Hôm nay,  

Nhật Ký 1975

05/01/200500:00:00(Xem: 147591)
Người viết: TRẦN CHI LIÊN
Bài số 690-1232-02-vb8020105

Năm mới 2005 là năm thứ ba mươi kể từ ngày miền Nam sụp đổ. Đây cũng là thời điểm đánh dấu ba mươi năm người Việt vượt biển tìm tự do, từ đó khai sinh cộng đồng Việt hải ngoại. Biết bao nhiêu điều không thể nào quên... Xin mời bạn cùng viết, cùng đọc.
Sau đây là những trang “Nhật Ký 1975 của tác giả Trần Chi Liên. Bà Liên hiện là một công chức tiểu bang, đã dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với bút hiệu Thiên Ân, truyện “Nửa Dòng Máu Việt” đã được tặng giải thưởng đặc biệt.

Ngày 21-4-1975
Cả tuần nay anh Văn chạy lên chạy xuống với khuôn mặt lo lắng và hôm nay nhờ mình đi mua một lô gạo sấy, chẳng biết anh đang tính toán chuyện gì!!! Trước giờ ăn trưa, đang cùng bạn bè trong sở bàn thảo về tình hình đang sôi động trong nước rồi phân vân không biết cuộc chiến sẽ đi về đâu thì nhận được điện thoại của Phương: "chị Linh, về nhà gấp!!!" Vừa thu xếp giấy tờ trên bàn, vừa lo lắng, chạy vội lên phòng an ninh dùng điện thoại quân sự gọi cho Đăng báo: "Em không biết có chuyện gì mà Phương gọi bảo em phải về ngay. Anh thu xếp rồi về nhà một chút xem có chuyện gì không nghe!"
Về đến nhà, bố với khuôn mặt trầm tư ngồi trong phòng khách. Tuy đã lớn tuổi nhưng bố lúc nào cũng vui vẻ, năng động, chưa bao giờ mình thấy bố có vẻ mặt nặng nề đến như thế. Chạy vội lên lầu, mẹ và các em đang lăng xăng bỏ vội vài bộ quần áo vào tay nải. Mẹ bảo: "Con lo thu xếp vài thứ cần thiết cho con và cu Bi. Chị Anh cho biết mình sẽ đi vào trưa nay." Mình hoang mang, cho dù được chị Anh cho biết là trước sau gì miền Nam cũng mất, nhưng không thể ngờ lại đến nhanh đến thế. Chẳng phải là họ đã đi đêm với nhau là sẽ GIAO miền Nam vào giữa Tháng Năm sao" Mang cái gì đây" Mấy hộp sữa Guigoz cho thằng con, quần áo của anh chàng, áo len nữa, thế đấy cũng đã đầy cả một túi xách rồi. Đăng vừa về đến nơi, tuy không ai nói gì nhưng đã đoán được mọi chuyện, anh bỏ thêm quyển hình thời thơ ấu của mình vào trong túi sách cười bảo: "Bỏ thêm bảo bối này của em vào. Công mẹ mang theo từ Bắc vào Nam." Trong lúc mình quýnh quáng bao nhiêu thì Đăng lại tỉnh như người Aêng Lê bấy nhiêu. Mình hỏi: "Anh có đi luôn với gia đình không"" Đăng cầm tay mình nắn nhẹ: "Anh đi ngay bây giờ làm sao được! Anh đang còn công vụ trên mình mà! Đi bây giờ là đào ngũ đấy em biết không" Mang con đi trước với chị Anh cho an toàn, anh nằm trong phi trường, muốn đi lúc nào mà chẳng được. Còn anh Công nữa, chẳng lẽ anh Công không dành cho anh một chỗ trên máy bay của anh ấy sao" Yên tâm đi cưng!!!"
Mẹ vừa lo thu xếp quần áo cho các con vừa trông ngóng hai thằng con trai. Lương vùa chạy lên đơn vị từ sáng sớm, không làm sao liên lạc được. Lam chạy đi chơi với đến giờ này vẫn chưa về. Mẹ đi ra đi vào, trông đứng trông ngồi. Mình không biết phải làm sao vì chính bản thân cũng không biết mình đang làm gì nữa. Đăng vẫn ở bên cạnh vỗ về, yên ủi.
Một giờ đồng hồ sau, xe của bạn chị Anh đến, chở cả gia đình đi. Cuối cùng Lam về đúng vào lúc xe sắp sửa lăn bánh. Trước khi đi mẹ dặn Đăng liên lạc với Lương rồi hai anh em rủ nhau mà đi sau. Đăng hứa với mẹ sẽ làm theo ý mẹ. Mình cảm thấy liều lĩnh thật. Chưa có được một sự chuẩn bị nào cả. Mình đi theo mọi người như một bộ máy. Bao nhiêu lần quay lại nhìn Đăng, anh chỉ cười vẫy tay chào, nhìn theo không nói thêm một lời nào. Xe chạy rồi mà thần trí mình vẫn còn hoang mang, tưởng chừng như trong một giấc mơ. Đến điểm hẹn, căn biệt thự lại cửa đóng then cài. Một người đàn ông nhỏ nhắn, dáo dác nhìn chạy vội ra nói: "Điểm hẹn lộ rồi, chịu khó chạy lên khu Bánh Bao Bà Cả Cần." Xe lại chạy. Đi kiểu gì mà lén lút như thế này" Có khác gì chạy trốn đâu" Hỏi chỉ để tự hỏi trong lòng mà nào dám mở miệng thành lời. Mọi người đều im lặng. Nặng nề quá đi thôi. Đến điểm hẹn mới, chao ơi, toàn người là người. Ai cũng mang cả vali theo. Nhìn lại gia đình mình, mỗi người chỉ có một tay nải nhỏ, chứa vài bộ quần áo. Tiền mang theo, hình như chỉ có đúng một trăm đồng đô la xanh. Hôm nay là lễ Tổ Hùng Vương, ngân hàng đóng cửa, làm sao mà rút tiền ra. Bao nhiêu vàng dành dụm, mẹ vừa bán ra để xây nhà. Công sức bố cả hai mươi mốt năm ở miền Nam đã không còn gì cả, bảo sao bố không lặng lẽ.
Gia đình chưa ai ăn trưa nhưng không ai thấy đói. Gần hai tiếng sau, chiếc xe bít bùng - loại xe chở đồ đông lạnh - chạy đến. Mọi người được chỉ thị "yên lặng lên xe vào phi trường". Đứng trên xe như đứng trong một lò sát sinh, ngạt thở đến chết người. Mẹ bế thằng con - im lặng. Mình lo sợ hỏi: "Mẹ ơi, cu Bi còn thở không vậy"" Tội nghiệp thằng con vừa hơn năm tháng của mình!!! Đến phi trường mọi người đều như vừa trong phòng tắm hơi ra. Bố gần đứt hơi, nhỏ Vi xỉu, thằng con phờ phạc không khóc nổi. Lại thấy đầy người là người ngồi lê lết dưới đất trong phòng. Khuôn mặt người nào cũng đầy nét ưu tư. Chị Anh cho biết cấp trên Việt-Mỹ đang thảo luận với nhau về số phận những người đã vào được trong phi trường. Bên Hoa Kỳ, họ định nghiã gia đình chỉ gồm vợ chồng con cái mới được cho đi, trong khi Việt Nam mình định nghiã gia đình còn gồm cả ông bà cha mẹ anh chị em... Cứ thế mà bàn cãi. Đến tối mọi người mới thấy mệt và đói, cũng may mình mang theo một ít gạo xấy mua ban sáng cho anh Văn, lấy ra để mọi người nhấm nháp cho đỡ đói, rồi tựa lên nhau nhắm mắt tịnh thần và... chờ đợi. Mình viết vài hàng gửi một anh lính Không Quân đem ra ngoài cho Đăng và biếu anh số tiền VNCH còn lại trong túi. Không biết anh có tìm được Đăng mà đưa không! Chưa gì mà đã nhớ nhau muốn chết rồi Đăng ơi!
Ngày 22-5-1975
Thêm một ngày dài chờ đợi, cuối cùng vì sự an toàn của những người đã bỏ hết mọi sự CHẠY TRỐN cộng sản trước ngày họ đến, Hoa Kỳ chấp nhận cho đi hết. Mình không biết có bao nhiêu chiếc DC 10 bốc cả bao nhiêu người đang nằm trong phi trường. Chiếc máy bay chở gia đình mình mãi đến 8g30 tối mới bốc khỏi mặt đất. Số người trên máy bay quá đông nên mọi người ngồi la liệt trên sàn. Thằng con vừa đói vừa khát nên khóc ngất. Tuy có sữa nhưng không có nước sôi để pha nên cu cậu không thèm ăn. Mình không biết làm sao nên cũng ngồi khóc theo con.
Thành phố Saigon đang xa dần ở đàng sau. Bố ngồi suy tư. Từ đầu đến cuối bố không nói một lời nào. Mẹ ôm mình và thằng con vào lòng khóc xụt xùi. Thương cho bố mẹ hai lần bỏ quê hương, tuổi già đã đến mà vẫn chưa được yên thân, giờ lại phải lưu lạc xứ người. Đăng ơi, em thật sự xa anh rồi đó. Anh nói phải giữ lời: "anh nằm trong phi trường, đi lúc nào chả được". Anh mà không theo em, em sẽ giận anh chết được đó. Chúng mình đang xa dần nhau như con chim sắt đang đưa em xa dần thành phố đầy kỷ niệm của em. Em ra đi không một lời giả từ cha mẹ và gia đình chồng, họ hàng, bạn bè của em. Chúng nó sẽ giận em cho mà xem. Không biết đến bao giờ em mới gặp lại mọi người"
Đến 11g khuya mọi người đến căn cứ Clark ở Phi Luật Tân. Cả một đêm thức trắng cùng chị Anh đi làm thủ tục giấy tờ đến 6g sáng hôm sau mới xong
Ngày 23-5-1975
Sau khi xong mọi thủ tục, xe bus chở mọi người đi ăn sáng rồi đưa về khu lều tạm trú. Tuy đói lả nhưng mình nuốt không trôi vì mệt. Hai ngày qua đã làm tiêu hao quá nhiều năng lượng nên mình ngủ li bì. Trong giấc ngủ vẫn mơ thấy Đăng và Lương.
Ngày 25-4-1975
Mỗi ngày qua đi là nỗi ân hận tăng thêm. Nếu mình cứ xúi Đăng bỏ đơn vị đi đại với mình thì hai đứa đã chẳng phải xa nhau như thế này. Hai ngày qua, mỗi ngày mình chạy lên văn phòng hội Hồng Thập Tự mấy lần để nhờ họ dò danh sách người đi có tên hai anh em Đăng không" Họ thông báo đến 11g đêm nay sẽ rời căn cứ Clark để đến khu tạm trú khác. Lại xa anh thêm một khoảng đường dài nữa. Mỗi lần di chuyển là mỗi lần thương ơi là thương thằng con bé bỏng chịu thêm nhiều gió sương. Đăng ơi! Em đang buồn quá chừng chừng, anh đang ở đâu vậy"
Ngày 26-4-1975
Hơn 2g chiều máy bay thả đám người "tỵ nạn" đến khu lều vải ở Orote Point bên đảo Guam. Hình như đây là một khu rừng vừa được khai phá cho người tỵ nạn tạm trú vì máy cắt máy cầy vẫn đang tiếp tục làm việc nên bụi đất bay mù trời. Thiếu thốn đủ thứ và bẩn thỉu. Họ chỉ định lều ở cho mỗi gia đình. Lượng người đến quá đông nên mỗi người phải tự đi khênh từng cái ghế bố nhà binh để nằm. Mãi đến 5g chiều mới tạm gọi là ổn định và được ngả lưng sau quãng đường dài quá dài. Chung quanh là biển xanh, xanh ngắt một mầu làm mình nhớ nhung thêm. Biển ở đây tuy có xanh nhưng không thơ mộng bằng biển cả của mình. Tại vì biển hay tại vì lòng mình đang trống vắng" Mới có mấy ngày cả bố mẹ lẫn thằng con đều ốm nhom. Bố mẹ như già thêm cả chục tuổi. Nhìn đàn em nhỏ dại - thật vô tư nhưng vẫn hằn nét hoang mang. Mình chỉ còn biết phó thác cho bề trên, cầu xin Chúa và Mẹ Maria gìn giữ những người còn ở lại và tăng sức cho những người đã ra đi chấp nhận cuộc đời mới nơi xứ người.
Ngày 29-4-1975
Mấy ngày qua, ngày nào cũng đến từng dẫy lều tìm người quen (hay tìm anh em Đăng"), nhắn tin bao nhiêu lần vẫn chưa thấy bóng dáng ai! Chúng mình đang xa nhau bao nhiêu ngàn cây số trong khi tình hình Saigon mỗi lúc một nguy ngập rồi hả Đăng" Anh và Lương đã rời khỏi Saigon chưa" Những người rời Saigon sau em mấy ngày cũng đã đến đây rồi mà hai anh em vẫn chưa thấy đâu!
Sáng nay gặp anh Công cũng đang đi từng dẫy lều tìm gia đình mình vì Đăng cho anh biết gia đình đã đi. Anh bảo: "ngày anh đi, anh gọi chú ba lần, không lần nào có chú trong văn phòng, đến chiều anh không thể đợi được nên phải đi thôi. Anh xin lỗi cô đã không mang chú theo." Lại một lần mình khóc đẫm gối chăn. Mỗi lần mất đi một nguồn tin là mình mất đi một tia hy vọng. Buổi chiều gặp Lựu, hắn nói hôm 22-4 Đăng đến xin phép cho mình nghỉ và gửi lời giả từ mà rơi nước mắt. Thiên hạ đang xôn xao tìm nhau. Chờ mãi vẫn chẳng thấy tên hai anh em trong danh sách, đành phải thất thểu về lều. Mình buồn đến héo hắt nhưng lại không dám tỏ cùng ai ngoài việc âm thầm khóc cùng biển đen.
Ngày 30-4-1975
Ngày tận cùng của tháng Tư cũng là ngày Saigon thất thủ. Xe tăng của những người cùng mầu da cùng tiếng nói nhưng khác chủ nghĩa đã dẵm nát Saigon của em mất rồi Đăng ơi! Anh đang ở đâu" Đơn vị của anh ra sao rồi" Huynh đệ chi binh của anh còn với anh hay đã tan tác mỗi người một nơi" Em nghe tin phi trường đã bị pháo vào tối 28, hai anh em anh có còn trong đó" Có thoát khỏi bom đạn không" Hỏi để mà hởi, có ai cho mình câu trả lời nào đâu. Ngày Quân Lực năm nào xe tăng vào thành phố để biểu dương lực lượng của quân đội VNCH, ngày này xe tăng của XHCN sẽ đem điều bất hạnh nào đến cho quê hương mình đây" Họ đã đuổi mình từ Bắc vào Nam, bây giờ, vì thế lực ngoại bang, mình lại phải chạy ra khỏi quê hương" Thảm thương!!!
Mình nghe các cụ của lều bên cạnh than thở: "Ý Trời! Tại dân tộc mình ngày xưa đã diệt chủng Chiêm Thành, Thủy Chân Lạp nên giờ bị quả báo!". Đăng ơi, em không hoàn toàn tin các cụ nói vì mình đâu có hại ai để nên nông nỗi mỗi người một ngả" Tai Trời ách nước cũng như hợp tan của con người chẳng qua chỉ là luật tuần hoàn của Trời Đất hoặc như những Thánh Giá Chúa gửi cho mỗi người để thử thách đức tin của con Chúa mà thôi. Em xin Người cho em chút bình an trong tâm, can đảm chấp nhận Thánh Giá Chúa trao - nếu thật sự người muốn thế.
Ngày 1-5-1975
Ngày đầu của Tháng Hoa cũng là ngày Saigon đổi tên. Mang tên một xác người chắc chắn Saigon sẽ chịu nhiều trăm nghìn đau khổ. Trong buổi kinh tối, mình nghe vang vang câu hát: "Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam. Trời u ám chiến tranh điêu tàn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an. Cho Việt Nam qua phút nguy nan". Dân tộc chúng con thật sự cần Mẹ đoái thương. Saigon không muốn mang tên xác người, nhất là con người đầy phản trắc hại người, hại đời, phản bội quốc gia dân tộc. Mới hơn mười ngày mà sao dài như hàng bao nhiêu năm. Hàng ngày mình sống trong cảnh đợi chờ, tìm kiếm, ngóng trông trong nỗi buồn chín tim chín thịt, chịu sao cho thấu! Đăng ơi, giận anh ghê lắm. Anh bỏ con nhỏ tối ngày chỉ biết vui chơi không biết lo là gì một mình cả bao nhiêu ngày rồi đó, anh có sốt ruột mà đi tìm em không vậy" Ghét anh, ghét anh quá chừng chừng đi. Không thèm nhớ anh nữa, không thèm, không thèm..
Ngày 4-5-1975


Đêm nay lại phải khăn gói đến khu Asan tạm trú trước khi lên đường đi vào đất liền. Toàn cuộc hành trình đều được khởi hành vào ban đêm. Không hiểu rồi cuộc đời mình có mãi đen tối như mầu đen của bóng đêm không" Nỗi buồn cứ quay quắt gặm nhấm con tim. Bây giờ mình mới biết thế nào là nỗi đau của hai kẻ xa nhau. Ngày xưa nghe Túy Hồng hát bài: "Mất anh rồi, xa anh rồi hoa đã tàn nhụy đã phai. Chiều hôm nay trời thanh vắng em đi về, về với ai..." mình cứ cười nói với Đăng: "Cái gì mà thảm dữ vậy"" Thế ra đúng là thảm thật! Xa anh rồi, em về với ai" Về với thằng con bé bỏng luôn trên tay bà ngoại để mẹ có thì giờ lang thang tìm bố về cho con" Về với cái ghế bố lỏng chỏng trong lều ôm con ngủ mà mắt ráo hoảnh trong đêm" Cầu với Chúa với Đức Mẹ, hai Người có nghe lời con kêu xin" Đã gần hai tuần trôi qua, hai tuần với cùng một câu hỏi: "Giờ này anh ở đâu"".
Ngày 5-5-1975
Tại khu Asan tương đối dễ thở hơn. Trong khi xếp hàng chờ lãnh phần ăn mình gặp lại Kim. Hai đưá ôm nhau khóc ròng rồi nhắc đến Đăng, Lương cùng đám bạn bè - Thắng, Thanh, Vân, Xuân, Quế...còn mịt mù phương nào. Tất cả hình như đã là quá khứ, xa xôi quá mất rồi. Kim mắng em sao nỡ bỏ anh ở lại mà đi. Đành lòng nào mà nỡ bỏ nhau" Ra đi, anh không dám tiễn em lấy một câu mà chỉ cho em nụ cười gượng gạo trong khi em phải nuốt lệ trong lòng mà đi. Chúng mình chỉ vì tương lai của thằng con, cho hắn chuyến đi an toàn và tương lai tốt đẹp. Bố mẹ cũng như anh đã trải qua bao nhiêu kinh nghiệm máu xương với cộng sản nên sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro. Nếu cùng ở lại, cả ba chưa chắc đã được gần nhau và biết đâu con mình muôn đời sẽ xa mình để thành cháu ngoan của bác. Buồn nói sao cho hết và viết được lời nào cho anh nữa đây"
Ngày 10-5-1975
Sáng nay gặp chị Bích, chị cho biết anh Văn cũng lo cho chị và các cháu đi trước, anh ở lại với ông Giám Đốc của cơ quan để lo cho gia đình nhân viên di tản, chị cũng không biết là anh Văn đã đi được chưa" Chị bảo ngày 26-4 vẫn còn thấy Đăng lang thang ở nhà. Lại thêm một nguồn tin không được vui. Ngày nào em cũng đi tìm anh. Đêm đêm em ra tâm sự cùng biển. Biển mênh mông, biển gào thét như muốn át đi tiếng khóc của em. Em lang thang trên bãi, nghe biển gầm gừ mà khóc vì thương vì nhớ vì đau vì xót. Cả ngày dài em nuốt nước mắt trong lòng để mọi người đừng vì em mà xót xa thêm. Mẹ nhìn thằng cháu ngoại đã đủ đau lòng rồi nên chỉ còn một cách là mỗi đêm ra khóc với biển thôi.
Trưa ngày mai gia đình lại khăn gói đến phi trường Anderson nằm chờ chuyến bay vào đất liền. Mình sẽ xa nhau cả một đại dương đấy Đăng ơi. Gửi lại địa chỉ của người bạn bên Mỹ cho chị Bích để liên lạc sau này. Bây giờ mình chỉ còn biết cầu nguyện và cầu nguyện thôi. Mình không biết những người không có đức tin sẽ sống như thế nào trong hoàn cảnh này"
Ngày 12-5-1975
Năm giờ sáng gia đình ra phi trường làm thủ tục, 8g30 sáng máy bay cất cánh. Lần đầu tiên trong thời gian qua mình không phải làm chuyến bay đêm, hy vọng sang đến miền đất mới tương lai sẽ sáng sủa hơn. Sau tám giờ bay, phi cơ dừng lại nghỉ hai tiếng ở Hawaii, sau đó nghỉ thêm hai tiếng nữa ở California trước khi bay đến khu tạm cư ở Ft. Chaffee, Arkansas. Mười tám giờ bay chỉ toàn thấy đại dương xanh ngắt và sa mạc mênh mông. Đến nơi này, thời gian lùi lại, vẫn còn là ngày 11-5. Bước xuống phi cơ bố cơ hồ đứng không vững, thằng con mệt lả khóc không ra tiếng, còn cô Vi một lần nữa lại ngã quỵ. Để mọi chuyện cho mẹ và chị Anh, mình theo trực thăng đưa Vi đến bệnh viện. Con bé trông khoẻ mạnh mà lại yếu quá sức.
Để Vi ở lại bệnh viện tịnh dưỡng mình theo xe về giúp chị Anh lo thủ tục nhập trại. Sau gần hai mươi tiếng mới hoàn tất, về đến "nhà" mình ngủ một giấc từ 9g sáng cho đến 4g chiều mới tỉnh. Bế thằng con lang thang tìm Kim, gặp nhau hai đứa lại ôm nhau khóc mùi. Không muốn nhắc đến Đăng nữa nhưng tên anh vẫn trên đầu môi. Căn nhà mới của gia đình ở Khu I, mang số 1655, phòng 7 tức là khu Lê Lợi.
Ngày 14-5-1975
Sau mấy ngày vất vả gia đình tương đối ổn định. Đây là trại lính của quân đội Hoa Kỳ. Nhìn bên ngoài giống như khu văn phòng tiền chế của Hoa Kỳ ở Saigon, bên trong họ đóng ván chia thành từng khu cho mỗi gia đình. Trong đây có chợ, có nhà nguyện công giáo và những dịch vụ cần thiết. Những người có vàng mang bán mua sắm thêm cho gia đình. Ngày ngày dân tỵ nạn được cung cấp ba bữa ăn với đầy đủ dinh dưỡng, nếu không vì thương nhớ trong cảnh thất lạc, quả là người Mỹ đang trả nợ dân Việt.
Sống nơi đây, ngoài "căn nhà" khiêm nhường, những tiện nghi thiếu thốn thì cái ăn cái mặc đều không thiếu. Tuy nhiên, con người không chỉ sống vì miếng cơm manh áo mà còn bao nhiêu tình cảm bên trong nên chi trên khuôn mặt từng người đều hằn nét ưu tư cho tương lai sau này khi xuất trại. Biết đâu là bến bờ" Biết đâu là nơi mình sẽ dừng chân tạo lại cuộc đời mới"
Chiều nay gặp lại Đức, đang du học bên Louisiana cũng bay qua đây tìm gia đình. Mừng quá đi thôi. Đức than: "Hè này mình học xong sẽ trở về nhà, bây giờ kẹt cứng ở đây không biết tin tức gì của gia đình cả". Tội cho hắn, tự dưng thành con bà phước bất đắc dĩ.
Ngày 31-5-1975
Đến ngày cuối của Tháng Hoa, ngồi nghĩ lại mình đã làm được điều gì dâng kính Đức Mẹ chưa hay chỉ là những ngày lang thang hết khu nọ đến khu kia, ngóng hết chuyến xe bus này đến chuyến kia để tìm người muốn gặp hay trực trên văn phòng hội Hồng Thập Tự để dò danh sách người đi người đến. Mỗi ngày nhìn thằng con lớn khôn thêm và cha mẹ héo hắt hơn mà đau lòng xót dạ. Mình bắt đầu không còn hơi sức để tìm kiếm. Cả hơn tháng nay mình bỏ bê thằng con cho bà ngoại không ngó ngàng gì. Cứ nhìn đến con lại nhớ Đăng chết được. Giống gì mà giống quá sức thôi! Mình đành chấp nhận cuộc sống phó thác để đủ sức "chiến đấu" cho cuộc chiến sắp tới, cho cuộc sống mới. Anh ở nơi nào có nhớ mẹ con em thì đến nhanh nhanh cho mẹ con em nhờ.
Ngày 23-6-1975
Ngày qua ngày mình sống trong nỗi nhớ khôn nguôi cho dù đã tự nhủ lòng: "phó thác, phó thác, phó thác". Mình sống như người mộng du. Mỗi chiều hai mẹ con lang thang trên đồi cỏ non mà nhớ cỏ non của Sân Cù. Anh còn nhớ những ngày ngồi ở đấy nhìn qua Thủy Tạ không anh" Em gửi thư đi cùng khắp thế giới để tìm anh. Gia đình người ta đoàn tụ mỗi ngày nhưng gia đình mình thì không. Hai anh em anh cứ mịt mù tin tức.
Tối hôm nay, có lẽ là 14 ta thì phải vì trăng đang tròn dần. Ngồi bên khung cửa ngắm trăng mà lòng buồn vô tận. Nhớ những đêm mình ngồi ngắm trăng mơ chuyện tương lai và nhắc chuyện xưa hai đứa quen nhau không Đăng" Em như con chim nhỏ giữa đám "bạn trai", giống như "thằng nào" mà sao anh vẫn theo em" Tại nhân duyên do Trời định đó mà!!! Em mỉm cười cùng trăng, lòng tìm được một chút bình yên. Em đang ngồi đếm sao. Con sao ngày nào của chúng mình biến đâu mất rồi" Dạo đó anh vẫn chỉ chòm sao có hình chữ L bảo là của em và anh chính là sao Bắc Đẩu, con sao chung của hai đứa nhỏ li ti ở gần bên cạnh sao anh. Tối nay Khánh Ly và Sỹ Phú hát cho mọi người cùng nghe, em không còn lòng dạ nào ra nghe. Nhớ nhà, nhớ anh, nhớ em, nhớ mọi người quá là nhớ.
Ngày 25-6-1975
Nhận được thư chị Văn qua địa chỉ của người bạn. Chị và các cháu đang ở Camp Pendleton bên California. Chị vẫn chưa có tin gì của anh Văn nên không biết anh Văn đã đi chưa. Ngày đi cũng gấp rút nên chị và các cháu cũng không một lời từ giả ông bà nội các cháu. Tội thân ông bà, hai cô con dâu để lại hai ông con trai của ông bà ở lại, dẫn hết đám cháu nội của ông bà ra đi không một lời giả từ. Con xin lỗi thầy mẹ, khi nào yên nơi yên chốn con sẽ tìm cách thư về cho thầy mẹ báo tin.
Ngày 6-7-1975
Tối nay tiễn người bạn nhỏ cùng khu xuất trại. Ngày mình chia tay, hai đưá không được một lời cho nhau, không chúc nhau được lấy một câu. Bây giờ chỉ là người xa kẻ lạ ra đi, còn được câu chúc may mắn của em. Buồn đến não lòng khi nhớ đến buổi chia tay của mình. Đến nay, mình đành chấp nhận xa nhau. Nếu Đăng đi được thì đã phải đến nơi rồi chứ không thể yên lặng cho đến hôm nay.
Ngày 16-7-1975
Mấy hôm trước mình tìm gặp Đại Tá Đỉnh hỏi tin Đăng, ông cho biết không biết tý gì về việc anh đã đi hay ở. Đến hôm nay gia đình phải chấp nhận việc đi định cư mà không có chị Anh. Chị đã quyết định kết hôn và theo chồng. Mình lo lắng quá sức với gánh nặng gia đình mười người. Anh ngữ của mình thì đi đong, bố mẹ đã lớn tuổi, các em còn nhỏ. Ngay bản thân mình cũng còn là đứa ăn chưa no lo chưa tới. Biết làm sao đây.
Đăng ơi! Con bé fou ngày nào của anh sẽ phải như Phù Đổng Thiên Vương, bỗng một ngày chợt lớn để lo chuyện đại sự rồi đây này. Anh mà không mau tới em sẽ vớ đại một ông trong cái đuôi đang theo em ở trong trại để làm cây thiết trượng cho em chống đỡ đó. Nhớ anh bắt chết luôn. Vợ chồng ở phòng đối diện cãi nhau, đánh nhau ngày một làm em bắt ghét. Họ có nhau mà không biết quý nhau trong khi mình thương nhau muốn có nhau mà không được. Ông Trời thật oái ăm quá đi.
Ngày 9-8-1975
Gia đình mình đã được một nhà thờ bên Louisiana bảo trợ. Trong khi chờ đợi mình xin làm việc tự nguyện để tìm chút quên lãng. Nhận thư bác Tân cho biết hôm 28-4, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích anh em Đăng không vào phi trường được nên ngày 29 vẫn ở nhà. Em đành chấp nhận số phận không có nhau để nhìn về tương lai của thằng con và thấy đời mình trong bàn tay của hắn. Thằng con mình đã biết rất nhiều thứ, không có ai cho em khoe niềm vui ngọt ngào đó. Tương lai gần, chị Anh theo chồng về một tiểu bang khác. Tương lai của gia đình sẽ đen hay trắng em chưa biết được, chỉ còn biết phó thác nơi Đấng Quan Phòng thôi.
Ngày 15-8-1975
Hôm nay kính Lễ Đức Mẹ Lên Trời cũng là sinh nhật của Đăng. Đi dự lễ một mình với nước mắt hoen mi, buổi tối chia sẻ sinh nhật với Đăng trong bóng đêm âm thầm lặng lẽ bằng lời cầu xin cho anh và Lương luôn bình an. Giấy tờ xuất trại đã ký đúng vào ngày Lễ chỉ chờ có chuyến bay là lên đường về miền đất hứa" Bây giờ em không có quyền sống như con bé fou ngày xưa rồi Đăng ơi. Em không biết mình có thể chu toàn bổn phận làm chị cả trong gia đình hay không" Lo quá mất thôi.
Ngày 21-8-1975
Hôm nay là ngày trọng đại của gia đình. Ngày rời trại tạm cư để đến vùng đất mới - Baton Rouge, Louisiana. Gia đình mình đến thành phố xa lạ này vào một chiều mưa, cơn mưa tầm tã. Những người đến đón gia đình - không cùng mầu da, không cùng tiếng nói. Trắng có, đen có. Họ vồn vã nhưng hình như trong ánh mắt của họ ánh lên một điều ngạc nhiên thích thú khi nhìn đám người tỵ nạn nhỏ bé đang run rẩy trong cái lạnh và ướt. Họ che dù, ồn ào nói thứ ngôn ngữ mình nghe chữ được chữ không. Đã nói Anh ngữ của mình đi đong mà. Viết thì hay lắm nhưng nghe và nói thì.. chao ơi là xấu hổ. Cũng may họ khá kiên nhẫn nghe mình rặn ra từng chữ để hiểu những gì mình muốn nói. Chẳng qua chỉ là những lời cảm tạ và biết ơn. Thế đấy mà cũng phải đánh vật với chữ nghĩa. Nếu có chị Anh thì hay biết mấy, mình sẽ khoẻ re.
Có một người rất là vô duyên khi hỏi: "where is your husband"" làm mình tủi thân phát khóc. Bộ ông không đọc "tiểu sử" của gia đình tui hả" Hỏi chi mà ác nhân vậy" Hỏi xong mới sorry, sorry, sorry. Sau bữa cơm tối, họ đưa về căn nhà ba phòng ngủ nhà thờ thuê sẵn và hẹn ngày mai gặp lại đưa gia đình đi lo giấy tờ.
Đêm nay được nằm ngủ trên nệm ấm chăn êm mà sao giấc ngủ vẫn không đến. Lo sao là lo cho những tháng năm dài trước mặt. Lòng tự nhủ lòng tập quên đi mà sống, tập quên đi mà chạy đua với thời gian. Không còn chồng để ỷ lại. Con chim vành khuyên ngày nào của anh không còn líu lo. Kỷ niệm đẹp, hạnh phúc hồng.. tất cả là quá khứ. Hãy ngủ ngon, một giấc ngủ không mộng mị..
Ngày 23-8-1975
Đêm nay trăng tròn, to và gần ơi là gần, chưa bao giờ mình thấy trăng gần với đất như vậy. Đêm trăng hôm nay làm mình nhớ buổi họp bất ngờ hôm nào trên sân cát gần nhà nhỏ Xuân. Bốn người, mình, Đăng, Xuân và Kim đứng nói chuyện tầm phào, giờ mỗi người một phương. Nói sao cho bằng hết nỗi chán chường!!! Mình không biết cuộc sống mới này sẽ ra sao" "Biết ra sao ngày sau"". Đức cũng đang ở nơi đây chờ việc làm mới. Có lẽ phải nghe theo lời Đức - tạm quên Đăng để lo cho cuộc sống còn hàng ngày. Nhà thờ không nuôi mình suốt đời. Họ chỉ có bổn phận lo cho mình yên nơi yên chỗ rồi mình cũng phải tự lực cánh sinh thôi.
Nước mắt em vẫn còn đầy và sẵn sàng tuôn rơi đấy Đăng nhưng em phải để dành cho ngày gặp lại nhau tha hồ mà khóc. Em sẽ tự chế ngự bản thân để sống vì con, vì cha mẹ già và đàn em dại. Em sẽ gấp lại những trang nhật ký, mong rằng thời gian và sự thành tựu của các em sẽ xoa diäu cơn đau trong tâm hồn của em. Em sẽ giữ nỗi nhớ thương trong lòng. Em sẽ nghe lời anh "bẻ bút" không làm kiếp tằm tơ xây những lâu đài huyễn mộng nữa. Giã từ giấy bút đã là bạn đường trong những tháng ngày qua.
Buồn ơi ta xin chào mi, mi hãy để lòng ta yên mà vui sống.. chờ đợi và giữ nỗi nhớ thương trong lòng..

TRẦN CHI LIÊN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến