vào tòa đại sứ.  Trước cổng tòa đại sứ, người người đứng  bàn tán, người lương thiện thì đứng dò la tin tức, quân trộm cắp thì rình hễ ai vừa bước vào cổng sứ quán thì cạy cửa ô tô lái đi, hoặc cắt khóa xe Honda rồ mất...

Đằng sau hai cánh cửa bằng song sắt lớn của tòa đại sứ, hai ba người đàn ông Mỹ mặc thường phục đứng xem xét giấy tờ những người đến cổng, hỏi qua loa vài câu bằng tiếng Anh trước khi hé một bên cổng cho vừa một người lọt qua.  Chị làm sở Mỹ tay vẫn nắm chặt tay phải tôi như một người em thật của chị khi bước qua cánh cổng, miệng nói, "My brother!" Những người Mỹ liền để tôi lọt qua cửa, và họ đang định khép cánh cổng lại ngay đằng sau tôi, vì họ chỉ nghe người đàn bà nói,"My brother", chứ không phải, "My brothers".  Tuy nhiên tôi nhất định không buông tay chú T ra, mà cứ nhất định lôi chú theo tôi qua cánh cửa sắt.  Những người Mỹ đành nhượng bộ. 

Sau đó một hồi, tôi thấy mặt chú T vẫn chưa hết "hú hồn", nhưng tôi  dù tiếng Anh ngày ấy có thể "quờ quạng" nhưng đời nào tôi chịu bỏ tay chú ấy ra, vì nhờ chú nên tôi mới được theo vào đây!

Trong khuôn viên sứ quán tôi thấy đã có độ một hai trăm người vào từ trước.  Họ ngồi tụm năm tụm ba với thân nhân, hoặc đứng ngồi rải rác đây đó, hay đi tới đi lui trong cái "alley" (con hẻm nhỏ ở giữa hai dãy nhà dùng làm văn phòng) hẹp và ngoằn ngoèo bên ngoài những "offices" cửa khóa hoặc đóng im lìm.  Chẳng có nhân viên sứ quán nào đến bảo tụi tôi phải làm gì cả, có thể vì họ chưa biết phải làm gì, hay định là sẽ cho di tản tụi tôi vào ban đêm chăng"  Thế rồi càng lúc càng có thêm nhiều người đổ xô vào khuôn viên.  Tôi thấy một viên thiếu tá cảnh sát trong quân phục màu xám, với nón có hai nhành lá liễu, vào cùng với vợ con, và chỉ vài phút sau, ông ta trút bỏ bộ quân phục ngay trước mắt tôi, để mặc lên bộ đồ thường phục, và lẫn ngay vào trong đám đông đang đi đứng nằm ngồi lộn xộn khắp khuôn viên.  Tôi tự nhiên thấy băn khoăn vu vơ, có thể vì tôi là một SVSQ Cảnh sát, và bị chứng kiến tận mắt một thượng cấp của mình đang "tan hàng" một cách "đơn giản" như vậy sao!

Thế rồi tôi và chú T theo dòng người ngược xuôi đi hết cái "alley" ngoằn ngoèo đó thì ra đến một cái sân rộng có trồng cỏ, với một cái hồ bơi rất lớn ở giữa.  Ở đây người ta nằm ngồi la liệt chờ đợi vì chẳng biết phải làm gì.  Tụi tôi đi loanh quanh chán rồi cũng ngồi bệt xuống cỏ như họ.  Có vài người tò mò mở một cánh cửa và thấy đó là một nhà kho chất rượu, thì liền hùa nhau "ăn cắp" rồi nhét vội vào những túi hành lý, vali, xách tay của họ những chai Johnnie Walker, Rum Barcardy, Scott Whiskey... Người Mỹ biết được liền đến lục soát hành lý của những kẻ bị "bắt tại trận", lôi ra những chai rượu quí hóa và đập bể ngay tại chỗ.  Thật là xấu hổ cho đám người đi đến đâu cũng "chôm chỉa!"

Lê lết đã chán vì chẳng biết làm cái gì, chờ cái gì, thì khoảng 6 giờ chiều, một nhân viên thường phục của sứ quán, có lẽ là người Tàu hoặc Đại hàn, vì nói tiếng Việt lơ lớ, dùng cái loa điện cầm tay, yêu cầu chúng tôi sắp hàng đôi ngay sau một cánh cổng sắt nhỏ bằng cái cửa chính của nhà tôi bây giờ.  Cánh cửa này ngăn đôi phần sân sau của tòa đại sứ có hồ tắm, và sân trước với hai cây tùng cao ngất mọc ngay đằng trước cái  building chính cao đến chục tầng của sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.

Tôi và chú T vẫn dính liền với nhau từ lúc vào khuôn viên sứ quán.  Gia đình của chị làm sở Mỹ thì đã tách riêng ngay từ lúc vào cổng, nhưng chắc cũng đang nằm ngồi đâu đó.  Khi loa thông báo xếp hàng đến được tai tôi thì bà con đang chen lấn xô đẩy dành giựt nhau để xếp hàng ngay đằng sau cánh cổng nhỏ đó, và cái giòng người đứng ngoằn ngoèo dọc theo một bên hồ bơi, đã kéo dài đến năm bẩy chục thước rồi! 

Chẳng biết xô xát nhau ra sao, mà người nhân viên sứ quán Á châu nói trên lại phải dùng loa phóng thanh cầm tay nói tiếng Việt lơ lớ nhiều lần, "Xin quí vị đừng chen lấn, ai vào đây cũng sẽ được đi cả.  Ông đại sứ sẽ là người đi sau cùng!"

Ngày ấy, tôi và chú T còn trẻ và chẳng biết bon chen dành giựt là gì, nên chỉ lẳng lặng xếp hàng, vả lại, như người nhân viên sứ quán vừa nói, ai vào đây cũng sẽ được đi thì đúng rồi, và ông đại sứ sẽ là người đi sau cùng thì mình còn gì phải lo gì nữa mà làm mất nhân cách!

Vậy mà đứng xếp hàng gần hai tiếng vẫn thấy mình chẳng nhúc nhích gì hết. Hóa ra bên kia cánh cổng nhỏ, TQLC Mỹ đang ồn ào cưa vội hai cây tùng sát đến tận gốc để trực thăng của Marines có thêm một bãi đáp "dã chiến" nữa trước sân tòa đại sứ mà đáp xuống bốc người. 

Sau đó nhân viên sứ quán cho đậu tất cả những ô tô kềnh càng của họ vào một góc sân, nổ máy để rọi tất cả đèn pha ô tô vào cái khoảng sân trống trải đó để trực thăng bên trên có thể nhìn rõ được bãi đáp mà xuống. 

Lúc ấy khoảng 7 giờ rưỡi tối, tôi và chú T mệt và đói lả vì từ sáng đến giờ chẳng có  gì vào bụng, lại còn đứng xếp hàng chán chê, nên khi nghe một nhân viên sứ quán người Mỹ thông báo, "Dinner served at the kitchen!", tôi và chú T liền bỏ hàng để đi kiếm cái gì ăn.  Ở nhà ăn, có hai người bếp Mỹ đàn ông đang cắt những lát "ham" từ những cục "ham" thịt heo lớn để vào những đĩa nhựa phát cho từng người, còn bánh mì lát thì đễ sẵn, ai ăn thì tự lấy. 

Tôi với chú T ăn vội miếng "ham", uống nước lạnh, rồi vội vã chạy trở về chỗ xếp hàng cũ của mình ngoài sân.  Bấy giờ, những người xếp hàng gần cánh cổng nhỏ đã bắt đầu được phép đi qua bên kia.  Họ bước qua hối hả như qua cửa thiên đường sau hai tiếng đồng hồ đứng xếp hàng mòn mỏi, trong khi hai nhân viên sứ quán đứng đếm đầu người cho đủ 50 cho mỗi toán rồi ngắt quãng, chờ cho toán người vừa đếm xong được hướng dẫn ra ngồi theo từng nhóm xung quanh cái bãi đáp ở sân trước tòa đại sứ. 

Trời đã sụp tối nhưng đèn đuốc trong sân tòa đại sứ sáng choang, dù vậy tôi và chú T vẫn chẳng tìm ra chỗ xếp hàng hồi nãy của mình.  Đang ngó quanh quất tìm kiếm chỗ cũ thì tôi chợt nhận ra gia đình chị làm sở Mỹ đứng trong hàng.  Tụi tôi mừng rỡ đứng vào hàng với họ.  Bà cụ thì trông mệt lả, còn mấy đứa cháu nhỏ vừa mệt vừa quấy nên bố mẹ phải dỗ dành bồng bế liên tục!

Đến 10 giờ đêm thì nhóm tôi đến được cánh cổng nhỏ.  Vì xếp hàng đôi nên phải có hai người Mỹ đứng hai bên ngay cánh cổng để đếm mỗi bên, "One, two...three, four...five, six", khi đến tôi, tôi thấy hai người Mỹ vừa chỉ ngón tay vào từng người, vừa đếm, "Forty-three, forty-four...", tôi là người thú 44 của nhóm người đó.  Như thường lệ, hai người Mỹ ngưng đếm ở con số 50, để chờ cho hai người Mỹ khác bên kia sân  hướng dẫn nhóm tôi vào ngồi tại môt góc trống trước bãi đáp. 

Trong sân, theo thứ tự chiều kim đồng hồ, nhóm 50 người tới trước sẽ bồng bế nhau cùng với hành lý xách tay chạy vào cái building chính của sứ quán, rồi vô những cái thang máy lớn để lên bãi đáp chính của trực thăng trên nóc.  Nhóm 50 người kế tiếp đang ngồi chờ trước bãi đáp "dã chiến" dưới đất phải đứng lên, "dọn" qua chỗ trống bên trái của nhóm vừa lên "nóc", rồi khi chiếc trực thăng kế tiếp từ Hạm đội Bẩy ngoài khơi bay vào, sẽ đáp xuống bãi đáp "dã chiến" dưới đất, và nhóm này sẽ chạy vào đuôi chiếc trực thăng Marines đó (một loại trực thăng với hai chong chóng lớn bằng nhau ở đầu và đuôi, giống như chiếc "Chinook", nhưng nhỏ hơn, há mồm ở đuôi được, và có thể chở 50 người cùng hành lý một lần). 

Chẳng may cho nhóm tôi khi vào được bãi chờ thì chiếc trực thăng trên nóc chưa đi, mà chiếc trực thăng xuống đất lại chưa tới, nên chẳng có nhóm nào đang ngồi chờ nhúc nhích gì được.  Vì vậy, nhóm của tôi không có chỗ để ngồi chờ, phải đứng xớ rớ một lát.  Kẹt quá, sẵn có cái căn nhà nhỏ một tầng ngay đó, cao độ 10 thước, trên nóc có cái bao lơn rộng với bờ thành xung quanh cao độ thước hai, đi lên bằng cái cầu thang sắt thẳng đứng gắn dính vào hông nhà, hai người Mỹ liền bảo tụi tôi leo lên đó chờ!  Rồi thì cả nhóm 50 người tụi tôi, già trẻ lớn bé đàn ông đàn bà đành phải bồng bế nhau trèo cái cầu thang đó để lên cái bao lơn định mạng đó!  Trên đó đã có sẵn hai ba người lính TQLC Mỹ đang dựa bao lơn  thủ súng ra phía ngoài.  Họ đỡ tụi tôi lên bao lơn từ cái thang sắt và bảo tất cả ngồi xuống để họ tiện quan sát bên ngoài và từ trên bao lơn xuông. 

Từ cái bao lơn đó trong bóng đêm náo nhiệt tiếng trực thăng lên xuống, tôi nhìn xuống bãi đáp sáng choang ở sân trước tòa đại sứ và thấy có khoảng tám tới mười nhóm người ngồi thành vòng tròn để chờ máy bay.  Riêng khoảng sân ngay trước building chính thì để trống vì phải chừa làm chỗ đi qua cho nhóm sẽ đi lên lầu. 

Bên ngoài hai cánh cổng chính bằng sắt và các bờ tường của sứ quán người ta đứng chen chúc nhau đến tận bên kia đường, và có đến vài ngàn người vây quanh cái tòa đại sứ như một biển người! TQLC Mỹ phải vất vả lắm để giữ cho hai cái cổng sắt khỏi bị đẩy sập vào trong. 

Lúc ấy, dù có giấy tờ làm sở Mỹ, hay đeo lon tướng, TQLC Mỹ cũng không dám mở cửa cho vô, vì chỉ cần hé cánh cửa ra là cái biển người bên ngoài sẽ xô nó bật vào trong hoặc làm đổ sập xuống liền.  Cũng có một vài người Việt làm sở Mỹ len lỏi được đến chân tường sứ quán, dơ được tấm thẻ sở Mỹ lên, và được lính TQLC Mỹ chồm ra ngoài bờ tường lôi cả vợ lẫn chồng lên một cách nhẹ nhàng.  Nhiều người đàn ông đàn bà thấy vậy liền liều lĩnh trèo lên tường tòa đại sứ, bị TQLC Mỹ dùng báng súng đánh cho rơi xuống đầu những người đứng bên dưới!

Trong sân tòa đại sứ, trực thăng vẫn lên xuống đều đặn trên nóc và dưới sân, bốc đi 50 người mỗi chuyến, trong khi những chiếc khác từ ngoài khơi vào bay vòng vòng chờ tới phiên mình để xuống.  Những nhóm mới 50 người mỗi toán bên phía hồ bơi thì tiếp tục lần lượt đi qua cánh cổng nhỏ để thế chỗ vào những nhóm bên đây vừa được bốc đi di tản. 

Vào khoảng nửa đêm, tôi thấy có vài người lính TQLC Mỹ leo lên nóc một dãy nhà hai tầng của sứ quán sát với  bờ tường của bót cảnh sát Quận Nhất.  Họ liền dùng kềm cắt bỏ sát tới đầu tường một  khoảnh hàng rào lưới B40 cao vút mà ngăn đôi bờ tường của sứ quán và của bót cảnh sát, rồi dựng một cái thang tựa vào bờ tường ngay chỗ đó.  Bên phía bót cảnh sát, một hai viên sĩ quan cảnh sát trong đồng phục xám và vợ con họ, tất cả khoảng mười người, từ cửa sổ lầu hai của bót chui ra, bước dọ dẫm trên nóc nhà về phía hàng rào B40 rồi chậm chạp leo qua cái hàng rào đó, đàn bà trẻ con leo trước.  Một người lính TQLC Mỹ to lớn đứng trên cái thang phía bên sứ quán chồm xuống giúp đỡ họ leo qua.  Tôi thấy người lính đỡ trẻ con bằng một tay và chuyền cho những người lính khác đứng ở dưới.  Ông cũng hai tay xốc nách một bà bầu lên rồi chuyển xuống dưới một cách nhẹ nhàng! Sau đó đến những người đàn ông leo qua.  Tôi liền nhận ra một người đàn ông cao lớn mặc thường phục áo trắng bỏ ngoài quần leo sang sau cùng--đó là Đại tá Công, viện trưởng Học viện CSQG Thủ Đức của tôi, thật may mắn cho ông ta! Chỉ sau này khi nói chuyện với gia đình ông còn kẹt lại Việt Nam, tôi mới biết rằng khoảng 4 giờ chiều ngày 29 tháng 4, ông cùng với các người lính cận vệ tất cả trong quần áo rằn ri của cảnh sát dã chiến chạy trên hai chiếc xe díp từ Thủ Đức về Bộ tư lệnh CSQG ở đường Trần hưng Đạo để xin lệnh tử thủ, thì chỉ gặp được một viên thiếu tá trực ban, chẳng dám bỏ nhiệm sở vì sợ bị ra tòa án quân sự! Còn tất cả tướng tá cảnh sát khác ở Bộ tư lệnh thì đã "chuồn" hết rồi! Thất vọng, hoang mang, ông liền chạy về nhà để vấn an cha mẹ, và bị thúc giục "đi ngay đi".  Chẳng làm  được gì hơn, ông liền cho thuộc hạ giải tán về lo gia đình, rồi tìm cách chạy vào sứ quán Mỹ.  Mà giờ đó có là ông tướng cũng chẳng chen chân đến cổng sứ quán được, mà dù có đến được cổng, TQLC Mỹ cũng chẳng dám mở cửa cho vô, như đã nói ở trên.  Nhờ Trời, bót Quận Nhất lại sát tường với sứ quán Mỹ, mà ông là Đại tá cảnh sát thì vào bót khó gì.  Ở đây, ông cũng chỉ gặp một viên đại úy trực ban chẳng dám bỏ nhiêm sở.  Nhờ học kinh tế ở Úc về nên tiếng Anh thông thạo, ông đã gọi điện thoại, xưng danh tánh chức vụ, và thuyết phục được sứ quán Mỹ để ông và thuộc hạ với vợ con được leo rào từ quận cảnh sát mà vào sứ quán, và rồi tất cả được đưa ngay lên chiếc trực thăng đang đậu trên nóc tòa đại sứ mà bay đi...

Đã bốn giờ sáng rồi, mà nhóm tôi vẫn ngồi yên bất động trên cái bao lơn chật hẹp đó! Xa xa tiếng trọng pháo nổ ì ầm liên hồi, chẳng biết ta hay địch bắn.  Bầu trời đêm mây trắng mù mịt, mưa rơi lác đác, thỉnh thoảng lại rớt nặng hột.  Ở bên dưới, nhân viên sứ quán tiếp tục cho di chuyển những nhóm 50 người mới từ bên sân hồ bơi sang sân bãi đáp, và từ bãi đáp mà lên trực thăng rồi bay đi...Họ đã quên bẵng về nhóm của tôi, vì "Out of sight, out of mind!"  Chúng tôi như cá nằm trong rọ, chẳng biết làm sao, xảy có người trong nhóm đứng lên "complain" với người lính TQLC trên bao lơn rằng tụi tôi lên đây từ 10 giờ đêm, mà vẫn còn ngồi đây!  Họ liền cho tất cả leo xuống thang và đưa vào bãi đáp mà ngồi chờ với những nhóm khác.  Vì chẳng còn người nào bên sân hồ bơi để chuyển qua sân bãi đáp, nên nhóm của tụi tôi là nhóm ... cuối cùng vào sân chờ, và sẽ được lên chuyến bay sau cùng, "Lo gì, ông đại sứ sẽ là người đi sau cùng mà, họ đã nói thế!"

Trên bầu trời mây đêm mù mịt, gần chục chiếc "Marines" vẫn bay vòng vòng chờ đáp xuống.  Trên bãi đáp chỉ còn có chín nhóm ngồi chờ.  Thế rồi một nhóm bồng bế nhau chạy vào cái building chính, lên nóc bay đi, nhóm kế chạy vào đuôi chiếc "Marines" ở bãi đáp trước mặt tụi tôi, rồi bay đi.  Khi chiếc "Marines" này bay lên độ 50 thước, tôi thấy nhiều cánh tay dơ lên sau kính cửa sổ, vẫy chào vĩnh biệt đất mẹ, chẳng hiểu sao tôi lại dơ tay vẫy chào lại họ, làm như tôi là một kẻ đi tiễn đưa!

Rồi nhóm thứ ba chạy lên nóc, bay đi.  Ngay sau đó có cái gì không ổn rồi, vì trên trời có hàng chục chiếc "Marines" từ Hạm đội Bảy bay vào, nhưng cứ bay vòng vòng như muốn xuống mà chẳng xuống đuợc.  Thế rồi một chiếc đáng lẽ theo phiên phải đáp xuống sân nhưng nó lại đáp trên nóc!  Chiếc đó đậu rất lâu trên nóc, mà chẳng có nhóm nào chờ dưới đất  được nhúc nhích cả... Tôi bỗng thấy những người lính TQLC đứng lố nhố phòng thủ trên bờ tường sứ quán hồi nãy, biến đâu mất hết, rồi thì, bất thình lình họ xuất hiện cùng một lúc, dàn hàng ngang ngay khoảng trống trước cái building chính.  12 người lính đó, bỗng "bên phải quay, đằng trước...dợm chạy" về phía cửa của building.  Biết họ đang bỏ mình lại để tháo chạy chẳng biết vì lý do gì,  tất cả chúng tôi, khoảng 400 người của tất cả các nhóm vụt đứng dậy cùng một lúc, ùa chạy theo họ một cách vô vọng.  Như đã đoán trước phản ứng của tụi tôi, 12 người TQLC vội quì một chân xuống ngay tại chỗ, và nâng súng M 18 của họ lên tận mắt nhắm về chúng tôi.  Tôi biết họ sẽ chẳng bao giờ bắn chúng tôi, những kẻ bị họ bỏ rơi lại, nhưng vì phản xạ tự nhiên, chúng tôi đều nằm rạp xuống.  Họ chỉ chờ có thế, liền cấp kỳ chạy thành hàng một vào cái building chính, rồi khóa trái cửa lại.  Nhiều người điên cuồng cố cạy cánh cửa sắt, vô ích thôi!  Nhìn lên nóc building, tôi thấy TQLC Mỹ chạy vào chiếc trực thăng cuối cùng, rồi vội vã bay đi, không quên ném lại lựu đạn cay xuống để giải tán nhóm người họ phải bỏ lại! 

Trên bầu trời đêm đã bớt náo nhiệt, vài máy bay "Marines" vẫn lượn vòng vòng một cách tức tối vì thấy còn người cần di tản trong sân sứ quán, mà dưới đất thì không còn nhân sự nào để điều hợp việc đáp xuống, họ đành bay vòng vòng độ nửa tiếng trước khi quay trở lại hạm đội ngoài biển Đông!

Lúc bấy giờ đă năm giờ sáng ngày 30 tháng tư, tôi nước mắt dàn dụa vì khói cay, và thất vọng, chỉ còn cách chạy vội tới bờ tường sứ quán gần nhất để leo ra.  Trong lúc chạy tôi thấy có một người đàn ông da trắng ngoại quốc tóc dài, râu ria xồm xoàm, cũng hốt hoảng chạy bên tôi.  Tôi chẳng biết ông ta là Mỹ hay Tây, nhân viên cơ quan Mỹ hay ký giả.  Ném luôn cái túi vải mà tôi đã mang kè kè từ ngày hôm trước, tôi vội vã leo ra khỏi sứ quán ngay cánh cổng nhỏ có cái dù che nắng mưa cho người lính gác vì cay mắt quá. 

Rơi xuống đất bên ngoài cái cổng nhỏ đó tôi nhác thấy cổng dinh Độc Lập nằm im lìm xa xa phía sau lưng.  Mệt mỏi, thất vọng, đầu óc mất hết trí phán đoán, tôi chỉ còn nghĩ đến gia đình, thôi về nhà vậy... 

Cái biển người bên ngoài sứ quán đã đẩy bật tất cả cổng lớn của xứ quán, và bọn trộm cắp hôi của đang chất tất cả những gì chúng có thể mang đi đuợc từ tủ lạnh, TV, máy lạnh, quạt máy... và lái ồ ạt ra khỏi sứ quán bằng những chiếc ô tô đang còn nổ máy đang đậu sẵn ở bãi đáp "dã chiến".  Tôi trở lại tìm chiếc xe Honda, và gặp lại gia đình người chị sở Mỹ.  Cả cái ô tô con của họ và xe Honda của tôi đều biến mất.  Chẳng còn biết nói gì  hơn trong hoàn cảnh này, tụi tôi đành chào vội rồi lặng lẽ chia tay...

Đường phố vắng tanh, tiếng súng đủ loại càng lúc càng gần và liên tục chẳng biết đến từ hướng nào.  Có lẽ chỉ có mình tôi lê lết trên đường vắng để về nhà.  Trời đã sáng bạch, chưa về tới nhà, đã thấy cờ Việt cộng treo im lìm trước hẻm...Thế là hết! 

Bước vào nhà, chỉ còn mẹ và thằng em út, bố tôi và thằng em kế đã chạy thoát, lúc đó tôi chẳng biết là mình nên buồn hay vui, nhưng hiểu rằng đời mình đang tan tác từ đây...

Thế rồi, 12 năm sau tôi cũng đến được nước Mỹ.  Ngồi coi lại những bài báo viết về cuộc chiến Việt Nam, tôi mới biết rằng vào khoảng 4 giờ sáng ngày 30 tháng tư đó, đạn trọng pháo của Việt cộng đã giết chết hai người lính TQLC Mỹ còn trú đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất.  Vì vậy, để tránh thiệt hại thêm nhân mạng cho người Mỹ tại Việt Nam, kể cả ông đại sứ Mỹ, tổng thống Ford đã ra lệnh cho Đại sứ Graham Martin rời tòa đại sứ để bay ra hạm đội ngoài khơi ngay lập tức.  Từ văn phòng trên cao nhìn xuống, khi thấy chúng tôi còn đang ngồi chờ dưới đất, ông nhứt định từ chối ra đi.  Một viên thiếu tá phi công Marine, được lệnh trực tiếp từ tổng thống Ford, đã  cưỡng bức ông đại sứ lên trực thăng, vì chỉ khi nào ông đại sứ ra đi, thì những lính TQLC Mỹ ở tòa đại sứ mới được phép bỏ sứ quán mà tháo chạy ra hạm đội.  Ông đại sứ đã chẳng thất hứa với tôi và khoảng 400 người khác, ông bị vác ra trực thăng và đã bật khóc khi phải bỏ lại chúng tôi!  Tôi biết ông là con người tốt, và  ông cũng đã mất một người con trai tại Việt Nam. 

Ở lại sứ quán Mỹ ngày đó...âu cũng là số phận của tôi, tôi chẳng oán trách ai cả.  Ước mong sao, có một ngày trong đời, tôi sẽ đến thăm nơi yên nghỉ cuối cùng của ông đại sứ để nói với ông một câu, "Thank You Graham.  Thank you so much for your kindness to me, and to my people.  God bless you and America!" (Cám ơn Graham.  Cám ơn ông rất nhiều về lòng nhân ái đối với tôi và đồng bào tôi.  Xin Trời ban phước cho ông và cho nước Mỹ!)

QUÂN NGUYỄN

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,319,186
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.