Hôm nay,  

Cố Tri Ii: Thư Viết Từ Nước Mỹ

24/07/200400:00:00(Xem: 226302)
Ngày....tháng....năm
Vi thân,
Tuần này weekend kéo dài đến 3 ngày vì thứ hai là Lễ Labor Day, ai cũng được nghỉ. Tui đang trong thời gian nghỉ hè, còn hơn 2 tuần nữa mới nhập học lại. Đi làm bọn Mỹ hay chắc lưỡi sao than sao hè qua nhanh quá. Đang căng thẳng làm việc và học hành tự dưng hè đến thời gian bỗng nhiên quá dư giả, tui không biết làm gì cho hết giờ giấc. Ngủ cũng không được vì đã quen ngủ có 6 tiếng rồi. vậy mà tui lại lên ký, bây giờ là 60 kg rồi, hồi còn đi học ở cư xá tui chỉ có 48 ký thôi hà. Vi chắc chỉ có lên chứ không có xuống đâu hở, ráng diet đi bạn, con gái mập quá không có dễ thương đâu.
Bên này bọn Mỹ diet ghê lắm, cái gì cũng kiêng. Nước ngọt cũng diet, cà rem cũng diet. Dĩ nhiên diet hơi đắc hơn một tý, thí dụ 98 cents và 99 cents. Sang đây mới thấy có đặc điểm kỳ là ở Mỹ người mập phần lớn là người nghèo, thất nghiệp, ăn trợ cấp xã hội. Người giàu có tiền thì vào các hãng diet tập thể dục nên ốm hơn. Dân Việt thì đa số là vừa người vì ở Mỹ nhưng ăn đồ Việt nên không khác gì diet cả. Ở nhà mọi thứ mỡ má tui đều liệng bỏ, ăn thịt không có mỡ nên ngán lắm!
Gia đình tui mọi người vẫn khỏe mạnh. Tui đã xong năm thư` nhất và vẫn 2 Job bỏ báo và làm phòng thí nghiệm. Điểm trung bình hiện tại là 3.95/4.0, thật ra tui học ít vì thiếu thời giờ để học. Vừa học full time, vừa làm full time chỉ có thế như vậy là tốt rồi. Bao nhiêu học sinh ở đây ước ao có được cái GPA của tui nhưng người ta đâu biết mình đã ngồi hết 4 năm mòn hết mấy cái quần ở trường Bách Khoa Sài Gòn!
Cuộc sống tinh thần, à không tình cảm ở đây cô độc lắm, tui không có bạn trai cũng như bạn gái, thật là tủi đời với người có lắm bạn bè như tui. Vậy mà cũng xong. Cũng có nhiều bà già để ý ngấp nghé tui cho con gái vì thấy mình siêng năng, chịu làm, học giỏi nói chung là đường công danh còn dài. Nhưng họ đâu hiểu con gái họ không thể nào thích người như tui vậy, loại người "cù lần" nếu không thì lại ít vui vẻ. Phần tui chưa thấy thích ai, chưa nghĩ ngợi gì, tui chưa quên Hòa được và hơn nữa chưa muốn quên. Thôi chẳng nói chuyện này nữa kẻo đêm nay lại mất ngủ.
Thôi đã gần 11 giờ đêm tui sụp mắt rồi đó, còn phải dậy sớm 5 giờ sáng để đi liệng báo. tạm ngừng nhe, chúc Vi vui khỏe, sống để hy vọng, hy vọng để sống. Cho tui gởi lời thăm hai bác và các em Vi. Thư này quên hỏi thăm về đường tình duyên của bạn mình, xin lỗi nha.

Ngày...tháng...năm
Vi thân
Năm mới lại đến, kính chúc ba má Vi và mọi người khỏe mạnh và nhiều may mắn. Chúc Vi một năm mới khá hơn năm cũ, nhiều niềm vui và thêm yêu cuộc sống. Tết ở Việt Nam chắc như mọi năm" Cũng những lễ nghi, tập tục, cũng bánh trái, nước trà, mứt với hạt dưa. Mình không có gì cả ở đây vì hôm nay là thứ hai lại có exam và phải đi làm. Mình lại được tin buồn trong ngày đầu năm nay: Nhà máy giải tán phòng reseach & development của construction-plastic department do đó các người làm part time ở các phòng lab khác bị layoff để nhường cho mấy người full time ở phòng lab bị giải tán. Mình trong số bị cho nghỉ việc. Nhà máy giới thiệu mình đi làm ở một thành phố khác nhưng mình từ chối vì lương không nhiều lại phải sống xa nhà và gián đoạn việc học.
vậy là mất Job mình còn làm đến ngày 24/2 đợt lãnh tiền cuối cùng mình sẽ mua một đôi giày mới để mang và bao cả nhà một bữa cơm tối. Mình làm 1 hãng được 11 tháng cũng khác lâu đối với part time Job.
Cả hơn tháng nay không viết lá thư nào cho Hòa vì sợ phải nghĩ ngợi lung tung, dù sao mình vẫn chưa quên được những tình cảm nhẹ nhàng, ấm áp ngày đó. Hy vọng ngày nào đó Hòa sẽ gặp được người tốt hơn mình, ít nhất cũng không nở ra đi như mình vậy. Tình cảm thật là một mớ bùi nhùi, mình lần mãi mà không tìm được đâu ra. Những ngày đông ở đây thật buồn, trắng xóa, lạnh khô da, lạnh cay mắt, lạnh ở ngoài và lạnh cả trong lòng. Những hôm đi bỏ báo sáng sớm hay đi làm về khuya, một mình một xe thênh thang mình nhớ Hòa vô cùng. Nhớ đến tức giận, mở cả cửa xe ra mà chửi cho thỏa, mấy thằng Mỹ chạy qua mặt bóp còi tin tin, vì tưởng mình điên hay say nên sợ!
Đời sống thật cực nhọc, chỉ thấy toàn công việc ít có niềm vui. Giờ giấc được canh chi ly, mọi thứ phải vào schedule nếu không là trouble. Bởi vậy nên bây giờ mình thích môn Humanity. Môn này 3 term mới hết, dạy đủ thứ về tôn giáo và các loại belief. Có lẽ những thứ mà mình vẫn nghĩ là vô bổ nay lại bổ ích cho mình để tạo sự cân bằng tinh thần. Đọc thư Vi viết đời sống chung quanh ai cũng chạy theo con bê vàng, không biết Vi còn nhớ chăng" Thật ra mình cũng không ngoài mục tiêu đó. Ở đây mình làm nhiều việc cũng chỉ để kiếm tiền, một là để giúp đỡ gia đình mau có một đời sống ổn định cho ông bà già còn kịp hưởng những tiện nghi của đời sống Mỹ trước khi đã quá già, hai là để giết thời giờ nhàn rỗi không phải bận tâm nhiều về quá khứ và kỷ niệm ở Việt Nam.
Nhà Vi vậy là đã nạp hồ sơ hở, có lẽ đó là cách thức hay nhất đối với nhà Vi. Gia đình Vi dạo trước đã có số IV ở Thái Lan rồi phải không" Như vậy là Mỹ đã xét qua hồ sơ rồi và chắc chắn phải có trong danh sách những cựu tù nhân cải tạo được chấp nhận do Mỹ đưa ra với chính phủ Việt Nam. Vấn đề là thân nhân Mỹ lo thủ tục tiền bạc và gia đình Vi lo xuất cảnh ở Việt Nam. Theo tui nghĩ nếu bà con Vi ở Mỹ thuộc loại "kiết" thì cứ đặt vấn đề thẳng với họ là mình cam đoan trả lại số tiền do họ trả cho hãng máy bay. Tui chỉ phòng hờ vậy thôi. Trường hợp nhà tui thì chính phủ Mỹ cho vay không lời qua trung gian của hội USCC, bây giờ tui trả gần xong rồi (450 dollars một người). Tui tính phỏng chừng gia đình Vi tốn khoảng 3000 dollars, số tiền này không to tát gì ở đây đâu. Thật là một niềm vui lớn nếu gặp lại gia đình Vi trên đất Mỹ này. Số điện thoại của tui là.... Vi có thể gọi khi sang đến Phi. Nhưng gọi ở Phi thì mắc lắm, uổng tiền. Nếu có chuyện gấp thì cứ gọi collect call, người nhận trả tiền, đừng có lo.
Ngoài những chuyện vớ vẩn, tui không biết giúp được gì. Nếu Vi thấy tui có thể giúp gì thì cho biết nha.

Ngày....tháng....năm
Vi thân,
Nhận thư Vi 2 hôm trước, hôm nay trước khi đi làm ngồi nghe nhạc Khánh Ly và pha một ly cà phê, bập vài hơi thuốc mà viết thư cho Vi đây, thư Vi đến sớm chứ không phải muộn như Vi nghĩ đâu (chưa đến 1 tháng). Thật xúc động khi nhận được thư Vi viết từ miền đất xa xôi Saigon đó, cám ơn Vi còn nhớ tới bạn bè. Tui thì tệ lắm có những lúc chẳng muốn viết thư gì cả. Lúc nào rãnh rỗi thì lại ít viết thư, những lúc bận bịu làm việc lại hay nhớ đến bạn bè nhiều. Nhất là lúc ngồi trong lớp và đứng trước bàn thí nghiệm trong sở làm.
Bên này cuộc sống vẫn bình thường, bình thường và đều đặn đến phát chán đối với người thích sôi động như tui vậy. Nhưng biết sao bây giờ" Đời sống bên này tui biết cho dù có nói bao nhiêu đi nữa Vi cũng không thể cảm nhận hết được, vì nó khác quá nhiều so với ở Việt Nam. Không lo lắng gì về kinh tế đâu đủ để làm người ta vui được phải không Vi" Bởi vậy hết cái buồn này nó lại lôi ra cái buồn khác. Mỗi đầu tuần là lòng tui thấy chán nản, đời sống cấp bách từng giờ. Bây giờ trên tay tui luôn luôn đeo cái đồng hồ điện tử mua mấy đồng bạc, ngủ cũng không dám cởi, đi tắm cũng không cởi. Giờ giấc là điều quan trọng nhất ở đây. Chạy xe đi làm tui canh từng phút, làm sao sẽ đến sở đúng bóc, không trễ, không lố một phút nào. Lắm chuyện buồn cười ở xứ này, ngày nào sang đây Vi sẽ rõ.
Tuần qua có trực tiếp Olympic nên cũng đỡ buồn, bây giờ vì ở Mỹ nên tự nhiên mình lại ủng hộ đội Mỹ. Đội Mỹ thua mình cũng không vui vẻ, nghĩ cũng lạ. Tui có xem trận boxing của Đặng Hiếu Điển (VNCHXHCNVN) đấu với thằng Mỹ mà không dám coi hết vì thấy tội nghiệp cho anh chàng VN, thật ra VN mình không có sức chỉ thi cho vui thôi!
Ngày hôm nay Discovery lại đáp về quả đất, cả triệu người Mỹ đón xem. Hôm phóng shuttle các trường elementary school đều được nghỉ giữa giờ để xem, hầu hết TV đều mở trên toàn nước Mỹ. Dân Mỹ xem đó là một sự kiện lớn vì họ không quên được thảm họa Challeger mấy năm trước. Mình sống ở đây nên không có cách gì hơn là vui vui cái vui của người khác và cùng buồn cái buồn của người khác. Nước Mỹ dù sao cũng đã cưu mang gần 1 triệu người Việt tỵ nạn.
Thôi không nói chuyện vớ vẫn nữa. Tui chỉ mong sớm được tin Vi và gia đình. Chúc Vi khỏe, vui vẻ lên mà sống. Gia đình cha mẹ và anh chị em sẽ là điều hạnh phúc và an ủi cho mình. Vi à, dù ở đâu cũng vậy. Xin gởi lời hỏi thăm ba má Vi và các em.

Tái bút: Gởi bạn 20 đô để viết thư!

Ngày....tháng....năm
Vi thân,
Nhận được thư Vi nhưng chẳng muốn trả lời. Mình xuống 3, 4 kg và ủ dột, mỗi đêm đến phải uống vài lon bia để đi vào giấc ngủ dễ dàng. Nghe sao thảm thương quá hở bạn"
Hôm nay mình chợt nhớ đến bạn bè và cảm thấy an ủi, lại sợ lâu quá không viết thư cho Vi thì Vi giận, coi như chẳng còn ai viết cho mình nữa. Ôi Việt Nam, mình nhớ quê hương quá chừng. Khoảng mười hôm trước mình nhận được thư Hòa. Hòa của mình sẽ đi lấy chồng trong năm nay. Sau cùng cũng đến cái kết cuộc đã được biết trước. Mình vẫn ngã đổ, bao nhiêu nghị lực tan biến, để lại một sự ân hận và đau khổ. Mình cảm thấy bất lực vô dụng. Chỉ tại lỗi mình phải không Vi"
Hòa đã xa rồi đó, xa ngay trong những mơ tưởng và hy vọng, trong buổi tối chập chờn vào giấc ngủ, trong niềm vui của những chiến tích nơi lớp học, trong đồng tiền nhét vào túi mỗi cuối tuần. Mình mất điều quý giá nhất trong đời rồi bạn ơi. Hòa bảo mình nên viết cho Hòa biết mình nghĩ gì. Dĩ nhiên là mình viết. Từ xưa tới giờ mình ít khi từ chối lời Hòa yêu cầu. Mình có cảm nghĩ mình vẫn còn có thể làm mọi chuyện đảo ngược nếu mình bằng một phép lạ nào đột nhiên trở về bên Hòa trong giây phút này. Mình thấy mình hồ đồ, mâu thuẫn vô cùng, mình đã khuyên Hòa quên mình đi, khuyên Hòa lập gia đình và rồi bây giờ đau khổ khi thấy Hòa nghe lời mình khuyên.

Vi thân,
Chiều nay mình thu xếp lại thư của Hòa, mình mua một cuốn sổ bọc nylon từng lá thư để cất đi và căn dặn lòng mình rằng tất cả đã hết rồi. Mình thấy chán ngán mọi chuyện. Vi sẽ bảo mình rồi ông sẽ quên đi mọi chuyện theo ngày tháng, phải không" Mình mong vậy, than thở nhiều rồi, mình xin dừng thơ ở đây.
Chúc Vi gặp nhiều may mắn
Vũ.

Ngày....tháng....năm
Vi thân,
Mình vừa thi TOEFL hôm qua, chỉ chuẩn vị vỏn vẹn có vài ngày nên làm không được khá lắm, đặc biệt là phần vocabulary. lẽ ra mình không phải thi vì là học sinh transfer từ community college lên. Có 2 tên VN khác cũng transfer như mình mà không phải thi. Lý do là hồ sơ của mình gặp một tên counselor khó chịu. Hắn ưa bọn Việt Cộng nên đâm ra ghét cái đám refugee. Hắn hold hồ sơ mình thấy tháng trời đến lúc mình thấy trễ lên khiếu nại thì hắn đòi phải pass kỳ thi TOEFL dù mình đậu hay rớt đều vào được trường điện vì ông Dean đã nhận mình rồi. Tiêu chuẩn vào trường điện khoa computer chỉ có 3.4 mình được 3.85 dù sao cũng bực mình vì tối 20 dollars đi thi TOEFL.


Một tháng nữa khóa mùa thu sẽ bắt đầu nhớ lại những năm thứ 3, 4 ở đại học bên Saigon mà mình thấy buồn dù sao làm sinh viên ở xứ mình cũng vui hơn ở đây nhiều. Có những buổi cà phê tán dóc, những lúc họp mặt và những xúc động của tình bạn, tình yêu vừa mới lớn. Giờ thì hết rồi. Đến lớp ghi bài, làm bài và nhìn nỗi thất vọng của bọn học trò Mỹ khi giáo viên phát bài. Đặc điểm bọn Mỹ là ồn ào hay khoe khoang và ích kỷ. Thôi chẳng nói chuyện học nữa.
Cách đây 2 tuần mình nghe trên radio Mỹ và TV thông báo về chương trình cho các sĩ quan cải tạo VN và thân nhân, sẽ có đến 100 ngàn người được ra đi, không xác định trong khoảng thời gian bao lâu, nhưng từ giờ đến cuối tài khóa (tháng 11) chắc chắn sẽ có ít nhất 3000 người Việt ra đi theo diện sĩ quan và thân nhân. Nhưng chi tiết của chuyến đi không được thông báo, có lẽ theo các báo VN ở đây, người đi sẽ phải đóng tiền hay mượn USC rồi trả sau, tùy thuộc vào hồ sơ cụ thể của từng gia đình.
Nghe tin này mình rất mừng, nếu Vi muốn đi chắc chắn mình sẽ gặp lại bạn trong những ngày sắp tới. Mình đoán Vi còn biết tin này trước mình phải không" Vi sẽ thấy cuộc sống ở Mỹ này không để cho Vi nhiều thời giờ lo nghĩ vẫn vơ đâu. Một ngày qua như chớp một tuần cũng như chỉ vài ngày. Càng học càng cô đơn nhiều mấy cô mà học giỏi sẽ làm mấy ông sợ (như ngày xưa mình sợ Vi vậy đó) giờ còn thời gian rảnh rỗi Vi nên học mấy khóa nấu ăn thì sẽ bổ ích hơn, think about it!
Nói thật với Vi, mấy lá thư trước mình có bày đặt khuyên này khuyên kia nhưng mình không tin sẽ giúp đỡ được gì. Cuộc đời phải tự mình giải quyết, bạn bè chỉ để than thở với nhau cho đỡ nặng đầu, còn chính mình mới là quan trọng. Mình không mơ danh vọng cao xa để hỏng cả tình yêu đâu. Dù rằng ngày trước, có một người khuyên mình ở lại Việt Nam đã nói với mình như vậy. Có lẽ người ta chưa ở trong cái hoàn cảnh phải cân nhắc giữa bố mẹ anh em và bản thân mình. Mình mất một tình yêu, nhưng được một gia đình vui vẻ, các em học giỏi và đầy tương lai. Chưa giúp đỡ được gia đình mình chưa giúp đỡ được ai khác. Cuộc đời là một chuỗi xích vô hạn, ai cũng phải dính vào một chỗ nào trong đó. Cơ hội đã qua, mình quyết không tiếc nuối gì nữa cả.
Nói thật, mình không thấy có điều gì phải lo lắng. Điều cần thiết là sự kiên trì và cố gắng. Ở xứ Mỹ này mình không đói được, nếu cần thiết thì hãy sẵn sàng làm những Job thấp hèn. Mình thấy cũng nên nói vài điều về đời sống của mình để Vi có thể tưởng tượng để tránh cái người ta gọi là "shock" khi đến Mỹ. Thứ nhất, hãy expect một đời sống "nghèo" trong 4 năm đầu ở Mỹ. "nghèo" là sống "dư ăn" "dư mặc" và "dư tiền" do tiện tặn mặc đồ rẻ, không ăn nhà hàng và không đi du lịch. Thứ nhì là hãy nghĩ Vi sẽ sống trong một căn nhà thua kém nhà Vi nhiều phần: cũ nát (khoảng 60 tuổi đời) chật hẹp và thiếu tiện nghi (nghĩa là đủ mọi tiện nghi ở Việt Nam cộng thêm nước nóng, tủ lạnh, TV, VCR, máy lạnh, máy giặt, máy sấy). Thứ ba là đừng bao giờ nhìn người xung quanh. Bao giờ nhìn quanh cũng có người giàu hơn mình, đừng ngóng núi này sang núi nọ mỏi cổ lắm, đau tim đau óc mà không lợi lộc gì.
Thôi mình xin đừng, bây giờ phải ra chợ. Chúc Vi vui vẻ, cho mình nhắn lời chào hai bác và các em. Nếu còn thắc mắc cứ viết hỏi mình. Cầu xin Chúa Phật ban cho nhà Vi một mớ thông hành, bên này người bạn cũ này lúc nào cũng đợi. Vững niềm tin trong cuộc sống, Vi nhé.

Ngày....tháng....năm
Vi thân,
Ngày tháng qua thật nhanh, mình lại sắp vào học spring term, rồi sang năm thứ 4 và ra trường. Ở vùng mình ở dạo này có nhiều người Việt Nam mới đến định cư, có 3 gia đình diện sĩ quan cải tạo, 2 ông thiếu tá, 1 ông trung tá. Có một gia đình có mấy cô con gái mang kính dày cộm như Vi vậy, mình nhớ đến Vi và cầu mong gia đình Vi được sớm sang Mỹ.
Chuyến bay chở cựu tù cải tạo Việt Nam đầu tiên đến Mỹ cách đây vài tháng mình có xem truyền hình trên đài NBC và ABC, đến phi trường LA có đông đảo phóng viên đài truyền hình Mỹ quay phim và phỏng vấn. Mỹ cũng vừa tuyên bố nhận mấy chục ngàn người ở trại tỵ nạn Hồng Kông, định số nhập cư dành cho người Việt Nam cũng tăng so với năm ngoái. Như vậy tình hình có vẻ khá quá phải không bạn"
Đọc thư Vi nghe chuyện Tết, bánh mứt và mai mình thấy nhớ Việt Nam vô cùng. Tết ở đây chỉ mua bánh mứt bán sẵn ăn dở ẹt, không mai, không pháo không có cái không khí của ngày Tết tí nào, đi thăm hỏi thì đi ban đêm vì ban ngày phải đi làm. Nói chung là buồn đêm 30 Tết mình chạy ra "Kentucky Fried Chicken" mua một hộp tổ bố về ngồi ăn và mở video ca nhạc mừng Xuân làm bên Cali coi.
Mình đang chán mấy môn computer chỉ thích điện. Điện ở đây bọn Mỹ ít dạy lý thuyết, toàn bài tập design dùng computer aids để chạy, mình có máy ở nhà nên rất khỏe, chỉ cần gọi điện thoại đến trường là các program trong mainframe được connect với máy ở nhà, tha hồ chạy. Càng học lên mình càng cảm thấy thú vị, khá hơn hồi học máy hóa chất nhiều. Không hiểu tại sao ngày xưa lại thi Hóa. Chuyện mình thì chẳng có gì để nói chỉ đi học và đi bỏ báo, giờ thì lai rai đi vào họp hội sinh viên VN ở trường, ở đây cũng đông khoảng 80 sinh viên Việt Nam hơn phân nữa là đang học kỹ sư.
Vi thân,
Vậy là Vi lại đi vào con đường ngày xưa mình đã đi. Từ lúc nộp hồ sơ đến lúc lên máy bay là cả một thời gian dài. Những ngày tháng sắp đến sẽ chán nản lắm nhưng cố lên Vi ơi. Mình sẽ có dịp gặp lại bạn ở đất này, ra đi theo diện HO sẽ được quy chế refugee phải không" Nếu vậy thì sang đây không phải nhờ vã một người nào. Sống ở đây buồn nhưng không bị tức vì những điều trái tai gai mắt thường ngày ở Việt Nam lại làm được những điều mình thích. Đừng lo bạn ạ, cứ vui mà nhìn ngày tháng qua, Mundial 94 mình cũng đang đợi lúc đó chắc sẽ cố mua vé đi xem tận mắt.
Thôi dừng bút ở đây. Chúc may mắn đến với Vi và gia đình, khi nào có tin sốt dẻo nhớ cho mình hay.

Ngày...tháng...năm
Vi thân,
Hôm nay trời nóng bức như mùa hè, còn 2 tháng nữa là hè đến. Hè năm nay có lẽ mình không đi học vì đi học đóng tiền chịu không nổi. Chắc ở nhà mua mấy thứ đồ điện lỉnh kỉnh về ráp chơi cho biết. Vi ở nhà chắc chán lắm hở cố tìm cái gì cho tiêu hao thời giờ, mình ngày xưa thì đi uống cà phê nghe nhạc, chiều tối về nhà đọc sách toán và học anh văn lai rai, cuối tuần thì đi nhậu. Vi chẳng đi uống cà phê được cũng không lai rai cho đời thêm vui, mình không có nước nào để mách. Hãy cố nghĩ ra bạn nhé. Chúc mừng nhà Vi thật nhiều bây giờ thì mình sure là sẽ gặp lại nhau ở xứ mắt xanh mũi lõ này. Mình xin lỗi trước là những gì mình biết về đồ đạc mang đi không được cập nhật lắm nhưng hy vọng giúp ích được ít nhiều cho Vi và gia đình.
Về sách vở: Ngày xưa mình mang tự điển Anh-Việt, Việt-Anh, sách văn phạm, sách toán cao cấp...nhưng chẳng giúp ích được gì cả. Có lẽ sách văn phạm là quý nhất vì không dễ gì tìm được sách văn phạm ở ngoài nhà sách, Mỹ có mua đâu mà bán. sách từ điển thì mình bây giờ chỉ dùng tự điển Mỹ, vì hồi học luận văn mình cóp mấy câu trong cuốn tự điển Việt Anh ra bị lão thầy Mỹ chấm cho mấy dấu hỏi và mấy dấu than và phê ở dưới "Not American way". Nói vậy chứ Vi cũng nên mang theo cho yên tâm. Sách toán thì đừng mang bộ toán cao cấp, còn cuốn 10,000 bài tích phân của Nga hay cuốn tuyển tập toán sơ cấp I thì mang qua đây để học master. Kiếm thêm vài cuốn về chuỗi dây tất cả nên mang loại bài tập có lời giải, nếu Vi hay mấy em thích toán mình đang học toán chung với bọn sinh viên master trường toán, muốn học chơi cho vui nhưng không vui tí nào, theo tụi nó hụt hơi vì mình đi ngang về tắt. Mấy môn cơ sở mình không học, đem cái logic kỹ sư ra chọi với bạn strictly logic trường toán nên thua dài dài.
Mang chủ lực là sách bài tập vì sách Mỹ thích nói lý thuyết hơn là bài tập, nhưng thi thì 100% bài tập như ở Việt Nam không có trắc nghiệm gì như ở Việt Nam đồng, cũng 4, 5 bài dễ dễ một bài đoạn tuyệt thắt cổ học sinh để lọc ra thẳng 3.5 hoặc 4.0
Về quần áo: mang nothing
Ngày trước mình may một bộ đồ vest mang theo chỉ mặc được ở phi trường Tân Sơn Nhất duy nhất 1 lần. Giờ đây phải để lại cho thằng cháu năm nay học lớp 7, chỉ trong vòng một năm là mập ra, chẳng mặc được. Mấy em trai của Vì đừng may uống tiền, cứ quần tây áo sơ minh và cà vạt là lịch sự, không sợ đúng mode hay không. Quần áo ở đây nhiều hạng, hàng vừa vừa thì độ $20/quần, $5-$10/áo rất dễ dàng mua. Như mình không ăn diện gì cũng có hơn 8 cái quần, 10 cái áo cứ sang 1 năm là bỏ đi. Mỗi mùa phải mặc một thứ chán lắm. Nhà đừng lo lắng chuyện quần áo, mang nhiều sang đây không dùng tiếc lắm, thà để tiền tiêu cho sướng trong những ngày còn lại. Như bác trai thì có lẽ nên sắm vài bộ vì là chủ gia đình nên cũng phải oai phong một chút, với lại người lớn tuổi khó mập ra có mập thì cũng vừa vừa. Giày thì một đôi là đủ, giày Việt Nam mang đau và cứng không phải loại giày để mang cả ngày. Giày da ở đây rẻ độ $40 mang êm như giày tennis sướng lắm. Mình vừa mua một loại suit loại rẻ tiền có $120 và đôi giày đen ở đi interview tốt nghiệp. Phải mặc màu sậm tốt nhất là sậm hải quân để đi interview thì mới dễ được Job. Mình không lo lắm về chuyện này vì có anh bạn quen là thợ may suit ở tiệm Mỹ mang về ông cắt sửa lại rồi trang điểm thêm.
Vi cứ tin mình đi, qua đây chị em Vi sẽ vào community college học trước vì rẻ tiền. Khi vừa đến Mỹ thì trường đại học địa phương coi mình là regular American student, nhưng out of state muốn là state resident thì phải cư ngụ trên 1 năm. Mình có thể đợi 1 năm nhưng như vậy thì phí thời gian, hơn nữa học đại học là phải mượn tiền học community college thì dư tiền mang về.
Viết một lát mỏi tay, nhìn lại thán phục mình quá. Hy vọng những gì mình viết giúp ích cho Vi và gia đình ít nhiều, Đừng lo cho nó mệt cứ sống cho sướng đi sang đây Vi sẽ bước vào một cuộc sống bận rộn, không còn lúc ngồi mơ mộng vẫn vơ đâu. Đời sống Mỹ thực tế vô cùng, nhưng cứ bỏ sức mình ra thì sẽ lấy lại được không lo đói, không thiếu thốn không bắt bớ bậy bạ. Cho mình dừng ở đây.
Gởi lời chào và chúc mừng ba má Vi, Vi và các em. Có răng cỏ hư gì thì cứ lo làm cho tốt đi nhé. À có lẽ 2 tuần nữa mình dọn nhà, nếu có địa chỉ mới sẽ cho Vi biết sau. Cứ viết thư theo địa chỉ cũ, bưu điện sẽ foward tới địa chỉ mới cho mình. Mong gặp lại Vi và gia đình trên đất Mỹ này.

Karen N. Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,377
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.