Hôm nay,  

Vượt Biên Năm 17 Tuổi

12/01/200600:00:00(Xem: 129487)
Người viết: DÂN ĐEN

Bài số 920-1520-244-vb4011106

*

Bài viết được chuyển tới bằng email mang tên là Lý Văn Nam, nhưng nội dung không thể đọc được. Mong tác giả liên lạc lại và bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

*

“ ..Tin tức từ các đài phát thanh địa phương, loan báo rằng chính quyền của các đảo ở Southeast Asia đã ra lệnh đập bỏ các đài tưởng niệm thuyền nhân ViệtNam…”

Thanh thẫn thờ ngồi trên ghế sô pha, không buồn bật đèn, mặc dù trời đã tối mịt từ lâu. Căn nhà to lớn nầy bây giờ lại càng mênh mông, xa vắng…Thanh nhớ những người bạn đồng thuyền vượt biển ngày nào đó hay như mới hôm qua, thân xác chôn vùi trên các hoang đảo hay tan rã trong lòng biển cả mênh mông…

Lệ, vợ của Thanh, đã dẫn hai đứa con, bé Vi và bé Ly, đi shopping từ trưa, thông thường thì Thanh dù có bận việc gì đi nữa, lúc nào cũng dàn xếp thì giờ để cùng đi với vợ con, nhưng hôm nay, khi Lệ ngỏ ý muốn đi shopping, Thanh buồn bã nói:

-Em đưa con đi với dì Huỳnh cho vui, chuyện phá đài tưởng niệm làm anh không còn lòng dạ nào đi shopping. Để anh ở nhà hôm nay một lần vậy…

Lệ nhìn chồng, ánh mắt của Thanh nhắc nàng nhớ đến những lần thấy Thanh kêu rên vì ác mộng nào đó rồi choàng dậy giữa đêm khuya, mồ hôi đẫm đầy cả lưng.

Lệ thương chồng, định bụng không đi nữa, nhưng hiểu ý Thanh muốn yên tĩnh một mình, nên thong thả nói:

-Tối nay em với dì Huỳnh ghé thăm bố mẹ… Anh có đói bụng, cứ dùng cơm trước, đừng chờ mẹ con em…

*

Thằng Thanh, con của bác Kim, dân miệt Hòa Hưng, nhà ở gần thành nhảy dù… có mẹ là “tay sai của đế quốc”, có cha làm việc cho bọn “ác ôn”, cả hai đều “có tội” với nhân dân, với cách mạng… Ba của Thanh là công chức của Tổng nha Cảnh Sát quốc gia trước tháng 4/75, còn má Thanh làm việc cho cơ quan DAO gì đó của người Mỹ… khi miền Nam đổi chủ, ba má Thanh, thay đổi giấy tờ, bỏ thành phố Sàigòn, dùng kế “Kim thiền thoát xác”, xóa bỏ tất cả quá khứ, không thèm nghe lời “ngon ngọt “của chính quyền mới chiêu dụ đi “học tập cải tạo”, lánh nạn về quê nội, miền Gò Công đầy những vườn me ươm trái, những ruộng đồng phì nhiêu, những bờ biển đầy nghêu sò, tôm cá…

Lúc miền Nam đổi đời Thanh còn quá nhỏ, chưa biết tí gì về chiến tranh. Thành một thiếu niên ở quê nội, Thanh chỉ biết má mình hàng ngày phải đi gánh dừa, gánh rau ra chợ buôn bán, còn ba thì phải cuốc đất, đào mương…để nuôi sáu đứa con…thiếu thốn trăm bề…

Mười bẩy tuổi đầu, cái tuổi sắp sửa đi “nghĩa vụ quân sự”, đúng là lúc thanh niên miền Nam bị bắt đi bộ đội, bỏ xác bên kia biên giới Campuchia, Thanh biết những người trẻ tuổi cùng xóm, mới vừa thấy đó mà đã trở thành “liệt sĩ” hồi nào không hay…

Thấy ba má khổ cực quá nhiều, Thanh nói thẳng với ba:

-Con muốn nghỉ học…đi làm giúp ba má…"

Ba Thanh đang rửa hai bàn tay đầy bùn đen hôi hám, trợn mắt thật to:

-Đứa nào bày biểu con vậy hả" Đừng suy nghĩ tầm sàm… Con phải lo học hành trước tiên…không học hành, cuộc đời của con sẽ không ra gì cả, con có biết hay không"

Thanh yếu ớt trả lời:

-Lúc nào con cũng nghe ba nói như vậy, nhưng ba có biết đi học bây giờ, mấy thầy cô vài tháng lại đi “chui” mất dạng, chương trình học không đầu, không đuôi… con của mấy ông cán bộ ăn chơi, biếng nhác mà lại dốt nát quá chừng nhưng lúc nào cũng đứng đầu lớp… mai mốt con lại phải đi bộ đội nữa...thà con nghỉ học giúp cho ba má được lúc nào hay lúc đó, còn hơn …

Ông già giận dữ, cắt ngang:

-Ba không muốn con nói thêm lời nào hết… cứ đi học đã, để ba má “tính”…

Cái chữ “tính” của ba là đồng nghĩa với chữ “đi chui” hay là đi “vượt biên” mà mấy ông anh của Thanh đã thử vài lần, tất cả đều bị bắt vô tù, bị tụi công an biên phòng đập tơi tả, khi được thả về, không đau cho cơ thể bầm dập, cứ tiếc hùi hụi những cây vàng đã mất….

*

Trong một đêm khuya, lúc mọi người đang ngủ, ba đánh thức Thanh dậy, không dám thắp đèn, thì thào nhỏ tiếng:

-Con nghe kỹ đây… ngày mốt ba gởi con theo chú Sáu xuống Cần Thơ. Chú sẽ lo hết mọi chuyện, khi nào tới nơi… an toàn… con đánh điện cho bác Tư bên Mỹ… con ráng học thuộc lòng địa chỉ, số điện thoại của bác ấy…Tuyệt đối, con không được tiết lộ cho bất cứ ai, kể cả mấy người bạn trai, bạn gái thân thiết của con… Còn bao nhiêu tài sản, ba má gom góp cho chuyến đi nầy. Ba má mong mỏi con ra đi bình yên… nếu lần nầy con đi tới nơi tới chốn, thì nhớ phải cố gắng học hành cho được nên người…Ba má ngày đêm cầu nguyện hết lòng cho con…

Trong bóng tối, Thanh không thấy rõ gương mặt của má, nhưng cánh tay của bà, đưa lên đưa xuống, hình như đang cầm cái khăn lớn, thỉnh thoảng lau khô những giọt nước mắt chảy dài trên mặt… Thanh là đứa con trai thứ ba của ba má, đứa con trai hay lý sự với cha, nhưng cũng là đứa con có hiếu. Má của Thanh chỉ hy vọng một điều duy nhất là thằng con nầy được tới một vùng đất tự do nào đó, có cơ hội học hành nên người…

*

Chú Sáu còn rất trẻ, làm việc chung với ba trước năm 75, ba thường gọi là chú Sáu Me, có vợ và hai đứa con nhỏ, thằng Mít và con Xoài… mấy người bạn cứ trêu chọc chú là “…gia đình của mầy trái cây chua ngọt ngon lành lúc nào cũng có đầy đủ”. Có lúc vui miệng, chú kể cho mọi người nghe là bà xã của tui thèm ăn đồ ngọt lúc có bầu thằng lớn, có ngày bả ăn hết cả nửa trái mít…tối đến chuyển bụng, sanh ra thằng cu, thành thử lúc có bầu đứa thứ hai, bà xã tui lại bỏ đồ ngọt, chỉ thích ăn xoài chua, ngày nào cũng ăn, sanh được đứa con gái, tui đặt luôn cái tên Xoài cho hợp …

Chú Sáu đã đưa vợ con đi trước tới điểm hẹn, trở lại đón Thanh lần thứ hai, để tránh sự nghi ngờ của công an, nếu lỡ bị bắt một lần thì cũng có người đi thoát…

Thanh theo chú Sáu, lúc nào cũng phải gọi bằng ba, để khỏi bị công an chú ý ở các bến xe đò… phải qua bắc Mỹ Thuận, rồi tới bắc Cần Thơ… chú Sáu đưa trình giấy tờ gì đó, cứ mỗi lần bị xét hỏi là chú kèm thêm mấy tờ “bác Hồ”cho mấy ông công an. Nhờ vậy mọi chuyện không có gì rắc rối…

Thanh theo gia đình chú Sáu ra “cá lớn” trong bóng tối mịt mùng của màn đêm, sau cả mấy tiếng đồng hồ lội ruộng, băng đồng. Mấy con đỉa miền Tây bám đầy chân, bụng, lưng của Thanh, thả cửa hút máu.

“Cá lớn” là chiếc tàu nhỏ xíu, đầy những người đi chui, không quen, không biết. Trong cái khoang tối mịt, cả đoàn người chen chúc trong hầm tầu chật cứng, Thanh chỉ có thể ngồi bó gối, thẳng lưng. Mùi dầu nhớt, mùi bùn khô, mùi dầu gió, mùi hơi người ngột ngạt, khó thở. Nhưng vì quá mệt Thanh thiếp đi lúc nào không hay…

Tiếng người rên rỉ, nôn mửa cộng thêm mùi hôi hám của đồ ăn trong bụng thải ra, văng tung tóe chung quanh làm Thanh muốn nôn mửa. Có lẽ con tầu đã ra biển khơi lâu rồi. Cả thân tầu lắc lư từng đợt, hết đợt nầy, đến đợt khác, liên tu bất tận. Thanh cảm thấy cơ thể rời rã. Rồi tự động cái bao tử của Thanh cũng bắt đầu “sa thải” đồ ăn như tất cả mọi người trong hầm tầu tối tăm, chật kín. Râm ran đâu đây tiếng niệm kinh nhà Phật, tiếng cầu kinh Thiên Chúa…

“Có tầu lớn đang chạy tới bà con ơi. Chắc ông Trời giúp mình đây rồi. Mau cho đàn bà con nít lên trên. Thằng Khải, thằng Trung mau giăng lá cờ SOS… làm lẹ lên đi.”

Thanh mừng quá đỗi khi nghe tiếng nói của ông tài công trên boong la lớn, ai ai cũng bừng tỉnh như được chích những liều thuốc hồi sinh. Nhưng rồi hy vọng tan đi khi nghe mấy người trên đó văng tục:

-Tổ cha chúng nó. Đồ bất nhân. Chúng dòm, chúng ngó. Rồi dông thẳng một lèo.

Ngày qua, đêm tới. Đã biết bao lần thấy được một chiếc tầu lớn xa xa, ai cũng nuôi hy vọng được họ ra tay cứu giúp một lần, nhưng hy vọng rồi lại thất vọng không một chiếc tầu nào buồn vớt đám thuyền nhân

Thanh mặc kệ mọi người đang trông ngóng một phép lạ nào đó. Thanh đã đuối sức, mấy ngày không ăn được, uống nước cầm hơi, cái thứ nước nửa lạt, nửa mặn mà mọi người lấy được lúc tầu sắp ra cửa biển, không có vị ngọt nhưng lại đắng đắng, mặn mặn Thanh uống vào lại mửa ra. Vì say sóng hai bắp chân tê dại từ ngày thứ hai khi ngồi bó gối trong hầm tầu chật cứng không đứng lên được

“Ba má ơi! Con bây giờ chẳng còn hơi sức nào nữa. Không biết địa ngục ra sao nhưng thực tại ở đây có thể đã là địa ngục trần gian rồi.

Thình lình, một tiếng động thật lớn phát ra từ dưới đáy tầu. Tất cả mọi người trong hầm bị đẩy sang một phía. Con tầu hình như ngừng hẳn lại, nghiêng sang về hướng trái tiếng ông tài công la lớn:

-Trời đất ơi! Tầu đụng trúng đá ngầm cái chân vịt chắc tiêu tùng rồi.

Ông tài công giải thích thêm, giọng có vẻ phân trần:

-Tui thấy ánh đèn nhiều lắm phía trước mặt nên cứ chạy thẳng tới mà quên mẹ cái vụ đá ngầm. Mình đi đã hơn năm ngày như vậy chắc tới được mấy cái đảo của tụi Indo đây. Bây giờ, mấy người đàn bà và con nít lội vô bờ trước, mong rằng họ sẽ cứu chúng ta.

Ông tài công bàn tính với chủ thyền cho mọi người lên khỏi hầm, trời vẫn còn tối đổ bộ lên đảo càng sớm càng tốt.

Thanh tỉnh hẳn người khi được chú Sáu đỡ lên boong tàu. Thở được làn gió biển trong lành, mát mẻ sau nhiều lần té ngã trong hầm tầu vì hai chân tê dại, đau đớn, không đứng thẳng lên được. Con tầu lúc nầy đã ngừng hẳn, bất động. Cả thân tầu nằm gọn trên đám san hô màu trắng đục, đầy những rong rêu tanh tưởi. Xa xa, chắc là phía bờ, có thấp thoáng ánh đèn. Mọi người nhốn nháo khi thấy trước mặt là con đường sống.

Hầu như phân nửa mọi người trên tầu đã xuống tầu, cố gắng lội bì bõm trong vùng đá sắc bén, hướng về phía bờ biển, mặc kệ cho san hô cắt ngang cắt dọc, máu chảy mềm da.

Thanh vẫn chưa đi đứng gì được, còn ngồi trên tầu, dùng hai bàn tay xoa nắn mấy cái bắp thịt ở chân , cứ mong cho tứ chi cử động bình thường.

Tiếng súng nổ vang liên tu bất tận, những lằn đạn từ trong bờ bắn ra, xé gió bay vù vù qua boong tàu làm ông tài công xanh mặt, la hét mọi người nằm rạp xuống sàn tầu. Tiếp đó là tiếng loa phóng thanh văng vẳng, tiếng nói gì đó mà không ai hiểu gì hết, chỉ đoán rằng tụi nó không cho mình vô đảo nếu cãi lệnh là sẽ bị bắn bỏ.

Tội nghiệp cho đám đàn bà con nít chưa đi được nửa đường, phải vừa chạy, vừa lội ngược đường trong bãi san hô bén như dao cạo, người nào mình mẩy đầy máu vì không muốn “ăn đạn”, bỏ mạng oan uổng.

Trong tình cảnh dở khóc dở cười, đi không được mà ở cũng không xong, ai ai cũng trông ngóng vào ông tài công và ông chủ tàu, hy vọng họ có những sáng kiến, giải quyết vấn đề.

Ông chủ tầu buồn rầu, nói:

-Tôi mong bà con hãy cầu nguyện thêm nữa đi. Bây giờ mình chỉ trông cậy vào ông Trời. Đợi trời sáng, chúng tôi cố gắng sửa cái chân vịt đã gẫy, vá lại mấy chỗ tầu lủng lúc nào nước lớn dâng lên tôi phải nhờ tất cả các anh em đẩy con tầu ra khỏi bãi san hô. Họ đã đuổi như vầy thì mình phải tìm cách khác thôi.

Nước biển mặn chát, nhưng ấm áp, mát mẻ. Sau nhiều ngày không tắm rửa, Thanh cũng như tất cả thanh niên, đàn ông trên tầu đều nhẩy hết xuống biển, gắng sức đẩy chiếc tầu ra khỏi bãi san hô sắc bén. Nhờ rong biển che phủ một phần nhưng cả thân thể mặt mũi, chân tay của Thanh đều bị cắt.

Một ngày trôi qua trên biển, một hòn đảo khác lấp ló từ xa, ông chủ tàu đang lo lắng vì cái chân vịt hư hỏng mà lườn tầu lại thủng mấy lỗ. Mấy cái mền được gom lại nhét vào chỗ bể, tạm thời không biết lúc nào vỡ tung ra. Tầu lại mở máy ra khơi, chạy thật chậm, tránh xa cái đảo bất nhân đuổi người vượt biên như đuổi những con vật khốn cùng ra biển khơi. Thôi thì ba bảy cũng liều. Ông chủ tầu, cặp mắt đỏ hoe, mệt mỏi, khuôn mặt thất thần, buồn bã, ngập ngừng nói:

-Bà con nghe tôi đây. Nếu bọn nó thấy tầu mình còn chạy được không bao giờ nó cho mình tấp vào bờ. Với tình trạng chiếc tầu như thế nầy nếu mình ra biển lớn thế nào cũng không sống được. Tôi muốn tối nay, mình chạy gần bờ, tắt máy rồi đục lủng tầu nhận chìm tầu xong tất cả bà con lội hết vô bờ. Không lẽ bọn nó ác độc đến nỗi giết chết mình bà con nghỉ thế nào"

Tất cả mọi người đều im lặng, nhưng ai cũng gật đầu, chấp nhận số phần giao tất cả mạng sống của mình cho Thượng đế mà ông chủ tầu là người đưa đường, dẫn lối.

*

Một toán lính trong bộ đồ rằn ri, mặt mày đen đúa, hung dữ chỉa súng bắn lên trời vang dội, la lối xí xô, xí xào ào ạt chạy thẳng tới toán người vượt biên đang ngồi sắp hàng trên bãi biển. Trông đám lính như những con hổ đói lâu ngày trước một đàn dê cúi đầu không trốn chạy. Một thằng lính chĩ súng vào đầu của một thanh niên la lối đưa chân chỉ về mấy thùng nước ngọt mà bọn Thanh mang theo khi bỏ tầu. Anh ta đâu có hiểu được tiếng nói lạ lùng, cái mặt ngớ ngẩn, vừa lắc đầu là bị ngay một cú đá vào lưng, ngã lăn ra cát. Tụi nó cứ hỏi mọi người cứ lắc đầu, hết người nầy sang người khác. Mấy tên lính đen đúa thật dữ dằn, la lối không ngừng. Trong toán vượt biển, có bà ni cô bận cái áo màu xanh lục, đưa tay xá xá tụi nó. Gã chỉ huy nhìn bà ni cô, nói mấy tiếng gì đó với mấy tên lính, sau đó tụi nó bớt la nhưng vẫn còn hầm hừ tra xét. Tụi lính bắt mấy anh thanh niên khiêng hết những bình nước uống quý giá ngàn vàng đổ hết xuống đất. Tội nghiệp các anh mấy ngày trên tàu, mất sức, đói khát không đủ sức để khiêng bị tụi lính đá túi bụi.

Chú Sáu ngày hôm qua mãi lo đẩy tầu, bị mấy vết san hô cắt thật sâu, mất máu rất nhiều. Thanh may mắn chỉ bị trầy sơ sơ. Tất cả đều vừa đói vừa khát.

Bọn Thanh ngồi chịu trận trên bãi cát nóng từ lúc mặt trời mới mọc cho đến lúc gần chiều thì có mấy ông bận đồ dân sự chạy xe Jeep mang theo mấy bình xịt thuốc gì đó, hôi muốn ngẹt thở, xịt lên đầu, lên cổ, lên mình của tất cả đám thuyền nhân. Chất thuốc hoá học ngấm vào mấy vết thương đã bị san hô cắt đứt ngày hôm kia, đau rát tới mây xanh.

Mấy gã lính bắt mọi người sắp hàng một, lội bộ tới khi trời sẩm tối mới tới một căn nhà sàn bên mé rừng thưa. Ai cũng đói meo, đói móc, khát nước khô cổ mà tụi lính làm như chẳng hay chẳng biết.

Căn nhà chứa dân vượt biên thật nhỏ, không có vách tường. Mấy chục người vượt biên nằm sấp lớp như những con cá mòi trong hộp, chỉ có sàn tre và mái nhà lợp bằng những lá dừa sơ xài, cũ kỹ. Bên trái là biển xanh ngút ngàn, bên phải là đầm lầy đầy những cây sậy thật cao. Những cơn gió luồng ban đêm thổi từ hướng biển thật mạnh, lạnh cắt da, lạnh thấu xương, thấu phổi. Thanh nằm co quắp như con tôm, hai tay ôm lấy hai đầu gối, cố giữ ấm lồng ngực cho qua đêm. Hai chữ Tự Do” ngay ở đầu môi chót lưỡi, nhưng sao lại quá xa, quá cao như ở một thế giới nào khác.

Sau một đêm thao thức, bỗng có tiếng máy nổ ồn ào vang lên trên bầu trời. Một người la “Máy bay trực thăng.” Tất cả mọi người cùng bật dậy, yếu đuối cách mấy cũng ráng lê lết ra khỏi nhà sàn.

Trời đã hừng sáng. Đúng là một chiếc trực thăng đang bay tới. Thanh nhớ rõ ràng cái hình ảnh con dấu Hồng thập tự màu đỏ, sơn bên sườn chiếc trực thăng. Đây là hình ảnh cao quý như một ấn tượng mà Thanh không bao giờ quên được cho đến hết cuộc đời. Đúng là ông Trời đã thật sự cứu sống mọi người. Thanh tự nhủ mình sẽ không bao giờ quên, không bao giờ quên đoạn đường gian khổ này, trước khi đến được một bờ bến “Tự Do.”

*

Ngày Thanh ra trường kỹ sư điện ở đại học Oklahoma, thằng Mít, bấy giờ là sinh viên y khoa, đang ở vùng New York gọi điện thoại chia mừng. Tội nghiệp cho gia đình của nó. Chú Sáu Me sau những ngày vượt biển khổ cực và bị thương tích quá nhiều, khi được chở tới hòn đảo hoang dại KuKu, đã từ giã cõi đời. Vài tháng sau đó thím Sáu thương nhớ chồng, cũng ngã bệnh, rồi chết đi ở đảo Galăng, mồ chôn gần phía sau nhà thờ trên đảo. Hai anh em mồ côi được bà cô ruột bảo trợ đưa sang NewYork học hành thật giỏi.

Thằng Mít ngày xưa bây giờ có cái tên mới là Michael- một bác sĩ giải phẩu nổi tiếng tại một thành phố bên miền Đông nước Mỹ.

Thanh được bác Tư bảo trợ qua tiểu bang Oklahoma an bình, đồng ruộng phì nhiêu, nhưng đầy những cơn gió lốc. Trở lại học đường, lúc nào cũng vừa đi học, vừa miệt mài làm lụng ngày đêm, nấu ăn, cắt cỏ, làm lao công, chùi nhà, rửa chén đổ rác... Mùa hè có lúc làm tới hai việc, dành dụm được bao nhiêu tiền Thanh gởi hết về Việt Nam giúp đỡ ba ma.

Thanh gặp Lệ lúc học năm thứ tư, một người thật nết na, thùy mị, cả gia đình cha mẹ, anh em đều sang Mỹ năm 75. Bố mẹ Lệ là dân di cư 54, những người đã biết rõ thời thế biết rõ cái “xã hội chủ nghĩa “ gì đó, nên đã kiếm cách di tản trước khi “cách mạng” thành công. Vượt biên năm 17 tuổi, một mình thân lập thân xứ người, Thanh không chỉ có tình yêu của Lệ mà còn được cả gia đình nền nếp của Lệ thương quí. Đám cưới hai người trẻ diễn ra trong tình yêu nồng ấm.

Trong những ngàyvợ chồng con cái hạnh phúc tràn trề Thanh thật sự không bao giờ quên những hình ảnh vượt biên ngày nào.

Chàng thường tưởng nhớ tới chú thím Sáu, những người đã quen biết, gần gũi với Thanh, những đồng hương đã bỏ mạng, những nạn nhân của bọn hải tặc hung ác, tàn độc, những người chết đói, chết khô trên biển, những nấm mồ đầy trên đảo hoang... tất cả đều là những thuyền nhân Việt Nam.

Tin tức về việc đập phá những đài tưởng niệm thuyền nhân bị đập phá là điều làm Thanh thật sự đau đớn, hơn cả những vết cắt san hô ngày nào trên hải đảo, xót xa hơn những chất hóa học sát trùng ăn sâu vào da thịt của mình ngày nào đó, cay đắng hơn lúc chính thân thể mình bị đá, bị đạp giống như một con thú khốn cùng.

Trời tối từ lúc nào nhưng Thanh không bật đèn. Trong bóng tối, lòng hướng về quê nhà, về biển đông, về đảo hoang Kuku, về khu nghĩa trang sau nhà thờ trên đảo Galăng, chàng lặng lẽ cầu nguyện.

DÂN ĐEN


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,319,186
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.