Hôm nay,  

Tôi Học Văn Chương Mỹ

04/08/200500:00:00(Xem: 102340)
Người viết: THÙY DƯƠNG
Bài số 798-1386-223-vb5080405

Tác giả định cư tại Hoa Kỳ từ 1987, hiện là một bác sĩ đang hành nghề tại quận Cam. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ba là “Hạnh phúc rất đơn giản” kể chuyện về cách nhìn, cách nhận chân hạnh phúc của người phụ nữ Việt tại Hoa Kỳ qua ba hoàn cảnh sống khác nhau. Sau đó, bà kể chuyện 5 chị em trong bài “Đoàn Nữ Binh Mùa Thu”, và sau đây là bài tiếp theo.

Trong số năm chị em gái của tôi, chị Ba là người có khiếu văn chương nhất. Không những chị viết văn, làm thơ hay, vẽ giỏi, mà chị còn chịu khó viết lại những bài thơ chị yêu thích vào trong một quyển sổ bià đen dày cộm hàng mấy trăm trang. Chị góp nhặt thơ cũng giống như nhà sư góp nhặt sỏi đá vậy. Đủ loại, từ những bài thơ đơn giản, mộc mạc dễ thương của Nguyễn Bính với “Em Hiền áo trắng nhìn không ra”, những bài thơ uỷ mị của T.T.K.H, cho đến những bài thơ tượng trưng của Bích Khê, Hàn Mặc Tử. Từ những bài thơ lãng mạn của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư đến những bài thơ hiện thực về cuộc chiến có những câu như “Anh tặng em một cuộn dây thép gai. Thứ dây leo của thời đại mới”v.v… . Tôi có tật tò mò, dù trước 75 tôi chưa lớn lắm vậy mà những bài thơ này của chị tôi cũng đọc đi đọc lại say mê, đâu có ngờ rằng nhờ nó có ngày tôi được điểm A trong môn văn chương Mỹ.

Qua Mỹ, dù với tâm trạng “depressed” buồn rầu chán nản, với vài tiếng một ngày khóc trong phòng tắm, tôi cắp sách đi học lại, vả lại không học lại tôi cũng chẳng biết phải làm gì lúc bấy giờ, đi học còn được chút ít tiền học bỗng. Tôi thích khoa học, toán hơn văn chương, nhưng học ở bên Mỹ mà, ngoài các môn bắt buộc cho ngành bạn học, bạn phải lấy thêm các môn phụ, nhiệm ý mới có thể ra trường được. Ở VN, trong lúc đợi xuất cảnh sang Mỹ, tôi sửa soạn cho mình một số vốn liếng tiếng Anh khá kỹ. Các thầy dạy Anh văn nổi tiếng ở các trung tâm sinh ngữ ban đêm đều có lúc đã dạy tôi, như thầy Thiết từng sống bên Anh , thầy Bách từng du học bên Úc, đến những thầy dạy Anh văn ở nhà như thầy Sở đã có thời gian sống bên Mỹ. Với số vốn liếng tiếng Anh kha khá này, khi thi xếp lớp, tôi được cho học English, lớp Composition tức lớp viết luận văn, cùng với dân bản xứ chứ không phải học lớp ESL . Tôi chẳng biết tôi gặp may mắn hay rủi ro nữa. Vì không học lớp ESL nên tôi đâu có được luyện giọng, nói tiếng Mỹ với accent Việt Nam đặc sệt. Hơn nữa, tuổi tôi khá cách xa với các bạn cùng lớp nên tôi cứ cô lập mình, chả trò chuyện với ai dù trong lớp tôi có vài sinh viên VN nhưng các em qua đây từ 75 nên ngôn ngữ họ trò chuyện vẫn là tiếng Mỹ. Hai lớp Composition I, II tôi được điểm A ngon lành, chả là lối viết văn lớp này giống như lớp Văn cấp một, cấp hai cho con nít tại VN, nào là tả cảnh, tả người, so sánh, viết thư, cao nhất là bình luận câu nói của ông này, bà kia. Bà giáo dạy English thích đọc bài của tôi viết lắm chỉ vì nó khác với những bài của các em sanh ra ở Mỹ, tôi kể chuyện VN, kể chuyện tị nạn, kể những chuyện lạ lùng làm tôi sững sờ khi qua đây như chuyện tôi được hai cô bạn Mỹ Trắng rủ vào Sisters Club mà đâu biết rằng đó là hội của những người Lesbian, chuyện trái cây chất từng đống trước siêu thị chẳng ai trông coi mà không sợ bị ăn cắp, chuyện tôi lạnh run khi ngồi đón xe bus lúc tuyết rơi v.v…. Sau khoá học, bà thầy đề nghị tôi nên ghi danh học lớp Literature “mới xứng đáng với trình độ Anh văn của tôi” . Nở phổng cả mũi, điếc không sợ súng, tôi hân hoan ghi danh học lớp English Literature.

Trong đời ai chả có lúc nhầm lẫn, nhầm lẫn to lớn của tôi là việc ghi danh học lớp này. Được A ở hai lớp Composition quá dễ dàng, tôi tưởng rằng Anh văn của tôi chắc cũng thuộc loại siêu việt, nên nghe theo lời bà thầy. Nào ngờ (vẫn chữ ngờ đáng ghét này) lớp Literature này làm tôi tối tăm mặt mủi, ăn ngủ không yên. Trước đây, vì muốn mau chóng ra trường, có lúc tôi lấy cả 22-23 units mà vẫn thấy khỏe re, học kỳ này vì lấy lớp này mà tôi phải drop chỉ còn lấy 12 units , vừa đủ cho full time student. Nào là phải bình luận văn của John Steinbeck, Heminway, nào phải đọc Hamlet của Shakespear, hết phải tra tự điển để đọc cho hiểu bài, rồi phải tra tự điển để viết bài. Thời gian khóa học này sao lại kéo dài đằng đẳng. Nhưng rồi cũng đến bài làm cuối khoá, bà thầy cho đề tài tự do, muốn viết gì thì viết. Làm sao tôi dám chọn viết về Shakespear hay John Steinbeck cơ chứ, thôi đành một liều ba bảy cũng liều. Tự dưng một bài thơ trong quyển sổ bià đen của chị tôi lại hiện ra, thế là tôi viết đại cho bà ấy một bài. Đại khái, khoá học này cho tôi cách viết, cách suy nghĩ của người Anh, người Mỹ, trên những đất nước không bị chiến tranh tàn phá. Về phần mình, tôi muốn giới thiệu đến bà ấy cách viết, cách suy nghĩ của những người viết văn thơ trên xứ sở của tôi mà lịch sử của đất nước gắn liền với chiến tranh từ lúc lập quốc. Tuy thế, người viết văn thơ trên đất nước tôi cũng là một hoạ sĩ nữa, một hoạ sĩ giỏi nữa là đằng khác. Sau đó tôi dịch bài thơ ấy sang tiếng Mỹ, vì quên tên tác giả nên tôi đặt tên tác giả là vô danh.

Khi thơ ấu,
Người cha đến trao cho chàng chiếc mặt nạ hồng
Người thầy đến trao cho cho chàng chiếc mặt nạ xanh
Màu hồng, màu xanh dạy chàng tin yêu và hy vọng

Khi khôn lớn,
Chiến tranh đến trao cho chàng chiếc mặt nạ đen
Tương lai đến trao cho chàng chiếc mặt nạ trắng
Màu đen, màu trắng dạy chàng sự hồ nghi

….

Và bây giờ,
Khi màu hồng trộn lẫn với màu đen
Màu xanh trộn lẫn với màu trắng
Chàng mới hiểu tại sao
Chàng có màu da rám nắng
Nàng có màu da xanh xao

Chàng mới hiểu tại sao
Tận cùng của đêm là bóng đen che phủ cuộc đời chàng

Ngày phát bài, tôi phập phồng lo sợ, có ai đời học English Literature mà lại dịch một bài thơ của tác giả vô danh của VN , nếu không bị con F thì cũng bị điểm C,D là may mắn lắm . Ai ngờ (lần này là chữ ngờ đáng thương) bà thầy lôi bài của tôi ra đọc trước lớp. Bà đặt tay trước ngực và nói: It’s very touching. Chưa bao giờ trong đời bà đọc được bài thơ hay và cảm động như vậy. Dĩ nhiên, tôi được điểm A. Tôi nghe tiếng hai cô bé VN cùng lớp bảo nhau “Cái bà già này nói tiếng Anh không rành vậy mà viết văn hay quá”. Eo ơi, lúc đó tôi chưa qua tuổi ba mươi mà bị gọi là “That old lady” .
Không phải tự dưng hôm nay tôi lại nhớ đến lớp học Văn Chương này đâu. Cái tật của tôi khi lái xe là mở radio ra nghe, cả tháng nay tôi cứ phải nghe một cô ca sĩ cứ ra rả bài hát của một nhạc sĩ trong nước về màu sắc. Tôi nghĩ chắc ông nhạc sĩ nổi tiếng quốc nội này cũng có đọc được bài thơ trên, mà bắt chước dở ẹc.
Chị em với nhau, không giống lông cũng giống cánh, khi tôi nói chuyện với chị Ba về cảm nghĩ của tôi về sự liên hệ giữa bài thơ và bài hát này, chị nói: “Thì chị cũng nghĩ vậy ngay khi nghe bài hát. Chắc phải chép lại bài thơ, gửi cho ông nhạc sĩ này cho ông ta biết.”
-Mà chị Ba này, chị nhớ tác giả bài thơ ấy là là ai không vậy"
- Để coi... Hình như là của... Mà không...
Chị Ba kể ra tên nhiều thi sĩ nổi tiếng của miền Nam, nhưng rồi không nhớ được ra tên tác giả bài thơ.
Vậy tôi phải cám ơn ai đây khi nhờ bài thơ ấy mà tôi được điểm A của môn English Literature.
Cuốn thơ bìa đen hồi xưa không còn nữa. Người chép thơ cũng chẳng nhớ ra được tên tác giả bài thơ.
Thôi thì xin cám ơn chung các thi sĩ thời chiến tranh Việt Nam.

THUỲ DƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,320,668
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.