Hôm nay,  

Sống Sót Nhờ Mang Thai

16/07/200500:00:00(Xem: 152443)
Người viết: HỒ PHI
Bài số 785-1364-210-vb6071505

Tác giả Hồ Phi, một cư dân cao niên tại Fountain Valley, Nam California, đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Bài mới của ông lần này là chuyện kể về thảm trạng thuyền nhân và hải tặc Thái Lan.
*

Đây là chuyện thật do nạn nhân hiện ở Orange County, California kể lại:
Tháng 4/1975 khi Cộng Sản chiếm miền Nam, Hoa được 12 tuổi, chưa học xong tiểu học. Còn là trẻ thơ, chưa biết gì về thời cuộc, xã hội chung quanh, nhưng Hoa đã phải bỏ học ngay để giúp cha mẹ trong việc ruộng đồng, nuôi heo gà, vì có học thêm cũng không có tương lai gì.
Cha mẹ Hoa người Bắc, đạo Công Giáo, di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954 và đến lập nghiệp tại Cái Sắn, Kinh B gần Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, trên khoảng nửa đường từ bến đò Vàm Cống đến thị xã Rạch Giá. Thuộc xóm nhà dọc theo ven lề tỉnh lộ nầy chạy song song với con kênh nối từ sông Hậu Giang với bờ biển Rạch Giá.
Đến năm hai mươi tuổi, Hoa lấy chồng. Chồng Hoa tên Hiệp, lớn hơn nàng 4 tuổi, cũng thuộc gia đình Công giáo Bắc di cư ở cùng xóm.
Hiệp là một thanh niên khỏe mạnh, thông minh, chịu khó làm việc, và có nhiều suy tư. Lớn lên dưới sự cai trị của CS, anh càng thấy, càng hiểu chế độ nầy có quá nhiều dối trá, áp bức, bất công, bóc lột, đói khổ. Họ dùng tờ hộ khẩu kiểm soát gắt gao cả đến cái bụng đói no và sự suy nghĩ của mọi người. Không thể sống nổi, anh quyết tìm đường để rời bỏ quê hương tìm tự do.
Cả thôn nầy toàn là giáo dân di cư, nên ít ai muốn làm cán bộ, hay a dua theo chúng. Nhưng dù sao, chúng cũng phải tổ chức chính quyền và dùng người địa phương để cai trị, nên chúng đã chỉ định cha Hiệp làm ấp trưởng.
Vì đã già và có nhiều kinh nghiệm khủng khiếp với CS trước kia ở Miền Bắc, nên ông đã khiếp sợ và đầu hàng chúng. Để yên thân, ông phải miển cưởng nhận sự chỉ định của chúng và tuân hành các chỉ thị.
Nhưng Hiệp lại khác, anh không thể an phận chịu sống tăm tối dưới chế độ đễu cáng, gian ác nầy như những người cao tuổi đã thúc thủ. Anh phải tìm mọi cách ra đi.
Nhà nghèo anh không có vàng đóng cho các tổ chức vượt biển, vả lại những người vượt biên thường bị lường gạt, mất vàng, mất nhà đi tới, đi lui bao lần, không thoát ra được đến biển, hay bị những kẻ tổ chức cẫu thả cốt để lấy vàng, để rồi đưa người ra biển trên những chiếc thuyền thiếu an toàn và thực phẩm, sống chết không cần biết. Nên sẵn ở gần con sông kênh nối ra biển, anh nghĩ chính mình phải làm quen với sông nước, biển cả, ghe thuyền, tự mình tự tổ chức, tự làm lấy mà đi.
Với sự góp sức của một số anh em bà con cùng thôn, anh sắm một con thuyền nhỏ. Anh trộm mượn con dấu của thôn do ông già anh đang giữ, làm giả giấy tờ giới thiệu cần thiết để xin Ty Công An cho phép đi đánh dã tôm ven bờ biển Rạch Giá.
Sau thời gian kiên trì kéo dã vài năm, anh đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng máy móc, điều khiển ghe thuyền, và làm quen với đám công an biên phòng tại cửa biển nơi mà hằng ngày anh đều trình giấy ra vào.
Sau nhiều năm tháng chuẩn bị chu đáo, ngày 2 tháng 7 năm 1985, vừa hết giờ giới nghiêm, Hiệp dấu hai người em trai, cô em gái 20 tuổi, Hoa và em gái Hoa lúc đó 19 tuổi, cùng với 23 người đàn ông khác toàn là bà con và bạn thân trong xóm từ Cái Sắn, với cả cha con ông chủ nhà ở gần bến Rạch Giá, nơi anh ở trọ, và đậu ghe trong những tháng ngày mà anh làm nghề biển. Tất cả là ba chục người trong 2 khoang, trên chiếc ghe dài hơn 12m và ngang hơn 2m.
Lúc trời chưa sáng tỏ là giờ nhiều thuyền nhỏ thường lệ bắt đầu ồn ào ra khơi sau khi trình giấy ở trạm nổi CA. biên phòng. Mọi người trên ghe đều nằm im dưới đáy khoang, lấy lưới che phủ lên trên. Nhờ Hiệp quá quen mặt với CA và vốn là người chăm chỉ làm ăn, thường cứ cuối ngày lúc quay về bến, anh cũng đếu cho chúng ít nhiều tôm cá, nên được chúng tin cậy. Thấy Hiệp nắm tay lái, không nghi ngờ gì, chúng cho ghe Hiệp thong thả xuất bến mà không cần xét hỏi lôi thôi. Thuyền ra khỏi bến một khoảng xa, cả đám mới ngồi lên hít thở hơi gió biển trong lành, thở phào nhẹ nhỏm mừng bước khởi đầu đã ra đi được êm thấm, và hy vọng thoát khỏi chế độ cai trị hà khắc và ác nghiệt nầy.
Nhìn theo la bàn, cứ hướng tây nam thuyền thẳng tiến, trong lòng mọi người tràn đầy hy vọng, hân hoan, và hồi hộp. Thuyền cứ thế mà đi suốt một ngày một đêm, biển vắng không thấy một chiếc thuyền xa xa nào, biển sóng nhẹ êm. Tuy lúc đó Hoa đang có mang đứa con đầu lòng, bảy tháng, bụng đã to, nhưng nhờ hơi gió biển, nàng không thấy mệt nhọc nhiều.
Đến chiều ngày hôm sau, bỗng đâu ba chiếc thuyền từ phía tây bắc xuất hiện, và không bao lâu sau, ba chiếc tàu cá Tháiland, mũi cao, to lớn, sơn màu xanh đỏ, lòe loẹt, xáp lại bao vây chiếc thuyền nầy.
Hiệp kéo hết dây gase, tăng hết tốc lực, cố chạy thoát nhưng không thoát khỏi. Trên mỗi thuyền Thái, lố nhố năm sáu người, mặt mày đen đủi, dữ tợn, cười nói xi xô nham nhở, tay chúng cầm mã tấu. Xáp thuyền lại, mạn thuyền đụng nhau lịch kịch, chúng đua nhau nhảy qua thuyền Hiệp, làm chiếc thuyền tròng trành như muốn lật. Chúng ra lệnh mọi người phải cúi mặt. Chúng bắt từng người cởi đồ cho chúng lục xét vàng bạc. Chúng lôi chị em Hoa và cô em chồng bỏ qua thuyền chúng. Mặc cho ba người phụ nữ nầy run sợ van xin, chống cự, và la khóc, nhưng chúng quá mạnh cả ba cô không thể nào cưỡng lại. Xong chúng soát khắp trên thuyền, lấy hết mọi đồ đạc. Ai chậm trể, run rẩy không kịp nghe lệnh chúng, bị chúng đánh tàn bạo, ngất xỉu, không kể trọng thương đến chết. Tiếng la thét vang trời, giữa biển khơi mênh mông. Vì bất thình lình, và không ai mang theo vũ khí để tự vệ, cả đám đàn ông hơn vài chục người không ai có phản ứng, hay cử chỉ chống cự. Tất cả đều tái mặt sợ sệt, run rẩy, chấp tay van xin chúng.
Sau khi lấy hết mọi thứ chúng có thể lấy được, chúng cho thuyền chạy ra xa. Tưởng như chúng bỏ đi, nhưng chúng liền cho thuyền phóng nhanh trở lại, với trớn mạnh chúng đâm mũi vào hông chiếc thuyền nhỏ của Hiệp, lúc đó đang tròng trành bất động. Chiếc thuyền đứt làm đôi, hất mọi người xuống biển. Trong chưa đến nửa phút, chiếc thuyền đã biến mất khỏi mặt biển. Có người chìm ngay theo cùng với chiếc thuyền, có dăm người bơi nhấp nhô trên sóng, có người bám vào những miếng ván vỡ vụn hay thùng nhựa nổi lình bình. Có một số cố bơi gần để bám vào thuyền cướp Thái, thì bị chúng lấy cây đập vào đầu hay lấy mã tấu chém, đẫy nạn nhân ra xa cho chết chìm. Không những thế chúng còn lấy thuyền chạy bừa lên những chiếc đầu đang bơi trong tuyệt vọng, bị chân vịt chém vào người máu hồng tung tóe nỗi lên trong đuôi bọt nước sau thuyền chúng.


Hoa thấy Hiệp cố bơi một cách yếu đuối tuyệt vong về phía mình, vì phản ứng tự nhiên, nàng toan nhảy xuống biển theo với Hiệp để thoát tay bọn hải tặc Thái, nhưng nàng đã bị bọn chúng giữ lại, dù cho đã cố sức dẫy dụa.
Thấy thế, chúng xách bổng hai nách nàng lên, đem giam nàng vào một khoang thuyền sâu, ẩm ứơt, tanh mùi cá, và đậy nắp lại. Nắp hầm cao nàng không có cách gì thoát ra được. Hoa ngồi khóc nức nở trong đó.
Nghe tiếng máy thuyền nổ đều đều, biết là thuyền chúng chạy rất lâu và nàng cũng không còn phân biệt ngày đêm vì trong khoang lúc nào cũng tối om. Hoa đau khổ, than khóc, thương chồng và những người đồng thuyền mà giờ nầy Hoa nghĩ họ đã chìm chết cả, vì giữa biển khơi làm sao bơi đi đâu nỗi. Và từ đó Hoa cũng không biết chuyện gì đã xảy ra với hai cô em. Sau đó quá mệt, nằm thiếp đi, Hoa không rõ là thời gian bao lâu.
Đến khi chúng xách Hoa ra khỏi khoang, gió biển thổi mát vào mặt, nàng mới tỉnh lại. Nhìn lên trời đầy sao, nàng mới biết là đang đêm. Chúng đưa nàng ra phía sau, cho nàng một ly nước. Nhìn vào phòng lái thấy chúng có thờ Phật, đốt nhang và giữ nàng chờ ở đó. Thuyền chạy đến chỗ có một cái phao tròn lớn, neo trên biển, trên có ngọn đèn nhỏ. Có lẽ đây là cái phao lớn làm dấu chỗ mà người ta thả lưới hay thả nò dưới đáy biển. Chúng thả nàng xuống đấy, rồi cho thuyền chạy biến đi nơi khác.
Nàng phải ôm bám vào cái phao nầy để khỏi bị chìm, lòng đau khổ vô hạn. Nhờ nước biển không lạnh lắm, nàng ôm phao chịu đựng, nửa tỉnh, nửa mê mệt. Nơi đây có lẽ cũng không xa bờ là mấy vì nàng nhìn thấy một vùng ánh sáng như bụi sữa ở một phía trời.
Mặt trời vừa lên, có một ông già Thái, lái thuyền nhỏ đi ngang trông thấy, vớt nàng lên, cho nàng chút đồ ăn, nhưng nàng không thể nào nuốt được. Ông già chở nàng đến một cái chòi lá kè dựng trên biển, có lẽ nơi nầy cũng không xa bờ. Ông ra dấu chỉ cho nàng bò sâu vào khuất bên trong chòi, rồi ông lại bỏ đi.
Ở đây nàng cũng rất lo lắng, không biết ý định ông già như thế nào, sẽ trở lại cứu nàng, hay sẽ mưu tính hại nàng, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp, và nghĩ cũng không thể nào sống sót ở đây lâu được. Nàng ra phía trước chòi, trông chờ thuyền nào đi gần, để vẫy tay ra hiệu nhờ cứu giúp.
Đến gần tối, thấy một chiếc thuyền nhỏ điều khiển bởi mấy ông sư áo vàng chạy ngang gần đó, cũng không biết mấy ông sư nầy đi ra biển làm chi, nàng la lên và vẫy tay, được thuyền nhỏ nầy ghé vào, và sau đó chở nàng vào gần bờ, đến chỗ bãi ngang nước cạn thả nàng xuống, và chỉ hướng cho nàng lội vào, xong cho thuyền chạy đi nơi khác.
Tuy là gần bờ, nhưng nàng phải vất vả hụp lặn, lội hằng giờ, sóng đánh, xô nàng lảo đảo, lăn lóc mới vào đến bãi cát. Bò lên khỏi mé nước, quá mệt, nàng ngã nằm thở dốc, và mê đi không còn biết gì nữa. Đến khi xe cảnh sát Thái đến, nghe âm vang lao xao, nàng mới tỉnh ra. Họ nói gì nàng không hiểu và cũng không biết trả lời như thế nào.
Họ dìu nàng lên xe và chạy một hồi lâu, đưa nàng vào giam với mấy cô gái Thái. Nàng được mấy cô nầy thương hại, kiếm nước cho uống và nàng dần khỏe lại. Ở đó được hơn tuần lễ, Cảnh sát Thái lại chở nàng đến một nhà tù lớn hơn về phía bắc. Nơi đây có vài ba chị Việtnam cũng đang bị giam ở đó.
Suốt ngày nàng quá buồn khổ, phần khóc thương chồng, nhớ cha mẹ và thương hai cô em không biết chúng sống chết, bị hành hạ, giết chết hay đưa đi đâu. Mất chồng vì biết giờ nầy anh ấy đã vùi thân dưới lòng biển, nàng đau khổ không còn muốn sống nữa.
Mấy chị Việtnam thấy nàng đang có mang, nên khuyên nàng gắng gượng mà sống để đứa nhỏ trong bụng được sống còn. Họ kiếm đồ ăn, dỗ dành cho nàng ăn, và pha sữa lon cho nàng uống. Nhờ có mấy chị nầy, nàng cũng nguôi ngoai dần và bớt đau buồn một phần nào.
Ở đây vào khoảng ba tuần lễ thì có phái đoàn Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, đến nhà tù, có thông dịch viên VN, gọi nàng lên phỏng vấn, và năm hôm sau nàng được đưa vào trại tỵ nạn ở Songkla.
Tại trại tị nạn, sống chung với những người đàn bà Việtnam cùng cảnh ngộ tỵ nạn Cộng Sản, nàng lại nghe thêm nhiều chuyện tang thương chết chóc kinh hoàng không kém chuyện con thuyền oan nghiệt của vợ chồng nàng.
Thấy trường hợp nàng mang thai mà phải trải qua hoàn cảnh khủng khiếp và sống sót như vậy, nên đến ngày nàng sắp sinh, sợ sinh khó, Cao Ủy dàn xếp đưa nàng lên bệnh viện Bangkok. Tại đây nàng may mắn sinh được một cháu trai bình thường, rồi mẹ con trở lại trại tỵ nạn.
Chờ đợi ở đây hơn 6 tháng, nàng đã được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và nhận cho mẹ con nàng sang định cư ở Nam Cali.
Trong vài năm đầu, như một kẻ thất thần, chẳng làm gì được cả, nhưng nhờ có trợ cấp xã hội của chính phủ và được trợ cấp y tế chửa trị đúng mức, tâm trí nàng dần bình phục. Sau nhiều năm nàng nguôi ngoai và lấy lại bình tĩnh. Nàng dần bắt đầu học tiếng Anh, học lái xe và xin học bỗng học nghề làm tóc và móng tay. Từ đó nàng lấy được bằng hành nghề thẩm mỹ (cosmetology) và làm nghề nầy ở Huntington Beach đến nay đã mười lăm năm.
Thời gian thấm thoát, cậu con trai nàng đã trưởng thành và đang học trường College ở Costa Mesa, California. Nàng có thư từ liên lạc với gia đình hai bên ở Cái Sắn, và đã có về thăm quê một lần. Mọi người ở quê đều biết chắc chắn là tất cả những người đàn ông ra đi ngày ấy đã vùi thân biển cả; hai cô em biệt tích, không biết sống chết, đang bị đọa đày đâu đó, hay đã bị hảm hiếp và ném xuống biển từ lâu. Chỉ riêng mẹ con nàng là người sống sót duy nhất trên chiếc thuyền định mệnh hai mươi năm xưa.
Nàng đã trở thành vị cứu tinh của cha mẹ đôi bên ở Cái Sắn nay đã già nua yếu đuối và mắt đã mờ, sờ soạng vì nhiều khóc thương con cái đã vùi thân biển cả. Rất may là tinh thần nàng vẫn được vững vàng. Nàng tận tụy làm việc và dành dụm, để trợ giúp con vào đại học và hằng tháng gởi tiền về nuôi cha mẹ đôi bên trong buổi hoàng hôn của cuộc đời họ đầy tang thưong và bi lụy.
Nàng không thể hiểu sao người đồng loại, không oán thù, mà những người chài lưới Thái nầy đã giết chóc quá tàn ác, không cần thiết, không khác gì những quân tranh quyền cướp nước, không tiếc máu xương, sinh mạng, và nỗi thông khổ bao la của đồng bào.

HOPHI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,292,032
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Nhạc sĩ Cung Tiến