Tác giả Diên Hồng, tên thật Linh Quang Trần, đếm Mỹ theo diện ODP, hiện là cư dân Santa Ana, hành nghề tự do. Ông đã góp một số bài viết về nước Mỹ, sau đây là bài viết thứ 5 của ông.
Người Việt Hải Ngoại vốn không lạ gì hình ảnh những kẻ ăn xin, ăn mày trên những nẻo đường nơi cố hương Việt Nam ngày nào. Ngày đó, trước 30/4/1975, Miền Nam chiến tranh tương tàn, làm bao gia đình chia ly, bao thảm cảnh tang tóc khắp nơi vì thế cùng với những nổi khổ "đau - buồn - đắng - cay - lệ trào" của muôn người ... những kẻ ăn xin , ăn mày cũng có khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê.
Sau 1975, nghe nói Việt Nam "thống nhất" vẫn đầy dẫy kẻ ăn mày ăn xin trên đường phố, ngay tại Saigon hoa lệ và cả ở thủ đô Hà Nội quyền lực! Lý giải điều này, người ta hay chép miệng nói "hiện tượng xã hội mà!" Chuyện ăn mày ăn xin ở Việt Nam, do vậy, chẳng ai lạ hay thắc mắc. Nhưng nhiều người vẫn cho là rất lạ, khi thấy ở ngay nước Mỹ cũng vẫn có ăn mày.
Mỹ là một cường quốc giàu có, sao lại vẫn có người ăn xin ăn mày" Nghe thật nghịch lý nhưng đó lại là sự thật.
Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên khi mới đặt chân đến Mỹ (đi diện ODP), có bốn điều lạ ấn tượng nhất mà tôi và gia đình thấy ở Mỹ: Thứ nhất nước Mỹ rộng lớn , giàu đẹp và văn minh quá; Thứ hai người Mỹ thẳng thắn, thực dụng và có tinh thần độc lập cá nhân hơn mình nghĩ nhiều; Thứ ba Người Mỹ yêu nước theo cách của họ - họ có thể hát quốc ca bất cứ nơi đâu họ thích, họ có thể mặc quần áo và sử dụng trang sức có in cờ Mỹ mà vẫn không bị coi là bất kính hay bất nhã; Và điều thứ tư chính là hình ảnh những người ăn xin ăn mày lần đầu tiên tôi thấy trên nước Mỹ.
Có những cái ở Mỹ tưởng như là nghịch lý nhưng lại có cái lý của riêng nó. Chẳng hạn, những người mới sang Mỹ ở chung nhà với người thân, vẫn phải chung lưng trả tiền nhà tiền phòng, điều này được giải thích bằng chân lý thoạt nghe khá phủ phàng: "Sống ở Mỹ chẳng có cái gì free cả." Ở lâu hơn, sẽ chóng hiểu rằng, ở Mỹ người ta đề cao tính độc lập, không dựa dẫm vào ai. Chính cách cư xử này của người thân, dù theo kiểu Mỹ, là ngụ ý giúp mình mau chóng hòa nhập với đời sống ở Mỹ một cách mạnh mẽ tự chủ và tự lập.
Người giàu có ở Mỹ có tài sản kếch xù, cũng chính là những người vay mượn nhiều để kinh doanh, đầu tư. Không riêng họ, cả nước Mỹ đều đi vay nợ để phục vụ cho những chi tiêu, mua sắm, đầu tư của mình. Nước Mỹ phát triển nhanh chóng cũng chính nhờ cái nghịch lý nợ nần chồng chất này trong lòng nước Mỹ. Do vậy sống ở Mỹ tiểu sử tín dụng tốt đồng nghĩa với việc có tất cả, thuận lợi tất cả trong đời sống, kinh doanh, đầu tư.
Người ta có thể dễ dàng bắt gặp ở hàng ghế nơi trạm xe bus thường ghé, ở một góc phố, góc supermarket, hay ở dưới vòm những tòa nhà cao ngất hay ở gầm cầu..., những người vô gia cư (homeless) người ăn xin. Vẻ bề ngoài của họ rất dễ nhận ra, quần áo tự do có phần tuỳ tiện, đôi khi quấn quanh mình một tấm chăn mỏng (dễ thấy vào những buổi sáng sớm), cạnh bên thường lỉnh kĩnh đồ đạc linh tinh đủ thứ nào đồ hộp, nước ngọt, quần áo... Có khi họ vay mượn mấy chiếc xe mua hàng của mấy siêu thị làm phương tiện "tải" mớ hành lý đang mang sự đời này.
Dân Châu Á hay gọi người ăn mày ăn xin, là "cái bang" với sự muờng tượng đó là những kẻ ăn mặc rách rưới, mặt mày lôi thôi, lếch thếch, xem ra trái ngược với ăn mày ăn xin ở Mỹ. Dù là homeless hay ăn xin, ở Mỹ, họ vẫn ăn mặc khá đàng hoàng, dù quần áo có khi hơi cũ. Đặc biệt họ không bao giờ làm phiền hay quấy nhiễu một ai, khác với "cái bang" nơi khác thường bám đeo khách để xin tiền, xin đồ.
Hình ảnh quen thuộc thường là họ ngồi im lặng nơi góc đường hay những chỗ có đông người qua lại, có khi họ cũng đứng, hoặc đi qua đi lại dọc theo lề đường các con phố, cạnh bên có đặt hay đeo tòng teng trước ngực tấm bảng bằng bìa carton, ghi mấy dòng chữ tiếng Mỹ cỡ chữ to để gây ấn tượng, chú ý với người qua kẻ lại. Những tấm biển này, nội dung ghi cũng muôn màu muôn vẻ. Khi thì : HOMELESS. CAN YOU HELP ME ", khi thì ghi là (dịch ra tiếng Việt ) : " CỰU CHIẾN BINH Ở VIỆT NAM", khi lại là : " HÃY GIÚP TÔI VÀ CHÚA SẼ BAN PHƯỚC CHO BẠN" v.v... Khu little Saigon, góc đường Brookhurst - Bolsa hay có một người ăn xin đóng đô ở đây. Đó là một phụ nữ Mỹ trắng khoảng trên dưới 50 tuổi, vận quần jean áo thun, tay đeo headphones đi tới lui thư thả, cạnh bên là chiếc xe đạp cũ treo mấy móng đồ túi xách linh tinh. Thỉnh thoảng dòng xe hơi dừng lại vì đèn đò, bà ta lại đi đến gần nhưng không nói gì, có mấy chủ xe đưa ít tiền hoặc có khi là lon nước ngọt, bà ta nhận tất. Ở góc đường Bolsa - Golden West cũng có mấy người ăn xin thay phiên đóng đô, khi là ông già Mỹ quần jean áo thun in chữ, khi thì một gãốm nhách cao lêu nghêu có ria mép ... đều có mang bảng (biển ) trước ngực hoặc cầm tay quơ qua qua lại tấm bảng này cho thiên hạ đi ngang nhìn thấy. Tôi không biết cụ thể ở Mỹ có đến bao nhiều người homeless và ăn xin nhưng thấy rằng ở đâu cũng có. Santa Ana, San Francisco ... ở California, ở Newyork, ở Michigan, ở Massachusetts, ở Louisiana, ở illinois, ở Delaware, ở Alabama ...ở đâu cũng thấy. Có nơi số lượng hoemless lên đến vài chục ngàn người. Những sinh hoạt thiện nguyện trên đất Mỹ những tổ chức từ thiện thường chú ý thực hiện những hoạt động cứu giúp và phân phát thực phẩm cho họ.
Diên Hồng
(Linh trần )