Hôm nay,  

Những Tuổi Hai Mươi

16/02/200500:00:00(Xem: 148440)

Người viết: TRẦN ĐỨC ANH THƯ
Bài số 685-1261-32-vb8-130205

Trần Đức Anh Thư là tên thật, 22 tuổi. Sinh năm 1982 tại Sài Gòn, định cư ở Montréal, Canada năm 1991. Năm 2003, lập gia đình và dọn sang California, hiện là cư dân Chico, Calif. Trong năm học vẫn tiếp tục đi về giữa Cali-Montréal. Sắp hoàn tất chương trình cao học luật quốc tế tại Universite de Montréal (Canada). Thích viết về cuộc sống và những suy tư của lứa tuổi đôi mươi.


"From this point on in our lives, we will either find or lose our souls."
Trần Đức Anh Thư

I.
Như

Hôn lễ kết thúc. Chuông nhà thờ reo mừng đôi tân hôn. Như cười tươi như mùa xuân
trong nắng. Khi đứng chờ bác phó nhòm sắp xếp mọi người, cô nhỏ quay sang tôi,
nhoẻn môi cười. Điệu bộ như muốn nói: Thế nào, trông cả hai đẹp đôi lắm đấy chứ!
Tôi nhăn mặt. Biết quá rõ tâm ý của cô nhỏ. Như cố tình sắp đặt tôi làm phụ dâu với Hoàng, bạn thân của chú rể. Buổi tối trước ngày cưới, giữa đám bạn gái lăng xăng kết hoa, thắt nơ trong phòng khách, Như ghé tai tôi: bạn thân của chú rể hiền lắm, lại đẹp trai nữa, và còn độc thân.
Người ta bảo những kẻ độc thân đi ăn cưới, một hai đều có mục đích kết bạn. Tôi
chán ngấy những cách tìm bạn kiểu ấy. Suốt những năm gần đây, bạn bè lần lượt lên xe hoa, tôi cũng lần lượt có dịp kết bạn và đi đến kết luận: Trong những buổi tiệc lễ, con người chỉ biết dùng mặt nạ mua vui.
Tôi hơn Như những tám tuổi, nhưng thấy mình không nhạy bằng Như về những
chuyện tình cảm. Mỗi lần tôi từ chối không gặp các anh hiền lắm, đẹp trai lắm và độc thân...lắm là y như sẽ bị cô nhỏ lên lớp. Khi thì: con tim càng già càng khó rung cảm. Gần đây, cô nhỏ đổi lại điệp khúc: con tim càng già càng dễ đông lạnh. Trước mặt đám bạn gái, nghe mấy nàng nói ra bàn vô về vấn đề các cô sắp ba mươi mà chưa chịu lập gia đình, tôi làm bộ cứng rắn, nhún vai bất cần, nhưng rồi trên đường về nhà, tôi cũng ôm bóng suy nghĩ. Suy nghĩ về những ưu tiên trong cuộc sống của mình. Suy nghĩ về những người tôi đã từng quen.
Suy nghĩ vì sao một với một thế nào vẫn chẳng thể thành hai. Càng suy nghĩ nhiều lại càng đâm rối trí, tôi tự nhủ: Đan ạ, có lẽ mi chưa đủ nhẹ dạ để bị dụ. Trên đời này lắm kẻ nhẹ dạ rồi đau tim.
Sau tuần trăng mật, Như và Thành về nhà được hai ngày thì Hoàng gọi điện năn nỉ
cho được số điện thoại của tôi. Hoàng ở tận Florida. Thành bảo Hoàng nhát thế, ngay hôm đám cưới sao không lại xin Đan luôn.
- Lần đầu gặp mà hỏi ngay số điện thoại e hơi sỗ sàng. Có lẽ Đan không cho đâu.
Nghe Như kể lại mẩu chuyện giữa Hoàng và Thành, tôi cảm thấy thích thú. Công
nhận Hoàng vẫn còn tỉnh táo vì nếu Hoàng có hỏi chắc chắn sẽ bị tôi từ chối thẳng. Như chẳng để lỡ cơ hội nói xa nói gần:
- Dân Florida sống xứ nóng nên gặp ai lạnh lùng họ nhạy lắm. Thời buổi này hiếm anh nào còn tế nhị
được như vậy. Đã có công đến thế rồi thì cho người ta một cơ hội đi...
Tôi lắc đầu, chẳng mê chút nào những long-distance love. Như cứ thuyết phục, khéo léo giới thiệu Hoàng. Chẳng những Hoàng là bạn tốt, anh lại rất hiếu thảo với bố mẹ. Cứ là bạn thôi, mất mát gì nào" Cuối cùng, tôi cũng xuôi theo, nhưng chỉ nhượng bộ ở giới hạn làm bạn. Và chỉ liên lạc qua điện thư.
Trong nhóm bạn gái chơi thân với nhau, Như lấy chồng sớm nhất để rồi các cô ai ai cũng đứng ngồi không yên. Cứ sợ phần mình hơi muộn. Giữa hè, sinh nhật Thúy, tất cả xúm lại họp mặt. Người nào gặp Như cũng y đúc một câu hỏi :
- Lấy chồng rồi có gì khác không"
Như tinh nghịch :
- Chẳng chút nào, cuộc sống chỉ thay đổi một tí tẹo thôi. Như xưa kia lên mạng sưu tầm thơ để chép vào sách thì bây giờ lên mạng tìm sưu tầm mấy phép gia chánh. Xưa kia được nhiều anh đưa đón, cầm sách giùm thì bây giờ chỉ còn một anh thôi... số lượng giảm nhưng chất lượng tăng!
Như vẫn hồn nhiên, bộc trực, chẳng mảy may thay đổi chút nào. Đôi lúc, tôi thắc mắc cô nhỏ có đo lường quyết định lập gia đình của mình không. Như chỉ xuề xòa cười :
- Quan trọng là hai người yêu nhau, dám quả quyết sẽ sống mãi với nhau. Còn lại lễ cưới chỉ là một cách hợp thức hóa tình yêu đôi lứa. Chẳng có gì thay đổi. Như vẫn là Như, Thành vẫn là Thành.
Đơn giản thế mà tôi không nghĩ ra!

II.
Kim

Chuông nhà reo. Mở cửa, tôi chưng hửng. Kim ngoe nguẩy khoe chiếc đầu mới, cắt ngắn đến tận cằm. Son quá đậm, đỏ loẹt. Con gái ở tuổi hai mươi mà đùng đùng đổi mái tóc dài sang tóc tém là chuyện không ổn. Kim chìa ra một phong bì hồng. Tin Thuận sắp cưới vợ. Thuận, người yêu cũ mà Kim đã quen từ tuổi mười tám, mười chín khi còn ngơ ngác bước vào đại học. Cả hai quen nhau được bốn năm, trong lớp ai cũng nghĩ Thuận và Kim sẽ gửi thiệp hồng trước nhất. Rồi một hôm, bất ngờ
thấy Thuận đến đón bạn thân của Kim đi chơi. Kim biệt tăm suốt hai tuần. Lúc ấy nhằm vào cuối khóa, ai ai cũng lo học thi, làm bài, chẳng mấy ai tụ tập ở phòng ăn bàn tán. Ngày thi, Kim xuất hiện trước cửa trường tìm tôi. Trông Kim phờ phạc, ốm hẳn. Kim nhờ giải giúp một đề thi chưa hiểu, rồi lật đật chạy về phòng thi của mình. Cả tôi lẫn Kim chẳng ai đụng đậy đến Thuận.
Hơn bốn năm sau khi ra trường, đi làm, rồi ổn định, tôi vẫn không thấy Kim có ý tiến xa hơn với ai. Kim hoạt bát, lại biết sửa soạn, nói cười duyên dáng, một loạt cây si Việt, Tây lẫn Tàu đều nhao nhao ùa đến làm quen. Đi xem phim thấy Kim đi chung với một anh, đưa đón sau giờ làm việc lại một anh khác, rồi liên hoan ở sở tất nhiên có thêm một gương mặt mới đeo theo. Dù đã quen thân với Kim từ lâu, tôi vẫn cảm thấy nhờ nhợ với trò chơi tình cảm của bạn mình. Tôi hỏi Như :
- Làm gì Kim phải sưu tầm cả đống như thế, yêu chỉ cần một người thôi không đủ à"
Như cười giòn giã:
- Đâu ai bảo Kim phải yêu hết cả khối ấy!
Tôi buột miệng :
- Đẹp mà không biết giữ có ngày bị cả lũ ấy khinh mất!
Phải chăng Kim làm thế để chứng tỏ với chính bản thân rằng mình còn quyến rũ"
Vài tuần sau, trong một buổi ăn trưa, Như nói bâng quơ : Có lẽ Kim không hạnh phúc Đan ạ.
Kim đứng trước mặt tôi. Hai mươi sáu tuổi, nhưng trông già hơn tuổi nhiều. Đuôi mắt khi gượng cười trông bỗng dài hơn một chút.
- Như đã có gia đình riêng, Kim không muốn làm nó bận tâm.
Giọng Kim khàn khàn. Tôi gật nhẹ. Đã lâu không liên lạc với Kim, tôi đâm ngọng nghịu, không biết phải nói gì. Kim nhìn tôi lúng túng. Ánh nhìn già hơn nửa thế kỷ. Rồi Kim òa khóc. Tôi không biết phải an ủi Kim thế nào. Ở tuổi chúng tôi, không ai an ủi được ai vì mỗi người đều cần được an ủi. Hai đứa ngồi bệt xuống thềm cửa, giông giống thế nào lần ngồi trên các bậc thang trước cửa trường để Kim hỏi bài thi. Kim kể về Thuận, về việc ba mẹ Kim cấm cả hai không được tiến xa hơn vì Thuận không có đạo. Kim ray rứt mấy năm nay. Cứ tìm kiếm lỗi từ ai. Phải chăng mọi đổ vỡ đều vì gia đình Kim quá dứt khoát" Nhưng nếu Thuận yêu Kim nhiều hơn, có lẽ anh đã chấp nhận vào đạo để cả hai được chính thức kết hôn"
Kim bảo ở lứa tuổi hai mươi, gia đình còn rất quan trọng. Ý kiến của bố mẹ ảnh hưởng nhiều đến những quyết định hằng ngày của mình, nói chi đến việc chọn lựa một người bạn đời. Kim không can đảm như Bích để bỏ nhà ra riêng với bạn trai. Bích nói có sống phải nhanh tay, bắt nắm hạnh phúc cho mình rồi cứ phó mặc tất cả. Nhưng nghĩ cho cùng, chẳng phải Kim thiếu can đảm nên không dám liều lĩnh qua mặt bố mẹ. Kim thương mẹ, thương bố và không muốn bố mẹ thất vọng vì mình. Mặt khác, Kim cũng tôn trọng Thuận, không ai được quyền ép buộc ai tin theo tôn giáo nào cả. Thời gian ấy, Kim dằn vặt một đằng, Thuận tự ái một nẻo, rồi Thuận lẳng lặng né Kim.
Ngồi nghe Kim kể chuyện, tôi sực nhớ thơ Aragon : Il n'y a pas d'amour heureux.

III.
Vy

Vy gọi điện từ Chicago.
- Bực quá nhỏ ạ, mình đã đạp hết ga, trong khi người ta vẫn còn lỏng đỏng đằng sau.
Vy vượt biên, sang Mỹ phải tự một mình lo liệu cuộc sống. Vừa đi học, vừa đi làm. Trong
những người bạn gái tôi quen, Vy va chạm với thực tế sớm nhất. Thế nhưng, cô nàng vẫn còn giữ được vẻ hồn nhiên thế nào ấy. Vy suýt soát hai mươi chín, vẫn độc thân và... vui tính. Vy bảo giới thiệu vui tính còn có người đến làm quen chứ nói khó tính thì ma nào còn dám lại gần nữa! Vy thuộc típ người cưu mang nhiều lý tưởng. Vào cuối thập niên 80, giữa làn sóng người Việt tỵ nạn sang Mỹ, ít ai chọn theo ngành giáo dục; phần vì bị cản trở về ngôn ngữ, phần vì học điện toán lương bổng cao hơn. Thế mà Vy lại chọn nghề gõ đầu trẻ. Ra trường, Vy nhận dạy mẫu giáo ở một trong những khu vực nghèo nhất tại Chicago. Sau hai năm, Vy thất vọng tâm sự : có những đứa bé tội lắm. Mình có muốn giúp chúng nó cũng chẳng xong. Bố mẹ chúng chửi thẳng bảo đừng can thiệp vào cách họ giáo dục con họ.
Mà họ có giáo dục gì cơ chứ" Cứ để mặc chúng thức khuya, lang thang ngoài phố, rồi hôm sau vào lớp ngủ gật. Bài vở đem về nhà làm thì chúng đánh mất. Rồi một lần còn có một cậu kia hỏi Vy tại sao phải học, anh chị nó đâu cần đi học đâu. Anh chị đi làm, có tiền đi chơi. Hỏi anh chị mấy tuổi mới biết anh chị mới mười sáu mười bảy. Chúng không có một ai để học hỏi, không một gương mẫu để noi theo. Vy chỉ dạy chúng một năm, làm gì được" Đôi lúc nghĩ mãi mà thấy ức cả cái guồng máy giáo
dục bên này!
Có những buổi tối sắp chuẩn bị đi ngủ và chuông điện thoại reo đường xa là tôi biết Vy gọi.
Thế là hai đứa lại miên man đủ chuyện trên trời dưới đất đến lúc mắt nhắm mắt mở mới thôi. Gần đây, Vy vừa quen một anh nhạc sĩ người Maroc chơi saxo sành điệu và truyền cảm không thể tưởng.
- Hắn nhỏ hơn Vy sáu tuổi, Đan à.
Với Vy, chẳng còn tâm sự nào khiến tôi phải ngạc nhiên cả. Vy tả :
- Hắn hơi bất cần, lập dị theo kiểu nghệ sĩ. Hắn có nhiều suy nghĩ chững chạc, trội hẳn mấy anh Vy từng quen. Cuộc sống nội tâm của hắn độc đáo lắm.
Cuộc sống nội tâm của Vy cũng độc đáo lắm. Vy đi tìm sự bí ẩn trong cuộc sống qua điệu sáo vùng núi, bữa canh muối đạm bạc của người Tây Tạng, mùi hương nhang đem về từ Ấn độ, hay những mảnh vải dệt màu sặc sỡ của các bộ lạc thiểu số căng đầy trên tường, bàn ăn. Vy nói họ sống gần với thiên nhiên hơn mình; những phong tục cổ sơ của họ giúp mình trở về lại với cuộc sống tâm linh. Tối tối, đôi khi nằm nghe Vy kể chuyện mà một tai tôi tưởng như vừa nghe sột soạt thật khẽ bên mình -
tôi mở mắt thật to nhìn thẳng vào khoảng không đen ngòm trước mắt, thoáng thấy một bóng người lướt qua. Có những cuộc sống vẫn diễn tiến song song với cuộc sống này; Vy thao thao bất tuyệt ở bên đầu dây. Tôi đâm cảm thấy rờn rợn. Xã hội đã đồng hóa những loại người thực tế như tôi, còn Vy vẫn chống chọi để giữ lại một phần hồn hoang dã. Những lúc ấy, tôi tưởng tượng ra Vy như một bà phù thủy thời Trung cổ, những người đàn bà sống trong rừng thẳm, giữa một căn chòi lụp xụp xoong nồi và một bầy mèo đen.
Lần này gọi, Vy rủ rỉ :
- Vừa rồi có anh chàng kỹ sư bạn ông anh họ mời đi ăn tối, anh nói một đằng chị nói một nẻo, mới nửa buổi mà Vy đã ngáp dài muốn về.
- Thế anh Maroc của Vy đâu"
- À, hắn đấy à, tối ngày cứ mơ mơ màng màng sáng tác, còn biết ai vào với ai nữa.
Nhưng cứ nhắc đến anh Maroc là giọng Vy phấn khởi hẳn lên.
- Hai đứa hiểu và thông cảm được với nhau lạ kỳ thế nào ấy. Năm sau Vy muốn trở sang Ấn độ đi thăm quan một chuyến nữa. Hắn hứa sẽ thu xếp đi cùng.
Ngập ngừng một lát, Vy mới tiếp :
- Nhưng với hắn chắc chẳng mong cưới hỏi gì, Đan à.
Tôi chợt hiểu ý câu Vy than phiền khi tôi vừa bắt điện thoại. Ừ, cô nàng đã đạp hết ga trong khi người ta vẫn còn lỏng đỏng theo sau. Tất nhiên, con trai tuổi hai mươi ba, hai mươi bốn cần gì phải gấp gáp. Cả khi họ ngoài ba mươi, ta vẫn thấy họ còn thong thả chán! Còn các cô mừng sinh nhật hai mươi lăm mà chưa thấy được ai lọt mắt xanh đã quýnh quáng khổ sở. Nghe tôi nhận xét, Vy bật cười
- Ừ nhỉ, hình như ông trời sắp xếp tâm lý trai gái hơi so le, nhưng than thở cho vui chứ Vy cũng chẳng mong đợi gì nơi hắn. Đôi khi nghĩ lại, thấy để hắn làm bạn mà tốt hơn làm chồng. Sống một mình mãi thành quen, bây giờ nghĩ phải chia giường ngủ chung với ai đó cũng thấy khó chịu. Qua đến tuổi nào, mình cũng chẳng còn thấy gấp gáp nữa, Đan ạ.
Hai đứa im lặng. Tôi ngẫm nghĩ, tự hỏi mình có sắp đến cái tuổi chẳng còn thấy gấp gáp nữa hay chưa"
- À, thứ bảy vừa rồi ngồi ở nhà chán nên ghé tiệm mướn đại cuốn English Patient về xem. Đan rảnh tìm thử, tuyệt lắm!
Nói đến đây cô nàng ngáp :
- Thôi nhé, ngày mai phải dậy sớm soạn bài. Mốt này Vy gọi.
Tôi gác phone, trong lòng cảm thấy xôn xao. Tự dưng Vy nhắc The English Patient làm tôi nhớ đến Nguyên. Nguyên là người tặng cho tôi cuốn phim này.
Đêm khuya, tôi bật dậy. Hai bờ thái dương ướt đẫm. Những ngọn tóc chưa khô dính vào hai bên má như những màng nhện nhỏ. Tôi mơ thấy mình đi trên cát. Trời tối sẩm. Gió biển lồng lộng, rít từng cơn hoang dại. Tôi ráng đi nhanh, nhưng chiếc váy bị gió cuốn giữa hai chân cản bước. Bỗng có ai gọi Katherine... Katherine... I don't miss you yet!


Tôi không phải là Katherine, nhưng tôi hoảng sợ. Sau tôi, tiếng gọi mỗi lúc mỗi gần. Tôi vươn hết sức nhưng không nhấc nổi đôi chân lún sâu trong cát.
Tiếng gọi theo gió cuộn thành vòng tròn quanh tôi. Trước mắt, trời đen như mực. Màu đen như hai lòng bàn tay khổng lồ siết chặt lấy tôi. Gió thổi cát bay vào mắt. Tôi bật khóc.

IV.
Trò chơi chinh phục

Tình bạn là một thứ tình yêu không cánh. Ngồi trên xe chạy vùn vụt ngoài xa lộ, tôi cố gắng nói lớn át tiếng gió lồng lộng hai bên cửa sổ. Nguyên mỉm cười, một mắt nhìn đường, một mắt liếc sang tôi :
- Sao tình bạn của em lại bị gãy cánh tội nghiệp thế"
Tôi nhún vai.
- Tốt chứ sao tội nghiệp. Không cánh thì không bay cao, không phiêu lưu mạo hiểm... chẳng sợ té đau.
Im lặng thật lâu, Nguyên mới nhăn nhó một nụ cười.
- Cô nhỏ lại nói xéo ai nữa"
Nguyên lớn tuổi hơn tôi nhiều khi chúng tôi tình cờ quen nhau. Lúc đầu, tôi hơi dị ứng với cách xưng hô của Nguyên. Làm gì mà phải anh anh em em thân mật thế. Nó như prélude cho một thứ tình cảm mà tôi muốn né tránh. Phải giằng co lâu lắm và thấy Nguyên cũng hợp lý nên tôi mới lẳng lặng lờ đi.
Thế nhưng, sự từng trải của Nguyên làm tôi xem thường tình cảm anh dành cho tôi. Trải qua nhiều cuộc tình, chắc tình cảm và những cử chỉ quan tâm anh dành cho tôi hẳn na ná giống tình cảm và những quan tâm anh đã từng dành cho những người bạn trước kia. Theo định nghĩa về tình yêu của tôi lúc bấy giờ thì tình cảm anh dành cho tôi chẳng trọn vẹn chút nào. Vì nếu trước kia anh thật sự yêu ai thì giờ đây anh còn đâu tình yêu để cho tôi. Còn nếu suốt đời anh chỉ yêu mỗi người một chút thì tôi chẳng muốn nhận thứ tình cảm san sẻ. Đó là suy nghĩ của đứa con gái mười chín tuổi, ngông nghênh đến mức tin chắc rằng nay mai, mình sẽ tìm ra một tình yêu lý tưởng. Thứ tình yêu mỗi người con trai chỉ chia sẻ với duy nhất một người con gái.
Tôi không yêu Nguyên, nhưng thấy vui vui mỗi lần gặp anh. Có lẽ cô gái nào mới lớn cũng đều thích được chú ý, ngưỡng mộ. Anh dư biết tôi suy nghĩ về anh thế nào, còn tôi cứ vờ vĩnh làm ngơ tình cảm anh dành cho tôi. Những cuộc đi chơi với anh thường chỉ là ba, bốn tiếng chạy xe vòng vòng trên xa lộ rồi trở về lại thành phố. Tôi không thích lân la ngoài quán cà phê với anh. Tôi nại cớ không biết uống cà phê, nhưng sự thực là vì tôi rất ngại ngồi đối diện với anh trong một khung cảnh quá thân mật. Tôi không thích ánh mắt anh nhìn tôi những lúc ấy. Nó trìu mến và thông suốt tình cảm
của anh. Nếu muốn giả vờ không thấy thì tôi chỉ còn nước cúi gầm nhìn mặt bàn cả buổi. Đằng này, khi lái xe, anh phải chăm chú xem đường, tiếng xe cộ lướt vùn vụt hai bên làm loãng bớt không khí lãng mạn, chỉ thật sự vào lúc ấy tôi mới thoải mái trò chuyện.
Chúng tôi thường bàn về triết học, văn chương, lướt qua các vấn đề xã hội và đôi lần, anh mấp mé nhắc đến tình yêu. Những lúc ấy tôi lại trở về trạng thái bất ổn như người đứng chênh vênh trên vực đá. Chỉ sợ anh nói hơn, nói quá một chút và đẩy tôi phản ứng lại.
Anh đọc sách nhiều và chính anh đã chỉ cho tôi quyển tiểu thuyết của Micheal Ondaatje. Có một đoạn anh nói tôi đọc kỹ hơn. Tôi không rành Anh ngữ, nên cũng chỉ hiểu chuệnh choạng.
Đó là lúc Almasy, người bệnh nhân gốc Anh chuyên vẽ bản đồ vùng sa mạc, kể lại lần đầu tiên hắn gặp Katherine trong thư viện trường đại học Oxford. Lúc ấy vào khoảng hai giờ sáng. Almasy tự ví mình như một loài chó rừng, luôn trông nom Katherine dù không được cô để ý. Linh hồn hắn đã theo bên cô cả nhiều năm trước khi hai người gặp gỡ. Ngày hôm ấy, trên thư viện trường Oxford, hắn ngắm nhìn cô. Cả Geoffrey Clifton, sau này trở thành chồng của Katherine, cũng đang ngắm nhìn cô.
Almasy nhận xét: ở độ tuổi Katherine lúc bấy giờ, cô chỉ thích tìm đến những người đàn ông hào nhoáng, đẹp trai. Cô không cần biết đến những kẻ đứng bên lề thế giới thần tiên của cô. Hắn sống trác táng, ngoài lề xã hội, không khác gì loài chó rừng. Nhưng tại Oxford, loài chó rừng chẳng được ai dùng làm hộ tống.
Ngày hôm ấy, Katherine đứng trước một bức từơng phủ kín sách vở. Trông cô lơ đễnh, một tay vo ve chuỗi hạt trai đeo trên cổ. Hình như cô đang trông đợi một ai đó.
Cả ba nhân vật, Almásy, Katherine và Geoffrey Clifton đều ở trong thư viện Oxford, nhưng Katherine chỉ nhìn thấy Clifton. Một cuộc tình giông bão bắt đầu từ hôm ấy.
Khi Almasy kể về lần gặp gỡ với Katherine và Geoffrey Clifton trong thư viện thì hắn đang nằm trên giường bệnh. Katherine và Clifton đã chết. Hắn thì thào như đang nói chuyện với chính Katherine: Tôi đứng cùng phòng với em và Clifton. Tôi khoanh tay, ngắm nhìn em hàn huyên, cố gắng nói nhỏ với Clifton, nhưng thật khó vì cả hai đều đang say. Tới ba giờ sáng, em cảm thấy đến lúc phải về. Em loay hoay ở cửa, cầm trong tay một chiếc guốc nhuộm hồng. Em không tìm được chiếc kia. Tôi trông thấy nó bị vùi một nửa giữa đống giầy dép hỗn độn. Tôi cầm trao cho em. Chắc đây là đôi guốc em thích nhất vì trong lòng guốc có dấu chân em in thành vết lõm. Cảm ơn nhé, em nhận lấy và bước ra khỏi cửa, chẳng đoái hoài gì đến tôi.
Có một điều tôi rất tin : đến ngày ta gặp gỡ người ta yêu, một phần hồn của ta sẽ tự động trở thành sử gia, hay một gã thông thái rởm cứ tưởng tượng mình đã từng gặp người ấy khi họ vô tình đi ngang mà chẳng hề hay biết. Cũng như Clifton đã từng mở cửa xe cho em một năm về trước, lúc hắn chưa hề biết hắn sẽ trở thành chồng của em.
Mùa thu sau đó, tôi phải đi học xa, Nguyên đến thăm, đem cho tôi một thẻ điện thoại prepaid.
- Đan giữ để dùng mỗi khi nhớ bạn bè.
Nói rồi, anh còn chũm chỉm:
- Nếu nhớ anh thì gọi cho anh.
Hai ngày đầu, tôi ngồi ở ký túc xá buồn xo. Nhớ nhà. Sang ngày thứ ba, tôi gọi điện cho Vy.
Hai đứa líu lo mãi đến gần mười hai giờ đêm mới đi ngủ. Và cứ vậy mỗi tối, hễ chán chán thì tôi gọi Vy, gọi Kim. Chỉ đến khi chiếc thẻ còn được vài ba phút, tôi mới sực nhớ đến anh. Tôi gọi cho anh, nói ngay một tràng :
- Thẻ điện thoại chỉ còn ba phút thôi. Anh có cần nhắn gì gấp với Đan không"
Anh bảo để anh chạy đi lấy cuốn sổ tay, rồi anh tinh nghịch nói như đọc: "I just want you to know. I don't miss you yet." Tôi nhận ra ngay một lời đối thoại trong truyện The English Patient. Lúc đó Katherine đã trả lời như thế nào nhỉ" "You will." Tôi mau mắn bắt chước y chang. Không yêu Nguyên, nhưng tôi vẫn muốn anh nhớ tôi. Dùng văn chương để nói bóng nói gió thì thú vị biết chừng nào. Tôi chẳng cảm thấy ngại ngùng vì dù gì, tôi chỉ mượn lời của nhân vật mà thôi. Ngày hôm ấy, trước khi đường dây cúp, tôi nhớ anh bảo tôi:
- Thế là biết chinh phục làm sao rồi đấy!

V.
Tuổi hai mươi không phải hai mươi tuổi

Mở hộp điện thư, chẳng thấy một dòng tên nào quen thuộc ngoài những tin tức hằng ngày và thư từ trong sở làm, tôi đâm cảm thấy chán ngán. Nắng chiều đỏ ố xuyên qua tấm mành mành khiến bầu không khí trong phòng trở nên ủ dột hơn. Một cuối ngày vô vị. Phải chăng khi chưa có người yêu, người ta thường hồi hộp hơn khi mở xem điện thư" Hy vọng mông lung rằng đột ngột, ta sẽ tìm thấy một cánh thư thú vị"
Vừa nghĩ về Hoàng, vừa so sánh Hoàng với Nguyên, tôi cặm cụi ngồi xóa từng lá thư một trong hộp thư điện. Sáu trăm ba mươi hai lá, chẳng biết chúng tồn đọng từ khi nào. Có những lá viết thật dài từ khi còn thân với Nguyên.
Hoàng không kiên nhẫn như Nguyên. Hoàng đòi sang thăm tôi, nhưng tôi khăng khăng từ chối. Nể Hoàng là bạn của vợ chồng Như, tôi chỉ nại cớ gần đây có nhiều công việc tại sở nên phải ở lại làm thêm nhiều giờ, cả cuối tuần. Hoàng tốt, nhưng không phải típ người tôi chú ý. Vả lại, tôi không còn tha thiết những trò chinh phục ấy nữa. Tôi thấy mình không cần đi tìm sự chú ý hay được ngưỡng mộ như xưa. Phải chăng mình vừa trưởng thành"
Sinh nhật hai mươi mốt, Như tổ chức picnic mời cả Hoàng sang. Tôi không vui, nhưng không biết phản đối thế nào. Tôi không muốn Hoàng đặt hy vọng vào tôi. Tôi nhớ Nguyên, cảm thấy ray rứt trong lòng. Càng nghĩ về anh tôi càng quý sự tế nhị của anh. Có lần anh đến trường chở tôi ra công viên vẽ tranh, trước khi ngồi vào xe, tôi thấy một mảnh giấy đặt giữa lòng ghế :
Em chê tôi có quá nhiều tình trước
Nên e dè không dám nhận tình sau
Bài thơ dài nếu cần em đọc suốt
Phân biệt chi đoạn cuối với câu đầu"
Tôi chau mày. Tôi không phân biệt gì cả: Đan muốn anh hiểu thật rõ, Đan chỉ muốn làm bạn với anh. Đan quý anh, nhưng Đan không yêu anh. Và dù không yêu ai, Đan cũng sẽ không yêu anh.
Chiều hôm đó khi anh đưa tôi về, không khí trên xe ngột ngạt đến kinh khủng, nhưng tôi quá vô tình để nhận thấy mình tàn nhẫn. Tôi chỉ biết về những suy nghĩ của tôi, những lý luận của tôi.
Mấy ngày sau, tôi nhận được một bức điện thư :
“Hôm qua ngồi chờ Đan vẽ xong bức tranh ngoài công viên, anh thấy mình giống Quasimodo, thật già, thật xấu, nhưng ít ra, Quasimodo còn can đảm hơn anh. Y dám theo đuổi người y yêu. Có lẽ Đan nhận xét đúng, anh chưa biết Đan đủ để khẳng định rằng anh yêu Đan. Nhưng cũng có thể vì Đan còn quá trẻ nên cách suy nghĩ của chúng ta khác biệt nhiều. Bao lâu nay, anh đã thấm thía hiểu ra rằng tình cảm chỉ là tình cảm, đôi khi nó xuất hiện, mang theo cái lý của riêng nó mà chúng ta không thể mổ xẻ rồi giải thích bằng lý trí được. Anh không trông đợi Đan thay đổi để làm anh vui hơn. Anh không cố gắng níu kéo Đan hay tìm cách thuyết phục em. Tất cả chỉ là tình cảm, những thương nhớ anh cảm thấy mỗi khi nghĩ về Đan, đến gặp Đan. Anh không buồn, hay giận, anh chỉ cố gắng đối phó với sự thật. Vả lại, cả Đan lẫn anh, mỗi người đều có riêng một thế giới, một cuộc sống cho mình.
Cuộc sống thật kỳ quặc, Đan thấy vậy không" Và tình cảm còn tệ hơn thế nữa. Anh hiểu và tôn trọng sự lựa chọn của Đan. Thường thường, đại đa số mọi người không dám lựa chọn để rồi cuối cùng lại phải hối hận. Nhiều người chỉ sống cho qua ngày, sống thụ động và mong chờ một điều gì đó sẽ đến với họ, nhưng không một điều gì xảy ra cho họ cả và cuộc sống cứ từ từ trôi đi mất.
Không có gì bảo đảm mình sẽ sống và được yêu hay được hạnh phúc mãi. Anh hy vọng Đan sẽ tìm được người Đan yêu. Phần anh, anh sẽ tiếp tục con đường của mình và hy vọng với thời gian, tình cảm sẽ không còn quan trọng đối với anh nữa.”
Lá thư cuối của Nguyên, lâu lắm rồi, tôi tò mò đọc lại. Nghe lòng mình điêu đứng. Tôi không còn khựng ở nhận xét Đan còn quá trẻ. Tôi đọc tiếp để lần đầu tiên, thấy mình hiểu những gì anh nói và thấm thía một điều anh không nói: tình cảm không chỉ là tình cảm. Nó mãi bám víu sau lưng mình, ngay cả khi người kia không còn hiện diện bên cạnh nữa. Bao lâu rồi tôi không viết cho anh" Cũng chẳng biết bây giờ anh thế nào. Còn là Quasimodo hay là Almasy" Dù gì, tôi cũng không phải là Esméralda, mà cũng chẳng giống gì Katherine. Khi gặp anh, tôi không có một Clifton chờ đợi, cũng không đứng trong thư viện với chiếc guốc nhuộm hồng. Nhưng tôi từng gặp anh và vô tình đi ngang mà không hề hay biết.
Trong cơn bốc đồng, tôi bấm nút hồi âm, chỉ viết: “Nguyên ơi, sau những gì đã qua, mình còn có thể là bạn tốt của nhau không"” Tôi vẫn không thoát khỏi ranh giới tình bạn. Nó xoáy vào lý trí tôi từ khi nào để tôi phủ nhận mọi thứ tình cảm khác" Tôi không nghĩ anh sẽ hồi âm, và tôi cũng không cần được hồi âm. Tôi tắt màn hình. Mọi cử chỉ như máy móc. Vừa định khép cửa ra ngoài thì chuông điện thoại reo. Như gọi.
- Đan ơi, Như phải kể cho Đan nghe chuyện này.
Giọng Như khẩn khoản làm tôi giật mình.
- Cách đây một tuần Như vừa quen một anh kỹ sư ở trên sở. Anh ấy tốt lắm.
Tôi im lặng. Mãi một lúc Như mới nói tiếp :
- Như cảm thấy sao sao đó.
Đây chính là điều mà tôi từng lo sợ cho Như. Không biết cô nhỏ có suy nghĩ kỹ trước khi lập gia đình chưa" Không ai là của ai. Nhỏ không thuộc về Thành và Thành cũng không là của nhỏ. Nhỏ có thể mất Thành khi nào không biết. Không có gì sẽ ở bên mình mãi nếu mình không biết gìn giữ.
Tôi nhớ mình nói nhiều, nhiều lắm, nhưng không biết Như hiểu được bao nhiêu. Riêng trong lòng, tôi lập lại với chính mình. Đan không thuộc về Nguyên và Nguyên không thuộc về Đan; không ai là của ai. Tôi hối hận đã xem thường tình cảm anh dành cho tôi khi xưa. Lúc ấy tôi còn quá ngông cuồng, không biết quý những gì đến với mình. Còn Như, cô nhỏ có Thành, Thành cũng yêu Như và chở che cho Như, nhưng cô nhỏ có vẻ xem đó là một sự hiển nhiên. Như còn thật vô tư, cái vô tư và nhẹ dạ chỉ với tuổi đời mới khuất.
Như vừa bước vào ngưỡng cửa hai mươi. Tuổi hai mươi của Như sẽ phải gặp nhiều cặm bẫy, còn tuổi hai mươi của tôi, nó vẫn tiếp tục ray rứt, mâu thuẫn hằng ngày. Còn Kim" Còn Vy" Hình như... không phải tuổi hai mươi nào cũng bắt đầu bằng một ngày cưới, mà cũng chẳng phải tuổi hai mươi nào cũng trải qua niềm tuyệt vọng mất người yêu. Có những tuổi hai mươi lặng lẽ do dự, vẫn chưa phân biệt được điều mình ao ước. Nhưng phải chăng kể từ nay đi trong cuộc sống, mỗi tuổi hai mươi sẽ tìm thấy hoặc đánh mất linh hồn mình"

TRẦN ĐỨC ANH THƯ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,608,053
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến