Hôm nay,  

TẤm Lòng MỘt Linh MỤc

03/06/200300:00:00(Xem: 203165)
Người viết: HẢI TRIỀU
Bài tham dự số 3221-819-vb30603

Tác giả tên thật Lai Thế Lãng, nguyên sĩ quan QLVNCH, nguyên tù cải tạo, định cư tại Mỹ theo diện HO, hiện cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont. Từ ba năm qua, Hải Triều là tác giả có số lượng bài Viết Về Nước Mỹ nhiều nhất. Sau đây là bài mới của ông, bài thứ 31.
*

Hôm 9 tháng 5 vừa qua tôi đọc được trên mục "Tin Cộng Đồng" của Việt Báo Online một bài viết về linh mục Trần Quốc Anh, người đến Mỹ lúc 13 tuổi và hiện nay đang đứng đầu cơ quan phụ trách Ơn Gọi của giáo phận Fort Worth, Texas.
Bài viết kể rằng trong thánh lễ đồng tế với linh mục chánh xứ của giáo xứ Chúa Kitô Vua ở Fort Worth, Texas sáng Chúa nhật 4 tháng 5, linh mục Trần Quốc Anh đã làm cho giáo dân xúc động đến rơi lệ. Giáo dân xúc động không phải vì tài ăn nói của linh mục mà vì một việc làm của linh mục đã nhắc nhở đồng hương nhớ đến kỷ niệm đau thương trên quê hương Việt Nam.
Trong bài giảng giữa thánh lễ, sau khi nói về ý nghĩa bài phúc âm của ngày lễ hôm đó, linh mục Anh đã nhắc đến biến cố đau thương trên quê hương của 28 năm về trước. Linh mục đã gợi lại tình cảnh của người Việt bỏ nước ra đi vì không chấp nhận sống dưới chế độ độc tài, tước đoạt mọi quyền tự do của người dân. Rồi bất ngờ và trong một cử chỉ khoan thai, linh mục Anh mở nắp một chiếc túi xách và từ từ kéo ra một lá cờ vàng ba sọc đỏ và giơ cao trước mắt giáo dân khiến mọi người ngạc nhiên đến sửng sốt. Nhưng ngay sau giây phút đó cả nhà thờ vỗ tay vang dội.
Tiếp đó linh mục Anh tiến đến cạnh bàn thờ Đức Mẹ lấy cây cán cờ, linh mục cột lá cờ vào cán và phất qua phất lại trước mắt mọi người. Trong khi đó ca đoàn cất cao tiếng hát bản "Việt Nam, Việt Nam" của nhạc sĩ Phạm Duy. Không ai bảo ai, cả nhà thờ đứng bật dậy và cùng hát theo ca đoàn. Nhưng rồi tiếng hát dần dần nhỏ lại vì mọi người đều khóc vì xúc động, cả linh mục Trần Quốc Anh cũng khóc.
Tôi vô cùng ngưỡng mộ việc làm của linh mục Trần Quốc Anh. Vì tuy nay đã là người thuộc về Giáo hội Hoa Kỳ, linh mục Anh vẫn không quên mình là con dân Việt Nam. Là con dân thì phải có trách nhiệm trước sự tồn vong của đất nước, linh mục Anh không khỏi đau lòng trong nỗi đau chung của kẻ mất nước. Bằng việc vinh danh lá cờ của người Việt quốc gia, phải chăng linh mục Anh muốn nhắc nhở mọi người rằng dù đang được sống yên ổn trên đất nước Hoa Kỳ, những người đã phải bỏ nước ra đi đừng bao giờ quên quê hương Việt Nam. Đừng quên rằng đã có bao nhiêu người vì bảo vệ sự sống còn của miền Nam tự do mà đã vong mạng và có bao nhiêu người đã hiến đi một phần thân thể cho cuộc chiến này nay trở thành tàn phế đang sống trong cô đơn, tủi nhục.
Nhưng còn một linh mục khác cũng làm cho tôi ngưỡng mộ không kém là linh mục Đinh Xuân Long thuộc Vương Cung Thánh Đường thánh Lôrenxô, North Carolina. Dù bận rộn với nhiệm vụ được chỉ định tại giáo xứ, Linh mục Đinh Xuân Long là người hết lòng vì anh em thương phế binh VNCH đang sống nheo nhóc ở quê nhà. Linh mục đã bỏ nhiều công sức, thì giờ và tiền bạc trong việc cổ võ đồng hương trợ giúp những người phế binh nghèo khổ tại Việt Nam.
Tôi chưa hề có dịp tiếp xúc hay nói chuyện với linh mục Đinh Xuân Long nhưng qua một người bạn của tôi, anh Phạm Bá Hân, tôi được biết đôi điều về linh mục. Tuy những điều hiểu biết về linh mục còn rất ít oi cũng đủ làm cho tôi ngưỡng mộ và kính phục vị linh mục hăng say hoạt động và đầy lòng nhân hậu này.
Được biết linh mục Đinh Xuân Long sinh năm 1960. Năm 13 tuổi (1973) tức là ở cái tuổi hãy còn ham chơi, cậu Đinh Xuân Long đã được gửi vào tiểu chủng viện Đà Nẵng. Nhưng chỉ sau hai năm được học hành tại chủng viện thì xảy ra biến cố tháng Tư đen. Thời gian này, chủng sinh Đinh Xuân Long vẫn còn sống trong chủng viện nhưng phải ra học trường ngoài vì các lớp học trong chủng viện phải ngưng hoạt động. Đến năm 1979 cộng sản chính thức ra lệnh giải tán chủng viện, các chủng sinh bị đuổi về nhà, không được phép đi tu nữa!
Sau khi ra khỏi chủng viện, chủng sinh Đinh Xuân Long bị bắt đi "thanh niên xung phong" 3 năm. Năm 1987 người "thanh niên (không) xung phong" của chế độ, Đinh Xuân Long, đã "xung phong" bỏ nước ra đi, chấp nhận mọi hiểm nguy trên con thuyền vượt biên với hoài bão tìm cơ hội tiếp tục theo đuổi Ơn Gọi. Năm 1989 thuyền nhân Đinh Xuân Long đến California và ngay năm sau (1990) xin gia nhập chủng viện Ngôi Lời. Sau 4 năm học tại chủng viện, một điều vẫn làm cho thầy Đinh Xuân Long canh cánh bên lòng là mẹ già và anh em đang còn sống ở nửa vòng trái đất phía bên kia. Thầy Đinh Xuân Long thấy cần phải làm điều gì đó trước khi có thể yên tâm dâng mình cho Chúa trọn vẹn. Thế là thầy Đinh Xuân Long xin được tạm rời chủng viện 1 năm chuyển về Charlotte, North Carolina để đi làm kiếm tiền bảo lãnh mẹ già và anh em sang Mỹ.
Sau khi thực hiện được ý định, thầy Đinh Xuân Long lại xin vào chủng viện Saint Mary's ở Baltimore thuộc tiểu bang Maryland để tiếp tục con đường tu trì và đã được thụ phong linh mục vào ngày 3-6-2000 tại giáo phận Charlotte. Từ đó linh mục Đinh Xuân Long phục vụ tại giáo phận này và linh mục được chỉ định về giáo xứ Vương Cung Thánh Đường thánh Lôrenxô, một giáo xứ có ngôi thánh đường cổ kính với mái vòm vĩ đại, được xếp trong số những ngôi thánh đường đẹp nhất nước Mỹ nhưng là một giáo xứ không có giáo dân Việt Nam.


Cũng như linh mục Trần Quốc Anh, dù là người phục vụ và trực thuộc Giáo hội Hoa Kỳ, linh mục Đinh Xuân Long vẫn nghĩ đến những người nghèo khổ trên quê hương Việt Nam. Người nghèo nào cũng đáng thương nhưng những thương phế binh VNCH đáng quan tâm hơn cả. Họ là những người không những thiếu thốn vật chất nhưng còn mang nỗi khổ vì dằn vặt tinh thần. Sau cuộc chiến, với tấm thân tàn phế, họ bị bỏ rơi, chẳng có ai ngó ngàng đến họ. Những cấp chỉ huy của họ, những đồng đội từng đồng cam cộng khổ với họ nay không còn sát cánh bên họ nữa. Họ không được đi Mỹ, không được hưởng một loại trợ cấp nào lại còn bị chế độ kỳ thị, bạc đãi. Cũng là thương phế binh nhưng thương phế binh của chế độ cộng sản được chăm sóc còn những người thương phế binh VNCH chỉ nhận được nỗi tủi nhục. Họ chẳng còn biết nương tựa vào đâu. Nỗi dằn vặt vì bị bỏ rơi, bị kỳ thị càng làm cho những thương tích trên thân thể họ thêm đớn đau, nhức nhối. Có lẽ vì thấy được nỗi nhục nhằn của những người thương phế binh VNCH mà linh mục Đinh Xuân Long đã hết lòng đối với họ.
Khoảng tháng 11 năm ngoái, sau khi được biết Hội Cựu Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa (CQCC/VNCH) South Carolina đang cứu giúp thương phế binh, linh mục Đinh Xuân Long đã xuất tiền túi đồng thời vận động một số đồng hương khác gom góp được một số tiền gửi đến Hội để giúp đỡ thương phế binh. Số tiền này đã đem lại niềm an ủi cho 11 thương phế binh tại quê nhà.
Nhưng linh mục không ngừng ở đó, ngài tiếp tục làm công việc này không mệt mỏi. Trong mùa phục sinh vừa qua, linh mục đã gửi "Lá Thư Mùa Chay" đến từng gia đình giáo dân Việt Nam ngài quen biếtû. Trong thư gửi đi, linh mục Đinh Xuân Long khẩn khoản "Xin quý anh chị mở rộng lòng giúp đỡ các anh em thương phế binh. Họ là những người nghèo trong xã hội Việt Nam. Đúng hơn, họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo ở Việt Nam vì họ đã bị xã hội từ chối, gia đình ruồng bỏ, và bị tước đoạt những quyền sống cơ bản bởi chính quyền". Ở phần cuối, Linh mục viết "Xin giúp đỡ và cầu nguyện cho họ để biết rằng chúng ta đang thực hiện những gì Chúa Giêsu đã dạy : 'Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em hèn mọn nhất của ta, là các ngươi làm cho chính ta' (Mt.25:40)"
Linh mục Long đã làm mọi cách để lôi kéo đồng hương đến với anh em thương phế binh. Ngoài những lời kêu gọi, linh mục đã tự tay đi mua cả chục con heo đất lớn rồi chạy ngược chạy xuôi đi đặt tại các tiệm "nail" hoặc các gia đình quen biết với ngài. Việc làm của linh mục được đồng hương mọi lứa tuổi nhiệt liệt hưởng ứng đã đem đến kết quả tốt đẹp.
Anh bạn tôi có chân trong Hội CQCC/VNCH South Carolina cho biết ngày 27 tháng 4 vừa qua, trong buổi họp ở Hội gồm hội viên và các cựu chiến binh Việt- Mỹ nhân kỷ niệm quốc hận 30-4, linh mục Đinh Xuân Long đã gửi đến một "bao" tiền nặng đến hơn 5kg gồm tiền giấy và đủ loại tiền kim loại. Số tiền này là do đồng hương hưởng ứng lời kêu gọi của linh mục trực tiếp đóng góp hoặc bỏ vào các con heo đất và cũng có phần đóng góp riêng của của linh mục. Tổng cộng số tiền là $1795.00 đã được Hội gửi giúp 31 thương phế binh tại Việt nam.(2)
Thương phế binh, theo cách nói của linh mục Đinh Xuân Long, là những người nghèo nhất trong những người nghèo ở Việt Nam, mỗi khi nhận được sự giúp đỡ từ hải ngoại đều vui mừng và sung sướng vì cảm thấy được an ủi. Xin đọc một vài đoạn trong lá thư của Thiếu úy phế binh Đinh Tấn Tài ở Quảng Nam, một trong số rất nhiều lá thư của phế binh VNCH được gửi tới Hội CQCC/VNCH South Carolina "Hôm qua nhận được quà của Quý Hội gửi tặng tôi vô cùng sung sướng và xúc động; mừng đến rơi nước mắt. Món quà là niềm an ủi vô cùng quý hóa đã đến với tôi trong hoàn cảnh cô đơn và vô vọng". Sự giúp đỡ của các đồng hương ở hải ngoại không những giải quyết được một số khó khăn vật chất mà còn mang lại niềm an ủi lơn lao đối với anh em thương phế binh "Sự giúp đỡ của quý ân nhân đã cho tôi niềm vui và tin yêu cuộc sống bởi biết rằng trên đời còn có nhiều ngươi giàu lòng nhân hậu, vẫn xót thương đến những cảnh đời sa cơ lỡ bước như tôi".
Viết đến đây tôi bỗng nghĩ đến các vị lãnh đạo tinh thần, đặc biệt là các vị tuyên úy thuộc các đơn vị trong quân lực VNCH trước kia, là những người đã từng sát cánh, từng chia ngọt sẻ bùi với các chiến hữu của mình. Nay trong số những chiến hữu đó có nhiều người đã trở thành tàn phế đang cần đến sự giúp đỡ vật chất và an ủi tinh thần. Tôi không rõ mỗi tôn giáo có bao nhiêu vị tuyên úy và cũng không rõ có bao nhiêu vị đang sống trên đất Mỹ. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu các vị tuyên úy đang sống ở hải ngoại đều nghĩ đến anh em thương phế binh thì họ sẽ được hưởng nhờ nhiều lắm. Nếu mỗi vị lãnh đạo tinh thần nhắc nhở bổn đạo của mình về lòng nhân ái đối với những người đồng bào nghèo khổ và vận động bảo trợ cho một số phế binh thì chắc chắn cuộc sống của anh em thương phế binh tại Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều.
Nhân dịp linh mục Đinh Xuân Long kỷ niệm 3 năm thụ phong linh mục (3-6-2000 - 3-6-2003) tôi viết bài này để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với một linh mục đã hết lòng vì anh em thương phế binh. Với khẩu hiệu "Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng" được đề ra để làm kim chỉ nam cho cuộc đời linh mục, linh mục Đinh Xuân Long luôn tỏ ra là một đầy tớ trung thành của Chúa. Một đầy tớ không những chỉ loan truyền Lời của Thầy mà còn phải thực hiện giáo huấn của Thầy về lòng bác ái, yêu thương người nghèo khổ.
Kính chúc linh mục Đinh Xuân Long luôn dồi dào sức khỏe và nghị lực để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ anh em. Tôi cũng tha thiết xin các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo và đồng hương ở hải ngoại hãy tiếp tay với linh mục Đinh Xuân Long trong việc cứu giúp anh em thương phế binh đang cần đến sự giúp đỡ của tất cả chúng ta.
Mọi sự giúp đỡ thương phế binh xin vui lòng gửi về South Vietnamese Veterans Association, P.O. Box 1441, Taylors, SC 29687. Chân thành cám ơn.

Hải Triều

(1) và (2): Theo các thư cám ơn của Hội CQCC/VNCH/ SC gửi đến các ân nhân, để thông báo số tiền đã gửi cho từng TPB/VNCH cùng với đầy đủ hình ảnh, tên tuổi và địa chỉ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,055,712
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến