Hôm nay,  

Viết Từ Camp Fallujah, Iraq

12/02/200500:00:00(Xem: 116437)

Người viết: HÂN Q. BÙI
Bài số 682-1258-29-vb5-100205

Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ đang sang năm thứ năm, với 1257 bài viết phổ biến trên Vietbao Online, đạt trên một triệu lần đọc. Trong số bạn đọc từ khắp thế giới, có cả những quân nhân Mỹ gốc Việt đang phục vụ ở nhiều nơi hung hiểm. Nhân dịp đầu năm mới, xin trân trọng giới thiệu loạt bài của một tác giả gửi từ thành phố Fallujah, Iraq: Hân Q. Bùi, mộtø bác sĩ quân y gốc Việt, hiện đang trong 6 tháng phục vụ tại Iraq.
*

I. Thằng Hai Ốm

Không ngờ "thằng hai ốm" lại lạc buớc vào quân đội Hoa Kỳ. Năm 29 tuổi tôi bắt đầu vào học truờng quân y. Còn nhớ rõ hôm thứ Sáu còn đi làm ở IBM, mà hôm thứ Hai đã có mặt ở Fort Sam Houston, TX bỡ ngỡ khoác lên nguời bộ quần áo rằn ri, đeo cấp bậc thiếu úy, bắt đầu khóa sĩ quan dành riêng cho những chuyên viên y tế. Lần đầu tiên chạy thử hai miles cho cuộc thi thể lực, sức tôi thật là yếu như cọng bún vì có chạy bộ bao giờ. Tưởng muốn tắt thở luôn. Nếu không nhờ một cô bạn học cùng khóa chạy kế bên động viên, chắc tôi đã bỏ cuộc.
Xin ngược dòng thời gian một chút, lúc còn nhỏ ở Việt Nam, thường nghe má nói tôi thuộc loại "mình giây" tức là ốm yếu, lỏng khỏng. Tôi ốm đến nỗi mà trong xóm người ta gọi là "thằng hai ốm". Sau 75, bị suy dinh dưỡng chắc tôi lại càng ốm hơn. Trong xóm tôi ở lại là xóm lao động, nhiều thằng mất dậy nên năm lớp 10, tôi cùng Tấn Phú, thằng bạn chí thân học cùng trường, đi học võ Thái Cực Đạo với thầy Nho để phòng thân và nếu có dịp sẽ sẵn sàng ra tay "nghĩa hiệp"
Lúc vừa mới đặt chân qua Mỹ, tôi vừa tròn 18 tuổi. Lúc đó tôi chỉ cân nặng 125 lbs. Hai năm sau, ra truờng trung học, tôi "hận đời đen bạc" vì qua Mỹ có một mình nên đã đi thẳng vô văn phòng tuyển mộ bộ binh đối diện với trường tính đăng vô lính. Không biết nghĩ sao, tôi đổi ý và đi học đại học ở trường của tiểu bang.
Lúc học ở đại học, tôi chung apartment với thằng John nguời Turkish và thằng Henry người Đại Hàn quen từ trung học. Thằng John học điện như tôi, còn thằng Henry thì học lai rai, tài tử không có major gì hết. Tôi và John phải hết sức cám ơn thằng Henry vì nó đã hướng dẫn hai đứa tôi về môn tập tạ. Một hôm tôi nói với Henry:
"Ê mày, sao tao ốm quá vậy""
Nó nhìn tôi liền nói, "mày phải tập tạ, để tao chỉ cho."
Lúc đó năm 1983. Thế là ba đứa tôi hùn tiền ra tiệm mua một bộ tạ 110 lbs rẻ tiền nhất bằng nhựa bên trong có đổ hình như là xi măng. Tụi tôi cũng phải mua thêm một cái bench rẻ tiền. Tôi và John tập trong apartment duới sự chỉ dẫn của Henry. Lâu lâu một cục tạ rớt xuống sàn nha,ø bị đám sinh viên trong apartment tầng duới lấy cây chổi dộng lên trần cảnh cáo vì làm ồn. Sau ba tháng trời tập chăm chỉ, tôi bắt đầu thấy chút kết quả.
Henry có một cô bồ cũng người Đại Hàn. Thường thì mỗi thứ Sáu, Henry đều năn nỉ tôi và John đi về nhà, để nó "mượn" apartment "tâm sự" với bồ. John thì về nhà ba má; còn tôi thì về nhà anh họ. Thằng Henry không biết "tâm sự" sao mà con bồ nó có bầu và hai đứa làm đám cưới. Sau một năm ở đại học, nhóm tụi tôi rã đám. Henry có vợ nên việc học hành cũng lỡ dở. John đã có xe, nên về nhà ba má, lái xe đi học mỗi ngày. Còn tôi nhờ ông anh họ xin được công việc mùa hè nên về Virginia ở.
Vì đi làm có chút tiền còm, nên tôi có thể vô club tập siêng hơn. Đến mùa thu, thay vì ghi danh đi học đại học lại, không biết nghĩ sao, tôi rút hết các lớp, xin nghỉ một semester để đi làm full time. Tôi về Maryland ở với một người anh họ khác. Nhà thằng John cũng gần đó. Tôi và thằng John lại có cơ hội đi tập tạ chung mỗi tối. Những năm đầu 80, khu gần nhà chưa có Bally Club hay Gold Gym như bây giờ. Hai thằng tui chui vô YMCA để tập tạ. Vừa không có ai chỉ dẫn rõ ràng và YMCA cũng chỉ lèo tèo vài ba dụng cụ tập tạ. Hai đứa tôi thường vừa tập vừa đấu láo. Lúc YMCA đóng cửa mỗi tối vào lúc 10 giờ đêm, hai đứa còn đứng nói chuyện một lát ngoài bãi đậu xe rồi mới về nhà.
Năm 86, John ra trường và tiếp tục học lên Master nghành điện. Tôi và nó bắt đầu hơi xa nhau và không tập tạ chung nữa. Lúc đó con ngựa sắt cũ kĩ của tôi bị hư quá nhiều, nên tôi đã dọn lại gần trường đại học và bắt đầu tập tạ ở trường. Vì đại học Maryland là trường của tiểu bang, nên rất đông sinh viên và có một gym rất là lớn. Lúc đó ở các đại học miền đông Hoa Kỳ, các nhóm sinh viên Việt Nam lúc nào cũng ... trai thừa gái thiếu. Tôi tình cờ quen với một cô bé thật dễ thương, nước da bánh mật. Tính tình hơi ... tomboy chút và có võ giỏi. Tôi thường hay rủ cô bé đi tập tạ chung. Hình như tôi có ... số vô lính vì năm sau trước khi ra trường tôi đã tính tình nguyện đi sĩ quan hải quân về nghành tàu ngầm, nhưng lại đổi ý. Sau khi ra trường, không hiểu vì lí do nào tôi đã bỏ tập tạ luôn 6 năm trời đến lúc đi học quân y. Từ ngày vào quân đội, vì bắt buộc của nghề nghiệp, tôi vẫn thường xuyên chạy bộ và tập thể dục, giờ thì hình như đã thành một thói quen .

II. Chiều Camp Pendleton

Trời đã bắt đầu xế chiều, mặt trời sắp lặn và nhiệt độ bắt đầu xuống thấp. Gió thổi hây hây lạnh. Tôi bắt đầu chạy bộ theo lối mòn xuyên qua đồi núi chập chùng của Camp Pendleton. Trại trải dài 18 miles dọc theo bờ biển, là khu vực duy nhất gián đoạn những nhà cửa vẫn mọc chi chít ở Nam Cali. Camp Pendleton nối San Clemente và Oceanside. Trở lại chuyện đang chạy bộ. Tôi chạy dọc theo một lối mòn mà những bánh xe của những công xa 7 tấn đã ghi lại. Đất thật khô vì Cali ít mưa. Nhiều chỗ đất lồi lõm, nếu không cẩn thận rất dễ trặc chân .
Bên trái lối mòn là những dãy đồi trùng điệp nối tiếp nhau. Trăng non đã bắt đầu lên. Bên phải là những bụi cây và xa chút nữa là đường nhựa và những dãy warehouse.
Mặt trời sắp biến mất. Không gian thật tịch mịch. Tôi nghe rõ những bước chân của mình trên đất; nghe rõ những hơi thở đều đặn. Gió thổi hơi lành lạnh. Tôi vốn yêu thiên nhiên nên bắt đầu để ý quan sát những cây cỏ hai lối mòn. Ở đây có rất nhiều những bụi cây trông như lau, sậy cao chừng 3-4 feet với những chùm hoa vàng trên ngọn trông như những nhánh broccoli bé tí. Những bụi này tỏa ra một mùi thật đặc biệt. Những người khác chê là hôi, nhưng tôi thấy chúng có một mùi thơm nồng chắc vì mình không lạ với những mùi thuốc bắc, dầu gió hay dầu khuynh diệp.
Tôi chạy ngang một bụi xương rồng mọc hoang chi chít những quả màu đỏ thường thấy bán ở siêu thị gọi là cactus pear. Tôi định khi trở về đây lại, nếu có dịp sẽ ngắt một thân xương rồng nhỏ đem cắm xuống đất và tưới nước, chắc xương rồng sẽ mọc rất dễ. Tôi không biết cách dùng những trái màu đỏ này trong việc nấu ăn như thế nào. Khi có dịp sẽ tìm hiểu.
Kế đó là một đám dưa dại mọc bò lan duới đất. Hoa vàng to như hoa của zuchini. Loại dưa dại này chỉ kết được những trái to hơn trái cam, nhưng màu da giống như những quả dưa hấu. Thỉnh thoảng, thấp thóang một vài chú thỏ đuôi trắng vội vã chạy vào bụi rậm khi nghe tiếng chân người. Đến lối rẽ tay phải, qua một chiếc cầu nhỏ để lên đường nhựa, tôi thấy hai bên cầu có một loại cỏ mọc cao hơn đầu người nhưng trên đầu có "hoa" giống như một điếu cigar trên một thân (stalk) thật dài. Loại "hoa" này tôi thường thấy trong những bó hoa khô nhưng không biết tên nó. Vài tháng nữa khi những cỏ này sẽ chết, nếu cắt chừng mươi nhánh cho vào một bình thiếc thường bán ở Target hay Michaels, ta sẽ có một chậu hoa khô trang trí trong nhà .


Về lại barrack, tôi mở toang cửa ra cho gió lùa vào. Buổi tối, lính TQLC thường mang ghế ra trước hiên ngồi vì phòng nóng quá. Họ ngồi hóng gió, uống bia và nói chuyện gẫu. Tôi không thích ngồi ngoài balcony, nên chỉ ngồi trong phòng nhìn ra ngoài. Tôi ngồi nghe nhạc và nhâm nhi một ly merlot. Sáng nay tôi đã mua một chai merlot ở tiệm bán ruợu trong khu. Tôi không phải là người sành rượu nên chỉ uống cho vui. Không có cốc đựng rượu, tôi lấy một styrofoam cup rót cho mình một ly đâỳ. Thật là thú vi, vừa thả hồn theo tiếng nhạc vừa nhâm nhi rượu.
"Em sẽ đến, dù ngày tháng
phôi pha tình ta
Em sẽ đến, dù chỉ bên anh
một phút thôi"
Thoáng chốc, tôi đã uống hết 2/3 chai merlot và cảm thấy hơi lâng lâng. Đầu hơi quay cuồng chút xíu. Lời nhạc thật tình tứ và rượu trở nên ngọt hơn. Những bắp thịt trong người cảm thấy dễ chịu hơn, lời nhạc trữ tình hơn. Tôi biết mình đã hơi say. Đã đến lúc chuẩn bị đi ngủ để sáng mai còn tập thể dục sớm trong nhóm. Tôi đắm chìm trong tiếng hát và giấc ngủ đã đến thật dễ dàng
"Em sẽ đến,
dù nói nên câu biệt ly
Em sẽ đến,
dù bóng anh xa dần xa"

III. Đường Qua Xứ Ngàn Lẻ Một Đêm

Tối thứ Tư, tôi lau chùi phòng trong barrack sạch sẽ, để sáng mai trả phòng đi Iraq. Đồng hồ đeo tay đã đánh thức tôi dậy lúc 04:30. Sau khi tắm rửa, thay đồ trận, tôi khiêng đồ đạc qua chỗ tập trung. Trời chưa sáng và còn mát. Đồ đạc gồm có hai seabags, một Allice pack có sleeping bag và một túi xách tay lên máy bay. Tuy trời còn mát nhưng tôi đã lấm tấm mồ hôi sau khi những túi đồ nặng nề đó ra sân cờ.
Bây giờ đã 05:30, còn nửa tiếng nữa là phải tập họp. Tôi đi trở lại phòng để trả lại bed sheet, gối và mền cho người lính TQLC trực barrack. Rảo bước qua dining hall, tôi ăn vội bữa sáng để còn kịp giờ tập họp. Ăn sáng ở Mỹ thì hôm nào cũng như hôm đó: trứng luộc hay scrambled, xúc xích, khoai tây, yogurt và trái cây hộp.
Đời lính thì lúc nào cũng gấp rút xếp hàng, điểm danh, xong lại chờ, vài tiếng là chuyện bình thường. Xong lại tập họp, điểm danh thêm lần nữa. Lúc đầu tôi rất bực bội về sự chờ đợi, sau riết thành quen. Tên từng người được gọi và mình phải đọc lớn số social security của mình. May, buổi sáng hôm nay trời Cali nhiều mây.
Chừng 09:30, chúng tôi lên xe bus đi March Air Force Base. Nắng đã bắt đầu lên. Xe bắt đầu chuyển bánh về hướng Riverside County. Vì thức sớm nên hơi mệt, tôi ngủ gà ngủ gật trên xe. Hai tiếng sau, khoảng 10 xe bus khác cũng đổ đến sân bay ở March. Đến ba giờ chiều, khoảng ba tram TQLC và thủy thủ lên một chiếc Boeing 747 đã được quân đội thuê. Sân bay thật rộng và vắng chỉ có duy nhất chiếc Boeing. Lính đi hàng một lên máy bay giữa hồi chuông của chiếc liberty bell. Sân bay này đã chứng kiến cảnh này không biết bao nhiều lần. Xa xa chút nữa bên tay phải là núi đồi của Riverside. Trên xa lộ 15, xe cộ tấp nập. Thôi, xin vẫy tay tạm biệt Cali hoa lệ.
Sĩ quan được ngồi phần first class. Trong đời tôi chưa bao giờ ngồi first class. Không ngờ rằng trên đường đi Iraq, mình lại được biết first class là thế nào. Bữa ăn chiều trên máy bay gồm có braised beef, khoai tây, một miếng bánh mì nhỏ với cheese của Đức và bánh chocolate tráng miệng. Chúng tôi sẽ bay sang Frankfurt trước, khoảng mười tiếng. Vừa ăn tôi vừa xem phim "The Tuxedo" do Jackie Chan đóng. Đang xem phim thì một đại úy TQLC đến ra hiệu cho tôi gỡ headphones ra và hỏi có phải tôi là bác sĩ không. Tôi gật đầu, anh đại úy nói có một lính cần bác sĩ. Tôi xem qua, anh chỉ bị nổi mề đay thường thôi và tôi lấy benadryl của phi hành đoàn cho anh uống. Sau đó tôi về chỗ và ngủ một giấc dài.
Máy bay ngừng ở phi trường không quân ở Frankfurt. Phi trường này hình như cuối năm sẽ trả lại cho Đức. Tôi đi loanh quanh vô PX ngắm những beer mug của Đức, rất đẹp nhưng hơi nặng. Tôi định bụng khi trở về, nếu ghé lại chỗ này, sẽ mua vài cái về làm quà. Chúng tôi trở lại máy bay và đi tiếp qua Kuwait. Đoạn bay này khoảng sáu tiếng. Lại thêm một bữa ăn. Lần này là ngực gà và rau cải. Ăn xong, tôi cố giỗ giấc ngủ vì không biết sẽ phải chờ đợi bao lâu ở Kuwait trước khi tiếp tục lên đường đi Iraq.
Khi máy bay đáp xuống Kuwait, trời đã về đêm. Xuống phi đạo, đã có xe bus chờ sẵn để chở đến Camp Al Ali Salem. Khoảng hơn một tiếng, xe tới trại và tractor trailer cũng vừa đến và đổ xuống tất cả đồ đạc của chúng tôi. Trong màn đêm, tôi phải đi tìm đồ của mình và sắp hàng trước cửa lều. Cứ tưởng tượng phải đeo phía trước ngực một seabag cỡ 100 pounds, thêm một cái như vậy nữa phía sau lưng và đi một cách nặng nề về lều. Khi đặt lưng nằm xuống, đã hơn hai giờ sáng. Tôi ngủ một giấc chập chờn.
Khi thức dậy khoảng 6 giờ sáng, trời đã sáng bừng. Tôi rửa mặt bằng nước trong chai vì nước trong bồn đã hết từ đêm trước. 7 giờ sáng, tôi đi bộ lại dining hall cách chừng một mile để ăn sáng. Nhà ăn có máy lạnh và khá đầy đủ. Đồ ăn sáng thì chỗ nào cũng giống nhau: trứng, sausage, hashbrown và pancakes. Có trái cây tươi và hộp. Đầy đủ các loại soda và sữa. Ngạc nhiên nhất là có hai ba loại cà-rem. Chín giờ sáng trời đã thật nóng. Tôi về lều. .. tiếp tục ngủ để dưỡng sức vì chuyến đi còn rất dài. Hai giờ chiều, lại thêm một chuyến chất đồ lên tractor trailer để chở ra sân bay. Khoảng 3 giờ chiều, xe bus lại chở chúng tôi ra sân bay. Lại ngồi chờ trong một nhà kho hình bán nguyệt. Mỗi khi chờ đợi là những người lính lại nằm la liệt xuống đất để nghỉ bất kể là đất, cát, sỏi đá. Chúng tôi lên phi cơ C130 lúc 19:00, một tiếng sau, máy bay bắt đầu cất cánh. Phải mang ear-plugs vì phi cơ rất ồn. Chuyến bay đến Al Taquadum (Iraq) chỉ hơn một giờ.
Máy bay đáp xuống khoảng 22:00. Chúng tôi xuống máy bay hàng một dưới sự hướng dẫn của một lính TQLC. Đoàn người đi lặng lẽ như những bóng ma. Chúng tôi đi vào một tòa nhà kiên cố hình bán nguyệt. Trong tòa nhà, lính TQLC lặng lẽ đi qua lại làm việc và nguồn ánh sáng duy nhất là những light sticks. Lại điểm danh lần nữa. Chúng tôi lại đi hàng một đến một bãi cát trống. Đồ đạc cũng đã được đổ xuống bãi cát. Trời đã vê khuya, nhưng nhiệt độ vẫn còn khoảng 90. Trong lúc lại chờ hướng dẫn viên dẫn về lều tôi nằm xuống dựa lưng vào chiếc túi xách tay và chiếc nón sắt. Ở đây là cát lẫn với sỏi. Lục trong bọc một gói MRE (Meal Ready To Eat), chicken with Thai sauce. Không cần hâm nóng lên.\
Tôi đã đặt chân đến Iraq. Tôi ngắm nhìn bầu trời đêm. Một nửa vầng trăng úa treo lơ lửng trên nền trời đầy sao. Đêm hạ thật oi bức, không chút gió. Lát sau, một anh TQLC dẫn chúng tôi đến một căn nhà ngủ tạm. Hôm sau chúng tôi được thông báo sẽ ở lại Al Taquadam hai ngày chờ đoàn xe chở đến Fallujah là nơi tôi sẽ phục vụ trong sáu tháng tới. Chỗ tôi sẽ đóng là một bệnh viện không khác lắm với bệnh viện trong show M.A.S.H nổi tiếng. Đã hơn ba ngày chưa được tắm. Ngày mai thứ Hai, đã là Labor Day ở Mỹ.

HÂN Q. BÙI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,261,700
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến