Hôm nay,  

Đất Mỹ Và Những Kỷ Niệm Khó Quên

07/05/200300:00:00(Xem: 157348)
Người viết: PHAN NGỌC QUỲNH
Bài tham dự số 3195-793-vb70305

Tác giả Phan Ngọc Quỳnh sinh năm 1933. Năm 1957, ông gia nhập Không Quân Việt Nam và có dịp sang Mỹ theo học ngành cơ khí hàng không tại căn cứ không quân Sluppard-Texas. Hiện nay, ông Quỳnh đang sinh sống ở Miền Nam Việt Nam. Bài viếtõ sau đây của ông do bà Thu Thảo, một tác giả Viết Về Nước Mỹ đang sống tại Hawaii chuyển dùm tới Việt Báo. Trân trọng cám ơn bà Thu Thảo. Bài đăng 2 kỳ.
+
Lời nói đầu:
Tôi có một cô em họ hiện sống tại Hawaii. Cô em tôi rất thương quê Việt, mến dân Việt nhất là bà con nội ngoại nên rất thường về đây, đóng góp từ thiện cho xã hội mà quê ngoại của cô ở Đồng Tháp thường xuyên bị lũ lụt.
Thời giờ rảnh cô thường làm thơ, viết văn gởi đăng báo bên Mỹ. Mỗi lần gặp tôi ở VN cô thường khoe tôi những bài dự thi viết về nước Mỹ mà cô là tác giả. Bài mà tôi thích nhất là "Hai mảnh quê hương" lời văn bình dị như người đang nói chuyện. Cô động viên tôi nên viết bài tham dự: "Anh nghĩ sao thì viết vậy, nhất là anh đã có lần đi học ở Mỹ". Tôi ngần ngại vì nghĩ rằng hồi xưa tôi thường hay đứng đầu sổ (từ dưới đếm lên) về môn luận văn thì làm sao dám múa rìu qua mắt thợ. Cô lại thúc giục. Thật ra tôi có rất nhiều kỷ niệm trong những ngày trên đất Mỹ nhưng khi viết thành bài văn thì thật là khó.
"Nghĩ sao viết vậy" chỉ có 4 chữ đơn giản của cô em mà tôi suy tưởng mấy đêm liền. Thế rồi, tôi cầm bút viết đại. Tôi chỉ hy vọng biết đâu chừng những người bạn đồng khóa đang ở trong xó xỉnh nào ở đất Mỹ đọc được bài “hồi ký có thật” này và sẽ gặp lại để cùng nhau nhắc lại những những kỷ niệm khó quên.
*
Những kỷ niệm thời quá khứ của tôi đã xảy ra gần nửa thế kỷ rồi, nay vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi.
Năm 1956 tôi thi rớt tú tài. Rời ghế nhà trường tôi được tuyển vào không quân để chuẩn bị đi Pháp học khóa cơ khí hàng không tại Rochefort nhưng vì tình hình chính trị lúc đó chuyển biến khóa học bị hủy bỏ nên cho đi đào tạo tại Mỹ. Toán chúng tôi gồm 7 thanh niên độc thân. Vì từ nhỏ học chương trình Pháp nên anh ngữ kém. Vì thế trước khi cho sang Mỹ chúng tôi được cho nhập học khóa 1 Hội Việt Mỹ. Nghe tên thì to tát nhưng lúc đó hội này chưa có một trường học nào cả. Ngày khai trương khóa học, mỗi giáo viên người Mỹ có lẽ là vợ con của các nhân viên các cơ quan hay sứ quán Mỹ lãnh khoảng chừng 20 học viên đủ loại binh chủng và cấp bậc khác nhau. Họ dẫn chúng tôi về tận nhà của họ để dạy. Nói là dạy cho oai chứ đa số họ không phải là giáo viên. Họ đọc theo sách, chúng tôi lặp lại và học những câu thông thường về đời sống.
Sau 4 tháng học, đầu năm 1957 chúng tôi được lệnh lên đường. Là những binh nhì đầu tiên được ra học ở nước ngoài, một xứ sở văn minh hiện đại, chúng tôi thật là bỡ ngỡ nhưng rất hãnh diện.
Đoạn đường từ Việt Nam đến căn cứ không quân Sluppard-Texas sao mà xa xăm đến thế. Tôi tính thử là từ phi trường Tân Sơn Nhất đến tận trường học nghề ở Mỹ phải đi đúng... 15 ngày. Có người không tin sẽ nói rằng tôi phóng đại, nhưng đó là sự thật. Thực tế lúc ấy quân đội đa số di chuyển bằng máy bay cánh quạt, ưu tiên chót dành cho những người đi học như chúng tôi. Nhưng cũng nhờ thời gian dài chờ đợi chuyến bay như vậy nên cuộc đời tôi mới có những kỷ niệm đẹp trên đoạn đường đi học.
Từ điểm xuất phát TSN phải bay xuyên qua các điểm sau: Philppine (nghỉ 2 ngày). Sau đó đến nghĩ tại đảo Guam, Kwajaler và dừng lại tại đảo Hawaii (8 ngày). Điểm bay cuối cùng đến lục địa California (nghỉ 2 ngày). Từ đây chúng tôi dùng xe lửa chạy liên tục trong 3 ngày mới đến Texas.
Hawaii - Đảo Thần tiên:
Nhờ chuyến du hành dai dẳng đó tôi mới biết được Clark Focld (Manila) xe buýt chạy vòng quanh đảo Guam và nhất là thời gian dài lưu lại tại phi trường Hickam (Hawaii). Ngày còn đi học chỉ nghe đến cái tên đảo thần tiên này là đã mê lắm rồi, đâu ngờ mình lại có dịp đặt chân đến đó.
Ngay ngày đầu tiên, chúng tôi đã đáp chuyến xe buýt đến phố chợ Honolulu, đến bãi biển Waikiki. Khi xe buýt chạy ngang qua một nhà máy dứa đóng hộp, mùi đường ngọt ngào, mùi dứa thơm ngát làm tôi nhớ đến mấy sạp dứa ven lộ Bến Lức-Long An.
Chúng tôi thả bộ trên bãi biển đầy nắng ấm, đến những nơi có tụ tập đông người để ngắm xem các thiếu nữ thổ dân mặc áo váy đơn giản đầu và ngực mang những vòng hoa tươi. Họ tự nguyện đến đó để đàn và nhảy điệu Hula cho mọi người cùng xem.
Buổi chiều chúng tôi trở về căn cứ, việc đầu tiên là đến bảng thông báo chuyến bay xem ngày hôm sau có tên mình hay không. Nếu không thì chương trình ngày mai lại trực chỉ ra bãi biển đầy hấp dẫn, mỗi ngày thấy nhiều điều mới lạ.
Có những thanh niên khỏe mạnh đứng trên những mảnh ván lướt vào bờ trên đầu các ngọn sóng thật là hùng vĩ. Chúng tôi thán phục và xem họ như những thần tượng. Và có một điều thích thú nhất cho những chàng trai độc thân chúng tôi là ngồi ngâm nhi cà phê trong một quán nhỏ ven đường phố, có cửa kính trong suốt để ngắm nhìn những kiều nữ mặc áo tắm 2 mảnh lượn lờ đi chơi hoặc đi mua sắm trên phố (không phải trên bãi biển). Tôi nghĩ nếu cảnh này xảy ra trên phố Lê Lợi-Vũng Tàu chắc là sẽ bị cảnh sát mời về bót phạt vì tội phạm thuần phong mỹ tục.
Ngày thứ 3 ở Hawaii tôi được một anh bạn đồng khóa dẫn đến một cửa hàng trên phố khoe là mới kiếm được một điểm độc đáo tuyệt vời. Mới bước chân vào tiệm tôi đã trông thấy những cô gái xinh đẹp đang ngồi tán gẫu trên một hàng ghế ở phòng khách. Tôi lùi lại thì anh bạn cứ đẩy tôi vào trong. Khi đã nhìn thấy một máy chụp ảnh to đùng nằm ở giữa phòng tôi mới nghĩ ra và rất ân hận đã nghi oan cho các cô gái này. Họ chỉ là những người mẫu chờ đón khách đến chụp hình chung với họ theo kiểu nào khách chọn trong một cuốn album. Còn anh bạn tôi đến mục đích để lấy hình anh đã chụp hôm qua. Hình đen trắng nhưng rõ, đẹp: Anh đã choàng tay qua bờ vai một cô gái Mỹ tóc vàng.
Kể ra chỉ có 1 đôla mà được ôm một mỹ nhân dù chỉ một chút thôi và lại có được 1 tấm ảnh cũng đáng hãnh diện với bạn bè lắm chứ. Tôi chọn một cô không đẹp, không xấu, người thổ dân lai Mỹ nên nước da sậm màu, mắt to, tóc đen dài ngang lưng. Nét mặt tròn, hiền dịu và nở một nụ cười. Cô rất mừng khi tôi chọn cô, cô thay y phục ngay khi tôi chỉ vào tấm ảnh cô mặc áo váy kết bằng lá cỏ (grass skirt) múa điệu Hula.
Hôm sau tôi lại đến đó một mình, mục đích lấy cớ nhận hình nhưng để làm quen với cô gái. Ai ngờ tôi lại "bị làm quen" ngay từ khi mới bước đến cửa. Tay trong tay cô dẫn tôi vào góc phòng cho tôi xem tấm ảnh đã chụp. Hôm nay cô ăn mặc đẹp hơn, giọng nói líu lo vui vẻ hơn. Vì tiếng anh quá giỏi nên tôi chỉ hiểu 3/10 ý của cô, nhưng tôi cũng cố gắng mang hết vốn liếng của mình ra nói cái điều tôi đã mến cô. Đến chữ nào bí thì dùng động từ "to be quơ" (quơ tay làm dấu). Vậy mà cô cũng hiểu và đồng ý cùng tôi đi dạo trên bãi biển trong 1 giờ. Đó là thời gian có kỷ niệm đẹp của tôi trên đảo thần tiên này. Tôi cố tình dẫn cô đến những nơi đông người để gặp những thằng bạn của tôi, khoe rằng mình đã có cô bạn ngoại quốc.


Bóng nắng chiều ngã trên lá dừa, cứ thế mỗi ngày chúng tôi dẫn nhau ra ngồi dưới gốc dừa để tâm sự trong 1 giờ. Cô tên Mary 18 tuổi làm nghề chụp hình, lương 50 cent 1 tấm để nuôi cha mẹ và 2 em nhỏ.
Sau 5 ngày gặp nhau một mối tình trong trắng như trang giấy học trò đã nẩy nở giữa chúng tôi chỉ 1 nụ hôn khi chia tay ra về, không ai lợi dụng ai.
Chuyến bay sang lục địa Cali đến bất ngờ tôi không kịp từ giã mang đến cho tôi một điều tiếc nuối.
Cali và Texas
Từ Cali đến Texas chúng tôi đi bằng xe lửa. Lệ phí quân đội cấp cho mỗi người 27 UDS cho 3 ngày đường. Số tiền này kể như lớn so với đồng lương 80USD 1 tháng của tôi.
Lần đầu tiên chúng tôi được làm thượng khách ngự trị trong 1 toa thượng hạng dành cho VIP.
Toa xe có một chàng trung niên da đen phục vụ rung chuông khi đến giờ ăn, kéo ghế lại làm thành giường đôi, kéo màn che khi khách ngủ, rất ân cần và lịch sự khi khách nhờ hướng dẫn.
Một bữa ăn đầu tiên trên toa nhà hàng đã tốn hết 3 đô. Bởi vậy những lần rung chuông kế tiếp, tôi chắc anh chàng phục vụ này ngạc nhiên vì không thấy vị thượng khách nào xuống ăn cả. Mỗi lần xe ngừng ở một ga lớn nào đó thì bảo đảm đều có 7 vị khách này xuống xe để ăn và mua thực phẩm gọn, nhẹ cho những ngày còn lại.
Chỉ nhìn qua các giỏ rác phải đổ hàng ngày gồm đủ thứ vỏ trái cây, vỏ bọc thức ăn và vỏ hộp thì anh chàng phục vụ đã hiểu rõ tình cảnh của chúng tôi. Anh không tỏ vẻ nào khinh rẻ, bất kính mà trái lại anh muốn kết thân với chúng tôi, mời chúng tôi đến tận phòng nhỏ của anh nằm cạnh phòng W.C cuối toa. Hai ngày sau chúng tôi đã là bạn thân, vui vẻ tâm sự về gia đình. Chúng tôi xem anh như người bạn đồng hành và quên đi đoạn đường xa.
Xe chạy liên tục với tốc độ nhanh mà phải 3 ngày mới qua được nửa đường từ Tây sang Đông của nước Mỹ. Do đó mới thấy nước này rộng lớn biết là chừng nào.
Rồi cũng đến ngày xe dừng lại tại ga Wichita Falls-Texas, nơi có căn cứ không quân Sheppard, trường học cơ khí hàng không của chúng tôi.
Chuẩn bị hành lý xong, chúng tôi luyến tiếc nhìn lại toa xe sang trọng, bước xuống cầu thang nhìn lại chiếc xe, cám ơn đã đưa tôi đến đây. Ngoảnh sang bên trái tôi thấy anh bạn da đen của tôi đã đứng nghiêm chỉnh ngay dưới cầu thang, mũ cặp vào nách, miệng nở một nụ cười buồn. Anh cúi mình xuống chào từng người, tay nhận … 1 đôla tiền "tip" của tôi, nói tiếng cám ơn rất lớn.
Tôi bỗng thấy thương mến anh và rất ân hận cho cái tính bủn xỉn của tôi. Đặt vali xuống tôi đến ôm anh từ giã, mắt rưng rưng như sắp xa vĩnh viễn một người thân. Lúc đó tình cảm tôi yếu đuối như con gái.
Đoạn đường từ Việt Nam đến trường học nghề ở Mỹ chỉ trong 15 ngày mà đã cho tôi nhiều bài học mới, những kiến thức mới về tình cảm con người, một tình yêu với một thiếu nữ thổ dân, một tình bạn với một thanh niên da đen. Mỗi một đôla tôi tặng họ để họ cho lại tôi những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời.
Trường học và ông Tướng
Trường học nghề của tôi nằm tróng khu đất rộng của căn cứ không quân Sheppard. Trong đó gồm có nhiều khu khác nhau như khu thể dục, câu lạc bộ, buôn bán, chiếu bóng vv…
Đi từ khu này đến khu khác phải di chuyển bằng xe buýt nội bộ, chỉ có khu huấn luyện là lớn nhất. Nhưng cửa hàng Thrif Shop là nơi chúng tôi đến viếng thường xuyên, chúng tôi đặt tên là khu dân sinh, đó là nơi mua bán đồ cũ. Tuy gọi là cũ nhưng có cái mới 90% đặc biệt là giá rất rẻ, lính Đại hàn, Lào, Campuchia và Việt nam là khách hàng thường xuyên. Có khi không phải đến mua mà còn gởi bán những vật dụng thừa của mình. Sau khi món đồ đã được bán thì đến quầy lấy tiền trừ lại 5% cho cửa hàng.
Vào tháng 4 nhưng khí hậu vẫn còn khô lạnh, chúng tôi bắt đầu nhập học. Trường thu nhận các học viên nhiều nước khác nhau nên lớp học chia riêng biệt từng nước. Các lớp khác không biết thế nào chứ lớp của chúng tôi đặc biệt ngoài huấn luyện viên lại có thêm 1 hạ sĩ quan người Mỹ làm thông dịch ra tiếng…Pháp thay vì là tiếng Việt. Vì thế chúng tôi phải căng hết các bộ nhớ sinh ngữ để tìm hiểu các bài học khó khăn. Nhờ những bài học thực hành trên các sơ đồ thực tế nên chúng tôi tiếp thu rất nhanh và sau cùng cứ mỗi cuối tuần đều phải làm bài thi và tất cả đều được điểm cao. Thật ra chẳng phải tài giỏi gì. Thầy thông dịch đã có dặn trước, hễ có câu nào bí lù thì cứ để trống, thầy đến từng người và hãy để ý ngón tay thầy dừng ở 1 trong 4 câu thi trắc nghiệm thì phải đánh dấu ngay vào đó. Tôi nghĩ rằng có lẽ là các khóa đầu tiên nên được ưu đãi để khuyến khích các khóa sau.
Nói đến căn cứ này mà không đề cặp đến vị chỉ huy trưởng ở đây là một điều thiếu sót. Tôi được biết ông Trung tướng này qua bửa ăn mà ông đã mời chúng tôi đến dự tại câu lạc bộ sĩ quan của trường. Đó là do thông lệ ông đặt ra để ưu đãi cho tất cả các học viên ngoại quốc dành cho tất cả cấp bậc đều được đến dự bửa ăn trưa thân mật và cách 2 tháng tổ chức 1 lần.
Sau lời nói đầu xã giao, giới thiệu và khuyến khích học tập, giữ gìn kỹ thuật nhà trường. Trước khi ăn, ông cho từng toán chúng tôi đến gần để chụp ảnh lưu niệm. Thân người ông mập mạp, độ 60 tuổi có nụ cười hiền lành nhưng kỷ luật rất là nghiêm khắc. Tôi xin kể một đoạn ngắn về kỹ luật nghiêm khắc của ông:
Hai tháng sau lại có 1 bữa ăn tiếp theo. Hôm đó trong toán tôi có 1 anh không chịu đi dự vì chê đồ ăn ông tướng đãi không ngon bằng ở trường. Chẳng có gì lạ xảy ra, cho đến ngày chúng tôi về nước vừa bước xuống máy bay đã có xe quân cảnh đón rước anh chàng đó về trại giam 4 ngày về tội bất tuân thượng lệnh.
Kỹ luật nghiêm trong quân đội nhưng khi đối xử với cấp dưới ông vẫn giữ tư cách hòa đồng. Có vài bữa trưa, trong nhà ăn binh sĩ, sau giờ học chúng tôi đang xếp hàng chờ lãnh thức ăn bỗng trông thấy ông cũng đứng xếp cùng hàng với chúng tôi và cùng ăn một món như nhau. Đó là những ngày ông kiểm tra nhà bếp.
Có một ngày chủ nhật nọ, chúng tôi thả bộ lòng vòng trong căn cứ. Chúng tôi đi lạc vào cư xá sĩ quan. Lúc đó mới 10 giờ sáng nhưng trời nắng gắt, chúng tôi ngồi nghỉ trước hiên một ngôi nhà, bất ngờ thấy ông mở cửa bước ra, chúng tôi hoảng hốt đứng dậy chào. Ông mặc thường phục mĩm cười nói chuyện với chúng tôi rất là vui vẻ, mời vào nhà bà vợ lại càng niềm nở hơn, dọn bánh ngọt, nước uống, hỏi thăm từng người về gia cảnh, học hành. Sau đó rủ chúng tôi cùng tỉ thí bóng bàn với ông.
Ông đối đãi với chúng tôi như một vị cha già tiếp đàn con ở xa đến thăm chứ không phải cách biệt của một vị tướng lãnh đối với các binh nhì.
Cho đến bây giờ mỗi lần lật cuốn album cũ, những kỷ niệm ngày xưa lại hiện về dù đã gần 50 năm rồi. Trường học của tôi chắc đã thay đổi nhiều. Ông tướng của tôi hôm nay chắc đã "trở về cát bụi" động từ này cô em họ tôi thường dùng để chỉ người đã qua đời.
Một nỗi buồn thoáng nhẹ vào tim tôi. Một mong ước một hy vọng ngày nào đó tôi có dịp sang Mỹ sẽ đến lại vùng biển thơ mộng Hawaii, ngồi trên chiếc ghế dài dưới gốc dừa để nghe sóng biển như tiếng nói em gái nhỏ thì thầm bên tai. Đáp chuyến xe lửa để nhớ lại anh bạn thân yêu, đến thăm lại ngôi trường và nhất là đến tưởng niệm trước ngôi mộ ông bà tướng lãnh của tôi.
Phan Ngọc Quỳnh

Phan Ngọc Quỳnh
1041 Olomea St
Honolulu, HI 96817

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,732,175
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến