Hôm nay,  

Hoa Nở Trên Non

30/03/200400:00:00(Xem: 259483)
Người viết: KAREN N. NGUYỄN
Bài số: 507-1044-vb2290304

Tác giả Karen N. Nguyen, là trưởng nữ một gia đình H.O., hiện là một pharmacist, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ, trong số này có “Chuyện Cấm Đàn Ông”; “Viết Cho Em Trai Tôi” và là một trong những tác giả được đề cử cho giải chung kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ ba, 2003. Sau đây là bài viết mới của cô, bài viết thứ 11.
*

"Kim, có ông customer muốn hỏi pharmacist điều gì kìa". Kim đang lo check mấy toa thuốc thì nghe tiếng nhỏ cashier gọi. Ngẩng đầu lên nhìn ra phía góc pharmacy dành cho pharmacist nói chuyện với khách hàng, Kim thấy một người đàn ông da trắng tuổi trung niên đứng đó với hai đứa bé chừng 7, 8 tuổi, một trai, một gái.

Ông khách hàng nhìn Kim, ánh mắt ngại ngần và giọng nói ngập ngừng:
"Tôi ly dị vợ, bà ấy giữ 2 đứa nhỏ 2 tuần, tôi giữ tụi nhỏ 2 tuần. Hễ tụi nhỏ về với mẹ tụi nó là sau đó tôi lại phát hiện tụi nó có chí. Đến phiên tôi chăm sóc tụi nó thì tôi ráng hết sức mình mới diệt hết mấy con chí đó. Sau đó đến phiên bà ấy giữ con, thế là chuyện cũ tái diễn. Cô có thuốc nào trị chí mạnh mạnh một chút được không" Mấy thứ thuốc trị chí bán không cần toa bác sĩ, tôi đã dùng hết rồi…."

Kim nhìn hai đứa bé, đứa nào cũng mặt mày sáng sủa, mái tóc vàng óng mịn như tơ mắt to tròn xanh màu nước biển, gò má hồng hồng thấy mà thương. Bà mẹ nào nhẫn tâm thấy con bị bệnh như vầy đều đều vậy kìa, tệ quá đỗi đi. Thuốc gì bây giờ" Mọi thứ thuốc bán ở ngoài pharmacy ông khách đã dùng hết rồi, Kim biết giới thiệu thuốc gì đây!

Kim nói với ông khách hoặc là tạm thời tiếp tục dùng thuốc bán không cần toa bác sĩ hoặc là dẫn tụi nhỏ đi bác sĩ để lấy toa thuốc mua thuốc mạnh hơn để trừ chí. Hỏi ông khách mọi biện pháp như giặt quần áo, mền, khăn trải giường, kiểm tra đầu tóc tụi nhỏ, lấy lược dày chải trứng chí, ông đã làm hết cả rồi. Kim nghe ông khách diễn tả cách thức ông làm mà còn thấy chi tiết tỉ mỉ hơn cách Kim biết nhiều lắm. Hết cách rồi, Kim suy nghĩ. Chỉ có một cách -màø Kim không biết nói như thế nào với ông khách hàng- là nếu chuyện này kéo dài hoài ông có thể có bằng chứng để xin tòa xử cho hai đứa bé được ông trọn quyền nuôi dưỡng và bà mẹ tụi nhỏ thì lâu lâu có thể ghé để viếng thăm. Chuyện nhà người ta, pharmacist đâu có thể xía vô vậy được. Kim đành im lặng mà nhìn theo ông khách dắt hai đứa con ra cửa, cái lưng còng hơn xuống vì trĩu nặng âu lo….
Ngày ngày làm ở tiệm thuốc, Kim gặp vô số người cha người mẹ đến mua thuốc cho con. Không biết bao nhiêu lần Kim nhìn thấy những đứa bé được cha mẹ để vào trong cái xe khách dùng để đựng hàng hóa mua sắm trong chợ, những đôi chân bé tí thò ra khỏi xe phô bày những đôi vớ đủ màu, những đôi giày nhỏ xíu xinh xinh, dễ thương làm sao.

Từ những toa thuốc bác sĩ viết cho những bệnh nhân nhi đồng này, Kim là người chuyển chúng thành những chai thuốc, những viên thuốc kèm theo lời chỉ dẫn để bố mẹ của các bé biết cách thức cho các bé uống thuốc. Không phải loại thuốc nào cũng có mùi strawberry quyến rũ, mùi bubble gum lôi cuốn trẻ con. Ông bà ta hay nói thuốc đắng dã tật, nhưng thuốc có vị đắng thì các bé chào thua, khóc lóc không chịu uống và Kim sẵn sàng bỏ thêm mùi để làm cho thuốc hấp dẫn hơn, thơm hơn, uống vào vị ngọt hơn. Gần ba dollars rưỡi để bỏ thêm mùi vào thuốc, hễ nghe Kim gợi ý là thuốc có vị đắng, không hấp dẫn là thường bố mẹ các bé đồng ý chi thêm tiền để cho bé chịu uống thuốc vào. Có con thì phải lo cho con, nhiều ông bố bà mẹ sốt sắng nói với Kim như vậy, thêm mấy dollars mà con tôi chịu uống thuốc cho khỏi bệnh tôi đồng ý trả ngay thôi. Thuốc nào bỏ thêm mùi mà vẫn còn có vị không ngon phải cho đứa bé uống grape fruit juice ngay sau khi uống thuốc, Kim gợi ý cho các phụ huynh họ cũng nghe theo.
Không biết bao nhiêu lần, Kim đi ra khu vực bán hàng cho trẻ em để chỉ cho khách mua những món cần thiết cho các bệnh nhân tí hon này. Bé quấn tã bị ngứa ư, có thuốc này để bé dùng. Bé mọc răng bị đau lợi ư, có thuốc kia để bôi cho bớt đau. Kim chỉ cho khách mua những thứ thuốc bán không cần toa bác sĩ dựa theo những gì Kim học được ở trong trường, trong sách vở hay học được từ kinh nghiệm của mấy anh chị em và mấy đứa bạn có con nhỏ. Còn kinh nghiệm bản thân của Kim ư" Không có gì hết bởi Kim không có con!

Bao nhiêu lần sau đám cưới, gặp mấy người quen thế nào sau vài câu chuyện hàn huyên là có người lại hỏi đùa Kim, xem vợ chồng Kim có tin vui chưa. Phải có ít nhất một đứa con cho vui nhà vui cửa chứ. Quý vị này lý luận, vợ chồng lấy nhau mấy năm rồi mà sao chưa nghĩ tới chuyện có baby, lo nhanh nhanh đi thôi. Lo nhanh nhanh thì cũng có phần nào đúng, vì vợ chồng Kim tuổi cũng đã lớn rồi. Nhưng chính vì vậy mà chuyện có một đứa con theo thời gian cứ trở thành xa vời vô cùng, nói theo vợ chồng Kim với nhau là một "mission impossible".
Khoan nói tới con trong cuộc chạy đua để kiếm được một tấm chồng "ngõ hầu có nơi nương tựa lúc tuổi già" như mấy đứa bạn Kim hay đùa, Kim đã xếp hàng sau tụi nó xa lơ xa lắc rồi.

Ngày Kim rời Việt Nam qua Mỹ định cư, mấy đứa bạn học thời trung học đã có mấy đứa con tay bồng tay dắt. Lác đác chỉ còn chừng chục đứa con gái trong cái lớp 12 đông đúc gần 60 học sinh ngày nào lúc bấy giờ vẫn còn ở trong đội "phòng không". Khi sắp qua cái tuổi ba mươi mà chưa lập gia đình, phái nữ ở Việt Nam có nhiều khả năng bị xếp vào hàng "ê sắc". Kim còn nhớ hoài lúc đi học đại học bên Việt Nam, trường có 3 cô giáo trẻ còn độc thân ở tại khu nhà giảng viên phía sau trường, cánh con trai trong trường còn gọi đó là khu "miếu ba cô". Học trò mười bảy, mười tám tuổi như Kim lúc đó nghe như vậy thấy buồn cười, mười mấy năm sau nghĩ lại thấy thấm thía và đau.

Những năm đầu ở Mỹ, Kim vất vả đương đầu với cuộc sống mới trên xứ người, giữa những người không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ. Đi học, đi làm, đi học, cuộc sống cứ xoay vòng theo một nhịp điệu nhàm chán đến chóng cả mặt, nhưng Kim không tài nào thoát ra khỏi cơn lốc xoáy ấy được. Sau mấy năm trời miệt mài ở community college, Kim đậu vào pharmacy school. Thư bạn bè gởi tới từ Việt Nam qua bây giờ ngoài chuyện tụi nó còn là chuyện của mấy đứa con, hình bạn bè gởi qua cho Kim bây giờ còn có tên ông xã tụi nó và tên mấy đứa con, đôi khi còn có thêm năm sinh của mấy bé Kim ghi vào, để cuối năm Tết đến viết thư thì lại hỏi thăm xem năm nay bé nào lên lớp mầm, bé nào học lớp chồi, bé nào vào cấp 1, bé nào lên cấp 2…Tụi bạn lâu lâu hỏi thăm xa xa xem Kim có quen anh nào ở đất Mỹ chưa, để rồi Kim lại trả lời là chàng hiệp sĩ của mình vẫn còn lang thang ở đâu đó xa tít chân mây, chưa có dịp quá bộ đến vùng Kim ở. Maybe ngày nào đó nơi nào đó Kim sẽ gặp chàng, Kim viết thư cho bạn bè nói như vậy, rồi thế nào tụi bay cũng sẽ nhận được thiệp hồng của tao gởi, không có quên đâu!

Gặp chàng ở chốn nào Kim không biết. Gặp ở trong trường học thì không có rồi. Vào học pharmacy lớp có chừng 70-75 phần trăm là nữ, cánh con trai coi như là gươm lạc giữa rừng hoa. Kim qua Mỹ trễ đi học lại, coi như tuổi Kim hơn tụi nó cả gần một con giáp. Trong lớp chỉ có vài anh ngang ngang tuổi Kim đa số đã có vợ con, vài anh còn độc thân nhưng coi như không có spark giữa anh nào và Kim hết. Cuối buổi học, cuối tuần tụi nhóc trong lớp đi happy hour, đi party nhà đứa này, đứa kia liên miên còn Kim lặng lẽ thu mình trong căn phòng ở ký túc xá để học bài. Sét ái tình đánh trúng ai, thần Cupid bắn tên trúng ai chứ không thèm đếm xỉa tới Kim. Bao năm trời ở pharmacy Kim lo học đến xanh người lại tiếp tục cuộc sống đi học và đi làm đều đều suốt mấy năm trời để mong không rớt môn nào, ra trường kịp với bạn bè, nên chẳng quen ai. Rớt một môn thì ở lại một năm. Nợ thêm cả chục ngàn dollars tiền học không ngán sao được kia chứ!

Gần đến ngày ra trường chụp ảnh trong year book lưu niệm, mấy đứa trong lớp có chồng, fianc hay boy friend viết mấy dòng dưới hình mình, cảm ơn chàng đã động viên khuyến khích nâng đỡ mình suốt bao năm trời vất vả ở pharmacy. Kim chỉ có gia đình bé nhỏ của Kim, bố mẹ và các anh chị em của Kim để cám ơn đã giúp Kim vượt qua bao gian nan ở trường pharmacy, bao khó nhọc ở xứ người mà thôi.
Tiệc chia tay trước khi ra trường, bao nhiêu cô học trò trong lớp đến party cặp tay với chồng, với boyfriend, với fianc chỉ có Kim và vài đứa khác trong lớp là đến party một mình, đơn chiếc lẻ loi. Nhìn mấy cô bạn trong lớp cùng chồng và con đến party Kim thấy nhoi nhói đau trong tim. Có mấy đứa năm cuối trước khi ra trường quyết định có baby, ngày party đến dự bụng căng tròn lum lúp, tụi nó lý luận dịp trước khi ra trường là lúc tiện lợi nhất để có baby, ra trường thì lấy licence hành nghề cũng mất vài tháng. Không có baby lúc này là uổng lắm, mai mốt đi làm rồi đâu có được nghỉ nhiều để take care cho baby đâu, nghỉ trước như vầy tiện hơn. Chồng còn chưa có, có chi con, cao số như mình thì chịu vậy thôi chứ biết sao, Kim đành lý luận và biện hộ cho mình như vậy.

Chàng của Kim ở đâu kìa, bao giờ mới xuất hiện, Kim không biết. Nhưng Kim biết chắc chắn một điều là chàng không thể nào xuất hiện ở pharmacy nơi Kim làm việc được, bởi lẽ ở chỗ làm phần đông Kim chỉ gặp các cụ ông lưng còng tóc bạc đến mua thuốc cho mình và cho các cụ bà, các ông đã có gia đình rồi mua thuốc cho mình hay cho vợ cho con và các bé trai theo chân bố mẹ đến mua thuốc mà thôi.

Kim ra trường, đi làm, vẫn giữ liên lạc với mấy đứa bạn thân trong pharmacy. Và lâu lâu lại nghe đứa này sắp có baby, đứa kia con sắp đi nhà trẻ. Có mấy đứa bạn bên miền Đông kiếm cách mai mối cho Kim với mấy anh bên đó, em của chị bạn quen, chú của chị bạn quen, nhưng có lẽ bà mai không có dịp may, nên cái đầu heo cứ mãi hoài là chuyện giả tưởng trong những lần Kim và tụi nó email hay nói chuyện qua điện thoại mà thôi.

Ngày còn lóc cóc đi học ở pharmacy, Kim có lúc nghe một cô bạn cũng khá lớn tuổi và độc thân nói đùa rằng, nếu cô mà có gia đình thì xin sẽ có hai đứa ngay một lúc, twins, nhưng phải là một trai một gái, để chỉ gian khổ 9 tháng mà có 2 đứa con cho bằng chị bằng em. Lúc đó Kim nói đùa lại, bảo là làm gì mà phải cực khổ dữ vậy, muốn có con thì đi xin con nuôi đi thôi, xin con nuôi thì có thể xin mấy bé tuổi đã lớn chút rồi không phải qua giai đoạn thay tã khóc nhè ban đêm, đút ăn đút uống, khỏe biết chừng nào. Kim còn nhớ lúc đó ánh mắt cô bạn Kim chùng xuống, cô nói với Kim là cô có một đứa con, đứa con cùng chung huyết thống, đứa con cùng chia sẻ một số genes chung với mình, biết đâu sẽ giống màu mắt mình, khuôn mặt mình, màu tóc mình, tính tình của mình, đứa con cưu mang chín tháng mười ngày, đứa con mình mang nặng đẻ đau kia kìa, ước mơ đó có gì là to lớn quá đâu kia chứ. Rồi cô nhắc đến chuyện sperm bank bảo là nếu không kiếm được chàng trong mộng của mình thì sẽ đến sperm bank thôi. Bạn Kim và Kim lúc đó nghĩ rằng sperm bank sẽ giúp cho mình có một đứa con. Nhưng nếu có một đứa con, mai mốt lớn lên đứa trẻ sẽ thắc mắc hỏi rằng bố nó ở đâu, lúc đó biết trả lời sao, hai đứa không nghĩ ra được.

*
Đứa con, ước mơ coi như bình thường mà trở thành vượt tầm tay với của Kim, của chàng. Tuổi già sồng sộc đến sau lưng Kim và chàng khi hai đứa quen nhau, đồng ý đi đến hôn nhân, đứa nào trên đầu tóc cũng đã bắt đầu lấm tấm điểm những sợi bạc. Khi hai đứa đính hôn, chàng nói với Kim tuổi hai đứa mình đã lớn, nếu sau đám cưới mình có baby thì tốt, không có thì cũng được, em không buồn chứ, và Kim gật đầu đồng ý với chàng cái rụp. Chàng nói đùa, nếu hai đứa mình không có con thì đến 55 tuổi là anh về hưu non được rồi, còn nếu có baby thì anh phải tiếp tục đi làm thêm cả mười mấy năm nữa, mà không biết có dư tiền để mai mốt cho nó đi học đại học không nữa. Cả em nữa, chàng nói với Kim, lúc anh về hưu thì em cũng xin nghỉ hưu sớm được rồi đó, rồi hai đứa mình sẽ đi du lịch vòng quanh nước Mỹ này hay đi về Việt Nam chơi mấy tháng, đi nước này nước kia cho thỏa chí hải hồ, không lo lắng vướng bận gì cả, em thích không" Kim nghe chàng lập luận thấy cũng hay hay.

Không có con cuộc sống hai vợ chồng Kim khá thoải mái. Tan sở làm, Kim muốn ghé shopping mall đi vòng vòng xem đồ thì cứ ghé, không cần phải chạy về nhà ngay như mấy người bạn có con mọn. Kim không phải tính toán lúc đi chợ xem cần đến lúc mua tã lót, mua sữa mua bột cho em bé hay chưa, món nào nên mua nhiều vì đang có sale, món nào bán ở chỗ nào thì rẻ như mấy anh chị em của Kim đang bận bịu vì con nhỏ. Hai vợ chồng Kim buổi tối không muốn ăn ở nhà thì đi ra mấy tiệm ăn gần đó, chán fast food thì ghé Chinese buffet, ngán đồ Mexican thì qua tiệm đồ ăn Ấn Độ. Hai đứa buổi tối muốn xem TV đến khuya thì cứ thức, cuối tuần muốn ngủ đến lúc mặt trời mọc lên cao mấy sào thì cứ việc ngủ, không lo lắng bận tâm gì cả. Không có con cái, không có vướng bận không có lo âu gì cả.
Không có lo âu, nhưng có khát khao.

Nhìn mấy người mẹ trẻ nắm tay con dắt con đi chơi ngoài công viên, nhìn những đôi vợ chồng đẩy chiếc xe nôi có đứa con bé xíu nằm bên trong như một con búp bê đi trong Mall, Kim nhiều lúc ước ao có được cái cảm giác như vậy. Cảm giác cầm một bàn tay nhỏ xíu mềm mại của trẻ con trong bàn tay của mình, cảm giác nhìn xuống gương mặt ngây thơ, đôi mắt thiên thần, nghe cái miệng nhỏ có đôi môi hồng chum chúm cất tiếng trong vắt như thủy tinh hỏi chuyện. Cảm giác được bồng cái người bé tí hon mà lắm chuyện kia trong đôi tay của mình, hôn lên mái tóc lên gò má thơm thơm mùi sữa, cảm giác đó không dễ dàng gì Kim có được hết. Lâu lâu ghé qua nhà bà chị hay mấy đứa em, Kim lại có dịp ẵm bồng hôn mấy đứa cháu nhưng tận đáy lòng Kim không biết bao nhiêu lần Kim mơ ước mãnh liệt có một đứa con để hôn, để bồng, để lo lắng, thương yêu, đứa con của riêng Kim.
Đi vòng vòng trong shopping mall, ngang qua khu bán quần áo trẻ con nhiều lần Kim ngừng lại ngắm xem. Không biết bao nhiêu lần Kim cầm những cái quần, cái áo trẻ con lên săm soi, rồi tưởng tượng ra xem bộ váy áo đầm màu vàng có điểm những con bươm bướm nhỏ có hợp với cô cháu gái bé tí của mình hay không. Bộ đồ lính thủy có hình chiếc tàu nhỏ chạy trên sóng biển trên ngực áo mặc vào người cậu trai cháu của mình thì sẽ ra sao. Ngang qua tiệm đồ chơi, không biết bao lần Kim ghé vào rồi đứng nhìn mấy món đồ chơi trong đó, ước ao mình có một đứa con gái để rồi sẽ mua cho nó con búp bê giống như một đứa bé thật biết khóc, biết ăn, biết uống nước, biết bò, con chó trắng lông xù biết đi, đứng, vẫy đuôi hay có một đứa con trai để mình sẽ mua cho nó hộp đồ chơi có đường rầy xe lửa trên đó có cái đầu máy đen thui kéo theo mấy toa xe đủ màu, có sân ga có hành khách đứng vòng quanh dưới những cây nhựa nhỏ xíu tàng lá xanh um giống y như thật. Có đàn bò trắng đốm đen gặm cỏ xanh tưởng tượng bên kia đường có cái máy cày trong cái nông trại tường gỗ trắng mái ngói đỏ tươi ở kế bên…
Kim biết mấy đứa cháu của mình bây giờ lớn đến đâu, thành ra bao giờ đi Mall không mua đồ cho đứa này thì cũng mua cho đứa khác. Hầu như tháng nào Kim cũng kiếm ra cái gì đó để gởi cho cháu, hết đứa cháu này thì đến đứa cháu khác, dì Kim hay cô Kim không quên cháu nào hết.

Mấy anh chị em của Kim có gia đình, có con nhỏ, nhiều khi thấy Kim ao ước có một đứa con, nói đùa: "Thích có con thì chọn đứa nào con của tụi này mang về nhà vài tuần mà nuôi dùm đi, cho ba má nó nghỉ vacation một chút. Cực quá xá là cực, chứ có vui vẻ luôn luôn đâu kia chứ".
Ông em trai út tả oán: "Từ hồi có thằng nhóc này tới giờ, vợ chồng em có bao giờ đi ăn ở ngoài đâu. Ra tiệm vừa ngồi vào bàn là nó bắt đầu khóc òa lên, làm tụi em order food to go không hà!"

Cô em bổ sung "Mấy tháng đầu nhỏ con em cứ ngủ buổi tối 2, 3 tiếng là thức đòi bú, em đâu có ngày nào ngủ đầy được đâu, thèm ngủ muốn chết luôn vậy đó. Rồi lớn lên một chút nó mọc răng, nửa đêm lại thức khóc tùm lum. Không biết bao giờ em mới có một giấc ngủ nguyên đêm không bị phá rối nữa!". Bà chị thêm vào: "Rồi baby nó lớn, gởi đi daycare lỡ có đau ốm gì thì daycare họ gọi, mình phải xin nghỉ làm chạy đôn chạy đáo đến đón nó. Nghe nó sốt mà rối cả ruột gan, gọi điện thoại cho bác sĩ của nó đợi năm lần bảy lượt mới nói chuyện được với nurse. Lấy hẹn với bác sĩ cũng trần ai khoai củ, đi mua thuốc đến pharmacy này không có, phải chạy đi pharmacy khác. Đó, chuyện dài gian khổ nhiều tập nuôi con, enjoy đời sống không con cái đi em ơi".

Enjoy đời sống không con cái ư, Kim cũng có enjoy đó chứ. Nhưng nhiều lúc nghĩ đến 2 câu thơ ngày còn bé đọc trong một cuốn sách ở VN.
Có chồng mà chẳng có con

Như bông hoa nở trên non một mình
Kim lại thấy chạnh lòng. Không có đứa con không có stress như bạn bè Kim như mấy anh chị em của Kim, quả thật cuộc sống của vợ chồng Kim thoải mái biết bao, nhưng đối với Kim vẫn có cái gì đó thiêu thiếu. Để những lúc như hôm nay khi làm việc ở pharmacy, sau khi nói chuyện với người khách hàng, cái nỗi thiêu thiếu đó lại ùa về dâng ngập trong lòng, cào xé trái tim nhỏ bé của Kim.
Chiều tan sở làm, về tới nhà bật email lên coi, Kim thấy có email của mấy đứa bạn. Nhỏ X học chung cấp 3 năm nào, con gái thứ nhì đã vào đại học, con gái thứ nhất ra trường sắp lấy chồng, nhỏ Y đang làm thủ tục ly dị chồng sau 15 năm chung sống, nhỏ Z bao năm trời ở vậy phụ chăm sóc mấy đứa cháu con của các em giờ bị ung thư tử cung sắp vào bệnh viện giải phẫu…. Cuộc sống trôi đi mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, có người hạnh phúc bên chồng con, có người hôn nhân đổ vỡ sau mười mấy năm chung sống, có người sống cuộc đời độc thân vui với mấy đứa cháu, con mấy anh chị em của mình mà không chút phiền hà. Kim đang có công ăn việc làm ổn định, có sức khỏe khá tốt, có một ông chồng yêu thương mình hết mực. Có một căn nhà khang trang để ở, một chiếc xe khá tốt lái đi làm mỗi ngày, cuộc sống ở xứ người của Kim không phải giàu có sung túc gì nhưng cũng không phải là vất vả. Chuyện mơ ước có một đứa con của Kim có phải là quá mức hay không"

Trả lời email cho mấy đứa bạn xong, Kim thu xếp chạy ra chợ mua vài thứ chuẩn bị cơm chiều. Ồ hôm nay chợ có bán blueberries thứ trái cây chàng thích. Kim chọn 2 hộp rồi đi vòng qua hàng thịt, hàng rau. Vừa nhìn mấy món hàng ở chợ vừa tính toán xem chiều nay nên nấu món gì. Hai hôm rồi trời tuyết nhiều hai vợ chồng lười đi chợ sống bằng frozen dinner và salad, đến lúc phải đổi món thôi.
Cell phone của Kim bỗng rêu reng reng. Bật cell phone tiếng cô cháu bé 6 tuổi véo von như chim sơn ca bên đầu dây bên kia: "Dì Kim ơi, con cám ơn dì Kim làm bánh cho lớp con, mấy cái chocolate chip cookies dì Kim làm ai cũng khen ngon, kỳ bake sale này lớp con bán được khá lắm". Tiếng bà chị Kim nói theo trên phone: "Dì Kim làm bánh ngon mai mốt lớp nó có bake sale là sẽ được nhờ nữa đó nha". Kim nói với chị và cô cháu bé, đừng có lo, chừng nào có dịp là Kim sẵn sàng làm bánh cho.

Nhắc tới chuyện bánh trái, Kim bỗng nhớ ra là sinh nhật của thằng Eric, con của nhỏ Tina pharmacist làm chung sắp tới và Tina ngỏ ý muốn Kim làm cho Eric ổ bánh sinh nhật có dạng hình chiếc xe truck y như hình chụp ổ bánh Kim làm cho cháu trai của Kim mấy tháng trước đây. Kim vòng qua chỗ bán dụng cụ làm bánh, mua thêm mấy món cần thiết. Mấy người Kim quen và có dịp thưởng thức bánh Kim làm gợi ý Kim làm bánh như vầy thì nên mở thêm dịch vụ làm bánh sinh nhật, bánh đám cưới đi, nhưng Kim không nghe theo chỉ làm theo tài tử mà thôi ngoài giờ làm việc cho bạn bè người thân. Mỗi lần Kim làm một kiểu bánh mới và thấy được bà con chiếu cố nồng nhiệt là là Kim vui rồi.

Cơm chiều nấu xong thì đến giờ Kim lái xe ra trạm metro đón chàng. Buổi tối trời lạnh xuống còn có ba mươi mấy độ, dù nhà cách metro có chừng 10 phút đi bộ. Kim cũng thu xếp để lái xe tới trạm metro chở chàng về nhà. Để chàng đi bộ giữa trời mùa đông băng giá ban đêm này Kim không nỡ. Trời lạnh đến Kim phải tiếp tục bật heat trong xe lúc ngồi đợi chàng ở bến metro. Người người ra khỏi metro ai cũng mũ áo mùa đông dày cộm, bước đi gấp gấp giữa một con đường hẹp mới dọn để ra garage gần đó lấy xe. Tuyết nhiều quá, lề đường vẫn còn tuyết đã được đẩy dồn lại cao quá một gang tay.

Kim đợi gần 15 phút mới thấy bóng chàng bước ra khỏi trạm metro. Metro hôm nay lại trễ, chàng vừa nói vừa ngồi vào xe để em phải ngồi đợi giữa mùa đông như vầy, sorry nha. Chàng đưa cho Kim bó hoa mấy cái hoa daffodil màu vàng dấu hiệu của mùa xuân sắp đến. Không phải valentine's day, không phải sinh nhật, nhưng lâu lâu chàng lại mua hoa bất chợt như thế này cho Kim.
Trên đường lái xe về nhà, chàng cười hỏi Kim: "Hôm nay mình ăn tối món gì vậy em".
Ừ, Kim có những lúc khát khao có một đứa con, nhưng những lúc như thế này Kim bỗng thấy lo cho ông chồng yêu quý của mình là chuyện quan trọng và xứng đáng để chiếm mất phần lớn thời gian rảnh rỗi của Kim rồi. Hạnh phúc không phải có được tất cả những cái mình mơ ước, mình mong muốn. Với Kim hạnh phúc là bằng lòng với những gì mình đang có trong tay và cố làm cho cuộc sống với những gì mình có đẹp hơn hết, ý nghĩa hơn lên, phong phú hơn lên.
Kim nhìn chàng, niềm hạnh phúc bé nhỏ của Kim đã về với Kim sau một ngày làm việc. Ánh mắt chàng tinh quái nhìn Kim như thầm bảo: "Không phải frozen dinner tối nay, hy vọng tràn trề là như vậy đó nha".
Cái bàn ăn tối nay sẽ đẹp hơn nhiều với mấy cành hoa daffodil vàng tươi chàng mới mua cho Kim, Kim nói với chàng như vậy và hy vọng nhờ đó món ăn tối nay cũng sẽ ngon hơn. Món gì ư, bí mật không bật mí được, về tới nhà thì chàng sẽ biết. Kim nói với chàng như vậy, đảm bảo là món mới nấu nóng thơm hôi hổi, không phải là frozen dinner bỏ hâm trong microwave như mấy hôm trước đâu.
Và Kim cảm thấy mình hạnh phúc vô cùng.

Karen N Nguyen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Nhạc sĩ Cung Tiến