Hôm nay,  

Thôi, Anh Về!

02/11/200500:00:00(Xem: 166193)
- Người viết: NGUYỄN DUY AN
Bài số 861-1451-287-vb3110105
*
Tác giả Nguyễn Duy-An, cư dân Virginia, hiện là Vice President, phụ trách Infor-mation Technology của National Geographic. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, một địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Hiện nay, trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất, riêng Nguyễn Duy An đã chiếm tới 5 bài. Sau đây là bài mới nhất của ông.
*
Mọi người như chợt tỉnh giấc mộng và vỗ tay vang rền sau câu kết của bài hát Xuân Này Con Không Về: "Mẹ thương con... xin đợi... ngày... mai!"

Tôi nghe một vài tiếng sụt sùi đâu đó. Chàng vẫn ngồi ngạo nghễ trên chiếc ghế cao tại quầy rượu, là "sân khấu" cho buổi tiệc mừng xuân đêm nay của nhóm sinh viên Việt Nam tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Chàng vẫn ôm cây đàn guitare khẩy nhè nhẹ vài nốt nhạc, nhưng cặp mắt như đang mơ màng về một miền quê xa xôi hẻo lánh nào đó, nơi mẹ chàng đang đầu tắt mặt tối vì phải chạy ngược chạy xuôi sắm tết, như lời chàng tâm sự trên đường tới đây. Bỗng nhiên chàng lên tiếng, vẫn với giọng nói trầm trầm rất nam tính:

- Nãy giờ các bạn ép tôi quá. Tôi phải hát giúp vui mừng Xuân, rồi lại phải hát chia buồn để các bạn vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương, nhớ cha, nhớ mẹ... Bây giờ các bạn chịu khó ngồi nghe tôi hát một bài cho chính tôi.

Rồi chẳng đợi ai lên tiếng, chàng bắt đầu dạo đàn, chuẩn bị hát; cũng chẳng ai buồn phản đối, vì sau khi chàng hát bài Xuân Này Con Không Về, người nào cũng cảm thấy dạ nôn nao, lòng bồi hồi nghĩ đến gia đình ở xa. Riêng tôi, hai mắt bắt đầu nhỏ lệ khi chàng vừa cất giọng: "Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi, tôi biết tương tư..."

*

Vậy là chàng vẫn không quên được người xưa, mặc dầu nàng đã lên xe hoa về nhà người! Tôi thương thật nhiều tấm lòng "chung thủy" của chàng, nhưng liệu rồi tôi có thể thay thế được "người ta" hay không" Tôi khóc cho chính tôi. Tôi ghen với bóng hình ai đó vẫn hoàn toàn chiếm ngự trái tim chung tình của chàng. Tôi chỉ là "nhỏ Cúc" trong tim chàng thôi! Tôi ghét lắm hai tiếng "nhỏ Cúc", nhưng chàng vẫn tiếp tục gọi tôi như thế với lời giải thích:

- Nhỏ phải hãnh diện mới đúng chứ. Trong mấy chục cô sinh viên Việt Nam vùng này, đâu có cô nào được anh gọi là "nhỏ" đâu!

- Làm sao Cúc biết được. Thế hồi đó anh gọi "người ta" là gì"

- Thôi để anh quên đi, nhỏ thông cảm đừng nhắc lại vết thương lòng của anh.

- Thế sao anh không gọi mấy cô sinh viên ở đây là nhỏ luôn đi cho tiện việc sổ sách"

- Chỉ có nhỏ là người đặc biệt thôi! Với lại mấy cô ăn đồ Mỹ hơi nhiều nên cũng không gọi là "nhỏ" được!

Mặc dầu đã hơi bực mình nhưng tôi cũng phải phì cười vì lối lập luận của chàng. Tôi bị cặp mắt của chàng thôi miên ngay từ khi mới gặp mặt cách đây mới hơn 4 tháng. Lần đầu tiên đi sinh hoạt chung với hội sinh viên Việt Nam tại vùng Hoa Thịnh Đốn, tôi đã bị hớp hồn khi nghe chàng "diễn thuyết" về bổn phận và trách nhiệm của những người trẻ đối với cộng động Việt Nam tại Mỹ. Chàng lý tưởng quá! Bao nhiêu người xầm xì bàn tán vì chàng đã thật sự đánh động những trái tim trẻ đầy nhiệt huyết trong đám sinh viên chúng tôi:

"Có học tới đâu, có làm chức vụ gì đi nữa, chúng ta cũng vẫn là da vàng mũi tẹt! Nhưng, không việc gì phải tự ty mặc cảm về màu da, tiếng nói của mình. Trái lại, chúng ta phải ngẩng cao đầu lên, phải hãnh diện với nền văn hóa Việt Nam... Chúng ta là những người trẻ, là tương lai của cộng đồng, chúng ta sống làm sao để người bản xứ phải cúi đầu ngưỡng mộ khi nói đến người Việt Nam. Chúng ta phải giúp nhau hội nhập nhưng không đồng hóa vào xã hội mới. Chúng ta phải giúp nhau học hỏi và duy trì truyền thống Việt Nam nhưng không cố chấp, cổ hủ..."

Hôm đó, chàng còn nói nhiều lắm, nhưng tôi không nhớ được gì, vì tôi cứ ngồi mơ mộng viển vông. Tôi rời Houston lên vùng thủ đô theo học đại học chỉ vì muốn được sống tự lập xa gia đình. Tôi đã hơn 18 tuổi rồi. Tôi đã trưởng thành. Tôi đã dứt khoát đi học xa mặc dầu mẹ tôi không đồng ý. Tôi theo cha đi tỵ nạn từ năm 1975, còn mẹ, chị Huệ và hai em nhỏ mới sang đoàn tụ sau này theo diện ODP (Orderly Departure Program). Chị tôi đã lập gia đình từ năm ngoái vì mẹ tôi thúc ép quá, sau gần 3 năm mòn mỏi đợi chờ "ngày chàng ra trường" để về nối lại duyên xưa. Tôi phản đối mẹ còn quyết liệt hơn chị Huệ nữa. Tôi không hiểu tại sao chị Huệ đi lấy chồng trong khi chị vẫn yêu người khác. Lớn lên tại Mỹ từ nhỏ, lại sống xa mẹ nên tôi càng không thể thông cảm được với lối suy nghĩ của mẹ và chị Huệ. Tôi không hiểu được tại sao chị Huệ có thể điên cuồng yêu một người bao nhiêu năm, nhưng chỉ liên lạc qua lại mỗi năm vài lá thư "để anh ấy yên tâm học hành", rồi chị âm thầm lên xe hoa vì ông anh rể theo kỹ quá, và mẹ cứ "lải nhải" mãi, và cũng không báo tin cho chàng! Tôi đã bị Mỹ hóa rồi chăng" Tôi không còn là một người con gái theo đúng truyền thống gia đình Việt Nam nữa, nhưng tôi có làm gì sai trái đâu!

Sau mấy tháng đi học xa nhà, tôi trở về thăm gia đình vào dịp nghỉ lễ Giáng Sinh vừa qua, tôi thấy mẹ gầy hơn xưa, lo lắng hỏi han tôi đủ chuyện về nơi ăn chốn ở, bài vở ở trường, tôi mới hiểu được phần nào lòng mẹ thương con. Mẹ không muốn tôi đi học xa vì sợ không có người săn sóc cho tôi, mặc dầu tôi đã lớn. "Mẹ con xa nhau gần 10 năm. Gia đình mới đoàn tụ được mấy năm nay, chị con mới lấy chồng, con lại đi xa sao Cúc"" Tôi đi học xa vì không muốn sau này phải lấy người mình không yêu như chị Cúc! Phải chăng cái nền văn hóa Việt Nam mà chàng nói đến là như thế sao" Tại sao cứ phải là "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó"" Đã thế thì tôi ra đi và tự kiếm chỗ để ngồi, cần gì phải có người đặt rồi mình mới ngồi được. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra những giá trị đích thực về truyền thống gia đình Việt Nam, phần lớn cũng nhờ những lần nói chuyện với chàng. Tôi đã thay đổi. Tôi đang từ từ trở thành "cô gái Việt Nam" như chàng vẫn chọc ghẹo mỗi khi chúng tôi tranh luận về những sự khác biệt giữa Mỹ và Việt. Lối suy nghĩ của tôi đã hoàn toàn bị chàng chi phối, mặc dầu tôi chỉ mới quen chàng được 4 tháng ngắn ngủi, và tôi cũng chưa biết gì về gia đình chàng, ngoài việc "anh sinh ra và lớn lên tại một làng quê hẻo lánh và nghèo nàn", nếu có nói ra chắc "nhỏ" cũng không biết. Và chàng cũng không hỏi gì tới gia đình, quê quán của tôi cả. Nhiều khi tôi nghĩ chàng chỉ muốn "dạy" tôi trở thành một "cô gái Việt Nam" rồi mới tâm sự nhiều hơn, vì "nhỏ suy nghĩ như Mỹ con vậy!"

Tối hôm đó, sau khi "thuyết trình" xong, chàng đi một vòng bắt tay thăm hỏi bạn bè gần bàn tôi ngồi. Vì là sinh viên mới, và là người Việt Nam duy nhất ở nội trú trong trường, tôi chỉ biết thu mình bên cạnh mấy cô bạn gái mới quen từ ngày nhập học tại trường đại học George Washington này. Chị Liên có vẻ quý chàng và quen thân lắm nên chạy đến kéo tay chàng tới ngồi chung bàn với chúng tôi:

- Anh Châu vào đây đi. Bàn em có lính mới đó, chắc phải nhờ anh "hướng dẫn và giúp đỡ cô em Bắc Kỳ nho nhỏ của tụi này".

- Từ từ đã nào, người đẹp.

Tự nhiên tôi thấy hơi buồn khi nghe chàng gọi chị Liên là người đẹp! Mà chị đẹp thật. Tôi nghe nói chị là hoa khôi của Nhà Thờ Việt Nam bên Virginia, lại quen chàng từ lúc còn học ở đại học cộng đồng bên đó, chắc hai người có tình ý với nhau. Nhưng rồi tôi lại nghe chàng chào mấy cô khác cũng bằng hai tiếng "người đẹp". Có người thắc mắc, chàng chỉ cười xòa: "Cô nào cũng xinh cả, mỗi người một vẻ, không gọi bằng người đẹp thì gọi là gì bây giờ"" Tôi không phải là "cô Bắc Kỳ nho nhỏ" như chị Liên giới thiệu, nhưng tôi cũng chẳng buồn đính chính, vì quả thật tôi nói giọng Bắc. Từ ngày mới qua Mỹ, cha tôi cứ đi làm đầu tắt mặt tối nên phải gởi tôi cho một bác người Bắc trông nom sau giờ tan học. Gần 10 năm sống chung với một gia đình gốc Phát Diệm như thế, tôi đã trở thành "cô Bắc Kỳ nho nhỏ" mặc dầu cha mẹ tôi là người Nghệ An di cư vào Nam sinh sống tại Bình Giả từ lúc tôi chưa ra đời. Chính mẹ tôi cũng trách cha tại sao lại để tôi nói giọng Bắc, nhưng cha chỉ cười cười: "Nó còn nói được tiếng Việt là may rồi, chứ Bắc Nam chi cũng tốt cả"...

Chàng tới bàn chúng tôi, vừa kéo ghế ngồi vừa nói:

- Chào cô em Bắc Kỳ nho nhỏ; chỉ tiếc là không có mái tóc "demi garçon" cho đúng điệu! Nhưng đừng cắt đi mái tóc thề đấy nhé. Sẽ có người buồn đấy.

Tôi chưa kịp chào lại, chị Liên đã lên tiếng:

- Ai buồn vậy" Sao anh Châu biết hay thế"

- Thì anh nè, và chắc còn nhiều chàng Việt Nam khác nữa vì bọn anh đứa nào cũng mê mái tóc thề và tà áo dài tha thướt của các cô.

- Chả trách không ai ưng em cả, vì em thích mặc đồ tây, và tóc lại "không thề".

- Vừa phải chứ người đẹp. Cô hoa khôi mà nói thế thì ai tin được. Để anh lên cầm microphone hỏi các chàng xem những ai đang trồng cây si người đẹp cho biết.

- Cho em xin đi anh Châu à. Anh ngồi đây "take care" cô Bắc Kỳ be bé xinh xinh này dùm đi.

- Được, người đẹp nhờ thì dẫu có phải đi đầu xuống đất anh cũng sẵn sàng. Mà cô em Bắc Kỳ tên chi nhỉ"

- Dạ, em tên Cúc ạ.

- Giọng nói nghe cứ ngọt lịm như mía lùi thôi. Tên Cúc — Thế sao hôm nay không mặc áo vàng" Tiếc quá nhỉ! Nếu không thì có kẻ phải ngâm nga "Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc" rồi.

- Anh Châu vui quá nhỉ. Chả trách lúc nào cũng thấy các chị quấn quýt...

- Ấy, đừng nói thế. Mấy cô vùng này vẫn gọi anh là "kẻ vô tình" đấy.

Lúc nghe chàng "diễn thuyết" tôi đã rung động, bây giờ ngồi nói chuyện với chàng, tôi lại càng nghe tim mình đập nhanh hơn... Tôi chưa biết phải nói gì, chị Oanh đã lên tiếng:

- Anh Châu à. Anh "để tang cho một cuộc tình" mấy tháng cũng quá đủ rồi. Anh cứ làm "kẻ vô tình" mãi khiến nhiều cô khóc thầm đấy nhé.

- Để anh gọi anh chàng Trung đến trị Oanh mới được, ai lại "vạch áo cho người xem lưng" thế, anh biết ăn nói làm sao bây giờ!

Anh Trung mới bước qua gần đó, lên tiếng:

- Anh Châu cần gì phải nói, làm được rồi.

- Sao mà được cả anh cả chị thế kia hở! Lại sắp xé lẻ đi đêm phải không"

- Chúng em đâu dám, phải ngồi đây học vài chiêu của anh Châu chứ.

- Thôi, đi đi cho tôi nhờ tý.

Và họ đi thật. Cuối cùng chỉ còn tôi ngồi lại với Châu. Chàng bảo tôi:

- Cô em "Bắc Kỳ nho nhỏ" ngồi đây chờ tý nhé, anh phải đi gọi mấy anh chàng kia thu dọn chiến trường chứ không lát nữa chỉ có chết. Người Việt mình có một cái tệ là lúc bày ra thì ai cũng hăm hở, nhưng xong việc rồi chỉ lo xé lẻ từ từ rút hết, chỉ khổ mấy người trong ban chấp hành thôi.

- Để em đi phụ với các anh chị. Em ở nội trú trong trường nên không cần gì phải về vội.

- Nhỏ là số một đó. OK.

Tôi ở lại giúp chàng và mấy người bạn thu dọn bàn ghế, rác rưởi... xong đã gần 11 giờ đêm. Tôi khen chàng:

- Cúc thấy anh Châu siêng và làm giỏi ghê.

- Nhỏ phải biết là anh qua Mỹ có một thân một mình, thượng vàng hạ cám gì cũng phải rớ tay vào nên quen rồi. Vả lại cái nghề lau chùi quét dọn này anh đã có hơn 3 năm kinh nghiệm rồi.

- Cúc xin lỗi...

- Có gì đâu nhỏ. Chỉ sợ lòng người xấu chứ đâu có nghề gì xấu. Đêm đêm anh đi lau chùi quét dọn để kiếm thêm ít tiền gởi về giúp gia đình bên Việt Nam. Lỗi với phải gì! Thôi để anh đưa nhỏ về "dorm" kẻo đi một mình người ta bắt cóc mất.

- Sao anh Châu cứ gọi Cúc là "nhỏ" vậy" Cúc lớn thế này, và cũng là sinh viên chứ bộ.

- Thế thì lớn với ai. Cứ nhỏ đi, nhỏ càng lâu càng tốt.

- Lúc nãy nghe anh Châu "diễn thuyết" hay quá.

- Nói bậy bạ tý để khích động tụi nhỏ kẻo bọn nó quên hết. Đứa nào cũng làm như mình là Mỹ thứ thiệt. Nhiều khi thấy chướng quá.

Chúng tôi mới nói được vài câu đã đi qua hết quãng sân từ hội trường về cư xá. Chàng chia tay và trao đổi số điện thoại với lời hứa hẹn "cần gì cứ gọi, lúc nào cũng được nếu nhỏ không cắt đi mái tóc thề".

Từ đó thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau ở trường, hỏi thăm đôi câu rồi mạnh ai nấy chạy tới lớp.

*

Mấy ngày trước lễ Tạ Ơn, khi biết tôi sẽ ở lại trường, chàng hẹn sẽ đưa tôi đi ăn Thanksgiving ở ngoài vì chàng cũng chỉ có một thân một mình. Lần đầu tiên đi riêng với chàng, tôi mới thấy chàng sống thật với nội tâm trầm lặng chứ không phải ồn ào vui nhộn như trước đám đông. Cũng đêm đó, tôi mới hiểu câu nói "Anh để tang cho một cuộc tình" của chị Oanh dạo nọ. Chàng tâm sự:

- Cách đây bảy tám tháng, anh nhận được tin nàng lên xe hoa qua một người bạn của nàng ở Denver. Anh không trách chi nàng cả, anh chỉ buồn cho chính anh thôi. Mấy tuần liền anh không buồn ăn buồn nói với bạn bè. Tụi nó ngạc nhiên lắm vì thấy anh "khác mọi ngày" nên cứ theo hỏi mãi; anh phát bực lên, bật miệng trả lời "đang để tang cho một cuộc tình", nên họ nhớ mãi và chọc anh thế thôi.

- Sao anh Châu không tìm gặp nàng mấy năm trước, sau khi anh tới Mỹ"

- Nhỏ chưa hiểu được chuyện đời! Nó không đơn giản như thế. Với hai bàn tay trắng, học hành chưa tới đâu, làm sao anh dám vác mặt tới gia đình nàng nói chuyện cưới xin. Nhưng thôi, đừng nói chuyện đó nữa, chỉ thêm buồn.

- Cúc xin lỗi...

- Sao nhỏ hay xin lỗi vậy"

- Tại Cúc làm anh buồn. Sao anh không mời mấy chị khác nữa cho vui" Cúc thấy anh chỉ vui vẻ trước đám đông, lúc ngồi một mình anh trầm lặng và có vẻ u sầu quá.

- Nhỏ nhận xét khá lắm. Anh có vẻ không sống thật với lòng mình, phải không"

- Cúc nghĩ khác. Cúc thấy anh có nhiều nghị lực, anh dùng lý trí để kiểm soát tình cảm... Nhưng lòng anh đầy nhiệt huyết. Anh hy sinh cho gia đình, anh giúp đỡ và hướng dẫn đám sinh viên trẻ như Cúc biết tìm về với cội nguồn.

- Anh già rồi, đừng cho anh uống nước đường nữa chứ.

Chúng tôi còn tâm sự rất nhiều, vì sau khi ăn tối, chàng chở tôi đi thăm thủ đô về đêm. Lúc đứng trên đài tưởng niệm George Washington mà chúng tôi vẫn gọi là "tháp bút chì" nhìn xuống thành phố, tôi vô tình nắm chặt tay chàng; phần thì lạnh vì đang ở trên cao nhìn xuống, và cũng một phần vì con tim tôi đã lệch đi nhịp đập bình thường. Chàng quay nhẹ lại, vòng một tay ôm tôi vào lòng, hôn nhẹ lên mái tóc rồi nhỏ nhẹ:

- Tim anh đã lạnh từ lâu, nhưng không hiểu sao với nhỏ anh lại thấy khác. Hình như có một cái gì đó kéo nhỏ lại gần với anh. Nhỏ không giận anh chứ"

- Cúc thương anh. Cúc sẽ cố gắng giúp anh quên "người ta" để anh sống vui hơn.

Đêm đó, lúc chia tay chàng nói nhẹ vào tai tôi: "Anh sẽ đóng lại những trang nhật ký cũ, để bắt đầu một cuốn mới từ đêm nay. Nhỏ ngủ ngon, và nếu có chiêm bao nhớ đừng quên đưa anh vào cõi mộng với nhé".

*

Cả nhà nhận ra tôi đã thay đổi. Tôi về Houston mà lòng lúc nào cũng để lại Virginia, vì nơi đó có người tôi thương, như chàng vẫn bảo tôi "Virgnia's for lovers" nghe nhỏ. Cha mẹ vui mừng thấy tôi có vẻ Việt Nam hơn. Gặp lại tôi hôm cuối tuần trước lễ Giáng Sinh, chị Huệ kêu tôi vào bếp nói nhỏ:

- Em tôi đang yêu rồi, phải không"

- Thôi đi. Ông bà có hạnh phúc không" Bao giờ có cháu đầu lòng đây"

- Cúc đừng đánh trống lảng chứ. Nhìn em chị biết ngay em đang yêu và được yêu.

- Kinh nghiệm bản thân hả"

- Cũng đúng. Chị mong em không phải như chị, thương một người rồi lấy một người. Nhưng chị chấp nhận và bây giờ chị cũng phần nào thương anh Quang. Có điều chị không quên được người ấy. Được cái anh Quang biết chuyện cũ, nhưng anh ấy rộng lượng không chấp nhất.

- Em mừng cho anh chị. Em cầu mong sẽ lấy được người em thương.

- Cha mẹ biết chưa" Hắn người ở mô"

- Em cũng không biết. Chỉ biết là người Bắc thôi, và anh ấy cũng nghĩ em là "cô em Bắc Kỳ nho nhỏ".

- Sao vậy"

- Mới có mấy tuần mà chị. Với lại chúng em phải học xong đã. Anh ấy chỉ còn một năm, nhưng em chỉ mới bắt đầu.

- Chị cầu nguyện cho tình em không gặp sóng gió như chị.

Hai chị em nhìn nhau thông cảm trong lúc chuẩn vị bữa cơm "đoàn tụ". Cha mẹ tôi có vẻ vui nhiều vì những thay đổi của tôi.

*

Sau ba tuần nghỉ lễ, tôi trở lại vùng thủ đô, gặp lại chàng tại cửa máy bay tôi đã bật khóc vì thấy chàng gầy quá. Tôi vừa khóc vừa hỏi, nhưng chàng chỉ nhỏ nhẹ: "Vào những dịp lễ lớn anh càng nhớ nhà, thương cha thương mẹ, thương các em đang khổ cực ở quê nhà, kỳ này lại xa nhỏ nên anh không ngủ được. Không sao đâu. Ít tuần sau Tết Việt Nam anh sẽ lại như xưa". Tôi đã tin lời chàng, nhưng giờ này ngồi đây, nghe chàng hát "Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi, tôi biết tương tư..." tôi mới nhận ra còn một lý do nữa nhưng chàng đã dấu tôi. Chàng đang tưởng nhớ tới "người ta". Tôi không ghen, nhưng tôi không biết phải làm sao để giúp chàng quên được hình bóng người xưa. Người ta vui vẻ đón xuân, còn tôi ngồi đây nghe người yêu hát khúc "tương tư" nhớ về kỷ niệm với người tình cũ! Chàng trở lại bàn từ lúc nào tôi cũng không hay. Tôi ngẩng đầu lên khi nghe giọng chàng trầm ấm bên tai:

- Nhỏ buồn anh hả" Anh xin lỗi. Anh chưa quên được, nhưng anh sẽ cố gắng.

- Cúc hiểu anh.

- Mình về trước đi.

- Dạ.

Chàng đưa tôi về cư xá. Mới tựu trường lại gặp buổi cuối tuần nên người bạn chung phòng của tôi cũng đi vắng. Chàng lên phòng ngồi như mọi khi, nhưng (tiếng "nhưng" định mệnh!) tôi thấy chàng đứng vụt dậy khi nhìn thấy tấm hình gia đình chụp hôm Noel, tôi mang theo, đóng khung treo cạnh bàn học. Đôi mắt chàng mở lớn, hết nhìn tấm ảnh lại nhìn tôi, nhưng chẳng nói một lời. Tôi không hiểu chuyện gì, nên đến gần nắm chặt bàn tay đang lạnh như băng của chàng:

- Có gì vậy anh"

Chàng không trả lời, hai mắt vẫn nhìn qua, nhìn lại rồi lẩm bẩm:

- Không thể được! Không thể được!

- Anh ngồi xuống đi, đừng làm em sợ.

Chàng bình tĩnh lại đôi chút, nhưng cặp mắt vẫn như không còn hồn, giọng trầm trầm hỏi tôi:

- Gia đình nhỏ đây hả"

- Dạ.

- Nhỏ người Bắc mà.

- Không phải anh à. Gia đình em người Trung, em chỉ nói giọng Bắc vì...

- Ở Bình Giả phải không" Huệ là chị của nhỏ"

- Dạ.

- Nhỏ phải quên anh đi! Thôi – Anh về!

Tôi oà lên khóc vì chợt nhận ra "người ta" của chàng chính là chị ruột của tôi. Chàng đã ra khỏi cửa. Tôi chạy vội theo chỉ thấy xe chàng vừa lao vút ra đường. Tôi sững sờ ngó theo nhưng không còn thấy gì nữa vì cặp mắt đã ướt đẫm. Tôi vào phòng gọi điện thoại về cho chị:

- Chị Huệ hả"

- Ừ, Cúc. Trên đó có làm gì đón tết không vậy" Hai đứa chắc...

Tôi cắt ngang câu nói của chị, hỏi dồn:

- Anh Châu là người tình cũ của chị hả"

- Cái gì"

- Chị biết anh Châu ở Bình Giả nhưng nói giọng Bắc không"

- Chúa ơi, làm sao chị quên được"

- Anh ấy cũng không hề quên chị. Anh ấy vẫn "để tang cho một cuộc tình" đó chị biết không" Cuộc tình của chị và anh ấy đó! Anh ấy để tang vì chị lên xe hoa về nhà người, nhưng lúc nào anh ấy cũng nhớ tới chị. Anh ấy thương em vì có những nét hao hao giống chị mà thôi, chị biết không"

- Sao" Là anh Châu à" Cho chị nói chuyện tý.

- Anh ấy về rồi, và chắc không bao giờ trở lại. Anh ấy nhìn thấy tấm hình gia đình và nhận ra chị. Anh ấy chỉ nói "Thôi – Anh về!" rồi ra xe chạy mất.

Tôi nghe chị Huệ khóc nức nở trong điện thoại. Nước mắt tôi cũng tuôn trào. Tình yêu ơi sao ngang trái thế này" Châu ơi, giờ này anh ở đâu"

Nguyễn Duy-An
(Viết tặng “em tôi”)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến