Hôm nay,  

Bà Mẹ Việt Nam

31/03/200400:00:00(Xem: 237012)
Người viết: HẢI TRIỀU
Bài số: 508-1045-vb4310304

Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là tác giả liên tục viết về nước Mỹ từ hơn ba năm qua và đạt số lượng bài viết nhiều nhất. Sau đây là viết mới của ông, bài thứ 38.
*

"Anh sang đến bên đấy gặp em nhớ bảo với em hộ tôi là gửi giấy tờ bảo lãnh cho tôi càng sớm càng tốt. Anh cũng nhớ nói rõ cho em biết chẳng phải tôi ham đi Mỹ đâu nhưng phải làm như vậy để thế gian khỏi chê cười".
Bà Năm gọi người đang ngồi đối diện với bà bằng anh là theo lối xưng hô của người Bắc chứ thực ra Thuận chính là bạn của Thiên, con trai bà. Thuận và Thiên bằng tuổi nhau, hai người chơi với nhau từ nhỏ, ngồi chung một lớp, đi học cùng một trường từ mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học. Sau khi cả hai cùng tốt nghiệp trung học thì Thiên đi sĩ quan Không quân còn Thuận thì vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, Thiên được phục vụ tại phi trường Tân Sơn Nhất ở ngay Sài Gòn, còn Thuận được thuyên chuyển đến một đơn vị tác chiến ở miền Trung.
Trước ngày xẩy ra biến cố 30-4-75, Thiên di tản sang Mỹ, Thuận bị kẹt ở lại phải đi tù cải tạo mất gần 10 năm mới được thả về. Nhờ có chương trình HO, Thuận và gia đình được đi định cư ở Mỹ và hôm nay Thuận đến chào từ biệt bà Năm trước khi lên đường.
- Sao bác lại nói vậy" Bác bảo Thiên bảo lãnh bác sang Mỹ ở với nó thì có gì là sai đâu"
- Không có sai nhưng mà nếu không vì mồ mả của người thân thì tôi đã đi với em từ hồi bảy nhăm rồi chứ đâu đợi đến bây giờ.
Quả đúng như bà Năm nói, ngày ấy trước khi rời Việt Nam, Thiên đưa xe jeep về tận nhà đón bà Năm nhưng bà không chịu đi. Bà biết là bà còn có bổn phận với người đã chết, bà không muốn ngôi mộ của ông Tấn trở thành ngôi mộ hoang, không người chăm sóc. Nghĩ đến người chết đã vậy, bà Năm cũng không muốn làm vướng bận con trai bà. Thiên muốn đưa bà đi nhưng bây giờ đi đâu cũng chưa biết, ngày mai ra sao cũng chưa biết thì chi bằng Thiên đi một mình dễ xoay trở hơn là vướng bận mẹ già. Bà nói với Thiên bà không thể đi vì bà còn có bổn phận đối với mồ mả của ông Tấn. Khi Thiên nói rằng nếu bà không đi thì Thiên cũng không đi thì bà gạt đi và cho rằng nghĩ như vậy là quá nông cạn. Việt Cộng bắt được Thiên chúng chẳng tha còn bà thì bà đã già rồi, chúng chẳng làm gì được bà. Nhất định Thiên phải đi còn bà phải ở lại, không có lựa chọn nào khác. Hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở, coi như đây là lần chia tay cuối cùng và hai mẹ con khó có cơ hội gặp lại nhau. Dù rất đau lòng, bà Năm cũng cố làm ra vẻ bình tĩnh để Thiên có thể an tâm ra đi. Bà nói Thiên đã trưởng thành rồi từ nay phải biết tự lo cho mình, không còn phải cái gì cũng bắt mẹ lo như trước đây nữa. Bà Năm lấy xách quần áo và đồ dùng của Thiên giúi vào tay con trai, bà kéo Thiên về phía cửa, đẩy Thiên đi ra, miệng bà hối thúc "Đi đi, đừng có bịn rịn nữa mà lỡ hết công việc con ạ".
Thiên đi rồi bà Năm cảm thấy cô đơn hơn bao giờ. Căn nhà vốn đã vắng vẻ vì chỉ có hai mẹ con sống với nhau nay càng vắng vẻ hơn vì chỉ còn có một mình bà. Cả ngày bà hết đi ra lại đi vào, lủi thủi một mình thật là tội nghiệp. Cứ mỗi lần nhìn tấm ảnh bán thân của Thiên treo trên tuờng thì bà lại khóc vì nhớ thương con và lo lắng không biết con bà giờ đây sống chết ra sao. Bà chẳng còn tha thiết đến việc ăn uống, ngủ nghỉ; đôi mắt bà thâm quầng, vẻ mặt bà hốc hác khiến mọi người trong xóm ai cũng tỏ ra ái ngại cho hoàn cảnh của bà. Có người tỏ ra thông cảm về quyết định của bà nhưng có người lại chê trách bà. Họ nói chỉ có hai mẹ con thì đi đâu cùng đi với nhau, sống cùng sống chết cùng chết, sung sướng cùng hưởng khổ sở cùng chịu, đi đâu mẹ con có nhau chứ sao lại kẻ ở người đi rồi bây giờ mẹ chẳng biết tin con, con cũng chẳng biết tin gì của mẹ. Mặc cho thiên hạ đàm tiếu, bà Năm cho rằng những gì bà quyết định cũng chỉ vì ông Tấn, người chồng đã qua đời và Thiên, con trai của bà. Tuy không có tin tức của con, bà Năm cũng không hoàn toàn tuyệt vọng, sau những lúc buồn tủi bà lại thấy lóe lên một tia hy vọng, cái hy vọng không dựa trên cơ sở thực tiễn nào nhưng đã giúp bà sống được trong những ngày khó khăn nhất. Biết đâu thời thế sẽ thay đổi và rồi cũng có ngày mẹ con bà lại được gặp nhau.
Thật đúng là trời còn thương cảnh mẹ góa con côi của bà. Sau những năm tháng Thiên biệt tăm biệt tích, bàø Năm bất ngờ nhận được thư của Thiên từ Mỹ gửi về. Ngày nhận được thư của Thiên bà mừng quá đỗi. Trong thư, Thiên nói đang sống tại một tiểu bang ở vùng Đông Bắc nước Mỹ. Bà Năm chẳng biết nước Mỹ ở đâu và vùng Đông Bắc là vùng nào nhưng bà chẳng quan tâm. Ở đâu thì ở, bây giờ có tin tức của con trai là bà mừng rồi.
Sau khi liên lạc được với mẹ, Thiên bắt đầu gửi quà cho bà. Những gói quà bà Năm liên tục nhận được từ Mỹ đã làm cho tinh thần bà được thoải mái hơn và giúp bà sống đỡ chật vật hơn. Bà Năm đã có thể từ giã đôi quang gánh với những gánh hàng nặng trĩu đè trên đôi vai gầy của bà, bà không còn phải ngày ngày từ sáng sớm đã phải đi lấy đậu khuôn tại nơi sản xuất rồi gánh ra chợ bán để kiếm tiền nuôi thân. Bà Năm đã có thể chuyển sang một cái nghề khác nhẹ nhàng hơn tuy thu nhập có ít đi nhưng đâu có sao vì đã có những gói quà của Thiên bù vào. Bà Năm cũng không còn phải đi nhặt nhạnh từng cọng rau héo úa người ta bỏ đi hay là đi quanh xóm thu góp cơm thừa canh cặn về nuôi heo. Cuộc sống của bà trở nên an nhàn hơn, bà Năm cảm thấy bà thật hạnh phúc và bà chẳng còn mong muốn gì hơn.
Vào thời gian này người ta nói nhiều đến chuyện đi Mỹ hợp pháp. Bà nghe nói những người ở Mỹ có thể bảo lãnh cho thân nhân ruột thịt của mình được sang sống ở Mỹ. Trong xóm của bà cũng có mấy gia đình đã làm giấy tờ và một vài gia đình đang bán đồ đạc, nhà cửa để chuẩn bị đi Mỹ nhưng bà chẳng bận tâm. Bà Năm chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi Mỹ, trong đời bà ngoài chuyến di cư từ Bắc vào Nam năm xưa, bà chưa bao giờ đi đâu xa. Bà nghĩ bà là người nhà quê nhà mùa, tiếng Việt còn chưa thông huống hồ gì là tiếng Tây tiếng Mỹ, sang Mỹ bà có khác gì đã trở thành người câm người điếc, có tai mà không nghe được có miệng mà không nói được, chỉ làm phiền con cái chứ được ích gì. Bà Năm nghĩ như vậy nhưng thiên hạ nào có nghĩ như bà.
Người ta bắt đầu xì xầm, bàn tán, thắc mắc về việc không thấy Thiên bảo lãnh cho bà đi Mỹ. Có kẻ xấu miệng nói con bà bất hiếu, được sống giàu sang rồi bỏ mặc mẹ ở một mình. Có kẻ lại nói ngược lại, họ nghi ngờ Thiên không có đủ khả năng tiền bạc để bảo lãnh cho bà. Nghe người ta nói riết rồi bà Năm cũng thấy chạm tự ái. Bà muốn nói với Thiên phải làm giấy tờ bảo lãnh cho bà để mọi người thấy con bà không bất hiếu, không bỏ rơi bà chứ bà chẳng đòi hỏi Thiên phải đem bà sang Mỹ. Ngặt một nỗi đôi mắt bà đã yếu, tay bà run rảy không làm sao mà viết thư cho Thiên được.
Mỗi lần nhận được thư của Thiên bà lại phải nhờ người khác đọc giùm và mỗi lần muốn viết thư cho Thiên, bà cũng lại phải nhờ đến người khác viết hộ. Nhờ người ta viết thư mà lại hối thúc Thiên về chuyện bảo lãnh chẳng hóa ra bà phải nhắc Thiên về bổn phận làm con" Bà Năm không muốn cho người ngoài biết ý định của bà nên trong những lá thư nhờ người khác viết gửi cho Thiên, bà chỉ nói xa nói gần chứ không dám nói thẳng vào vấn đề. Nay có Thuận đi Mỹ và coi Thuận như người nhà, bà Năm mới nói rõ đầu đuôi cho Thuận nghe và nhờ Thuận giãi bày cho Thiên hiểu ý của bà.
Bà Năm hy vọng sau khi nghe Thuận nói rõ ngọn nghành Thiên sẽ hiểu được ý của bà mà làm giấy tờ bảo lãnh cho bà. Bà Năm có biết đâu Thiên đã lo xong thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho bà từ lâu, chỉ con chờ người ta giải quyết.
Thế rồi sau những ngày tháng chờ đợi, cuối cùng thì cái gì phải đến đã đến, bà Năm nhận được giấy từ sở ngoại vụ gọi bà đi phỏng vấn. Bà Năm đem giấy đi khoe khắp xóm, bà muốn mọi người đều biết con bà không bất hiếu và con bà cũng có đủ khả năng bảo lãnh bà như những người khác chẳng thua kém ai. Ngày đi phỏng vấn bà đi cho có đi chứ bà đâu có đặt nặng vấn đề đi Mỹ bởi vậy bà Năm chẳng một chút lo lắng như những người khác. Nhiều người nói khi vào phỏng vấn phái đoàn hỏi đủ điều nhưng ngày bà vào phỏng vấn, người ta chỉ hỏi bà có vài câu rồi hỏi bà có thích đi Mỹ không" Câu hỏi này quá bất ngờ khiến bà hơi lúng túng. Bà định trả lời "không" nhưng lại sợ trả lời như vậy lỡ người ta hỏi vặn lại không thích đi Mỹ sao lại để cho con làm giấy tờ bảo lãnh thì bà không biết đường nào mà trả lời cho nên bà vội vàng trả lời "thích". Xong buổi phỏng vấn trở về nhà bà Năm cứ thắc mắc mãi về việc bà thực sự không thích đi Mỹ nhưng bà lại trả lời "thích" không biết sau này có rắc rối gì không. Nhưng rồi bà tự nhủ thầm đi hay không là tùy mình, mình không đi thì có ai bắt buộc mình được. Như đã tìm được câu giải đáp cho thắc mắc của mình bà Năm mới cảm thấy đựơc yên lòng.
Biết bà Năm đã qua thủ tục phỏng vấn, có người ngỏ ý muốn mua nhà của bà nhưng bà bảo chừng nào có giấy báo lên đường bà mới tính. Nhiều người bảo bà dại, bây giờ còn thì giờ không lo bán đến lúc có giấy gọi thì nước đã đến chân rồi làm sao mà bán kịp, mà có kịp thì cũng bán rẻ như bèo chứ sao mà bán được đúng giá. Người ta xầm xì, bàn tán đủ điều nhưng bà Năm vẫn bình chân như vại vì bà đã có cách tính toán riêng của bà.
Hôm nhận được giấy báo đi lấy vé máy bay bà Năm định tối đó sẽ mời bà con lối xóm đến ăn bánh ngọt uống nước trà rồi luôn tiện bà sẽ nói cho lối xóm biết ý định của bà. Bà Năm chưa kịp mời ai thì lối xóm đã kéo đến đầy nhà để hỏi thăm chừng nào bà lên đường. Nhân tiên có đông đủ bà con, bà Năm nói bà quyết định không đi Mỹ. Nghe bà Năm nói vậy nhiều người cho là bà nói chơi nhưng sau khi được biết đó là ý định thực sự của bà thì mọi người cùng ồ lên trong ý nghĩa không tán đồng.
Một bà bạn trực tính bảo bà là dở hơi, đã không tính đi sao không bảo con đừng bảo lãnh, để đến bây giờ tốn công tốn của, đi tới đi lui lại nói không đi có phải là vừa mất công vừa làm cho con nó buồn không"
Một bà khác nói nhẹ nhàng hơn, bà ta nói vé đã mua rồi thì cứ đi coi như là đi thăm con một chuyến, sang tới bên đó nếu thích thì ở không thích thì về, ít ra cũng được gặp mặt con mặt cháu rồi về có chết cũng vui. Có người như hiểu rõ tâm can của bà nói rằng sang Mỹ bà cứ gửi tiền về thì chẳng lo gì không có người chăm sóc mộ phần của ông Tấn. Cuối cùng thì bà Năm đã xiêu lòng và quyết định đi Mỹ nhưng khi bà quyết định lên đường thì lại nổi lên vấn đề phải giải quyết là cái nhà. Bây giờ gọi bán thì nhất định là không kịp rồi, thủ tục giấy tờ đủ thứ chứ đâu phải mớ tôm mớ cá mà muốn bán lúc nào cũng được.
Nhưng rồi thì bà Năm cũng đã tìm ra giải pháp, bà nhờ người làm giấy tờ giao căn nhà của bà cho giáo xứ trông coi và nếu sau nửa năm bà không trở về thì bà tặng ngôi nhà cho giáo xứ để dùng vào công việc chung.
Mọi việc xong xuôi bà Năm lên đường đi Mỹ.
*
Sau những phút bỡ ngỡ tại phòng khách phi trường Tân Sơn Nhất, cuối cùng thì bà Năm đã làm xong thủ tục, lên được máy bay và được nhân viên của hãng hàng không hướng dẫn đến ghế ngồi của bà.
Đây là lần đầu tiên trong đời bước lên một chiếc máy bay, bà Năm thấy gì cũng lạ, bà quan sát tứ phía, bà không ngờ bên trong của một chiếc máy bay lại có thể rộng rãi như vậy. Nhìn người ta nối đuôi nhau đi vào máy bay, bà có cảm tưởng như họ đang đi vào rạp hát, bao nhiêu người vào cũng có chỗ chứa, bà nghĩ có lẽ đến mấy trăm người có mặt trên chuyến bay này. Khi mọi người đã ngồi yên tại chỗ ngồi, bà Năm nghe trên loa phóng thanh nói gì đó bà chẳng hiểu. Bà mặc ai làm gì thì làm, bà cứ ngồi yên cho đến khi có một nữ tiếp viên đến giúp bà cài dây nịt an toàn. Máy bay mở máy, bà Năm nghe tiếng nổ rầm rầm rồi máy bay bắt đầu chuyển động, lăn bánh trên phi đạo và cất cánh. Nhìn qua khung cửa sổ bên cạnh, bà Năm thấy nhà cửa, đường xá, đồng ruộng cứ nhỏ dần nhỏ dần rồi biến mất.


Khi máy bay đã bay thật cao, bà chỉ còn nhìn thấy những làn mây trắng xóa ở phía dưới của chiếc máy bay. Bà Năm suy nghĩ mông lung, bà thắc mắc tại sao chiếc máy bay làm toàn bằng kim loại to như vậy, chở bao nhiêu người và hành lý mà có thể bay trên không trung được. Bỗng bà Năm nghĩ nếu lỡ máy bay rớt thì chắc mọi người sẽ tan xương nát thịt, lúc đó con trai của bà chắc chẳng còn tìm được xác bà để chôn bên cạnh phần mộ của ông Tấn như bà hằng ao ước. Suy nghĩ miên man, bà Năm chìm dần vào giấc ngủ lúc nào không biết cho đến khi tỉnh dậy bà nghe nói máy bay sắp đáp xuống một phi trường nào đó để hành khách được chuyển sang một chiếc máy bay khác và tiếp tục bay đi Mỹ. Sau mấy lần đổi máy bay, bà Năm đã đến được chặng cuối cùng. Ở đây con trai bà, con dâu bà và hai đứa cháu nội đã có mặt để đón bà.
Gặp lại mẹ sau nhiều năm xa cách, Thiên ôm chầm lấy bà rồi hai mẹ con cùng nước mắt đầm đìa nhưng đó là những giọt nước mắt vui mừng của ngày đoàn tụ chứ không phải những giọt nước mắt của sự chia ly như lần trước. Thiên giới thiệu Nga với bà Năm. Nga cũng ôm chầm lấy bà và luôn miệng hỏi thăm bà về chuyến đi và hỏi bà có mệt không. Sự săn đón và cử chỉ mau mắn của Nga đã chiếm được cảm tình của bà ngay lần đầu gặp gỡ. Nga kéo hai đứa con đến trước mặt bà giới thiệu tên từng đứa nhưng bà Năm nghe xong thì quên liền chứ đâu có nhớ được tên đứa nào. Hai đứa cháu nội của bà ngập ngừng lập lại những lời của mẹ để chào bà nội. Bà nghe giọng nói tiếng Việt lơ lớ của chúng mà phải phì cười.
Thiên lái xe đưa bà về nhà. Doc đường bà thấy xe cộ nườm nượp, cái xứ gì mà xe cộ nhiều như kiến nhưng mà chạy có thứ có tự chứ không chạy lọan xạ như ở Việt Nam. Đường sá thì rộng thênh thang, sạch trơn không một hạt bụi chẳng bù cho đường sá nơi bà ở lúc nào cũng bụi mù làm cho người đi đường muốn nghẹt thở. Khi xe đậu lại trước cửa, bà Năm không ngờ con trai của bà làm chủ một ngôi nhà sang trọng như vậy. Vào bên trong bà Năm càng ngạc nhiên hơn. Phòng ốc rộng rải, sạch sẽ và ngăn ắp. Nga dẫn bà đến một căn phòng khá rộng với đầy đủ đồ dùng và nàng nói đó là căn phòng của bà. Bữa cơm tối hôm đó thật là vui vẻ. Được Thiên cho biết trước, ngoài những món ăn khác Nga còn làm món rau muống xào và dùng nước luộc rau vắt chanh vào làm canh là món ăn bà Năm ưa thích. Món ăn tuy thật đơn giản nhưng bà Năm khen ngon và bà cũng không khỏi ngạc nhiên vì được ăn rau muống ở Mỹ, bà cứ nghĩ ở Mỹ thì làm gì có rau muống. Vừa ăn bà Năm vừa kể chuyện Việt Nam cho con trai và con dâu nghe. Hai đứa cháu nội của bà cũng chăm chú theo dõi nhưng không biết chúng có hiểu gì không.
Ngày hôm sau Thiên ở nhà với bà. Thiên đã lấy một tuần lễ nghỉ để ở nhà nói chuyện với bà Năm. Thiên đã kể cho bà Năm nghe những nỗi gian truân trên bước đường di tản, những khó khăn chàng gặp phải trong những ngày đầu hội nhập vào xã hội Mỹ. Nghe Thiên kể, bà Năm không cầm được nước mắt, bà khóc vì buồn tủi cũng có mà vì sung sướng cũng có. Buồn tủi vì thương Thiên phải một mình long đong nơi xứ lạ quê người và bà cũng nhớ lại thân phận của bà trong thời gian biệt tăm tin tức của Thiên. Còn bà sung sướng vì dù sao thì hoàn cảnh éo le của mẹ con bà cũng đã chấm dứt, mẹ con bà đã được đoàn tụ trong lúc có biết bao nhiêu gia đình khác đã không có được cái may mắn như gia đình của bà.
Khi Thiên hết ngày nghỉ thì đến phiên Nga xin nghỉ một tuần ở nhà với bà để cho bà đỡ thấy xa lạ trong những ngày còn lạ nước lạ cái trên đất Mỹ. Nga đưa bà đi sắm đồ, đưa bà đi thăm các chợ trong vùng, Nga kể cho bà Năm nghe câu chuyện tình của vợ chồng nàng. Bà Năm thích lắm, những ngày nghỉ của Nga đã đem đến cho bà nhiều niềm vui. Nhưng có cuộc vui nào mà không tàn, những ngày nghỉ của Nga cuối cùng cũng đã hết, cái không khí gia đình cũng không còn được như những ngày đầu.
Sau khi Thiên và Nga đều trở lại sinh hoạt bình thường thì chỉ còn có hai ngày thứ Bảy và Chúa nhật bà Năm mới cảm thấy ấm cúng. Những ngày khác Thiên và Nga đi làm, hai đứa cháu đi học, chỉ còn có một mình bà trong một ngôi nhà rộng thênh thang khiến bà cảm thấy lẻ loi. Nhiều lúc bà Năm muốn đi ra ngoài cho đỡ tù túng nhưng bà lại sợ gặp người Mỹ lỡ người ta hỏi chuyện, tiếng Mỹ bà không biết một chữ thì biết đường nào mà trả lời cho nên suốt ngày bà chỉ quanh quẩn ở trong nhà. Cả ngày ở nhà chẳng biết phải làm gì bà Năm xem băng video ca nhạc, cải lương hay xem kịch. Thiên đã chuẩn bị sẵn nhiều cuốn băng để cho bà giải trí. Bà Năm coi băng ngày này qua ngày khác, riết rồi bà giống như con bệnh uống thuốc nhiều quá bị lờn thuốc, những bài hát tân nhạc, những câu vọng cổ hay những vở kịch không còn tác dụng giải trí nữa vì chúng đã trở thành nhàm chán đối với bà.
Bà Năm mơ hồ nghĩ đến một thứ gì khác mà bà đang cần. Có lẽ bà thích nói hơn là câm nín cả ngày và chỉ có nghe, bà muốn giải khuây bằng những câu chuyện thực chứ không phải là những câu chuyện không có thực ở trong băng nhựa. Bà muốn sống một cuộc sống đích thực chứ không phải là trong mộng mơ. Cuộc sống đích thực đó chỉ có ở trong xóm của bà, ở trên quê hương xứ sở mà thôi. Cuộc sống đích thực đó là những mẩu chuyện hay có, dở có bà nghe được hàng ngày ở trong xóm. Cuộc sống đích thực đó không thể vắng bóng những con người chất phác, hay va chạm nhưng lại dễ bỏ qua, bất bình đó nhưng khi đến việc lại sẵn sàng giúp đỡ nhau. Cuộc sống đích thực đó cũng không phải chỉ liên quan đến người còn sống mà còn ràng buộc cả với người đã chết.
Khi còn ở Việt Nam mỗi lần có chuyện vui hay buồn bà Năm đều tìm đến mộ ông Tấn, bà vừa dọn cỏ vừa kể lể bên ngôi mộ. Kể lể xong khi ra về nếu là chuyện vui thì bà thấy vui hơn, nếu là chuyện buồn thì bà thấy nỗi buồn được vơi bớt. Mấy tháng nay bà Năm đã không được sống cuộc sống đích thực của bà. Bà nhận ra rằng cuộc sống ở Mỹ thật đầy đủ về vật chất nhưng không thích hợp với bà. Bà Năm bắt đầu có một niềm ao ước nhưng không dám nói ra vì sợ làm buồn lòng con cái. Niềm ao ước đó bà đã giấu kín ở trong lòng nhưng nó giống như một cái bào thai càng ngày càng phát triển cho đến khi đủ ngày đủ tháng thì thai nhi phải chào đời, niềm ao ước của bà đã không thể nào giấu kín mãi được.
Một ngày cuối tuần, sau bữa cơm tối, bà Năm bảo con trai và con dâu ngồi lại bàn ăn để bà có chuyện muốn nói. Thiên và Nga nhìn nhau không biết là chuyện gì nhưng cả hai đều ngồi xuống ghế chờ đợi. Bà Năm sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn rồi bà lên tiếng:
- Các con đã lo cho mẹ thật chu đáo, lẽ ra mẹ không nên làm phiền các con nữa, nhưng mẹ có điều này muốn xin các con.
- Có phải là mẹ muốn giúp một người nghèo nào ở bên Việt Nam" -Thiên đón ý bà Năm.
- Không phải.
- Hay là mẹ muốn sang thăm bác Hùng ở bên Canada" -đến phiên Nga dò hỏi.
- Cũng không phải.
- Vậy có điều gì xin mẹ cứ nói, chúng con sẵn sàng làm cho mẹ.- Nga hứa với bà Năm.
- Thật nhá.
- Chúng con hứa mà. - đến phiên Thiên hứa với bà Năm.
- Vậy để mẹ nói. Mẹ muốn về sống luôn ở bên Việt Nam.
Bây giờ thì cả Thiên và Nga đều giật mình và nhận thấy cần phải nói năng thận trọng hơn. Trong lúc Thiên còn chưa biết phải nói gì thì Nga đã nhanh miệng nói với bà Năm:
- Nếu vợ chồng con hay là các cháu có làm gì cho mẹ buồn lòng thì xin mẹ cứ nói ra, chúng con sẽ sửa chữa chứ mẹ đừng có giận mà đòi về Việt Nam, chúng con khổ tâm lắm.
- Ai nói là mẹ giận các con. Mẹ mà giận con thì còn là mẹ nữa à"
- Vậy sao mẹ không muốn ở đây với chúng con mà lại muốn về Việt Nam"- Thiên muốn bà Năm giải thích.
Bà Năm hướng về phía Nga như muốn nói riêng với con dâu vì bà nghĩ chuyện bà sắp nói con trai bà đã biết rõ. Năm 1975 bà không đi với Thiên mà quyết định ở lại cũng vì phần mộ của ông Tấn. Từ khi ông Tấn nằm xuống, bà thường đi thăm mộ và đích thân chăm sóc phần mộ của ông, bà dọn cỏ và trồng bông hoa quanh mộ. Người sống thì có nhà người chết thì có mồ. Bà Năm nghĩ ngôi mộ được chăm socù kỹ lưỡng sẽ làm cho ông Tấn ở dưới suối vàng cũng được vui. Từ khi sang Mỹ tất nhiên bà không thể tiếp tục công việc này, có lẽ vì vậy mà bà cảm thấy thiếu sót đối với ông Tấn. Nhiều đêm bà mơ thấy ông Tấn và trong giấc mơ khi gặp bà, ông Tấn không nói gì với bà nhưng bà nhận thấy vẻ mặt ông buồn lắm. Bà Năm hiểu rằng ông không trách móc gì bà nhưng ông chỉ buồn vì phần mộ của ông không còn được chăm sóc như trước. Bà muốn trở về Việt Nam để có thể tiếp tục công việc bà bà đã làm cho người chồng quá cố từ nhiều năm nay.
Bà Năm cũng nói cho con trai và con dâu biết thực sự bà không muốn đi Mỹ. Chỉ vì bà không muốn nghe những lời xầm xì của lối xóm bà mới để cho Thiên làm giấy bảo lãnh và chịu khó đi tới đi lui vì công việc này. Ngay trước ngày đi nhận vé máy bay bà vẫn không có ý định đi Mỹ nhưng vì Thiên đã bỏ tiền mua vé máy bay cho nên theo lời khuyên của nhiều người bà mới quyết định lên đường. Khi sang Mỹ bà chỉ muốn được gặp lại Thiên, được gặp mặt con dâu va hai đứa cháu nội của bà một lần. Nay bà đã tận mắt nhìn cảnh đầm ấm của con trai bà, được thấy Nga là vợ hiền, dâu thảo thì bà rất mừng và yên tâm, không còn phải lo lắng gì nữa. Được toại nguyện về mặt con cái, bà Năm lại nghĩ tới bổn phận đối với mồ mả của ông Tấn.
Bà Năm cũng giãi bày nỗi lòng với con trai và con dâu rằng mỗi buổi sáng khi bà thức dậy để bắt đầu một ngày mới thì cũng là lúc bà sắp phải đối diện với sự cô đơn khi con trai và con dâu đi làm, các cháu đi học. Người đi làm thì có bạn ở chỗ làm, trẻ đi học cũng có bè bạn ở trường, chỉ có bà thui thủi một mình. Bạn của bà chính là những đồ vật vô tri vô giác ở trong nhà, chúng không biết chia sẻ với bà những vui buồn trong cuộc sống. Ở Việt Nam những lúc rảnh rỗi hay có tâm sự gì bà chạy sang hàng xóm nói chuyện cho khuây khỏa, ở đây hàng xóm là những người Mỹ họ không hiểu bà và bà cũng không hiểu họ.
Bà Năm nói bà đã được đi máy bay, đã được ngồi xe hơi, đã thấy được nước Mỹ, bà cũng đã được gặp con gặp cháu. Bà cho rằng như vậy là đã quá đủ cho cuộc đời của bà và đã đến lúc bà phải nghĩ đến những ngày cuối của đời người, ngày về với ông bàø. Bà nói với con trai và con dâu rằng bà đã từng có tâm nguyện là khi chết sẽ được chôn bên cạnh mộ của ông Tấn và bà cho rằng tâm nguyện của bà sẽ dễ dàng thực hiện hơn nhiều nếu như bà sống ở Việt Nam.
Nghe xong những lời bà Năm nói và hiểu được nỗi lòng của mẹ già, mắt Thiên và Nga đỏ hoe, không ai còn muốn ngăn cản bà nữa. Hai tuần lễ sau Thiên, Nga và hai đứa cháu nội lại có mặt tại phi trường mà ba tháng trước họ đã đón bà Năm khi bà đặt chân lên đất Mỹ. Lần này họ có mặt tại đây để tiễn bà về Việt Nam.
*
Máy bay đang từ từ xuống thấp. Đồng ruộng, những ngôi nhà, những con đường đất đang dần dần hiện ra. Bà Năm vui khi được nhìn lại cảnh vật quen thuộc nhưng bà cũng không khỏi buồn khi nghĩ đến vợ chồng Thiên và hai đứa cháu nội đang sống xa cách bà hàng ngàn vạn dặm. Trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn, bà Năm đưa tay áo lên chậm nước mắt, bà nhủ thầm "Ông Tấn ơi! Ông đừng buồn nữa, tôi đã về để được gần ông đây".
Ngay ngày hôm sau người ta đã thấy bà Năm đi thăm mộ ông Tấn.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,982,264
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến