Hôm nay,  

Gia Đình Lục Đục

20/08/200400:00:00(Xem: 205298)
Người viết: HẢI TRIỀU
Bài số 609-1147-vb2160804

Tác giả tên thật là Lại Thế Lãng, cựu sĩ quan, cu trú và làm việc tại tiểu bang Vermont. Trong suốt 4 năm giải thưởng Viết Về Nước Mỹ, ông là tác giả đã liên tục đóng góp và có số lương bài viết nhiều nhất.
*

Ông xách chiếc ghế ra đặt phía trước nhà rồi trở vào mở tủ lạnh lấy ra một lon bia. Ông mở lon bia rồi vừa hớp từng hớp bia vừa nhìn trời đất, nhìn người và xe cộ qua lại như có vẻ thanh thản lắm. Kỳ thật đầu óc ông đang miên man về chuyện vợ chồng ông cãi vã dẫn đến việc ông sẽ phải rời khỏi căn nhà này trong vòng ba ngày và không được bén mảng đến gần vợ ông trong thời gian chờ giải quyết sự việc.
Ông chưa biết sẽ phải dọn đi đâu nhưng việc đó không làm cho ông bận tâm bằng những việc vừa xảy ra trong gia đình ông. Cuộc chung sống giữa ông và vợ ông dù chẳng mấy êm ả nhưng hai người cũng đã sống với nhau hơn 20 năm trời và đã có được đến 6 mặt con chứ ít gì, vậy mà nay sắp đến lúc tan rã sao" Hiện tại thì ông mới chỉ được lệnh phải tạm giữ khoảng cách với vợ ông trong thời gian chờ ngày ra tòa nhưng sao ông vẫn có cái linh cảm về một sự tan vỡ. Phải chăng là vì ông biết rõ ở cái xứ "Lady first" này mỗi khi có tranh chấp vợ chồng thì phần thắng bao giờ cũng thuộc về người đàn bà" Phen này vợ ông chắc chắn sẽ nhân cơ hội này để chia tay với ông, đường ai nấy đi để bả được dịp tha hồ xí xọn mà không còn sợ bị ông làm kỳ đà cản mũi nữa.
Ông nhớ lại một lần chuyện gẫu với một người bạn thân khi ông sắp rời Việt Nam đi Mỹ. Người bạn của ông đã nửa đùa nửa thật cảnh giác ông về những điều ông có thể gặp trên đất Mỹ:
- Mừng cho ông sắp được đi Mỹ nhưng cũng xin chia buồn với ông.
- Chia buồn" Chia buồn gì"
- Tôi chia buồn với ông vì nghe nói ở xứ đó đàn ông bị xếp tới hàng thứ tư sau trẻ nít, phụ nữ và ... chó.
- À thì ra chuyện đó. Tôi cũng nghe thiên hạ nói nhiều điều về nước Mỹ nhưng chẳng hiểu thực hư thế nào. Mình đã đến đó đâu mà biết, phải sống ở đó thì mới biết được sự thật là như thế nào.
- Tôi còn nghe nói đàn ông ở Mỹ đều phải biết làm nội trợ vì những công việc như đi chợ, nấu ăn, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa ... không còn phải là công việc dành riêng cho người đàn bà đâu nháù.
- Cái đó thì tôi không lo. Sau ngày được "bác và đảng" cho đi "học tập" tôi còn làm được tới cái gì nữa chứ ba cái chuyện lẻ tẻ đó mà nhằm nhò gì.
- Còn cái này nữa tôi nói nhỏ cho ông nghe. Bà ấy còn đẹp lắm, ông không khéo giữ thì ... nguy đấy.
- Tôi chả lo. Ông không nghe người ta nói đời người đàn ông có hai lần sung sướng là lúc cưới vợ về và lúc vợ bỏ đi hay sao"
Không ngờ những lời bông đùa đó bây giờ đang trở thành sự thật, đang xẩy ra cho chính ông dù người ra đi là ông chứ không phải là vợ ông. Ông cảm thấy buồn khi nhìn thấy gia đình ông đổ vỡ không phải trong thời kỳ thiếu thốn, không phải là lúc kiếm ăn vất vả khi còn ở Việt Nam mà lại là thời gian gia đình ông có cuộc sống tương đối đầy đủ sau khi đã đến Mỹ.
*
Khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản, cũng như bao nhiêu người khác, ông lên đường đi "cải tạo". Thời gian sống trong trại thỉnh thoảng vợ ông cũng đi thăm nuôi nhưng ông nhận thấy hình như vợ ông làm công việc này như là một gánh nặng cho nên đôi khi được vợ đến thăm nuôi mà khi quay vào trại ông vẫn không được vui. Tuy nhiên ông tự an ủi rằng dù sao thì ông cũng còn hạnh phúc hơn những người bị vợ bỏ đi lấy chồng khác, suốt trong thời gian ở tù chẳng có ai ngó ngàng đến. Sau ngày ra tù về địa phương ông bị quản chế và bị theo dõi chặt chẽ bởi công an khu vực. Ở trong gia đình ông cũng không còn quyền hành gì, mọi việc hoàn toàn tùy thuộc vào vợ ông. Từ đó như biết thân phận mình, ông sống âm thầm như một chiếc bóng cho đến ngày đi Mỹ.
Đến Mỹ được một thời gian thì ông ngả bệnh, một phần do hậu quả của những ngày "lao động vinh quang" ở các trại tù cải tạo, một phần vì sau khi ra khỏi trại ông quá lao lực vì sinh kế gia đình. Bị bệnh không đi làm được, ông đóng vai nội trợ trông coi việc trong nhà. Hàng ngày ông nấu ăn, giặt giũ, làm mọi chuyện. Vợ con ông chỉ việc đi làm, về nhà là đã có cơm nước sẵn sàng. Ăn uống xong dọn dẹp cũng là phần việc của ông.
Tiền bạc do vợ ông đi làm và tiền các con đi làm đóng góp đều do vợ ông quản lý. Người nắm giữ tiền bạc luôn luôn là người có quyền hành, mọi việc chi tiêu đều do vợ ông quyết định. Giữ tiền trong tay vợ ông gửi về Việt Nam cho ai ông không được quyền biết nhưng sau này khi ông đi làm có tiền mà muốn gửi về cho thân nhân thì ông phải nói sao cho khéo để được vợ ông chấp thuận giống như chính phủ phải ra điều trần mỗi lần xin quốc hội xét duyệt ngân sách vậy.
Sau một thời gian chữa bệnh ông cũng đi làm. Dù đã đi làm nhưng ông vẫn phải tiếp tục kiêm nhiệm công việc nội trợ. Vợ ông nói những việc đó ông đã làm quen rồi thì làm luôn đi, vợ ông không thích nhúng tay vào những công việc nhỏ nhặt ấy nữa. Các con cũng theo gương mẹ, mọi việc trong nhà chúng để dành cho ông. Ông không kêu ca gì, cứ cặm cụi làm cho nên càng ngày thân hình ông càng teo lại. Còn vợ ông thì có lẽ chịu cơm của Mỹ nên ngày càng đỏ da thắm thịt và trẻ trung ra.
Được người đời ca tụng là đã ở tuổi ngũ thập rồi mà trông vẫn còn sắc sảo như gái xuân thì khiến vợ ông càng thích chải chuốt, trau chia hơn. Vợ ông thường hay đi mỹ viện, ông không dám cản, chỉ nói xa xôi:
- Bà đẹp rồi còn cần gì đi mỹ viện cho mất thì giờ"
- Ông đúng là quê một cục, đẹp rồi thì phải làm cho đẹp hơn, đàn bà con gái chứ phải như đàn ông con trai đâu mà không đi mỹ viện.
- Tôi chỉ sợ . . .
- Sợ gì" Bộ ông không muốn cho tôi đẹp hả" Tại sao"
- Tôi đọc báo thấy có người đi mỹ viện bị nhiễm trùng, đẹp đâu không thấy đang không lợn lành chữa ra lợn què, có người còn mất mạng vì đi mỹ viện đấy.
- Đó chẳng qua chỉ là tai nạn nghề nghiệp lâu lâu xẩy ra một lần có gì mà phải sợ"
- Lâu lâu xẩy ra một lần nhưng lại nhè mình mà xẩy ra thì lãnh đủ đấy bà ạ.
- Này ông trù ẻo tôi đấy hả" Ông muốn tôi chết phải không" Trời ơi chồng con gì lạ vậy hở trời"
Những lời đối đáp qua lại để đưa đến chuyện bù lu bù loa như thế xảy ra thường xuyên và ông biết đến lúc đó thì ông phải chịu lép vế cho yên, giống như một con chó cụp đuôi bỏ chạy khi nó biết không thể đương đầu với một địch thủ dữ tợn hơn. Ông nhận thấy từ ngày qua Mỹ vợ ông hay gây gỗ và lấn lướt ông nhiều hơn và lần nào cũng vậy, ông luôn luôn là kẻ bị thua. Ông buồn lắm và thường tự an ủi rằng thân phận người đàn ông ở cái xứ "thượng tôn" phái nữ này là như vậy. Nhưng lần này ông đã làm khác đi, ông không nhịn được nữa nên mới xẩy ra cớ sự.
Hôm đó vợ ông đi làm về chẳng hiểu vì sao mặt bà hầm hầm, sẵn sàng gây gỗ. Vưà bước vào nhà thấy ông đang nằm chèo queo trên chiếc sô-pha bà liền nổi sùng hỏi xẵng giọng:
- Không đi làm hay sao mà giờ này đã nằm đó"
- Tôi bị đau răng chịu không nổi phải xin về.
Dòm tới dòm lui thấy mấy cái chén dĩa ở trong sink còn nguyên chưa rửa, vợ ông như vừa tìm ra cớ để la ông:
- Ông ở nhà mà có mấy cái chén, cái dĩa dơ để chình ình từ sáng đến giờ cũng không chịu rửa.
- Tôi đã nói tôi bị nhức răng, nó hành tôi chịu muốn không nổi còn làm được gì nữa.
- Ông nhức răng chứ ông có nhức tay đâu mà không làm được" Ông thật vô tích sự. Biết vậy hồi ông đi tù tôi không thèm đi thăm nuôi bỏ cho ông đói cho rồi.
- Thì nhờ bà thăm nuôi tôi mới còn sống để đưa bà sang Mỹ đây nè.
- Sang Mỹ, bộ ông tưởng sang Mỹ là sướng lắm hả, làm như trâu, tối mặt tối mày , ngủ cũng không đẫy giấc, ăn thì chẳng thấy gì ngon. Ông tưởng tôi ham đi Mỹ chắc"
- Nếu bà thấy ở Mỹ khổ thì bà cứ về Việt Nam mà ở cho nó sướng, có ai cấm cản bà đâu"
- Ông đuổi tôi đấy hả" Ông có quyền gì mà đuổi tôi"
- Tôi đâu dám đuổi bà. Tôi chỉ góp ý với bà vậy thôi.
- Thứ đàn ông gì đâu, chả cheo còn hơn đàn bà.
- Thì cũng tại bà.
- Tại cái gì" Ông không nhịn tôi được một câu hay sao"
- Nhịn hả" Này tôi nói cho bà biết tôi đã nhịn bà nhiều lắm rồi, tôi không thể nhịn được nữa bà biết chưa"
- Được, ông muốn ăn thua với tôi thì tôi sẽ cho ông biết tay tôi.
Vừa nói dứt lời, vợ ông cầm điện thoại lên và rồi chỉ trong khoảnh khắc đã có hai người cảnh sát Mỹ đến nhà. Nghe tiếng cảnh sát gõ cửa, từ trong nhà vợ ông vừa tru tréo vừa đi ra mở cửa với dáng điệu thật thiểu não. Vợ ông khai với cảnh sát rằng bà đã bị ông đánh đập. Lập tức ông bị còng tay và bị dẫn đi về tôi bạo hành. Ông không nói một câu, cắm đầu đi ra khỏi nhà như một tội phạm.

Nghe chuyện của ông bị bà vợ kêu cảnh sát còng tay dẫn đi, có người cho ông là người chồng bất lực nhưng có người thông cảm với ông. Trong số những người thông cảm, một người cùng quê mời ông đến nhà dành cho ông một phòng và hàng tháng ông chỉ phải trả một số tiền vừa phải. Ông thích cuộc sống này lắm vì không còn những cuộc cãi vã, không còn phải nghe những lời diếc móc của vợ ông nữa.
Từ khi ở riêng ông được thoải mái tinh thần, thể xác cũng được nhẹ nhõm vì không còn phải cáng đáng công việc nội trợ nữa. Ông ăn ngon ngủ yên nên chỉ một thời gian đã lấy lại phong độ, trông ông khỏe mạnh chứ không còn hom hem như trước nữa. Về mặt tiền bạc cũng thoải mái hơn, ông muốn gửi tiền về Việt Nam cho ai thì cho không còn bị hạch hỏi như lúc trước. Ông được mọi người trong gia đình thương mến coi như người thân.
Một hôm cả nhà đi vắng chỉ có một mình ông ở nhà. Nghe điện thoại reo, ông nhắc ông nghe lên thì nghe giọng của một cô gái gọi từ Việt Nam và muốn nói chuyện với Phong, người con trai của chủ nhà. Ông cho biết Phong vắng nhà và xin cô gái cho ông biết tên và số điện thoại để nói lại nhưng cô gái nói cô gọi từ bưu điện, không có số điện thoại riêng còn tên thì không cần vì Phong sẽ biết người gọi là ai.
Khi Phong về, ông kể lại với Phong thì được Phong cho biết cô gái đó chính là vị hôn thê của anh. Phong kể lại chuyện gặp gỡ cô gái cho ông nghe.


Trong một lần về Việt Nam, Phong quen cô gái trên chuyến phà qua bắc Cần Thơ. Được cô gái cho địa chỉ, Phong tới thăm cô gái mấy lần và dần dần đã chiếm được cảm tình của mẹ cô gái. Phong gọi điện thoại về Mỹ và sau khi được sự đồng ý của cha mẹ, Phong ngỏ lời cầu hôn và được mẹ cô gái chấp thuận. Ngay sau chuyến về Việt Nam lần đó Phong tiến hành thủ tục bảo lãnh cô gái theo diện hôn thê. Hồ sơ bảo lãnh đã làm xong, nay chỉ còn chờ có kết quả là Phong sẽ về Việt Nam làm đám cưới và đưa vợ sang Mỹ. Khi kể về mối tình của mình cho ông nghe, Phong còn móc bóp lấy hình cô gái ra giới thiệu với ông.
Nhìn hình người con gái, ông giật mình thấy rất quen nhưng ông không thể nhớ là đã quen như thế nào và quen ở đâu. Sau khi được biết thêm một số chi tiết về gia cảnh của người con gái, ông mới vỡ lẽ ra cô con gái đó chính là con của Hương, người yêu cũ của ông. Phong còn cho ông biết cha của cô gáiù chết đã lâu sau một cơn bạo bệnh, hiện chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Nghe đến đó ông nhớ lại quãng đời dĩ vãng và những kỷ niệm đẹp của mối tình đầu giữa ông với người con gái năm xưa đó.
*
Thuở ấy ông là một trong những học sinh xuất sắc của năm cuối cùng bậc trung học. Vừa học giỏi vừa cao ráo dễ coi nên được nhiều nữ sinh muốn làm quen nhưng ông chỉ để ý đến Hương, hoa khôi của trường, học dưới ông một lớp. Trai tài gái sắc, hai người quen nhau rồi trở thành một cặp tình nhân tương đắc khiến cho bạn bè cùng trang lứa của họ phải ghen tức.
Cuối năm học đó ông đậu Tú Tài 2. Rồi do lệnh tổng động viên, ông phải lên đường nhập ngũ. Người yêu của ông cũng hoàn tất bậc trung học năm sau đó và thi đậu vào đại học sư phạm. Khi ông thụ huấn tại quân trường Thủ Đức thì liên lạc giữa hai người thật khắng khít. "Nhất nhật bất kiến như tam thu" (một ngày không gặp thấy lâu như ba năm) cho nên tuần nào Hương cũng đến thăm ông tại quân trường. Sau ba tháng huấn luyện, ông được gắn alpha và được đi phép mỗi cuối tuần. Từ đó thì không có tuần lễ nào mà hai người không sánh vai bên nhau trên những đại lộ của Sài Gòn hay cùng ngồi trên ghế đá hóng mát ở bến Bạch Đằng.
Mãn thời gian thụ huấn ông ra trường và được thuyên chuyển đến một đơn vị ở tận vùng hỏa tuyến. Cuộc đời binh nghiệp của ông từ đây gắn liền với hiểm nguy, lúc nào cũng đối diện với tử thần nhưng con đường thăng quan tiến chức lại vì vậy mà lên nhanh như diều gặp gió. Chỉ sau bốn năm, từ một chuẩn úy ông được thăng tới cấp thiếu tá. Cấp bậc càng cao thì trách nhiệm càng nặng. Từ một trung đội trưởng, ông lần lượt nắm chức vụ đại đội phó, đại đội trưởng, tiểu đoàn phó rồi tiểu đoàn trưởng. Ông quá bận rộn với công vụ đến không còn thì giờ để nghĩ đến người yêu. Trong lúc đó ở hậu phương hình bóng người trai hào hùng không một phút giây nào nguôi trong trái tim của cô sinh viên sư phạm.
Trong lúc ông bận rộn đối phó với tình hình chiến sự ngày một căng thẳng thì Hương đã hoàn tất bốn năm tại trường đại học sư phạm. Ra trường, Hương được bổ đi dậy ở một trường trung học lớn ở miền Tây Đô. Tại đây một nam giáo sư, đồng nghiệp với Hương ngỏ ý xin cầu hôn. Người đồng nghiệp này là một nhà giáo có nhiều ưu điểm không thể chê trách vào đâu được nhưng vì còn yêu ông tha thiết, Hương không thể nhận lời cầu hôn. Về sau, dưới áp lực của gia đình khiến Hương rơi vào tình thế khó xử. Hương đã phải lặn lội tìm đến gặp ông tận đơn vị để giãi bày tâm sự của mình:
- Em không có ý hối thúc anh nhưng nếu có một lễ hỏi của anh thì dễ cho em hơn.
Hương muốn ông làm một lễ hỏi để gia đình yên tâm và nàng có lý do để từ chối lời cầu hôn của người khác nhưng ông không đồng ý. Lý do là vì ông yêu Hương, ông không muốn người yêu của ông vì ông mà phải khổ sau này. Ông hiểu đời người con gái như một đóa hoa, qua thới xuân sắc sẽ đến thời tàn úa. Còn cuộc đời chinh chiến của ông thì sống chết không biết thế nào, nếu lỡ ông có mệnh hệ gì thì Hương sẽ khổ. Nghĩ vậy nên ông không ngần ngại bảo Hương hãy quên ông và nên đi lấy chồng:
- Thì em chỉ việc nhận lời cầu hôn là xong chứ có gì rắc rối đâu"
- Anh không còn yêu em nữa hay sao mà lại khuyên em như vậy"
- Chính vì yêu em, muốn cho em có cuộc sống hạnh phúc nên anh mới khuyên em như vậy.
Trước thái độ cương quyết của ông, Hương đành ra về và đã phải gạt nước mắt, từ giã người yêu để đi lấy chồng.
Ba năm sau ông bị thương và sau khi điều trị ông được thuyên chuyển về một đơn vị không tác chiến ở Cần Thơ, nơi Hương đang có một gia đình hạnh phúc. Ông không muốn gặp lại người yêu cũ nhưng do một sự tình cờ ông đã gặp Hương khi cả hai người cùng đi vào một quán giải khát. Hôm đó Hương đi cùng với Hồng, một người bạn đồng nghiệp mới đổi về dạy cùng trường với nàng. Và rồi chính Hương đã giới thiệu người bạn đó cho ông. So với Hương thì Hồng thua kém nàng về mọi phương diện, từ sắc đẹp đến tính nết . . .
Ông không mấy để ý đến Hồng nhưng rồi định mệnh đưa đẩy thế nào mà Hồng đã trở thành vợ ông. Và kết quả của cuộc hôn nhân ấy là một cuộc chung sống không tâm đầu ý hiêp.
*
Nghe Phong kể về tình cảnh của người yêu cũ, ông thật xúc động và cảm thương cho số phận của Hương. Trước kia ông khuyên Hương đi lấy chồng vì ông sợ ông sẽ là người gây cảnh góa bụa cho nàng nhưng cuối cùng thì Hương vẫn phải sống cảnh cô đơn của một góa phụ. Phong hiểu được tâm trạng của ông, chàng đề nghị ông về thăm quê hương một chuyến để có dịp gặp lại cố nhân. Ông đồng ý và nhờ Phong đặt vé máy bay cho ông. Từ hôm đó ông hồi hộp chờ đợi ngày lên đường.
Chuyện ông sắp về Việt Nam và mục đích của chuyến đi đã đến tai vợ ông. Vợ ông biết rõ mối tình cũ của ông, và bà cũng biết Hương, người yêu cũ của ông đang sống lẻ loi. Bà nghĩ nếu ông gặp lại Hương trong hoàn cảnh này thì hai người sẽ dễ dàng nối lại tình xưa. Nhưng cho dù ông không nối lại tình cũ với người xưa, việc ông về Việt Nam một mình trong lúc này cũng không phải là điều hay ho gì. Ở Việt Nam bây giờ có thiếu gì những cô gái vì đô la mà sẵn sàng chấp nhận làm vợ mấy ông già Việt kiều.
Vợ ông cũng từng biết một vài trường hợp gia đình ở Mỹ đang đầm ấm bà vợ để cho ông chồng về thăm Việt Nam một chuyến, khi trở lại Mỹ ông chồng liền sinh chứng. Tính tình thay đổi, lúc nào cũng mơ tưởng đến một hình bóng nào đó ở bên Việt Nam khiến tâm thần bấn loạn, ngơ ngơ ngáo ngáo như người mất hồn. Bà còn nghe nói có ông về Việt Nam quen được bồ nhí rồi không biết bị bùa mê thuốc lú gì đó mà khi trở lại Mỹ chẳng cần giấu diếm mà còn ngang nhiên tuyên bố với vợ con về việc làm sai quấy của mình.
Những chuyện đại loại như thế khiến vợ ông ngại rằng để cho ông về Việt Nam lúc này chẳng khác nào thả hổ về rừng, chẳng khác gì tạo điều kiện để cho ông tha hồ tung hoành, bay nhảy. Bà thấy cần phải tìm cách ngăn chặn chuyến đi Việt Nam của ông.
Ở đời thật lắm chuyện oái oăm. Khi người ta có ở trong tay một vật người ta không thấy quí nhưng khi thấy vật đó sắp về tay người khác thì người ta lại tiếc hùi hụi, muốn chiếm lại cho mình. Trước kia vợ ông coi thường ông, chính bà đã đặt điều nói với cảnh sát để đẩy ông ra khỏi nhà cho rảnh mắt bây giờ vì sợ ông sẽ thuộc về người khác bà lại muốn níu kéo ông trở lại. Vợ ông đã đích thân đến gặp để năn nỉ và xin lỗi ông. Bà nói bà sẽ xin bãi nại để ông trở lại với gia đình. Vợ ông nói ngon nói ngọt nào là vô cùng hối hận đã gây ra chuyện không hay vừa qua, nào là xin ông đừng chấp nhất chuyện đàn bà. Bà nói tình nghĩa vợ chồng sâu đậm nhưng nếu ông không nghĩ đến tính nghĩa vợ chồng thì cũng vì con cái tha thứ cho bà mà trở về sống với gia đình.
Nghe lời năn nỉ và dỗ dành của vợ, ông chẳng quan tâm. Ông thừa biết vợ ông chỉ xuống nước khi cần thiết rồi sau khi chuyện đã qua thì bà lại chẳng coi ông ra gì. Ông quyết không xiêu lòng và cũng không thay đổi ý định về chuyến đi Việt Nam sắp tơi. Đến ngày lên đường, ông hớn hở ra phi trường.
Từ giã vài người đưa tiễn, ông vào phòng đợi. Tại đây ông thấy hành khách đã ngồi kín hết ghế, chỉ còn vài chiếc ở tuốt trong góc là còn trống. Ông tiến về hướng đó và chiếm một ghế. Ngồi một mình trong góc phòng ông bắt đấu phác họa công việc ông sẽ làm khi về tới Việt Nam. Sau khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất ông sẽ gọi một chiếc taxi đến một khách sạn ở Sài Gòn nghỉ ngơi một đêm rồi mới đi Cần Thơ. Ông sẽ chẳng báo cho ai biết ông đã về Việt Nam và ông sẽ đến thẳng nhà Hương khi xuống đến Cần Thơ. Không biết Hương có sẵn ở nhà để tiếp ông hay nàng đi vắng nhỉ" Cứ coi như là nàng có ở nhà nhưng không biết Hương sẽ phản ứng ra sao khi hai người gặp lại nhau"
Có thể Hương sẽ ngạc nhiên thấy ông đi một mình và nàng sẽ hỏi ông về Việt Nam thăm thân nhân hay là về lo công chuyện làm ăn. Sẽ trả lời thế nào đây" Chẳng lẽ nói thẳng ra mục đích của chuyến về Việt Nam lần này là chỉ để thăm nàng. Nói như vậy là thật lòng đấy nhưng liệu Hương có hiểu cho ông không hay nàng lại coi đó là những lời bông đùa không đứng đắn" Trong câu chuyện làm sao Hương không đề cập đến chuyện vợ con ông và điều này càng rắc rối hơn. Chẳng lẽ lại kể chuyện lục đục trong gia đình, chuyện bị vợ xua đuổi và hiện đang sống riêng một mình" Nói những chuyện ấy với một người đàn bà góa có khác gì là đang tán tỉnh người ta"
Càng nghĩ ông càng thấy mình vô duyên và trơ trẽn quá. Khi không bỏ công bỏ việc về Việt Nam đường đột đến thăm một người đã từ lâu không hề liên lạc, có chăng là nói chuyện với con nít chứ ai tin được" Ông cảm thấy chuyến đi này không được chính đáng và hối hận đã không suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Ông còn đang miên man trong dòng suy tư thì hành hành được thông báo rời phòng đợi để lên máy bay.
Ông đứng dậy dáng điệu ngập ngừng nhưng cũng theo dòng người ra sân bay. Nhưng rồi từ trong đám hành khách đang nối đuôi nhau lên máy bay, người ta thấy có một người đàn ông tay xách hành lý tách ra khỏi hàng và đi ngược trở lại.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,020,185
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến