Hôm nay,  

Ngày Cuối Trong Thiên Đường

28/08/200500:00:00(Xem: 190758)
Người viết: LÊ NHƯ ĐỨC
Bài số 812-1401-238-vb6082605

ûLê Như Đức, sinh năm 1962 tại Sàigòn, Việt Nam. Nghề Nghiệp: Kỹ sư cơ khí cho NASA, Houston. Gia Đình: Vợ và ba con, hai gái một trai. Góp bài cho Viết Về Nước Mỹ từ buổi đầu, suốt 5 năm qua, ôÂng là một trong những tác giả được người đọc đặc biệt quí trọng.
*

Khoa quay qua hỏi vợ lần cuối trước khi đặt bút ký vào tờ khế ước mua căn nhà:
- Em nhất định mua cái nhà này, phải không"
Mai nhìn chồng gật mạnh đầu:
- Nhất định mua vì…cái hàng hiên rộng.
Khoa vừa ký vừa lặp lại lời vợ mình:
- Vì cái hàng hiên rộng.
Người bán nhà người Mỹ gốc Mễ không hiểu vợ chồng Khoa nói gì nhưng anh ta cũng chả thèm thắc mắc làm chi cho mệt. Anh ta chỉ cần nhìn chữ ký của Khoa vừa đặt bút ký đồng ý mua căn nhà là hiểu ngay mọi chuyện dù là đang nghe tiếng Việt hay tiếng Lào. Anh hiểu rất rõ: tháng này anh sẽ lãnh cái chi phiếu sáu ngàn đô la tiền hoa hồng cho căn nhà bán thật ngon ơ.
Sau khi gom giấy tờ và bắt tay Khoa, anh lên xe dzọt lẹ. Kinh nghiệm bao năm trong nghề bán nhà dậy cho anh hay khi có được chữ ký là phải chạy mau về văn phòng đóng hồ sơ và gửi đi ngay lập tức. Bước lên xe, anh còn cẩn thận tắt cả cái điện thoại cầm tay để nhỡ thân chủ có “a second thought” gọi anh đổi ý thì toi mất tháng lương. Nhất là cái căn nhà thật quái ác này. Kiểu nó đã quá cũ không người thèm ở, ai cũng có thể thấy rắc rối, đổi ý không mua bất cứ lúc nào.
Cái căn nhà cổ xây theo kiểu thời…đệ nhất thế chiến này do chính tay anh đã cho lên mạng Internet một năm hơn mà chả có ma nào thèm hỏi tới nữa là trả giá. Nó không những đã nằm trong khu lao động nghèo mà cái tên chủ nhà người Mễ lại không hiểu “thời thế, thế thời” ra giá thật cao mới chết chứ. Đã bao lần anh gọi khuyên y nên hạ giá thì may ra mới có người tới ngắm.Y đều nổi nóng giải thích lại là nhà của y xây bằng gạch đặc, lợp mái ngói thẻ nên ở suốt đời không phải sơn sửa hay thay mái.
Đồng ý là cái nhà thật kiên cố như pháo đài vì xây toàn gạch tốt, nhưng cái kiểu của nó quá xưa, không có máy lạnh, lại ở khu tồi thì có chắc cũng như không. Muốn gắn hệ thống máy lạnh lớn cho toàn nhà thì có lẽ phải đập hết trần nhà ra làm lại, mà nếu có muốn gắn máy lạnh nhỏ cho từng phòng thì cũng lại phải đập cửa sổ ra mới gắn được. Nhà đã xây bằng gạch đặc thì chỉ có nước đập hết cả nhà lẫn mái chứ không thể đập từng chỗ được.
Cái thằng chủ nhà chết bầm cổ lỗ sĩ này lang thang từ xứ Mễ qua Houston từ năm một ngàn chín trăm hồi đó, nó không hiểu luật lệ xây nhà mấy, nên mua miếng đất thật bự và tự ý xây nghiên, xây ngửa theo ý nó. Thời đó chưa có máy lạnh cũng chưa có quạt trần nên căn nhà phải có thật nhiều cửa sổ và một cái hàng hiên thật vĩ đại để giảm cái nóng như thiêu của tiểu bang Texas vào mùa hè. Thời đó cũng chưa có tủ lạnh, TiVi, dàn máy hát karaôkê, ghế đấm bóp, computer, máy fax nên nhà nó xây cũng ít lỗ cắm điện nữa.
Chung quanh căn nhà trồng toàn những cây đại thụ để lấy tàn che nhà đến nỗi cỏ thiếu nắng mọc cũng không nổi một cụm. Sau nhà, nơi góc vườn còn có cả cái giếng khô với hai ba cái thùng đựng nước nằm lăn lóc và cái chuồng gà đóng èo ọp bằng mấy thanh gỗ vặn vẹo, cong cong nằm sát cạnh mà hầu như những nhà ở thôn quê Việt Nam nào cũng thường phải có.
Nếu căn nhà này mà nằm cạnh bãi biển thì giá nó đáng bạc triệu vì cái đất rộng mênh mông và cái vững chắc không suy xuyển tí tẹo trong trường hợp bão có thổi. Chưa hết, chiều chiều ra treo võng nằm hóng gió biển ở hàng hiên trước nhà thì có mười cái máy lạnh cũng không mát bằng. Đằng này nó lại nằm chình ìn đầu khu bình dân đấm đá của đám người lao động nửa đen nửa Mễ mà cả năm không thèm cắt cỏ đến một lần. Chiều chiều chả lẽ ra trước hàng hiên treo võng ngắm…Mỹ đen lai Mễ.
Khuyên y xuống giá mãi chả được, công ty bán nhà đành phải để lơ cả năm hơn. Mọi nhân viên trong sở thường chọc anh là sẽ bình bầu “employee of the…century” nếu anh bán được căn nhà này. Khi mà mọi người chán không còn muốn chọc hay nhắc tới thì Mai lại đùng đùng gọi tới hỏi mua.
Chưa hết ngạc nhiên, anh ngồi xém té xuống nghế khi biết được vợ chồng Mai hiện đang ở một căn nhà thật lớn trong khu sang trọng của thành phố Houton. Mấy lần tính hỏi lý do mua nhà, nhưng rồi lại nhớ tới những kinh nghiệm dậy trong nghề là chớ nên hỏi khách hàng mình tại sao mua, anh đành nuốt vào bụng nín thinh. Mình là người chuyên bán nhà mà còn không biết được những cái lợi khi mua căn nhà mà còn phải hỏi người mua thì chả khác nào bảo khách hàng…ngốc quá sao mua.
Lần đầu tiên thấy căn nhà khi tới khu này để dậy thế một giáo sư bị bịnh nặng cho trường bạn vài hôm, Mai bấm điện thoại gọi cho chồng ngay. Đã từ lâu, vợ chồng Mai đang tìm một khu đất để xây building cho người thuê. Giờ ăn trưa hôm đó, Khoa hẹn vợ lái xe tới coi căn nhà. Mai bận trông lớp nên chỉ một mình Khoa tới thôi.
Vừa thoáng thấy căn nhà xa xa ngói đỏ mốc cũ với cái mái hiên thật rộng và thật dài, Khoa bồi hồi nhớ lại những việc xẩy ra hơn hai mươi sáu năm qua trong ngày cuối cùng trước khi rời nước, trốn Thiên Đường cộng sản đi tìm tự do.
*
Cái căn nhà thật đơn giản với hai gian mà Khoa đã ở, dù chỉ hai đêm một ngày nằm ngoài ngoại ô Tắc Cậu cách thị xã Rạch Giá khoảng vài cây số.
Có lẽ ngay chính người dân Tắc Cậu cũng chả biết cái nơi nhỏ bé tí tẹo của mình đang ở nên gọi là thôn, là xóm hay là phường" Ai ai khi nói về chốn này cũng đều gọi trống trơn hai chữ Tắc Cậu.
Tắc Cậu nhỏ lắm. Nhỏ đến nỗi không có đường bộ lẫn đường sông chạy thẳng tới nó. Muốn đi từ thị xã Rạch Giá tới Tắc Cậu thì phải đi xe hai bánh hay đi ghe tới Tắc Rán trước rồi đổi qua con kinh khác, đi ghe vào Tắc Cậu. Từ Tắc Rán vào Tắc Cậu cũng có một con đường bộ nhỏ, vừa cho hai người đi, chạy ven theo con kinh. Phải gọi đúng là đường bộ vì chỉ đi bộ được mà thôi. Xe đạp cũng khó có thể đạp qua được những hố lớn hay những ụ đất cao. Con đường đôi khi biến mất vì cỏ mọc um tùm, người đi cứ phải đạp cỏ, nhắm mắt mà đi môt đoạn dài thì đường lại hiện ra.
Khoa tới Tắc Cậu trễ nên phải nằm ở lại đây chờ chủ tầu làm giấy tờ, biến thành người Việt gốc Hoa để đưa vào kinh trong lên tầu đi bán chính thức hồi hương… Hoa lục. Chủ tầu mướn căn nhà này để phòng khi người đi bán chính thức xuống quá đông, hơn mức dự định, mà tầu cũng chưa được nhà nước cho nhổ neo.
Những người nằm ở kinh trong lại sợ tầu nhổ neo mà không thông báo kịp nên dù có dơ dáy, bùn lầy họ cũng trải lều, căng mùng chứ không chịu rời xa tầu, trở ra ngoài ở nhà như Khoa. Việt cộng thay đổi chính sách như chong chóng. Giờ trước cho tầu nhổ neo, giờ sau lại cấm đòi thêm tiền mãi lộ. Chắc vì vậy nên chỉ có một mình Khoa nằm ngủ hai đêm trong căn nhà trống đợi ngày giã từ Thiên Đường.
Có lẽ chủ cho mướn nhà biết rõ mục đích của người ở nên căn nhà chỉ có ba thứ chủ yếu: giường, mùng và đồ nấu “mì ăn liền” như vài ba cái nồi, năm sáu cái chén, một nắm đũa cọt cạch. Thuốc xịt muỗi thì la liệt khắp chỗ. Có lẽ do những người đi bán chính thức của tầu trước vất lại. Ra khơi đâu ai thèm mang thuốc trị muỗi.
Khoa dọn dẹp những đồ vất ngổn ngang cho gọn, xong lấy ổ bánh mì thịt mà người đại diện chủ tầu đưa lúc dắt tới đây ra ăn cho qua bữa chiều. Vừa ăn, Khoa vừa treo mùng lên để đề phòng mấy chú muỗi tấn công khi mặt trời lặn. Khoa còn cẩn thận bầy những chai thuốc chống muỗi ngay trong mùng trước khi đóng chặt cửa nhà. Khoa chọn cái giường ngay cạnh cửa sổ, mở ra nhìn hàng hiên, nghĩ mông lung về những ngày ra khơi sắp tới.
Con kinh trước nhà buổi chiều nước đục chảy lờ đờ, mệt mỏi như tâm trí của Khoa qua bao lần trốn chạy vượt biên để giờ cuối cùng phải đổi thành Hoa Kiều hồi hương. Thỉnh thoảng vài người lối xóm đi bộ qua, khẽ liếc nhìn vào nhà. Đôi khi có người đạp xe đạp nhanh qua. Hình như mọi người ở Tắn Cậu đều biết căn nhà của những người ở trước khi rời nước.
Mặt trời từ từ lặn, từng đàn muỗi vo ve ngủ bên bờ kinh thức giấc, bắt đầu xông vào nhà từ tứ phía. Khoa khẽ khép cửa sổ, kiểm soát mùng màn một lần cuối trước khi ngủ. Căn nhà yên lặng và buồn đến lạnh người. Người đi qua lại trước nhà cũng từ từ ngưng.
Chưa tới nửa đêm, Khoa bị đánh thức bởi một vài tiếng động lạ bên ngoài hàng hiên. Hình như có người tới treo mùng ngủ ngoài đó. Khoa nằm yên lắng nghe để cố đoán xem bao nhiêu người bên ngoài và họ thuộc loại nào. Hình như người bên ngoài cũng biết có người ngủ bên trong nhà nên họ đi đứng rất nhẹ nhàng, cố gắng ít gây tiếng động. Chỉ mười phút sau, mọi việc lại trở nên yên lặng như trước. Khoa cũng lại từ từ chìm vào giấc ngủ vật vờ.
Lần thứ hai Khoa bị đánh thức bởi tiếng khóc nho nhỏ của đứa bé gái. Khoa vẫn nằm im lặng nghe tiếng dỗ ngọt của đứa bé trai:
- Nín đi Cún. Có đói không" Tao còn nửa củ mì. Ăn đi.
- Em nhớ má. Má, má, anh Còi ơi. Em muốn má.
Đứa bé trai hình như không biết trả lời sao. Nó im lặng giây lát rồi lại dụ em nó tiếp:
- Củ mì này ngọt lắm. Mày ăn đi, Cún. Ngon lắm.
Có tiếng khóc thút thít của đứa bé gái vừa ăn khoai vừa khóc vọng vào nhà làm Khoa tỉnh hẳn. Khoa khẽ ngồi dậy vặn cái chốt cánh cửa sổ hé mở nhìn ra ngoài hàng hiên thấy hai đứa bé gầy gò nằm trong một cái mùng to. Đứa bé trai chỉ khoảng mười hai, mười ba tuổi, con bé thì có lẽ chưa được năm.
Tiếng cót két của cửa sổ mở làm hai đứa bé quay nhìn về hướng Khoa. Đứa bé trai lên tiếng ngay:
- Em con nó đói nên khóc. Con nói nó im rồi. Ông cho con ngủ ở đây đêm nay. Chúng con nghèo, mồ côi, không nhà nên ngủ ở đây. Ông cho con ngủ ở đây đêm nay. Con nói con Cún không khóc nữa để yên ông ngủ.
Rồi nó quay qua đứa bé gái, to tiếng:
- Mày làm ồn thêm một lần nữa, ông ngủ không được, đuổi đi thì không có chỗ ngủ đêm nay đâu.
Khoa mỉm cười vì cái tính láu cá của đứa bé trai. Có lẽ nó chuyên ngủ hàng hiên nên học được cái tài ứng khẩu này để ngủ qua đêm nhà người. Khoa từ tốn trả lời:
- Anh không có đuổi ai đâu mà phải lo. Em có muốn vào nhà ngủ không" Nhà này không phải của anh. Trong nhà còn nhiều giường trống lắm. Hai em vào đây ngủ. Có giường, chiếu, mùng, màn đầy đủ. Để anh mở cửa cho.
Khoa tính vén mùng, bước xuống giường ra mở cửa cho hai đứa bé vào thì nghe tiếng đứa bé trai từ chối:
- Không được đâu anh ơi. Nhà này của người đi bán chính thức ở, nếu tụi em vào ngủ, công an phường thấy được họ sẽ gây chuyện với chủ tầu của anh để kiếm tiền. Ông chủ tầu mất tiền tức, sẽ nói ông chủ nhà này đánh tụi chúng em nữa. Không dám vô trỏng ngủ đâu anh. Anh cho ngủ ngoài này là đã rồi.
Khoa vẫn bước xuống giường, cầm theo chai thuốc trị muỗi xịt liên tục, đi ra mở cửa để đón hai đứa bé vào. Ở cuối hàng hiên, một cái mùng to, tương đối còn nguyên vẹn được chăng sơ sài qua hai cái cột nhà và cái bản lề của cửa sổ. Trong mùng hai bộ xương bé tí teo với cái đầu bù xù lắc lư, ngồi nhìn ra Khoa. Khoa hơi khựng lại vì mùi hôi của hai đứa bé, có lẽ qua nhiều ngày không tắm, xông nồng nặc vào mũi. Đứa bé trai lại lên tiếng:
- Anh vào nhà lại đi không muỗi nhiều lắm. Tụi em không vào trong ngủ được đâu. Công an sẽ phạt chủ nhà.
Khoa vừa xịt thuốc muỗi vào người vừa tiến sát tới cái mùng. Đứa bé trai chỉ em nó giới thiệu:
- Đây là con Cún. Người ở đây kêu em là Còi.
Khoa hỏi Còi:
- Không có ai tên là Cún hay Còi. Tên của các em là gì"
Còi ngập ngừng một lúc rồi trả lời:
- Má gọi em là…thằng Hưng, còn nó là…con Hoa.
- Như vậy là từ đây ai gọi em là Còi hay Cún thì em phải cho họ hay tên em là Hưng và nó là Hoa, nghe chưa. Em cũng phải gọi nó là Hoa chứ không được kêu bằng con Cún. Mình là người, có tên tuổi đàng hoàng của một con người, chứ không như tên con vật. Em hiểu chưa"
Hai đứa bé nhìn nhau. Thằng Hưng bập bẹ:
- Em Hoa.
Con Hoa cũng nhe răng cười rồi gọi anh nó:
- Anh Hưng.
Ngọn gió mát thổi từ con kinh lên bỗng chốc làm cả tâm hồn khô cằn của hai đứa trẻ mồ côi mát rượi sau bao năm. Khoa cũng thấy sung sướng lây. Khoa hỏi tiếp:
- Ba má các em ở đâu" Sao hai đứa lại dắt nhau tới đây ngủ"
Thằng Hưng nhìn em nó một lúc, rồi quay qua trả lời:
- Ba em bị nhà nước bắt đi tù lâu lắm rồi. Má em đau nặng nên phải…đi qua… Mỹ… chữa bịnh năm trước, khi nào hết bịnh sẽ về. Tụi em theo má xuống Rạch Giá ở nhà ông nội. Lúc má em…đi, họ nói nhà của sĩ quan ngụy nên tịch thu luôn nhà ông nội. Ông nội chết trước khi má đi mấy tháng. Tụi em đi xuống đây tìm nhà chú Út. Chú Út đi bán chính thức nên bán nhà này cho ông Năm. Ông Năm cho chủ tầu của anh thuê.
Con Hoa chợt ngước nhìn anh nó hỏi:
- Má cũng đi bán chính thức hả anh"
Thằng Hưng ngập ngừng một thoáng rồi gật đầu, trả lời bừa:


- Ừ, má cũng đi bán chính thức. Má sắp gửi nhiều đồ ăn về cho anh em mình.
- Em không muốn đồ ăn đâu. Em muốn má thôi. Em muốn gặp má. Em nhớ má. Em nhớ má qúa anh Hưng ơi. Em muốn má ôm em. Ôm chặt cho em ngủ. Hu hu.
Cả Khoa lẫn thằng Hưng đều yên lặng nghe tiếng gọi nhớ nhung của con Hoa. Khoa nhắm mắt lại cho cơn thổn thức dịu bớt xuống. Thằng Hưng hình như quen với tiếng khóc kêu má trong đêm khuya của em nó nên ít ngẹn ngào hơn. Nó xoa bụng liên tục không biết để dằn cơn đói bao năm hay để đỡ xót xa cay đắng trong lòng. Nó cúi đầu ngậm ngùi:
- Con Hoa cứ nhớ tới má em kêu khóc mỗi đêm.
Khoa ngậm chặt miệng, cố nuốt nước miếng để dằn cơn xúc động xuống rồi khẽ nói với hai đứa bé côi cút:
- Hai em vào nhà đi. Đừng sợ gì cả. Anh muốn hỏi chuyện em.
Thằng Hưng vẫn lắc đầu một mực từ chối:
- Em không vô đâu. Lúc trước cũng có người nói tụi em vô trong ngủ. Công an thấy nên gần sáng tới đây khám. Ông Năm phải năn nỉ ông chủ tầu cho chúng nửa cây mới yên. Ổng Năm nói sẽ đánh thấy mẹ nếu tụi em vào ngủ lần nữa. Lần đầu ông tha vì nghĩ đến chú Út. Công an phường khôn lắm. Chúng dụ tụi em vào trong ngủ hoài. Ông Năm cũng tốt với tụi em lắm. Ông cho đồ ăn luôn. Nhưng ông không nói nhiều. Ông sợ tụi nó kiếm chuyện, phá nhà thuê của ổng.
Khoa không ngờ câu chuyện côi cút của hai đứa bé lại mang nhiều uẩn khúc đau thương đến như vậy. Sau cuộc chiến xâm lăng của Việt cộng miền Bắc, kẻ chiến thắng đã không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn đê hèn nào để kiếm lợi cho những tư dục, người thua cuộc sẽ chịu nhiều đau khổ nhất trong tù đầy. Riêng con của họ, những đứa bé lạc loài, còn chịu nhiều đắng cay hơn ai hết.
Khoa nhìn chúng thở dài, rồi ngoái nhìn ra màn đêm tăm tối của con kinh ở Tắc Cậu, nghĩ đến tương lai u buồn của chúng để cố tìm lối thoát cho hai đứa bé. Chàng phải thở dài nhiều lần trước khi bước vào nhà một mình. Hai bộ xương khô khẳng khiu chống đỡ hai cái đầu to lúc lắc trong mùng nửa như muốn chào hỏi, nửa như muốn rơi rụng.
*
Khoa tỉnh giấc trễ hơn mọi ngày vì mất ngủ cả nửa đêm. Nếu không có ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt từ cái cửa sổ mở rộng thì có lẽ Khoa còn thiếp đi một giấc dài nữa. Ngoái nhìn vội ra cửa sổ, Khoa không thấy cái mùng và hai đứa bé. Cái hàng hiên trống trơn, sạch sẽ và im lặng như ngày hôm qua, lúc Khoa mới tới.
Khoa bật dậy, bước khỏi giường, ra sau hè xúc miệng vội, xong khoát cái túi xách chứa vài bộ quần áo và đồ cá nhân của mình rồi rời nhà ngay tức thì. Cặp mắt bén nhậy của Khoa liên tục quan sát những dấu chân của hai đứa bé ra đi từ cái hàng hiên. Bao nhiêu năm sinh hoạt trong đoàn Hướng Đạo Việt Nam ở Sàigòn đã tạo cho Khoa không những có thể sống thích nghi với mọi hoàn cảnh thiếu thốn ngoài thiên nhiên mà còn luyện tập được một cặp mắt tinh anh của một con báo.
Từ từ theo dấu chân trên đất, Khoa ngạc nhiên thấy chúng hướng lần ra vườn sau, rồi đầy dấu chân xuất hiện nơi chuồng gà ẩm mốc. Hình bóng hai đứa bé vẫn không thấy. Khoa đứng ngơ ngác giữa chuồng nhìn quanh, cố tìm xem những chỗ có thể treo mùng ngủ, hay vỏ của củ khoai mì. Không có một vết tích gì của hai đứa bé để lại ngoài những dấu chân dẫm đầy trên đất.
Khoa đánh một vòng lớn quanh vườn để cố tìm thêm được dấu vết gì chăng; có lúc bước qua cả vườn sau hai nhà hàng xóm mà vẫn không tìm ra thêm được chút manh mối nào. Ngẫm nghĩ một lúc, Khoa quyết định bỏ nguyên ngày đi khắp mọi nơi Tắc Cậu để tìm kiếm. Hai đứa bé chắc chắn phải đi xin đồ ăn uống, như vậy quán ăn hay chợ là chốn chúng phải tới hàng ngày.
Tắc Cậu không có họp chợ. Muốn đi chợ phải đón ghe ra Tắc Rán. Khoảng giữa Tắc Cậu có ba nóc gia liền nhau, tương đối khang trang lập nên những quán ăn nho nhỏ, bầy bàn cả trong nhà lẫn ngoài sân trước. Dân bán chính thức ngồi đợi tầu nhổ neo nên rảnh rỗi thường tới tụ tập đánh cờ và bàn chuyện ra khơi. Công an cũng mò tới đấy để kiếm ăn và kiếm…cây. Từ đó nơi đây tự nhiên biến thành trung tâm sinh hoạt của Tắc Cậu. Phường trưởng và phó phường thích ra đây ăn nhậu, chia nhà của người vượt biên và họp…chi bộ đảng. Nơi đây tự nhiên cũng trở thành chỗ lãnh phiếu thực phẩm của người dân Tắc Cậu. Lãnh mì sợi, khoai sắn xong bán liền cho các quán ăn khỏi phải khiên về nhà cho đỡ mất thì giờ của nhân dân.
Khoa tìm một góc quán, kêu cốc cà phê sữa nóng ngồi nhâm nhi quan sát tình hình.
Khách, hầu hết là những người đàn ông tới đây ngồi đánh cờ tướng chờ ngày Việt cộng cho tầu nhổ neo. Bàn cờ la liệt dựng lên ngoài sân. Đám trung niên nhiều tiền, thích đánh lớn, tập trung vào những tụ to. Vài ba tụ nhỏ cho đám thanh niên mới biết chơi. Trong nhà chỉ chứa những tụ đánh độ thật lớn, có một tụ chơi cờ domino. Người coi ngồi im lặng còn hơn người đánh. Thỉnh thoảng phát ra một vài tiếng than chua chát, bất mãn vì nước cờ lỡ. Đôi khi vài ba tiếng thốt thán phục vì nước cờ hay.
Công an phường cũng tụ tập ở các bàn cờ khá đông, vừa lấy tin tức, vừa làm công tác chi bộ, vừa nhận hối lộ. Ở một góc sân có một số người địa phương đứng, ngồi và nằm theo hàng chờ lãnh thực phẩm hàng tháng. Góc đối diện cũng có vài ba người xếp hàng để xin giấy chứng minh nhân dân đi đường hay nhập hộ khẩu trước một cái bàn trống. Mọi sinh hoạt của nhân dân đều ứ đọng chờ phường trưởng và ủy viên chi bộ phường đấu trí qua ván cờ.
Khoa khẽ bật reo khi thấy thằng nhóc Hưng cũng đứng thứ ba trong hàng. Nó nhỏ bé, còi cọt, xanh xao và ốm đói quá mức khiến người thấy mà phải ứa nước mắt. Hình như thằng Hưng cũng biết thân phận của mình nên lặng lẽ cúi đầu, thu mình để tránh những ánh mắt soi mói của mọi người chung quanh. Khoa cũng thu mình trong một góc nhỏ của quán để thằng Hưng không nhận thấy.
Mặt trời đứng bóng, phường trưởng vừa đi nước pháo giăng vừa vẫy tay ra dấu đến giờ lao động hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hai anh công an lừng khừng đứng lên ra bàn ngồi thụ lý đơn xin phép và sửa soạn phát…cao lương cho nhân dân dùng. Nhân dân cũng lục đục uể oải đứng lên xếp hàng ngay thẳng để lãnh ơn huệ do bác, đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa ban bố. Mọi người sống im lặng, ù lì như những cỗ xe cũ kỹ rỉ rả chạy.
Bỗng một tên ba trợn to lớn người từ đâu chạy tới trước mặt thằng Hưng hét to:
- Còi, mày không có hộ khẩu ở đây. Đi chỗ khác chơi, để tao lại chỗ xếp hàng của mày, lát nữa tao cho mấy cọng mì.
Hưng chỉ ra phía sau mạnh dạn trả lời:
- Tôi xếp hàng cho bà Năm. Bà đang đi tới kia kìa.
Hình như bà Năm cũng có thớ ở Tắc Cậu nên tên ba trợn ngâp ngừng đôi chút rồi từ từ chuồn ra cuối hàng đứng đợi. Hưng hãnh diện vênh mặt tấn công tiếp:
- Tôi tên Hưng, chứ không không phải là Còi. Tôi là người, có tên tuổi đàng hoàng của một con người, chứ không có tên của một con vật.
Mọi người nhìn thằng Hưng với ánh mắt ngạc nhiên. Phường trưởng đang lên tượng để chống nước pháo đầu cũng phải ngước mặt ra nhìn. Cả Khoa lẫn thằng Hưng đều hiểu được nó đang chuyển mình từ kiếp vật sang kiếp người sau bao năm bị chủ nghĩa cộng sản đẩy nó từ kiếp người xuống kiếp vật.
Tên ba trợn quê quê, quay lên hỏi tên công an:
- Tháng này nhà nước cho ăn gì, đồng chí " Ba tháng rồi cứ khoai mì hoài, ăn hổng vô. Nghe nói có mì sợi tháng này phải không đại ca "
Rồi nó cười lên sằng sặc như điên, rống to hát:
- Tổ quốc ơi, xơi khoai mì ớn quá. Tự dzải phóng dzô đây, ta ăn độn dài dài. Tự dzải phóng dzô đây, ta ăn độn trừ cơm.
Cả phường trưởng lẫn công an đều im lặng làm ngơ. Người cộng sản chuyên đàn áp cướp bóc giai cấp tư sản nhưng lại sợ nhất giới…liều mạng vô sản chuyên chính.
Thằng Hưng nhường chỗ cho bà Năm rồi lặng lẽ rút lui. Khoa cũng đứng lên, âm thầm bám sát theo nó. Đúng như dự đoán của Khoa, thằng Hưng đi lần về hướng căn nhà Khoa trú hôm trước rồi lẩn vào vườn sau. Khoa chạy vội vào trong nhà, đi ra sau bếp, hé mở cửa sổ lén nhìn ra. Bóng thằng Khoa biến mất. Chuồng gà vẫn trống trơn không người. Khoa bước ra chuồng gà đứng im lặng nhìn quanh, suy nghĩ cố tìm xem có một vết tích gì thêm. Vẫn chẳng thấy gì ngoài những dấu chân nhỏ bé dẫm đầy trên mặt đất.
Chiều hôm đó, Khoa đi lang thang khắp Tắc Cậu mà vẫn không thấy được bóng dáng hai đứa bé. Khoa mua đồ ăn chiều và trở về lại căn nhà trọ treo mùng sớm, nằm vật vờ chờ màn đêm từ từ buông xuống.
Đúng khoảng nửa đêm, Khoa thức giấc vì những tiếng động bên ngoài hàng hiên. Khoa biết thằng Hưng đang treo mùng cho em nó ngủ ngoài đó. Khoa không lên tiếng vội, nằm im chờ xem phản ứng của nó ra sao. Nằm một lúc lâu, thằng Hưng chịu hết nổi nên gõ nhẹ vào cửa sổ hỏi:
- Anh ơi. Anh còn ngủ trong đó không" Em Hưng đây.
Khoa mỉm cười, giả bộ ngái ngủ:
- Có chuyện gì không em"
- Ngày mai anh vào kinh trong ngủ rồi phải không" Em muốn xin anh mấy cái lọ thuốc xịt muỗi.
Khoa ngồi dậy, mở hai cánh cửa sổ, ngoái đầu nhìn ra ngoài. Vẫn hai bộ xương bé tí teo với cái đầu bù xù lắc lư, nằm trong mùng. Thằng Hưng mở to mắt nhìn Khoa, con Hoa nhắm mắt, hình như đã ngủ say.
- Em muốn lấy cái gì trong nhà này thì cứ tự nhiên vào khuân đi. Khỏi phải hỏi anh chi cho mệt.
- Cho em hỏi anh thêm câu nữa.
- Ừ, em cứ việc hỏi. Bao nhiêu câu cũng được.
- Thuốc xịt muỗi này uống nhiều có làm chết mình không anh"
Khoa giựt mình, ngần ngừ vừa trả lời vừa hỏi lại:
- Thuốc diệt muỗi uống nhiều dĩ nhiên không chết cũng ngất ngư. Em tính chuyện gì vậy" Đừng có liều mình làm ẩu nhe. Từ từ, đợi ba em ở tù ra, sẽ về đây kiếm hai em. Cuộc đời các em sẽ đỡ hơn nhiều.
Thằng Hưng im lặng một lúc lâu, rồi khẽ thốt:
- Ba em chết rồi còn đâu mà chờ ra. Má em giấu ông nội, giấu chúng em không nói, nhưng mỗi đêm em thấy má em thức dậy thắp nhang, ôm hình ba em khóc. Má em buồn nên bịnh chết theo ba em. Em biết hết mà. Ông nội cũng biết nên mới bịnh chết.
Khoa sững sờ nằm im không biết trả lời ra sao. Có lẽ chết là cách giải quyết hay nhất cho hai đứa trẻ mồ côi sống trong cái thiên đường khốn nạn xã hội chủ nghĩa. Ông nội và mẹ nó cũng đã chọn cách giải quyết buông suôi này. Thằng Hưng thấy Khoa im lặng cũng không nói thêm câu gì. Nó nằm im một lúc lâu rồi khe khẽ hát:
- Tổ quốc ơi, xơi khoai mì ớn quá. Tự dzải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài.
Tiếng hát thê lương, hiện thực xã hội chủ nghĩa vang nhẹ trong đêm khuya như lưỡi gươm bén đâm từng nhát một vào trái tim Khoa. Ngực của Khoa nhói lên từng hồi khi tưởng tượng ra xác của hai đứa bé nằm trơ trọi trong chuồng gà sau vườn bên cạnh những chai thuốc xịt muỗi. Cái chính sách thâm độc cột thật chặt cái bao tử của người dân để thống trị, kiểm soát do đảng cộng sản bầy ra đã gây bao nhiêu đọa đầy cho dân tộc Việt Nam. Người dân lúc nào cũng đói trơ xương thì bảo gì mà chả nghe, có sức đâu mà đi biểu tình chống đối. Khoa cũng lẩm bẩm đau đớn hát theo:
- Tự dzải phóng vô đây, ta ăn độn trừ cơm.
Khoa cựa mình gác đầu lên thành cửa sổ, tính nằm thức đến sáng để canh hai đứa nhỏ xem chúng sẽ đi đâu. Trời chưa sáng, Khoa bị đánh thức, không phải bởi thằng Hưng tháo mùng mà bởi người đại diện chủ tầu tới. Anh ta báo cho Khoa hay phải vào kinh trong ngay lập tức vì tầu đã được phép nhổ neo. Khoa bàng hoàng bước ra khỏi nhà, chỉ kịp rút hết tiền túi đưa cho thằng Hưng.
Thằng Hưng và con Hoa cũng bị đánh thức dậy cùng lúc với Khoa. Chúng ngồi trong mùng ngơ ngác nhìn ra. Khoa dặn nhỏ thằng Hưng:
- Đừng có làm ẩu em nhá. Em phải sống. Tìm đường mà sống.
***
Khoa lái xe chậm chậm vào trước căn nhà rồi bước xuống xe, đứng ngẫm nghĩ lại những gì đã xẩy ra hai mươi sáu năm qua.
Cái căn nhà đơn giản với hai gian và cái hàng hiên rộng phía trước. Bên phải xa xa phía sau là cái chuồng gà và cái giếng nước. Khoa bước tới chuồng gà, đi vào trong ngắm nhìn một hồi. Cái chuồng gà bên Mỹ lợp bằng tôn, còn bên Việt Nam lợp bằng lá nên có vẻ mát mẻ hơn.
Đã bao năm qua, vợ chồng Khoa tốn nhiều công sức, nhờ người tìm giúp và gửi cả tiền về Việt Nam mướn người kiếm hai đứa bé nhưng không ai tìm ra được chúng. Chuyện của hai đứa bé mồ côi đã ảnh hưởng đến đời sống của vợ chồng Khoa quá sâu đậm đến nỗi Mai cũng tự hình dung ra căn nhà có hàng hiên lớn và cái chuồng gà.
Đầu thu ở Texas, trời vẫn nóng như thiêu. Khoa bước ra cái giếng khô, nhìn xuống coi có tí nước mát mẻ nào còn sót lại. Ở đáy giếng, đồ phế thải và chai bia vất đầy. Khoa thấy hai con búp bê nằm ngổn ngang giữa mấy lon bia. Nước mắt Khoa bỗng trào ra. Qua màn lệ, Khoa như thấy hai bộ xương gầy guộc của hai đứa bé mồ côi nằm lạc lõng giữa những chai thuốc trị muỗi.
Khoa qụy gập người xuống, áp má vào thành giếng, bật khóc:
- Hưng ơi, Hoa ơi, anh biết chỗ ngủ của hai em rồi.

Houston, cuối hè năm 2005,
Lê Như Đức

Ý kiến bạn đọc
15/01/202023:25:15
Khách
Oi. Chuyen buon qua. Doc chua xong ma da .. khóc!!
That toi nghiep cho dân mình, nhung nguoi còn ket lai.

Cam on tac gia ve bai viet qua hay.
08/09/201907:45:46
Khách
Bài viết cảm động quá tội nghiệp 2 đưá bé trong địa ngục cộng sản sống cuộc sống cơ cực mồ côi cha mẹ không người thân thích. Đọc mà nước mắt tuôn rơi thương cho dân tộc VN mình
09/06/201802:41:10
Khách
Quanh mình vẫn còn nhiều những cảnh đời khốn khổ. Cám ơn tác giả .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,247,186
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến