Hôm nay,  

Động Đất Đêm Động Phòng

17/02/202300:00:00(Xem: 3408)
17-2-2023-_18-pages-_-VB_-3
Hình của tác giả cung cấp

Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 bài viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới

*

Người Việt nam tại các tiểu bang khác sau khi thăm California thường hay nói câu Cali đi dễ khó về.  Sở dĩ được ca ngợi như thế là vì California cái gì cũng có.  Khí hậu thì dễ chịu.  Ai thích tắm biển thì chỉ cần lái xe trong vòng từ 5 phút đến 2 tiếng đồng hồ, tùy theo ở gần bờ biển hay trong thung lũng sa mạc.  Ai thích đi trượt tuyết thì cũng chỉ cần lái xe trong vòng hai tiếng đồng hồ là lên tới núi.  Vì điều kiện thời tiết dễ chịu cho nên rất nhiều người chọn California làm nơi lập nghiệp.  Một cái California có mà hầu như không ai muốn, đó là động đất.  Tuy vậy tôi có quen một vài người thích động đất.

Khi còn ở Vietnam vào thập niên 1980 để chờ đi Mỹ, tôi hay nghe đài tiếng nói Hoa kỳ, VOA, hằng đêm.  Năm 1987, khi VOA đưa tin động đất tại Whittier miền nam California, tôi cảm thấy lo lắng không biết người thân có bị hề hấn gì không.  Tôi lo lắng cũng cả tháng cho đến khi nhận được thư của ba gửi về báo rằng mọi người bằng an vô sự. 

Khi mới qua Mỹ, một trong những bài học đầu tiên mà anh lớn của tôi (đã qua Mỹ trước đó gần 10 năm) dạy cho chúng tôi là phải làm gì khi động đất xảy ra.  Anh dặn chúng tôi là cố gắng chạy nhanh ra ngoài sân vì sợ nhà sập.  Nếu không chạy kịp ra sân thì cố gắng đứng dưới khung cửa vì các khung cửa cứng chắc sẽ chống đỡ, giúp mình khỏi bị đè bẹp nếu trần nhà bị sập. 

Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ, khi đi học các lớp ESL, thầy cô nào cũng hỏi những người mới đặt chân đến Mỹ điều gì họ sợ nhất. Hầu hết những người di dân này ai cũng trả lời động đất là điều họ sợ nhất trên đất nước mới này. Tuy nhiên, khi tôi nói là động đất không phải là điều tôi sợ nhất, ai cũng ngạc nhiên và muốn biết tại sao.

- Điều mà tôi sợ nhất là ra đường nói tiếng Anh người ta không hiểu mình và người ta nói mình không hiểu họ.
- Vậy động đất là điều bạn sợ thứ nhì?
- Không, điều thứ nhì tôi sợ là ra đường nói người ta hiểu sai mình và mình hiểu sai người ta nói .

Sở dĩ tôi trả lời như vậy là vì Cali không có động đất trong gần ba năm đầu tôi sống tại Mỹ. Cái này gọi là điếc không sợ súng. Còn chuyện ra đường nói người ta không hiểu hay hiểu sai thì hầu như ngày nào cũng xảy ra.

Những ngày đầu tiên ở Mỹ, khi đi làm giấy tờ như xin thẻ xanh, khám sức khỏe, người ta hay hỏi tôi câu:

- How long have you been here? - Bạn ở đây bao lâu rồi?

Vài tuần tạm ổn, tôi ra trạm xe bus để đón xe đi học ESL. Ngồi chờ xe khoảng 15 phút thì một bà già Mỹ ngồi xuống bên cạnh. Sau một hồi, bà nhìn đồng hồ vẻ sốt ruột, quay sang hỏi tôi:

- How long have you been here?

Câu hỏi này nghe quen quen, tôi nhoẻn miệng trả lời:

- A few weeks.

Tưởng tôi đã ngồi chờ xe bus vài tuần, bà Mỹ há hốc mồm ngạc nhiên.

Ở Mỹ vài tháng, tôi cũng học được cách sống của người Mỹ. Thấy trên TV hay phim ảnh, người Mỹ thích ăn bánh muffin vào buổi sáng, một hôm tôi đi vào một tiệm bánh và bảo người bán hàng:

- Can I have 4 mufflers?

- Sorry sir, this is not an autoshop. This is a bakery store- xin lỗi ông, đây không phải là tiệm sửa xe hơi. Đây là tiệm bánh ngọt.Ý tôi muốn mua bánh muffins mà lại nói lộn qua muffler (ống bô xe hơi). Cũng may tiệm bánh không bán ống bô xe hơi; nếu không thì không biết tôi phải mất bao lâu mới gặm hết 4 cái ống bô.

Ở Mỹ một thời gian, tiếng Anh đỡ tệ cho nên hai nỗi sợ người ta nói mình không hiểu và mình nói người ta không hiểu ngày càng bớt đi và nhường chỗ cho nỗi sợ động đất.

Vào trung tuần tháng một năm 1994, một bạn học của tôi, chị Mai, thành hôn. Gia đình chị bạn này có cả thảy 3 chị em gái là Mai, Lan và Huệ. Vì đây là lần đầu tiên gả chồng cho con gái, gia đình ba chị bạn này rất cẩn trọng với việc cưới hỏi. Tối thứ sáu tuần đó, tôi mà một số bạn học đến nhà cô dâu để tập dượt cho các nghi thức hôn phối sẽ diễn ra hôm thứ bảy.  Cả gia đình chị bạn, nhất là bà Bông, mẹ cô dâu, đặt ra rất nhiều luật lệ cho chúng tôi, những người bạn được giao các nhiệm vụ quan trọng như bê heo quay, mâm cỗ và lái xe hoa vì họ rất mê tín dị đoan.  

Mẹ cô dâu rất năng động cho nên quyết định hết mọi thứ.   Nhà chú rể vì không muốn tình hình căng thẳng nên chấp nhận để cho bà Bông đạo diễn mọi việc.

Mẹ cô dâu dặn thằng Quý là tài xế lái xe hoa cho cô dâu chú rể:

- Khi lái xe rước dâu từ nhà bác về nhà chú rể, con nhớ là phải cho xe di chuyển liên tục,  không được dừng lại vì dừng lại là điềm xui xẻo, cản trở hạnh phúc của hai đứa.

- Vậy lỡ gặp đèn đỏ thì sao bác? – thằng Quý hỏi khó mẹ cô dâu.

- Nếu gặp đèn đỏ thì quẹo phải chứ không được ngừng lại! – mẹ cô dâu cương quyết – nhất định không được dừng xe.

Thằng tài xế đang choáng váng chuyện không được dừng xe, mẹ cô dâu bồi cho nó thêm một cú đo ván:

- Khi tới nhà chú rể, lỡ con chạy quá thì nhớ không được de lui.  Con phải chạy tiến lên phía trước rồi đánh một vòng qua bốn góc phố để quay lại nhà chú rể.  Tuyệt đối không de lùi hay u-turn.

Tôi đang cười vì thấy mặt thằng tài xế tái mét sau khi nhận chỉ thị từ mẹ cô dâu thì bà quay sang tôi:

-Nhiệm vụ khiêng heo quay của con cũng quan trọng lắm.  Nhớ không được làm gãy tai con heo.  Khi khiêng heo nhớ khiêng cho thật cân bằng, không chúi đầu heo xuống đất vì như thế thì vợ sẽ ăn hiếp chồng, không chỉa đầu heo lên trời vì như thế thì chồng sẽ ăn hiếp vợ, không được nghiêng qua trái vì như thế thì hai vợ chồng sẽ chỉ có con gái, không được nghiêng qua phải vì như thế thì hai vợ chồng sẽ chỉ có con trai.

Hải, thằng đồng đội khiêng heo của tôi, nghe tới đó chịu hết nổi, mở cái mồm "thối" hỏi lại mẹ cô dâu:

- Vậy khiêng heo như thế nào để cho họ đẻ con pê đê?

Mặt mẹ cô dâu đỏ bừng lên vì câu hỏi vô duyên của thằng Hải. Trước không khí im lặng và căng thẳng của mọi người, thằng Hải nhận ra là nó mới bị nhiễm căn bệnh long móng lỡ (dấu ngã) mồm dù chưa đụng đến con heo quay. Để phá vỡ không khí ngột ngạt, tôi quay sang hỏi ba cô dâu, một người rất hiền lành, cả buổi hầu như chẳng mở miệng nói một câu nào:

- Hồi đám cưới hai bác, chắc nhà bác gái ở dưới thung lũng cho nên hai chú khiêng heo khiêng chúi đầu xuống đất hơi nhiều.

Mặt má cô dâu từ màu đỏ chuyển sang màu tím, dập tắt nụ cười mới chớm nở trên môi ba cô dâu một cách... dã man. Nhìn cái mặt đằng đằng sát khí của má cô dâu tôi mới nhận ra rằng tôi đã bị lây căn bệnh lỡ mồm của thằng Hải. Thế là tôi quyết định sẽ câm mồm để bớt vô duyên.

Ra chỉ thị cho hai thằng khiêng heo xong, má cô dâu quay qua mấy thằng khiêng mâm trái cây và xôi:

- Các con cũng vậy, khiêng trái cây phải cẩn thận đừng để trái cây rớt ra ngoài.

Vì sợ mang tiếng là phá hoại hạnh phúc đôi tân hôn nếu không tuân thủ chỉ thị của mẹ cô dâu, chúng tôi đứa nào cũng căng thẳng và cố gắng thi hành nhiệm vụ được giao phó.

Sáng thứ 7, chúng tôi sắp hàng thẳng tắp trước nhà cô dâu để chuẩn bị các nghi thức hôn phối. Chú rể và ba má cũng như các vị tai to mặt lớn đứng đầu hàng. Sau đó là đám bạn học bưng mâm cỗ trong đó có xôi, trà, bánh và trái cây. Tiếp theo là con heo quay thật nặng do tôi và thằng Hải bưng. Vì mê tín dị đoan cho nên phái đoàn nhà trai chúng tôi phải đứng đợi khoảng 15 phút cho tới giờ hên mới được cho vào nhà gái. Con lợn quay quá nặng mà chúng tôi không được phép bỏ xuống đất cho nên sau khoảng 10 phút là cả thằng Hải và tôi toát mồ hôi, hai tay mỏi rã rời. Đang định... văng tục thì may quá giờ linh thiêng rước dâu đã đến.  Do quá tập trung vào con lợn quay to béo để cho nó không bị mất thăng bằng mà tôi với thằng Hải không biết là cái hàng nhà trai phía trước đã dừng lại vì các đấng tai to mặt lớn hai họ đang tay bắt mặt mừng. Thế là tôi và thằng Hải cho con heo quay ...hôn cái mông của thằng Đức đang bưng mâm trái cây phía trước. Bị lợn hôn mông bất ngờ, thằng Đức giật bắn mình làm nghiêng cái mâm trái cây và vài trái táo "rủ" nhau nhảy xuống đất chơi. Mấy thằng bạn đi phía sau thấy thế liền bủa ra chạy lượm trái cây để bỏ vào lại cái mâm trên tay thằng Đức. Cái tai con heo quay bị gãy mất một miếng nhỏ. Mấy thằng bạn học nhanh trí lấy mấy cành hoa trang trí để kê cái tai gẫy lại. Sau khi "hôn" mông thằng Đức, con heo quay để lại một đống mỡ trên quần thằng Đức. Mấy thằng bạn học, sau khi “vá tai” cho con heo, lại phải chùi mông cho thằng Đức.Tôi áy náy lương tâm quá vì như vậy là tôi và thằng Hải đã..phá nát gia can đôi tân hôn rồi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy lương tâm bớt cắn rứt khi một người bên họ hàng chú rể trong lúc trao phong bì cho đôi tân hôn đã chúc như sau:

- Chúc cho hai cháu một năm hạnh phúc và may mắn.

Vì đám cưới xảy ra một tuần sau tết Nguyên đán cho nên ông bác nọ quen miệng chúc tết trước đó. Mẹ cô dâu cau mày lại vì câu chúc của ông bác bị lây bệnh long móng lỡ mồm kia. Dù thông cảm với ông bác, tôi cảm thấy bớt trách nhiệm trong việc phá hoại hạnh phúc của đôi tân hôn từ 50% xuống 33%.

Mà đúng là ghét của nào trời trao của đó. Trong bữa tiệc cưới buổi tối, có một vị khách lên hát giúp vui với bài "Linh hồn tượng đá". Rõ ràng là vị khách này hoàn toàn không bị long móng lỡ mồm. Thế là tôi lại cảm thấy nhẹ bớt trong lòng vì nếu đôi tân hôn này có đổ vỡ thì trách nhiệm của tôi chỉ còn 25%.

Sau một tiệc cưới quá vui vì rất nhiều bạn học cũng đến tham dự, tôi về đến nhà khoảng nửa đêm.  Cả nhà đã đi ngủ cho nên tôi rón rén vào nhà vệ sinh để “thăm lăng Bác” trước khi đi ngủ.  Vừa ngồi xuống cái “thùng phiếu” hình bầu dục màu trắng để “bỏ phiếu” cho Bác thì tôi bị chao đảo và ngã chúi về phía trước.  Tôi tự hỏi là vì mình còn say rượu từ bữa tiệc cưới hay vì buồn ngủ mà bị mất thăng bằng.  Cho dù có buồn ngủ, tôi quyết tâm phải bỏ cho Bác vài “phiếu” rồi mới đi ngủ.  Thế là tôi lồm cồm đứng dậy và ngồi lên thùng phiếu.  Sau vài phút, khi đang thả được nửa phiếu thì tôi lại thấy chao đảo muốn té và tôi nghĩ hay là mình bị đột quỵ.  Cùng lúc đó, tôi nghe mọi người trong nhà la toáng:

- Động đất! Động đất!

Nhớ lời ông anh dạy, tôi đành phải…ngắt nửa “lá phiếu” đang bỏ dở cho "Bác" để chạy ra ngoài sân.  Ra đến sân, sau khi điểm danh mọi người trong nhà, ông anh nói:

- Hình như hồi nãy động đất tới hai lần.  Lần đầu chỉ xảy ra trong vòng vài giây.  Lần thứ hai chắc khoảng mười mấy giây.

Trong lúc đứng ngoài sân, chúng tôi phát hiện ra là cơn động đất làm nước trong hồ cá mà ba tôi mới xây xong văng tung tóe đầy sân. Ba tôi nói:

- Cũng may mà không có con cá nào bị văng ra khỏi hồ.  Ngày mai sẽ rút bớt nước hồ xuống để tránh sau này động đất không làm nước văng tung tóe như vầy.

Sau khoảng mười phút đứng ngoài sân, mọi người từ từ kéo nhau vào lại trong nhà vì trời quá lạnh do đang là mùa đông.  Vào trong nhà, mở TV lên, chúng tôi mới biết là tâm chấn của động đất vừa rồi là ở Northridge, cách nhà tôi khoảng hơn hai tiếng lái xe.  Vì gần như thế cho nên chúng tôi cảm thấy sự rung chuyển của mặt đất quá mạnh.

Ngày đầu tuần, khi đi học lại, mọi người đều xúm lại chọc ghẹo cặp vợ chồng mới cưới rằng không biết đêm thứ bảy vừa rồi hai anh chị động phòng thế nào mà làm rung rinh cả miền nam California.  Tuy đám cưới không hoàn hảo theo ý muốn của bà Bông, hai vợ chồng chị Mai rất hạnh phúc dù không có con cái.  Bà Bông dị đoan cho rằng chuyện heo quay bị gãy tai, trái cây rớt xuống đất cũng như mấy ông khách với những lời chúc hay bài hát vô duyên là nguyên nhân hiếm muộn của vợ chồng chị Mai. Bà Bông lại mê tín dị đoan khi vớt vát rằng nhờ có động đất nên cho dù đám cưới nhiều điều xui xẻo, hai vợ chồng chị Mai vẫn hạnh phúc.  Tôi không hiểu tại sao động đất đêm động phòng lại là nguyên nhân giúp cho người ta hạnh phúc.  Tôi cố tìm hiểu trong sách vở nhưng chẳng tìm thấy mối liên hệ giữa động đất và hạnh phúc lứa đôi.  Đúng là mê tín thật khó hiểu.

Vài năm sau, chị Lan, thứ hai của gia đình 3 chị bạn học, lập gia đình. Đám bạn học chúng tôi lại tề tựu tại nhà cô dâu để chuẩn bị cho ngày trọng đại.  Vì còn giận chuyện tôi làm gãy tai heo trong đám cưới chị Mai cách đây vài năm, mẹ cô dâu quyết định...cắt chức đội trưởng đội khiêng heo quay của tôi.  Dù khiêng heo rất nặng, tôi vẫn trân trọng vai trò này và hy vọng là sẽ làm đội trưởng đội khiêng heo ba nhiệm kỳ cho 3 chị em.  Vậy mà bây giờ sự nghiệp khiêng heo quay của tôi bị bà mẹ cô dâu cắt ngắn một cách không thương tiếc. Tôi buồn là vì khi còn trẻ lão, Đỗ Mười từng là hoạn lợn (làm nghề thiến heo) vậy mà sau này leo lên đỉnh cao quyền lực, làm tổng bí thư đảng CSVN một nhiệm kỳ rưỡi. Nếu tôi khiêng heo ba nhiệm kỳ, biết đâu sau này cũng leo lên tới đỉnh cao quyền lực không chừng. Vậy mà bà mẹ cô dâu thẳng tay dập nát ước mơ heo thầm kín của tôi. Có lẽ cảm nhận được tình yêu tôi dành cho heo quay, bà mẹ cô dâu cho tôi một chức vụ vớt vát khác có dính đến heo.

- Đây là biên lai bác đã trả tiền cho con heo quay. Ngày mai con ra đó sớm lấy heo và chở về trước giờ rước dâu.

Số là chú rể chỉ có một thân một mình ở Mỹ mà lại còn đang đi học cho nên mẹ cô dâu bỏ tiền ra lo hết, từ nhà hàng cho đến tiền mua heo quay.  Thôi thì được trao cho nhiệm vụ lấy heo cũng là hạnh phúc rồi.  Thằng Hải cũng bị đình chỉ công tác khiêng heo để chuyển sang làm bên ban tiếp tân. Bà mẹ cô dâu đúng là nhổ cỏ phải nhổ tận gốc.  Nhiệm vụ khiêng heo kỳ này được trao cho hai thằng Phúc và Đức. Có lẽ bà mẹ cô dâu không muốn Hải và tôi buồn chuyện bị giáng chức, bà giải thích việc chọn Phúc và Đức vào ban khiêng heo:-Tên của hai đứa khiêng heo kỳ này sẽ đem lại nhiều phúc đức cho gia đình mới.

Phải công nhận căn bệnh long móng lỡ mồm khó trị thật. Khi nghe giải thích của mẹ cô dâu về tên của hai thằng khiêng heo mới, tôi liền mạn bàn thêm vài chi tiết:

- Thưa bác, thằng Phúc ở nhà gọi nó là thằng Bảy vì nó là thứ 6 trong gia đình. Mà Bảy gọi theo tiếng Hán Việt là Thất. Cháu thấy Thất mà đi với Đức là không ổn.

Mẹ cô dâu cau mày vì câu nói vô duyên của tôi nhưng có lẽ không muốn nhắc tới chữ thất đức trong ngày vui nên làm ngơ và quay qua chuyện khác.
Cũng như lần trước, bà căn dặn tài xế xe hoa là không được dừng xe và nếu có đi quá thì phải đánh một vòng chứ không được de lui. Mấy đứa khiêng heo và mâm quả phải đi đứng cho thẳng thắn.

Sáng thứ 7, ngày lễ thành hôn của chị Lan, tôi lái xe đến tiệm để lấy heo quay theo nhiệm vụ mẹ cô dâu giao cho tối hôm trước. Sau khi đưa biên nhận cho ông chủ tiệm, tôi chạy ra xe mở cốp (trunk) và đứng chờ tiếp nhận heo. Khi chuẩn bị bỏ heo vào cốp, ông chủ tiệm kêu tôi tới tấp:

- Đỡ cái đầu! Đỡ cái đầu!

Trước sự kêu gọi giúp đỡ hối hả của ông chủ tiệm, tôi đưa tay ra đỡ cái đầu ông . Tôi vừa đụng vào đầu thì ông lại la toáng lên:

- Đỡ đầu heo! Đỡ đầu tui làm gì?

Thì ra ông chủ tiệm sợ đầu heo bị gãy cho nên kêu tôi phụ đỡ đầu heo nhưng tôi lại hiểu lầm.

Sau khi giao heo cho hai thằng Phúc và Đức, tôi trở thành "thất nghiệp", rảnh rỗi không có gì làm ngoài việc đứng chờ tới giờ lễ thành hôn. Rảnh rỗi sinh nông nỗi, tôi nổi hứng làm một bài thơ con cóc để ghi lại những gì mình thấy nhân ngày vui của chị Lan. Đắc chí với bài thơ, tôi vội đọc cho mấy đứa bạn đang đứng xung quanh cho chúng nó bớt lo lắng vì các nhiệm vụ cao cả mẹ cô dâu giao cho.

Cali động đất đêm động phòng
Mẹ của cô dâu chạy lông nhông
Lo ngày con gái đi lấy chồng
Thần linh, bùa chú quá dị đoan
Lo cho đám nhỏ đi đàng hoàng
Lo heo không khéo rớt vỡ toang
Tài xế xe hoa nhìn bà phán:
"Xe hoa con lái phải hiên ngang
Nhấn ga phóng tới giống đi càn
Đèn xanh đèn đỏ con đừng ngán
Quyết luôn tiến tới chớ thối lui"
Nghe xong tài xế quá bùi ngùi
Bà mẹ cô dâu phá cuộc vui

Mấy đứa bạn nghe xong phá ra cười, làm vỡ cái không khí căng thẳng ngột ngạt trước đó. Tưởng rằng tôi đã làm một điều tốt lành cho đám cưới chị Lan, nào ngờ sau này bài thơ con cóc của tôi đến tai mẹ cô dâu và khi đến đám cưới con gái út của bà là chị Huệ, bà cho tôi "đi đày" khá xa (sẽ kể phía dưới). Đám cưới chị Lan diễn ra khá suôn sẻ so với đám cưới chị Mai vài năm trước đó. Hai thằng Phúc Đức bưng heo rất cẩn thận cho nên không ai bị heo hôn mông. Đám khiêng trái cây và mâm quả cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, không có tai nạn nào xảy ra. Các vị khách giúp vui ai cũng hát các bài hát đầy hạnh phúc và không ai chúc cô dâu chú rể một năm hạnh phúc.

Cũng như đám cưới chị Mai trước đây, tôi về đến nhà khoảng nửa đêm. Tôi vội vã làm vệ sinh cá nhân để còn đi ngủ. Đang say giấc thì tôi giật mình thức dậy vì nghe người nhà la lớn "Động đất!"  Tôi lồm cồm bò dậy và cố gắng chạy ra ngoài. Tuy nhiên, phần thì do đang ngủ say, phần thì do cơn động đất làm rung chuyển mặt đất, dù cái nắm cửa ngay trước mắt, tôi loay hoay mãi mà vẫn không với tới được để mở cửa chạy ra. Lúc mở được cửa phòng thì động đất đã chấm dứt. Cơn động đất đêm động phòng của chị Lan xảy ra vào khoảng 4:30 sáng.
 
Hai vợ chồng chị Lan rất hạnh phúc không biết là do sắp xếp tài tình của bà mẹ cô dâu hay may mắn của cơn động đất đêm động phòng đem lại. Chỉ có mỗi một điều có thể gọi là không theo ý muốn là hai anh chị chỉ có hai đứa con trai và không có con gái. Mẹ cô dâu suy đoán là hai thằng Phúc Đức, dù không làm bể heo, có lẽ khiêng heo không được thẳng cho lắm cho nên vợ chồng chị Lan không có con gái. Bà nhất quyết phải bằng mọi cách khắc phục chuyện này khi con gái út, chị Huệ, đi lấy chồng.  Quá tam ba bận, bà mẹ cô dâu quyết tâm làm đám cưới cho chị Huệ phải hoàn hảo.
 
Một tháng trước đám cưới, bà Bông tập trung chúng tôi lại tại nhà để lên kế hoạch.   Vì sợ cái bệnh lỡ mồm và "mối thù" bài thơ con cóc của tôi trong đám cưới chị Lan cách đó vài năm, khi chuẩn bị đám cưới cho con gái út, chị Huệ, bà mẹ cô dâu "đày" tôi đi ra phi trường để đón Hạnh, một người em họ của cô dâu từ miền Đông bay về Cali thứ sáu trước đám cưới.   Nhiệm vụ của tôi chỉ có thế.
 
Bà yêu cầu tất cả những người khiêng mâm quả, tài xế lái xe hoa mỗi sáng thứ Bảy ghé nhà bà để thực tập công việc của mình.  Sau mỗi buổi tập, bà Bông thiết đãi mọi người ăn sáng.   Do không được phân công làm bất cứ việc gì trong đám cưới chị Huệ, tôi không cần phải có mặt hàng tuần để thực tập.   Tuy nhiên, vì ham vui, tôi vẫn góp mặt mỗi tuần.   Sau buổi tập dợt tuần thứ hai, trong lúc ngồi ăn sáng với nhau, bà Bông thông báo:
-Để có hình ảnh đẹp, bác mua đồng phục cho mấy đứa.

Bà Bông vào phòng lấy áo dài màu hồng cho các bạn nữ và vest đen cho đám con trai.   Vì không được giao nhiệm vụ cho nên tôi không được bà Bông cho đồng phục.  Nhìn đám bạn nói cười tíu tít thử đồng phục, tôi ngứa miệng nói với bà Bông:

-Đàn ông Mỹ đám cưới hay đám ma đều mặc đồ đen, có một màu một, chán bỏ xừ.

Tôi vừa dứt câu, bà Bông kêu đám con trai lại:

- Màu đen nhìn buồn quá.  Đưa lại cho bác để bác đổi màu khác.  

- Màu gì bác?  - Đám con trai nhao nhao.

Bà Bông suy nghĩ vài giây rồi phán:
 
- Com-lê màu hồng cho tông xì tông với đám con gái.

Anh Minh, lớn tuổi nhất, đại diện cho đám con trai phản đối:

- Tụi con là phái nam, mặc màu đen thích hợp nhất. Ai lại đi mặc màu hồng.

- Màu đen buồn quá con ơi.   Màu hồng mới là màu của hạnh phúc - bà  Bông cả quyết.

Cả đám con trai mặt buồn so trong im lặng.   Tôi, không bị ảnh hưởng bởi quyết định đổi hồng thay đen, hỏi ngu bà Bông:

- Hồi nãy bác nói com lê hồng nghĩa là sao? 

- Là từ trên đầu xuống dưới chân đều màu hồng.

Đám bạn thở dài ngao ngán. Tôi ngu ngơ hỏi tiếp:

- Từ đầu đến chân có nghĩa là áo, quần và giày?

Bà Bông xác nhận:

- Đúng rồi!

Tôi sửa lưng bà Bông:

- Vậy bác phải nói là từ vai xuống chân mới đúng.

- Ừ, thì từ vai xuống chân sẽ là một màu hồng.

Tôi góp ý thêm:

- Từ vai xuống chân màu hồng nhưng cái đầu vẫn còn màu đen.

Bà Bông ra vẻ ưu tư rồi quyết định:

- Vậy bác sẽ cho các con, cả nam lẫn nữ, nhuộm tóc màu hồng cho đủ bộ.

Thằng Hải lúc này chịu không nổi quay qua tôi, mắt đỏ ngầu:

- Mày rảnh rỗi quá hen?  Trong người tao còn vài ba chỗ có màu đen nữa, mày có tính nói ra luôn để tụi tao phải nhuộm thêm những chỗ đó không?

Thấy tình hình căng thẳng, tôi xuống nước:

- Bên trong đen không sao - nhìn mặt thằng Hải tôi quan sát  - Kỳ này mày đánh quần vợt và hút thuốc nhiều cho nên cả mặt và môi đen quá.

Bà Bông, nãy giờ theo dõi trao đổi giữa Hải và tôi, nhảy vào:

- Hôm đó bác sẽ kêu thợ trang điểm đánh phấn và son hồng cho mấy đứa luôn.

- Con trai mà son phấn hả bác?  - Thằng Hải gãi đầu bứt tai.

- Các nam tài tử hay xướng ngôn viên truyền hình họ đều trang điểm cho ăn ảnh mà con.

Thằng Hải và đám bạn quay qua nhìn tôi một cách giận dữ. Trong suốt thời gian từ hôm đó cho tới đám cưới, ngày nào đám bạn cũng trách móc sao tôi nhiều chuyện để cho bà Bông mấy cái ý tưởng quái đản kia.

Chiều thứ sáu trước đám cưới, tôi lái xe ra phi trường để đón Hạnh.   Trên đường chở Hạnh về nhà cô dâu, Hạnh cho biết là sẽ ở lại Cali hai tuần sau đám cưới để khám phá tiểu bang vàng. 

Hạnh được mẹ cô dâu giao cho nhiệm vụ khiêng heo lần này.  Để tránh chuyện heo bị nghiêng, bà mẹ cô dâu cho đặt con heo trên một cái bàn có 4 bánh xe để Hạnh đẩy.  Với giải pháp này, bà mẹ cô dâu tin chắc là heo sẽ không nghiêng qua bên nào cả.  Chưa hết, không biết ai đó rỉ tai cho bà mẹ cô dâu là nếu đám cưới mà trời mưa dầm dề thì cô dâu chú rể sẽ có nhiều con.   Bà Bông muốn có nhiều cháu nên nảy ra một sáng kiến bắt hai thằng Đức và Phúc mỗi thằng cầm một cái vòi nước phun lên trời làm mưa. 
 
Dù không được phân công làm bất cứ điều gì trong ngày đám cưới, tôi vẫn đến sớm sáng thứ bảy để cùng chung vui với mọi người.  Trong lúc mọi người xếp hàng trước sân nhà bà Bông để chờ đến giờ rước dâu, thấy tôi rảnh rỗi đứng một mình, bà Bông bước lại gần, cười toe toét:

- Bác phải cám ơn con đưa ra ý kiến về màu sắc.  Đám thanh niên nữ tú trong đồng phục toàn hồng xếp hai hàng, bác thấy đám cưới này đẹp quá.

- Con nghĩ chị Huệ sau này sẽ có con toàn là dược sĩ.

- Vậy hả con? - bà Bông mắt sáng lên như đèn pha - Mà sao con biết?

- Hai hàng thanh niên nữ tú trong đồng phục màu hồng không khác gì với những chai thuốc đau bụng Pepto Bismol được sắp xếp thẳng tắp trên kệ của nhà thuốc tây.

Bà Bông cười tít mắt khi tưởng tượng ngày các cháu của bà tốt nghiệp dược sĩ. Thật vậy, đám cưới chị Huệ diễn ra hoàn hảo như mẹ cô dâu mong muốn.  Heo không gãy tai, mâm quả không bị đổ, khách tham dự với quà mừng cho cô dâu chú rể rất nặng ký; không ai chúc lộn đám cưới với tết; những bài hát do khách hát giúp vui toàn là những bài hạnh phúc. 

Bàn tôi ngồi toàn là anh chị em bạn học cùng trường cho nên nói chuyện rất vui.  Tôi nhắc lại đám cưới của hai chị Mai và Lan:

- Hai đám cưới trước đều có động đất đêm động phòng, không biết đêm nay có động đất không?

Bà Bông đang đi chào bàn cùng đôi tân hôn gần đó, nghe được câu hỏi của tôi, quay lại nói lớn:

- Vợ chồng con Mai và con Lan hạnh phúc là nhờ có động đất đêm động phòng.  Hôm nay đám cưới con Huệ cho đến giờ phút này diễn ra hoàn hảo, nhiều điều hên.  Bác cầu cho đêm nay động long trời lở đất, càng mạnh càng tốt để cho con gái út càng hạnh phúc!

Thấy mọi người cười lớn ra vẻ đồng ý để cho bà Bông vui, tôi cũng cố gắng mở miệng cười nhưng trong lòng chỉ muốn văng ra vài câu chửi thề.  Động đất nếu xảy ra như mong ước của bà Bông thì bao nhiêu sinh mạng, tài sản sẽ bị mất.  Khi bà Bông và phái đoàn chào bàn đi qua bàn phía xa, thằng Phát, lúc đó đang là sinh viên sinh vật học tại UCLA, khoe công trình nghiên cứu của thầy nó:

- Thầy dạy môn sinh vật học của em nghiên cứu thấy rằng cứ mỗi lần kiến dời tổ là sau đó có động đất xảy ra.  Nếu thành công, nghiên cứu của thầy sẽ giúp loài người dự báo động đất và như vậy sẽ giúp bớt thiệt hại nhân mạng.

Anh Minh, một người anh khá lớn tuổi trong bàn và đã sống nhiều năm ở Mỹ chia sẻ kinh nghiệm của anh:

- Anh để ý thấy cứ mỗi lần mấy con chó trong xóm tru vào ban đêm là vài ngày sau có động đất.

Thấy thế, tôi chê cả hai cách dự đoán động đất kia:

- Độ tin cậy của cả hai phương pháp trên, chó tru và kiến dời tổ, đều không cao.  Kiến cũng hay dời tổ trước khi trời mưa.  Ông bà ta nói là chó tru khi thấy ma.

Cả thằng Phát và anh Minh đều công nhận là cả hai phương pháp trên chưa đủ để dự đoán động đất chính xác.  Được thể, tôi “làm tới”:

- Phương pháp sử dụng hệ thống alarm xe hơi của em chính xác 100%.

- Thật không? - Mọi người trong bàn đều ngạc nhiên và tỏ ra hoài nghi.

- Bảo đảm 100%! Nếu hệ thống alarm xe hơi mà hú lên là chắc chắn có động đất. – tôi tự tin khẳng định.

- Giải thích thêm cho anh em nghe. – anh Minh nóng ruột.

- Ờ, thì …sau khi động đất xảy ra thì các hệ thống xe hơi luôn hú lên.  Nghe tiếng alarm của các xe trong xóm là biết động đất đang hoặc vừa xảy ra.

- Vậy mà cũng nói – anh Minh lườm một cái vì cái tính hay giỡn và đánh gạt mọi người của tôi.

Cũng như đám cưới hai chị Mai và chị Lan, đêm động phòng của chị Huệ cũng có một trận động đất lớn.  Động đất lớn đến nỗi bức tường phía phòng khách nhà đôi vợ chồng mới cưới bị sập đổ.  Khi động đất xảy ra, tôi đang ngủ say nên chẳng buồn cố gắng chạy ra ngoài.  Tuy nhiên, khi bị động đất đánh thức, trong đầu tôi chợt nghĩ rằng chắc bà mẹ cô dâu vui lắm vì động đất sẽ đem lại hạnh phúc cho vợ chồng chị Huệ.  Tôi cũng mừng thầm cho vợ chồng chị Huệ vì động lớn kiểu này thì chắc anh chị hạnh phúc còn hơn hai chị Mai và Lan. 

Mới 7 giờ sáng thì tôi bị điện thoại đánh thức.  Bên đầu dây bên kia bà mẹ cô dâu năn nỉ:

- Con làm ơn chở con Hạnh ra phi trường sáng nay.

- Ủa, hôm qua Hạnh nói là sẽ ở Cali hai tuần mà bác? – tôi ngạc nhiên.

- Ừ, lúc đầu nó định như vậy nhưng đêm hôm qua  động đất làm nó sợ, cả đêm nó khóc lóc đòi về lại miền đông ngay hôm nay.  Con chịu khó giúp bác chở nó ra phi trường được không?

Trên đường ra phi trường, Hạnh hỏi tôi:

- Bộ dân Cali không biết sợ động đất hả?

- Động đất ai mà không sợ.

- Sợ sao vẫn ở đây?

- Mình có quen một gia đình cũng vì sợ động đất mà chở nhau bỏ Cali qua tiểu bang khác.  Tuy nhiên, trên đường đi lại bị đụng xe chết hết cả nhà.  Con người sống chết đều có số.
 
Sau khi Hạnh lên máy bay, tôi lái xe đến nhà vợ chồng chị Huệ.  Tuy nhiên, khi tôi đến nhà của chị , không khí yên lặng chứ không vui vẻ và ồn ào như khi sau đám cưới của hai chị Mai và Lan. Hai vợ chồng chị Huệ cãi nhau dữ dội trong đêm Tân hôn.  Vì tế nhị, tôi không tìm hiểu nguyên nhân.  Dù đám cưới chị Huệ diễn ra tuyệt hảo theo sắp xếp của bà Bông, hai vợ chồng chị Huệ không hạnh phúc và đã ly dị vài năm sau đó.  Qua chuyện này, tôi tự rút ra một kết luận rằng mê tín dị đoan chẳng đem lại hạnh phúc như người ta mong muốn, nhất là trong vấn đề hôn nhân.  Đám cưới chị Mai tuy không hoàn hảo nhưng hai anh chị vẫn sống hạnh phúc.  Chị Lan tuy chỉ có con trai nhưng cũng hạnh phúc bên chồng cho tới bây giờ. Tôi cho rằng hạnh phúc lứa đôi cần hai yếu tố.  Thứ nhất là sự cố gắng của hai vợ chồng.  Dù cuộc sống có khó khăn nhưng nếu hai người biết nhường nhịn và chăm sóc cho nhau thì sẽ vượt qua tất cả.  Thứ hai là ơn trên.  Nếu hai người có duyên, được sắp đặt của ơn trên thì mọi việc sẽ bớt khó khăn hơn.  Còn nếu tính tình hai người khắc khẩu, quá khác nhau thì chuyện tan vỡ sẽ dễ xảy ra. 

Như đã kể về cả 3 trận động đất đêm động phòng, dù đã được ông anh dặn kỹ lưỡng phải làm gì trong trường hợp có động đất, tôi cứ đơ người ra.  Có lẽ chỉ suy nghĩ trong đầu không thì chưa đủ, cần phải thực tập.  Cơn động đất vào năm 2009 với tâm chấn ở Hawthorne, nơi tôi làm việc trên lầu bốn,  xác định điều này.  Hôm đó, vào khoảng 14 giờ trưa, tôi đang đứng nói chuyện với một ông đồng nghiệp thì bỗng thấy choáng váng và đèn điện tắt tối thui trong vòng vài giây.  Với bản năng tự nhiên, tôi quay lại máy tính trên bàn của mình để xem máy tính còn chạy không vì tôi sợ mất các dữ kiện mà tôi chưa lưu lại.  Khi thấy máy tính vẫn còn chạy, tôi quay lại thì không thấy ông đồng nghiệp.   Sau vài giây, động đất đã qua, thì ông đồng nghiệp lồm cồm từ dưới bàn bò ra:

- Động đất vừa rồi ít nhất là 5.0 - ông ta dự đoán cường độ của cơn động đất.

Tôi bái phục phản xạ quá nhanh của ông đồng nghiệp:

- Sao ông chui xuống gầm bàn nhanh như thế?

Ông bình thản trả lời:

- Từ hồi học mẫu giáo tôi đã được huấn luyện.  Năm nào nhà trường cũng có hai buổi tập đối phó với động đất cho nên bây giờ thành thói quen.

Vài năm gần đây trên internet có một bài báo khuyên mọi người thay vì chui xuống gầm bàn, gầm giường khi động đất xảy ra, người ta nên ngồi xuống bên cạnh bàn hay giường.  Bài báo này lí luận rằng khi nằm dưới gầm bàn hay gầm giường, nếu trần nhà đè sập bàn hay giường, bạn sẽ bị đè bẹp.  Trong khi đó, nếu nằm cạnh bàn hay giường, bạn sẽ được bàn hay giường chống đỡ và làm giảm sự nguy hiểm khi trần nhà sập xuống.  Tôi không biết lí luận này có đúng hay không, nhưng điều quan trọng là chúng ta sẵn sàng khi động đất xảy ra.

Người Mỹ họ rất cẩn thận và nhìn xa: ngoài lời khuyên chui dưới gầm giường, gầm bàn, mọi người dân được nhắc nhớ phải tích trữ đồ ăn thức uống cho cả gia đình ít nhất một tuần lễ.  Tôi cố gắng thực hành những khuyến cáo này bằng cách mua mì ly, nước lọc để tích trữ trong nhà kho ngoài sân.  Tuy nhiên, nhiều khi các thành nhiên trong gia đình vì mê món mì ly hay hôm nào lười nấu nướng, tôi ra nhà kho…ăn trộm đồ tích trữ trong kho.   Sau đó, bình thường tôi đi chợ mua đồ dự trữ để thay đồ ăn gia đình đã ăn vụng.  Tuy nhiên, nhiều lúc quên và khi kiểm tra định kỳ mới hốt hoảng vì kho dự trữ bị thiếu hụt trầm trọng.  Xin nhắc nhở mọi người nhớ tích trữ nước và đồ ăn phòng khi động đất hay thiên tai xảy ra. Cũng không quên nhắc các bậc phụ huynh hãy dẹp bỏ mê tín dị đoan và các nghi thức rườm rà để cho ngày cưới của con cái mình được thêm phần vui và bớt căng thẳng cho đôi trẻ. 
 
Huntington Beach
24/10/2022
 

Ý kiến bạn đọc
09/03/202319:15:10
Khách
Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ, bài viết này đã cho mình 100 thang thuốc bổ luôn. Cảm ơn tác giả.
23/02/202305:22:40
Khách
"khoảng 14 giờ trưa"
2 giờ trưa, không ai nói 14 giờ trưa.
22/02/202306:33:34
Khách
Hahahahaha, tác giả tếu thiệt 🤣🤣🤣🤣🤣
18/02/202309:33:50
Khách
Theo người đọc thì Cali [San Francisco] có hai cơn địa chấn quan trọng nhất:

1. Ngày 18 tháng 4 năm 1906 mạnh 7,8 độ với khoảng hơn 3,000 người bị thiệt mạng.

2. Ngày 10 tháng 1 năm 1971, Silicon Valley [Thung Lũng Điện Tử ra đời] và độ mạnh của nó làm rung chuyển cả thế giới [tiêu biểu nhất là Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Nga và Đài Loan] cho tới ngày hôm nay và mãi mãi về sau.

Dư chấn của Silicon Valley đã và đang gây ra một cuộc chiến vô tiền khoáng hậu giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga mà Đài Loan (1) đang giữ một vai trò tối quan trọng trong cuộc chiến này.

Vị trí Đệ Nhất Siêu Cường của Hoa Kỳ [đang] bị đe dọa nghiêm trọng từ Trung Quốc nếu Silicon Valley chết ngỏm và không được hồi sinh vào thập niên 80 bởi một bác nông dân tại Idaho chuyên trồng khoai tây bán cho tiệm ăn nhanh McDonald.

Hai cơn động đất với hai "hậu quả" trái ngược nhau như nước với lửa.

(1) Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan bằng bất cứ giá nào.
17/02/202317:26:25
Khách
Bài viết hay và vui lắm. Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 465,085
31/12/202308:17:00
Tối hôm qua, khi đang ngồi bình yên tịnh tâm thì KV nghe tiếng đùng đùng đùng kéo dài liên tục phía dưới lầu, làm thất kinh hết cả hồn vía. Chẳng lẽ năng lượng xuống mạnh quá, tạo ra lực xoắn ốc như trong phim Mai-Ca Từ Trên Trời Rơi Xuống hồi bé được coi, làm những thứ xung quanh bị cuốn hút bay theo, tạo nên tiếng động? KV ráng bình tỉnh hít thở, vuốt mắt, ra khỏi tình trạng bình yên và từ từ bò… xuống nhà để mau kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra. Đi cùng khắp tìm nguồn gốc của tiếng động kinh khủng lúc nãy, từ ngoài cửa vô bếp, qua tất cả các phòng - không thấy dấu vết gì là bất thường. Lạ thật! Mình ngồi bình yên và rất tỉnh chứ đâu có ngủ gục và nằm mơ! Tiếng động rõ ràng như cái gì đó sụp xuống kia mà?!
29/12/202300:00:00
Lão Tư Lì năm nay bước vào tuổi tám mươi. Đời lão lắm gian truân, nhưng cũng có nhiều may mắn. Sau ngày 30-4-1975, đời lão đã “tàn trong ngõ hẹp” - tưởng rằng lão đã bỏ thây trên núi rừng Việt Bắc trong những ngày bị lưu đày trong các trại “tập trung cải tạo” của cộng sản. Nhưng lão đã trở về sau bảy năm lao lý. Lão trở về với tấm thân gầy guộc, ngoài vợ và hai đứa con thơ, lão chẳng còn gì! Nhưng lão phải sống để đền đáp cái ân tình của người vợ thủy chung đã đợi chờ cho đến ngày lão ra tù, để cùng nàng nuôi dạy hai đứa con thơ. Lão đã trải qua những ngày cơ cực, bươn chải kiếm sống, nuôi con như những ngưởi cùng khổ nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
25/12/202300:00:00
Đang gói các món quà và viết card chúc Giáng sinh, năm mới. Chồng tôi bước xuống chợt nhắc: - Nấu bún bò cho Boss Kyle nữa. - Dĩ nhiên mà, đang tính ngày mai đi chợ mua các thứ nấu đây.
24/12/202313:31:00
Janet, con bé xinh như thiên thần nhỏ. Lúc nào nhìn thấy nụ cười trên môi của nó, ông cũng liên tưởng đến đóa Hướng dương dưới ánh mặt trời. Ông công kênh nó trên vai. Bàn tay thô ráp của ông nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu. Ông ca vang bài Cây Thùy dương và nó bị bô hát theo. Chao ơi, cái giọng ngọng nghịu đớt đất ấy nghe cưng làm sao đâu. — Thế ông có muốn nhắn gì với cô ấy không?
23/12/202320:06:00
Giáng sinh này của họ, hai người đàn ông đưa nhau về vùng biển ấm nào đó trên địa cầu để hưởng tuần trăng mật khi người vai chồng đã qua thời kỳ phong độ nhất của một gã đẹp trai, người vai vợ đã bạc đầu, lù mù cái kính lão dắt chó đi ngoài, xăm xoi hàng xóm xem có cần gọi cảnh sát hay không? Hạnh phúc trong lòng người nhưng con người cứ đi tìm hạnh phúc nên khổ đau tiếp diễn không hồi kết.
22/12/202300:00:00
Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi. Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn! Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo. Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.
22/12/202300:00:00
Người Mỹ có bài nhạc với tựa đề “It’s the most wonderful time of the year”, tạm dịch là “Thời gian tuyệt vời nhất trong năm”, để nói về lễ Giáng sinh. Không chỉ riêng gì nước Mỹ hay các nước phương Tây mới công nhận mùa lễ Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời nhất của một năm mà các nước ở châu Á như Việt Nam cũng xem lễ Giáng sinh là một trong những ngày hội lớn nhất trong một năm. Ở các nước phương Tây, người ta, nhất là trẻ em, háo hức chờ lễ Giáng sinh vì đây là dịp để tặng quà cho nhau. Ở Việt Nam sau 1975, trong thời bao cấp, vì nghèo đói, người ta không tặng quà cho nhau nhưng không vì thế mà lễ Giáng sinh mất đi sự kỳ diệu.
19/12/202311:18:10
Mùa Đông đang đến sau vài cơn mưa nhỏ, những hàng cây vàng lá hai bên đường bắt đầu trơ trụi. Thảm cỏ xanh nhà hàng xóm đã không còn xanh tươi, lác đác có những chiếc lá vàng cuối cùng từ cây phong trồng phía trước bay bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân nhà.
19/12/202311:16:11
Những ưu tư, những uẩn khúc chất chứa trong lòng, không biết chia sẻ với ai, nhờ diễn đàn Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo mình đưa tâm tình lên trang mạng, cho nhẹ bớt trong lòng, chưa khi nào mơ tới chuyện giải thưởng. Rồi nhận được Email báo tin của chị Hằng, kèm theo giấy mời tham dự buổi lễ phát thưởng viết về nước Mỹ năm 2023 tại Nam Cali, tôi run lên, một cảm giác không tả được, tắt computer đứng dậy, đi một vòng ra sân hít thở, để cho tinh thần tỉnh táo, vô lại, mở máy, lên mạng, đọc đi, đọc lại trang thư mà chị Hằng gửi, lúc này nhịp đập tim ổn định, tôi gọi ông xã nhà tôi vô đọc Email. Ông cũng sửng sốt nói: – Ui chao! Có thiệt gửi cho bà không?
18/12/202313:24:00
Tháng Mười Hai lại đến, năm nay tuyết đổ thưa thớt vài trận, không như bên Wichita Kansas bà chị của Thảo nói rằng tuyết đã ngập đầy đường. Sáng nay Thảo đi bộ ra thùng thư đầu xóm, đi ngang qua nhà John đã thấy cây Giáng Sinh thật cao ngay cửa sổ, đèn xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, đúng lúc John mở cửa để đi ra check thư. Thảo vui vẻ: – Trời, nhà tôi quá bận rộn đủ thứ chuyện, chưa kịp dựng cây Giáng Sinh mà bên nhà anh đã có vẻ sẵn sàng mọi thứ rồi nhỉ, cây Giáng Sinh đẹp quá. John thật thà: – Chị biết rồi đấy, chúng tôi Đạo Hồi, chỉ có lễ Ramadan, đâu có thờ Chúa, cũng chẳng mừng Lễ Noel, nhưng tuần rồi chúng tôi đưa Jimmy đi shopping, cháu thích cây Giáng Sinh và Hang Đá trưng bày ở tiệm shopping, thế là cháu đòi mua về, chúng tôi cũng chiều cho cháu vui. – Ôi, dễ thương làm sao. Mà trời còn sáng mà anh đã để đèn nhấp nháy rồi, tốn điện lắm á. – Cũng vì Jimmy chị ơi! Cháu say mê ngắm cây Giáng Sinh, mà phải có đèn mới chịu. Lúc đầu chúng tôi chưa biết ý ch