Hôm nay,  

Nguyên Sa Trần Bích Lan, Nhà Giáo - Nhà Thơ

04/08/200600:00:00(Xem: 277494)

Người viết: QUÂN NGUYỄN

Bài số 1070-1679-392-vb5030806

Tác giả Quân Nguyễn  cùng vợ con đến Mỹ năm 1987, ông trở lại trường học, tốt nghiệp cao học về Sociology tại CSUF, đệ tam đẳng huyền đai Tae Kwon Do, từng làm counlelor tại nhà tù tiểu bang ở Chino, hiện làm state parole officer ở Santa Ana, và là cư dân Anaheim, CA. Sau hồi ký về Toà Đại Sứ Mỹ ở Saigon giờ thứ 25, sau đây là thêm một bài mới của ông, về một người thầy.

*

“Kính viếng hương hồn thầy tôi, cố giáo sư Trần bích Lan

Một tối ăn sinh nhật ở nhà người bạn láng giềng đã vãn.  Bà con bè bạn về gần hết, chỉ còn lại mấy thằng bạn thân quây quần quanh cái bàn nhỏ ở patio, chưa chịu chia tay.  Anh H, chủ nhà, bữa nay 49, coi bộ hơi "xừng xừng", và muốn cuộc vui "birthday" của mình tiếp tục "tới bến", nên xách ra cây ra đàn guitar, đưa cho S, thằng em họ gảy, để ca bài "Áo lụa Hà Đông", một trong những bài ruột của anh; "Nắng Sài Gòn, anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà đông.  Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng, anh vẫn yêu màu áo âý vô cùng..."  Mặc dù anh không phải là ca sĩ "Bolsa", nhưng đang vui, lại có bà xã quê quán Hà Đông, ngồi kế bên, nên gắng hết mình ca như Sĩ Phú...

Chẳng hiểu sao, nghe đến đó, tôi dù chỉ uống được có hai chai "Bud", cũng cảm thấy "xừng xừng", cảm xúc ca theo: "...Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn, mà mùa thu dài lắm ở chung quanh.  Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung, bày vội vã vào trong hồn mở cửa.  Em chợt đến chợt đi anh vẫn nhớ, trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu.  Nhưng sao đi mà chẳng bảo gì nhau, để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại.  Để anh giận mắt anh nhìn vung dạị, giận thơ anh đã chẳng noí nên lời.  Em đi rồi sám hối chạy trên môi, những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng.  Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn, giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông, Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng, anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng..."

Sau bài hát đó, tôi bùi ngùi tâm sự với mấy người bạn, "Tác giả bài thơ phổ nhạc đó là  thầy tôi ngày xưa, nhà thơ quá cố Nguyên Sa Trần bích Lan".  Rồi chỉ trong giây phút, chẳng hẹn mà đến, một quãng đời trẻ trung, tươi đẹp, ngắn ngủi ngày xưa bỗng hiện ra trước mắt tôi, tưởng như mới hôm qua...

Ngày ấy, tôi  vừa tròn 17 tuổi, và đó là quãng đời đẹp nhất của tôi thời niên thiếu (và có lẽ của cả cuộc đời cũng nên!)  Mặc dù cuộc chiến tranh khốc liệt đang lan rộng xa gần từng ngày, tôi vẫn chẳng bận tâm chút nào về mối đe dọa của Cộng quân đối với miền nam thân yêu của tôi.  Như dự định từ trước, tôi sẽ kết thúc năm cuối cùng ở trung học với cái bằng tú tài, để rồi vào võ bị, và ra sĩ quan hiên dịch Biệt Động Quân biên phòng.  Tôi thường cười xòa với câu nói, "xanh cỏ hay đỏ ngực" (ý nói hoặc chết trận hay sẽ làm tướng tá) của các đàn anh lính hiện dịch. Khoái vô trường võ bị, tôi cũng chẳng bận tâm đến yêu ai, vì "đời lính biết trước được đâu", nếu có mệnh hệ gì thì ai nuôi vợ con đây!

Ngày một tháng bẩy năm 73, tôi vào học lớp 12A10, trường Văn Học, quyết tâm không ca bài "Thà như giọt mưa", vì nếu, "Ta hỏng tú tài, ta trượt... võ bị!"

Ngày đó, trừơng Văn Học có tỉ số học sinh đậu tú tài khá cao, đến hơn 60%.  Trường thường liệt kê danh sách những học sinh thi đậu năm trước trên một tấm bảng nhôm, với tên học sinh viết bằng sơn và hạng như TU, U, B, BT, và T (Tối Ưu, Ưu, Bình, Bình Thứ, và Thứ)  cạnh bên, và đóng trên cao ngay  trước cổng trường, để quảng cáo cho năm sau.  Đó là lý do tôi ghi danh học ở trường, với ước mong tên mình cũng sẽ lên bảng sau kỳ thi tú tài tới. 

Lớp 12A10 của tôi ngay cầu thang của lầu một.  Trong lớp có hai dãy bàn, trái và phải với lối đi ở giữa.  Con gái ngồi bên dãy trái, con trai bên phải.  Cửa vào và cửa sổ lớn thì ở bên trái lớp học, đầu lớp, dãy con gái.  Tôi chọn ngồi ở giữa một cái bàn dài ở khoảng giữa lớp của dãy bên phải. Hôm đó, mắt tôi lúc nào cũng nhìn ra phía cửa ở đầu dãy bên con gái, để coi xem ai sẽ học với mình niên học này.  

Buổi chiều, có vài cô nữ sinh xinh xắn tha thướt trong áo dài trắng quần trắng ngồi bên dãy trái, trước tôi một hai hàng ghế, tha hồ mà ngắm nếu muốn, mà chẳng cần ngoái cổ ra phía sau!  Hôm ấy, chẳng muốn mà bị, tôi gặp được một người con gái tuyệt vời, để rồi phải thương nhớ một thời! Nàng tên... mà thôi, xin gọi là Em. Em xinh đẹp như nàng Juliett trong phim Romeo & Juliett, mà tôi có lần phải chen lấn bở hơi tai ở rạp Rex mới coi được.

Như đã kể, ngày ấy, tôi còn đầy nhiệt huyết, yêu lý tưởng quốc gia, tha thiết với quê hương dân tộc, và nguyện sẽ sống đời lính đến khi "xanh cỏ hoặc đỏ ngực." Vì vậy, lòng chẳng muốn yêu ai. Vậy mà ... Trời ơi, sao bắt tôi phải gặp nàng Juliett. Kìa suối tóc thề đen mướt, sống mũi dọc dừa, cằm chẻ chút xíu, đôi mắt bồ câu to đen láy với ánh nhìn thơ ngây, trìu mến,  buồn man mác, làm say đắm lòng người... Tóc ấy, mắt ấy, làm sao chịu cho thấu! Hèn gì chàng Romeo chả yêu nàng yêu nàng Juliett ngay từ cái nhìn đầu tiên!

Chiều ấy, tôi cũng có một giờ luận lý học với thầy Trần bích Lan.  Ông vào lớp với cái mũ phớt, trông rất lập dị, vì lúc đó đã sáu giờ chiều rồi, đâu còn nắng nôi gì, trời lại mưa lâm râm nữa.  Tuy nhiên ông giảng bài rất ngắn gọn, dễ hiểu, và vui nhộn, nên học sinh rất ưa thích ông ngay từ buổi học đầu tiên, dù rằng môn triết học, ai nghe cũng ngán! Về phần tôi, cái tên nghe rất nữ phái của ông làm tôi nghĩ ngợi hết mấy ngày--ai mà lại đặt tên con trai mình kỳ vậy! 

Thế rồi, chỉ vài ngày sau, tôi biết ông là chồng bà hiệu trưởng Trịnh thúy Nga.  Nghe nói ông là sĩ quan biệt phái về Bộ Giáo Dục, vậy thì lính mà làm hiệu trưởng trường tư thục thì bất tiện quá, để vợ làm cho xong.  Thôi thì ai nói sao nghe vậy, tôi chẳng bận tâm. 

Ngày ấy, ông độ ngoài bốn mươi, tướng mập mạp, chậm rãi, áo bỏ ngoài quần, đi dép lẹp xẹp, hễ thức là đội nón phớt, và không bận dạy học thì tay phải có điếu thuốc lá! Ông trông chẳng đạo mạo như thầy giáo, lúc nào cũng như đang suy tư, ít nói, ít lời, nhưng khi nói thì cụt ngủn mà khôi hài.  Lại có cái vẻ giản dị và lập dị của một nhà thơ, và đó cũng là một lý do tôi chẳng thể quên được ông, ngoài cái vai trò là một người thầy lớp 12 của tôi.

Triết học thì có ba môn: tâm lý, luận lý, và đạo đức.  Môn tâm lý thì dậy bởi thầy Sinh, môn luận lý thì thầy Lan, môn đạo đức thì thầy Khảo, nhưng sách thì đều do thầy Lan biên soạn, in, để giảng dậy cho cả ba môn.  Cho nên khi học thi, tôi chỉ cần vật lộn với sách giáo khoa của ông là đủ. 

Năm đó, ông lại có cậu  con cỡ tuổi tôi, cũng đang học thi tú tài.  Thế rồi, một bữa nó bị té xe Honda, gẫy tay, nằm nhà nhưng có thầy đến kèm, vì nhà của thầy Lan thì sát vách với trường ốc, trong con hẻm ngắn, đối diện xeo xéo với nhà thương Bình Dân, trên đường Phan thanh Giản.  Năm 74, nó đậu tú tài BT, và đi Tây du học ngay lập tức.  Thầy Lan cũng còn có một cô con gái, năm ấy chừng 15, và lúc đó tôi nghĩ cô giống thầy nhiều hơn mẹ. 

Vì phải lo tương lai tôi học rất chăm, chẳng "cúp cua" bữa nào.  Tôi lại học lớp chiều từ 2 đến 7 giờ, và chiều nào trước khi bước lên cầu thang để lên lầu, tôi đều phải di ngang qua cửa sổ lớn của phòng giáo sư ở tầng trệt.  Mà lần nào cũng vậy, tôi đều thấy thầy Lan ngồi trong phòng nhìn ra, tay cầm điếu thuốc lá.  Bốn mắt thầy trò nhìn nhau hầu như cả trăm lần suốt cả năm học mà chẳng nói.  Tôi chẳng mấy khi phải chào ông, trừ khi gặp trong lớp hoặc khi đụng mặt ở hành lang.  Dù vậy, tôi chẳng bao giờ quên được ánh mắt sâu xa, hiền hậu của thầy Lan kể từ ngày ấy!

Bà hiệu trưởng thì chẳng dậy học, chỉ lâu lâu mới thấy xuất hiện trong phòng giáo sư trong chiếc áo dài đứng đắn, nghiêm chỉnh.  Bà là  người đàn bà đẹp, độ 40, trông sang quí, nghiêm nghị, và dĩ nhiên là có học.  Tôi chỉ gặp bà vài lần trong suốt niên học ở trường.  Tôi còn nhớ ngày ấy, bà lái chiếc "con cóc" màu xanh lá cây lợt, và hình như thầy Lan cũng lái một "con cóc" cùng màu thì phải.

Cũng năm ấy, thầy Lan mất mẹ.  Đám ma bà cụ chôn ở Mạc đĩnh Chi, có sư sãi, và học trò của thầy đi rất đông.  Rồi thì con chó Nhật của thầy bị ô tô hàng xóm de ra cán chết.  Năm ấy thầy xui đủ thứ, nào là mẹ chết, con té gãy chân, chó bị xe cán. Bây giờ nhớ lại, tôi chắc năm ấy thầy bị hạn la võng 43 rồi!

Khác với những giờ học triết thường rất dễ buồn ngủ, giờ Luận Lý Học của thầy Lan rất vui, lớp học luôn luôn đầy tiếng cười. Cười xong là hiểu và nhớ luôn bài giảng.

Một câu chuyện khôi hài của thầy trong lớp, tôi còn nhớ mãi.  Một bữa ông giảng, "Người là một con gà không có lông..."  Một nam sinh ngắt lời ông, "Có chứ thầy!"  Cả lớp cười ầm, các nữ sinh thì đỏ mặt, nhưng ông thầy thì bình thản trả lời mà chẳng cười, "Lông ở đây là lông vũ cơ."

Năm 74 tôi đậu tú tài hạng B, rồi nộp đơn vào võ bị.  Hồ sơ sai xót thiếu tên tôi, bố tôi nổi giận, tôi bỏ trốn ông bằng cách vào học trường sĩ quan cảnh sát Thủ Đức!

*

 

Từ thời còn là học trò thầy Lan, tôi đã biết thầy là nhà thơ Nguyên Sa, nhưng ngày thì phải đi học đủ các môn, tối thì lại vùi đầu vào sách vở đến hai ba giờ sáng, cho cái mảnh bằng tú tài vô nghĩa... nên tôi chẳng có dịp nào tìm đọc thơ của ông.

Chỉ sau này, khi sống chui rúc, âm thầm, vô vọng dưới chế độ Cộng sản, tôi mới biết quí cái giá trị của tập "Thơ Nguyên Sa", quyển sách gối đầu giường của tôi cho đến ngày bỏ xứ. 

Thơ Nguyên Sa là niềm vui, hy vọng, và nguồn sống của tôi những ngày trai trẻ khốn cùng ấy... Tôi hầu như ưa thích tất cả những bài thơ cuả ông, và thuộc lòng gần hết.  Vậy mà đã 19 năm rồi kể từ ngày tới Mỹ, tôi chẳng có chút thì giờ nào để tìm mua lại tập thơ xưa của ông và để đọc lại những vần thơ cũ tuyệt vời đó.  Chẳng biết ông có sáng tác thêm thơ mới hay không"  Nhưng đây là những gì còn lại trong tôi từ thuở ấy, hoàn toàn được ghi theo trí nhớ:

"Paris có gì lạ không em" mai anh về em có còn ngoan, mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ, em có tìm anh trong cánh chim...Paris có gì lạ không em" mai anh về giữa bến sông Seine, anh về giữa một dòng sông trắng, là khói sương mù hay áo em.  Anh sẽ cầm lâý đôi bàn tay, tóc em anh sẽ gọi là mây, ngày sau hai đứa mình xa cách, anh vẫn được nhìn mây trắng bay...Anh sẽ chép thơ trên thời gian, lời thơ toàn những chuyện hờn ghen, vì em như một vầng trăng sáng, đã đắm trong lòng cặp mắt em.  Anh sẽ thở trong hơi sương khuya, mỗi lần tan một chút sương sa, bao giờ rõ một trời sao sáng, là mắt em cười trong bóng đêm..." 

Những vần thơ này đã là bài thơ khát sống của tôi những năm tháng trong lao tù đất nước, cải tạo, vượt biên...và tôi nguyện phải sống để một ngày được nhìn thấy bến bờ tự do, Paris rực rỡ, bằng chính đôi mắt mình.

"Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt, trời không mưa anh cũng lạy trời mưa, anh lạy trời mưa phong tỏa đường về, và đêm ơi xin cứ dài vô tận...Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc, anh sẽ cầm tay em cho ngọc sát vào môi, anh sẽ nói thầm như gió thoảng bên vai, anh sẽ nhớ xuốt đời mưa tháng sáu..."  Bài thơ ấy cho tôi sống lại trong mơ những ngày mưa rào nắng đẹp trên quê hương thanh bình xa xưa, và những chiều mưa buồn ủ dột lẽo đẽo theo Em trên phố vắng đường về...

"Không có anh lấy ai đưa em đi học về, ai lau mắt cho em ngồi khóc, ai đưa em đi chơi trong chiều mưa.  Những lúc em cười trong bóng đêm, lấy ai nhìn những đường răng em trắng.  Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh, lúc sương mờ ai thở để sương tan.  Ai cầm tay cho đỏ má hồng em, ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc.  Không có anh, nhỡ một mai em chết, Thượng đế hỏi anh sao mắt em buồn, sao vai gầy, sao đôi môi héo hon...Anh sẽ phải cúi đầu, bước vào địa ngục!" 

Sau này, tôi thường tiếc là mình đã không được đọc thơ Nguyên Sa ngay thời còn là học trò trường Văn Học. Nếu đọc thơ thầy sớm, không chừng tôi đã nhận ra giá trị của tình yêu sớm hơn.

Ngày ấy có Em, nhưng tôi chẳng biết trân trọng, lại muốn sống với hai mối tình cùng một lúc--Em và quê hương.  Để rồi như những kẻ "bắt cá hai tay" khác, tôi mất cả hai...  Ôi! mối tình đầu thuở học trò thời chinh chiến, xin hãy tha thứ cho tôi, vì tôi đã chẳng làm được gì cho em...

Ngày ấy yêu Em, tôi chỉ mong tới giờ đi học, đến trường, để được nhìn Em mãi không thôi! Tôi nhớ vành tai nàng đều đặn, cổ nàng thon dài, cánh tay nàng ngăm ngăm thon thả ngoài tay áo dài với những ngón búp măng mũm mĩm, tay phải nàng đeo cái đồng hồ nhỏ với dây da màu đỏ.  Khi đi, hai chân nàng trên đôi guốc đỏ, bước xeo xéo vào trong một cách tự nhiên, giống như các nàng "Model" thời nay phải tập tành.  Em lại còn đeo sợi dây chuyền vàng với cây thánh giá nhỏ, làm kiểu thôi, chứ bố mẹ nàng thờ Phật ở nhà!

Nhờ có Em, yêu Em tôi thấy mình thông minh, tài giỏi.  Dù tai nghe thầy giảng bài mà mắt thì dính chặt với vóc dáng em,  tôi vẫn thấy mình hiểu bài, học khá. Ngược lại, những hôm vắng Em, tôi như con cá trên cạn, ngồi đứng không yên, lời thầy giảng bay tuốt đâu đâu, chẳng học được gì hết!

Nàng biết tôi yêu nàng tha thiết, nên có nhiều lần nàng cũng khoanh tay trên bàn, đầu ngả xuống vai trái để nhìn sang bàn tôi...

Và rồi, sau nhiều đêm nắn nót từng chữ, tôi viết được cho nàng một lá thư dài mở đầu bằng câu “Cô bạn thân mến”. Trong  thư, tôi nói tôi yêu nàng chân thật, tha thiết, nhưng vì tôi... phải đi võ bị!  Sau này nhớ lại lá thư tình đầu tiên, tôi thấy mình đúng là thằng ngố nhất đời! Đã yêu, nói ra luôn, mà chỉ coi là "cô bạn", lại còn ước mơ có ngày quỳ xuống, rút kiếm ra thề trung thành với quê hương trên đỉnh Lang Biang của trường võ bị.

Tôi biết Em yêu tôi vì tôi yêu Em chân thật, và vì tôi là người trai biết yêu quê hương dân tộc, nên sẵn lòng chờ đợi... Còn tôi thì đang cố gắng giựt cho được mảnh giấy lộn tú tài để... bỏ Em!

Chưa hết, sau thư tình đầu, tôi còn gửi thêm cho nàng lá thư thứ hai, vẫn với lời mở đầu, "Cô bạn thân mến" rồi thì bỏ trống cả hai trang giấy, ra cái điều là để giấy thay lời. Ôi, tôi ơi là tôi, ngố ơi là ngố. Biết nói thêm gì đây, khi tất cả là lỗi của tôi, tôi đã làm khổ người tôi yêu, và người yêu tôi!

Khi đậu xong tú tài, muốn đến nhà nàng để từ biệt trước khi đi lính, nhưng lại chẳng dám. Tôi bèn đến nhà chị Q, bạn cùng lớp nhưng lớn hơn tôi vài tuổi, để nhờ tìm nàng đến.  Biết mối tình của tụi tôi, chị Q cho em gái đi tìm nàng ngay lập tức.  Nghe có tôi tìm, nàng vội vã tới.  Chị Q. để hai đứa có dịp ngồi bên nhau. Chắc nàng  tưởng tôi đến tìm nàng vì mối tình, nào ngờ  tôi lại chẳng nói năng gì, cũng chẳng dám nhúc nhích, cứ ngồi lặng câm ngớ ngẩn bên nàng cho tới khi chia tay.  Tuyệt vọng, hai tháng sau có người đến hỏi, lại bị cha mẹ đẩy đưa, nàng đành nhận lời. Vậy là xong chuyện Romeo-Juliett của đôi lứa học trò thầy Lan. Dưới mắt nàng Juliett của tôi, không biết tôi là thứ gì nếu đem so với chàng Romeo Ăng Lê

Em ơi, em biết không, tôi đã khóc thầm bao đêm dài ở quân trường từ ngày mất em!

Sau này, khi đã biết đọc thơ Nguyên Sa tôi mới hiểu là từ khi xa em, tôi hẳn đã bước vào địa ngục...

"Anh ngước mặt hôn lên lòng đất, sáng ngày mai giường ngủ ngập côn trùng, mười ngón tay sờ soạng giữa hư không, đôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh. Ở trên đó mây mùa thu có lạnh, em có ngồi mà nghe lá thu bay, và em có thắp hương bằng mắt ướt.  Lúc ra đi hai chân anh đằng trước, mắt đi sau còn vương vất cuộc đời ...Thân thể nặng đóng đinh vào gỗ mục.  Nằm ở đấy đôi bàn chân thấm mệt, ngón buông xuôi cho nhẹ bớt hình hài, trên tay dài giun dế rủ nhau đi, anh lặng yên một mình nghe em khóc ..." 

Và rồi, cho đến bao nhiêu năm sau, lòng tôi vẫn bâng khuâng, hối tiếc, mỗi khi nghe lại bài hát phổ thơ Áo lụa Hà Đông: “Em đi rồi sám hối chạy trên môi, những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng...”    

Ngày xưa tôi mơ đậu tú tài để đi võ bị, mà rồi dù có đậu tú tài tôi cũng trượt... võ bị, trượt luôn tình yêu của em, và trượt trượt tất cả! Biết vậy khi xưa chỉ sống cho mình cho xong, cần gì phải học vất vả và nghĩ xa xôi...nhưng nếu như vậy thì tôi có xứng đáng với mối tình của em không" Âu cũng là duyên kiếp nghiệt ngã của tôi!

Tôi biết đời người chẳng phải chỉ có Sinh Lão Bệnh Tử mà còn trăm ngàn mối đau khổ khác, từ cơm áo, đói rét, tù tội, thù hận, thất chí, thất tình... nhưng tôi vẫn nguyện xin kiếp sau được trả món nợ mà tôi đã phụ bạc với nàng Juliett năm xưa...

Có ai cười lớn làm tôi chợt tỉnh giấc mơ xưa và rơi trở lại với bữa tiệc sinh nhật ở nhà anh H.

Hết người hát, anh H bèn bật cái computer lên, để nghe  lại những bản nhạc chọn lọc của anh.  Một cách ngẫu nhiên, bài "Love Story" đến trước, "Những chiều vàng héo hắt, lòng chợt tiếc nuối một thuở huy hoàng đời mình đã tắt, bồi hồi nhớ đến bóng dáng Em cười đẹp ngời ánh mắt, từng mùa thu qua xa cách đôi đường lệ sầu hoen mi, thương nhớ một người.  Nhớ chuyện tình đôi ta, đẹp tựa trăng thơ...  Hỡi người tình tôi ơi, hỏi nàng có nhớ môi thắm ân tình của người yêu xưa, địa đàng bơ vơ, gẫy cánh thiên thần tìm về quê xưa, duyên kiếp lỡ làng..." 

Lại có ai cuời lớn làm tôi bất chợt thấy mình đang ngồi thẫn ra như người mất hồn, sợ bạn bè để ý thấy, tôi đành lẻn lối sau, chẳng nói lời từ biệt với chủ nhà, cũng lơ luôn lũ bạn: “Tiến sĩ L đầu bạc", "H Toshiba", và anh "bác sĩ nhậu T."

Thất thểu bước vào nhà, nhìn đồng hồ đã nửa đêm, mai còn dậy đi làm sớm, tôi tự hỏi mình đang làm gì đây... Có lẽ hai chai "Bud" làm tôi điên rồi! Tôi nay đã 50, và đã là "grandpa", sao đầu óc vẫn còn "lung tung" như thằng con trai 17 tuổi của tôi vậy cà!  Thế mà lúc nào tôi cũng tự nhận mình là con người của lý trí, biết cân nhắc đúng sai, vì từng là học trò thầy Trần Bích Lan về môn Luận Lý Học...

Ôi! thật xấu hổ quá, nếu bà xã tôi và đứa con gái lớn mà biết được con tim của tôi đang có "những lý lẽ riêng của nó" kiểu này thì chắc là, lại như thơ Nguyên Sa "anh sẽ phải cắm đầu, chạy về địa ngục ...”

A, tôi nhớ ra thầy Lan của tôi không chỉ là ông thầy dạy Luận Lý Học mà còn là nhà thơ Nguyên Sa.

Phải đi tìm thăm thầy.

*

Chiều hôm qua, tôi vào nghĩa trang Peak Family, để thăm thầy tôi.  Chỉ cần nói với chị người Việt làm ở văn phòng rằng tôi là học trò của nhà thơ Nguyên Sa, là có người hướng dẫn tôi ra mộ ông ngay. 

Mộ thầy tôi, nhà thơ lớn của văn học Việt Nam, nằm ở lô đất B bên trái con đường vào khu nghĩa trang, và ở khoảng giữa của một cây cổ thụ có ba cái ghế đá và con thác nhân tạo xa xa. 

Tôi đứng trước mộ ông thầy thi sĩ. Trên bia đá có hình ông đội nón (nhưng chẳng phải cái nón kiểu "Dick Tracy" năm xưa khi ông còn dạy học) và khắc một bài thơ mới sáng tác sau năm 75:

"Nằm chơi ở góc rừng này, chưa thiên thu đã mọc đầy cỏ hoang, xin em một sợi tóc vàng, làm hoa kết lại cho ngàn kiếp sau, biết đâu cây cỏ cũng đau, biết đâu một bản kinh cầu dâng lên."

Là học trò môn triết của thầy Trần Bích Lan, từng vật lộn với sách giáo khoa của ông hằng đêm, vì vậy, như ông, tôi không bị ràng buộc bởi lề thói cổ hủ của xã hội, và là con người của lý trí, mọi việc đời đều cân nhắc trên tình và lý, nửa này nửa kia mới phù hợp.  Tình nhiều hơn lý thì hỏng việc, mà lý nhiều hơn tình thì tàn nhẫn!  Vậy mà khi đọc bài thơ trên mộ thầy, thấy chỉ một sợi tóc vàng mà làm hoa kết được cho ngàn kiếp sau, tôi thấy trong ông thầy của mình, rõ là nhà thơ đã thắng nhà luận lý. Đúng là “con tim có những lý lẽ riêng của nó,” khác hẳn với khối óc.

Đứng trước mộ, đọc lại bài thơ trên bia mộ thầy cho tới khi thuộc lòng, tôi nghe có tiếng gió xào xạc trong cây, rồi trong gió bỗng như có tiếng nói của thầy "Quân ơi, đúng là em đã sai với mối tình của em và  mắc nợ nàng Juliett (tóc đen) ngày xưa. Mà này, đừng tự dầy vò nữa. Công nợ có thể trả góp mà. Thầy trả một kiếp không xong, mình có thể xin trả góp bằng một ngàn kiếp sau, miễn là em phải có lòng thành với  Trời và với người."

Ồ, vậy là một kiếp có thể không đủ. Có thể phải ngàn kiếp,  giống thầy tôi muốn" Hiểu được bài thơ của ông, tôi vui sướng kêu lên, "Thầy ơi, Quân đến thăm thầy đây!" 

Ước mong sao bản kinh cầu của thầy tôi được ơn trên chấp nhận. Tôi chắc Trời rồi cũng phải yêu thầy trò tôi, vì như ông có lần trích trong sách giáo khoa, một câu của  Shakepeare: "Cả thế gian đều yêu một kẻ si tình!"

QUÂN NGUYỄN

  

Ý kiến bạn đọc
08/04/202418:33:59
Khách
Ba Trinh thuy Nga con song hay da chet roi?
14/02/202304:36:20
Khách
I visit everyday a few blogs and sites to read articles, except this webpage provides quality based content.
<a href=https://essaywritingservicebbc.com/#>essaywritingservicebbc.com</a>
13/02/202302:32:03
Khách
You actually suggested this terrifically.
<a href="https://essaywritingserviceahrefs.com/#">https://essaywritingserviceahrefs.com</a> custom made essays
12/02/202314:05:33
Khách
Fantastic info. Regards!
<a href="https://essaywritingserviceahrefs.com/#">essaywritingserviceahrefs.com</a> executive resume writing services toronto
12/02/202308:57:27
Khách
Incredible points. Solid arguments. Keep up the great spirit.
<a href=https://essaywritingservicebbc.com/#>https://essaywritingservicebbc.com/</a>
19/10/202218:17:15
Khách
valacyclovir autism <a href="https://valacyclovirsvt.com/ ">valacyclovir penicillin</a> valacyclovir dosing renal failure
19/10/202206:50:57
Khách
armour vs synthroid 2011 <a href="https://levothyroxineika.com/ ">generic vs name brand synthroid</a> does synthroid give u energy
18/10/202210:12:45
Khách
lyrica mechanism of action <a href="https://pregabalingcd.com/ ">what schedule is lyrica</a> where is pregabalin made
18/10/202209:58:33
Khách
difference between ciprofloxacin and metronidazole <a href="https://metronidazoleecv.com/ ">what if i had sex while taking metronidazole</a> metronidazole 500mg for dogs
18/10/202200:55:11
Khách
when should i take atorvastatin <a href="https://atorvastatinexg.com/ ">what is atorvastatin used to treat</a> does lipitor cause ed
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,036,167
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến