Bài số 854-1444-280-vb8102305
Tác giả sinh năm 1937, hiện là cư dân San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là một tự truyện kể về người tình và người chồng cũ.
*
Tôi quen Đ vào cuối mùa xuân năm 1965. Qua thư tín Đ là lính, lính đúng nghĩa. Lúc đó tôi viết theo điạ chỉ quân bưu (kbc). Đ cho tôi biết đang ở Vũng Tàu theo khoá học ngành truyền tin, vài tháng sau ra trường Đ được đổi về Sài Gòn làm việc ở trại Cửu Long-Thị Nghè. Kể từ đó chúng tôi lần lần thân nhau.
Lúc đó tôi ở nhà người anh họ ờ đường Trần Quang Khải thay mặt anh chị tôi quản lý một cửa hàng, làm nhiệm vụ cashier vì anh chị tôi có cơ sở làm ăn ở quê nhà thuộc tỉnh Cần Thơ thỉnh thoảng mới về thăm. Trong gia đình lúc ấy rất là vui, các cháu tôi vào tuổi trung học và đại học. Cô cháu chỉ chênh lệch năm bảy tuổi, cho nên rất là thông cảm nhau. Trong nhà chúng tôi còn thêm một người thư ký rất tận tụy trung thành mà mọi người đều quí mến kính trọng như thân nhân. Chú ấy tuy có tuổi nhưng sống biết hoà đồng với người tre.
Trong khung cảnh gia đình ấy, Đ thường lui tới nhà tôi chơi và được cả nhà coi như người thân. Thế rồi ngày tháng trôi dần, tình bạn giữa chúng tôi đi lần đến tình yêu. Đ và tôi đã có những ngày tháng đẹp bên nhau.
Vào thời gian ấy, Đ cùng các bạn có thuê chung một căn nhà nhỏ trong xóm nghèo bên Thị Nghè, gần trại Cửu Long. Nơi đó, chúng tôi đã cùng nhau có những bữa cơm đạm bạc mà vui. Bé và Gia, giờ đây các em ở đâu" Chị vẫn còn nhớ hai em. Lòng tôi còn đầy ấp biết bao là kỷ niệm của ngày xưa cũ ấy!
Còn nhớ, khi Đ bị thuyên chuyển ra tận An Thới Phú Quốc, lòng tôi buồn vô hạn, tới mức không nói nổi bằng lời. Có thể cho tới tận bây giờ Đ chưa hiểu hết trong sâu thẳm của lòng, tôi đã tự nguyện sẵn sàng hy sinh, kể cả mạng sống của mình, để đi cho trọn cuộc đời mình với ước thề ấy!
Những ngày ở Phú Quốc Đ viết biết bao cánh thư ân tình thắm đượm cho một bức họa dệt mộng cho tương lai hai đứa, những cánh thư tha thiết thủy chung thường xuyên bay về với tôi, tôi tin tưởng ở Đ với lòng tin tuyệt đối. Chúng tôi có chung một ước mơ nhỏ bé, đơn giản: chỉ cần một mái ấm vợ chồng hôm sớm có nhau không cần giàu sang, danh vọng.
Đ đi Phú Quốc ngày 20 tháng 5 năm 1968 thì cuối năm ấy hôn lễ của chúng tôi cử hành với sự chấp nhận của cha mẹ hai bên.
Thế rồi một năm sau con gái tôi chào đời. Cháu ra đời trong sự mong ước lẫn với niềm vui mừng của cha mẹ và ông bà ngoại. Vì tôi là con một cho nên tiếng cười hoặc tiếng khóc của cháu đều đem đến cho ông bà ngoại một niềm vui êm diu hơn bao giờ hết. Ông bà rất cưng yêu cháu.
Hai năm sau, giữa năm 1971 thêm một cháu trai ra đời. Gái giống mẹ, trai giống cha. Hai cháu rất dễ thương, gái nhanh nhẹ, trai bụ bẫm, tôi rất toại lòng với ước mơ. Lẽ ra lúc đó tôi nên gởi cháu cho ngoại và nhờ người trông coi để trở lại với việc làm, bởi lẽ cháu là đứa con đầu lòng cưng quá không tin tưởng người khác nuôi nên tôi nghỉ việc ở nhà trông con. Vì không đi làm được nên hoàn cảnh thiếu trước hụt sau trăm bề!
Vì Đ là lính cho nên không nơi nào ở lâu và cố định từ Phú Quốc về Bình Thủy rồi Sài Gòn đến Nha Trang. Vào những ngày tháng bi thảm nhất của cuộc chiến, đơn vị sau cùng của Đ là HQ 17. Trước khi đáo nhiệm đơn vị mới, cuối tháng 3 năm 1975, Đ có về thăm mẹ con tôi được vài ngày, lúc ấy quê tôi cũng không yên, tôi phải di tản đến một nơi an toàn hơn Huyện Ô Môn. Gần kề ngày Đ phải ra đơn vị, lòng tôi trĩu nặng âu lo, sợ hãi, như có một linh cảm chẳng lành nào đó sẽ đến với mình!
Mẹ con tôi tiễn Đ ra bến xe đò Ô Môn, trên khoảng đường ngắn tiễn đưa tôi muốn dặn dò Đ một câu, chỉ một câu thôi, dù cho cuộc chiến có thế nào đi nữa, anh còn sống hãy cố gắng tìm về với mẹ con em, vì em luôn luôn mong đợi anh về. Nếu cần chết mình cùng chết bên nhau. Như tôi nói đoạn trên, tôi chỉ viết được chứ không nói được, thế cho nên lúc đó bờ môi tôi như tê dại, lòng tôi thì nghẹn ngào không dám nói một câu chẳng lành ấy để thêm xót xa buồn trong dạ làm đau lòng kẻ ở người đi. Viết đến đây dĩ vãng như quay về hiện hữu trước mặt tôi lòng còn nghe quặn thắt niềm đau như mới đưa tiễn người thương hôm nào! Một chuyến đi định mệnh đã mất nhau rồi còn buồn nào hơn" Rồi bạn bè tôi nói hay Đ đã chết" Tôi có vững niềm tin Đ còn sống, chỉ đang ở một gốc trời nào đó thôi. Tôi nghỉ trong tình chồng vợ có một sự thiêng liêng quyền bí mà mình có thể cảm nhận đúng trên năm mươi phần trăm sự việc.
Năm đầu tôi rất buồn rầu trong nổi chán chường thất thỉu chơi vơi như chim lạc bầy, tinh thần xuống dốc sức khoẻ suy yếu tưởng chừng không đủ sức chịu đựng vượt qua khoảng đời gian nan ấy. Lúc đó tôi cũng chưa buồn lo đến chuyện áo cơm, bởi ông bà ngoại tuy nghèo nhưng đủ nuôi hai cháu cơm ngày hai bữa ấm no, nhất là cho hai cháu tình thương yêu trọn vẹn, nên hai cháu đỡ tủi thân trong lạc loài. Ông bà có mảnh vườn nhỏ, có hàng cau xanh, có luống trầu vàng, có hàng dừa lả ngọn che mát cạnh dòng sông hiền hoà.
Nhìn con trẻ ngây thơ ở tuổi đời non dại và nghỉ đến tương lai của hai cháu rồi sẽ về đâu" Sáng sủa hay đen tối" Một phần trách nhiệm là do tôi lèo lái một con đò! để chuyên chở những ước mơ bé nhỏ từ khi tôi mới bước chân vào đời để xây dựng gia đình khi ấy các cháu chưa tượng hình, nghỉ đến đó tôi thêm nghị lực và can đảm hơn. Thế rồi bắt đầu từ đó tôi xui ngược tảo tần bươn chải làm chim mẹ tha mồi nuôi con.
Nhờ Phật trời thương nên hai cháu cũng no lòng theo hoàn cảnh của mẹ. Mẫu mực tôi đợi chồng trọn vẹn với quyết tâm đem hết sức mình để lo cho con, và đó cũng là niềm an ủi duy nhất và luôn vững niềm tin Đ vẫn còn sống.
Rồi vào giữa năm 1980 tôi nhận được thư Đ nghĩa là đúng 5 năm sau mới có tin-tiếp theo nhận một thùng đồ, qua Đ cho. Cũng cuối năm đó (1980) Tôi mang hai con tôi đi vượt biên, khởi đầu ngày đi 25 tháng 12 năm 1980 DL cũng đúng vào ngày mừng chúa giáng sinh ra đời, hướng đi là Cà mau, trước khi đi trong thâm tâm tôi chấp nhận đến 80% chết, vì vào mùa đó biển chưa lặng, gió chưa yên đôi khi còn gặp bảo tố là khác, đi với trăm ngàn hiểm nguy, kề với cái chết trong gang tấc mới gặp được người thân trong cái sống, rồi như một phép mầu nhiệm của Phật mẫu Quan Thế Âm Bồ Tát cứu độ che chở cho mọi người đến bờ đều được bình an. Tôi biên thư báo tin cho Đ biết là mẹ con tôi đến Malaysia rồi. Những ngày đầu mới đến tôi như còn say sống chưa hoàn hồn, đói khác, sợ hãi hoảng hốt đến kinh hoàng của những ngày lêng đênh trên biển cả mà rất ít hy vọng được sống sót vài ngày sau mới bình tâm trở lại thăng bằng trong cân não của tâm hồn.Lòng tôi bắt đầu rộn rã một niềm vui không sao tả hết bằng lời, nghỉ đến ngày con tôi gặp lại cha, vợ gặp chồng, mừng mừng tủi tủi nghẹn ngào với giọt lệ đoàn viên thì còn gì vui hơn, rồi kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện của hơn năm năm dài cách biệt từ nhớ thương cho đến buồn đau, chết chóc âu lo đói nghèo mất mát ly tan v.v.. ..
Sau gần một tháng tôi nhận được thư Đ trong tay cầm bì thư mà lòng tôi lâng lâng một niềm vui như ngày mở hội lớn. Khi đọc thư thì trời ơi! Như có bàn tay nào đó bóp nát trái tim tôi ra từng mảnh vụn. Ôi còn gì nữa một hoài bão của chờ mong!
Tôi hết dạ tin sự thủy chung của Đ nên chưa một lần nào để ý hoặc chuẩn bị gặp phải bất trắc cho bản thân mình cả. Đả hơn 20 năm qua rồi nay tôi ghi lại những dòng chữ nầy còn nghe đau trong dạ với nhiều xót xa. Ngày tôi ra cửa biển không chết vì súng đạn của công an biên phòng, tôi không chết vì sóng gió hoặc bão tố của biển cả đại dương và cũng không chết trong bàn tay vô nhân tàn bạo của hải tặc và cũng không chết bởi thiếu lòng nhân ái trong hải phận Malaysia, mà giờ đây tôi đả chết đuối ở tâm hồn, chết trong tức tưởi nghẹn ngào trái ngang... thế là hết... hết cả rồi! Vì Đ đã bẻ gãy cung đàn năm xưa.
Tôi nhờ người em họ lo bảo lãnh giùm tôi. Trải qua 15 tháng ở hai quốc gia Malaysia và Philippine với nhiều cơ cực và thiếu thốn, để rồi định cư đoàn tụ gia đình ngườI em ở Baltimore, MD. Tưởng mẹ con được yên thân đạm bạc với gia đình cậu em ấy, nào ngờ lại tiếp nối thêm nỗi đau khác. Thư luật sư của Đ gửi cho biết tôi phải đến tiểu bang của Đ ở để ra toà ly dị. Còn tình, còn nghĩa một hột muối dẫu rằng nó mặn, nhưng nghe trong vị mặn đó nó còn có cái ngọt ngào, còn cạn tàu ráo máng, thì tờ hôn thú kia chỉ là mảnh giấy vô tri vô giác có nghĩa gì với tôi đâu. 90 ngày rao trên mặt báo, không người lên tiếng bản án ly dị được xử khiếm diện, nghĩa là không có mặt tôi. Đ có toàn quyền làm việc ấy. Tiếng nói tôi đã chết tự lâu rồi thì bận lòng chi nữa!
Ngày xưa tôi yêu Đ cổ không có bông mai, trong tay cũng không bạc tiền. Chúng tôi song bước bên nhau trong cái nghèo gặp gỡ. Tôi yêu Đ chỉ có một trái tim, với một tấm lòng trung hậu nhiệt thành chẳng đổi dời, dẫu cho hôm nay đường đời đả rẽ lối nhưng hình ảnh chàng thủy thủ của 40 năm về trước vẩn ở trong tôi vớI cái thuở ban đầu ấy!
Dù cho ngày nay chỉ là cái bóng mờ! Tôi trân trọng gìn giữ cái gì tôi đả chọn dẩu đời đổi trắng thay đen. Sau khi được thư luật sư của Đ tôi quyết định ra đi. Ngày tới Baltimore đầu tháng 4 năm 1982 giữa tháng 6 cùng năm tôi đả đi, chỉ ở nhà người em có hai tháng rưởi mà thôi. Ba mẹ con lại khăn gói ra đi, đi trong nước mắt chan hòa với nỉềm đau trĩu nặng của khối u sầu, đi như kẻ ngã ngựa mà không được một vòng tay bác ái cứu giùm!
Mẹ con tôi đi về vùng đất ấm cho đến tận bây giờ! Và chọn San Jose làm quê hương thứ hai cho ba mảnh đời lưu lạc nơi đất khách! Ngày xưa tôi chẳng dám mơ ước sang giàu thì nay cũng nghèo với bàn tay trắng, chỉ được một đều là ơn trên thương như một sự đền bù, hai cháu học hành nên người. Cháu gái hiện đang làm việc ở trường De Anza College. Cháu trai làm ở hãng Sanmina. Những ước mơ nhỏ bé của những ngày xa xưa ở tuổi thiếu thời hơn 30 năm sau tôi mới được.
Không bao giờ tôi quên được những ngày tháng ở Malaysia với đầy nước mắt và tuyệt vọng, lòng ngổn ngang trăm mối âu lo. Rồi may mắn thay phái đoàn Hoa Kỳ chấp nhận hồ sơ tôi và cho phép mẹ con tôi được định cư trên vùng đất hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tôi cũng không quên một người dẫu rằng đường đời ngày nay đôi ngả đả cách ngăn. Tôi và con với tấc dạ chân thành gởi lời cám ơn đến người đả phụ bỏ mẹ con tôi. Vì nếu nơi đây mà chẳng có người thì chắc chắn vạn ngàn lần không, tôi cũng chẳng bao giờ đặt chân trên mảnh đất xa lạ nầy đâu. Dù cho nơi đây có nhà cao, cửa rộng hoặc vật chất đủ đầy! Một lần nữa tôi xin gởi lời Đa Tạ Đến Cố Nhân.
HTHL