Hôm nay,  

Không Khó Vì Ngăn Sông Cách Núi...

17/11/200900:00:00(Xem: 223494)

Không Khó Vì Ngăn Sông Cách Núi...

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 2786-1628857- vb2111609

Bảo Trân đã nhận giải tác giả Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài viết "Con Bé," chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Theo chú thích của tác giả, bài viết mới này được viết theo những tin tức, dữ kiện của Los Angeles County Department of Social Services, nơi tác giả đang làm việc.

***

Hồi trước, cứ hễ gần đến cuối tháng là ông sếp tôi lại mặt nhăn mày nhó đi tới từng cubicle (phòng làm việc nhỏ) của chúng tôi hỏi đi hỏi lại mỗi có một câu:
- Mấy you có cái "success story" (câu chuyện thành công) nào để gửi vào County Digest (tờ báo thông tin của Quận) tháng này, báo cáo thành quả tốt đẹp của mình không"
Tội nghiệp ông, mặc dù đã cố gắng động viên bọn nhân viên hết mực nhưng tháng nào cũng như tháng nấy ông đều nghe những tiếng trả lời: "không".  Chán quá, những tháng sau đó ông không thèm "vác" tấm thân "bồ liễu" gần 100 ký lô đi đến từng cubicle hỏi thăm mà chỉ ngồi tại chỗ gửi email cho chúng tôi.  Nhưng... "theo năm tháng hoài mong, thư gửi đi bao nhiêu lần mà... đợi hồi âm cũng không thấy", nên về sau này chúng tôi không nhận được email của ông nữa.
Không thấy bóng dáng sếp và không thấy cả bóng dáng email vào cuối tháng, chúng tôi tưởng là đã yên thân với việc... đi tìm "success story".  Nhưng bỗng dưng tháng vừa rồi, ông sếp tôi lại chạy tới từng cubicle của chúng tôi năn nỉ:
- Ráng tìm xem có cái "success story" nào để gửi tới Headquarters (văn phòng trung ương) đi bà con.  Tình hình kinh tế đang bi đát đó, mình mà không chứng minh được công việc làm của mình có hiệu quả như tụi Maximus thì nguy to (Maximus là một nhà thầu dịch vụ văn phòng đang cộng tác với Bộ Xã Hội Quận Los Angeles trong chương trình GAIN, tìm việc làm cho người hưởng trợ cấp xã hội).  Mấy tháng vừa rồi tụi Maximus đã nộp lên văn phòng trung ương những bản báo cáo thật là bắt mắt.  Tụi nó mà được Board of Supervisors (Ban Giám Sát) cho thêm hợp đồng, điều hành thêm vài văn phòng nữa thì chúng mình sẽ bị thâu gọn lại chỉ còn một vùng nhỏ xíu thôi.  Và bà con đừng quên là Thống Đốc Arnold cũng đang hăm he gửi bọn mình đi sắp hàng ở EDD (Employment Development Department, Nha Phát Triển Nhân Dụng/Sở Thất Nghiệp) bất cứ lúc nào đó.
Bọn worker chúng tôi "âu yếm" nhìn ông... không nói một lời gì.  Ông quên mất là ông đang "cai quản" một nhóm nhân viên được mang tên là "Specialized Supportive Services Worker" (Nhân Viên Những Dịch Vụ Hỗ Trợ Đặc Biệt), chuyên phụ trách những hồ sơ "đặc biệt" cần phải có một sự chiếu cố khác hẳn với những hồ sơ "bình thường".  Những hồ sơ "đặc biệt" này bao gồm những người đang bị khủng hoảng tâm thần (Mental Health), những con nghiện ma túy và rượu (Subtance Abuse), những nạn nhân của bạo hành trong gia đình (Domestic Violence) và những người vô gia cư (Homeless).  Những khách hàng này đang phải phấn đấu với những khó khăn riêng của họ: người thì phải chạy đôn chạy đáo để tìm một chỗ trú ngụ, người đang phải trốn tránh sự tìm kiếm của những kẻ bạo hành trong nhà trú ẩn bạo hành (DV shelter), người cần phải đi giải độc (detoxicate), chữa trị tình trạng nghiện ngập của họ trong những trung tâm cai nghiện, người cần phải đi gặp chuyên viên cố vấn tâm lý mỗi tuần, thì làm sao họ có thì giờ đi tìm việc làm (hay hăng hái tìm việc đi làm), để có thể tự lực cánh sinh đâu mà bảo là "success" với không "success".
Tôi giận cái bọn nhân viên của Maximus này quá đi mất.  Mấy năm trước, vì muốn tiết kiệm ngân sách nên Ban Giám Sát Quận Los Angeles đã giải tán nhân viên làm việc ở những văn phòng GAIN thuộc vùng thung lũng San Fernando, giao lại quyền hành xử những văn phòng miền Tây Bắc này cho Maximus, báo hại đồng nghiệp của chúng tôi ở vùng thung lũng đó phải chạy toán loạn khắp nơi để tìm chỗ dung thân.  Bây giờ mỗi cơ quan điều hành một cõi, hồ sơ ai, nấy giữ, chúng tôi đâu có "gây hấn" với "bọn họ" mà "bọn họ" cứ hăm he lấn... văn phòng,  dành... hồ sơ!  Hơn thế nữa, "chúng" còn nuôi hy vọng... Nam tiến, Tây tiến, Đông tiến..., hòng chiếm lại hết những hợp đồng đã bị Quận Los Angeles chúng tôi thâu về từ năm 1993. 
Tôi nhớ hồi mới qua làm việc bên chương trình GAIN, chúng tôi cứ cắm cúi làm thôi, chứ đâu có cần để ý đến cái màn "câu chuyện thành công" này đâu.  Nhưng từ hồi Quận Los Angeles cho Maximus ký lại hợp đồng, thì nhân viên của nhà thầu này cứ nhất định tranh đấu với nhân viên của Quận để dành ưu thế, nên tháng nào nhân viên của Maximus cũng gửi lên văn phòng trung ương vài ba cái "success story".   Nhưng nói cho cùng thì trong cái thời buổi kinh tế khó khăn này ai cũng phải tranh đấu để giữ chén cơm, nên không trách được họ cố phấn đấu để mà lấy điểm, vì việc làm của những người này là... đếm từng hợp đồng, nếu làm việc tơ lơ mơ, mất hợp đồng là sẽ bị thất nghiệp ngay.  Tôi chỉ trách "bọn họ" là... làm việc hăng say quá, để bọn worker của Quận Los Angeles phải... chới với.  

*
Từ bao nhiêu năm nay tôi vẫn làm cái nghề... cho tiền thiên hạ.  Trước kia thì tôi làm ở Bộ Xã Hội, sở Welfare, phụ trách về vấn đề cho tiền phúc lợi (Welfare), thẻ y tế (Medi-Cal) và phiếu thực phẩm (Food Stamps).  Gia đình nào có con nhỏ, lợi tức thấp, hay không công ăn việc làm thì cứ vào văn phòng trợ cấp xã hội ở địa phương điền đơn mà xin, miễn là lợi tức và giá trị tài sản không đi quá mức luật Tiểu Bang đã định.  Số tiền phúc lợi này cũng tùy theo nhân số trong gia đình, gia đình nào nhiều người thì được lãnh nhiều tiền.  Từ nào tới giờ thì tiền Welfare là... "tiền cho không biếu không!", người lãnh tiền phúc lợi cứ ở nhà xem tivi, dắt con đi học, đợi tiền gởi tới tận nhà hằng tháng, và họ sẽ lãnh được trợ cấp này cho tới khi đứa con nhỏ nhất vừa đúng 18 tuổi.  Và cứ thế, đời này tiếp nối đời kia... "mẹ truyền, con nối".  Tôi nói "mẹ truyền" mà không phải "cha truyền" vì những hồ sơ được thiết lập ở sở Welfare luôn luôn được đặt để dưới tên người mẹ, vì người cha thường thường là... "vắng mặt", bỏ bê con cái, gia đình.
Thực ra thì cái chính sách Welfare từ thuở được khai sinh đã là một chính sách tốt đẹp của chính phủ Liên Bang nhằm trợ giúp những gia đình có lợi tức thấp, những người vợ bị chồng bỏ rơi không đủ sức để nuôi nấng con cái, và những người con gái trẻ... "lỡ lầm".   Nhưng dần dà rồi, việc lãnh Welfare đã trở thành một nghề... "chuyên môn" và đã có một tổn phí khổng lồ.  Cái tổn phí khổng lồ này càng ngày càng gia tăng và đã lên đến 24 tỉ đô la trong năm 1996.
Thế nên tháng 8 năm 1996, Tổng Thống Bill Clinton đã ký một sắc luật mang tên "Personal Responsibility and Work Opportunity Act", đặt trách nhiệm vào cá nhân, bắt buộc người lãnh trợ cấp xã hội phải đi tìm việc làm để họ có thể tự nuôi nấng con cái.   Sắc luật này thay đổi mới hoàn toàn chính sách trợ cấp xã hội.  Cái chương trình Welfare muôn năm của ngày xưa gọi là AFDC (Aid for Family with Dependence Children, Trợ Cấp Cho Gia Đình Có Con Nhỏ) không còn nữa, mà đã được thay vào đó bằng một chương trình trợ cấp ngắn hạn với một cái tên mới, chương trình TANF (Temporary Assistance for Needy Families, Trợ Cấp Tạm Thời Cho Những Gia Đình Nghèo Túng).
Và Bộ Xã Hội của Tiểu Bang California cũng đã nhận lịnh của chính phủ Liên Bang, áp dụng chính sách trợ cấp xã hội theo đường lối mới dưới chương trình CalWORKs, (California Works Opportunity and Responsibility to Kids Program, Chương Trình của California tạo Cơ Hội Tìm Việc Làm và Trách Nhiệm với Con Em).  Chương trình CalWORKs bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm 1997, giới hạn thời gian trợ cấp xã hội cho cha mẹ của những gia đình đang hưởng trợ cấp tối đa là 60 tháng.  Sau 60 tháng này, thì chỉ có những đứa con còn trong tuổi vị thành niên mới được tiếp tục hưởng trợ cấp cho đến khi chúng đủ 18 tuổi.
Cùng một lúc với việc cải tổ lại chương trình cho tiền phúc lợi (Welfare Reform), chương trình GAIN cũng được cải tổ.  GAIN hay là Greater Avenues for INdependence, (Những Con Đường Rộng Mở Đưa Tới Sự Tự Lập) là một chương trình của Bộ Xã Hội, chuyên phụ trách về vấn đề tìm công ăn việc làm cho những người lãnh trợ cấp xã hội để họ có thể tự lực cánh sinh.  Chương trình GAIN bao gồm nhiều dịch vụ như: giúp tìm việc làm (job search), giám định ngành nghề (vocational assessment), huấn nghệ (vocational training), đào tạo kỹ năng tìm việc làm (job skills training), kinh nghiệm qua việc làm (work experience).  Chương trình GAIN sẽ giúp những người lãnh trợ cấp những dịch vụ hỗ trợ (supportive services) như: giúp tiền mua vé xe bus hay tiền đổ xăng đi học, đi làm (transportation payment), giúp cho tiền giữ trẻ (child care payment), giúp cho những món tiền phụ thuộc để mua sách vở đi học, mua quần áo hay dụng cụ liên hệ tới việc làm (ancillaries payments).  Ngoài ra, chương trình GAIN còn có những dịch vụ hỗ trợ đặc biệt như: cố vấn khủng hoảng tâm thần (mental health counseling), chữa trị nghiện ngập (substance abuse treatment) hay dịch vụ giúp đỡ nạn bạo hành trong gia đình (domestic violence service). 
Đúng ra thì chương trình GAIN của Quận Los Angeles đã bắt đầu từ năm 1990.  Hồi chương trình GAIN mới ra đời thì Quận Los Angeles đã để cho nhà thầu Maximus toàn quyền điều khiển, cung cấp dịch vụ giúp đỡ những người lãnh tiền phúc lợi, để họ có thể học một cái ngành nghề gì nuôi thân.  Trong những năm này, những người lãnh Welfare được đưa sang GAIN chỉ để đi học chứ không phải đi kiếm việc làm.  Họ được cho đi học đủ thứ.  Những người kém Anh Văn thì được cho đi học ESL (English as a Second Language, Anh Ngữ - Ngôn Ngữ Phụ) trước, để họ có thể nói và viết những chữ tiếng Anh căn bản, rồi được cho qua học nghề.  Còn những người có khả năng vào thẳng ngành nghề thì sẽ được cho đi học ngay lập tức.  Sau ba năm trời, thấy người lãnh Welfare học hết ngành nọ tới nghề kia mà không thấy kết quả tới đâu, nên Ban Giám Sát Quận Los Angeles đã lấy lại chương trình GAIN này từ Maximus, sửa đổi lại với phương châm "Việc Làm Trước Hết" (Work First) nhưng dưới một chính sách rất là "thư giãn".  Cho mãi đến đầu năm 1998 thì chương trình GAIN mới thật sự được cải tổ theo chính sách mới của Welfare Reform.
Năm 1993, sau khi chấm dứt hợp đồng của Maximus, Ban Giám Sát Quận Los Angeles đã  chuyển đổi tất cả nhân viên của Maximus thành công chức thực thụ của Quận và cho họ tiếp tục làm việc dưới chương trình GAIN.  Đến cuối năm 1997, để có thể đáp ứng với nhu cầu cần thiết của chương trình GAIN mới, phòng nhân viên Quận Los Angeles đã mở nhiều kỳ thi tuyển để chọn thêm nhân viên qua làm ở chương trình GAIN.  Thế là tôi khăn gói đi thi, và được tuyển chọn vào GAIN sau khi thi đậu kỳ thi sát hạch, được tăng chức, tăng lương.  Tôi lại tiếp tục làm cái việc... cho tiền thiên hạ, nhưng cái việc cho tiền kỳ này có hơi khác, có điều kiện rõ ràng.   Nếu muốn được giúp những món tiền hỗ trợ (supportive services payments) này thì những người lãnh Welfare phải ký một hợp đồng với GAIN "Hợp Đồng của Chương Trình chuyển Phúc Lợi sang Việc Làm" (Welfare-to-Work Plan) thỏa thuận về việc đi tìm việc làm, đi học, hay tham gia vào những hoạt động mà chương trình GAIN đã hoạch định cho họ.  Những hợp đồng này có thể ngắn hạn từ một tháng hay kéo dài đến hết năm năm.  Khách hàng lãnh trợ cấp nào mà không hợp tác với chương trình GAIN để làm tròn bổn phận... "người lãnh trợ cấp tốt" thì sẽ bị cúp Welfare ngay.
Hồi mới bắt đầu qua làm ở chương trình GAIN tôi cũng hăng hái ghê lắm, vì nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ những người sa cơ lỡ vận đi tìm công ăn việc làm, hay đi học lại, có được một ngành nghề, cấp bằng, thăng tiến trên đường công danh để dứt bỏ cái món trợ cấp ít ỏi, nhỏ nhoi này.  Tôi cũng thấy vui vui vì công việc của mình có kết quả tốt đẹp.  Năm đầu tiên làm ở chương trình GAIN tôi đã giúp được một cô khách hàng người Việt, vì ham vui thuở còn học trung học nên lỡ lầm, phải đơn độc nuôi con.  Nhưng cô cũng có chí theo học hết bốn năm ở đại học Cal. Poly Pomona, ra trường được hãng Boeing mướn làm kỹ sư điện toán ngay. 
Nhưng làm được một vài năm rồi thì tôi cũng hơi nản, vì cũng có nhiều người tìm hết lý do này đến lý do khác để trốn tránh đi học, đi tìm việc làm, người thì nại lý do đau ốm, hay con còn nhỏ, không có người "tín cẩn" trông nom, rồi người thì khai bị khủng hoảng tâm thần, người thì khai nghiện ngập rượu chè, ma túy, người thì phải lẩn trốn chồng, trốn vợ vì bị bạo hành...
Hồi ban đầu thì số hồ sơ người nghiện ngập, bị khủng hoảng tâm thần hay bị chồng/vợ hành hung không nhiều nên chỉ có một vài nhân viên của chương trình GAIN được chỉ định làm "Specialized Supportive Services Worker".   Nhưng rồi càng ngày số người khai bị hỗn loạn tâm thần, nghiện ngập hay bị hành hung càng nhiều, nên cái nhóm của tôi được chuyển đổi thành "Specialized Supportive Services Unit " để có đủ worker phục vụ khách hàng hữu hiệu hơn. 
Những năm gần đây, vì sự suy thoái của nền kinh tế, đã có rất nhiều người bị thất nghiệp,  nên số người xin Welfare càng ngày càng nhiều hơn trước, và số người xin trợ cấp xã hội trong tình trạng không cửa không nhà cũng gia tăng nhanh chóng.  Để có thể giúp đỡ những người kém may mắn này Bộ Xã Hội của Quận Los Angeles đã cho ra đời một chương trình mới, Chương Trình Giúp Đỡ Người Không Nhà (Homeless Assistance Program).  Chương trình này bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau từ: trợ giúp những người "Homeless" này tìm nhà (housing search), cho tiền họ mướn motel ở tạm (temporary homeless assistance), cho tiền để họ đóng tiền đặt cọc, dọn vào chỗ ở mới (moving assistance), phụ cấp thêm tiền mướn nhà trong vòng 4 tháng đầu tiên (rental subsidy), cho tiền để họ có thể di chuyển đến nơi cư ngụ mới gần sở làm (housing relocation assistance). Ngoài ra, còn có chương trình giúp đỡ ngăn ngừa việc bị đuổi nhà (emergency assistance to prevent eviction) để những người lãnh trợ cấp khỏi trở thành "homeless".   Mỗi văn phòng GAIN phải chỉ định một nhân viên "đặc biệt" để giữ hồ sơ của những người "vô gia cư" này, và tôi đã được đề cử để làm nhân viên "đặc biệt" đó (chắc có lẽ sếp lớn của tôi nghĩ tôi thích hợp với cái công việc này nhất vì tôi đã từng có kinh nghiệm "homeless, country less" từ những ngày đầu tiên của hơn ba mươi năm về trước khi chúng tôi chân ướt chân ráo từ trại tị nạn Pendleton ra).  Công việc mới của tôi là phối hợp với những "Homeless Case Mangager" (Nhân Viên Giữ Hồ Sơ Vô Gia Cư) ở bên sở Welfare để giúp cho những người khách hàng "homeless" này những dịch vụ hỗ trợ của GAIN khi họ được chuyển qua văn phòng tôi.

*
Sáng thứ sáu vào sở, tôi nướng cái bánh bagel mới mua trên đường đi làm hôm nay và pha café sửa soạn cho mình bữa điểm tâm "thịnh soạn" nhất trong tuần.  Thứ sáu nào cũng vậy, ở nhà hay đi làm tôi cũng tự thưởng cho mình một miếng bánh bagel nướng quết bơ kem, hay là miếng bánh mì baguette nóng dòn quệt phó mát đầu bò, và một ly café sữa nóng hổi, thay cho cái món điểm tâm thường lệ là lúa mạch trộn với hạt lanh (flax seed) và bột lá xương rồng nấu trong sữa đậu nành nóng (để giúp giảm cao mỡ), món điểm tâm mà mỗi sáng tôi phải nhắm mắt nuốt cho trôi.  
 Tôi ngồi nhâm nhi miếng bánh bagel dòn rụm, hớp từng ngụm café thơm nóng và cố suy nghĩ xem làm sao có thể tìm ra một cái "success story" để nộp cho thượng cấp, vì nói cho mạnh miệng là "không lo" chứ thật ra chúng tôi cũng có phần e ngại khi nghe lời cảnh cáo của ông sếp về cái chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Thống Đốc Arnold Schwarzenegger.  Mới mấy tháng trước đây, ngài Thống Đốc đã đòi cắt bỏ hoàn toàn chương trình Welfare, đóng cửa hết mấy cái văn phòng trợ cấp xã hội, để có tiền bù đắp vào sự thâm thủng của ngân sách Tiểu Bang California.  Mà cắt bỏ chương trình Welfare rồi thì nhân viên GAIN chúng tôi sẽ thất nghiệp vì còn người khách hàng nào đâu để bắt đi tìm việc làm, cho đi học!   Lời hăm dọa của Thống Đốc Arnold đã làm cho workers làm việc ở mấy văn phòng Welfare sốt vó, rủ nhau lũ lượt đi biểu tình, xuống đường, trước cửa những văn phòng của chính phủ Tiểu Bang, phản đối ngài Thống Đốc.  Thấy vậy workers bên GAIN chúng tôi cũng hăng hái leo lên xe bus của nghiệp đoàn đi theo để hỗ trợ tinh thần đồng nghiệp.
Tôi còn đang nhẩn nha với bữa điểm tâm thì bà thư ký của tôi lù lù hiện ra trước ngưỡng cửa cubicle, phe phẩy tờ giấy màu hồng (tờ giấy báo có khách hàng đang chờ ở phòng đợi) trên tay:
-  Lily, có khách muốn gặp.
Tôi tròn xoe mắt nhìn bà thư ký.  Tôi chậm rãi gọi tên bà kèm thêm "tước vị đường hoàng" như chúng tôi vẫn thường dùng mỗi khi muốn "chí chóe" với nhau:
- "Lady" Helen, bà có "tỉnh trí" không"  Bà có nhớ hôm nay là thứ sáu, free day, "no appointment" không"  Hơn nữa, bà biết phương châm làm việc của tôi mà, không hẹn "sáng mơ sương", không hẹn "chiều bóng xế".  Giờ này là giờ... ăn breakfast, uống café.
Đã làm việc với nhau gần năm năm nên bà thư ký của tôi biết tính ý của từng worker trong nhóm.  Bà biết khi nào chúng tôi đi ăn trưa, và giờ giấc chúng tôi cho hẹn khách hàng, người thì thích cho hẹn vào buổi sáng, để "cho xong công việc", còn người thì thích hẹn khách hàng vào buổi chiều, vì "lúc đó mới tỉnh ngủ".  Bà thư ký của tôi cũng không vừa, đáp lại:
- "Lady" Lily, you có nhớ you là "Homeless Supportive Services Worker" không"  Và khách hàng "homeless" của you thì không cần you cho hẹn, khi nào muốn đến thì... cứ việc đến, đó là chưa kể "intake" (khách hàng mới) bất cứ lúc nào.
Tôi thở dài: 
- Mới sáng sớm mà có "intake" thật sao"
Bà thư ký của tôi lắc đầu:
- Không phải "intake", và người khách hàng này cũng không phải của you.
- Vậy thì của ai"  Tôi đâu có "on duty" (trực) bữa nay. 
Bà thư ký thản nhiên:
- Cũng không phải "duty" luôn.  Receptionist phone vào, nói người khách hàng này không có hẹn, cũng không có worker.  Hồ sơ đã đóng gần cả năm rồi, nhưng vì you là worker cuối cùng giữ hồ sơ đó, và người này nhất định là phải gặp cho được you.
Tôi nhẩy nhỏm:
- Hồ sơ đóng rồi thì vô gặp tôi làm gì nữa""
Helen chưa kịp trả lời tôi thì chuông điện thoại của tôi reo.  Nghe những tiếng reo, tôi biết ngay là điện thoại của Natasha, người thư ký ở ngoài phòng đợi, vì theo luật định (của sở tôi thôi) nếu sau khi gọi vào báo cho thư ký biết mà chúng tôi để khách hàng chờ quá mười lăm phút thì người này sẽ gọi cho worker, còn nếu để khách hàng chờ thêm mười lăm phút nữa thì sẽ gọi thẳng cho sếp.  Tôi cầm điện thoại lên chưa kịp nói "Hello" thì Natasha đã lên tiếng:
- Lily, you "có thể" gặp người khách hàng này không"
Tôi lầu bầu:
- Đương nhiên là "có thể" rồi, nhưng mà tôi đâu phải là worker của bà ta.  Bà ấy muốn vào lại GAIN thì chỉ cần gọi cho "intake clerk" (thư ký thiết lập hồ sơ mới) mà xin hẹn.  Tôi đâu có cho bà ta hẹn được đâu.
Natasha nhẫn nại:
- Lily, người này không muốn vào lại GAIN.  Bà ấy chỉ yêu cầu cho gặp you để nói tiếng... cám ơn.  Lily, ra gặp người ta một chút đi.
Tôi đành phải gói miếng bánh bagel đang ăn dở lại, cất miếng bánh và ly café vào trong góc tận cùng của bàn giấy đằng sau lưng tôi rồi đứng dậy cầm tờ giấy báo "có khách hàng chờ đợi" ra ngoài.  Thật tình tôi cũng cảm thấy hiếu kỳ muốn gặp người khách hàng đã đóng hồ sơ gần một năm trời rồi còn trở về gặp worker để nói tiếng... cám ơn. 
Trên đường đi từ cubicle ra phòng đợi, tôi "ngắm nghía" mãi cái tên Claudia Castillo ở trên tờ giấy báo mà cũng không hình dung ra được mặt mũi người khách hàng "đặc biệt" này.  Khi tôi gọi cái tên Claudia Castillo thì có một người đàn bà mặc một cái áo đầm màu xanh lá cây non tươi mát, trang điểm đẹp đẽ rời ghế đứng dậy tiến về phía tôi.  Tôi đưa người khách hàng vào cubicle của mình, đợi cho người đó ngồi ngay ngắn xuống cái ghế trước mặt, tôi mới hỏi:
- Tôi nghe nói bà không còn hồ sơ ở GAIN nữa, vậy tôi có thể giúp gì cho bà ngày hôm nay"
Người đàn bà đưa đôi mắt tròn to đen nhánh nhìn tôi:
- Lily, bà không nhận ra tôi thật sao"  Claudia, con mèo ướt của hai năm về trước đây mà!
Tôi ngẩn người ra nhìn người đàn bà mất mấy giây rồi à lên một tiếng.  Tôi chợt nhớ...

*
...Bốn giờ chiều, tôi đang sửa soạn đem quần áo đi thay để tập thể dục, đáp ứng lời kêu gọi của chương trình "Wellness" trong sở: "một tinh thần minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh" để còn hăng say làm việc, thì cái cửa sổ con con của màn hình email chớp lên báo hiệu có thư mới.  Tôi mở ra, một hàng chữ màu đỏ chạy dài với nhiều chi tiết:
 "New intake, Claudia Castillo, case number CA54321, is on the way.  She is homeless, currently in DV shelter.  Needs child care and transportation." DH.
Tôi càu nhàu, bực bội.  Cái anh chàng DH, Homeless Case Manager, ở bên sở Welfare này lại dở chứng nữa rồi, đã bao nhiêu lần tôi gửi email sang căn dặn là đừng có đưa khách hàng qua bên tôi trễ như thế này mà anh chàng không có chịu nhớ!  Đành rằng tôi phải phối hợp với anh chàng để phục vụ khách hàng homeless, nhưng đâu nhất thiết phải phối hợp một cách "chặt chẽ và cấp tốc" như thế này, nhất là người khách hàng này đã có nơi tạm trú an toàn ở nhà trú ẩn bạo hành!  Tôi chán nản cất bọc quần áo thể thao vào ngăn tủ, thế là tiêu mất 30 phút tập luyện của tôi.
Tôi bấm nút "chuyển tiếp" gửi cái email sang cho người thư ký thiết lập hồ sơ mới, kèm theo hình một bó đuốc đang bốc cháy dữ dội ở bên cạnh chữ "KHẨN" để người này ghi danh Claudia vào trong ngăn tủ hồ sơ điện toán của tôi ngay lập tức.  Đã quá quen thuộc với lối làm việc của nhau nên chỉ vài ba phút sau là tôi nhận được email của người thư ký trả lời: "XONG".  Tôi mở máy điện toán lên, đánh số hồ sơ của Claudia vào, tôi chỉ có được chừng mươi, mười lăm phút để duyệt qua những dữ kiện căn bản về hồ sơ của Claudia và sửa soạn những giấy tờ cần thiết trước khi gặp khách hàng.
Đúng bốn giờ hai mươi phút Claudia đến, không phải một mình mà với ba đứa con nhỏ.  Một tay Claudia dẫn hai đứa con gái khoảng sáu, bẩy tuổi, một tay đẩy xe, trong xe có một thằng bé cỡ gần một tuổi đang ôm bình sữa bú say sưa.  Claudia mới có 26 tuổi thôi nhưng không sửa soạn trang điểm gì, cộng thêm áo quần lôi thôi lếch thếch nên nhìn già hơn tuổi nhiều.  Tôi đưa cả gia đình Claudia vào cubicle của tôi, chờ mấy mẹ con ngồi yên nơi yên chỗ rồi mới bắt đầu cuộc phỏng vấn.  Qua lời tường trình của Claudia thì cô nàng vừa bị chồng đánh vào đầu bằng báng súng vì không chịu đưa tiền cho hắn đi mua rượu uống.  Claudia khóc lóc kêu cứu.  Hàng xóm phải gọi cảnh sát can thiệp.  Cảnh sát đến, còng tay anh chồng vũ phu cho vào "tĩnh tâm" trong khám nhỏ, đưa Claudia và mấy đứa con vào "House of Ruth", một nhà tạm trú cho những người bị bạo hành, rồi chuyên viên cố vấn ở "House of Ruth" mới làm giấy tờ chuyển sang sở xã hội xin trợ cấp Welfare cho Claudia.   Bởi thế nên Claudia trở thành "homeless".  Còn cái việc Homeless Case Manager gởi cô nàng qua văn phòng GAIN gặp tôi gấp rút như thế này vì Claudia cần xin trợ cấp giữ trẻ và tiền đổ xăng để sửa soạn đi học lớp thẩm mỹ sắp sửa khai trường.


Tôi hoàn tất buổi phỏng vấn nhanh chóng, cho Claudia cái hẹn vào sáng ngày hôm sau để trở lại văn phòng tôi làm một buổi sát hạch giám định ngành nghề rồi tôi gửi Claudia qua trường dạy nghề để ghi danh đi học.
Công việc tuần tự tiến hành.  Claudia đem giấy tờ ghi danh về nộp cho tôi và ký một hợp đồng chính thức với GAIN, bắt đầu một chương trình huấn nghệ để có thể tìm việc làm tiến tới sự tự lập trong tương lai.  Theo hợp đồng thì Claudia có đúng 12 tháng để theo học ngành thẩm mỹ.  Chương trình GAIN sẽ giúp cho Claudia tiền đổ xăng mỗi tháng để đi học, tiền mua sách vở, đồng phục, dụng cụ cần thiết cho ngành học.  Tôi cũng đã gửi đơn sang PUSD (Pomona Unified School District, một cơ quan phụ trách công việc cho tiền giữ trẻ) để cơ quan này chấp thuận giúp tiền trợ cấp giữ trẻ cho Claudia.  Lớp học thẩm mỹ của Claudia sẽ bắt đầu trong vòng hai tuần lễ tới, và thứ năm tuần sau này Claudia phải đến trường dự một buổi họp định hướng (orientation meeting) để xem có "thật sự" thích hợp với cái ngành nghề mình đã chọn. 
Tôi cũng giải thích kỹ càng cho Claudia nghe về bổn phận của người được chương trình GAIN trợ giúp.  Mỗi tháng Claudia phải gửi "phiếu điểm danh" (attendance report) báo cáo về giờ giấc đi học của mình xem có đúng như là hợp đồng đã quy định hay không, và mỗi ba tháng Claudia phải gửi "phiếu điểm" (progress report) về cho tôi để báo cáo sự tiến triển của việc học.  Nếu những bản báo cáo này không được nộp đúng giờ đúng giấc, thì chương trình GAIN sẽ không gửi tiền hỗ trợ cho Claudia đi học nữa.  Còn nếu Claudia cứ cúp cua không đi học đầy đủ số giờ được chỉ định, hay học hành không tiến triển tới đâu thì Claudia sẽ không được đi học nữa mà phải tham gia vào chương trình tìm việc làm hay một trong những hoạt động khác của Welfare-to-Work Plan.  Ngoài ra, tôi còn nhắc nhở cho Claudia nhớ là nếu muốn được ở miễn phí lâu dài trong nhà trú ẩn bạo hành "House of Ruth", thì Claudia phải theo đúng luật lệ của nơi này, phải tham dự những lớp học về cách đối phó với những phiền muộn chán nản, học lấy lại tự tin, học cách hoạch định tài chính, quán xuyến gia đình để có thể đương đầu với cuộc sống mới.

*
Một giờ kém mười phút.  Tôi vừa tắt máy điện toán để sửa soạn đi ăn thì chuông điện thoại reo.  Tôi nhìn cái điện thoại không biết là có nên bắt máy hay không.  Nếu mà tôi bắt máy bây giờ, gặp khách hàng nói dai dẳng thì mất hết cả thì giờ, thôi cứ để cho khách hàng nhắn tin vào máy nhắn, chuyện gì để đi ăn về hẵng tính.  Chuông reo thêm vài tiếng rồi ngưng, chắc là cái máy nhắn tin của tôi đang thâu lại lời nhắn.  Tôi xách giỏ dợm bước ra thì chuông điện thoại bên cubicle của người thư ký reo lên từng hồi, rồi tiếng Helen hỏi vọng sang:
- Lily, you đi ăn trưa chưa hay còn đó"
Tôi bước sang liếc người thư ký một cái thật dài, trả lời:
- You biết rõ ràng là tôi ở đây mà còn phải hỏi.
Helen nói nhỏ:
- Claudia Castillo đang khóc lóc dữ dội bên kia đầu giây, you có muốn nói chuyện với bà ta không"
Tôi thở dài:
- Chuyển về cho tôi đi.
Helen bấm nút chuyển lại điện thoại của Claudia sang máy tôi rồi nhanh chóng cầm ví đi ra, chắc bà ta sợ ở thêm một chút nữa là sẽ có thêm điện thoại sẽ làm trễ nãi giờ ăn trưa.  Tôi vừa cầm máy lên đã nghe tiếng Claudia thổn thức:
- Tôi xin lỗi, tôi biết giờ này là giờ ăn trưa của bà, nhưng tôi không biết làm sao hơn vì child care của tôi không được PUSD chấp thuận.  Little Citizens Center sẽ không nhận giữ con tôi chiều nay thì làm sao tôi có thể đi orientation vào lúc 3 giờ đây!  Lỡ kỳ này là một năm sau mới có lớp mới, làm sao tôi chờ cho nổi.
Tôi hỏi dồn dập:
- Tại sao không được chấp thuận" Bà không nộp đủ giấy tờ à"
- Không phải tôi thiếu giấy tờ, họ nói là không có gì xác nhận là tôi có orientation chiều nay.
- Tại sao bà không đưa cho họ tờ thông báo ngày giờ orientation" Bà có bản chính của tờ thông báo đó mà!
- Nhưng họ không chịu nhận tờ giấy này từ tay tôi.  Họ muốn worker phải fax giấy sang chứng nhận.
Tôi vò đầu bức tóc.  Cái cơ quan PUSD này có những luật lệ "kỳ quái" làm đau đầu chóng mặt bọn worker chúng tôi.  Ai đời khách hàng có giấy chứng minh trong tay mà lại còn bắt worker phải chứng thực.  Nhưng có bực mình cho lắm thì chúng tôi cũng không thể nào thay đổi được chính sách làm việc của PUSD vì trong quá khứ đã có nhiều khách hàng khai gian, khai dối với họ lắm rồi.  Tôi bảo Claudia:
- Thôi được, bà fax tờ thông báo đó cho tôi ngay, rồi tôi sẽ chứng thực và fax sang bên PSUD tức thời.
Trong khi chờ đợi Claudia fax tờ thông báo sang, tôi chạy như bay qua bên khu vực cubicle   của hai nhân viên cơ quan PUSD (hai người này có nhiệm vụ nhận đơn xin giữ trẻ từ chúng tôi rồi chuyển sang văn phòng trung ương của PUSD để nơi này chấp thuận).  Vừa mở cửa chạy vào suýt nữa tôi đâm sầm vào Eric, một trong hai nhân viên của PUSD đang từ từ bước ra.  Tôi hấp tấp hỏi:
- Eric, you đi đâu vậy"
Eric trợn mắt nhìn tôi:
- Đi ăn trưa chứ đi đâu nữa!  Chút nữa you húc chết tôi rồi. 
- Tôi xin lỗi.  Dorcas có đây không"
- Dorcas đi họp rồi, chỉ có một mình tôi bữa nay thôi.
Tôi vừa ra hiệu cho Eric quay trở lại cubicle của anh vừa nói:
- Vậy thì you chưa đi ăn trưa được đâu, tôi có vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết.
Eric bước lui về cubicle của mình nhưng không chịu ngồi xuống, anh chàng trố mắt nhìn xem tôi đang muốn dở trò gì.  Tôi cười cầu tài:
- I need a big favor, Eric.
Tôi nói cho Eric nghe nỗi khó khăn mà Claudia đang gặp phải, cô cần sự chấp thuận cấp tốc của PUSD để có thể đưa con tới trung tâm giữ trẻ vì cô phải đến trường dự buổi họp định hướng lúc 3 giờ chiều nay.  Eric mau mắn nói:
- Để tôi gọi qua cho David, sếp của tôi, hy vọng là ông ta chưa đi ăn trưa.
May mắn sao David vẫn còn ở văn phòng.  Eric trình bày với David vấn đề của Claudia.  Tôi không nghe được David nói những gì nhưng thấy Eric gật đầu cười nói "ok, ok" là tôi cũng an lòng.  Eric gác máy rồi quay lại tôi bảo:
- David sẽ gọi ngay cho Little Citizens Center để cho họ một cái "verbal approval" (chấp thuận bằng lời nói).  You có thể gọi cho khách hàng của you bảo bà ta cứ đem con đi gửi. Nhưng tôi cần phải có tờ giấy chứng nhận "orientation" ngày hôm nay từ you đó.  Trên đường đi ăn trưa, tôi sẽ ghé qua văn phòng chính để đưa cho worker bên đó tờ giấy này. 
Tôi nói:
- No problem, you sẽ có giấy chứng nhận ngay lập tức.
Nói xong, tôi ba chân bốn cẳng chạy ngược về phòng thư tín, nơi có đặt hai cái máy fax và cái máy copy, lấy tờ thông báo mà Claudia vừa fax sang.  Trở về chỗ ngồi của mình tôi viết một hàng chữ in bằng mực đỏ trên tờ giấy "PLEASE AUTHORIZE CHILD CARE, CLIENT HAS  ORIENTATION TODAY".  Xong, tôi ký tên và đóng dấu vào tờ giấy.  Tôi còn cẩn thận kẹp thêm một cái danh thiếp của tôi trên tờ giấy đó.  Tôi đưa tờ giấy chứng nhận sang cho Eric, tiễn anh  ra tới cửa văn phòng, chúc Eric một bữa ăn trưa ngon miệng rồi tôi trở lại bàn gọi điện thoại cho Claudia.  Trước khi xách giỏ đi ra tôi không quên bước sang cubicle của Helen, gắn cái note nhỏ lên máy điện toán của bà, báo cho Helen biết là giờ này tôi mới đi ăn trưa, không thôi người thư ký "dễ thương" của tôi sẽ bấm nút máy phóng thanh nhắn tìm tôi tở mở khi hơn hai giờ rưỡi chiều mà không thấy bóng dáng tôi đâu!! 

*
Claudia rất siêng năng, học giỏi, nên phiếu điểm bao giờ cũng được những chữ A.  Tuy bận bịu với ba đứa con và những giờ học "cải thiện đời sống" ở  "House of Ruth", nhưng Claudia vẫn chăm chỉ đến trường đều đặn, đáp ứng đầy đủ những giờ giấc mà chương trình GAIN đã quy định. 
Nhưng không phải tháng nào cũng suôn sẻ như tháng nào.  Có một tháng Claudia đã "sấn sổ" chạy vào văn phòng tôi với phiếu điểm danh hàng tháng mà bù lu bù loa.  Tôi nói "sấn sổ" là  vì Claudia đến mà không báo trước, lại vào lúc tôi đi ăn trưa.  Cơ khổ, thường thì tôi vẫn "cố gắng" đi ăn về đúng giờ (bởi thế tôi đâu có bao giờ cho khách hàng cái hẹn vào giờ trưa đâu), nhưng thứ sáu ngày hôm đó thay vì đi ăn tôi lại chạy qua cái tiệm "Pretty Nails" bên cạnh sở để o bế mấy cái móng tay sửa soạn đi dự đám cưới ngày thứ bảy.  Tôi sốt cả ruột khi nhìn cô thợ làm móng tay mới ra nghề (tôi nghĩ vậy) ngồi "mân mê" đôi bàn tay của tôi hơn cả tiếng đồng hồ, mặc dầu buổi sáng tôi đã cẩn thận gọi qua bên tiệm lấy hẹn và cho biết là tôi chỉ có một tiếng đồng hồ ăn trưa thôi đó.  Vừa làm cô ấy vừa nói chuyện với mấy người thợ trong tiệm, và cũng không quên liếc ngang liếc dọc cái màn hình tivi treo ngang giữa tiệm đang chiếu vở Điêu Thuyền (Hồng Đào) hí Lữ Bố (Quang Minh).  Biết là đã quá giờ ăn trưa nên khi cô thợ vừa sơn xong ngón cuối cùng thì tôi đã phải tất tả chạy về văn phòng không kịp chờ sấy cho khô.  Vừa mở cánh cửa ngăn cách phòng đợi và phòng làm việc định bước vào trong thì tôi nghe tiếng Claudia hối hả gọi giật lại:
- Mrs. Lily, tôi đợi bà hơn 30 phút rồi. 
Tôi ngẩn người nhìn Claudia:
- You đâu có hẹn với tôi bữa nay.
- Tôi biết, nhưng tôi phải đến giải thích cho bà về bản báo cáo tháng vừa rồi.
    Tôi đưa Claudia vào cubicle của mình.  Claudia đặt tờ phiếu điểm danh lên bàn nhìn tôi, ngập ngừng:
- Tháng vừa rồi tôi nghỉ nhiều quá, tại ba đứa nhỏ bịnh hết.  Chăm cho tụi nó xong rồi thì tới phiên tôi bịnh, nên tôi đã không đi học đầy đủ những giờ GAIN đòi hỏi.  Đừng phạt tôi nghe Mrs. Lily.
Tôi ngán ngẫm nhìn tờ phiếu điểm danh trước mặt.  Theo hợp đồng, mỗi tháng GAIN chỉ cho có hai ngày nghỉ hợp lệ mà cô nàng đã nghỉ hết... hai tuần.  Giá mà Claudia có "kinh nghiệm" như những khách hàng lâu đời của chương trình GAIN thì cô nàng đã không hớt ha hớt hải vào gặp tôi hôm nay, Claudia chỉ có việc gửi kèm theo cái "report" này một bản khai báo về "trường hợp bất khả kháng" là đã được... "tha thứ" rồi.  Tôi đưa tờ affidavit (bản khai) cho Claudia:
- Thôi giải thích vào đây cho tôi, hứa lần sau không tái phạm, xong rồi thì xòe tay ra cho tôi khẻ nhá.
Claudia tươi cười nhìn tôi, lúi húi viết vào tờ giấy. Tôi nhận bản khai từ tay Claudia, ký tên chứng thực, đề ngày rồi kẹp vào hồ sơ.  Đưa Claudia ra đến cửa phòng đợi nói "good bye" xong, tôi còn dặn dò:
- Làm ơn nhớ giùm tôi, muốn gặp tôi thì gọi tôi trước để lấy hẹn, đừng có "xuất hiện bất thình lình", nhất là vào buổi trưa nữa nghe không" 

*
Sáu tháng sau, tôi gọi Claudia vào văn phòng để làm giấy xin trợ cấp gia cư ở "Affordable Housing" bên thành phố Upland vì nơi này vừa gửi email thông báo cho tôi biết là họ sẽ bắt đầu nhận đơn xin mới.  Thành phố Upland này thuộc vào Quận San Bernardino, nhưng chương trình "Affordable Housing" này lại dành ưu tiên cho những người đang lâm vào cảnh vô gia cư, nhất là những người phải "ăn nhờ ở đậu" trong những nhà trú ẩn bạo hành.  Nếu xin được trợ cấp gia cư này thì Claudia đỡ khổ ghê lắm, vì chính phủ sẽ giúp trả cho Claudia một phần lớn tiền thuê nhà, Claudia chỉ phải trả phần còn lại theo khả năng tài chính của mình thôi.
  Claudia lúc này đã tươi tắn hơn xưa.  Cô nàng trang điểm đẹp đẽ hơn những ngày đầu tôi đã gặp.  Tôi khuyến khích Claudia:
- Phải vậy chứ, học ngành thẩm mỹ mà, you phải sửa soạn một chút cho bắt mắt khách hàng, chứ đừng ủ rũ như...
Tôi ngập ngừng, tôi muốn nói là "như con gà nuốt giây thun", nhưng lại không biết dịch làm sao, chẳng lẽ nói là... "like chicken swallows rubber band".
Claudia tiếp lời tôi:
- ...như con mèo ướt sũng dưới mái hiên...
Tôi trố mắt nhìn Claudia, cô nàng này cũng có máu tếu chứ chẳng phải chơi.  Ngày xưa, ông thầy Nguyên Sa của tôi chỉ có ví em như "con mèo ngái ngủ trên tay anh" thôi chứ đâu có ví em như "con mèo ướt sũng".  "Con mèo ướt sũng dưới mái hiên", nghe cũng hay hay, nhưng tôi đâu có dám gật đầu đồng ý với cô nàng.  Bởi vì so sánh khách hàng như là con mèo ướt là một điều không nên làm, khách hàng mà mách lại với sếp lớn là phiền to.  Một bà bạn đồng nghiệp của tôi đã bị giám đốc gọi vào văn phòng khiển trách vì bị khách hàng than phiền là bà đã "dám" nói với khách hàng của bà:
- Tôi có phải là nhà ảo thuật đâu! 
Khi bị sếp lớn rầy la, bà đồng nghiệp của tôi đã gân cổ cãi:
- Không đúng sao"  Tôi đâu có thể "biến hóa" nhanh chóng như khách hàng đòi hỏi...
Claudia thong thả nói tiếp:
- Con mèo sợ nước mà phải không Mrs. Lily.  Tôi như con mèo đang bị mưa xối xả dội ướt từ đầu tới đuôi.  Tôi đã phải núp mình trong mái hiên để khỏi bị mắc mưa nữa.  Bà là cái mái hiên đó, đã che chở giúp đỡ cho tôi qua những cơn mưa hoạn nạn.
Tôi xua tay:
- Ấy, đừng có khen tôi nhiều đến vậy, tôi chỉ làm công việc của tôi thôi. 
Và hôm ấy, "con mèo sũng nước" đã ngồi kể tỉ mỉ cho tôi nghe về cuộc đời gian truân của cô.   Claudia với chồng, Oscar, là "high school sweethearts", yêu nhau say đắm, vừa ra trường là đã lấy nhau ngay.  Cũng không có chuyện gì phải phàn nàn vì Oscar có công ăn việc làm tốt, anh lái xe vận tải chở hàng đi xuyên bang, tiền bạc ra vào rủng rỉnh.  Hai người mua được một cái condo nho nhỏ ở vùng La Verne yên tĩnh.  Oscar đi làm, Claudia ở nhà chăm ba đứa con.  Kinh tế suy thoái, Oscar không nhận được nhiều chuyến hàng như trước.  Rồi những tháng sau đó thì Oscar không còn nhận được chuyến hàng nào cả.  Từ công việc lái xe vận tải, Oscar chuyển sang lái xe bus cho trường học, nhưng chỉ được làm bán thời gian thôi, vào những giờ phải đưa đón học sinh.  Tiền bạc thiếu hụt, Claudia phải xin đi làm ở một quán ăn gần nhà, nhưng thu nhập của hai vợ chồng không thấm vào đâu với những món nợ tiền nhà, tiền thẻ tín dụng đang phải trả.  Sau mười tháng không trả nổi tiền nhà, gia đình Claudia đành phải giao trả căn condo cho ngân hàng và dọn về ở tạm với gia đình chị của Oscar ở một chung cư vùng Pomona.  May là hai cái xe cũ mua đã trả dứt từ lâu nên Claudia và Oscar mới còn phương tiện đi làm.  Hai tháng sau thì nhờ chị của Oscar quen với người quản lý chung cư nên Claudia mới mướn được một căn chung cư hai phòng trong cùng khu vực.  Tìm mãi không được việc làm như ngày trước nên Oscar chán nản mượn rượu giải sầu, và kiếm chuyện gây gỗ mỗi lần Claudia đi làm về trễ.  Oscar cũng đã từng tát tai Claudia nhiều lần trong những lúc nóng giận và Claudia đã cố nhịn.  Nhưng đến khi Oscar đập báng súng lên đầu Claudia thì cô thật sự hoảng hốt vì sợ bị chồng bắn nên đã tông cửa ra ngoài kêu cứu, và hàng xóm đã giúp nàng gọi cảnh sát đến còng tay Oscar dẫn đi...  Vì sự an toàn của Claudia và mấy đứa con, chuyên viên cố vấn ở "House of Ruth" đã đề nghị Claudia thôi việc làm đêm ở quán ăn và tìm một ngành nghề đi học để có một tương lai sáng sủa hơn, và Claudia đã chọn ngành học làm chuyên viên thẩm mỹ.
Tôi ngồi nghe Claudia kể chuyện mà cảm thương cho tình cảnh của Claudia, nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn là chỉ phác họa được cho Claudia một hình ảnh một tương lai tốt đẹp hơn sau khi cô học tới nơi tới chốn và có việc làm đàng hoàng.  Tôi cũng nói với Claudia là khi nào cần cứ việc gọi điện thoại cho tôi, cho dù là chỉ để... chia sẻ với tôi vui buồn chuyện gió sương... 
Nhờ học hành giỏi giang, nên ba tháng trước khi Claudia hoàn tất chương trình học, cô đã được một bà giáo dạy trong trường huấn nghệ giới thiệu cho đi tập sự ở một tiệm cắt tóc ở gần trường, và được nhận làm toàn thời gian ở nơi này sau khi ra trường.  Tôi tiếp tục giúp cho Claudia tiền đổ xăng đi làm khoảng đâu chừng hai tháng thì nhận được giấy báo là "Affordable Housing" ở thành phố Upland đã chấp thuận đơn xin trợ cấp gia cư của Claudia, gia đình cô sẽ dọn về nơi ở mới.  Tôi phải chuyển hồ sơ của Claudia sang cho văn phòng GAIN Quận San Bernardino vì Claudia không còn được hưởng trợ cấp của GAIN từ Quận Los Angeles nữa... 

*
Tôi thật tình không nhận ra một nét quen thuộc nào của người ngồi trước mặt vì Claudia đã thay đổi nhiều.  Claudia còn có vẻ "mũm mĩm" hơn trước.  Tôi vui vẻ nói:
- Chao ôi, con mèo sũng ướt của ngày xưa đã thay một bộ lông hoàn toàn mới mẻ rồi, thì bảo làm sao tôi nhận cho ra được chứ!  Thế nào, mấy đứa nhỏ khỏe không" Công việc làm ăn tiến triển tốt đẹp chứ" 
Claudia mỉm cười:
- Cám ơn bà đã nhớ mấy đứa nhỏ, chúng lớn như thổi và rất ngoan.  Tôi xin lỗi đã không gọi "báo cáo" cho bà từ ngày dọn vào "Affordable Housing" tới nay, cũng vì tôi bận nhiều việc quá.  Nào phải lo chỗ ở mới, việc làm mới, lo chuyển trường cho con, và phải đi hầu tòa bao nhiêu lần để lo vụ ly dị và đòi quyền nuôi giữ mấy đứa con.  Đến bây giờ thì mọi việc đã ổn thỏa rồi, tôi mới nghĩ đến việc thăm bà.  Tôi cũng xin lỗi là đã "xuất hiện bất thình lình" không gọi bà để lấy hẹn trước như lời bà dặn, bởi vì tôi muốn dành cho bà một sự ngạc nhiên.  Và tôi cũng xin lỗi là đã phải đến sớm như thế này, nhưng sau khi thăm bà rồi tôi phải đi làm, mà tiệm tôi làm ở mãi Fontana.
- Vậy là Claudia hết làm ở cái tiệm gần đây rồi hả"
- Tôi xin được việc làm mới sau khi dọn qua Upland vài tháng.  Tiệm mới là một trung tâm thẩm mỹ lớn trong khu shopping Victoria Gardens vừa khai trương, ở góc hai freeways 15 và 210 đó.  Khách hàng khá hơn và tiền "tip" cũng nhiều hơn.
Claudia lấy trong giỏ ra một cái thiệp và một hộp kẹo See s Candies khoảng 1 pound đưa cho tôi.  Tôi lắc đầu từ chối:
- À, tôi không ăn hối lộ được đâu nhá!
- Tôi có còn là khách hàng của bà đâu mà bà sợ bị nói là ăn hối lộ.
- Cũng không được, vì tôi phải ăn kiêng đó, cái lượng đường của tôi lên đến 118, gần tới mức nghiêm trọng rồi, tôi không ăn ngọt được đâu.
Tôi cầm lấy cái thiệp:
- Tôi sẽ nhận cái thiệp này, còn hộp kẹo thì tôi không trả lại you, nhưng tôi tặng lại cho mấy đứa trẻ, coi như là quà của tôi cho chúng nó.
Tôi đứng dậy, cầm lấy cái bình hoa nhỏ hình con cóc có trồng mấy cây trúc thần tài của tôi đang chưng trên nóc tủ sắt đựng hồ sơ đưa cho Claudia:
- Còn đây là quà "good luck" của tôi tặng Claudia, chúc mừng cho sự thành công của you. 
Claudia cầm cái bình hoa của tôi đưa nói:
- Cám ơn bà ghê lắm, nếu không có sự giúp đỡ tận tình của bà thì tôi đã xuôi tay trước những trở ngại đó rồi.
Claudia cười hóm hỉnh: 
- Tôi là "single mom" mà giỏi quá phải không Mrs. Lily.  Một mình chăm ba đứa con mà tôi cũng học hành tới nơi tới chốn, đã tiến được tới sự tự lập.  Tôi bây giờ không còn được lãnh  tiền Welfare nữa, vì lương bổng hằng tháng đã quá tiêu chuẩn luật định, tôi chỉ còn được một chút Food Stamps thôi.  Ngoài ra tôi cũng còn được hưởng trợ cấp Medi-Cal, và tiền trợ cấp giữ trẻ, tuy nhiên tôi phải đóng góp một số tiền "share of cost" nhỏ nhoi.  Chỉ có tiền hỗ trợ đổ xăng mỗi tháng của văn phòng GAIN Quận San Bernardino là vẫn còn nguyên vẹn từ gần một năm nay.  Nhưng họ vừa gửi giấy báo cho tôi, nói vì ngân sách thiếu hụt nên chương trình trợ cấp này cũng sẽ bị cắt giảm.  Tôi chỉ còn nhận được dịch vụ hỗ trợ này của GAIN 3 tháng nữa là hết.     
Tôi nhìn Claudia, tôi muốn nói Claudia cũng giỏi như những người đàn bà Việt Nam của xứ tôi vậy.  Đã có biết bao nhiêu người đàn bà Việt Nam sau cuộc đổi đời năm 1975 đã trở thành "single mom" một thân một mình bươn chải, không quản ngại gian lao khó nhọc, nuôi bao nhiêu đứa con thành tài trên xứ người.  Tôi muốn giải thích cho Claudia hiểu cái câu danh ngôn mà người dân nước tôi đã thuộc nằm lòng, và đã áp dụng từ những ngày đầu tha hương để vượt qua những gian nan, khốn khó và đã mạnh tiến trên vùng đất mới:  "đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông" nhưng Anh Ngữ của tôi "giỏi quá" nên tôi chẳng biết thông dịch nguyên câu này ra sao.  Tôi cười bảo với Claudia:
- Claudia giỏi chứ.  Giỏi vì đã có ý chí, nghị lực vượt qua những trở ngại mà Claudia phải đương đầu.  Có ý chí là làm được tất cả.  Đừng đầu hàng trước trở ngại, bởi vì chân cứng thì đá cũng sẽ phải mềm.  Đừng sợ việc làm khó, mình chỉ sợ là mình không dám làm việc khó đó mà thôi.  "Where there is a will, there is a way" mà phải không" 
Claudia gật đầu:
- Vâng, Mrs. Lily, tất cả là do ở nơi mình, nếu không quyết chí là mình sẽ ngã lòng, và mình sẽ không làm được gì cả.  Đã bao nhiêu lần tôi đã muốn buông tay.  Nhưng tôi đã tự bảo mình là phải cố gắng lên.  Và tôi rất vui mừng khi tôi đã đạt được thành quả ngày hôm nay.  Tôi đã có công ăn việc làm tốt đẹp.  Điều mong muốn cuối cùng của tôi là có thể mua một cái condo nho nhỏ cho bốn mẹ con tôi ở, khoảng dưới trăm ngàn thôi.  Tôi đang để dành cho đủ 3% số tiền làm giấy tờ, rồi sẽ nộp đơn xin trợ cấp "down payment" cho những người có lợi tức thấp.  Tôi sẽ có nhà riêng của tôi.  Tôi sẽ làm được điều đó phải không Mrs. Lily"
Tôi vỗ nhẹ trên bàn tay Claudia:
- Nếu chúng ta nghĩ là chúng ta có thể làm được, thì chúng ta sẽ làm được, "to think we are able, is almost to be so". 

*
Tiễn người khách "đặc biệt" của buổi sáng hôm nay ra về rồi tôi hân hoan đi hâm nóng lại nửa ly cafe và ngồi "gặm" nốt phần bánh bagel cứng ngắc còn lại.  Xong, tôi phủi tay sạch sẽ, mở máy điện toán, lật trang giấy mới của "Microsoft Word" ra xếp đặt ý nghĩ của mình để viết lại cái chuyện "có chí thì nên" của Claudia.  Chắc là ông sếp tôi sẽ vui lắm đó vì tháng này nhóm tôi sẽ có được một "câu chuyện thành công" để nộp cho văn phòng trung ương.  Tôi sẽ tận dụng hết vốn liếng Anh Ngữ của mình để viết cái "success story" này theo ý tôi, rồi tôi sẽ nhờ thằng con nhỏ của tôi duyệt lại cho đúng văn phạm, chính tả trước khi tôi gửi nộp.  Tôi nhất định sẽ không "để" cho ban biên tập của County Digest có cơ hội cắt xén, thêm bớt bài viết của tôi.  Thường thì những "câu chuyện thành công" không có tựa đề, chỉ bắt đầu bằng cái tên của khách hàng, nhưng để cho có vẻ đặc biệt, bắt mắt độc giả, tôi sẽ để bài viết "sucess story" của tôi dưới một cái tựa đề.  Và cái tựa đề ấy sẽ là... "Không Khó Vì Ngăn Sông Cách Núi..."
Bảo Trân
BẢO TRÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,073,730
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.