Hôm nay,  

Chuyện Tình Cờ

22/05/200500:00:00(Xem: 154415)

Người viết: NGUYỄN DUY AN
Bài số 753-1332-99-vb7210505

Tác giả Nguyễn Duy-An là cư dân Virginia, hiện làm việc cho National Geographic. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, một địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Sau đây là bài thứ hai của ông, một truyện tình của người Bình Giả.

Sau nhiều ngày phân vân và suy đi tính lại, cuối cùng tôi đã bán cái tiệm "Nail" ở vùng ngoại ô thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia rồi lái xe xuyên bang tới thành phố Omaha, tiểu bang Nebraska.
Tôi nghe bạn bè nói nghề "Nail" tại các tiểu bang miền trung nước Mỹ chưa bị cạnh tranh và phá giá như những vùng có đông người Việt định cư... Thêm vào đó, tôi được ông cậu họ đang định cư tại đây cho biết cả thành phố chỉ có một tiệm "Nail", cũng do người Việt Nam làm chủ và khách khứa lúc nào cũng đông nghẹt.
Yên chí đã có nơi tạm trú trong thời gian đầu, tôi xách đồ nghề đi tìm nơi mới để lập nghiệp.
Tôi mới tới Mỹ được 3 năm nay theo diện ROVR (Chương Trình Tái Định Cư Thuyền Nhân Hồi Hương) sau hơn 5 năm chờ đợi ở trại tỵ nạn Galang – Indonesia, và cuối cùng đã phải hồi hương để làm đơn xin tái định cư!
Ngày rời Bình Giả lên đường vượt biển, tôi vừa tròn 20 tuổi, bây giờ đã gần 30... Sau 10 năm long đong lận đận giữa giòng đời, tôi chẳng còn gì ngoài cái nghề làm "Nail" và một số vốn tương đối đủ để sang lại một cái tiệm mới.
Trong mấy ngày "một mình một ngựa" đi về miền đất mới, tôi vừa lái xe vừa ôn lại chuyện đời mình để tránh cơn buồn ngủ. Tôi nhớ Huỳnh không bút mực nào tả xiết! Tôi dừng xe bên đường, mở va-li lấy chiếc khăn tay kỷ niệm của nàng để vào túi áo trên ngực như ôm ấp một người tình bé nhỏ trong tim, miệng thầm thì mấy câu thơ tôi vẫn ngâm nga những lúc nhớ nàng:

Tình cờ em đã đến
Cũng tình cờ em đi
Đời không hò không hẹn
Gặp gỡ rồi phân ly!
*
Tôi quen Huỳnh lúc nàng mới 16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người con gái ở thôn Bình. Tôi biết nàng do một chuyện tình cờ, và tôi cũng đã "vĩnh viễn" mất nàng trong một lần tình cờ gặp lại khi vừa mới đặt chân tới "miền đất hứa" Hoa Kỳ.
10 năm trước...
Sau khi thi rớt đại học, tôi trở về Bình Giả giúp cha mẹ làm ruộng sống qua ngày, chờ năm sau đi thi lại. Một buổi chiều Chúa Nhật, tôi đạp xe lên An Hà thăm một người bạn học mới bị tai nạn xe bò làm gãy chân. Đang tà tà đạp xe đi tìm nhà anh bạn ở hàng hai, bất thình lình một con chó thật lớn lao vút từ trong nhà ra đường, đụng vào xe đạp làm tôi bị ngã. Tôi hơi choáng váng mặt mày, chưa kịp đứng lên đã nghe ai đó kêu thất thanh:
- Huỳnh ơi, ra giúp mẹ với... Con Mi-nô nhà mình nhảy ra đường làm người ta ngã chảy máu rồi.
Tôi gắng gượng đứng lên trong lúc Huỳnh kéo chiếc xe đạp và bác Thư, mẹ nàng, cầm tay tôi nói:
- Thật không phải... Tôi đuổi con chó chạy ra đường làm anh ngã. Vô nhà xem lại vết thương đã.
Tôi đã quen Huỳnh như thế đó. Rồi những buổi tối ngồi tâm sự bên hiên nhà, những lần cùng nàng đi bộ từ An Huỳnh lên nhà thờ Làng Một, hay lang thang lên chợ Làng Hai ăn chè dưới trăng... đã ươm mầm cho mối tình đầu của hai chúng tôi, mặc dầu cả tôi và nàng chưa một lần mở miệng nói tiếng yêu nhau.
Đã hơn một lần tôi muốn tỏ tình với Huỳnh, nhưng tôi đã phải đè nén tình cảm trong tim vì nàng còn bé quá. Thêm vào đó, mẹ con nàng đang chờ đợi giấy tờ xuất cảnh để đoàn tụ với cha và anh hiện đang định cư ở Mỹ.
Để ươm mầm hy vọng cho mối tình đầu vừa chớm nở, tôi đã quyết định tìm đường ra đi. Trước ngày ra đi, tôi lên từ giã bác Thư và Huỳnh. Lúc tôi ra về, nàng tặng tôi chiếc khăn tay kỷ niệm có thêu vài bông hoa nhỏ và mấy chữ "forget-me-not" bên cạnh tên nàng. Tôi vội vàng dùng chính chiếc khăn tay Huỳnh vừa trao tặng để thấm nhẹ lên cặp mắt của nàng đang rưng rưng ngấn lệ. Và chúng tôi xa nhau từ đó!
Tôi đến trại tỵ nạn quá muộn màng. Tôi đã rớt "thanh lọc" sau 5 năm đợi chờ trong tuyệt vọng. Gần 2 năm ở Galang, tôi mới nhận được tin Huỳnh và mẹ nàng đã lên đường định cư tại Mỹ vài tháng sau ngày tôi rời Bình Giả.
Chị tôi đã lên An Hà hỏi thăm giúp thằng em đang thất tình bên trại tỵ nạn, nhưng cũng chỉ biết được một điều là gia đình nàng định cư ở Texas. Tôi đã cố quên đi hình bóng của Huỳnh, và cầu xin cho nàng được hạnh phúc. Tôi đã "bọc nhựa" chiếc khăn tay kỷ niệm có thấm mấy giọt nước mắt của Huỳnh để từng đêm ấp ủ bên lòng với hy vọng sẽ được gặp nàng trong giấc chiêm bao...
Tôi đã ký giấy tình nguyện hồi hương với hy vọng sẽ được Mỹ cứu xét cho "tái định cư". Lại thêm một năm long đong vất vả, trước khi tôi được đi Mỹ.
Nhờ một người bà con xa bảo lãnh, tôi đã tới Austin, Texas sau gần 7 năm dài vất vả, tính từ ngày tôi quyết định tìm đường ra đi! Vốn liếng tiếng Anh ít ỏi của tôi đã "trôi theo giòng đời" từ lâu, nên đành cặm cụi ngày ngày một buổi đi học ESL (English as Second Language), một buổi theo người chị họ ra tiệm "Nail" học nghề. Rồi tôi cũng thi được cái bằng "Nail" để chuẩn bị cho tương lai, mặc dầu lúc đó tôi còn nói tiếng Mỹ bằng tay nhiều hơn bằng mồm...
Trước khi chính thức đi làm "Nail" kiếm sống, một sáng Thứ Bảy tôi lái xe qua Houston đi chơi một lần cho biết vì tôi nghe nói chợ Việt Nam ở đó rất lớn. Mãi tới quá trưa tôi mới tìm được khu chợ Việt Nam, mua vội một tờ báo Việt Nam và ghé vào một tiệm phở ăn trưa trước khi dạo chợ. Tôi mở tờ báo ra xem cho biết sinh hoạt người Việt tại Houston trong lúc chờ đợi. Mắt tôi hoa lên. Tay tôi run rẩy làm rớt tờ báo xuống bàn. Tim tôi như ngừng đập...
Trên một trang báo lớn trước mặt tôi là lời chúc mừng một bác sĩ trong vùng thành hôn với Huỳnh, và hôn lễ được cử hành lúc 3 giờ chiều hôm đó tại nhà thờ Lộ Đức! Tôi vội vàng rời tiệm phở, hỏi thăm đường và lái xe tới nhà thờ...
Lác đác có vài người khách đến sớm, nhưng cô dâu, chú rể và đoàn tuỳ tùng chưa tới. Tôi bước vội vào nhà thờ ngồi than thở với Đức Mẹ và chờ xem có phải đúng là Huỳnh của tôi hôm nay lên xe hoa về nhà chồng hay không.
Nghe tiếng ồn ào cười nói bên ngoài, tôi nghĩ cô dâu đã tới nên lẻn qua cửa hông bước ra. Tôi lạc lõng giữa đoàn người ăn mặc rất sang trọng đi dự lễ cưới, nhưng cũng làm gan đến gần để nhìn cho rõ. Bốn mắt chạm nhau!
Huỳnh đẹp lộng lẫy trong áo cô dâu. Tôi không dám tin ở mắt mình nhưng rồi tôi biết chắc chắn là Huỳnh vì bên cạnh còn có bác Thư gái. Tôi vội vàng quay ra xe chạy thẳng về Austin, rồi theo bạn bè lái xe xuyên bang đi làm "Nail" ở Atlanta, Georgia cho tới bây giờ.
Tôi vẫn ray rứt nhớ Huỳnh mặc dầu trong lòng lúc nào cũng cầu xin cho nàng được hạnh phúc bên chồng. Tôi vẫn ấp ủ chiếc khăn kỷ niệm bên mình để tiếc thương cho mối tình đầu trắc trở. Tôi biết mình vẫn còn yêu Huỳnh như chưa bao giờ được yêu!


*

Tới Omaha, sau khi ngủ vùi một ngày để lấy sức, tôi lái xe tìm tới tiệm "Nail" duy nhất trong thành phố để quan sát tình hình.
Đã hơn 7 giờ tối nhưng trong tiệm vẫn còn khá đông khách đang ngồi chờ. Vừa gật đầu chào cô chủ đang nói điện thoại sau quầy tình tiền, tôi vừa quan sát trước sau...
- Xin lỗi, anh đến xin làm phải không ạ" Anh tên chi"
Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe cô chủ hỏi, nhưng cũng bình tĩnh trả lời:
- Tôi mới đến đây tối hôm qua, nhưng nếu cô chủ cần người, tôi xin làm luôn cũng tốt. Tôi vẫn đi làm "Nail" từ 3 năm nay. Tôi là Châu.
- Xin lỗi anh Châu... Em cứ tưởng anh là người đến xin làm vì tiệm em đang cần người, và cũng có một vài người gọi điện thoại đến hỏi. Em là Loan, còn ông xã em là Hoàng, đang dũa ở bàn kế bên.
- Không sao. Tiệm đang đông khách, nếu cô chủ không ngại, tôi xin được thử tay nghề rồi lát nữa mình nói chuyện sau.
- Vâng, để em sắp xếp.
Tôi đã làm cho 3 người khách ngay tối hôm đó. Vợ chồng Hoàng và Loan có vẻ phục tay nghề của tôi nên vừa hết khách đã năn nỉ mời tôi đi ăn tối để bàn tính công việc. Tôi nghĩ mình mới đến vùng này, còn lạ nước lạ cái, không dễ gì mở ngay được tiệm mới, nên bằng lòng...
Suốt bữa ăn tối, ngoài một vài câu hỏi lấy lệ, thỉnh thoảng tôi thấy Hoàng cứ nháy mắt hoặc hích nhẹ vào tay Loan như nhắc nhở điều gì. Tôi nghĩ vợ chồng họ cần nói chuyện riêng gì đó nên lấy cớ ra ngoài hút điếu thuốc để cho vợ chồng người ta bàn tính việc riêng. Lúc tôi trở vào, Loan đăm đăm nhìn tôi rồi nhỏ nhẹ:
- Em có điều này hơi khó nói... Xin anh Châu bỏ qua.
- Cô Loan cứ tự nhiên, đâu có gì, trước lạ sau quen mà.
- Vâng, xin anh. Em nghe giọng nói của anh có vẻ là người gốc Nghệ Tĩnh phải không"
- Phải, tôi người Bình Giả, cha mẹ gốc Nghệ Tĩnh di cư.
Hoàng đột nhiên lên tiếng:
- Thế thì đúng rồi. Anh ở Houston lên đây phải không"
- Không. Tôi vừa rời Atlanta lên đây. Còn Houston thì tôi chỉ ghé qua có một lần, cách đây đã 3 năm rồi, và chắc không bao giờ tôi trở lại nữa...
Tôi đượm buồn vì chợt nhớ về kỷ niệm ngày "tiễn người yêu lên xe hoa". Mắt Loan hình như cũng ngấn lệ, nhưng nàng cố nén xúc động, nhỏ nhẹ:
- Vợ chồng em mời anh về nhà em chơi cho biết, rồi em muốn thưa với anh một câu chuyện. Để anh Hoàng đi chung xe với anh.
- Vâng. Tôi cũng mới tới vùng này ở nhờ nhà ông cậu họ, nhưng ông ấy đi làm tới nửa đêm mới về nên cũng chẳng biết đi đâu.
Lên xe, Hoàng từ từ kể cho tôi nghe về gia đình họ. Hai người cũng mới dọn về đây được hơn một năm nay để mở cái tiệm "Nail" này vì ở Houston nhiều tiệm, bà con đua nhau hạ giá để câu khách nên khó làm ăn. Hoàng còn cho tôi biết một chi tiết rất quan trọng: Gia đình Loan gốc người Bình Giả!
Chúng tôi vào nhà thì Loan đã ngồi thẫn thờ ở phòng khách như kẻ mất hồn. Hoàng đi vào ngồi bên cạnh vợ. Tôi linh cảm thấy có chuyện gì đó, và vô tình đưa tay lên túi áo... Loan nhỏ nhẹ:
- Em xin lỗi anh Châu vì sự đường đột này, nhưng em phải hỏi cho khỏi áy náy lương tâm... Anh Châu có biết chị Huỳnh con bác Thư ở An Hà, Bình Giả không" Loan là em họ của chị ấy.
- Có... Tôi quen Huỳnh ở Bình Giả trong một dịp tình cờ vì con chó nhà nàng đụng vào xe đạp làm tôi bị ngã truớc cổng nhà nàng. Ngày tôi ra đi, nàng tặng tôi chiếc khăn thêu mấy chữ "forget-me-not"... và tôi vẫn còn giữ bên mình cho tới bây giờ, mặc dầu tôi biết nàng đã lên xe hoa về nhà người.
Loan nghẹn ngào trong tiếng nấc:
- Chị Huỳnh chưa bao giờ lên xe hoa...
- Tôi không trách gì Huỳnh cả cô Loan à. Tôi vẫn cầu xin cho nàng được hạnh phúc. Tôi đã tình cờ chứng kiến lễ cưới của nàng ở nhà thờ Lộ Đức tại Houston 3 năm về trước.
- Không! Không phải vậy! Nhưng anh đã nói đúng một phần... Em làm phù dâu cho chị Huỳnh nên em biết. Phải, anh đã đến và anh đã bỏ đi để chị em...
Hoàng phải lấy khăn lau mắt cho vợ, vì Loan đang ngồi khóc nức nở. Tôi bối rối tột cùng! Tôi ngồi vân vê chiếc khăn kỷ niệm! Mãi một lúc thật lâu, Loan mới nhỏ nhẹ:
- Chị Huỳnh em đã mất được 3 năm rồi anh Châu à. Đến phút cuối cùng chị ấy vẫn gọi... "Anh Châu... Anh Châu... Tha lỗi cho em".
- Trời ơi!
Đầu óc tôi quay cuồng. Nước mắt tôi đã trào ra tự lúc nào. Tại sao vậy" Tại sao vậy" Tôi gục đầu nức nở khóc thương nàng. Tôi vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra... Cả tiếng đồng hồ sau tôi mới bình tĩnh lại:
- Cô Loan... Tôi thật có lỗi với nàng. Hôm đó, sau khi nhìn ra đúng là Huỳnh trong trang phục cô dâu, tôi đã chạy vội ra xe trở về Austin vì không muốn gây rắc rối cho Huỳnh và gia đình trong ngày lễ cưới.
- Em hiểu, nhưng để em kể anh nghe chuyện buổi chiều hôm đó:
Chỉ còn chừng 15 phút nữa tới giờ lễ, tự nhiên chị Huỳnh sững sờ như kẻ mất hồn, rồi quay vội ra sân nhà thờ ngó đăm đăm vào một chiếc xe vừa lao ra đường. Thình lình chị ấy la lên: "Anh Châu. Đúng rồi, anh Châu"; và chị Huỳnh cắm đầu cắm cổ chạy theo xe ra đường trước sự bỡ ngỡ của mọi người. Một chiếc xe đang chạy tới từ phía bên kia đường đã đâm đầu vào chị Huỳnh, và hất chị ấy văng qua vệ đường trên vũng máu! Em và bác gái cùng ngồi trên xe cứu thương với chị Huỳnh... Chị em đã tắt thở trên đường tới bệnh viện. Trong những giây phút cuối cùng của đời người, chị ấy vẫn thều thào gọi tên anh và xin anh tha thứ... rồi mỉm cười trút hơi thở cuối cùng!
Đúng một tuần sau, trong thánh lễ an táng của chị Huỳnh, bác gái em đã trở thành người mất trí, và bây giờ vẫn còn ở trong bệnh viện tâm thần. Em biết rõ về anh và chị Huỳnh nhiều hơn khi đọc được những trang nhật ký chị ấy viết trong những năm đầu mới sang đoàn tụ với bác trai. Chị Huỳnh cuối cùng đã mất hết hy vọng nên đành tìm cách quên đi mối tình đầu từ thuở mới lớn ở thôn Bình. Có thể chị Huỳnh vẫn không quên, nhưng chị ấy đã tuyệt vọng trong sự mòn mỏi đợi chờ... Mấy năm sau chị ấy mới bắt đầu tiếp chuyện với một vài người bạn trai, và cuối cùng nhận lời cầu hôn của Bác Sĩ Kenny... Và đúng này hôn lễ, anh đã đến, và đã bỏ đi. Sau mấy phút ngỡ ngàng, chị ấy đã nhận ra anh! Bất chấp tất cả, chị Huỳnh đã chạy theo anh...!
*
Đã mấy tuần nay, cứ khoảng 4 giờ chiều, tại một nghĩa trang nhỏ ở ngoại ô thành phố Houston – Texas, người ta thấy xuất hiện một chàng thanh niên tay cầm một chùm "hoa lưu ly" (forget-me-not) lững thững tiến đến gần một ngôi mộ nhỏ.
Chàng ngồi thẫn thờ bên ngôi mộ khoảng hơn một giờ đồng hồ, để chùm hoa xuống cạnh tấm bia, và than thở một mình:
Tình cờ em đã đến
Cũng tình cờ em đi
Đời không hò không hẹn
Gặp gỡ rồi phân ly!
Rồi chàng ra đi... Không ai biết chàng là ai và từ đâu đến, nhưng hôm sau chàng lại đến. Và hôm sau nữa...

Nguyễn Duy-An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,234,182
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến