Hôm nay,  

Còn Mẹ Bên Đời

08/05/201600:00:00(Xem: 23663)
Tác giả: Lê Nguyễn Hằng
Bài số: 3814-17-30314-vb8050816

Tác giả là là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Cũng trong năm này, bà có bài viết mang tựa đề “Mây Đã Qua Cầu”, chuyện kể của một người mẹ tận lực chăm sóc con gái bị ung thư. Sau đây là bài mới của tác giả cho ngày lễ Mẹ, Chủ Nhật 8 tháng Năm, 2016.

* * *

Viết cho con gái tôi Lê Đình Thụy Uyển

Tôi nhìn chăm chú vào chiếc đồng hồ trên tường, 3 giờ 45 chiều, ngày 16 tháng 4. Cũng đúng giờ này và ngày này hai năm trước đây, tôi đứng bên cạnh giường bệnh trong nhà thương lặng người nhìn con gái đang bỏ tôi ra đi.

Uyển ơi! Y học tân tiến như thế và sự chăm sóc kiên trì đầy yêu thương của gia đình cũng chỉ giữ con được ngần này năm tháng thôi sao, con! Tôi vuốt ve Uyển, cố truyền hơi ấm cho con mong kéo dài thêm được vài phút giây cuối cùng trước khi con vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống. Như hiểu được nỗi lòng của mẹ, Uyển mở mắt thật lớn cố gắng thâu lại hình ảnh của người thân lần cuối rồi từ từ nhắm lại. Tôi vuốt mắt con mà cõi lòng tan nát.

Không nỗi đau đớn nào bằng nỗi đớn đau của một người mẹ khi thấy hơi ấm của con dần dần nguội trong tay mình mà ruột gan quặn thắt. Hơi ấm ơi! sao lại lạnh lùng và tàn ác với mẹ con ta như thế!? Sao lại nhẫn tâm không cho ta truyền sự sống cho con!? Bốn mươi lăm năm mới chỉ là một nửa đời người, sao nỡ đành lòng cướp đi cốt nhục của ta và mẹ của hai đứa bé thơ dại!? Lằn ranh tử sinh sao mà mỏng manh đến vậy!? Chỉ một khoảnh khắc mà đã âm dương đôi đường, thiên thu cách biệt rồi sao!?

Mới tối hôm trước, chúng tôi cùng với chồng con của Uyển còn ở nhà thương với Uyển đến khuya, Uyển vẫn chuyện trò và chụp hình với cả nhà, thế mà ngày hôm sau, chỉ ngày hôm sau thôi, lá gan tai ương ngưng làm việc và Uyển thanh thản ra đi trong giấc ngủ, chẳng hôn mê cũng không hề đau đớn, con tôi đã giã từ trần thế không một lời trối trăn, một câu nhắn nhủ.

Nước mắt tôi hình như chảy ngược vào trong làm cổ tôi nghẹn đắng, tiếng nói không thoát ra được. Một lúc sau tôi mới thì thầm với con: “Uyển ơi, nếu bây giờ là lúc con phải ra đi, thì con hãy yên tâm rằng ba má và toàn thể gia đình mình cũng như chồng con và bên nội các cháu sẽ cùng nhau trông nom và nuôi dưỡng cho hai đứa nhỏ nên người với tất cả lòng yêu thương, con cứ yên lòng nhé.”

Tôi chạnh nghĩ đến hai đứa cháu ngoại, Nick 6 và Lily 9 tuổi, bỗng trở thành mồ côi mẹ mà nước mắt tuôn trào. Ở tuổi này, các cháu khi đi ngủ vẫn muốn mẹ đọc truyện cho nghe, vẫn muốn được quấn quít vòi vĩnh bên mẹ đòi nuông chiều, riêng cháu gái tôi sẽ cần mẹ giúp đỡ và giải thích những thắc mắc, khó khăn, khi bước vào giai đoạn trở thành thiếu nữ và nhất là khi chuẩn bị lập gia đình, vậy mà các cháu bé bỏng của tôi đã bị tước đoạt những đặc quyền này quá sớm.

Nhớ lại hôm Uyển ở nhà vợ chồng tôi dưỡng bệnh, buổi tối đi ngủ, cháu Nick cứ lăn qua trở lại mãi, rồi nó nói với chị: “Không có má xoa lưng em không ngủ được.” Tôi nghe Lily bảo em: “Má đang bệnh mà, để chị làm cho, em ráng ngủ đi nhé.” Tôi không cầm được nước mắt và biết rằng từ nay, ngoài tình thương yêu của một người bà dành cho cháu, tôi còn phải thay mẹ cháu chăm sóc và dạy dỗ cho các cháu nên người.

Mới ngày nào đây, Uyển sinh ra bé tí với cái đầu đầy tóc đen nhánh. Hôm cúng mụ đầy năm, con đã bốc cái lược, cả nhà biết ngay rằng lớn lên Uyển sẽ thích ăn diện và quả y như vậy, ở trong nhà cũng như khi ra đường, lúc nào con tôi cũng ăn mặc chải chuốt, son phấn đẹp đẽ.

Uyển rất gan dạ trong khi tôi nhát như thỏ. Nhà của vợ chồng Uyển ở Morgan Hill, trên một ngọn đồi cao có con đường ngoằn ngoèo cách xa nhà hàng xóm gần nhất cả dặm, gặp chuyện hiểm nguy kêu cứu cũng chẳng ai nghe. Chồng Uyển lại hay phải đi công tác xa, một mình Uyển ở nhà với hai đứa con nhỏ mà không hề sợ. Thấy tôi quá lo lắng, khiếp hãi, Uyển đã bàn với Scott, chồng của Uyển bán căn nhà của ông bà để lại và dọn xuống dưới chân đồi cho yên lòng mẹ. Khi mua nhà mới, vợ chồng Uyển cũng chọn căn có phòng cho “in-laws” để nếu sau này vợ chồng tôi già yếu muốn về ở thì có chỗ sẵn.

Uyển là một người rất tình cảm, lúc nào cũng quanh quẩn, gần gũi với gia đình. Đã có một lần Uyển chấm dứt mối tình với một bạn trai chỉ vì cậu ấy nói rằng khi ra trường sẽ muốn đi làm việc thật xa tận mấy nước Châu Phi. Uyển bảo rằng gia đình mình rất thân thiết, bữa cơm lúc nào cũng có bố mẹ và ba chị em, nên Uyển không thể nào có một cuộc sống mà chỉ vài năm mới được đem con về thăm ông bà ngoại một lần.

Uyển cũng rất thương bạn. Một hôm Uyển điện thoại cho tôi khóc sướt mướt khi hay tin một cô bạn thân bị ung thư ở giai đoạn cuối. Uyển nói trong thổn thức: “Con chỉ tội nghiệp cho hai đứa nhỏ của Leslie mới có 3 tuổi và 5 tuổi, mẹ mất thì chúng nó sẽ ra sao đây?” Thế mà chỉ mấy năm sau, con gái tôi cũng đã rơi vào hoàn cảnh đau thương đó. Thật não lòng!


Lily và Nick, chỉ có một nửa giòng máu Việt nhưng lại thích ăn những món Việt Nam tôi thường nấu. Khi Lily chưa đầy ba tuổi, đã mấy lần nó nhịn ăn suốt cả ngày, nhất định rằng: “Bà ngoại ơi, I only want to eat your bún bò Huế,” thế là tôi phải vội vàng nấu món nó thích rồi nó mới tiếp tục ăn uống trở lại. Thường thì con nít không bao giờ chịu ăn hành, thế mà Nick, một cậu Mỹ con, lại rất mê canh với thật nhiều hành ngò, nhất là canh thịt bò hành răm. Từ ngày mẹ mất, các cháu vẫn giữ truyền thống về thăm ông bà ngoại mỗi cuối tuần để có những bữa ăn cùng toàn thể gia đình có vợ chồng con gái lớn, Thụy-Hằng, cùng hai đứa con và cậu trai út của chúng tôi.

Gia đình Thụy-Hằng cũng ở dưới Morgan Hill nên mỗi ngày sau khi tan trường, Thụy-Hằng thường đón Lily và Nick về nhà, để bốn đứa cháu ngoại tôi quây quần cùng làm homework và chơi giỡn với nhau. Nhờ thế mà Lily và Nick đỡ thấy cuộc sống bị gián đoạn hay thay đổi quá đột ngột trong khi bố của cháu rất bận rộn với công việc làm, lại còn phải trông nom hai đứa con còn quá nhỏ dại. Các cháu ở xa hơn 30 dặm nên vợ chồng tôi không thể hằng ngày chạy lên chạy xuống đưa đón cháu đi học mà chỉ có thể lo cho các cháu vào những ngày cuối tuần.

Thỉnh thoảng Lily và Nick về ở chơi với vợ chồng tôi dăm bẩy hôm, nhất là vào những dịp lễ và hè. Mấy ngày đó chúng tôi thật bận rộn dẫn cháu đi chơi và nấu những món ăn chúng nó thích. Buổi tối cơm nước xong, tôi nằm giữa hai đứa đọc cho chúng nghe truyện cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh, Bánh Dầy Bánh Chưng, Trầu Cau, Ăn Quả Khế Trả Cục Vàng, Tấm Cám, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ…Tôi muốn các cháu tôi tuy sanh trưởng ở Hoa Kỳ và mang giòng máu Mỹ, vẫn được thấm nhuần đạo lý đông phương nên khi đọc truyện cổ tích tôi giải thích những ngụ ý của truyện là phải biết ơn ông bà cha mẹ và thầy cô giáo, phải kính trọng người lớn tuổi, phải thuận thảo với anh chị em, phải ăn ở có tình nghĩa với gia đình, bạn bè và người xung quanh, phải giúp đỡ những người kém may mắn, làm việc tốt sẽ được đền ơn và hưởng phước…

Tôi cũng nói với các cháu về những chiến công oanh liệt, lẫy lừng của các vị tiền nhân của Việt Nam như hai Nữ Vương Trưng Trắc Trưng Nhị, Đức Trần Hưng Đạo, thiên tài Tây Sơn Nguyễn Huệ, Phù Đổng Thiên Vương…đã bao lần anh dũng đánh bại ngoại bang xâm lược để bảo vệ giang sơn, giữ yên bờ cõi. Tôi cũng kể đến các vị anh hùng trong thời đại chúng ta như các chiến sĩ Nguyễn Văn Đương, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ…và cả những thương phế binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã vì non sông tổ quốc mà hy sinh thân mình, để các cháu tôi nhớ ơn họ và hãnh diện mang giòng máu Việt Nam kiêu hùng.

Mồng Một Tết, các cháu mặc áo dài lễ tổ tiên và cúng mẹ các cháu. Nick, bây giờ gần 9 tuổi, vẫn thường nói rằng “Cháu biết dù má cháu ở trên trời nhưng lúc nào má cháu cũng thương yêu và bảo vệ chúng cháu.”

Ngày Mothers Day, các cháu cũng đem những project làm ở trường về cho mẹ rồi để trước hình của mẹ các cháu dòng chữ: “We love you very, very, very much, mama.”

Tôi dẫn hai cháu đi chùa trong dịp lễ Vu Lan. Thường thì các em gái trong chùa cài hoa hồng đỏ cho những người còn mẹ và hoa trắng cho những ai đã mất mẹ, nhưng các em lại gắn trên áo cháu tôi hai cái hoa màu vàng. Tôi thật cám ơn sự tinh tế và nhạy cảm của thầy trụ trì chùa Từ Lâm, đã cho hai đứa cháu bé bỏng mồ côi mẹ của tôi hoa màu vàng thay vì màu trắng côi cút tội nghiệp! Tôi đã giúp các cháu gắn hai cái hoa vàng này vào hình mẹ cháu trên bàn thờ.

Chiều nay, Lily và Nick cùng toàn thể gia đình chúng tôi sẽ làm giỗ thứ nhì cho Uyển. Thế nào khi thấy nồi bún bò Huế, Lily cũng sẽ reo lên: “Cháu biết bà sẽ nấu món má cháu thích nhất, its my favorite too! Cám ơn bà ngoại.”

Rồi các cháu sẽ ngủ lại đêm nay, sau khi nghe tôi đọc truyện cổ tích và những trang lịch sử oai hùng của Việt Nam, lúc hai con mắt đã bắt đầu ríu lại, tôi đoan chắc thế nào Lily cũng đòi: “Bà ngoại ơi, bà hát cho cháu nghe bài mà bà vẫn hát ru cháu ngủ hồi nhỏ đi.”

Tôi nghe tiếng tôi văng vẳng lời hát ru:

Cái ngủ mày ngủ cho lâu, mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về, bắt được con riếc con trê, thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn…

Đố ai nằm võng không đưa, ru con không hát, đò đưa không chèo…

Thằng bờm có cái quạt mo, phú ông xin đổi ba bò, chín trâu…

Và lời ru sẽ nhẹ nhàng đưa các cháu tôi vào giấc ngủ êm đềm tuổi thơ đầy mộng đẹp.

Rồi tôi rón rén đi về phòng mình, biết rằng đêm nay tôi sẽ nằm mơ thấy Thụy Uyển, con gái tôi, đôi mắt long lanh mỉm cười mãn nguyện!

16/4/2016

Lê Nguyễn Hằng

Ý kiến bạn đọc
12/05/201618:51:31
Khách
Thật là một niềm an ủi vô cùng khi đọc những lời chia sẻ của Nguyên Phương, Thu Kỳ và Hồng Điệp.
Thành thật cám ơn các bạn.
12/05/201617:04:44
Khách
Cuoc song nay that la vo thuong, van biet la nhu vay, nhung sao that la dau long, khi nhin thay dua con cua minh ra di....that la dau long...hy vong gia dinh co Hang va cac chau luon duoc vui ve, hanh phuc
12/05/201602:54:54
Khách
Khi nhìn hình ảnh Hằng thắp nhang cho con gái ở chùa Từ Lâm ,minh thật đau lòng .
Hôm nay, đọc bài viết này , minh lại xúc động hơn nữa .Có lẽ ,tinh yêu thương con gái nay đã tiếp xuống cho hai cháu ngoại bé bỏng .
Khi dạy dỗ hay khi ru cháu ngủ chắc là nụ cười của Thuỵ Uyển luôn ẩn hiện qua làn sương khói của nước mắt phải không Hằng .?
Mình cảm phục Hằng .
Mong Hằng luôn mạnh mẽ .
11/05/201622:11:07
Khách
Quá xúc động, khó cầm nước mắt, cám ơn chị cho đọc bài viết quá tuyệt vời, ý nghĩa và rung động.
11/05/201600:08:24
Khách
xin chia sẻ cùng chị Hăng nỗi mất mát lớn lao, dù đã hai năm qua nhưng vết đau chắc vẫn còn đậm nét
Các cháu tuy mất mẹ nhưng vẫn còn may mắn được sống trong vòng tay của đại gia đình, của bà ngoại đầy yêu thương.
Mong mọi sự an vui đến với chị và gia đình.
10/05/201622:18:51
Khách
Xin cám ơn Iris, Thanh Xâm, Saigonmylove và Lịch Nguyễn đã gửi những lời chia sẻ làm tôi rất ấm lòng và thêm can đảm.
10/05/201616:17:06
Khách
Chị Hằng ơi!
Lá vàng còn ở trên cây - Lá xanh rụng xuống đây tan tác lòng.
Chỉ có những người mẹ nào đã từng mất đi đứa con yêu dấu mới thông cảm được nỗi sót sa tiếc nuối, nỗi nhớ nhung từng ánh mắt nụ cười. Thật khó mà quên được mỗi khi Xuân về, Hạ tới, Thu sang, từng cử chỉ, tiếng oanh ríu rít mẹ mẹ, con con, xăm soi áo ấm đông về ấp ủ, mẹ con quấn quýt chăn êm.
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm chị ạ! Điều may mắn con để lại cho ta là những kỷ niệm đẹp để ta có thể mỉm cười mỗi lần gợi nhớ chị nhé!
10/05/201614:12:40
Khách
Rất đau đớn. Sứ mạng làm cha mẹ, làm ông bà của chị thật cao cả. Cầu chúc Chị luôn mãi hạnh phúc trong sư thương yêu, biết hướng về nhau của gia đình chị.
10/05/201607:30:23
Khách
Còn gì đau đớn bằng lá vàng lại khóc lá xanh. Ông Trời nhiều khi bất công đến ............. não lòng:(. Ngày lễ Mẹ mà người mẹ này có lẽ không bao giờ được happy nữa. Thương chúc bà ngọai nhiều sức khỏe để có nồi bún bò mỗi ngày cho các cháu bà nhé.
09/05/201623:17:21
Khách
Cuộc đời là vô thường, hạnh phúc và khổ đau chúng luôn luôn đi song song.
Trong tiến trình làm mẹ của chúng ta đã khó. - Làm một người mẹ hoàn hảo lại càng khó hơn - bởi vậy ngày lễ Mẹ là ngày được đánh dấu cho sự thương khó của người mẹ, cho tình thương yêu giữa mẹ và con và cũng là ngày để những người mẹ tự kiểm điểm mà tự hào với Thiên chức làm mẹ của mình. Xin chị hãy vui với niềm an ủi vô biên của chị là đã làm tròn bổn phận của một người mẹ nuôi con cho tới khi khôn lớn thành gia thất - Rồi cuộc đời của chúng sự học hỏi trong nghiệp duyên sẵn có dài hay vắn, hạnh phúc hay đau khổ là định mệnh đã an bài chị ạ.
Chúc chị và các bà mẹ và cả tôi nữa luôn vui. Có một điều mà chúng ta cần phải biết vui trong hạnh phúc được làm một người mẹ và đồng thời cũng phải biết thấm thiá trong những nỗi sót sa những hy sinh thương khó của một đời làm mẹ như qua bài viết bao la lòng mẹ của chị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,076,400
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.