Người viết: SAO NAM TRẦN NGỌC BÌNH
Bài số 1023-1632-345-v2290506
*
Tác giả Sao Nam Trần Ngọc Bình đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Ông là cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, hiện là cư dân Greenville, tiểu bang South Carolina. Sau đây là nài viết mới nhất của ông.
*
Thiên nhai cố nhân thiểu
Đỗ Phủ
Tôi hỏi người bán vé:
Từ đây đi Washington DC giá bao nhiêu và xe chạy mất mấy giờ và nếu tôi là người có tuổi thì bớt được bao nhiêu"
Ngửng lên nhìn tôi, ông ta vừa bấm máy bán vé vừa trả lời:
Ông được bớt còn 145.37 xu, còn nếu ông mua trước 7 ngày thì giá vé trong khoảng từ 80 đến 119 dollars tùy theo xa gần.
Hãng xe đò Grey Hound là hãng xe chạy xuyên bang thành lập năm 1914 ở Mỹ, hàng ngày có 16.000 ngàn chuyến xe chạy trên 3100 tuyến đường xuyên nước Mỹ, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và ngược lại, với số lượng hàng năm là 22 triệu hành khách. Ngoài ra, hãng còn có các chuyến xe chạy sang hai nước láng giềng là Canada và Mexico nữa.
Các tuyến xe đò của hãng qủa là đã thỏa mãn phần nào nhu cầu di chuyển của giới bình dân và của những người không có nhu cầu cần phải tới ngay nơi đến trong thời gian ngắn nhất.
Khách cứ việc ung dung lên xe, và nếu thích có thể ngắm cảnh hai bên đường hay đọc sách trong khi đó hình như theo chỉ thị của hãng tài xế không bao giờ cho xe chạy quá 60 miles nên xe chạy rất êm và khách có cảm tưởng như là xe chạy chậm.
Đi xe đò có cái lợi là không sợ bị đồ đệ cuả Bin Laden tặng " quà", không phải qua thủ tục kiểm soát hành lý tuy đơn giản nhưng chẳng ai muốn cả và nếu nơi bạn tới không xa lắm thì mời bạn hãy đi xe đò.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 75,tôi ghé nhà anh Q., bạn cùng đơn vị. Anh Q. là người tánh tình đôn hậu , dễ mến dù chỉ có dịp nói chuyện với anh có đôi lần tôi đã bị cái chân tình của anh " bắt " ngay lần đầu và làm tôi nhớ mãi không thôi. Hai chúng tôi cùng nhau chuyện trò mà không biết số phận mình ngày mai sẽ ra sao.
Tháng 10/75, sau khi được ra khỏi nhà tù nhỏ, tôi trở về Saigon tuy không thấy " mưa sa trên màu cờ đỏ" nhưng lại thấy một Saigon tan tác, thê lương, ngơ ngác, hoang dại, đờ đẫn mà cái cảnh "mưa sa trên màu cờ đỏ" hình như chưa tả hết được nỗi niềm , được tâm sự của người dân Miền Nam lúc bấy giờ .
Đi đâu cũng nghe bàn tới , bàn lui về những chuyện vượt biên, vượt biển, người đi thoát , người mất tích, người tới được đảo, người được đi dịnh cư từ đảo, người đi bảo lãnh, người đi diện đoàn tụ, người đi diện hôn nhân v..v..
Tôi chợt nghĩ rằng Saigon mà tôi đang ở là "một Saigon bị mất đi một cái gì qúy giá " y như người con gái đẹp mà mình quen biết năm xưa, nay đã thay đổi cả về diện mạo lẫn tư tưởng, khiến người quen không còn nhận ra nữa.
Tôi đang ở Saigon mà Saigon bây giờ không còn là Saigon năm xưa nữa, có lẽ vì Saigon đã được mang một cái tên lạ lùng, xấu xí.
Cái tên này người dân bản địa chẳng một ai thích và tôi, tôi lại càng không thích nên Saigon lúc bấy giờ càng trở nên xa lạ đối với tôi.
Tôi tìm đến nhà anh Q., khi đến nơi, tôi cẩn thận đạp xe đạp chạy qua chạy lại nhìn vào trong nha, chẳng thấy anh đâu chỉ thấy những người lạ mặt đang ở trong nhà.
Tự nhiên câu thơ của Đỗ Phủ: "Thiên nhai cố nhân thiểu" làm tôi buồn rầu. Quá thất vọng vì không thấy bạn xưa đâu để có dịp hàn huyên sau những tháng năm mòn mỏi trong tù, tôi bèn đạp xe đi thẳng vì nghĩ là có lẽ anh đã rời nhà đi nơi khác hay đã vượt biên.
Thế rồi, chương trình HO được loan báo, cả Saigon hình như bừng tỉnh và khoác lên mình một cái áo mới, cái áo HO. Tại Văn Phòng Dịch Vụ Xuất Cảnh , taị Sở Ngoại vụ lúc nào cũng đông ngẹt những người là người. Ai ai cũng mong giấy tờ của gia đình mình sớm hoàn tất để lên đường, thoát khỏi chốn u mê, tăm tối vì nơi đây tuy là quê hương yêu dấu nhưng nay chỉ là nơi áp bức, tù đầy.
Gia đình tôi cũng lên đuờng đi định cư ở Mỹ sau khi đã may mắn hoàn tất thủ tục giấy tờ xuất cảnh sớm hơn dự tính trong khi các anh em đồng cảnh ngộ còn đang chạy tới chạy lui để lo giấy tờ. Người nào xong thì lên đường, thế nhưng cũng có những tiếng thở dài của những anh em đồng cảnh ngộ không đủ điều kiện vì chỉ bị tù dưới ba năm. Đúng là cuộc đời dâu bể khôn lường, câu chuyện Tái Ông Thất Mã xưa của Trung Hoa lại được nhắc đến như là một chân lý của cuộc đời.
Những năm tháng làm quen với đời sống bên Mỹ trôi qua nhanh và cuộc sống dần dần đi vào ổn định thì tôi được tin vui là anh Q. chỉ ở một nơi cách tôi có 10 giờ nếu đi bằng xe đò.
Thư đi, phone lại và hôm nay chúng tôi lên xe đò để thăm người bạn năm xưa. Chuyến xe đò hôm nay tương đối đông khách vì là chuyến chạy xuyên bang, trạm nào cũng ghé để đón khách nên khi chúng tôi lên xe, kiếm một ghế có hai chỗ ngồi liền nhau để chúng tôi cùng ngồi một ghế cho tiện thì ghế nào cũng đã có một người ngồi rồi. Thế là chúng tôi đành xé lẻ, vợ ngồi hàng ghế phiá trước, chồng ngồi hàng ghế phía sau.
Chúng tôi chưa ngồi yên chỗ thì một bà người Mỹ ngồi ở hàng ghế phía trước quay lại hỏi tôi:
Ông có muốn đổi chỗ để hai vợ chồng ngồi cạnh nhau không" Ông lên đây ngồi, để tôi xuống phía dưới cho.
Được lời như cởi tấm lòng, tôi hân hoan nở nụ cười tươi và ngỏ lời cám ơn, thế là chúng tôi lại ngồi chung một ghế có hai chỗ ngồi.
Đến đây, tôi xin dài dòng một chút, người Mỹ quả là có lòng hiếu khách. Khi đáp máy bay cũng vậy, nếu chỗ ngồi bị xé lẻ và mình yêu cầu thì họ rất vui vẻ và rất hân hoan đổi chỗ để vợ và chồng có thể ngồi gần nhau.
Hình như chỉ ở trên xe đò chạy đuờng trường và trên máy bay mà thôi còn trên xe buýt chạy trong thành phố thì không thấy chuyện này xẩy ra có lẽ vì quãng đường quá gần chăng.
Đến Charlotte,NC khi trở lên xe để tiếp tục cuộc hành trình thì lần này, vợ chồng chúng tôi lại được một bà Mỹ đen nhường chỗ để chúng tôi lại có dịp ngồi gần nhau.
Chỉ căn cứ vào cách cư xử của người dân thì quả thật nước Mỹ vừa có phong cảnh đẹp mà phong thái của người Mỹ cũng đẹp nữa. Người Mỹ luôn luôn hào hiệp giúp đỡ bất cứ ai khi được yêu cầu, không bao giờ nề hà tuổi tác, phái tính và nhất là trẻ em thì lại được đăc biệt chú ý.
Bạn có con nhỏ, cần hâm sữa cho nóng ư, cứ ghé bất cứ nhà hàng nào thì các cô phục vụ sẽ vui vẻ giúp liền mà bạn chẳng cần mua bất cứ món gì.
Hình như sự giúp đỡ đó là một nét rất đặc trưng về nền văn hóa Mỹ tuy rằng nước Mỹ mới chỉ xuất hiện trên trái đất này không lâu, nếu so sánh với các nước khác trên thế giới.
Khi chiếc xe đò bắt đầu vào exist đi vào thành phố Fredericksburg,VA, vào lúc 6 giờ sáng, thì chuông điện thoại cầm tay của tôi reo lên, phía bên kia đầu giây là tiếng nói trầm ấm mang theo sự chờ đợi dịu dàngmà nôn nóng của anh Q. :
Đã tới chưa để tôi ra đón.
Một lát sau, anh Q. tới, chẳng kịp tay bắt mặt mừng, chúng tôi chỉ ôm nhau có lẽ chưa đầy một giây đồng hồ nhưng cũng đủ lâu để làm cho khoảng cách 31 năm gần lại, như trong gang tấc mà còn ngờ là chiêm bao.
Hình như những người bạn hiểu nhau thì chẳng cần nói nhiều mà trái lại .Vì thế, khi ngồi trong phòng khách nhà anh, cùng nhau đàm đạo, chúng tôi ít nói nhưng lại có cảm tưởng là cả hai hiểu nhau nhiều hơn, nói nhiều hơn .
Phải chăng đã là bạn thì chỉ cần một lời nói, một cử chỉ là có thể thay cho hàng ngàn lời nói "
Ngày hôm sau, anh và chị Q. hướng dẫn vợ chồng chúng tôi đi thăm những nơi đáng xem ở thủ đô Hoa thịnh Đốn, mà không bỏ xót một địa điểm nào. Nào là Tòa Bạch Oc, tượng đài Lincoln, Roosevelt, bức tường bằng cẩm thạch ghi tên các chiến sĩ Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, khu kỷ niệm thế giới chiến tranh thứ 2 v.. v..
Thật là một thiếu xót lớn nếu trong bài này mà tôi không nhắc đến chị Q. , hiền thê của anh, một người mà kiêm luôn hai chức vụ " bộ trưởng nội vụ kiêm ngoại giao".
Này nhé , là bộ trưởng nội vụ vì chị đã chuẩn bị kỹ lưỡng các món ăn để tiếp đón bạn của chồng để cho không thiếu một thứ gì, còn là bộ trưởng ngoại giao thì nụ cười và tiếng cười luôn luôn là bạn đồng hành của chị trong suốt thời gian chúng tôi lưu lại nhà anh chị.
Hình như câu " Giàu vì bạn, sang vì v" " mang tặng cho anh và chị Q., quả thật là không sai một chút nào.
Buổi chiều hôm đó, anh chị Đ., một anh bạn khác cùng đơn vị, mời anh, chị Q. và chúng tôi dùng cơm tại tiệm. Sống ở Mỹ đã lâu từ sau 30 tháng 4 năm 75, anh chị Đ. không ít thì nhiều đã nhiễm lối sống thực tiễn cuả người Mỹ nên thay vì mời 4 nguời chúng tôi dùng cơm tại nhà theo như phong tục Việt Nam ta, nhưng vì thời gian quá eo hẹp, không kịp chuẩn bị nên đâỵ là cách hay nhất để bạn bè cùng chung vui mà lại không mất thì giờ lo cơm, nước, vậy còn gì bằng. Hơn nữa các cụ ta đã chẳng rất thực tế khi dạy "Nhập giang tùy khúc" đó sao " Có lẽ các cụ ta còn thực tiễn hơn cả người Mỹ nữa qua câu nói ở cửa miệng này.
Anh Đ, trước đây cũng ở SĐ 9 cùng tôi, sau này tôi lại có dịp gập anh ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội khi anh thuyên chuyển về đây, nào ai có ngờ. Thật đúng y như câu : " Không hẹn mà gặp "
Ngày kế tiếp , chúng tôi lại có dịp may mắn gặp thêm anh niên trưởng BCM. và chị, tại nhà anh chị Q. Anh M. là bậc niên trưởng, tuổi anh đã khá cao, ngày tôi về Trường thì anh đã đi khỏi Trường để đáo nhậm một đơn vị khác, tôi chưa có dịp được gặp anh bao giờ.
Nay, nghe anh Q. mời đến họp mặt nhân dịp vợ ,chồng chúng tôi ghé D.C. nên dù bận rộn, anh cũng vẫn cố gắng đến tham dự.
Một số anh em khác cũng ở gần nhưng vì chúng tôi đi gấp quá , không hẹn trước, nên không có cơ duyên được gặp mặt.
Tuy ít người, nhưng cuộc họp mặt cũng không kém phần hào hứng, sôi động, và thân tình, không những chỉ giữa chúng tôi mà còn giữa các bà nữa, chuyện cũng cứ nở ran như pháo ngày Tết dù rằng đây là lần đầu tiên các bà gặp nhau.
Nếu ngày Tết là ngày vui đầu năm thì quả thật chúng tôi đã mạn phép thay Tạo Hóa di chuyển trái điạ cầu để biến một ngày thường trong năm là ngày hôm nay thành ngày Tết với những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cuả mỗi người.
Quả thực, thi sĩ Đỗ Phủ đã chẳng bao giờ lầm lẫn khi cho rằng :" Góc Trời thiếu bạn cũ " , thì cô đơn sẽ ập đến nhất là khi tuổi đã cao. Mà nơi góc Trời có được người bạn cũ, nhất là sau cơn bão lửa năm 75, thì dù có ngàn vàng trong tay thì chúng ta sẽ chẳng nề hà gì mà chẳng vung tay mà không sợ quá trớn để đổi lấy trận cười vang vang cuả cố nhân trong niềm vui tái ngộ cùng bạn xưa mà vẫn còn cảm thấy hình như còn thiếu.
SAO NAM TRẦN NGỌC BÌNH