Hôm nay,  

Những Mối Tình Xanh Đỏ

08/07/200400:00:00(Xem: 183612)
Người viết: KIM N. C.
Bài số 580-1118 VB4070704

Tác giả Kim N.C. cư trú tại Anaheim, đã viết "Vui buồn nghề Nails," "Người đẹp Hà Thành và nước Mỹ" và “Nước Mỹ Đủ Chuyện”. Tác giả còn cho biết đã “viết bài trên Freeway 91 mỗi sáng khi kẹt xe.” Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
*
Đây là chuyện có thiệt, kể theo lời chị Hai Saigon để tặng quý bà có các đấng phu quân thuộc diện “hai tay hai con cá, chân khều khều mấy con tôm”.
Theo mệnh nước nổi trôi anh Hai Saigon theo con tàu Trường Xuân vượt biển đến Hồng Kông. Sau vài tháng ăn chơi đã đời, anh được định cư tại Hoa Kỳ, bang S.C giá lạnh, lạnh đến độ mà khi tắm xong, không sấy khô tóc mà bước ra ngoài thì râu, tóc đông đá ngay tức thì. Chu cha cuộc sống mới cực kỳ buồn nản.
Anh Hai Saigon nhức nhối nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ cuộc sống lè phè ở bển, sáng ra cà phê, cà pháo, rồi mới tà tà leo lên xe Jeep đi làm, trưa tà tà về ăn cơm rồi đánh một giấc, tối tà tà đi nhậu. Đi làm về đã có vợ lo tất cả mọi điều, từ con cái cho đến cơm nước giặt giũ. Nghĩ lại, anh Hai Saigon thấy mình sướng như vua, chả bù cho bây giờ. Đời sống mới và một thân một mình, anh Hai Saigon hụt hẫng ở một nơi không có đông người Việt, nói tiếng Anh mỏi cả tay, lại thêm cái mặc cảm tự tôn to đùng nên rất dễ bị “shock” lúc ban đầu.
Cái tỉnh lỵ của miệt S.C buồn thiu, buồn như xứ “em pleiku má đỏ môi hồng.” Anh Saigon vừa đi làm vừa đi học. Đám đàn ông Việt tỵ nạn đầu tiên ở miệt này cũng không đông, có ông còn độc thân, có ông “bỏ của, chạy lấy người” (vợ con) tất cả tìm nhau ở chung trong một cái chung cư nhiều tầng.
Thuở đó, tỉnh lỵ SC có nhiều gia đình Mỹ Việt, cái chàng GJ viễn chinh cưới vợ Việt đem về trước 75. Biến cố Tháng Tư 75 đem các chàng trai Việt về đây, lòng hoài hương “Ta về ta tắm ao ta” đã khiến nhiều bà good bye mấy ông chồng Mỹ, mà người Mỹ quả là có tinh thần phớt tỉnh phớt lờ còn hơn cả dân Ăng lê nữa. Bằng chứng là anh Hai Saigon kết bạn với bà Michelle khi bả divorce với David, đến lúc dọn nhà bà Michelle bốc phone lên ơi ới gọi David tới “help vợ chồng tao một tay dọn nhà.” Anh Hai Saigon cứ lánh mặt bữa dọn nhà vì sợ David nổi cơn ghen bắn sảng, nhưng không ngờ David lại cứ sấn sổ đi kiếm anh Hai Saigon bắt tay và chúc mừng ỏm tỏi.
Đám bạn của anh Hai Saigon lần lượt kết bạn với quý phu nhân “ex wife” của GJ vì thời đó đàn bà con gái Việt hiếm hoi vô cùng. Anh Hai Saigon tự biện hộ cho việc ở chung không giá thú, “living together” của mình bằng một cái chép miệng. Dù sao thì anh cũng phải sống.
Được vài tháng góp gạo thổi cơm chung, anh Hai Saigon chịu hết nổi cái đám con của bà Michelle và David. Tụi nhóc Mỹ quậy hết biết vì cơ thể quá nhiều đường bơ sữa. Nội cái tiền đi mua Junk food cho tụi nó quảng cáo hàng giờ trên tivi làm có lúc anh Hai Saigon chạnh lòng nghĩ đến đám con mình ở nhà. Bà Michelle thì không chịu nổi cái tật làm biếng, không biết nấu ăn của anh Hai Saigon cho dù bả đã chán ngấy cảnh suốt ngày you you me me với David. bả thèm đấu hót rặt tiếng Việt. "Anh anh em em" nghe đã gì đâu. Vậy mà đã đến lúc hot dog không lành, hamburger không ngọt, anh Hai Saigon lại tính đến bài chẩu, quả là tẩu vi thượng sách.
Anh Hai Saigon vẫn còn làm việc ở trong trường Đại Học. Đ-ây là cơ hội để tán tỉnh các em tóc vàng mắt xanh. Với kinh nghiệm do đám bạn đã từng có girl friend là Mỹ truyền cho, anh Hai Saigon đâu có ngần ngại gì mà từ chối, em nào em nấy ngực tấn công mông phòng thủ, có em còn teenager, có em ngoài 20, em nào cũng yêu forever, yêu cho đến khi tim ngừng đập.
Anh Hai Saigon cứ thế mà tà tà "move in, move out" loạn cào cào châu chấu. Có em định cư vài tuần có em định cư vài tháng, cứ ôm em này mà gọi tên em kia toáng cả lên. Cái đất Mỹ này quả là thiên hình vạn trạng, biến cố 75 đẩy đưa anh đến miền đất này, bao nhiêu là hình bóng những mối tình đủ kiểu đủ màu sắc, có lúc làm anh chóng cả mặt.
Trong đám các mỹ nhân này có em Jennifer bám riết anh dữ dội, một hai đòi cưới ngay “you mà không marry me là me cắn lưỡi chết liền, I die soon cho you biết mặt”.
Trong một chuyến vacation ở Cali nắng ấm, anh Hai Saigon từ giã miền đất lạnh, dọt xuống thung lũng hoa vàng lúc kinh tế đang lên và khá đông người Việt ở đó. Nhờ những bữa cơm gia đình của bạn bè anh Hai Saigon họ có đủ vợ chồng con cái và những sinh hoạt như hồi còn ở bên nhà, anh Hai Saigon chạnh lòng nhớ đến vợ con và tiến hành giấy tờ bảo lãnh.
Gần 15 năm sau mẹ con chị Hai Saigon mới lọt tọt dắt díu nhau di dân qua Mỹ. Quả là thân gái 12 bến nước, trong thì nhờ mà đục cũng nhờ luôn. Chính vì thế mà tỷ lệ ly dị của người Việt ta lúc đó không có vọt lên cao như bây giờ.
Chân ướt chân ráo đến Mỹ chị Hai Saigon nghe chuyện kể về chồng đến lùng bùng cả lỗ tai. Chuyện trời ơi đất hỡi, chuyện có chuyện không…. Chị Hai Saigon đến Mỹ ngay vào dịp Tết Nguyên Đán, tiệc tùng kéo dài hơn cả tháng Giêng. Tại một trong những đám tiệc đầu tiên này chị Hai Saigon gặp lại bà bạn cũ. Chị Ba Lúa kéo tay chị ra góc vườn, nói nho nhỏ mà chị nghe như sấm sét nổ bên tai:
“Trời ơi, sao bà gan dữ vậy" Qua đây chi vậy, thấy gì chưa" Chồng bà nó lấy con khác có 2, 3 đứa con rồi mà sao bà không biết" Ở bển mà lấy chồng khác đi cho khỏe cái thân, qua đây chi cho rắc rối cuộc đời" Bộ chả không khai gì hết trọi hả" Bắt chả thành khẩn khai báo đi rồi bà sẽ khoan hồng. Sao bà hiền quá. Qua Mỹ rồi bà phải biết ở bên này đàn bà con nít người già chó mèo cây cỏ rồi mới tới đàn ông hiểu chưa" Trời! Có con nào gọi tới nửa đêm hả" Đúng nó rồi. Con đ chó nó quậy bà đo. Ăn không được khuấy cho hôi mà. Được rồi, bà để đó bọn tui sẽ giúp bà một tay, bà lo điều tra tung tích con quỷ đó rồi bọn tui sẽ nói chuyện phải quấy với nó cho nó một bài học cho chừa cái tật lấy chồng thiên hạ. Bà ngốc quá để thằng chả qua mặt…"
Chị Hai chưa kịp điều tra điều tiếc gì thì bữa nọ anh Hai Saigon chở chị đi chợ Little Saigon. Ảnh đang lơn tơn đẩy xe thức ăn cho chị thì bỗng đâu có một bà già như má chị, lạch bạch chạy từ xa tới ôm chầm anh Hai Saigon mà la lên: "Trời ơi, đi đâu lâu quá mà mất mặt vậy. Long time no see no talk, ủa ai đây"" Chị Hai Saigon ngó thấy mặt mờ đi. Anh Hai Saigon thì mặt mày tái mét. Bà già ngó thấy chị thì bỏ đi một nước, anh Hai Saigon giải bày “Má của thằng bạn anh. Rồi em sẽ thấy ở Mỹ này người ta tự nhiên lắm, ôm hôn nhau ngoài phố là chuyện thường ngày ở huyện”.
Rồi thì chị Hai Saigon cũng kiếm được việc làm assembly trong một hãng điện tử đông người Việt. Buổi chiều mỗi khi tan sở, anh Hai Saigon đến đón chị ở cổng. Sáng hôm sau trong giờ nghỉ buổi sáng bà Hoàng ghé tai chị nói nhỏ “Nè, cái ông hôm qua đến đón chị là ông xã đó hả" Tui nói cái này cho chị nghe bình tĩnh chớ có học lại chồng chị mà chả đốt nhà tui nghe chưa" Cái hồi chồng bà còn ở trên SC, ổng khoái con PP em chồng tui, tuần nào ổng chẳng về đó ăn cơm đánh bài, mà tui nói bà nghe, con bà cô PP đó, tui ghét nó lắm, con gái gì mà mặt mày khó đăm đăm, da thì đen thui. Nó tự cho là nó học giỏi nên làm phách, chồng bà thích nó mà nó đâu có thèm”.
Chị Hai nghĩ “Cha chả, con nào nó dám chê chồng mình, để đó rồi mình hỏi cho ra chuyện”.
Chủ nhật rồi, vợ chồng anh Hai Saigon dẫn con đi ăn cơm ở quán Thiên Thanh, vừa bước chân vào quán, anh Hai khựng lại nói nhỏ với vợ: Anh gặp người quen, bà này xưa là chủ cái vũ trường anh hay tới chơi lúc em chưa qua. Anh Hai Saigon phải nói trước kẻo lỡ chị Hai Saigon nổi cơn ghen sảng lên thì có mà vỡ mặt. Anh Hai Saigon dừng lại chỗ bàn có một bà son phấn xanh lè như bà vợ ông mục sư giảng đạo trên tivi.
- Hi, chị Nicole, lâu quá mới gặp chị, sao chị lúc này khỏe không. Đây là bà xã tui mới qua, đây là con gái lớn.
Bà Nicole nhướng cặp mắt có gắn hàng lông mi giả rung rinh, cong vòng như mái đình:
- Ủa cưới vợ hồi nào mà con lớn dữ dzậy" Sao hồi xưa nghe anh nói vợ chết lâu rồi mà" Need less to say.
Khỏi cần phải nói, bữa cơm hôm đó nặng nề như đá tảng ngũ hành sơn. Trên đường về chị Hai Saigon nín lặng nuốt cục hận vô lòng, cắn môi cho khỏi ứa nước mắt. Trời cao đất dày ơi xuống đây ngó mà coi, mình còn sống sờ sờ mà “nó” nỡ lòng nào trù cho chết. Anh Hai Saigon lòng bồn chồn không kém, giận con mẹ Nicole ăn nói không giữ gìn ý tứ đốt nhà thiên hạ, rồi không hiểu vợ mình đang toan tính gì đây.
Ra khỏi freeway trên đường về nhà, chị Hai Saigon bỗng vọt miệng:
- Làm ơn ghé vô Home Depot dùm chút. Anh Hai Saigon tỏ ra dịu dàng chưa từng thấy.
- Ủa, em muốn mua hoa về trồng hả"
Chị lạnh lùng phán một câu nghe ớn lạnh nổi lông gà….ủa da gà.
- Bông hoa gì" Mua gỗ về đóng bàn thờ, chớ vợ chết mà hỏng thờ coi sao được. Rồi ghé tiệm savon kia cho tui rửa cái hình bỏ lên bàn thờ luôn.


Thôi thì khỏi nói, ngày nào cũng bão bùng trong nhà, lũ con khóc thút thít mỗi khi anh chị Hai Saigon cãi nhau, thằng út 16 tuổi tuyên bố một câu xanh dờn:
- Ba má mà bỏ nhau là con đi bụi đời liền.
Thằng lớn thì ăn nói có suy nghĩ hơn:
- Lớn lên con sẽ không bao giờ lấy vợ.
Quả thật, cái nước Mỹ này đã làm chị Hai Saigon tối tăm mặt mũi với xe cộ, đã làm chị xém mấy lần heart attack vì những tin động trời. Vậy mà trước khi đi Mỹ bà con lối xóm ở xóm cô nhi viện Lâm Tỳ Ni đã chúc mừng mẹ con chị đi lên Thiên đàng.
Thiên đàng đâu không thấy chỉ thấy cơn đau bao tử từ cái thời ăn bo bo tái xuất hiện. mỗi lần tra hỏi anh Hai Saigon chị hay chêm thêm câu:
- Không có lửa làm sao có khói"
Chồng chị trả lời tỉnh bơ:
- Vậy xe lam chạy ở Saigon có lửa đâu mà nó xịt khói um sùm. Em đừng tin miệng mấy con mẹ nhiều chuyện. Nhất là con mẹ “Tha la xóm đạo” nó đốt nhà nhiều người rồi, chưa kể hồi xưa anh share phòng nhà bả, đã có lần bả “tán tỉnh” anh nữa là khác.
Chị Hai Saigon cũng nhớ lời má chị dặn trước giờ lên máy bay:
- Con qua bển chồng con nếu nó có gia đình khác thì mẹ con ráng nuôi nhau, nếu chồng con còn đó thì bỏ qua hết nếu nó có bồ bịch lăng nhăng trước đó, bề gì thì nó chỉ là đàn ông.
Chị Hai Saigon cũng tự dặn mình phải “cooldown” từ từ, nóng quả hỏng việc, trước khi nói phải cắn lưỡi bảy lần, kẻo phát ngôn bừa bãi vợ chồng mà xúc phạm nhau nhiều quá thì tựa như bát nước đổ đi không hốt lại được. Mới tuần rồi, chị Ba gọi phone tới phỏng vấn:
- Sao chị Hai Saigon đã “phai đao” (find out) ra chuyện gì chưa" Sao lâu quá vậy để lâu ngày thằng chả thu xếp cho “phòng nhì di tản” đó nhen. lẹ lên chớ, bà dở quá. Bọn tui đã chuẩn bị xong hết, kéo xịn để xởn tóc, muối trộn ớt hiểm để xát vô... nó, rồi bà muốn làm gì chả... chặt chặt, ngâm dấm đường bọn tui chơi luôn...
Chưa bao giờ chị Hai thấy cái tình đồng hương đậm đà như vậy.
Khi dọn từ San Jose xuống Santa Ana chị Hai Saigon dọn dẹp từ sách báo của chồng thì ôi thôi, cả một sự thật phủ phàng bằng vài chục lá thư của em Mimi Tây lai ăn khoai cả vỏ ăn chó cả lông ăn hồng cả hột ở tận Paris, đòi nâng khăn sửa túi cho anh Hai Saigon cho đến khi tim thôi ngừng đập, lại còn tặng cái hộp quẹt Dunhill mạ vàng khắc chữ “HSG, I Love You Forever, Mimi”.Chị Hai phải tra tự điển cả buổi mới ra chữ forever. Ối trời đất ơi “Hai Saigon, em yêu anh đến tận thiên thu”. Này thiên thu. Này mãi mãi. Chị Hai Saigon lấy cái búa đập dẹp lép cái hộp quẹt vô tội rồi đặt nó trên bàn ăn, chỗ mà chiều nay anh Hai Saigon sẽ ngồi đó ăn cơm, sẽ ngó cái hộp quẹt mà nuốt cơm hổng trôi....”.
Mà chưa hết, một cái hộp thiếc bánh lu là thư từ hình ảnh của người em sầu mộng tóc vàng sợi nhỏ chờ mong em chín đỏ trái sầu (thơ CTT) em này là em Jennifer ở miệt M làm chị Hai Saigon đánh vật với cuốn từ điển cả ngày mới hiểu ra lời lẽ của những lá thư tình đẫm lệ này “ôi, baby, em yêu anh quá xá, anh cho em làm vợ anh cho đến khi nào vợ con anh qua thì em sẽ refund anh lại cho chỉ. Ôi! honey, đời mà thiếu anh thì em chết toi, đời mà thiếu honey thì tựa như hamburger mà không có ketchup, hot dog mà không có mù tạt, shushi mà không có sake, phở mà không có ngò gai húng quế... ôi, baby ơi là baby, honey ơi là honey...”
chị Hai Saigon đọc xong lá thư thì lẩm bẩm:
- Mẹ, già chát còn bày đặt baby baby, honey cái con khỉ khô, vỡ mặt thì có.
Trời mùa đông Cali mà mồ hôi đổ ròng ròng, mắt thì nổ đom đóm, chân tay thì lạnh ngắt, đấy là "jealous syston” triệu chứng ghen đấy biết chưa.
Vừa dọn qua chỗ ở mới được mấy tháng, một buổi tối vợ chồng anh Hai Saigon đang nằm coi TV thì chuông điện thoại reng lên, chị chụp vội cái phone thì nghe giọng Huế thỏ thẻ bên kia:
- Alô, dạ dạ chị cho gặp anh Hai Saigon.
- Xin lỗi chị là ai mà muốn gặp chồng tui"
Anh Hai Saigon giật cái phone, mặt mày bắt đầu đổi màu.
- Alô, anh Hai nghe.
- Dạ, em là Thu ở Fullerton đây, anh còn nhớ em không"
Trời đất, chị Hai Saigon nằm bên cạnh mà con mụ này điếc không sợ súng cứ ra rả như ve ở Huế mùa hè...
Tới đây chị Hai chịu hết nổi, chị kêu anh Hai ra ngoài sân nói chuyện, sợ lũ con nó nghe được thì phiền nữa, chị cũng muốn một lần nói chuyện phải quấy cho xong, chị cũng muốn chất vấn ảnh theo kiểu ông BBT: này nói ngay cho bà biết, con đ chó nào đòi nâng khăn sửa túi cho ông đến khi nhắm mắt, con đ chó nào trù bà khuất núi, con đ chó nào mắt xanh mũi lõ đòi làm honey ngắn hạn nói ngay kẻo bà nổi cơn lên lại chặt phăng đi, đừng hòng mà giấu bà.
Vậy mà chị Hai Saigon phải nuốt cục hận xuống tà tà vô đề:
- Tôi cho anh một cơ hội chót, anh xác nhận lại đi, giữa tui với mấy con quỷ cái, anh chọn ai. Nói thiệt đi rồi tụi mình chia tay.
Dĩ nhiên là anh Hai Saigon chối bai bải, chối lia lịa: Anh thề có mặt đèn, không bao giờ trù em chết lăn quay, không bao giờ thương yêu thề hứa gì với đứa nào, không bao giờ lấy ai mà để có con với người ta. Anh chỉ “ăn bánh trả tiền” “bánh ít đưa đi thì bánh qui đưa lại” anh mà không thương em thì anh bảo lãnh em qua đây làm gì.... Ôi cha, anh Hai Saigon nói năng hăng tiết vịt, phát biểu lung tung linh tinh rồi còn biện hộ bằng văn chương nữa.
- Thôi em bớt giận mà tha thứ cho anh đi, để anh kể chuyện này cho em nghe, bạn anh nó đi Hà Nội, nghe nói biển Đồ Sơn có nhiều giai nhân tuyệt mỹ, nó lò mò ra tận nơi, khi về em có biết nó nói sao không" này nghe nhá:
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà
Đồ nhà tuy có hơi già
Nhưng là đồ thật không là Đồ Sơn
Đấy em coi đàn ông thời trẻ ai mà chả quậy, nhưng mà bao giờ vợ con cũng là nhất.
Chị Hai Saigon đâu có dễ tin vào mấy lời đường mật đó. Nhưng thôi tha cho “hắn” dù sao thì “hắn” cũng đã sợ mà chối lia lịa, dù sao thì “hắn” cũng chỉ là đàn ông, dù sao thì “hắn” cũng đã tỏ tình hữu nghị Việt Mỹ mà bảo lãnh cho mình, dù sao thì “hắn” với “ta” cũng đã có một thời yêu nhau lãng mạn ra rít, dù sao hắn cũng là cha sắp nhỏ. Người ta có thể tha thứ chứ không thể quên, tha thứ để tâm được bình yên còn nhớ để coi như đó là một bài học. Cứù đợi đấy còn một lần nữa là mình xử theo luật.... Cali.
Chị Hai Saigon còn đi coi bói lung tung từ bà Ấn Độ chuyên coi quả cầu ở Yorba Linda, đến cô Nikki Hồ cho đến ông thầy chấm tử vi ở Huế. Vợ chồng anh chị Hai Saigon cãi nhau như chuyện dài nhiều tập, tuy vậy chị không bao giờ xao lãng chuyện bổn phận làm vợ, sáng ra lo cà phê, thức ăn sáng, nhặt báo vô cho chồng, bới lunch cho con, dọn dẹp nhà cửa trước khi đi làm, tối về lại chui vào bếp.
Chị Hai Saigon thấy hiền khô mà không phải là hiền cho tới khô đâu, chị nhắn nhe qua mấy cái miệng thông tin văn hoá ở miệt Bolsa: Này kể từ rày sắp lên con nào mắt xanh mỏ đỏ tóc vàng chớ mà ấm ớ hội tề với chồng bà, bà sẽ thuê xã hội đen chơi tới cùng đó nha.
Nay đã gần 20 năm trôi qua sống trên đất Mỹ chị mới thở phào nhẹ nhõm. Chị đã chấp hành nghiêm chỉnh câu “của đâu người đấy” không bao giờ chị để chồng đi đâu một mình nhất là mấy cái party cuối tuần. Chị cũng phải tân trang lại cái nhan sắc về chiều chút đỉnh để chồng khỏi chê là giống con bú dù. Sáng sáng chiều chiều chị miệt mài chạy bộ để khỏi bệnh tật rề rề, để không bị đem ra làm đề tài đố vui để học (có lần chị nghe các ông đố nhau: "Nè tui đố mấy cha, con gì ăn nhiều, nói nhiều mau già mà lâu chết không"" Rồi ré lên cười "Con Dzợ mấy cha chớ ai”.
Đi tới đâu chị cũng không ngớt lời khen chồng là người thủy chung nhất nước Bolsa, khiến Anh HaiSaigon nghe được cũng vênh râu lên tự đắc.
Nghĩ tới nghĩ lui, nước Mỹ quả thật là một nơi có đủ thứ chuyện trên đời có thể xảy ra từ chuyện tốt đẹp nhất đến chuyện đau lòng nhất. Anh Hai Saigon giờ đây, già cúp bình thiếc, gần 70 rồi còn gì, sáng sáng ra ngó đàn cá vàng bơi lội, anh tủm tỉm cười khi nhớ lại mấy bóng hình xanh đỏ thuở chị Hai Saigon chưa sang, rồi chợt nhớ ra lọ Viagra mới xin mua được từ bác sĩ gia đình. Một bữa đẹp trời anh Hai Saigon gạ gẫm chị Hai Saigon:
- Mình đi về Việt Nam chơi đi em, nghe nói Hà Nội có ngủ trưa “ôm” đã lắm.
Chị Hai Saigon giờ cũng tóc muối nhiều hơn tiêu làm người đối diện nhớ tới rau răm hột vịt lộn, nghe chồng nói bèn nguýt một cái chứ không nhảy nhổm lên như xưa (thiệt là lòng từ bi bất ngờ).
- Ừa có ngon thì đi đi mà nhớ mang theo cây nhíp với bình keo xịt tóc.
Anh Hai chậm tiêu chưa kịp hiểu ra.
- Ủa để chi vậy em"
- Chi nữa" Để kiếm “nó” mà gắp lên xịt keo dzô chớ chi.
Anh Hai thở ra:
- Thiệt, anh “đã lầm khi đưa em sang đây”
Chị Hai Saigon mắt tai mũi họng giờ đã có vấn đề:
- Anh nói gì dzậy" Trời có mây hả, bữa nay mắc chứng gì mà dzăng chương dữ dzậy, ông già gân.....

Kim NC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến