Hôm nay,  

Đám Giỗ

25/03/200700:00:00(Xem: 247812)

Người viết: Karen N. Nguyen

Bài số 1225-1836-543vb7240307

Karen N. Nguyen, sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ: "Chuyện Cấm Đàn Ông;" "Viết Cho Em Trai Tôi..." và đã được trao tặng một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài mới nhất của cô lần này là một đám giỗ đầy ký ức về ngày 30 tháng Tư 1975 và cũng đầy chi tiết của đời sống  tại Mỹ.

*

Trưa thứ Bảy, Jim và An đến nhà chị Thoa ăn đám giỗ. Từ trước tới giờ, Jim chưa đi ăn đám giỗ ở một nhà Việt Nam bao giờ. An giải thích với Jim là bố chị Thoa mất lâu rồi, mỗi năm cứ đến Father's Day thì chị Thoa mời bạn bè đến nhà ăn đám giỗ. Ba của anh Hùng, chồng chị Thoa làm đám giỗ cùng 1 ngày cho tiện, dầu hai ông cụ qua đời hai ngày khác nhau, hai tháng khác nhau.

An không biết bố anh Hùng, nhưng biết bố của chị Thoa, bác Khoa, từ hồi xa xưa lắm rồi ở Việt Nam. Bác Khoa là bạn của ba An. Cuối năm 74 bác Khoa đi tu nghiệp ở Mỹ, sang đến năm 75 thì nghe tin chiến sự ở Việt Nam mà bồn chồn, băn khoăn, lo lắng cho vợ sắp đến ngày sinh, cuối cùng bác quyết định trở về Việt Nam. Chuyến máy bay đưa bác Khoa về Việt Nam hầu như trống rỗng, lúc bấy giờ người ta ào ào chuẩn bị thoát khỏi Saigon trước khi Việt Cộng vào còn bác Khoa thì ngược lại, bác trở về Saigon kịp mấy ngày trước khi bác gái chuyển bụng. Nhà chị Thoa ở trong khu cư xá sĩ quan Chí Hòa, lúc phi trường Tân Sơn Nhất bắt đầu bị pháo kích thì bác Khoa kịp thời đem gia đình đến nhà An, bác gái vừa mới ở nhà bảo sinh ra bế đứa con trai út còn đỏ hỏn trên tay. Chị Thoa là đứa con lớn nhất của bác Khoa, đến nhà An tay bế tay dắt mấy đứa em khác.

Những ngày cuối tháng Tư năm 75, bên ngoài thì súng nổ rầm rầm, trực thăng bay đầy trời, trong nhà An thì đông nghẹt trẻ con nhưng đứa nào cũng ráng lặng im bởi thấy mấy ông bố, ba An và bác Khoa, người nào cũng mặt mày đăm chiêu, ngồi trầm ngâm đốt hết điếu thuốc lá này đến điếu thuốc lá khác. Lần đầu tiên trong đời An mới thấy bố hút thuốc lá nhiều đến như vậy.

Cái nhà trong khu cư xá sĩ quan Chí Hòa của bác Khoa coi như đi đoong sau 75, vợ chồng bác và đàn con khăn gói đến ở tại nhà người em trai trong quận 10. Nhà bác Khoa dọn đi, không còn bóng chị Thoa tất bật ở nhà An hết lo cho đứa em này thì lại giải quyết chuyện tranh cãi giữa mấy đứa em khác, rồi lại loay hoay đi phụ mẹ pha sữa cho em trai út, giặt tã cho em trai út, giặt quần áo cho mấy đứa em, xong lại phơi trên sào đến khi nắng hong khô lại mang vào gấp gọn ghẽ. Chị Thoa hơn An có mấy tuổi mà chỉ mới hơn một tuần ở nhà An mà làm An phục quá xá cỡ vì thấy chị Thoa đảm đang việc nhà hơn An gấp bội.

Bác Khoa và ba An, hai ông tháng Sáu năm 75 cùng khăn gói đi đến địa điểm tập trung với suy nghĩ là sẽ đi học tập cải tạo 1 tháng. Một tháng kéo thành hai tháng, hai tháng kéo thành 4 tháng, cứ như là cấp số nhân, mẹ chị Thoa và mẹ An trở thành những hòn vọng phu mới của thời đại. Hai bà không ôm con lên đỉnh núi trông chồng mỏi mòn cho đến khi hóa đá như trong truyền thuyết, mà phải bươn chải để nuôi một đàn con. Mẹ An phải lo cho 4 đứa con, còn mẹ chị Thoa thì lo cho 6 đứa.

Từ nơi tập trung là một trường đại học trong quân 10, bố An và bố chị Thoa vì cùng cấp bậc trong quân đội Sài Gòn nên có số phận dính liền với nhau, hai ông được đưa đi cùng 1 nhà tù suốt từ trong Nam ra Bắc. Mãi đến năm 79 mẹ An và mẹ chị Thoa mới được phép đi thăm nuôi chồng ở mãi miền Bắc xa xôi. Ba ngày ba đêm ngồi bó gối trên chuyến tàu Thống Nhất mới ra đến hà Nội, một ngày đi vòng vòng các chợ ở Hà Nội để mua thức ăn và trái cây, gần một ngày nữa lặn lội đường xa đi xích lô và đi bộ để vào đến Hà Sơn Bình thăm chồng, mẹ An và mẹ chị Thoa chỉ được gặp chồng một đêm, rồi sáng hôm sau lại phải quay về. Sau chuyến đi đó, hai bà vợ quyết định thay phiên nhau đi ra Bắc, cứ nửa năm một lần thì một người sẽ đi để hai ông chồng mỗi năm được tiếp tế ít nhất 2 lần.

Cái danh sách những bà vợ ra Bắc thăm nuôi chồng ở trại Hà Sơn Bình dần dà được kéo dài ra thêm, mỗi lần được báo tin là bác gái nào sẽ đi ra Bắc thăm nuôi thì An và mẹ An lại chuẩn bị đồ tiếp tế cho bố rồi mang đến nhà bác ấy. Lần nào bác Khoa gái đi ra Bắc thì chị em An lại có dịp đến nhà chị Thoa để gởi đồ, lần nào mẹ An đi thì đến lượt chị em chị Thoa và mẹ chị đến nhà An. Những cái giỏ cói chứa lỉnh kỉnh thịt chà bông, bánh mì khô, đường, thuốc trị bệnh…năm này qua năm khác theo chân mẹ chị Thoa, mẹ An vào ga xe lửa Bình Triệu, ngồi xe lửa lắc lư, ra đến ga Hàn Cỏ, lên xích lô, rồi cuối cùng là lên cái xe cút kít thô sơ theo chân bố chị Thoa hay bố An vào trại.

Những cái túi thức ăn, những gói kẹo, gói bánh trong mấy cái giỏ cói, phần nào sẽ được cán bộ cho phép người tù cải tạo giữ lại, người đi thăm nuôi không biết được, nhưng vẫn tiếp tục gởi đồ cho người thân trong khả năng tài chính hạn hẹp mình có, và vẫn tiếp tục nuôi một niềm hy vọng mong manh vào 1 ngày trong tương lai gia đình sẽ đoàn viên.

Tương lai gần đến đều đều, bố An và bố chị Thoa vẫn không về. Một lần đi ra Bắc thăm bố An, mẹ An được bác Khoa nhắn gởi nhờ mua dùm một bó  hoa hồng ngày đó đem đến nhà chị Thoa. Sinh nhật vợ tôi, nhờ chị giúp dùm, bác Khoa nói như vậy.

Đúng ngày hôm đó, mẹ An mua một chục hoa  hồng đỏ thật đẹp mang đến nhà chị Thoa. Mẹ chị Thoa ra mở cửa, khi được tặng bó hoa hồng thì bà gần như ngất xỉu.

Phải mất một hồi lâu mẹ chị Thoa mới bình tĩnh lại và mời mẹ An vào nhà, ngồi xuống ghế. Hoa đẹp quá, mẹ chị Thoa nói với mẹ An, nhưng chị biết không, hôm nay không phải là ngày sinh nhật của tôi. Vậy là sinh nhật ai kìa, mẹ An thắc mắc nhưng không dám hỏi ngay. Mẹ chị Thoa ngân ngấn nước mắt, nói với mẹ An ngày này là sinh nhật của "người xưa" của bác Khoa! Có 6 mặt con với ổng, vậy mà sinh nhật của mình ông ấy cũng không nhớ, mẹ chị Thoa vừa cười vừa khóc nói với mẹ An. Gần chục năm này cũng thân mình lăn lội đi thăm nuôi ông ấy, chứ "người xưa" ở phương trời nào đâu có đoái hoài gì đến kiếp tù đày khổ sở của ông đâu, mẹ chị Thoa than.

Than để bụng thôi, đau cũng cũng để trong lòng thôi, mẹ chị Thoa sau đó vẫn tiếp tục đi thăm nuôi bác Khoa đều đều, và không nói cho bác Khoa biết chuyện bác nhớ nhầm ngày sinh nhật của mìhh. Cái nghĩa vợ chồng, có nợ có duyên với nhau, chồng bị đày ải trong vòng lao lý như vầy mình nỡ nào đem sầu đem khổ thêm cho ông ấy kia chứ, mẹ chị Thoa nói với mẹ An như vậy.

Mười hai năm trong trại cải tạo, cuối cùng rồi bác Khoa và bố An được thả ra. Bác Khoa và bố An trở về nhà gặp lại đàn con của mình bây giờ đã trở thành những thanh niên, thiếu nữ cả rồi. Không còn những đứa bé ngày nào còn phải ẫm bồng, còn phải cho ăn, còn phải cầm tay dắt khi băng qua phố. Muời hai năm người bố không có mặt ở nhà để nhìn thấy những đứa con lớn lên, mười hai năm người bố ở trong trại chỉ có thể hình dung ra con mình như thế nào qua những lá thư ở nhà gởi lên, những tấm hình chụp, và những lần được vợ dắt con đi thăm nuôi. Những đứa con khôngphải là những người xa lạ, nhưng với những người bố từ trong tù ra như bác Khoa, như bố An, thì không dễ dàng gì để tạo được một nhịp cầu cảm thông hoàn toàn giữa hai thế hệ.

Sau ngày ra khỏi tù, bác Khoa hay đạp chiếc xe đạp cọc cạch đến nhà An, phần để nói chuyện hàn huyên với bố An, người bạn đồng cam cộng khổ trong tù ngày nào, phần để trút bớt nhũng âu lo của mình khi đối diện với cuộc sống hiện tại.

Cả nhà An và nhà bác Khoa đều nộp hồ sơ xin đi Mỹ diện HO, nhưng bao giờ đến lượt thì không ai biết cả. Những câu chuyện, những tin hành lang về hồ sơ của ai đó quen biết còn nằm im ỉm ở quận, đã lên tới Nguyễn Du, bay qua Nguyễn Trãi, những câu chuyện về những người quen đã có phỏng vấn, có hộ chiếu, có chuyến bay đi Mỹ, những điều đó phần nào làm cho bác Khoa lo âu khi nghĩ đến gia đình mình.

Nhà bác Khoa có 4 cô con gái, 4 quả bom nổ chậm như lời bác nói đùa, chị Thoa là đứa con gái lớn nhất đã tuyên bố là nếu mà nhà không đi Mỹ trong năm nào sắp đến là chị sẽ đi theo tiếng gọi của con tim và lập gia đình. Tuyên bố vậy thôi, nhưng mảnh tình rách vắt vai thì chị Thoa chưa tìm ra. Chị Thoa mà tìm ra nửa kia của mình thì chắc bác Khoa phải lo đến mất ăn mất ngủ, An nghĩ vậy. Mong đem được cả gia đình đi Mỹ, không để đứa con nào ở lại Việt Nam hết, bác Khoa nói với bố mẹ An không biết bao nhiêu lần.

Cuối cùng rồi hồ sơ nhà An và nhà chị Thoa cũng có rục rịch. Những lần đến chơi nhà An, bác Khoa lạc quan hơn, phấn chấn hơn. Nhưng niềm vui của bác Khoa không kéo được lâu, một ngày nọ bác ngã bệnh. Cơ thể bác sau bao năm trời bị đày ải ở trong tù bỗng nhiên suy sụp nhanh chóng, bác được gia đình đưa vào nhà thương. Bố mẹ An vào nhà thương thăm bác Khoa thấy bác nằm trên giường bệnh với chi chit dây nhợ truyền thuốc và nước biển vào người. Không sao đầu, bác nói với bố mẹ An, ở trong này chắc chỉ vài ngày thôi, ngày xưa ở trong tù đói khổ lạnh lẽo đến mức nào mà còn sống sót được, bây giờ bệnh xoàng ấy mà. Hai ngày sau đó, bác Khoa qua đời. Chị Thoa đạp xe đạp đến báo nhà An báo hung tin, hai mắt sưng mọng.

Vài tuần sau đám tang của bác Khoa thì nhà chị Thoa nhận được giấy mời đi gặp phái đoàn Mỹ để phỏng vấn. Bác gái và chị em chị Thoa lên gặp phái đoàn Mỹ, ai cũng chít khăn tang trắng. Bác Khoa, con chim đầu đàn của gia đình đã qua đời, không ai trong nhà chị Thoa đi phỏng vấn mà có hy vọng là sẽ qua khỏi cửa ải này một cách tốt đẹp cả. Vậy mà mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái! Cả nhà chị Thoa được chấp nhận đi Mỹ. Ông Trời có mắt, An nghe bố mẹ nói vậy. Ở suối vàng chắc bác Khoa cũng đang nở nụ cười.

Nhà chị Thoa qua Mỹ được mấy tháng thì đến phiên nhà An lên gặp phái đoàn Mỹ để phỏng vấn. Gia đình chị Thoa định cư bên California, còn gia đình An định cư ở bên Virginia. Hai gia đình qua đến Mỹ vẫn giữ liên lạc qua thư từ và email khá thường xuyên. Rồi chị Thoa quen anh Hùng, sau một thời gian thì anh chị tổ chức đám cưới chị Thoa theo chồng về quê chồng bên Virginia. Trái đất tròn, cuối cùng rồi An và chị Thoa sau mười mấy năm ở Mỹ bây giờ gặp lại nhau ở Virginia!

….

Ở phòng khách nhà vợ chồng chị Thoa có cái bàn thờ để ở góc phòng. Trên bàn thờ có hình bác Khoa và hình của bố anh Hùng. Bố anh Hùng trong hình mặc áo dài the đội khăn đóng, ông cụ có chòm râu bạc, đôi mắt sáng. Bác Khoa trong  hình mặc bộ quân phục sĩ quan không quân Việt Nam Cộng Hòa, đeo kính cận, nhìn rất trẻ trung với mái tóc đen dày lượn sóng và hai gò má đầy đặn, trẻ hơn bác Khoa mà An biết rất nhiều. An quì xuống trước bàn thờ chào bác Khoa và bố anh Hùng, rồi lạy ba lạy trước con mắt ngạc nhiên của Jim. Kỷ niệm ngày nào ở Việt Nam, từ cái đêm gia đình bác Khoa đến nhà An lúc súng nổ đùng đùng gần 30 tháng 4, đến những ngày đi gởi đồ thăm nuôi, đến những ngày gặp lại bác Khoa ở tù ra, bao nhiêu là kỷ niệm ùa về như thác đổ, làm cho An bất chợt thấy mình ràn rụa nước mắt. Giá mà bác Khoa không ngã bệnh, không qua đời, giá mà bác Khoa được đi Mỹ với gia đình, lên máy bay bằng xương bằng thịt, giá mà…An gạt nước mắt, ngước nhìn lên bàn thờ. Mấy cây nhang chị Thoa và anh Hùng thắp hồi nãy cháy vòng xuống thành mấy đường cong cong. Bố anh Hùng và bác Khoa về thăm con thăm cháu, phải vậy chăng, An thầm hỏi…

Hôm này là coi như kỷ niệm ngày qua đời của hai ông cụ, Jim nói nho nhỏ với An, mà sao người trong nhà nói cười vui vẻ quá xá vậy kìa, Jim thắc mắc. An nói với Jim đám giỗ ở Việt Nam là một dịp để họ hàng, bà con, bàn bè họp mặt lại, life goes on, người ta cuời nói vui vẻ như vậy nhưng trong lòng của những người thân thuộc của người quá cố vẫn có những vết thương không lành, những nổi đau mà thời gian không phải dịu được.

Anh Hùng đang phụ trách nướng thịt ở bên ngoài sân kia, anh đứng nói chuyện và cười vui sau mấy câu chuyện của bạn bè, anh Hùng không thể nào quên được cái ngày anh nhận được tin bố anh qua đời ở Việt Nam. Lúc đó, anh Hùng đang ở đảo Bidong chờ ngày được qua Mỹ định cư theo giấy tờ bảo lãnh của người thân. Ngày đi vượt biên, khi anh Hùng chào bố để ra đi, anh đâu có nghĩ đó là chào tử biệt. Lá thư báo tin bố anh qua đời, đến khi đến tay anh thì mộ của ông cụ ở quê nhà có lẽ cỏ đã chớm lên xanh…

Chị Thoa đang đứng ở bếp trông nồi súp măng tây nấu với cua kia, chị Thoa vẫn nhớ đến bố mình, dù bác Khoa qua đời đã mười mấy năm rồi. Có lần chị Thoa kể với An, lái xe trên đường, chị đọc thấy bảng số xe của một chiếc xe chạy phía trước: "Ô NGOẠI". Rõ ràng là xe của một người Việt Nam sống ở vùng này, mấy chữ đó có bỏ dấu đàng hoàng mới lạ, chị Thoa nói. Rồi bỗng chị nhớ đến bố, chị Thoa kể hai đứa con gái của chị sinh ra không được diễm phúc gọi "ông ngoại", không được ông ngoại ẵm bồng và kể đủ thứ chuyện cho nghe, không được thấy ông ngoại trổ tài xếp giấy kiểu origami thành những con thú sinh động chỉ trong nháy mắt. Với hai cô bé con chị Thoa "ông ngoại" là tấm hình của bác Khoa trên bàn thờ, là những tấm hình ố vàng trong album của một người mặc quân phục, là một nhân dạng khó hình dung ra trong những câu chuyện chị Thoa kể…người lái chiếc minivan có bản số "Ô NGOẠI" ngày hôm đó không không biết rằng người lái xe chạy phía sau, một người phụ nữ Việt Nam, đã rơi nước mắt khi thấy dòng chữ đó…

Chủ nhà mời khách ngồi vào bàn ăn. Trong những ngườikhách đến nhà chị Thoa ăn đám giỗ, có những bác đã cao tuổi, tóc bạc trắng, bạn ngày xưa làm chung hay ở tù chung với bác Khoa, có những người bạn của anh Hùng và chị Thoa từ hồi ở Việt Nam hay bạn đang làm chung sở, và có những người họ hàng của anh Hùng và chị Thoa, và rất nhiều trẻ con, con cháu của những người khách. Những người lớn tuổi nói chuyện bằng tiếng Việt, những em bé nói pha lẫn tiếng Việt và tiếng Anh.

An mời Jim ăn thử món gỏi ngó sen tôm thịt với bánh phồng tôm, gắp cho Jim mấy đũa nhưng không chan nước mắm ớt vào gỏi. Jim ăn bánh hỏi với thịt nướng, không có nước mắm ớt, ăn bì cuốn không chấm nước mắm ớt. Trong đám giỗ, Jim là người Mỹ duy nhất, không chỉ có chị Thoa và anh Hùng, mà nhiều người khách khác cũng để ý nhắc An hỏi Jim muốn ăn thêm món nào món nào, sợ Jim đi ăn đám giỗ Việt Nam mà …bị đói.

Chị Thoa đi ngang qua bàn An và Jim ngồi, nói là nhang tàn rồi, đồ ăn ở cái bàn trước bàn thờ mang đến bàn ăn tiếp được rồi. Jim nhìn thấy có mấy người đến cái bàn đó, lấy mấy dĩa đồ ăn mang trở lại bàn mình, nói nho nhỏ với An: "Đó là đồ ăn của người đã mất, mình ăn được à"" An giải thích với Jim là mình dọn thức ăn, thắp nhang mời người quá cố về dùng bữa, nhang tàn là coi như người quá cố đã ăn xong, đó là theo An biết. An nói thêm với Jim là những món mình cúng trong đám giỗ thường là mình chọn những món mà lúc còn sống người quá cố thích ăn.

Bố Jim mất, mùa Đông, ông cụ ra vườn cào lá rụng, bị cảm lạnh. Cảm lạnh dây dưa kéo dài thành sưng phổi, ông cụ tưởng bệnh xoàng không chịu đi khám bác sĩ, chỉ ở nhà mua thuốc ho về uống, nhưng bệnh trở nặng. Một ngày nọ ông cụ bị khó thở quá, phải gọi 911 kêu xe cứu thương đến chở vào nhà thương. Khi bác sĩ cho ông cụ thở oxygen và giải thích cho ông cụ nghe về những quy trình sẽ phải làm để chữa bệnh cho ông cụ, thì bỗng nhiên tim ông cụ ngừng đập. Bệnh viện hết sức cứu chữa, nhưng trái tim già nua của ông cụ không hồi phục trở lại được. Hai năm trước, trái tim đó đã chết đi phân nửa khi mẹ Jim qua đời, và bây giờ thì phần còn lại của trái tim bố Jim quyết định đình công vĩnh viễn.

Không có đám ma rình rang, không có viếng thăm ở nhà quàn. Nguyện vọng của bố Jim là sau khi chết thì được hỏa táng. Oái ăm thay, nhà thờ vùng trên đó không cho phép chôn cạnh mẹ Jim ở nghĩa trang của nhà thờ, mà tro của ông cụ phải đi về trú ngụ tại nhà Jim trong một cái bình sứ xanh để trên bệ lò sưởi.

Bố Jim mất đột ngột, Jim lặng cả người. Nhiều lúc An thấy Jim ngồi đắm chìm trong nghĩ suy, mặt buồn hiu. An sực nhớ ngày xưa ở Việt Nam, lúc ông nội và bà nội An mất, nhà có tổ chuúc cúng thất, mỗi tuần cúng 1 lần cúng đến tuần thứ 7. An ráng lục lọi trong trí nhớ mù mờ của An về phong tục tập quán ở Việt Nam và thuật cho Jim nghe là người Việt tin rằng trong 49 ngày sau khi chết thì hồn người quá cố vẫn còn ở trên thế gian này, đến ngày thứ 49 thì mới đi đầu thai kiếp khác. Nếu tin như vậy, thì hiện tại hồn bố Jim vẫn còn ở rất gần đâu đây, An nói với Jim như vậy. Jim suy nghĩ, rồi nói An là nếu nói như An thì hồn bố Jim còn ở trên dương thế với Jim bao nhiêu ngày, Jim nhẩm tính số ngày, thôi à. An gật đầu.

Jim không bàn gì về chuyện cúng thất như người Việt làm, và An cũng không muốn bàn vào. Ngày thứ 48 tính từ ngày bố Jim mất, Jim nói với An: "Ngày mai là ngày thứ 49 theo như em nói với anh, em giúp anh làm bữa cơm cho bố anh."

Lúc sinh tiền, bố Jim thích ăn món gì kìa, An hỏi Jim, và Jim nói.

Thất thứ 7, trên cái bàn ăn ở nhà Jim có một con gà quay, roasted chicken mua ở chợ Safeway cạnh nhà, mashed potatoes, không phải loại mua sẵn ở chợ mà Jim tự làm lấy bằng khoai tây cắt nhỏ, luộc chín rồi nghiền ra, trộn với chút sữa và margarine, green beans, corn…không có bàn thờ, không có nhang, chỉ có một tấm hình chụp chung bố mẹ Jim để ở bàn, cạnh mấy dĩa thức ăn. An xếp hai bộ dĩa, dao nĩa và khăn ăn đầy đủ. Mời mẹ về dùng bữa với bố, An nói với Jim, bây giờ thì bố mẹ lại gặp nhau rồi. Jim với An đứng trước bàn, Jim cúi đầu, khấn trong im lặng. An không biết làm gì, xá ba xá, rồi thầm khấn bằng tiếng Việt: "Bố mẹ sống khôn thác thiêng xin phù hộ cho Jim hôn phu của con được khỏe mạnh bình yên, con cầu mong hương hồn bố mẹ được bình yên ở chốn vĩnh hằng…" cái vốn liếng tiếng Anh của An gọi là tạm đủ dùng cho ngày thường, những lúc như vầy chữ nghĩa tiếng Anh bay đâu mất hết, An chắc là bố mẹ Jim thông cảm….

Sau đó, mỗi năm, ở nhà Jim và An cũng có đám giỗ. Không phải ngày Father's day, mà đám giỗ vào Christmas Eve, 24 tháng 12. Mẹ Jim mất vào mùa xuân, bố Jim mất vào mùa Thu, nhưng Jim chọn ngày đó, và An không phản đối.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,078,102
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.