Hôm nay,  

Thần Giữ Kho Tàng

04/03/202414:34:00(Xem: 3318)
VIET PHIM 1966 Xuan Phấn Hồng Vân

Hãng Việt Phim (Xuân, chị Phấn, Hồng Vân)

Đầu năm Giáp Thìn, tui tính viết chuyện gì vui vui.

Vặn ti-vi lên, tui lựa một cuốn phim gì đó để vừa nghe loáng thoáng vừa gõ bài. Có tiếng động xung quanh mới có cảm hứng.
Phim là phim Đại Hàn, nói tiếng Anh. Cái mặt minh tinh tài tử Á Đông, cặp mắt chưa sửa còn một mí, mà nói tiếng Anh nghe ngộ ngộ. 
Thập niên 60, 70, phim Tàu chuyển âm qua tiếng Việt thì hạp khỏi chê, phim Ấn Độ cũng còn đỡ khổ. Hạng nhứt là phim ca vũ nhạc của Ấn mà pha thêm sáu câu vọng cổ, khi xuống câu phựt đèn màu nữa thì khán giả vỗ tay bể rạp luôn.

Có lần, chủ hãng muốn thử phim Mỹ chuyển âm tiếng Việt coi tình hình ra sao, thì, tóc màu vàng màu bạch kim lỗ mũi cao nhòng mà xổ tiếng Việt,  thất bại ngay từ phim đầu. 

Tất cả phim hoạt họa của nước nào đi chăng nữa cũng đều phải có người “đớp” các vai trò. Tui thấy dùng từ ngữ “lồng tiếng” trong trường hợp này là đúng, còn phim nước này dịch qua nói tiếng nước khác thì xài chữ  “chuyển âm” nghe hay hơn. 

Trong phim, nghe tiếng ai đó chuyển âm, nhớ lại nghề này tui đã từng làm, từ năm 1966 tới 1969.   

Ờ, để coi. Năm 1966, tui đang học lớp Trung Đẳng ngành cổ nhạc ở trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ, Sài Gòn. Tháng đó thầy Năm Châu bịnh, phải giải phẫu, cần ở nhà tịnh dưỡng, nghệ sĩ Kim Cúc là vợ thầy vô dạy thế một thời gian. Một hôm, cô hỏi tui:

-Con muốn đi làm nghề chuyển âm phim không, họ đang cần người. Là phim Tàu nói tiếng Việt đó con.

Lúc nào tui cũng muốn đi làm nên nói -Dạ con muốn. Cô nói:

-Vậy thì cô sẽ giới thiệu con vô làm cho hãng Việt Phim. Hãng này xa lắm, đường đi Thủ Đức, gần cầu Bình Triệu lận. Để cô mượn thằng Tây cho con có giang lần đầu cho biết đường rồi con kiếm xe buýt xe đò xe lam gì đó mà đi.

Vậy là tui vô nghề cái rụp dầu cho có phải đổi ba chặng xe buýt xe lam xe đò như cô đã nói.

Chiều hôm sau anh Tây ghé trường rước tui đi làm bằng chiếc xe mobylette. Anh Tây là một trong nhóm sinh viên khóa đầu tiên, đã tốt nghiệp, đang làm nghề chuyển âm cho hãng Việt Phim, thu Đài Phát Thanh Sài Gòn và Đài Phát Thanh Quân Đội. 

Quý thầy dạy trong trường, nâng đỡ nhóm học trò mới tốt nghiệp. Tui có may mắn và gặp đúng lúc nên vô nghề không chút khó khăn, chỉ bị đường xa thôi. Nhà thì ở quận Sáu Chợ Lớn, trường nằm trên đường Nguyễn Du quận Nhứt, hãng Việt Phim gần cầu Bình Triệu, đối với tui thì xa mịt mù. Nhưng việc làm này chỉ làm khi có phim mà thôi, cho nên khi có phim thì phải làm cho xong để người ta chiếu đúng ngày quảng cáo, có khi làm luôn ban đêm.

Trước đó, phim ngoại quốc về là người ta Phụ Đề Việt Ngữ, nhưng nhiều khi các vai trò nói mau quá, khán giả đọc chữ theo không kịp, vừa coi hình vừa đọc chữ thì bị thiếu sót, làm phim bớt hay, cho nên mấy hãng  phim tạo ra một đột phá lớn là cho nhân vật chuyển qua nói tiếng Việt,  bởi vì chính các phim Việt Nam cũng vậy, có khi tài tử minh tinh mặt đẹp diễn hay nhưng tiếng nói thì không thích hợp nên cần mượn tiếng nói của người khác.
Nghề chuyển âm ra đời, rất được ưa chuộng.

Cách làm tuần tự như vầy, chủ hãng mua bộ phim về, chiếu cho coi. Có một ông người Việt gốc Tàu chuyên thông dịch, coi để hiểu nội dung câu chuyện. Cả ban chuyển âm coi để hiểu tâm tình của mấy nhân vật mình sẽ chuyển tiếng nói. Người trưởng ban sẽ phân chia, ai lãnh nói cho nhân vật nào.
Trong hãng Việt Phim, có Bác Năm Bửu, là một nghệ sĩ cải lương, giọng nói rổn rảng, điêu luyện, là sếp sòng, dĩ nhiên gom mấy vai lớn tuổi, dữ dằn hay hiền khô bác đều “đớp” hết.

 “Đớp” là “‘nói” tiếng lóng trong nghề chuyển âm.  Có anh Long vespa, anh Mai Thành, anh Trọng, anh Tươi, chuyên đớp mấy vai độc đểu sở khanh hay tướng tá oai vệ, anh Tây vai chánh với giọng nói êm dịu truyền cảm. Bên đào có minh tinh Kim Lan vai chánh, minh tinh nghệ sĩ Kim Cúc vai độc, chị Phấn vai lẳng là số dách. Nhưng, vì bịnh gì đó cô Kim Lan xin nghỉ còn cô Kim Cúc phải đi dạy thế thầy Năm Châu nên không vô làm nữa.
Ạ thì ra là vậy. Vì thiếu hai cô đào nên mới có chỗ cho tui vô nghề.

Bạn hãy hình dung ra cái phòng kín mít. Bốn vách tường gắn vật liệu ngăn âm thanh nội ngoại. Một tấm màn vải trắng chiếm nguyên bức tường để chiếu phim lên, như trong rạp hát. Ở ba phần tư màn ảnh bên tay trái có để một khúc cây dài làm dấu. Giữa phòng là hai cái micro đứng. Cánh cửa ngăn phòng thu âm này với phòng chứa máy móc chiếu phim và dàn máy thu tiếng. Tại nơi đây có anh Khai là người giữ nhiệm vụ chiếu từng đoạn phim và thu tiếng nói.

Phim gốc sẽ được cắt ra từng đoạn, một đoạn phim trắng bằng đoạn phim gốc cặp sát bên nhau, đây là đoạn có chữ Việt của ông Tàu phiên dịch ý nghĩa.

Tui đã từng cùng anh Tây chạy ra Chợ Lớn tới nhà ông Tàu để lấy mấy đoạn phim dịch nháp, từ tiếng Quảng Đông hay Quan Thoại qua tiếng Việt. Đem mấy đoạn phim về rồi trong hãng có một người sẽ viết lại, từng câu đối thoại, chữ nhiều chữ ít tùy theo nhân vật. Việc làm này đòi hỏi người phải có trình độ viết lách đủ hỉ nộ ái ố.

Làm một thời gian tui mới biết người làm việc này chính là ông chủ hãng. Về sau có thêm anh Tây và anh Năm Bé.


Khi bắt đầu, anh Khai sẽ cho chạy một đoạn phim, nhân viên thu tiếng vừa coi hình vừa nhẫm đọc câu nói chạy cùng lúc bên dưới đoạn phim vẫn còn để âm thanh gốc, từ tay mặt qua tay trái, cho mình biết tâm tình của nhân vật. Khúc cây dài có phận sự làm cái mốc chận, để mình nói cho kịp, không thôi chữ sẽ chạy qua mất. Nói xong, ráng đừng ai vấp váp hay làm hư khúc nào đó, qua suông sẻ thì anh cho nghe lại trước khi tiếp đoạn khác.

Năm đó, vì muốn làm cho xong về nhà ăn Tết nên ai cũng ráng, tuy buồn ngủ muốn chết cũng ráng banh hai con mắt ra mà rượt theo dòng chữ, banh hai lỗ tai ra mà nghe tiếng của mình, miệng phải dẻo nhẹo để không bị vấp. Miệng của nhân vật trong phim vừa ngậm thì miệng của mình cũng phải ngậm lại, mới được.

Khi tui đã tập bắt kịp dòng chữ rồi thì được phát vai để nói. Anh trưởng ban cũng biết điều, lựa cho tui một vai cỡ tuổi mười mấy, dễ ăn giọng. Tui hạp nhứt là chuyển âm cho minh tinh Tiêu Phương Phương.

Sau đó mỗi phim anh cho tui lãnh vai khác nhau, già thì gằn giọng xuống, rung rung, trẻ thì giọng bình thường truyền cảm, con nít thì cao lên, nói ngọng nói đớt. Ngọng đớt phải tùy theo tuổi nữa. Nhuần nhuyễn rồi, lần đó anh giao cho tui đớp luôn năm nhân vật khác nhau.

GOI Viet Phim ban chuyển âm 1966
Ban chuyển âm phim


Thời đó, truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung và tiểu thuyết ái tình ướt át của nhà văn Quỳnh Dao chuyển thành phim qua nhiều lắm. Hãng rất đắt hàng, tụi tui làm cả ngày lẫn đêm, có năm, ngủ luôn trong hãng cho tới chiều 30 Tết mới xong. Nhớ phim tình cảm đầu tiên tôi đã chuyển âm vai cô học trò yêu thầm ông thầy giáo, chuyện tình Song Ngoại buồn thấy bà cố.

Phim kiếm hiệp đầu tiên tui làm là Thần Điêu Đại Hiệp. Phim đen trắng, rồi phim gì mà có cô Tiểu Long Nữ chuyên môn bận áo “voan” trắng sống trong cổ mộ, do Tiêu Phương Phương đóng, còn cô Trần Bảo Châu cũng đang nổi tiếng. Về sau có tài tử Khương Đại Vệ, bên đào có Trịnh Phối Phối.
Ngôn ngữ chuyển âm dùng nhiều từ ngữ Hán Việt nên nghe rất “Tàu”  thí dụ như “xếnh xáng (tiên sinh), “xỉu mụi” (tiểu muội) tại hạ, giáo chủ, “xỉu chẹ” (tiểu thư) v.v.”

Dĩ nhiên ngủ trong hãng có nghĩa là nửa nằm nửa ngồi gật gù trên mấy cái băng ghế, hễ đứa nào có vai thì được ai đó kêu dây, tới đứng tụm lại hai cái micro, đớp xong thì về chỗ, gật gà gật gù tiếp.

Lúc đó tui mới mười mấy, ăn chưa no lo chưa tới, chưa từng làm việc kiểu này nên đầu óc lơ tơ mơ lắm. Nhớ có một đoạn, sau khi tui đớp xong, về chỗ rồi thì nghe cả nhóm phì cười còn anh trưởng nhóm thì hỏi “Nói gì vậy, nhỏ này?” Tui nói dạ thì thì thì ở trển viết sao em nói vậy. Anh nói “chút nghe lại đi.”

Khi anh Khai cho nghe lại thì tui muốn độn thổ. Trong đoạn có câu:
- Em đang mơ màng mong mỏi một cơn nhu phong.
 Các bạn ơi tui đã  nói lái hai chữ “cơn nhu.””
Tỉnh bơ. Mà hổng hay. Đã vậy, bác Năm còn cười ha hả, chọc:
-Tụi bây tránh ra, để con “xỉu chẹ” này đang mơ màng mong mỏi một “cu nhơn” đó nghen ha ha ha
Thiệt tình, mắc cỡ muốn độn thổ.
Có lẽ thấy tui quê quá bác Năm mới thôi cười mà nói:
-Thôi, tụi bây hồi đó có ngon gì, tụi bây còn nói lộn nói lái tục tằn hơn nhiều mà bây giờ xúm lại chọc quê nó. Nhớ thằng Tây hông? lần đó nói “Nhân ngày thành hôn của xỉu muội, huynh đài tặng em cặp mặt gối”
 Nhưng mà nó nói lái hai chữ “cặp mặt” đó, nhớ hông?

Rồi một lần, phim có lồng vô bài bản Hồ Quảng, là câu “Mong mỏi, mong mỏi, mong mỏi tiểu thơ”
Theo giọng nhạc thì dấu hỏi trở thành dấu huyền mới đúng điệu, là: ti tì ti tì, ti tì tí ti... ca “mong mỏi” thành ra “mong mòi”
Thằng Tươi nó ca:
-Mong mòi mong mòi, moi mòng tiểu thơ…
Nghe còn tổ bà hơn một “cơn nhu” nữa kìa.
Tội nghiệp con nhỏ này lần đầu tiên làm liên tiếp mười mấy tiếng đồng  hồ hổng được ngủ cho nên nó bị lẹo lưỡi chút xíu mà. Thằng Khai, cho chạy lại thâu lại đi.
Cho thâu lại, mà hễ tới hai chữ đó thì tui khựng, lẹo lưỡi, nói lấp vấp. Thâu lại 2, 3 lần gì đó, không xong, khiến bác Năm sốt ruột bác la:
-Thôi, Phấn đớp dùm nó cho qua đoạn này đi. Chạy tới chạy lui nó đứt mẹ khúc phim bây giờ.
Xoay qua tui bác nói:
-Còn con nhỏ này, qua góc đó ráng nhắm mắt chút đi, chừng nào có vai tao kêu.

Khi coi phim nếu khán giả chú ý một chút sẽ nhận biết nữ hiệp khách  Tiêu Phương Phương đoạn này có giọng nói lẳng thấy bà!

Thời gian sau tui cùng vài anh chị qua làm cho hãng Mỹ Phương, nằm trên đường Chi Lăng, rút ngắn hơn phân nửa đường, lái xe Yamaha Dame le lói. Trong nhóm có thêm Bác Sáu Trọng, anh Năm Bé, anh Hữu Lộc, anh Lăng, chị Hồng, chị Tư Đạm.

Hãng Việt Phim có thêm Hồng Vân và Tú Trinh, nổi danh rần trời, là thời gian thịnh hành nhứt của nghề chuyển âm phim.

Mỗi lần soạn mấy tấm hình mà Ba tui đã chụp, thấy lại thời gian đó, tui  không khỏi bật cười vì những chuyện ngây ngô, sai lầm của mình và nhớ từng giọng nói của bạn đồng nghiệp, cả hai hãng phim, biết là chừng nào.

Tui coi những chuyện nho nhỏ như vầy, mấy tấm hình đen trắng ố vàng màu thời gian này, quý như một kho tàng, mà tui là người muốn làm bà thần giữ kho tàng, mãi mãi./.

Trương Ngọc Bảo Xuân.
02-21-24
 

Ý kiến bạn đọc
21/03/202415:18:55
Khách
Văn Chương mến,
Thiệt tình không biết nói gì hơn ngoài lời Cám Ơn Văn Chương vừa đọc bài vừa theo dõi Viet Báo hàng ngày và góp ý kiến xây dựng rất hay.
Mong Văn Chương cứ tiếp tục đọc Viết Về Nước Mỹ và cổ động bạn bè xung quanh, thì giống như bạn đã cùng góp tay để duy trì việc làm này của Việt Báo vậy. Thân mến.
21/03/202415:09:41
Khách
titi mến,
Cám ơn titi đã đọc và hiểu ý của tui, muốn kể lại chuyện vui vui cho mấy ngày đầu năm, tiếc là gởi trễ quá, nhưng cũng được bạn cười và khen làm tui vui lắm nha.
11/03/202423:40:33
Khách
Dear TNBX. Viet Báo có đăng bài nhưng ít quá. Chỉ có hai hoặc ba bài trong một tuần bảy ngày. Việt Báo nên đăng tất cả bài dự thi Viết Về Nước Mỹ mà các tác giả đã gửi Việt Báo 2024 để thứ nhất khích lệ người viết. Thứ hai: Biết sức viết của tác giả (như điều kiện chấm thi của Việt Báo. Thứ ba: Không bị mất nhũng bài hay như TNBX. Thứ tư: Càng nhiều bài thì càng phong phú cho văn chương và kinh nghiệm sống ở Mỹ. Thứ năm: Càng nhiều bài thì càng dễ cho Ban Giám Khảo tuyển chọn bài xuất sắc.
Rất mong vườn hoa VVNM muôn màu sắc nhờ tất cả muôn hoa bài gửi được đăng bất luận hay dở.
11/03/202417:05:45
Khách
Mình cười không ngừng vì câu chuyện quá vui.Giọng văn bình dị, dễ thương ,sinh động .Thật ra chuyện về nước Mỹ hay Việt Nam gì cũng được miễn là được viết bằng tiếng Việt .
11/03/202400:56:16
Khách
Chào Văn Chương,
Cám ơn bạn đã đọc bài và khen.
Tôi thấy Việt Báo vẫn đăng bài của các tác giả lên mà, dầu bây giờ có phần thưa hơn lúc trước. Tôi cũng mong các tác giả tiếp tục kể chuyện và chia sẻ những gì đã trải qua cho mọi người hiện tại và thế hệ mai sau được biết với
Trân trọng.
10/03/202413:50:56
Khách
Đoàn Thị mến
Cám ơn những lời khen và sự ủng hộ của Đoàn Thị, rất nhiều. Đúng rồi, tui mê môn học Việt Văn từ nhỏ lận, bây giờ có nhiều thì giờ hy vọng viết được nhiều hơn trước khi tuổi tác khiến cho trí óc bị phôi phai ít nhiều. Mến chào Đoàn Thị.
08/03/202405:32:14
Khách
Kỷ niệm thời thiếu niên của chị lạ lắm đó, nhưng thật phong phú. Có thể vì nhập vai tử lúc còn trẻ khiến chị nhiễm chữ nghĩa nên chị hạ bút là có truyện hay cho đọc giả thưởng thức.
Cảm ơn chị và chờ bài mới của chị đó.
07/03/202417:42:51
Khách
Giọng văn bạn TNBX rất dí dỏm. Nhưng không ai gửi bài dự thi Viết Về Nước Mỹ nữa hay sao Trương Ngọc Bảo Xuân? 100 triệu Việt trong nước, 5.4 triệu Việt hải ngoại, 2.4 triệu Mỹ gốc Việt đâu hết rồi!
07/03/202414:23:49
Khách
Chào bạn KHÁCH
Cám ơn Khách đã đọc bài và trả lời dùm tôi.
07/03/202413:30:14
Khách
Chào bạn VictorNg
Việt Báo không có mở cuộc thi Viết Về Nước Việt.
Đây là một bài viết cho báo Tết, muộn, có ý giải trí mà thôi.
Cám ơn VictorNg đã đọc và nêu lên thắc mắc. Xin lỗi nếu đã làm phiền VictorNg.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 413,933
... Có rất nhiều điều mới lạ để chúng ta thử làm, chẳng hạn như tập vẽ, tập cắm hoa, học làm bánh, tập đan móc, tập viết truyện ngắn, viết bài gửi báo v..v… Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn...
Tôi vùng dậy bật đèn sáng bước qua chiếc bàn gần đó, chiếc bàn gần gũi bày đủ thứ giấy tờ bề bộn thân thương. Ngồi nhìn ra khung cửa kính rộng, màn đêm dày đặc, có lớp sương mù đang bao phủ. Thở dài! Khó dỗ lại giấc ngủ, nhìn đồng hồ 2 giờ sáng. Căn bệnh mấy mươi năm vẫn không thay đổi tốt đẹp hơn, vẫn hằng đêm thức giấc. Tiếp tục đùa giỡn với thơ văn, dù không dám mơ mình là nhà thơ, nhà văn vì chữ “nhà” lớn quá, nhưng ít nhất trong máu tôi có sự đam mê, thì đó cũng là cứu cánh, là lối thoát cho tôi bớt đau khổ nỗi bất hạnh trong cuộc sống để tập viết văn, tập làm thơ.
Tự dưng nước mắt Hân bỗng trào ra, vì thương nó sắp lên bàn mổ với nỗi cô đơn, vắng bàn tay mẹ ruột ôm ấp (nó chỉ mới 19 tuổi, còn nhỏ tuổi hơn con trai Hân ở nhà nữa mà). Nhưng lòng Hân cũng ấm áp rộn ràng vì biết rằng nó sẽ được trở về với tình thân bên ngoại, và tin rằng Thiên Chúa nhân từ sẽ nghe lời Hân nguyện cầu, cho Anthony vượt qua cơn bệnh, sẽ tìm ra dấu vết của mẹ và đứa em trai thân yêu. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời Bình An dưới thế cho người thiện tâm” Giáng Sinh này chắc chắn sẽ vui, Anthony nhé!
Đã ba mươi lần Giáng Sinh xa quê, năm mươi lần Giáng sinh nhớ cô bé ngây thơ trong truyện “Cánh đồng tuyết”. Nghĩ đến những người xa quê kiếm sống bằng đủ các ngành nghề trên nước Mỹ bao la, may là bao dung. Chúa đã thương xót những mảnh đời phiêu bạt với cân hỏi “Ai là anh em ta?” Câu trả lời của mỗi người Chúa đều nghe hết…
Một luồng khí lạnh chợt chạy dọc sống lưng anh. Trong bức ảnh, Eli đang nhìn anh mỉm cười. Trái tim anh buốt nhói một nỗi buồn sâu xa khi biết rằng em đã ra đi - tia sáng rực rỡ đã vĩnh viễn biến mất trên thế giới này. Nhưng cũng cùng khoảnh khắc đó, anh cảm nhận được sự trìu mến và tin yêu mà Eli đã gửi gắm cho anh. - Khi làm bác sĩ, anh sẽ chữa bệnh cho em nhé. - Anh chữa cho những bạn nhỏ khác nữa nhé. - Tất cả những đứa trẻ cần được lành bệnh, vì nếu con nít mà chết thì ba mẹ sẽ buồn lắm đó. Giọng nói của Eli thầm thì bên tai anh, gần gũi. Như không hề có ranh giới giữa sự sống và cái chết. Có một sự gắn kết vô hình giữa anh và Eli. Đó là sự kết nối giữa con người với con người...
Vào những ngày đầu tiên của tháng 12 năm nay, tôi đến thăm lại khu phố Stockyards thuộc thành phố Forth Worth, Texas. Đây là lần thứ ba tôi đến thăm khu du lịch mang đậm chất viễn tây Hoa kỳ, một miền viễn tây hoang dã của những năm sau cuộc nội chiến của nước Mỹ. Với tôi, khu du lịch Forth Worth Stockyards là xứ sở thần tiên cho những ai thích hoài niệm về một miền viễn tây hoang dã của Mỹ quốc, về các chàng cao bồi Texas, về con đường mòn Chisholm nổi tiếng được đặt theo tên của Jesse Chisholm, một nhà buôn lưu động nói được 14 thổ ngữ, hậu duệ mang hai dòng máu của người Mỹ bản địa Cherokee và người da trắng khai hoang đến từ Scotland.
Công lao dưỡng dục ơn từ mẫu Báo hiếu chưa tròn mẹ thứ tha Sầu dâng chất ngất hồn con trẻ Luyến tiếc khôn nguôi bóng mẹ già... Vâng! Thưa mẹ, bốn câu thơ trên con viết vào đúng cái ngày mẹ vĩnh viễn rời bỏ chúng con ra đi. Tám năm rồi, nỗi đau mất mẹ vẫn chẳng hề nguôi ngoai. Mỗi lần nghĩ đến mẹ là con tỉnh hẳn người không ngủ được. Đêm nay cũng vậy! Mưa rả rích suốt từ buổi chiều, bầu trời xám ngắt, phủ một màu thê lương rét buốt. Cứ mỗi độ Đông về, con lại nhớ mẹ quay quắt, không làm sao quên được ngày Giáng Sinh buồn năm ấy. Mẹ hấp hối nơi phòng ICU của bệnh viện....
Ngày xưa ,lâu lắm tôi vẫn thường nghe ba mẹ kể về Hạ-Uy-Di (Hawaii), về Trân- Châu-Cảng (Pearl Habor). Đây là một căn cứ hải quân lớn của Mỹ, nơi mà vào Thế chiến thứ hai (ngày 7-12-1941) đã bị Nhật bất ngờ tấn công, dội bom gây thiệt hại lớn cho quân đội Mỹ. Ngày nay những chứng tích về trận chiến lịch sử vẫn còn lưu lại nơi đây. Tôi mơ ước có dịp đi đến vùng đảo thơ mộng này, nhưng ở VN thời bấy giờ ước muốn một chuyến đi như vậy là điều không tưởng.
Phi trường Minneapolis-Saint Paul international Airport (MSP) thuộc bang Minnesota Hoa Kỳ, nơi đây nổi tiếng với việc tích hợp nghệ thuật công cộng vào không gian sân bay; có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ tranh vẽ đến điêu khắc, được trưng bày ở nhiều khu vực của sân bay. Tôi rảo bước ngắm từng góc cạnh của mỗi bức tranh với cách dậm màu, nét vẽ và bố cục của từng bức sao cho mau hết thì giờ chờ đợi vào máy bay. Tôi và chồng sẽ đi nghỉ hè hai tuần trên tàu du lịch Celebrity Millenium mà điểm đến chính là xứ Phù Tang, xứ này nằm ở phía đông của thế giới, nơi mặt trời mọc.
Lá thư nào viết gửi cho chị em Thu, má Thu cũng bắt đầu bằng bốn chữ "Các con thương nhớ". Tiếng là gửi chung cho ba chị em, nhưng hình như má Thu chỉ thủ thỉ tâm tình với chị Thúy, còn Thu với thằng Tuấn tuy cũng được nhắc nhở tới, nhưng là ở cuối thư, phần "dặn dò dạy bảo"! Thiệt tình mà nói thì Thu cũng không lấy làm khó chịu lắm về lối cư xử hơi thiếu công bằng này. Chẳng phải Thu đại lượng gì cho cam, nhưng tại vì Thu đã quá quen với lối đối xử khác biệt của má Thu đối với ba chị em, từ hồi còn ở quê nhà. Điều này Thu đã cảm nhận thấy từ hồi bé xíu, chẳng hạn như những lần mấy chị em giành giựt đồ chơi, bao giờ má Thu cũng bênh vực chị Thúy, dù chị là chị lớn nhứt trong ba đứa. Hay những lần được chia quà cáp bánh trái, bao giờ chị Thúy cũng được phần nhiều hơn...
Nhạc sĩ Cung Tiến