Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là tác giả liên tục viết về nước Mỹ từ hơn ba năm qua và đạt số lượng bài viết nhiều nhất. Sau đây là viết mới của ông, bài thứ 38.
*
"Anh sang đến bên đấy gặp em nhớ bảo với em hộ tôi là gửi giấy tờ bảo lãnh cho tôi càng sớm càng tốt. Anh cũng nhớ nói rõ cho em biết chẳng phải tôi ham đi Mỹ đâu nhưng phải làm như vậy để thế gian khỏi chê cười".
Bà Năm gọi người đang ngồi đối diện với bà bằng anh là theo lối xưng hô của người Bắc chứ thực ra Thuận chính là bạn của Thiên, con trai bà. Thuận và Thiên bằng tuổi nhau, hai người chơi với nhau từ nhỏ, ngồi chung một lớp, đi học cùng một trường từ mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học. Sau khi cả hai cùng tốt nghiệp trung học thì Thiên đi sĩ quan Không quân còn Thuận thì vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, Thiên được phục vụ tại phi trường Tân Sơn Nhất ở ngay Sài Gòn, còn Thuận được thuyên chuyển đến một đơn vị tác chiến ở miền Trung.
Trước ngày xẩy ra biến cố 30-4-75, Thiên di tản sang Mỹ, Thuận bị kẹt ở lại phải đi tù cải tạo mất gần 10 năm mới được thả về. Nhờ có chương trình HO, Thuận và gia đình được đi định cư ở Mỹ và hôm nay Thuận đến chào từ biệt bà Năm trước khi lên đường.
- Sao bác lại nói vậy" Bác bảo Thiên bảo lãnh bác sang Mỹ ở với nó thì có gì là sai đâu"
- Không có sai nhưng mà nếu không vì mồ mả của người thân thì tôi đã đi với em từ hồi bảy nhăm rồi chứ đâu đợi đến bây giờ.
Quả đúng như bà Năm nói, ngày ấy trước khi rời Việt Nam, Thiên đưa xe jeep về tận nhà đón bà Năm nhưng bà không chịu đi. Bà biết là bà còn có bổn phận với người đã chết, bà không muốn ngôi mộ của ông Tấn trở thành ngôi mộ hoang, không người chăm sóc. Nghĩ đến người chết đã vậy, bà Năm cũng không muốn làm vướng bận con trai bà. Thiên muốn đưa bà đi nhưng bây giờ đi đâu cũng chưa biết, ngày mai ra sao cũng chưa biết thì chi bằng Thiên đi một mình dễ xoay trở hơn là vướng bận mẹ già. Bà nói với Thiên bà không thể đi vì bà còn có bổn phận đối với mồ mả của ông Tấn. Khi Thiên nói rằng nếu bà không đi thì Thiên cũng không đi thì bà gạt đi và cho rằng nghĩ như vậy là quá nông cạn. Việt Cộng bắt được Thiên chúng chẳng tha còn bà thì bà đã già rồi, chúng chẳng làm gì được bà. Nhất định Thiên phải đi còn bà phải ở lại, không có lựa chọn nào khác. Hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở, coi như đây là lần chia tay cuối cùng và hai mẹ con khó có cơ hội gặp lại nhau. Dù rất đau lòng, bà Năm cũng cố làm ra vẻ bình tĩnh để Thiên có thể an tâm ra đi. Bà nói Thiên đã trưởng thành rồi từ nay phải biết tự lo cho mình, không còn phải cái gì cũng bắt mẹ lo như trước đây nữa. Bà Năm lấy xách quần áo và đồ dùng của Thiên giúi vào tay con trai, bà kéo Thiên về phía cửa, đẩy Thiên đi ra, miệng bà hối thúc "Đi đi, đừng có bịn rịn nữa mà lỡ hết công việc con ạ".
Thiên đi rồi bà Năm cảm thấy cô đơn hơn bao giờ. Căn nhà vốn đã vắng vẻ vì chỉ có hai mẹ con sống với nhau nay càng vắng vẻ hơn vì chỉ còn có một mình bà. Cả ngày bà hết đi ra lại đi vào, lủi thủi một mình thật là tội nghiệp. Cứ mỗi lần nhìn tấm ảnh bán thân của Thiên treo trên tuờng thì bà lại khóc vì nhớ thương con và lo lắng không biết con bà giờ đây sống chết ra sao. Bà chẳng còn tha thiết đến việc ăn uống, ngủ nghỉ; đôi mắt bà thâm quầng, vẻ mặt bà hốc hác khiến mọi người trong xóm ai cũng tỏ ra ái ngại cho hoàn cảnh của bà. Có người tỏ ra thông cảm về quyết định của bà nhưng có người lại chê trách bà. Họ nói chỉ có hai mẹ con thì đi đâu cùng đi với nhau, sống cùng sống chết cùng chết, sung sướng cùng hưởng khổ sở cùng chịu, đi đâu mẹ con có nhau chứ sao lại kẻ ở người đi rồi bây giờ mẹ chẳng biết tin con, con cũng chẳng biết tin gì của mẹ. Mặc cho thiên hạ đàm tiếu, bà Năm cho rằng những gì bà quyết định cũng chỉ vì ông Tấn, người chồng đã qua đời và Thiên, con trai của bà. Tuy không có tin tức của con, bà Năm cũng không hoàn toàn tuyệt vọng, sau những lúc buồn tủi bà lại thấy lóe lên một tia hy vọng, cái hy vọng không dựa trên cơ sở thực tiễn nào nhưng đã giúp bà sống được trong những ngày khó khăn nhất. Biết đâu thời thế sẽ thay đổi và rồi cũng có ngày mẹ con bà lại được gặp nhau.
Thật đúng là trời còn thương cảnh mẹ góa con côi của bà. Sau những năm tháng Thiên biệt tăm biệt tích, bàø Năm bất ngờ nhận được thư của Thiên từ Mỹ gửi về. Ngày nhận được thư của Thiên bà mừng quá đỗi. Trong thư, Thiên nói đang sống tại một tiểu bang ở vùng Đông Bắc nước Mỹ. Bà Năm chẳng biết nước Mỹ ở đâu và vùng Đông Bắc là vùng nào nhưng bà chẳng quan tâm. Ở đâu thì ở, bây giờ có tin tức của con trai là bà mừng rồi.
Sau khi liên lạc được với mẹ, Thiên bắt đầu gửi quà cho bà. Những gói quà bà Năm liên tục nhận được từ Mỹ đã làm cho tinh thần bà được thoải mái hơn và giúp bà sống đỡ chật vật hơn. Bà Năm đã có thể từ giã đôi quang gánh với những gánh hàng nặng trĩu đè trên đôi vai gầy của bà, bà không còn phải ngày ngày từ sáng sớm đã phải đi lấy đậu khuôn tại nơi sản xuất rồi gánh ra chợ bán để kiếm tiền nuôi thân. Bà Năm đã có thể chuyển sang một cái nghề khác nhẹ nhàng hơn tuy thu nhập có ít đi nhưng đâu có sao vì đã có những gói quà của Thiên bù vào. Bà Năm cũng không còn phải đi nhặt nhạnh từng cọng rau héo úa người ta bỏ đi hay là đi quanh xóm thu góp cơm thừa canh cặn về nuôi heo. Cuộc sống của bà trở nên an nhàn hơn, bà Năm cảm thấy bà thật hạnh phúc và bà chẳng còn mong muốn gì hơn.
Vào thời gian này người ta nói nhiều đến chuyện đi Mỹ hợp pháp. Bà nghe nói những người ở Mỹ có thể bảo lãnh cho thân nhân ruột thịt của mình được sang sống ở Mỹ. Trong xóm của bà cũng có mấy gia đình đã làm giấy tờ và một vài gia đình đang bán đồ đạc, nhà cửa để chuẩn bị đi Mỹ nhưng bà chẳng bận tâm. Bà Năm chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi Mỹ, trong đời bà ngoài chuyến di cư từ Bắc vào Nam năm xưa, bà chưa bao giờ đi đâu xa. Bà nghĩ bà là người nhà quê nhà mùa, tiếng Việt còn chưa thông huống hồ gì là tiếng Tây tiếng Mỹ, sang Mỹ bà có khác gì đã trở thành người câm người điếc, có tai mà không nghe được có miệng mà không nói được, chỉ làm phiền con cái chứ được ích gì. Bà Năm nghĩ như vậy nhưng thiên hạ nào có nghĩ như bà.
Người ta bắt đầu xì xầm, bàn tán, thắc mắc về việc không thấy Thiên bảo lãnh cho bà đi Mỹ. Có kẻ xấu miệng nói con bà bất hiếu, được sống giàu sang rồi bỏ mặc mẹ ở một mình. Có kẻ lại nói ngược lại, họ nghi ngờ Thiên không có đủ khả năng tiền bạc để bảo lãnh cho bà. Nghe người ta nói riết rồi bà Năm cũng thấy chạm tự ái. Bà muốn nói với Thiên phải làm giấy tờ bảo lãnh cho bà để mọi người thấy con bà không bất hiếu, không bỏ rơi bà chứ bà chẳng đòi hỏi Thiên phải đem bà sang Mỹ. Ngặt một nỗi đôi mắt bà đã yếu, tay bà run rảy không làm sao mà viết thư cho Thiên được.
Mỗi lần nhận được thư của Thiên bà lại phải nhờ người khác đọc giùm và mỗi lần muốn viết thư cho Thiên, bà cũng lại phải nhờ đến người khác viết hộ. Nhờ người ta viết thư mà lại hối thúc Thiên về chuyện bảo lãnh chẳng hóa ra bà phải nhắc Thiên về bổn phận làm con" Bà Năm không muốn cho người ngoài biết ý định của bà nên trong những lá thư nhờ người khác viết gửi cho Thiên, bà chỉ nói xa nói gần chứ không dám nói thẳng vào vấn đề. Nay có Thuận đi Mỹ và coi Thuận như người nhà, bà Năm mới nói rõ đầu đuôi cho Thuận nghe và nhờ Thuận giãi bày cho Thiên hiểu ý của bà.
Bà Năm hy vọng sau khi nghe Thuận nói rõ ngọn nghành Thiên sẽ hiểu được ý của bà mà làm giấy tờ bảo lãnh cho bà. Bà Năm có biết đâu Thiên đã lo xong thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho bà từ lâu, chỉ con chờ người ta giải quyết.
Thế rồi sau những ngày tháng chờ đợi, cuối cùng thì cái gì phải đến đã đến, bà Năm nhận được giấy từ sở ngoại vụ gọi bà đi phỏng vấn. Bà Năm đem giấy đi khoe khắp xóm, bà muốn mọi người đều biết con bà không bất hiếu và con bà cũng có đủ khả năng bảo lãnh bà như những người khác chẳng thua kém ai. Ngày đi phỏng vấn bà đi cho có đi chứ bà đâu có đặt nặng vấn đề đi Mỹ bởi vậy bà Năm chẳng một chút lo lắng như những người khác. Nhiều người nói khi vào phỏng vấn phái đoàn hỏi đủ điều nhưng ngày bà vào phỏng vấn, người ta chỉ hỏi bà có vài câu rồi hỏi bà có thích đi Mỹ không" Câu hỏi này quá bất ngờ khiến bà hơi lúng túng. Bà định trả lời "không" nhưng lại sợ trả lời như vậy lỡ người ta hỏi vặn lại không thích đi Mỹ sao lại để cho con làm giấy tờ bảo lãnh thì bà không biết đường nào mà trả lời cho nên bà vội vàng trả lời "thích". Xong buổi phỏng vấn trở về nhà bà Năm cứ thắc mắc mãi về việc bà thực sự không thích đi Mỹ nhưng bà lại trả lời "thích" không biết sau này có rắc rối gì không. Nhưng rồi bà tự nhủ thầm đi hay không là tùy mình, mình không đi thì có ai bắt buộc mình được. Như đã tìm được câu giải đáp cho thắc mắc của mình bà Năm mới cảm thấy đựơc yên lòng.
Biết bà Năm đã qua thủ tục phỏng vấn, có người ngỏ ý muốn mua nhà của bà nhưng bà bảo chừng nào có giấy báo lên đường bà mới tính. Nhiều người bảo bà dại, bây giờ còn thì giờ không lo bán đến lúc có giấy gọi thì nước đã đến chân rồi làm sao mà bán kịp, mà có kịp thì cũng bán rẻ như bèo chứ sao mà bán được đúng giá. Người ta xầm xì, bàn tán đủ điều nhưng bà Năm vẫn bình chân như vại vì bà đã có cách tính toán riêng của bà.
Hôm nhận được giấy báo đi lấy vé máy bay bà Năm định tối đó sẽ mời bà con lối xóm đến ăn bánh ngọt uống nước trà rồi luôn tiện bà sẽ nói cho lối xóm biết ý định của bà. Bà Năm chưa kịp mời ai thì lối xóm đã kéo đến đầy nhà để hỏi thăm chừng nào bà lên đường. Nhân tiên có đông đủ bà con, bà Năm nói bà quyết định không đi Mỹ. Nghe bà Năm nói vậy nhiều người cho là bà nói chơi nhưng sau khi được biết đó là ý định thực sự của bà thì mọi người cùng ồ lên trong ý nghĩa không tán đồng.
Một bà bạn trực tính bảo bà là dở hơi, đã không tính đi sao không bảo con đừng bảo lãnh, để đến bây giờ tốn công tốn của, đi tới đi lui lại nói không đi có phải là vừa mất công vừa làm cho con nó buồn không"
Một bà khác nói nhẹ nhàng hơn, bà ta nói vé đã mua rồi thì cứ đi coi như là đi thăm con một chuyến, sang tới bên đó nếu thích thì ở không thích thì về, ít ra cũng được gặp mặt con mặt cháu rồi về có chết cũng vui. Có người như hiểu rõ tâm can của bà nói rằng sang Mỹ bà cứ gửi tiền về thì chẳng lo gì không có người chăm sóc mộ phần của ông Tấn. Cuối cùng thì bà Năm đã xiêu lòng và quyết định đi Mỹ nhưng khi bà quyết định lên đường thì lại nổi lên vấn đề phải giải quyết là cái nhà. Bây giờ gọi bán thì nhất định là không kịp rồi, thủ tục giấy tờ đủ thứ chứ đâu phải mớ tôm mớ cá mà muốn bán lúc nào cũng được.
Nhưng rồi thì bà Năm cũng đã tìm ra giải pháp, bà nhờ người làm giấy tờ giao căn nhà của bà cho giáo xứ trông coi và nếu sau nửa năm bà không trở về thì bà tặng ngôi nhà cho giáo xứ để dùng vào công việc chung.
Mọi việc xong xuôi bà Năm lên đường đi Mỹ.
*
Sau những phút bỡ ngỡ tại phòng khách phi trường Tân Sơn Nhất, cuối cùng thì bà Năm đã làm xong thủ tục, lên được máy bay và được nhân viên của hãng hàng không hướng dẫn đến ghế ngồi của bà.
Đây là lần đầu tiên trong đời bước lên một chiếc máy bay, bà Năm thấy gì cũng lạ, bà quan sát tứ phía, bà không ngờ bên trong của một chiếc máy bay lại có thể rộng rãi như vậy. Nhìn người ta nối đuôi nhau đi vào máy bay, bà có cảm tưởng như họ đang đi vào rạp hát, bao nhiêu người vào cũng có chỗ chứa, bà nghĩ có lẽ đến mấy trăm người có mặt trên chuyến bay này. Khi mọi người đã ngồi yên tại chỗ ngồi, bà Năm nghe trên loa phóng thanh nói gì đó bà chẳng hiểu. Bà mặc ai làm gì thì làm, bà cứ ngồi yên cho đến khi có một nữ tiếp viên đến giúp bà cài dây nịt an toàn. Máy bay mở máy, bà Năm nghe tiếng nổ rầm rầm rồi máy bay bắt đầu chuyển động, lăn bánh trên phi đạo và cất cánh. Nhìn qua khung cửa sổ bên cạnh, bà Năm thấy nhà cửa, đường xá, đồng ruộng cứ nhỏ dần nhỏ dần rồi biến mất.
Hải Triều