Hôm nay,  

Sẽ Có Ngày Về

26/10/200500:00:00(Xem: 201510)
Người viết: NGUYỄN THỊ HUẾ XƯA
Bài số 857-1447-283-vb4102605
*
Tác giả là cư dân Austin, Texas, làm việc trong bệnh viện thành phố, nơi từng đón nhận cả ngàn bệnh nhân bất thường: nạn nhân của cơn bão Katrina. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, kể về một trong những bệnh nhân đặc biệt ấy.
*
Tiếng chuông (call light) gọi inh ỏi, dồn dập từ một phòng bệnh nhân làm tôi phải rời văn phòng chạy ra xem coi có chuyện gì đang xảy ra. Mọi người trong hành lang vẫn thản nhiên tiếp tục công việc của họ. Cô y tá Serena thong thả đi về hướng phòng nơi phát xuất tiếng chuông gọi. Vừa đi Serena vừa cằn nhằn “ cứ gọi liên tục như thế này thì tôi sẽ không có thì giờ săn sóc cho ai nữa hết”. Khi Serena dừng chân ở phòng 555 thì tôi hiểu rõ tại sao cô ta khổ tâm như vậy.
Ngưởi bệnh nhân trong phòng 555 là Koby McCoy, một nạn nhân của Katrina. Koby cùng gia đình đã thoát khỏi sự tàn bạo của cơn bão và đến tạm trú ở Texas từ mấy tuần nay. Sở dĩ Koby được đưa vào nhà thương vì bị biến chứng của bệnh Sickle Cell hành hạ.
Bệnh Sickle Cell Anemia nguyên thủy là bệnh thiếu máu xuất phát từ sự bất bình thường của những hồng huyết cầu hình luỡi liềm. Bệnh này chỉ ảnh hưởng đến những người da màu ở Phi châu và những người da đen.
Koby đến tạm trú ở Convention Center chỉ ba ngày thì bắt đầu bị biến chứng của căn bệnh hành dữ dội. Ngày đầu tiên khi Koby nhập viện cứ khóc tỉ tê, một phần vì bị khó thở phải đeo ống dẫn oxygen, một phần vì bị đau nhức từ ngực, khớp xương, tay chân (Sickle Cell Crisis). Nỗi đau nhức nhối đến nổi bác sĩ phải cho chích Morphine và chuyền liền hai “pint” máu. Hai ngày đầu Koby nằm ngủ li bì, sau đó thì thức giậy và bắt đầu trở nên ngang chướng.
Koby một mặt thì than la vì bị nhức đau xương và đòi được chích thuốc liên miên, đòi chích thuốc qúa hơn những giờ bác sĩ đã giới hạn, một mặt thì than là buồn nôn chê thức ăn nhưng lúc nào cũng đòi potato chips và uống coke cả ngày. Có lẽ đó là thói quen ăn uống không đủ dinh dưỡng cho nên Koby người ốm nhom lêu khêu như cây sậy.
Cách đây hai ngày sau khi vừa chích thuốc giảm đau xong thì Koby lén rời khỏi phòng không cho ai hay, nguời y tá săn sóc cho Koby và tất cả mọi người, kể cả những người giữ an ninh cho nhà thương đều hoảng hốt đi kiếm tìm. Nữa tiếng đồng hồ sau thì thấy Koby thất thểu về từ một trạm xăng ở xéo góc đường một tay còn mang ống và máy chuyền nước biển, còn tay kia thì cầm điếu thuốc lá phì phèo. Khi về tới cửa bệnh viện thì Koby té xuống, bị một vết cắt nhỏ trên trán nên phải đưa vào phòng cấp cứu (Emergency Room) để khâu vá vết thương. Bác sĩ sau đó không cho Koby được phép rời khỏi lầu nữa. Koby nghe như vậy càng thêm bướng bỉnh, chưa đến giờ chích thuốc thì Koby đã bấm chuông kêu gọi không ngừng làm mấy người y tá muốn điên đầu.
Tôi nhìn khuôn mặt đau khổ của Serena nên chặn cô lại hỏi có cần tôi giúp gì không, cô ta lắc đầu ngao ngán “lại đòi thêm thuốc mà chưa tới giờ, tôi vừa có thêm bệnh nhân mới, cần phải chuẩn bị cho họ xuống phòng giải phẩu. Tôi bảo với Serena là để tôi lo thuốc cho Koby, cứ đi làm công chuyện khác đi.
Nhìn hồ sơ thuốc của Koby, tôi biết mình có thể chích thuốc nửa tiếng trước giờ ấn định mà sẽ không hề hấn gì. Tôi cầm ống Morphine đi vào phòng. Căn phòng rất tối vì những màn cửa sổ đều đóng kín và đèn tắt hết. Koby nằm trên giường với tấm mền trắng phủ lên đầu. Bao giờ cũng vậy trước khi tôi cho thuốc tôi đều hỏi bệnh nhân là họ đau ở đâu và đau đến mức nào. Khi tôi hỏi Koby câu này thì tấm mền kia vẫn còn phủ kín và câu trả lời nhát gừng:
“Tôi không biết.”
Tôi giải thích:
“Tôi không thể chích thuốc nếu không biết Koby đau như thế nào.”
Tiếng nói gàn bướng vọng ra từ dưới tấm mền và mẫu đối thoại ngắn không được thuận hòa cho lắm giữa tôi và Koby:
“Cô y tá của tôi đâu"”
“Serena bận lắm...”
“Tôi không cần, tôi chờ cô ấy”
“Cô ấy cũng sẽ hỏi Koby như tôi thôi.”
“Tôi không cần. Tôi muốn nói chuyện với xếp của cô ấy.”
Tôi cười nhẹ:
“Tôi là xếp của Serena.”
Có một chút yên lặng, sau đó là tiếng rên hừ hừ của Koby:
“Trời ơi! Tôi nhức đầu qúa”
Tôi hỏi theo sự ngang bướng đó:
“Thế thì từ 1 tới 10, nhức đầu cỡ nào"
Tiếng trả lời cộc lốc:
“Mười”
Tôi từ từ chích thuốc vào ống giây chuyền nước biển (intravenously), rồi dặn dò:
“Hy vọng Koby sẽ đỡ đau, nếu chóng mặt thì phải gọi cho tụi tôi hay.”
Lần này thì giọng nói dưới mền không còn vọng ra nữa, Koby nằm yên không thèm trả lời. Tôi đi ra lấy hồ sơ ghi giờ vừa chích thuốc. Ngay lúc đó thì cô Sue làm về xã hội đi tới, cô ấy hỏi tôi:
“Thằng nhỏ ngổ ngáo qúa phải không"”
Tôi vì đã qúa quen với những ngang chướng bất thường của bệnh nhân nên điềm tĩnh hỏi về tình cảnh của Koby. Sue cho biết là gia đình của Koby chỉ có hai bà cháu. Bà ngoại của Koby mấy ngày nay phải chờ chực dưới Convention Center để được ban ủy lạo đưa đến văn phòng xã hội của tiểu bang xin thủ tục giấy tờ về quyền lợi FEMA. Ngày mai này Sue sẽ cố gắng đưa bà ta đến đây thăm Koby.
Tôi đọc tiếp hồ sơ của Koby, thấy một trong chứng bệnh bác sĩ ghi xuống là bấn loạn tâm thần (post trauma) sau vụ chạy trốn cơn bão. Tôi đọc xong đâm ra nghĩ ngợi và tâm thần tôi cũng bắt đầu có một chút rối loạn khi nghĩ tới sự đau đớn và thân phận nhỏ nhoi của con người trước thảm cảnh thiên tai.
Hôm qua ngồi xem tin tức chiếu lại của cơn bão Katrina với mẹ tôi bà đã chảy nước mắt, nhớ tới những cơn lụt kinh hoàng ở miền trung Việt Nam từ mấy chục năm trước. Những cơn lụt mưa nguồn thác lũ, ào ạt độc địa như những tên cường hào, ác bá cố ý phá hoại đời người và cướp đi chút an lành trong đời sống. Mẹ tôi còn xúc động kể lại rõ ràng cảnh nhà tan, cửa nát. Cơn lũ dữ dằn cuốn đikbiết bao nhiêu mạng người cùng tất cả sự nghiệp của cải. Bao nhiêu thập niên rồi mà những cơn bão tố thê lương đó còn ám ảnh mẹ tôi mãi. Nhưng mẹ tôi nói dù có mất mát, có khổ đau mọi người sau cơn mê hoảng, sau sự tàn phá vẫn quay trở về gầy dựng lại từ đầu, để rồi mỗi năm lại đương đầu với một thử thách khác.
Ngày hôm sau tôi đi làm sớm. Người y tá làm ca đêm cho biết là Koby la hét suốt đêm làm những bệnh nhân chung quanh không ngủ được. Gần tới sáng sau khi được chích cho mũi thuốc an thần thì Koby mới nằm thiếp đi được một chút. Tôi bảo Sue cố gắng thu xếp đưa bà ngoại của Koby vào nhà thương thăm cháu.
Tôi gặp bà ngoại của Koby là bà Renetta vào lúc trưa và rất ngạc nhiên vì tuy phờ phạc, xác xơ vì những ngày chạy loạn nhưng bà ta vẫn không giấu được sự trẻ trung, sắc sảo. Khi tôi tỏ bày nỗi quan tâm về những hành động khác biệt của Koby thì bà ta khóc òa và bắt đầu tâm sự.
Năm mười sáu tuổi bà sanh mẹ của Koby và năm bà ba mươi mốt tuổi thì đứa con gái mười lăm tuổi của bà sanh Koby. Mẹ của Koby vì còn qúa nhỏ nên rất ham chơi và đua đòi với bạn bè trong xóm. Khu nhà bà ở qúa nghèo nàn, đầy rẫy cao bồi du đãng và mỗi đêm có những tiếng súng thảng thốt kêu vang qua vách nhà.
Lúc Koby một tuổi thì đứa con gái của bà chết bất thình lình vì nghiện ngập bạch phiến, ma tuý (over dose). Từ đó Koby ở với bà ngoại. Vì nhà chỉ có hai bà cháu nên Koby rất được nuông chìu, nhất là từ mấy năm nay khi Koby bắt đầu phát xuất những biến chứng của bệnh Sickle Cell Anemia thì bà càng chìu cháu hơn.
Năm nay Koby mười tám tuổi nhưng vì sự đau đớn bất thường của cơn bệnh nên Koby bỏ học cả mấy năm rồi. Hai bà cháu sống rất đơn giản trong một khu xóm nghèo nàn ở New Orleans. Khu xóm hỗn tạp đầy những thành phần bị lãng quên của xã hội. Mỗi sáng sớm bà đón xe bus đi quét dọn nhà cửa cho một gia đình nhà giàu ở gần khu phố Pháp (French Quarter). Mỗi tháng bà kiếm được vài trăm và có thêm tiền welfare, Food Stamps nên hai bà cháu cũng đủ sống qua ngày.
Từ ngày bị bệnh, cái phẩm chất đời sống của Koby không còn có ý nghĩa (quality of life). Mỗi ngày sống với những cơn mê chập chờn vì uống thuốc giảm đau qúa nhiều, năm ba tuần khi cơn đau phát chứng thì lại phải vào nhà thương chuyền nước biển và chích thuốc giảm đau mạnh hơn. Bà Renetta xót xa nhìn đứa cháu duy nhất và chỉ còn biết bám víu vào cuộc đời còn lại rất ngắn ngủi của nó.
Koby sống trong cơn thấp thỏm mù mịt của bệnh tật và thuốc an thần. Mỗi ngày ngủ cho tới trưa, khi thức dậy thì chỉ uống coke và hút thuốc lá liên miên, sau đó thì tụ tập với một đám bạn cùng tuổi đi lang thang phá làng, phá xóm.

Bà Renetta kể là mới đây, từ ngày quen biết với cô bạn gái là Bella thì Koby có vẻ phấn khởi yêu đời hơn. Có lẽ điều làm cho Koby sung sướng nhất là mỗi ngày đến quán Café Du Monde uống café, hút thuốc lá trong khi chờ cô bạn gái của nó tên là Bella làm bồi bàn ở đó đi làm về.
Mọi chuyện với Koby đang có vẻ khá ra thì cơn bão Katrina ấp tới.
Hôm cơn bão dữ giằn đến thành phố, buổi sáng bà Renetta đến nhà của người chủ để quét dọn như thường lệ thì mới hay là gia đình này đã đi tránh nạn ở một nơi nào rồi. Sau đó bà lội mưa gió đi về nhà thì căn nhà ọp ẹp của bà đang bắt đầu bị dột và chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau thì nước đã dâng tràn lên tới qúa chân giường. Lúc này thì tất cả mọi người trong thành phố nhận được lệnh di tản. Bà và Koby vội vã theo sóng người đi được đến Superdome tạm trú. Chính nơi đây là khởi đầu cho cơn mê sảng hãi hùng hằng đêm của Koby.
Bà Renetta rùng mình khi nhắc đến cảnh bắn giết người trong Superdome. Cảnh một nhóm người mua bán giành giựt một chai nước để rồi đưa đến sự đổ máu dã man. Khi nhóm người này bắn nhau thì những giọt máu văng tung tóe đã vô tình bay đến dính vào người Koby lúc đó đang nằm trong một góc xó phòng. Koby đã thét lên sợ hãi và bà đã phải bịt miệng đứa cháu lại vì sợ liên lụy. Koby mặc chiếc áo đẫm máu có mùi tanh tưởi đó cho tới một ngày sau có người thương hại cho mượn đỡ một cái áo khác. Từ đó Koby trở thành người bất động, ngồi đâu cũng nhìn sững vào không gian không màng nói năng gì hết.
Tôi nghe xong câu chuyện cũng thấy lạnh người. Đã đành thiên tai đem đến sự mất mát, khổ đau nhưng sao con người lại bất nhẫn tạo ra sự chết chóc phi lý như vậy được. Ngày trước bên xứ của tôi chỉ khi dân tình chạy trốn sự tàn bạo của cộng sản vô tình đạp lên những trái mìn, trái lựu đạn mới có những xác người ngã gục tuôn máu chứ không ai lạnh lùng giết hại chính đồng bào của mình như thế. Con người dù có bần cùng nhưng đâu đến nổi phải sanh đạo tặc"
Suốt ngày hôm đó Koby ngủ li bì. Ngày hôm sau nữa tôi vào phòng Koby. Vẫn căn phòng tối, vẫn thân hình nằm bất động che giấu dưới lớp mền.Tôi gợi chuyện:
“Hey Koby, muốn uống café Du Monde không"”
Một bàn tay khẳng khiu kéo tấm mền xuống để lộ đôi mắt dật dờ với một cái nhìn đầy nghi ngờ. Tôi tiếp tục nói:
“Tôi có đem café Du Monde vào để tôi pha rồi mình cùng uống.”
Hộp café tôi mua từ một tiệm Việt Nam hôm qua. Tôi pha đủ hai ly và khi tôi trở lại phòng thì Koby đã ngồi vào chiếc ghế nhìn bâng quơ ra cửa sổ. Tôi gợi chuyện, hỏi về bà ngoại của Koby thì vẫn gịong nói ngập ngừng, trống lỗng:
“Đi lo giấy tờ nữa rồi.”
Tôi nói về New Orleans, những tin tức cho biết là thành phố bắt đầu hồi sinh, sáng nay đã có người đun nước sôi pha café thưởng thức và tính tới chuyện gây dựng lại từ đầu. Những giòng nước đã bắt đầu rút cạn và mọi người đang xôn xao muốn trở về. Dù sao cũng là một nơi chốn lịch sử, là quê hương xứ sở của rất nhiều người. Trong sự đổ nát của vật chất vẫn còn sự tồn tại lưu luyến của lòng người. Thành phố của sáu chục phần trăm dân số người da màu thì có lẽ đây là nơi họ bắt đầu sinh cư lập nghiệp, là nơi nương náu của một số người chưa từng rời khỏi nơi chốn này trong suốt cuộc đời của họ. Tôi nói với Koby là cái bảng đường Bourbon street hôm nọ ngập nước không thấy nhưng sáng nay có nắng chiếu lên những nét chữ xanh vẫn còn rất tươi tắn, rõ ràng.
Mặc cho tôi nói huyên thuyên, Koby vẫn nhìn ra cửa sổ với ánh mắt xa vắng không hồn.
Tôi tiếp tục đem café đến thăm Koby mỗi ngày và kể cho Koby nghe những diễn tiến đang xảy ra trong thành phố New Orleans. Bà Renetta thì được chúng tôi sắp xếp cho ngủ trên một cái giường xếp trong góc phòng cùng với Koby. Mỗi sáng bà ta ra đón xe bus trước cồng nhà thương để đi xin quyền lợi về thực phẩm và chổ ở. Bà cho biết có hôm xé số xong ngồi đợi chờ ròng rã cả ngày, khi gần đến phiên bà thì văn phòng bắt đầu đóng cửa, hôm sau lại phải bắt số làm lại từ đầu. Tuy nhiên mặc dù phải chờ đợi nhưng bà không nản lòng vì bà nói suốt ngày không có việc gì làm, ra ngoài sở xã hội còn gặp được những người cùng cảnh ngộ để còn kể cho nhau nghe sự tản cư ghê hồn và ôn lại những kỷ niệm riêng của những năm sống trên mảnh đất nhộn nhịp của vùng trời Louisiana. Bà thở dài nuối tiếc, biết căn nhà cũ rích mục nát chắc chắn không còn nữa. Nhà nghèo tả tơi nên chi không có bảo hiểm, nếu có trở về chắc cũng không có một mái nhà nương náu. Bà nghĩ nếu chánh phủ đài thọ nơi ăn chốn ở sáu tháng thì bà sẽ có đủ thì giờ suy nghĩ là có nên trở về hay không. Hai bà cháu của bà trong tình trạng phân vân như hàng triệu người đang cùng hoàn cảnh không biết tương lai sẽ về đâu. Tuy nhiên bà Renetta cho hay là tối qua bà có nói chuyện với Koby thì nó nhất quyết trở về, mà cái động lực mạnh nhất là hy vọng gặp lại Bella.
Từ ngày chạy trốn cơn bão tới giờ Koby đã nhờ những Hot Line tìm thân nhân giùm nhưng vẫn chưa có tin tức gì của Bella cho nên Koby càng thêm tuyệt vọng.
Những ngày kế tiếp Koby vẫn lặng thinh, thờ ơ. Mỗi tối vẫn còn phải chích thuốc an thần. Tôi đề nghị với ông bác sĩ là nên nhờ một bác sĩ về tâm thần (Psychiatrist) đé chữa trị cho Koby nhưng khi nói tới chuyện này thì Koby từ chối nhất định không chịu,mặc cho bà Renetta khóc lóc, năn nỉ. Tôi vẫn đến thăm Koby mỗi ngày với ly café Du Monde đặc biệt. Cô Sue làm về xã hội cũng là người da màu nên cô ấy nấu những món ăn thuần túy (soul food) của cô đem vào cho Koby. Cái món Koby thích nhất là món Pork and Beans và corn bread cho nên Koby đã bắt đầu ăn uống điều độ chút đỉnh. Cô Sue còn đem cho mượn một máy hát CD và những cuốn nhạc “Rap” của Diddy. Koby có vẻ thích nghe nhạc nhưng không bao giờ vặn TV xem tin tức. Có lẽ những tin tức về New Orleans mà Koby biết được là nhờ câu chuyện độc thoại hằng ngày của tôi kể cho Koby nghe. Mấy ngày nay ngoài sự đau đớn của cơn bệnh, Koby còn bị cơn ghiền của thuốc lá dằn vặt (Nicotine withdrawal). Mỗi lần lên cơn ghiền thì Koby đâm ra cau có, gây gỗ với những người y tá. Bác sĩ phải cho dán Nicotine patch với hy vọng sẽ giảm đi sự thèm thuồng đó. Tôi thở dài thầm nghĩ cuộc đời của đứa bé mười tám tuổi này có thật nhiều phức tạp. Những phức tạp đưa đến từ căn bệnh và những phức tạp tạo ra từ sự nghèo nàn, hỗn độn của một môi trường sống không vương lên nổi.
Những tin tức đầu ngày cho biết một cơn bão khác sẽ đi qua những thành phố trong đó có thể sẽ ảnh hưởng đến cả tiểu bang Louisiana. Cơn bão Rita đang là một đe dọa đáng sợ. Buổi sáng tôi vào thăm Koby như thường lệ và rất mừng khi thấy Koby có vẻ tỉnh táo hơn mọi ngày. Khi nhấp ngụm café Koby buột miệng:
“Café ngon qúa, cám ơn.”
Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, lần đầu tiên Koby nói chuyện với ánh mắt linh động. Tôi hỏi đùa:
“Có ngon bằng ở Café Du Monde không"”
Thay vì trả lời, Koby lại khoe:
“Tôi sắp sửa được uống lại café ở nơi chốn đó rồi.”
Khi tôi hỏi tới thì Koby cho biết là bà Renetta đã liên lạc được với gia đình của Bella, tất cả đều bình yên và đang tạm trú ở Barton Rouge với gia đình người bà con. Điều làm cho Koby vui mừng nhất là nghe tin Bella đã có bầu ba tháng.
Koby mới 18, cô bạn Bella của anh chắc chỉ mới 15, 16. Nghe Koby báo tin vui mà tôi nghĩ tới cơn bệnh của anh, rồi tới tuổi đời non nớt của Bella. Thêm một cô bé vị thành niên sắp làm mẹ. Tương lai đứa bé sắp ra đời không biết sẽ ra sao. Chỉ còn cách là cầu nguyện cho em bé. Nghĩ thêm về đời sống bấp bênh của tất cả những người đang tị nạn, không dưng tôi thấy lòng nặng chĩu.
Dù sao, ngay khi biết tin Bella bình an, tinh thần Koby ổn định lại thấy rõ. Chàng ta đã bớt la hét khi bệnh lên cơn. Lúc tỉnh, nhấp nháp ly cafe tôi mang tới, Koby đã vui vẻ nói tới dự dịnh trở về New Orleans. Trong đầu chàng tuổi trẻ, chắc đang hình dung ra cái bàn cũ chàng ta thường ngồi ở Cafe du Monde, nhâm nhi ly cà phê, chờ cô bé Bella xong buổi làm việc.
Thôi, tôi sẽ không kể cho Koby nghe về cơn bão Rita sắp đi qua thành phố để hy vọng ngày trở về chốn cũ làm ấm lại con tim của chàng trai.
“Koby, rán khoẻ nha. Sắp gặp lại Bella rồi. Sắp làm bố nữa. Đứa bé sẽ tuyệt vời.“ Tôi nói.
NGUYỄN THỊ HUẾ XƯA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến