Tác giả Lê Như Đức sinh năm 1962 tại Saìgòn, Việt Nam Nghề Nghiệp : Kỹ sư cơ khí cho Boeing, thành phố Houston Gia Đình: Vợ và ba con, Học vấn: Cao học cơ khí. Là tác giả được trao tặng giải thưởng chính thức Viết Về Nước Mỹ năm thứ nhất 2000-2001, Lê Như Đức đã góp nhiều bài viết giá trị, trong số này có hai bài đã phổ biến: “Ơn Anh” và “Nghĩa Chị”. Bài viết mới của ông lần này là bài viết thứ ba, trong bộ tam khúc ngợi ca và bầy tỏ lòng biết ơn của tác giả đối với những Anh, những Chị và những Em sống cùng một thời đại với chúng ta.
*
Ơn anh, viết bao nhiêu cho đủ
Nghĩa chị, nói bao nhiêu cho cùng
Tình em, dào dạt như thác lũ
Lòng tôi thổn thức mối tình chung
Em thân mến,
Tối nay là tối thứ hai đầu tuần. Đã qua hai tối rồi mà anh cũng chưa ngủ say được. Giấc ngủ chập chờn mỗi khi nghĩ tới em. Anh cố đem hết bao nhiêu suy tư để viết nên vài hàng thật chân thành về tấm lòng của em.
Cuối tuần qua anh đã may mắn được gặp em, thấy những tình cảm cao qúy mà em đã dành cho cộng đồng, anh thật sung sướng, thật mừng cho quê hương. Lòng nhiệt huyết, tính hăng say, sức bền bỉ của em làm anh không lúc nào quên mỗi khi nhắm mắt ngủ.
Thế hệ anh cũng có nhiều người dấn thân như em, nhưng ở em, anh vẫn thấy được nhiều tươi sáng hơn, hiểu biết hơn, tài giỏi hơn và nhất là đoàn kết hơn. Anh thật mừng cho đất nước đau khổ của chúng ta có được những con người như em. Có lẽ thế hệ của anh sẽ phải nhường bước cho các em nay mai. Xin cho thế hệ anh được cái may mắn này. Và xin cho anh được thay mặt mọi người chân thành cám ơn em.
Em yêu qúy,
Có lẽ em là người chịu thiệt thòi nhất trong đại gia đình của chúng ta. Ngày mới sinh ra em đã là người di tản buồn. Mất quê hương khi còn chập chững chưa biết đi. Em không có được cái may mắn như anh, thấy được những cái đẹp của quê hương mình. Nó không giầu sang, đẹp đẽ như cái đất nước em hiện đang sống. Nó không nguy nga, đồ sộ như cái quốc gia mà em đã lớn lên. Nó cũng không có những kỹ thuật tân tiến như em đã có được trong trường học hay trong sở làm. Nhưng nó có nhiều, thật nhiều những phút giây êm đềm, những ngày đầm ấm và những kỷ niệm khó quên mà cha ông chúng ta và anh đã sống qua.
Anh biết nhiều lúc em sẽ ngạc nhiên tự hỏi tại sao cái đất nước nghèo đói đó đã có những gì để chúng ta quyến luyến. Cái đất nước chỉ toàn là chiến tranh và chết chóc tại sao mọi người cứ hướng về. Nhưng này em, nếu em trả lời cho anh được tại sao cuối tuần rồi em không đi coi chớp bóng mà lại tham dự vào sinh hoạt đêm không ngủ của cộng đồng tổ chức đòi “trả lại ta đất nước của ta” thì em sẽ hiểu tại sao anh không muốn trả lời câu hỏi của em.
Có rất nhiều điều anh không thể nói ra được hết. Anh muốn tự em phải tìm thấy lời giải đáp. Lúc đó em sẽ hiểu thật đậm quê hương mình ở chỗ nào" Tình dân tộc bắt nguồn từ đâu" Lòng ái quốc là gì Họ không cùng một mẹ với mình thì tại sao gọi họ là “đồng bào”" Hãy tự đặt bàn tay lên ngực và hát bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, em sẽ thấy quê hương mình như anh đã thấy.
Có những người mà cả cuộc đời em sẽ không bao giờ gặp nhưng lúc nào em cũng muốn họ và gia đình họ được hạnh phúc, ấm no. Có những ngưòi gặp thảm họa hay nghèo đói mà em chỉ muốn khóc thầm ước được chia sớt những khổ đau. Có những vùng đất em chưa bao giờ nghe đến hay được đặt chân đến như Ải Nam Quan, như Thác Bản Giốc nhưng khi nghe nói mất về tay Trung quốc tại sao lòng em lại ứa gan, căm giận. Và có những địa danh chả bao giờ em đi tới như vịnh Hạ Long, như chùa Hương Tích, như phá Tam Giang nhưng vẫn thường nghĩ về như là một vật trân quý của mình.
Có lẽ cả cuộc đời của em chả bao giờ cảm giác được cái êm đẹp của những buổi chiều tắm mưa trong xóm nhỏ, những đêm buồn nằm nghe mưa rơi rả rích trên mái tôn. Những trưa hè nóng nắng cháy da người, những con đường đầy bụi xe gắn máy. Em chưa từng sống qua những tối cúp điện cả xóm phải thắp đèn dầu hôi, những chiều mưa giăng đầy ngõ. Những con đường đầy quán cóc người ăn, những trường học chen chút học sinh ngồi không bàn ghế. Vậy mà anh cứ bắt em phải yêu quê hương, phải chết sống cho một vùng đất không một kỷ niệm thì thật bất công qúa em hả.
Lớn lên trên xứ Mỹ, cái nước tân tiến vào bậc nhất của thế giới, có bao giờ em cảm nhận được chiến tranh đâu. Có bao giờ em thấy được xác chết bầy thành hàng ngay trước mắt mình đâu. Có bao giờ em thấy được máu của ba đổ tràn ngay trên áo em. Có bao giờ em thấy được nước mắt của mẹ chảy nhiều đến nỗi không còn thể chảy được nữa. Vậy mà anh cứ bắt em phải ghi nhận mãi những hình ảnh này trong đầu óc của em thì cũng lại thêm một bất công nữa em nhỉ.
Quê hương mình đói nhiều hơn no, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Chiến tranh đã không ngừng đến. Đời người trôi qua thật mau. Chịu đựng một cuộc chiến cũng đã qúa sức tưởng tượng. Vậy mà thế hệ ông cha mình phải chịu qua ba cuộc chiến cho một đời người: đánh Tây, đánh Nhật rồi lại đánh Cộng sản. Máu và nước mắt của họ đã đổ đầy trên giải đất cong hình chữ S đó là vì cái gì" Họ đã hiến cả cuộc đời lẫn thân thể cho quê hương là vì ai" Vì anh, vì em, vì chúng ta đó em ơi. Biết được như vậy em sẽ không còn cho anh bất công nữa, phải không em" Sáng qua trong đại hội mừng Xuân, nhìn em xúng xính trong chiếc áo dài của quê hương khi bước ra chào khán giả, anh biết chắc em sẽ đoạt được giải trong kỳ thi hoa hậu áo dài. Cho dù giọng nói của em hơi là lạ, mọi người cũng đều thấy được cả một cố gắng lớn. Thường ngày em hay mặc quần Tây, váy đầm, anh chỉ thấy một cô gái Việt lớn lên trong một xã hội tân thời. Hôm nay ngồi ngắm em mặc chiếc áo dài, anh thấy cả khung trời Việt Nam trong em. Em bước đi không tha thước, không nhẹ nhàng như hình ảnh ngày xưa anh được thấy. Hai tay em lại hơi phe phẩy trông thiếu tự nhiên. Anh biết khó khăn lắm em mới có được cái dịu dàng trong chiếc áo dài như mẹ và chị hai. Nhưng ở con người em, anh vẫn thấy được cái chất Việt Nam đâu đó. Anh vẫn cảm nhận được giòng máu Lạc Hồng vẫn chảy đều và chảy mạnh trong em. Câu trả lời về tương lai của em làm anh thật cảm động. Nó chân thật và hơi con nít, không tính toán nhiều nhưng chứa đựng cả một tấm lòng: