Tác giả Nguyễn Văn Hưởng 54 tuổi, định cư tại San Diego, đã được trao tặng giải Viết Về Nước Mỹ 2001 với bài viết "Hoa Ve Chai". Sau đây là bài viết mới nhất của ông, một bút ký sâu sắc, đầy ý nghĩa về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey, do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu. Bài đăng 2 kỳ.
Sau chuyến du hành sang thăm miền Đông nước Mỹ vào mùa Thu năm 2002, lúc giở xấp bản đồ ra nghiên cứu lộ trình trở lại Cali, thấy mình đang ở gần thành phố Atlantic, tôi bàn với nhà tôi: "Hay mình đến Atlantic viếng thành phố cờ bạc miền Đông Hoa Kỳ, xem thử có to lớn như Las Vegas bên miền Tây hay không"" Nhà tôi gật đầu đồng ý. Thế là tôi ngồi ghi lại chi tiết đường đi xuống một mảnh giấy, để cho bà xã nhìn vào đấy chỉ đường cho tôi đi.
Trên đường đến Atlantic, không biết bao nhiêu lần, tấm bảng chỉ lối vào Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam Bang New Jersey đập vào mắt tôi. Mỗi lần nó xuất hiện tôi lại nhủ thầm: "Mình sẽ đến viếng Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại thủ đô Washington DC, thì chắc không cần dừng lại thăm Đài Tưởng Niệm địa phương nhỏ bé này làm gì!". Rồi càng đến gần, sự mời gọi càng tăng thêm. Cuối cùng tôi tìm ra được lý do dừng xe, bởi trời đã quá trưa, tôi cần nghỉ ngơi trong chốc lát và để bà xã lo bữa cơm trưa. Thế là tôi đã đến Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam Bang New Jersey cách San Diego nơi tôi cư ngụ gần 3.000 dặm đường. Tuy không ai bảo ai, nhưng chắc nhà tôi cũng chẳng tha thiết vào viếng thăm Đài Tưởng Niệm này.
Trong lúc nhà tôi ở lại trên xe nấu bữa cơm trưa, tôi thong thả tản bộ cho giãn gân cốt. Bầu không khí nơi đây thật trong lành yên tĩnh, có thảm cỏ xanh sạch đẹp, có hàng cây cao đầy bóng mát. Giữa khung cảnh nên thơ ấy mọc lên một kiến trúc trang nhã mang tên Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey đã quyến rũ tôi bước chân đến.
Đưa tay đẩy cánh cửa để vào bên trong, tôi bị khựng lại khi nhìn thấy một tấm bảng giá treo trên khung cửa kính ngay lối vào: "Trẻ em 2$. Người lớn 4$. Cựu quân nhân và gia đình miễn phí". Tôi không tiếc mấy đồng bạc vào cửa, nhưng phải trả tiền cho cái mà tôi nghĩ không cần xem thì nó phí đi. Nhưng tôi vẫn đẩy cửa bước vào.
Khung cảnh bên trong vắng lặng, tiếng xì xào của vài người trung niên đứng trò chuyện bị tan loãng trong không gian cao rộng của tòa nhà. Bầu không khí trang nghiêm êm đềm cùng nhiều hình ảnh Việt Nam trong quá khứ thúc giục tôi tiến lại quầy mua vé. Cô thâu ngân tươi cười chào đón, tôi vừa tìm tiền trong túi vừa lên tiếng hỏi làm quen:
- Tôi là cựu quân nhân, nhưng là cựu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, như vậy tôi có phải mua vé vào cửa không"
Vẫn giữ nụ cười tươi tắn trên môi, cô đưa mắt hỏi người đàn ông đứng bên cạnh. Người đàn ông tiến lên gần tôi hơn, đưa tay ra bắt tay tôi rồi bảo:
- Chào ông, tôi tên là Sibley Smith, Giám Đốc Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey, hân hạnh chào đón ông. Đã là cựu quân nhân thì xin mời ông và gia đình ông vào thăm viếng Trung Tâm và Đài Tưởng Niệm mà không cần mua vé. Xin ông vui lòng ghi danh tánh và nơi cư trú vào quyển sổ lưu niệm này.
Tôi vừa cầm bút viết vừa nói:
- Thưa ông, tôi tên Nguyễn Văn Hưởng đến từ San Diego.
Ông cười hóm hỉnh rồi bảo:
- Vậy chúng ta có họ hàng với nhau rồi. Vì họ Smith ở đất nước này cũng là họ lớn nhất như họ Nguyễn của người Việt Nam vậy.
Nói xong, ông lấy từ trong ngăn kéo ra tặng tôi một số tài liệu rồi giới thiệu sơ qua về Đài Tưởng Niệm Và Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey.
Trước lúc tạm chia tay ông vui vẻ bảo tôi:
- Có điều gì thắc mắc cần đến tôi, xin ông cứ tự nhiên báo cho tôi biết.
Tôi gật đầu cám ơn ông rồi thong thả bước đi. Nơi phòng ngoài, họ trưng bày những tấm ảnh, tạm gọi là tiêu biểu cho Việt Nam thời buổi chiến tranh. Nhìn vào, các cựu quân nhân từng chiến đấu nơi đó, thấy cả một trời dĩ vãng hiển hiện lên trước tầm mắt họ. Chiếc áo bà ba gọn gàng ôm trọn thân hình mảnh mai người thôn nữ, con trâu đang cày đám ruộng xăm xắp nước mưa, bờ mẫu xanh màu cỏ dại, chiếc thuyền ba lá mong manh... những biểu tượng của miền quê đất Việt. Còn nơi thành thị, họ treo hình ảnh các nữ sinh tha thướt trong chiếc áo dài, cô gái bán bar ngồi chờ khách, chiếc xích lô đạp dưới cái nóng trưa hè, những em bé đánh giày gầy ốm lang thang, người ăn xin tiều tụy; một tay ôm con một tay ngửa ra xin tiền... Nhìn những tấm ảnh được chụp gần nửa thế kỷ qua đi, khiến lòng tôi đau xót. Đau xót vì những biểu tượng nghèo nàn lạc hậu ấy vẫn còn tồn tại mãi cho đến bây giờ. Ngoài chiếc áo dài, chiếc áo bà ba truyền thống, là những thứ cần được bảo tồn để sống mãi với thời gian ra, người Việt nào không ước mơ cho con trâu, cái cày, bờ mẫu, con thuyền mong manh,,, những hình ảnh tuy đậm nét quê hương, nhưng cũng là biểu tượng cho sự nghèo nàn lạc hậu, đi mau vào bảo tàng viện, để nhường chỗ cho những công trường, nhà máy... mọc lên. Nhưng ngay giờ phút này nơi quê hương Việt Nam, giữa lòng phố thị, người phu vẫn còng lưng đạp xích lô, các em bé đánh giày vẫn lê la trên phố, người ăn xin vẫn dẫy đầy trên đường... Nơi vùng nông thôn, người vẫn cày thay trâu, vẫn bán mặt cho trời, bán lưng cho đất...Quá khứ hiện tại lẫn lộn trong tôi, tôi không đủ thời gian để lắng nghe lòng mình thổn thức. Tôi phải tạm rời xa quá khứ để quay về thực tại khi cảm thấy đói trong lòng. Ra ngoài xe, bữa cơm trưa nóng sốt đang chờ tôi trên bàn. Vừa ăn tôi vừa kể cho nhà tôi những gì tôi nghe thấy bên trong tòa nhà trước mặt.
Sau bữa cơm trưa, vợ chồng tôi đưa nhau đi viếng Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey. Lần theo những bậc thang, chúng tôi chậm rãi bước lên Đài, lên đến nơi cao nhất, Đài như mở toang đón khung trời rộng. Đưa mắt nhìn bao quát cảnh quan, tôi lên tiếng giải thích cho nhà tôi:
- Đài này dựng theo hình tròn, đường kính dài đúng 200 feet, được nối với nhau bằng 366 phiến đá hoa cương đen. Trên mỗi phiến đá ghi khắc tên, ngày sinh, ngày tử của từng người một.
Lướt nhìn qua các phiến đá một lượt, nhà tôi thắc mắc lên tiếng hỏi:
- Sao nhiều tấm họ ghi hàng chục tên, lại có tấm chỉ khắc tên vài người thôi vậy anh"
- Mỗi phiến đá hoa cương, như một tấm bia tượng trưng cho một ngày trong năm. Ai chết ngày nào thì ghi tên đúng vào tấm bia ngày đó.
Nghe tôi giải thích, vợ tôi bán tin bán nghi, hỏi lại cho chắc:
- Sao anh biết rõ quá vậy"
- Lúc nãy ông Smith, vị Giám Đốc Trung Tâm cho anh một số tài liệu, anh vừa đọc qua trong lúc em nấu cơm.
Ngẫm nghĩ một lát nhà tôi nói:
- Xếp đặt như vậy có nghĩa họ xem ngày tử là ngày quan trọng đáng ghi nhớ nhất đối với người chết. Em thấy điểm này có phảng phất nét văn hóa Việt Nam mình trong đó.
Tôi không chú ý đến chi tiết này, nhưng khi nghe nhà tôi phân tích, ngẫm nghĩ một lát tôi gật đầu tán đồng:
- Cũng rất có thể là như vậy!
Chúng tôi chậm rãi nắm tay nhau, mắt nhìn vào bức tường đá hoa cương đen, đi trọn một vòng Đài, như để tỏ lòng biết ơn 1,556 người con yêu bang New Jersey, đã mất tích, đã vĩnh viễn ra đi, được khắc tên vào bia đá. Sự phân chia ra từng ngày này cho tôi hiểu rằng, trong suốt cuộc chiến, ngày nào trong năm cũng có người New Jersey hy sinh. Từ trên cao, tôi chỉ ngón tay xuống trung tâm điểm Đài, nơi trồng một cây Sồi gỗ đỏ, rồi ôn tồn giải thích thêm:
- Cây Sồi đỏ là biểu tượng của bang New Jersey, dưới bóng mát tàng cây có ba bức tượng. Tượng người chiến binh đứng hiên ngang, biểu tượng cho người chiến sĩ sau khi hoàn tất nhiệm vụ quay trở về quê hương. Tượng người nữ y tá, biểu tượng cho nữ giới luôn luôn sát cánh cùng nam giới trong mọi nhiệm vụ khó khăn. Tượng người chiến binh nằm xuống, biểu tượng cho người lính đã ra đi không trở lại.
Nghe xong nhà tôi gật gù khen:
- Lúc mới vào em những tưởng, Đài Tưởng Niệm dựng lên chỉ để ghi nhớ công ơn các chiến sĩ trận vong mà thôi. Giờ em mới hiểu, nơi này còn là nơi tôn vinh, tưởng nhớ, ghi công cả quân lẫn dân, cả người ra đi vĩnh viễn lẫn người còn sống quay trở về.
Chiêm ngưỡng cái hùng dũng, hiên ngang... của quân dân New Jersey, khiến lòng tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến người đã khuất. Giây phút tưởng nhớ những người bạn đồng minh đã ngã xuống trên quê hương Việt Nam, trong tay tôi không có một nén hương hay một đóa hoa để tri ân họ. Tôi chỉ còn biết đứng cúi đầu, đặt tay lên phiến đá lạnh, lần mò dòng chữ khắc ghi tên tuổi họ, rồi tôi thầm dâng lời cầu nguyện. Tôi cũng nghĩ đến những chiến sĩ, đồng bào tôi đã vĩnh viễn ra đi vì bảo vệ lý tưởng tự do. Không biết đến bao giờ anh em đồng đội và đồng bào tôi mới có một nơi xứng đáng để mọi người đến viếng thăm, hương khói, tưởng nhớ...
Tôi không dám nghĩ xa vời, bởi càng nghĩ càng khiến tâm tư tôi đi vào con đường bế tắc. Tôi âm thầm lặng lẽ nắm tay vợ, cúi đầu giã từ Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey.
Trên đường trở vào Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam, chúng tôi thấy một khu đất nhỏ có hàng rào bao quanh. Dừng chân lại nhìn vào, phía bên trong có vài phần mộ. Vợ tôi thắc mắc:
- Không lẽ họ chôn những người lính tử trận ở đây" Mà tại sao lại chỉ có vài ngôi mộ"
Tôi lắc đầu:
- Không đâu, người chiến binh Hoa Kỳ chết đi đều được chôn cất tại Nghĩa Trang Quân Đội cả, anh không nghĩ bang New Jersey này được ngoại lệ đâu.
Đã xác quyết như vậy, nhưng tôi cũng chẳng hiểu tại sao mấy mộ phần này lại nằm ngay trước cổng vào Đài Tưởng Niệm. Tuy mấy ngôi mộ làm tôi quan tâm, nhưng sự quan tâm ấy đến và đi thật nhanh vì còn nhiều điều đang chờ đón chúng tôi bên trong tòa nhà. Vào đến bên trong, gặp lại ông Smith, tôi chỉ vợ tôi rồi giới thiệu:
- Thưa ông, đây nhà tôi.
Rồi hướng mặt về phía ông Smith tôi nói:
- Còn đây ông Smith, Giám Đốc Trung Tâm.
Ông Smith mỉm cười cúi đầu chào nhà tôi rồi đưa tay ra bắt:
- Hân hạnh được tiếp đón bà. Hai ông bà vừa đi viếng Đài Tưởng Niệm về phải không"
- Thưa vâng!
NGUYỄN VĂN HƯỞNG