Tác giả Nguyễn Thuý Phượng cho biết bà là một tiểu thương, cư trú tại San Jose. Lần đầu tham dự Viết Về Nước My,õ bà kể lại kinh nghiệm và cảm xúc của chính bà khi phải trải qua một cuộc giải phẫu vì “những cái bướu (tumors) khá lớn ở trong và mặt ngoài của tử cung”. Bài viết rất nhẹ nhàng, tình cảm. Ước mong bà Phương sẽ còn tiếp tục viết.
*
Trong ánh nắng vàng hiền hòa của buổi sáng, tôi bước nhanh qua bãi đậu xe, vào thềm bệnh viện. Hai cánh cửa kính tự động mở ra, đưa tôi vào dãy hành lang nhộn nhịp với ánh điện trắng, tường và sàn nhà cũng màu trắng. May là ở xứ này, các nhân viên y tế ngoại trừ bác sĩ đều mặc áo màu chứ không phải áo trắng như ở Việt Nam nên khung cảnh bệnh viện bớt lạnh lùng.
Tôi dùng thang máy trên lầu hai, hấp tấp tiến vào phòng đợi của khu phụ khoa. Tôi xuất trình thẻ bảo hiểm cho người nữ nhân viên ngồi sau quầy "reception", cô tươi cười bảo tôi ngồi đợi ở ghế. Ngay lúc đó bác sĩ K cũng vừa vào tới. Sau khi tay bắt mặt mừng, ông bảo tôi:
- Bà làm thủ tục xong rồi chúng ta sẽ vào văn phòng tôi nói chuyện nhé.
Tôi nhỏ nhẹ cám ơn. Ông quay lưng vào trong. Tôi đến ngồi vào một trong những chiếc ghế kê dọc tường. Người Á Đông và Tây Phương đều đặc biệt kính trọng thầy thuốc và thầy giáo, nhưng người Á Đông khép nép giữ lề, còn người Tây phương thì thân mật, cởi mở hơn.
Sáng nay, bác sĩ K đã phải vào sớm hơn giờ thường lệ vì buổi gặp mặt bất thường này với tôi. Cách đây một tháng, tôi đột nhiên khám phá một cái bướu khá lớn và rất cứng ở bụng. Như phần lớn người dân Hoa Kỳ ngày nay, tôi đặt câu hỏi ngay "Có phải là ung thư không"" với tất cả sự sợ hãi. Ai trong chúng ta cũng đã nghe đầy dẫy những câu chuyện về những người đang trẻ trung khỏe mạnh, bỗng một ngày họ nhận thấy một triệu chứng lạ, đi bác sĩ và được cho biết mình đã bị một chứng ung thư nào đó, thường thường là đã quá trễ và chỉ còn sáu tháng, một năm để sống.
Tôi vội đến bác sĩ tổng quát (general practice) bà gởi tôi đi chụp phim bằng ultra sound và hồ sơ của tôi được giao cho bác sĩ K, một bác sĩ của bệnh viện về giải phẫu phụ khoa.
Bác sĩ K chịu gặp tôi ngay sau khi có kết quả chụp Ultra Sound.
Vì thời khóa biểu đã đầy, ông phải gặp tôi trước giờ sửa soạn giải phẫu cho một bệnh nhân khác. Nhìn thấy ông trong bộ y phục phòng mổ, tôi hồi hộp lại càng thấy căng thẳng hơn. Ông cho tôi biết tôi có những cái bướu (tumors) khá lớn ở trong và mặt ngoài của tử cung nhưng không phải là ung thư. Một phần ba phụ nữ có bướu này và thường thì chúng vô hại nhưng những cái bướu của tôi thì lại tăng trưởng và trong tương lai chúng sẽ đè sang các bộ phận khác trong thân thể. Tuy nhiên, ông trấn an tôi rằng đây không phải là một vấn đề nguy cấp. Ông cặn kẽ trình bày với tôi về hai phẫu thuật để giải quyết bệnh trạng và cùng tôi chọn lựa phương cách thích hợp nhất. Ông bảo tôi theo lịch trình giải phẫu của ông hiện thời thì đến tháng mười một, tức là ba tháng nữa, ông sẽ mổ cho tôi nhưng nếu có thể sắp xếp để làm sớm hơn, ông sẽ liên lạc với tôi. Ông đưa danh thiếp cho tôi và bảo nếu cần hỏi gì cứ gọi cho ông.
Bác sĩ K người tầm thước, cân đối, giọng nói nhân từ nhưng chắc chắn. Ở lứa tuổi năm mươi, ông vừa đủ tuổi đời và tuổi nghề để có những quyết định chín chắn nhưng vẫn còn đủ trẻ để nhận định mọi vấn đề một cách sáng suốt và tân tiến. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở ông nhưng tôi vẫn không khỏi ra về với một niềm sợ hãi. Tôi chưa hề qua một cuộc giải phẫu nào trong đời, tôi chưa phải nằm nhà thương một ngày nào. Điều tôi sợ nhất là khi mình bị đánh thuốc mê, cảm tưởng đó cũng gần giống như sự chết. Trong một vài trường hợp, đã có những người mê rồi không bao giờ tỉnh lại nữa, mặc dù theo lời bác sĩ K những trường hợp đó rất hiếm hoi.
Cách đây một tuần, một nữ y tá gọi tôi cho biết bác sĩ K đã sắp xếp để giải phẫu cho tôi vào ngày 30 này, hai tháng sớm hơn dự trù và bác sĩ cần gặp tôi hôm nay để sửa soạn cho cuộc giải phẫu đó. Tôi mừng thầm vì không muốn kéo dài thời gian bồn chồn chờ đợi, mặc dù vợ chồng tôi vừa bán xong căn nhà đang ở và đang dọn sang nhà mới.
Người nữ y tá cầm hồ sơ ra gọi tên tôi. Tôi đứng lên đi theo vô như một cái máy. Cô chào hỏi, tôi chỉ mỉm cười gật đầu. Cô cân sức nặng, lấy nhiệt độ và đo máu cho tôi.
Cô khen tôi mặc áo đẹp. Tôi cám ơn và mới để ý đến chiếc áo bà ba lụa màu vàng nghệ mình đang mặc, quà tặng của một người quen đi Việt Nam đem về. Trước khi rời nhà, tôi đã trang điểm, thay quần áo mà hồn vía thì để ở đâu đâu.
Cô y tá đưa tôi vào văn phòng bác sĩ, đặt hồ sơ của tôi lên bàn giấy trước mặt ông rồi đi ra, đóng nhẹ cửa lại. Vị bác sĩ bảo tôi ngồi. Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống chiếc ghế đối diện.
- - Tôi có bổn phận phải giải thích với bà về những rủi ro có thể xảy đến trong cuộc giải phẫu này, ông chạm rải. Ông giải thích chi tiết về hai mối rủi ro:
- Những bộ phận chung quanh tử cung có thể bị hư hại trong cuộc giải phẫu.
- Chúng cũng có thể bị nhiễm trùng sau khi giải phẫu.
Luật lệ Hoa Kỳ bắt buộc bác sĩ phải cho bệnh nhân biết quá nhiều. Ước gì ông không phải cho tôi biết những điều này. Ước gì ông chỉ nói gọn một câu "Mọi điều hãy cứ trông vào tay ta" tôi lo lắng hỏi:
- Nếu những điều đó xảy ra, bác sĩ phải làm gì"
Sự khẩn khoản trong mắt tôi làm người lương y xúc động. Dường như sự cách biệt về văn hóa khiến ông lúng túng không biết phải trấn an, vỗ về cách nào cho phải.
- Thì tôi phải giải phẫu một lần nữa, ông chớp mắt. Nhưng tôi hứa với bà tôi sẽ làm hết sức mình để cuộc giải phẫu được thành công mỹ mãn.
- Tôi tin tưởng điều đó, thưa bác sĩ.
Cái duyên của người Á Đông nằm trong sự kín đáo, tế nhị, nhưng người Mỹ dễ mến ở sự thật thà, không che dấu tình cảm.
Trưa ngày 30 tháng 9 mẹ và chồng tôi đưa tôi vào bệnh viện. Nắng vào thu không còn chói chang như những ngày mùa hạ, nắng đẹp dịu dàng đằm thắm như người chinh phu trong thơ cổ.
Chỉ có một thân nhân được theo tôi vào khu vực "tiền giải phẫu". Chồng tôi nhường cho mẹ tôi. Anh hôn tôi. Tôi ôm siết Xa nhàgần hai mươi năm chung sống êm ả, tôi cố xua đuổi ý nghĩa rằng đây có thể là phút cuối.
Nguyễn Thúy Phượng