Hôm nay,  

Những Cơn Mưa Dài

14/05/200300:00:00(Xem: 156668)
Người viết: THIÊN HƯƠNG
Bài tham dự số 3200-798-vb70510

Tác giả Thiên Hương 65 tuổi, hưu trí, hiện cư trú tại Orange, Nam California. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện kể của một cô làm Nail về một bà khách Mỹ đặc biệt. Câu chuyện lặng lẽ như dòng sông trôi qua... lạnh lùng mà sâu sắc. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

Vì tối qua thức khuya nên sáng nay đã hơn bảy giờ. Thúy cảm thấy vừa mệt vừa lười nằm cuộn tròn trong chăn ấm nghe mưa rơi đều đều không dứt, mưa từ bao lâu rồi không còn nhớ, chỉ biết trời lúc nào cũng âm u mưa trong giấc ngủ, mưa những sáng bừng dậy, mưa những trưa cuồng chân trong nhà và những chiều màn đêm đến sớm mà mùa đông đổi giờ ở Mỹ càng làm đêm dài đăng đẳng. Nằm ngửa mặt nhìn trần nhà Thúy nghĩ miên man câu chuyện tối qua với ông Ron.
Thúy ở cái thành phố nhỏ sũng nước này đã được hơn hai tháng, từ hôm cuối tháng mười một sau lễ Thankgiving thì được tin mẹ Alice ngã đập đầu phải vào nhà thương giải phẫu. Thành phố nhỏ South Bend thuộc về tiểu bang Washington nằm ven theo eo biển Đại Tây Dương dưới chân dãy núi chập chùng rừng thông rậm rạp. Chỉ có một con đường chánh đi vào thành phố, tiếp tục khoảng 10 miles qua một cây cầu dài gần hai miles là thành phố Astoria của tiểu bang Oregon. Tiểu bang Washington là tiểu bang nhiều mưa nhất nước Mỹ, thành phố South Bend lại còn nhiều mưa hơn vì sát biển nên những cơn bão hay những đám cây tụ tập từ ngoài khơi thổi vào đất liền qua đây. Từ khi đặt chân nơi này hình như chỉ có vài ba hôm là nắng được nửa ngày. Mà khi nắng lên thì ngỡ ngàng không biết phải mặc quần áo gì ra đường vì quen đóng bộ kín mít từ đầu đến chân, áo mưa sùm sụp nếu không mặc như vậy chưa chừng một chốc mây kéo đến là vừa lạnh vừa ướt lướt thướt.
Bà Alice là mẹ chồng của Thúy. Bà đã tám mươi ngoài, có dòng máu Đức . Bà cao lớn, tánh tình cứng cỏi độc lập. Gần mười năm sau ngày bà bị bệnh Parkinson nên tuy chồng Thúy là con một, thành công trong thương trường khẩn khoản mời bà về California ở với gia đình con cháu nhưng bà nhất định không chịu. Căn nhà nằm giữa thành phố băng qua con đường chánh là eo biển. Đằng sau nhà là những con đường nhỏ lẫn loanh quanh lên những sườn đồi nhà cửa rải rác, chỉ có một ngàn dân, thành phố nhỏ đến độ không có cả nhà thương hay tiệm ăn Mc Donald, một motel vỏn vẹn 5 phòng.
Sáng nào cũng vậy, sau khi sửa soạn xong nàng ra bếp kéo tấm màn cửa sổ cho có chút ánh sáng vào nhà và nhìn mưa rơi, trên bàn cái lọ thủy tinh nhỏ bơi loay hoay con cá vàng mà Thúy mua về để cảm thấy ít nhất có một sinh vật đang sống với mình nơi xa lạ. Cô đơn lạc lõng bao trùm trong căn nhà của người mẹ chồng gần đất xa trời mà lạnh giá im lìm, nơi nào cũng phảng phất dĩ vãng không quen thuộc chút nào. Nhìn ra ngoài Thúy nhận biết quanh mình có một thế giới đang sống mà cơn mưa dài không dứt ngăn cách Thúy với thành phố ướt át này, nhưng màn cửa được kéo qua một bên cũng là một dấu hiệu mà Thúy được những người bạn hàng xóm mẹ Alice dặn làm như vậy để họ biết người trong nhà bình yên. Cái ngày bà Alice ngã thì mãi đến trưa màn cửa cũng chưa được mở ra nên hàng xóm biết là có chuyện chẳng lành báo cấp cứu đưa bà vào bệnh viện ở Olympia thủ đô của Washington cách South Bend hơn 70 miles đường đèo. Khi bà còn nằm ở nhà thương hai vợ chồng Thúy phải ở một khách sạn nhỏ gần đó để đi lại cho tiện, nhưng sau khi hai tuần mẹ Alice thoát hiểm liền được chuyển về viện dưỡng lão ở thành phố Albardeen gần hơn khoảng 20 miles.
Chồng Thúy trở về Cali với công việc, Thúy ở lại ngày ngày lái xe đến ngồi với mẹ Alice. Tuần đầu bà còn tỉnh táo có thể chuyện trò vài câu nhưng rồi một hôm gần sáng nhà thương gọi cho Thúy biết bà vào coma. Thế là từ đó hàng ngày Thúy đến ngồi nhìn mẹ Alice với những ống dây chằng chịt, dưới tấm chăn trắng hơi thở thoi thóp theo tiếng máy oxygen bì bụp lên xuống, nhớ đến mẹ mình đã mất trước khi di cư, nghẹn ngào Thúy niệm Phật thầm cho mẹ chồng.
Gia đình chồng Thúy đã ở đây gần một thế kỷ, là một trong 13 gia đình đầu tiên lập nghiệp ở cái làng ven biển này lúc ấy chỉ có gần 500 dân cư. Ông bà nội chồng gốc di cư từ Thụy Điển sống thành công bằng nghề khai thác cây rừng, được xem là những người đi trước khai quang lập lên thành phố South Bend, đến đời cha chồng thì vì cái nghề khai thác rừng quá nguy hiểm và vất vả nên ông đầu tư vào dầu hỏa rất thành công. Vì được xem như là "pioneer" nên tên ông bà nội và cha Ted sau khi chết được khắc vào ghế băng đặt ở công viên nhỏ dọc theo bờ đá nhìn ra biển. Ted chồng Thúy là con một ra đời vào lúc chiến tranh đệ nhị bắt đầu nóng hôi hổi. Chồng bà lớn lên với thiên nhiên rừng già. Mùa hè tắm suối đi câu, mười hai tuổi theo bố lên núi vào rừng tập đặt chất nổ phá núi, tập săn bắn, hạ cây, lái xe cần trục. Mùa đông mưa nhiều tuy lạnh buốt, những hôm đi học Ted không biết làm gì rủ bạn đi săn thỏ, gấu, heo rừng. Ngày đó luật lệ săn bắn chưa gắt gao như bây giờ. Ted kể thành phố quá nhỏ quá gò bó thủ cựu cho một thanh niên đang sức lớùn, nên có những ngày đêm mưa tầm tã mà thời đó tuổi trẻ không có những trò giải trí như bây giờ là tivi hay chơi game nên hết đọc sách thì Ted lại nằm trên phòng chĩa súng ngắm mấy ngọn đèn đường tắt hộ cho cái thành phố lênh láng nước như một hải đảo xa xôi không có văn minh biết đến.
Cả gia đình ở chung với ông bà nội vì cha đi làm và mẹ là y tá, tuy không có nhà thương nhưng đến từng nhà hay đến cả các nhà hàng săn sóc cho bệnh nhân như một bác sĩ vườn ở Việt Nam. Được ông bà nội chiều nên Ted tha hồ bầy nhiều trò chơi quái quắt như bắn đèn đường hay rủ nhau đua xe đổ dốc núi vượt qua mặt cảnh sát đôi khi bị đuổi theo tận nhà thì cũng bị mắng qua lai, nhưng có nhiều khi ông cảnh sát ngồi vào góc vắng ven đồi ngủ gà ngủ gật khi xe Ted vút qua như lằng chớp, ông cảnh sát bật dậy nổ máy xe thì cái xe của thằng quỷ con đã mất hút. Ted bảo rằng cái thành phố nhỏ như cái chậu nước đó mọi người đều biết nhau, Ted mà làm gì sai chỉ hai phút sau là mẹ đã biết. Ted ghét cay ghét đắng "cái chậu nước" với những người hàng xóm như những con cá lia thia bơi qua bơi lại trong chậu gặp nhau một ngày vô số lần. Chàng luôn tự hứa khi xong đại học sẽ nhảy ào khỏi chậu đến nơi nắng ấm quanh năm. Ông bà nội chết trước khi Ted vào đại học ở Seattle đi làm có chút tiền Ted mua biếu cha mẹ ngày lễ thành hôn hai mươi năm cái đồng hồ quả lắc cổ của Đức, đồng hồ gõ 15 phút một. Những hôm về thăm nhà nằm trên gác nghe mưa rả rích và cái đồng hồ cứ gõ vang 15 phút một Ted vô cùng hối hận đã bỏ tiền mua cái đồng hồ tai quái kia. Ông bà cha mẹ có tiền nên tuy đi học nhưng Ted lái toàn xe đua mắc tiền và những ngày cuối tuần thì bạn bè rủ nhau say bí tỉ cho đến sáng thứ hai vào lớp ngồi hãy còn chưa tỉnh rượu. Hoặc mê man xem chuyện gián điệp thức suốt đêm đến sáng bỏ học ngủ vùi. Thế mà Ted cũng lấy được bằng kỹ sư công nghệ với hạng ưu. Rồi thực hiện ước muốn nhận việc ở Cali, Ted về ở vùng biển Mahattan không mưa nắng đẹp quanh năm, thành phố nhộn nhịp bao nhiêu là nhà hàng ăn, bao nhiêu là gái trẻ đẹp mùa hè mặc những áo tắm hở hang khêu gợi. Ôi đời mới thực là thi vị.
Ted kể cha mẹ chàng sống với nhau như hai cây thông già mọc cạnh nhau không chạm lá chạm cành, nhưng gió thổi cùng reo mưa rơi cùng ướt, từ bao lâu không rõ cho mãi đến khi vào đại học Ted mới nhận thấy. Một hôm Ted về thăm mẹ bà than phiền cha Ted chẳng bàn gì với mẹ bán cái nhà đang ở trên đồi phong cảnh đẹp mua cái nhà độc nhất đứng giữa thành phố trước mặt là cái nhà hàng độc nhất nổi tiếng món súp sò, bên trái đi vài bước qua con đường nhỏ là chợ, nhà thuốc tây và bưu điện. Nhà cửa xong xuôi ông cho vợ con hay là ông bị ung thư óc. Ít lâu sau ông mất, cả mẹ Alice và Ted ở xa mới biết ông lo chu giáo thiết thực cho người vợ già mọi tiện nghi bởi con trai không ở gần, hàng xóm lại lo lắng cho nhau như ruột thịt. Thế nên sau này có nài nỉ thế mấy bà cũng từ chối vì bà đâu muốn về nơi náo nhiệt xe cộ như mắc cửi hàng xóm giao thiệp phải chọn lựa. Mỗi năm phải về thăm mẹ, Ted khổ sở trở về bước xuống phi cơ dặn Thúy: tôi chỉ muốn nằm xuống hôn mảnh đất nắng ấm này, nếu phải sống ở South Bend chắc tôi sẽ say túy húy suốt ngày mặc kệ trời mưa, tôi mà nghe lời mẹ dọn trẻ về South Bend thì báu lên đầu tôi một búa cho tôi đổi ý nhé.


Nhưng Thúy yêu những người ở đây, Ted trở về Cali, hàng xóm đưa Thúy đi về mỗi ngày thăm mẹ Alice, đó là cái tên cả thành phố gọi bà, nhưng nàng thấy quá phiền hà nên xin được tự lái xe lấy. Ngày đầu tiên vừa lùi xe ra khỏi garage là hai vợ chồng hàng xóm đã đứng ngoài sân lo lắng hỏi xem Thúy có thể lái nổi đường đèo hay không. Cái tình của những người tỉnh nhỏ như vậy đó, họ thay phiên nhau mời Thúy ăn cơm tối, mang đến cho Thúy những cái bánh làm nhà nóng hổi thơm phức, Thúy thích ăn sò sáng hôm sau mở cửa đã có túi sò khoảng 20 con treo toòng teng trên nắm cửa, những con sò này chỉ cần vớt lên từ bờ eo biển bên kia đường nên còn tươi lạnh.
Sắp đến lễ Giáng sinh nhà thờ nhỏ thành phố và mọi nơi đều treo đèn, đêm đến trong mưa ánh đèn hóa thành loang loáng chập chùng nhiều như sao sa trên khắp ven đồi. Hai tháng quá lo lắng cho mẹ Alice Thúy cố gắng chịu đựng mưa lạnh lái xe trên đường đèo đi về trong sương mù. Đôi lúc mệt Thúy lang thang vào những tiệm bán đồ cổ ngắm ngía những món xinh xinh lạ lạ, hay mua những quyển truyện của Maeve Binchy, Rosamunde đọc để du tưởng mình đang ở Ireland nắng ấm, Scotland với những ngọn đồi cỏ mênh mông. Nhiều tối Thúy đan chăn mà mẹ Alice đang làm dở dang, bà có đầy một clothes chỉ len đủ màu, được nuôi trong nữ tu viện nên bà thêu may nấu nướng rất giỏi. Cha Ted là một thương gia thành công luôn luôn có tiệc tùng Ted vẫn khen mẹ nấu nướng rất ngon và thết đãi khách khéo léo lịch sự. Bà có đủ mọi dụng cụ làm bếp như trường dạy nấu ăn, từ máy xay thịt cho đến những dụng cụ làm kẹo làm bánh, sạch dạy nấu của Betty Crocker xếp thứ tự đầy chật hai kệ cao trong bếp. Đôi khi Ted thèm món mẹ nấu, mà Thúy chả bao giờ thích học nấu món Mỹ, Ted cũng không ép vợ mà lại thích tự nấu lấy, xăn tay áo đi chợ vào bếp làm món ăn mình thích bằng cách gọi cho mẹ rồi gác điện thoại lên vai làm theo lời chỉ dẫn qua điện thoại.
Lễ giáng sinh đã qua, Tết dương lịch cũng qua, bệnh tình mẹ Alice không khá hơn, hết tháng chạp đến tháng giêng mưa vẫn không ngơi, trời lúc nào cũng xám xịt làm cho ngày dài tháng dài thêm ra. Biết thế nào mẹ Alice khó qua khỏi nên căn nhà và đồ đạc sẽ bán chỉ giữ những gì kỷ niệm hay có giá trị, vì vợ chồng Thúy không định về cái "chậu nước" này hưu trí. Thúy hơi bất mãn vì người Mỹ họ quá thực tế nhiều khi đến độ vô tình, mẹ còn nằm đó mà thu xếp bán nhà nhưng nếu lằng nhằng Thúy lại phải ở lâu hơn bỏ bê công việc ở Cali nên cũng bất tiện. Nghe lời chồng Thúy bắt tay vào thu dọn nhà cửa. Nơi góc nhỏ của quả địa cầu này chiến tranh không tàn phá nên bao nhiêu dấu tích ấu thơ còn đó như những quyển sách kỷ niệm của trường từ tiểu học đến trung học của cả hai cha con Ted, những phiếu lãnh phần ăn thời đệ nhị thế chiến. Và tình cờ Thúy dọn closet áo gối drap giường khăn bàn đều được thêu tay và đính chữ C là chữ đầu của họ, tất cả được sắp xếp thứ tự sạch sẽ như chưa bao giờ được dùng, vì tầng closet trên cao nên khi kéo mạnh tay cả một cái hộp may khá lớn đổ ào xuống, đáy hộp văng theo một sấp thơ có những con tem cũ kỹ từ Âu Châu phong bì đã vàng, nét mực đã mờ và hình như đã bỏ quên từ lâu lắm. Thúy xếp tập thơ vào ngăn kéo bàn viết, đâu ngờ những lá thư đó là cả một trời tình yêu đợi chờ hơn 60 năm.
Thúy ở đây được vài ngày thì một tối có một người đàn ông gọi điện thoại xưng tên là Ron, ông ta được tin mẹ Alice đang nằm bệnh viện trong trạng thái nguy kịch và có người con dâu người Việt Nam rất tốt thăm nom hàng ngày, mỗi tối thoạt đầu hỏi thăm sức khỏe mẹ Alice, hoặc công việc làm ăn của chồng Thúy cùng gia đình con cái, khen đức tính yêu thương kính trọng lo lắng cho mẹ chồng của người Á Đông. Nhưng mỗi ngày câu chuyện kéo dài hơn, rồi một hôm Thúy cho biết là mẹ Alice càng ngày càng mất phản ứng tương đối mà đi vào hôn mê trầm hơn. Ông Ron yên lặng thật lâu đầu dây bên kia đến độ Thúy phải gọi tên ông. Thở dài Ron lên tiếng trong nghẹn ngào: Yes, và kêu sẽ: Oh my love of my life don't leave me yet! Thúy sững sờ áp sát điện thoại vào tai lo lắng hỏi: Ông có sao không" Ông xin lỗi Thúy và bắt đầu kể:
Mẹ Alice không phải là người ở South Bend bà sanh ra ở Ohio có ba anh em mẹ chết sớm người cha tái giá gặp người vợ sau không có tình thương chỉ muốn giữ lại nuôi người anh 7 tuổi, em gái út 4 tuổi được một bà dì nhận làm con, còn mẹ Alice 6 tuổi được gởi vào nữ tu viện. Bà rất ít được đón về thăm gia đình, lớn lên trong tu viện với những kỷ luật nhiều hơn tình thương ít có liên hệ mật thiết với anh và em gái nên bà sống như một người con gái mồ côi. Khi xong trung học theo ngành y tá, trong trường y khoa bà quen Ron đang học bác sĩ. Hai người yêu nhau vô cùng, vì Ron mồ côi cả cha lẫn mẹ được người cậu nuôi dưỡng. Hiểu nhau trong cô đơn thiếu thốn tình ruột thịt và hẹn là sẽ cùng nhau đi suốt đường đời cho nhau tình yêu quý nhất. Không ngờ chiến tranh bùng phát, Ron phải ra trận và được đưa sang Âu Châu thành tù binh bặt tăm, có tin Ron đã chết. Bà quen sống khép kín, không liên lạc với gia đình người cậu. Đau khổ buồn chán,học xong bà không về thăm nhà mà được tin trường cho hay cái thành phố nhỏ bé ở xa xôi mãi cuối tiểu bang Washington cần một người y tá, bà tình nguyện rồi lập gia đình và ở cho đến ngày nay chưa một lần về thăm nhà hay tin cho gia đình biết là ở đâu sống hay chết, mà có lẽ gia đình cũng không bao giờ nhớ đến bà. Ron trở về thì Alice đã bặt tăm không ai biết bà ở đâu, cho đến khi chồng Alice qua đời, lúc ấy Ron đang là bác sĩ ở Seattle và vẫn chưa có gia đình, tình cờ xem báo thấy người vợ kẻ qua đời có cái tên mà Ron tìm kiếm hơn hai mươi năm, Ron tin tưởng đó là Alice của ông. Đợi sáu tháng sau ông gọi điện thoại, và nhiều lần ông khẩn khoản cưới mà bà từ chối. Trong hơn hai mươi năm tìm được nhau hai người không bao giờ gặp mặt một lần nhưng mỗi tối chào nhau good night. Tối qua ông nói "nói chuyện với cô cho tôi một an ủi có liên hệ với Alice, rồi Alice sẽ bặt tăm mãi mãi rồi cô cũng sẽ trở về California với đời sống bình thường, còn tôilàm sao đây, ngoài những ngày dài lo cho bệnh nhânø
….Tối qua giọng người đàn ông không biết mặt mà như quen từ bao giờ, tâm sự một chuyện tình xa xưa ở một nơi xa lạ, mà mưa ngoài kia tầm tã dai dẳng. Quá khuya rồi, dừng như ông Ron chỉ sợ nếu đặt điện thoại xuống thì cái thành phố nhỏ này sẽ trôi ra biển dưới vì cơn mưa đông dầm dề. Ông Ron cho phép Thúy đọc những lá thư đó và đốt đi hộ ông. Tâm tư tràn đầy kỷ niệm bây giờ và trong xấp thơ cũ mà tình cờ Thúy tìm thấy trong hộp may do ông gởi về cho Alice trước khi ông bị bắt làm tù binh. Lời thơ đầy nhung nhớ, ưu ái hứa hẹn của người chiến sĩ xa quê viết về cho người yêu khiến Thúy khóc thút thít nhớ lại hoàn cảnh của mình ngày xưa.
Người tình học trò và cũng là người Thúy yêu cô vô cùng khi lớn lên, nhưng chiến tranh đã không trả người yêu về cho Thúy để làm người tình muôn thuở như ông Ron. Bây giờ Thúy đang ở một nơi tưởng như chân trời góc biển, có tình yêu của chồng nhưng Thúy hôm nay và Thúy ngày xưa tuy một người mà hai cuộc đời hai kỷ niệm. Bỏ xứ ra đi Thúy mất tất cả, không có dĩ vãng, ván cờ đã kết thúc xóa bỏ không dấu vết không tiếng vang, chỉ có tiếng mưa rơi ngoài kia là dĩ vãng là tiếng vang. Cơn mưa dài ở thành phố này làm Thúy tưởng như đang sống trong mùa mưa Đà Lạt chỉ thiếu tiếng rao của thằng bé bán bánh mì giữa đêm mưa lạnh: "Ai bánh mì nóng đâyyyyy!!!"
Ôi quê hương xa lắc, hai mươi tám năm rồi chưa một lần về thăm. Ngày đó ngày mà mình còn là nữ sinh trung học và người yêu giả vờ mang sách đến cho mượn vào một tối mưa rả rích, hai đứa đứng co ro ngoài hàng hiên, một cành mận đong đưa dưới mái hiên lửng lơ những quả mận sắp chín loang loáng phấn trắng. Hai đứa không biết nói gì cùng im lặng, cái im lặng nồng ấm có nhau dưới mưa lạnh, dù tay không nắm mà sao thấy vô cùng hạnh phúc. Đêm nay nơi đây cái im lặng tận cùng xa vắng một mình với tiếng mưa rơi.
Quê hương biền biệt xa vời
Nửa đời khắc khoải trùng khơi chưa về.
Tháng giêng tháng chạp lê thê,
Khúc sầu bàng bạc cơn mê tang bồng.
Tái sinh hóa kiếp chập chùng,
Chênh vênh rừng biển rưng rưng đoạn trường.
Ngủ vùi trong giấc mù sương,
Bỗng nghe xa lắc con đường về quê

(Gởi ĐTP, nhớ nhau đêm trăng tròn)

Thiên Hương C.K.H 2003

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể,
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Đây là bài tham dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Trường Xuân. Tác giả cho biết anh là một sinh viên Đại học Huế, và vừa có dịp đi thăm vùng đất bị lũ lụt tàn phá tại miền Trung.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nhất nói về cái thú “bird watching” ở Mỹ và những kỷ niệm đi săn chim thuở thiếu thời ở Việt Nam.
Nhạc sĩ Cung Tiến