Hôm nay,  

Quay Ngược Thời Gian

11/06/200500:00:00(Xem: 211867)
Người viết: KAREN N. NGUYEN
Bài số 765-1344-190-vb5060905

Tác giả Karen N. Nguyen, trưởng nữ một gia đình H.O., hiện là pharmacist, làm việc và cư trú tại Virginia. Với hai bài đặc biệt “Chuyện Cấm Đàn Ông” và “Viết Cho Em Trai Tôi” cô là tác giả được trao tặng một trong 4 giải thưởng chính Viết Về Nước Mỹ 2003-2004. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

Buổi trưa thứ Sáu vào pharmacy, Kim thấy có hộp bánh Doughnut để trên cái bàn ở góc phòng. Nhỏ Lisa technician láu táu mời Kim ăn bánh, hôm nay John mua bánh cho tụi mình nè Kim, em ăn hết hai cái rồi, ngon quá xá luôn. John, ông già cashier đứng ở phía ngoài, nghe Lisa nói thì quay vào cười với Kim và Lisa: " Không phải ngày nào tao cũng mua bánh cho tụi bây đâu nghe, hôm nay tiệm bán sale còn nửa giá tao mới mua đó, ăn rồi đau bụng đừng có trách à nha!"
Ông John già tóc bạc trắng làm cashier ở tiệm cũng hơn chục năm rồi, mấy tháng trước kỷ niệm 10 năm làm việc cho công ty ông được boss lớn ghé qua chúc mừng và cho ông món quà lưu niệm, Boss về rồi ông mở ra thấy có cái huy hiệu cài áo có biểu tượng công ty và dòng chữ "10 years of service" trên đó. Chẳng có đồng teng cắc bạc nào hết. Chán quá, ông càu nhàu cho Kim và Lisa nghe, đem cái này về nhà chắc con sư tử Hà Đông ở nhà nó rống lên nghe điếc tai luôn rồi.
Nói là vậy, chứ ông già thương vợ vô số kể. Ngày Mother's day ông mua hoa tặng vợ không kể, lâu lâu ngày thường ông cũng mua mấy cành hoa về để tặng vợ. Năm nay 60 tuổi rồi, ráng cày thêm vài năm nữa, rồi vợ chồng sẽ bán căn nhà trên này, rời vùng đô thị xô bồ dọn về North Carolina mua cái nhà nhỏ gần bờ biển để dưỡng già, ông già John hay nói với Kim và Lisa như vậy.
Bàn tính, mơ ước chuyện về hưu, nhưng không biết già John có về hưu được như ý mình muốn không nữa, vì vợ chồng ông có 3 đứa con trai, anh con đầu chuyện nhà cửa, nghề nghiệp coi như tạm ổn, còn hai anh con trai còn lại cứ mấy tháng lại đổi job một lần, vẫn ở chung nhà với hai ông bà, và ông bà vẫn phải phụ lo tiền mua thuốc cho con, lần nào hai anh chàng này mà có đau ốm gì đem toa thuốc tới tiệm để fill thì cuối cùng cũng thấy già John móc bóp ra trả tiền lấy thuốc cho con. Tiền ông cụ trả mua thuốc cho con, không hiểu con ông già có đưa trả lại cho bố hay không nữa.
Ngày còn trẻ già John đi lính, đóng quân ở căn cứ tít tận Munich, Germany, uống bia mấy mùa Octoberfest say túy lúy bên đó. Ông cụ kể thời trai trẻ thích uống bia, thích hút thuốc, và thích nhảy đầm. Trong một chuyến về phép ghé thủ đô chơi, chú lính trẻ gặp bạn bè quen hồi học high school rủ đi party. Trong những cô gái đến dự party, già John để ý đến một cô gái tóc nâu nhỏ nhắn đứng dựa vách tường nhìn từng đôi từng đôi dìu nhau ra sàn nhảy. Anh lính trẻ mời cô gái tóc nâu nhảy với mình một bản valse, và rồi bản này nối tiếp bài tango khác. Sau chuyến về phép, quay trở lại đơn vị, trong bóp của anh lính trẻ có mảnh giấy ghi số điện thoại của cô gái tóc nâu mà giờ đây anh đã biết tên: Margaret.
Mấy chục năm trôi qua, nàng Margaret tóc nâu bây giờ đã trở thành mẹ của 3 chàng trai tuổi tam thập nhi lập, nhưng trong bóp của già John nàng trong tấm hình chụp thời nào xa lắm rồi vẫn là cô gái tóc nâu mảnh dẻ yêu kiều ngày nào. Già John có ảnh 3 anh con trai trong bóp, nhưng đó là ảnh của 3 chú nhóc chưa đến độ đi nhà trẻ, tóc vàng má phính cười toe toét, chẳng giống gì người thật bây giờ, anh nào cũng cao gần 6 feet, vạm vỡ đô con, chẳng bù với ông bố ngày trẻ đã không cao lớn gì lắm, bây giờ về già chỉ cao độ 5 feet, gầy nhom. Đối với già John, ba anh con trai của mình vẫn là ba chú nhóc con. Nhóc con bây giờ thích đồ chơi đắt tiền, thích xe môtô chạy lả lướt trên xa lộ, thích có tàu để đi câu cá, thích có girlfriend, mấy món đồ chơi đắt tiền đó ngốn hết mấy cái paycheck của con trai già John, thành ra vợ chồng ông cụ cứ phải bù lỗ cho sinh hoạt phí trong nhà đều đều.
Mấy tuần trước, con trai út già John mang về nhà một con chó con. Già John vào pharmacy, khoe với Lisa và Kim, nào là con chó lông màu gì, nhỏ nhắn dễ thương làm sao, vv...và vv.... Kim nói với già John, vậy là cậu út đánh đòn tâm lý thiện nghệ rồi đó, thế nào vài hôm là già John cũng lên chức grandad để lo cho con chó rồi, Làm gì mà tao lên chức ông như vậy, già John gạp phăng đi, Vậy chứ mấy ngày sau Kim đi làm gặp già John, đuợc ông cụ cho coi cái hình chụp con chó con ở trên cell phone. Phải công nhận là con chó dễ thuơng thệt, Kim nói vậy, và thầy già John cười toe toét.
Già John không có rủng rỉnh tiền trong túi. Lisa nói với Kim tuần nào paycheck về ông cụ cũng đưa hết cho vợ, chỉ để lại chút đỉnh tiêu vặt ăn qua quít buổi trưa mà thôi hà. Ông cụ buổi trưa không ăn cái cheese sandwitch thì cũng mua chicken wings, ăn quanh qua quẩn lại có mấy món, còn Lisa với Kim hay order đồ ăn của tiệm Chinese gần đó để ăn trưa. Già John lúc đầu không chịu thử đồ ăn Tàu, về sau thấy Kim với Lisa ăn hoài, $3.99 một hộp đồ ăn to thật to có cơm với đồ ăn, về sau cũng quyết định ăn thử. Ăn thử kéo thành ăn thật, già John về sau cũng biết thưởng thức mấy món Beef and Broccoli, General Tso's Chicken ở tiệm Tàu. Rẻ mà ăn no chắc bụng, già John nhận xét.
Già John mồm miệng dẻo như kẹo kéo, ngọt như kẹo mạch nha. Lúc nào thấy Kim với Lisa "dung nhan mùa hạ đã kém tươi" vì stress ở pharmacy. ông cụ phán ra mấy câu, đùa mấy câu là Lisa với Kim bật cười ngay, quên cả mệt.
"Did you take your chill pill"" già John hay hỏi như vậy khi thấy Kim hay Lisa vật vã với mấy công ty bảo hiểm qua điện thoại, khi thuốc này thuốc kia không được insurance trả tiền, phải gọi insurance xem thủ tục để thuốc được cover là như thế nào, rồi gọi đến bác sĩ xin bác sĩ gọi lại insurance, trong khi bệnh nhân ở phía ngoài quầy pharmacy nhăn nhó: "I need my medicine now!!!".
Làm việc lâu năm, già John quen mặt nhớ tên và nhiều khi biết cả nguyên gia đình của các người khách đến mua thuốc ở pharmacy. Những lúc tình thế gay go vì insurance làm rắc rối nhiêu khê, già John nói nhỏ với người khách cần thuốc mấy câu là bỗng nhiên hỏa diệm sơn cháy đỏ trời bên ngoài pharmacy hạ hỏa ngay. Cây quạt thần kỳ của Thiết Phiến Công Chúa trong truyện Tây Du so với mấy câu nói có tình có lý của già John, e cũng còn thua xa. Mỗi lần phụ Lisa hay Kim giải quyết một chuyện khó khăn liên quan tới insurance và thuốc, già John hay ngoái vào nháy mắt nói vơi Kim và Lisa: "Tụi bây nợ tao một bữa lunch đó nghe chứ!".
Ngày nọ, có một anh nhân viên của tiệm đang chất mấy thùng rau và trái cây thì bỗng nghe tưng tức ở ngực, chóang váng mặt mày, đứng không nổi, lê người đến pharmacy ngồi ở cái ghế ở phía ngoài, định đưa tay vào cái máy đo huyết áp đo. Già John đang đứng ở cash register thấy vậy thì gọi Kim ngay, Kim, ra xem thằng Tom có sao không nè, tao nghi nó bị heart attack quá. Kim thấy khuôn mặt anh chàng Tom xanh như tàu lá, người không còn sinh lực, thều thào nói là đau ở ngực, cảm giác như có khối đá nghìn cân ép lên ngực mình, khó thở, chóng mặt, kêu già John gọi xe cứu thương ngay. Heart attack rồi, Kim thầm nghĩ, lòng chỉ mong xe cứu thương tới nhanh nhanh, nhìn mặt Tom xám xanh, thở không muốn nổi, mà thấy lo ngay ngáy. Chỉ mấy phút sau là xe cứu thương đến, chở Tom vào nhà thương.Ngày hôm sau người nhà của Tom gọi vào công ty, nói là Tom bị heart attack, đang hồi phục lại. Kim hỏi già John, sao hôm đó chẩn bệnh đúng chóc vậy, già John cười xoà, có gì đâu, tao làm volunteer cả chục năm trời cho sở cứu hỏa gần nhà, đi theo xe cứu thương cứu mấy người bị heart attack riết rồi cũng biết được chút đỉnh vậy mà.
Già John ngày xưa có hút thuốc. Năm đầu tiên Kim đến làm việc ở tiệm này, lần nào làm với già John, cứ sau mấy tiếng thì ông cụ lại nói là tao lấy break, đi ra bên ngoài đổi gió một chút. Lisa nói với Kim, ông già đi ra hút thuốc thì có, đổi gió đổi mây cái gì. Kim không biết là ông cụ hút thuốc nhiều đến mức nào, nhưng có lần xe Kim trục trặc, Kim đi Metro đến chỗ làm, buổi tối xin già John cho đi quá giang đến trạm metro, lúc ngồi vào xe già John thì Kim nghe nồng nặc mùi thuốc lá, trên xe có cái gạt đầy ắp tro và tàn thuốc. Kim nói đùa với già John, hút thuốc không có tốt đâu đó nha, và nghe già John trả lời ngang như cua: "Chừng nào bác sĩ kêu tao bỏ thuốc thì sống, hút thuốc thì chết, thì tao bỏ ngay. Mấy chục năm rồi hút đâu có gì đâu."
Mấy chục năm rồi hút đâu có gì đâu, già John nói chắc như đinh đóng cột. Vậy chứ có, có ảnh hưởng tai hại nữa kìa, nhưng già John không màng. Lôi chuyện ho gắn với chuyện thuốc lá là ông gạt phăng ngay. Ho là tại sắp đến cữ hút điếu thuốc, chứ mỗi lần tao hút xong có thấy tao ho đâu nào, già John lý luận.
Mãi đến một ngày mùa đông nọ, già John ho quá xá cỡ là ho, ho cháy cổ, khản giọng, mấy ngày không khỏi. Đi bác sĩ, bác sĩ khám bệnh, bảo là bị sưng phổi. Coi X-ray hai lá phổi của già John, bác sĩ phán một câu xanh dờn, ông mà không bỏ thuốc ấy à, thế nào cũng hui nhị tỳ sớm cho mà coi, Emphysema.bác sĩ chẩn đoán như vậy.
Khói thuốc lá mấy chục năm trời đã làm hư hao hai lá phổi của già John, chúng không còn dẻo dai mạnh mẽ và hoạt động đắc lực như hồi già John còn trai trẻ. Diện tích làm việc của hai lá phổi bị giảm sút đáng kể và hư hao nhiều do khói thuốc lá, làm cho già John thở khó hơn.
Chuyện thở ra thở vào đơn giản là vậy mà già John phải vận dụng nhiều công lực mới ép được hai lá phổi của mình làm nổi.


Vậy là già John phải giã từ thuốc lá, giã từ thật sự. Bác sĩ còn viết cho già John cái toa thuốc để xịt vào miệng lúc bị khó thở, ông cụ đem vào pharmacy fill được một lần rồi chẳng thấy lấy refill. Vẽ chuyện, tao đâu có bị suyễn đâu mà xịt thuốc vào miệng thường ngày, chừng nào tao khó thở thì tao dùng, ông cụ nói với Kim như vậy khi Kim hỏi dò sao lâu quá không thấy ông cụ refill thuốc.
Chuyện hút thuốc, già John vất vả mấy tháng trời mới bỏ được. Một phần lớn công khó nhọc cũng là do bà Margaret, vợ già John. Bà cũng hút thuốc lai rai, giờ quyết định bỏ hút thuốc luôn. Trong nhà, trong xe hơi bà kiểm soát chặt chẽ, không còn cái gạt tàn thuốc, không còn bao thuốc lá nào cả. Ông phải bỏ hút thuốc để sống lâu sống dài với vợ với con chứ, để vợ chồng mình còn lo chuyện về hưu dưỡng già, để thấy mấy thằng con trai làm đám cưới, để vui vầy với mấy đứa cháu nội mai sau nữa chứ. Già John thuậøt với Kim và Lis a như vậy. Ừ có lâu gì đâu, chưa tới hai năm nữa là già John đến 62 tuổi, về hưu được rồi. Giấc mơ căn nhà nhỏ cho hai vợ chồng ở North Carolina coi bộ gần hơn, gần hơn...
Thứ Bảy và Chủ Nhật già John nghỉ. Ngày thứ Sáu, ông cụ nói với Kim và Lisa trước khi ra về là thứ Bảy sẽ chở vợ đi chợ, hai ông bà tính ra Home Depot mua đồ về sửa cái cửa ở nhà. Nhà già John có mảnh vườn nhỏ, sửa cái cửa để con chó con đi ra đi vào chơi ở vườn cho dễ dàng, già John nói vậy. Con chó con, bây giờ cứ mnỗi lần già John nhắc đến nó là thấy nó chiếm không biết bao nhiêu là cảm tình của ông cụ.
Ngày thứ hai già Joh đi làm ca sáng, bắt đầu lúc 9 giờ. Nhìn dáng già John đi bấm giờ ở office phía góc kia của tiệm, rồi đi lại pharmacy, Kim thấy có cái gì bất thường. Ông cụ thường khi có dáng đi nhanh nhẹn lắm kìa, sao bữa hôm nay đi chậm rì vậy kìa. Già John lê bước đến pharmacy, dáng mệt nhọc thấy rõ. Kim hỏi già John thấy trong người ra sao, ông cụ bảo thấy hơi mệt, hơi bị choáng váng chút đỉnh. Nhớ chuyện xảy ra với anh chàng Tom mấy hôm trước, Kim đem mấy triệu chứng của heart attack ra hỏi dò già John xem ông cụ có bị như vậy không. Già John gạt phăng đi, tao đâu có bị mấy triệu chứng đó, để tao đi lấy ly cà phê, uống vào sẽ khỏe hơn thôi. Ly cà phê cuối cùng cũng không làm cho già John khỏe hơn, ông cụ vẫn cảm thấy người mệt nhừ và vẫn thấy hơi choáng váng. Chưa đến nỗi thấy trời đất quay mòng mòng đâu, già John nói với Kim, nhưng mệt quá, Lisa nó vào lúc 10 giờ sáng thì tao xin nghỉ về nhà đây. Kim nói với già John, mệt và choáng váng như vậy về nhà, hay gọi vợ già John đến đón. Ông già từ chối, nhà tao cách đây chưa tới 5 phút lái xe, tao lái được mà, đừng có lo!
" I know what I am doing!". Tao chưa có bị lẫn, tao biết mình đang làm gì kia mà. Già John nói vơí Kim và Lisa như vậy trước khi rời pharmacy.Cả Kim và Lisa đều cố nói với già John là về nhà gọi điện thoại cho bác sĩ đi, già John tự lấy nội công của ông già 60 ra để tự chữa bệnh không được, mà không biết già John có nghe hay không nữa, như là nước đổ đầu vịt, Kim thầm nghĩ, Kim định gọi cho bà Margaret nói là già John đau, cần đi gặp bác sĩ, mà rồi mới sực nhớ ra là Kim không có số điện thoại ở chỗ làm của bà. Kim chỉ có số điện thoại ở nhà già John , định buổi tối hỏi thăm xem bệnh tình già John có đỡ hơn không, mà rồi công việc ở pharmacy bận rộn liên miên, Kim quên bẵng luôn.
Ngày thứ hai khi già John về nhà, Kim có dặn là nếu thứ ba vẫn còn mệt thì cứ nghĩ ở nhà, lấy sick leave, và phải đi bác sĩ. Nếu bác sĩ gia đình của già John mà bận đến nỗi không cho được một cái hẹn, trường hợp tệ nhất , thì già John nói người nhà chở ra emergency room đi, Kim dặn như vậy.
Chín giờ sáng thứ ba, Kim lại thấy dáng già John đi đến pharmacy.Hôm nay ông già nhấc chân không muốn nổi, dáng đi còn tệ hơn ngày hôm qua nữa, ông cụ như kéo lê một chân của mình. Kim hỏi già Johnbcó đi bác sĩ chưa, chưa khỏe sao hôm nay lại đi làm, công cụ bảo là nằm nhà chán quá, thấy ngưởi đỡ hơn nên đi làm. Đỡ hơn cái nỗi gì kia chứ, Kim nói với già John, phải ông mà là bố tôi, là tôi đã kéo ông bằng được đi ra emergency room rồi, đi làm làm cái gì. Già John nói với Kim, I'm OK.
Kim đứng gần già John, thấy hơi thở ông cụ không như mọi ngày, mà có mùi hôi hôi. Da mặt ông già không còn sinh khí mà có ánh xanh xanh, tai tái. Kim nói với già John, Kim gọi xe ambulance đến chở già John vào nhà thương, Kim nghĩ là già John bị mini stroke quá. Già John lắc đầu lia lịa, tao chưa có chết đâu, tao đâu có bị heart attack, gọi xe cứu thươbg là thế nào. "I know what I am doing." Già John khẳng định với Kim như vậy.
Pharmacy bắt đầu bận rộn lên, hết phòng mạch bác sĩ gọi thì lại đến bệnh nhân gọi, Kim vừ fill thuốc, vừa trả lời điện thoại liền liền. Già John đứng ở phía ngoài nhận toa mới, ring up, cái cash register hoạt động cũng không ngơi. Kim thoáng nghe tiếng già John nói đùa mấy câu với mấy người khách quen, giọng ông cụ không được lớn và vang vang như ngày thường, cái âm điệu rộn rã vui tươi hằng ngày mất đâu rồi. Già John làm việc chậm hơn ngày thường rất nhiều. Kim thấy tức quá, đã nói ông cụ nghỉ ở nhà và đi gặp bác sĩ, mà hôm nay đi làm là thế nào. Kim gọi điện thoại cho Lisa, kêu nó hôm nay đi làm sớm hơn, định bụng Lisa vào là Kim cho già John về nhà nghỉ thôi.
Một hồi sau, già John nói với Kim là thấy mệt quá, nếu tính từ 1 đến 10, 10 là mạnh khỏe 100%,thì già John bây giờ chỉ ở mức 1 hay 2 mà thôi. Ông cụ đến cái ghế ở cạnh pharmacy ngồi xuống đó, thở mệt nhọc thấy rõ. Kim nói với già John là mệt như vậy là có chuyện rồi, Kim gọi xe cưú thương chở già John vào nhà thương, và rồi ông cụ lại gạt đi, không, nghỉ một lát bớt mệt rồi tao về nhà nghỉ, không vào nhà thương đâu. Già John nhìn Kim vẻ giận dỗi, tao đâu có heart attack đâu mà cần gặp bác sĩ ngay kia chứ. Ông cụ đi về nhà, chẳng chịu để đứa nào trong tiệm đưa về, vẫn tiếp tục ca bài " I known what I am doing" Người sao mà ngang như cua không biết nữa, Kim thầm nghĩ. Định buổi tối gọi điện thoại đến nhà già John xem ông cụ thế nào, mà rồi sau một ngày quay cuồng ở pharmacy Kim lại quên mất .
Ngày thứ Tư Kim không có đi làm. Chiều thứ Tư Kim gọi điện thoại vào chỗ làm,hỏi dò xem già John ra sao rồi. Nhỏ Tina pharmacist nói với Kim là già John có hẹn với bác sĩ hồi sáng này, bà Margaret nói với Tina như vậy. Kim cảm thấy lòng nhẹ nhõm một chút, may quá, già John chỉ bị sưng phổi, chứ không phải bị stroke, may quá, may quá....
Sáng thứ Năm Kim đi làm, vừa vào tới cửa tiệm là gặp ông manager của tiệm, khuôn mặt đượm nét lo âu. Kim, ông nói,con trai già John mới gọi hồi sáng sớm này, tối hôm qua người nhà về hết, khuya ông già té xỉu trong restroom được nurse phát hiện, bây giờ già John vẫn đang bất tỉnh nhân sự ở trong Intensive Care Unit (ICU) của nhà thương. Tim Kim nhói lên một cái. Sao vậy kìa, chuyện gì xảy ra với già John vậy kìa"
Mấy nhân viên làm trong tiệm nghe tin chẳng lành trong nhà thương của già John bắt đầu bàn tán xôn xao. Con bé Rita bên chỗ hàng bánh ngọt nói với Kim, hồi thứ ba em đi từ parking lot vào thì gặp già John đi ra lấy xe em thấy ông cụ đi xiêu vẹo tưởng như sắp ngã đến nơi vội chạy đến hỏi xem có cần giúp gì không, ông cụ bảo hơi mệt, về nhà nghỉ đây, don't worry, thành ra em cũng chẳng gọi người trong tiệm đến giúp già John, bây giờ nghĩ lại em thấy áy náy quá. Bố tui ngày trước bị heart attack, mặt mũi xanh xám, người yếu hít thở đã khó, đi lại lê người không nổi, bà Carla làm ở bên quầy thịt nói với Kim, hôm trước thấy già John tui đã nghi nghi, kêu ông ấy đi bác sĩ ngay thì ông ấy nói không cần, tui cũng không muốn xía vào chuyện người khác thành ra tui cũng không làm áp lực buộc ông già đi bác sĩ ngay. Bà Carla phân bua với Kim, già John là người lớn rồi, tự quyết định lấy chuyện của mình, ông ấy chần chừ không chịu đi bác sĩ là chuyện của ông ấy, lỗi của ông ấy, mình có khuyên can, năn nỉ mà ông ấy không nghe thì thôi, làm hết nước hết cái rồi.
Lisa nói với Kim, bác sĩ chẩn đóan già John bị Pneumonia, sưng phổi mà, chứ đâu phải bị heart attack. Ông già bao nhiêu năm trời làm volunteer cho sở cứu hỏa, đi cứu người khác thì được, còn đến phiên mình ốm đau thì lại chần chừ không muốn đi bác sĩ. Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng, he did that to himself, tự già John làm cho mọi chuyện rắc rối, trầm trọng hơn lên đó thôi. Phải chi già John đi bác sĩ hôm thứ Hai thì đâu đến nỗi, Lisa than thở.
Có thật là làm hết nước hết cái rồi hay không" Kim làm ở pharmacy mà đầu óc cứ lâu lâu lại nghĩ đến già John. Kim đã từng nói với già John, ông mà là bố tôi là tôi lôi ông ra emergency room ngay lập tức, vậy tại sao Kim lại để già John về nhà, Kim không gọi xe ambulance ngay lập tức chở già John ra nhà thương" Tại sao Kim không nhấc phone, gọi cho vợ già John, con già John tối thứ Hai hay tệ lắm là tối thứ Ba, đưa già John ra emergency room ngay" Nếu như vậy, liệu bác sĩ có chẩn đoán được bệnh của già John sớm hơn, liệu cơ thể già John còn nhiều sức đề kháng chống lại cơn bệnh hơn hay không"
Già John ngất xỉu bao lâu, tim già John có ngừng đập hay không trong thời gian đó, não già có bị hư hại gì không nếu tim già John ngừng đập, oxygen không cung cấp đủ cho bộ não" Già John có hồi tỉnh lại hay không, hay sẽ trở thành vô tri vô giác sống đời thực vật, với bao nhiêu dây nhợ tiếp thức ăn vào người và đưa chất thải ra khỏi người, với bao nhiêu máy móc duy trì sự sống của một người không còn nhận thức" Kim không dám nghĩ nhiều hơn nữa...
Tại sao, giá mà, phải chi, nếu như... bao giả thuyết xoay vòng vòng trong óc của Kim. Phải chi Kim có phép mầu để quay ngược được thời gian ...

Karen N. Nguyen.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến