Hôm nay,  

Những Chuyến Đi Xa Của Mẹ

16/02/200300:00:00(Xem: 124381)
Người viết: Tâm Hoa
Bài tham dự số 3124-731-vb70215

Tác giả Tâm Hoa lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ, kể chuyện về một bà mẹ Việt Nam lưu vong, thường phải bay nơi này nơi kia thăm con cháu rải rác khắp nơi. Sơ lược về tác giả: 53 tuổi, cư trú tại Santa Ana, công việc: System Engineer.
*
Đi chơi xa một mình

Tiếng Anh không biết lại hay đi
Không hiểu người ta nói cái gì"
Máy bay ba ghế mình ngồi giữa
Tả hữu hai ông hỏi chuyện chi"
Ngồi lâu muốn hỏi thì ra hiệu
Đầu lắc tay khua miệng cười khì
Đi chơi kiểu ấy buồn năm phút
Độâc mã đơn thương vẫn khoẻ phi.
Vũ Vương

Vô tình đọc được bài thơ trên của Thi sĩ Vũ Vương, đã mất cách đây 6 năm (nếu còn sống năm nay cũng 94), do Cổ Lai Hy đăng trên diễn đàn Văn Học Nghệ Thuật của Việt Báo Online, tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi, người cũng đã từng ngồi trên những chuyến bay cô đơn như thế, để đi thăm các con trong những tháng ngày ở trên đất Mỹ. Tôi bỗng thấy cần ghi lại thật nhanh những dòng cảm nghĩ về những chuyến đi xa của người mẹ Việt Nam. Vì nếu không, những cảm nghĩ nầy lại trôi đi mất hút theo những bận rộn của cuộc sống.
Mẹ tôi sinh quán ở một làng ngoại ô Hà Nội. Tôi chưa một lần về thăm nơi đó, để được thấy tận mắt những hình ảnh trong trí tưởng tượng của mình qua các câu chuyện mà mẹ tôi đã kể lại cho chúng tôi nghe. Thuở còn học Trung Học, khi đang say mê với những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, hình ảnh thời con gái của mẹ tôi là hình ảnh một Cô Mùi của Nhất Linh. Mẹ tôi mồ côi cha mẹ sớm, phải bỏ học để ra đời tần tảo buôn bán, nuôi cậu em trai ăn học thành tài, rồi cưới vợ cho cậu. Sau đó, mẹ mới bắt đầu nghĩ đến việc thành gia thất của chính mình. Mặc dù tôi nghe kể, ba tôi đã để ý ngắm nghé mẹ tôi từ lâu...
Mẹ tôi đã sống qua biết bao nhiêu biến chuyển của vận nước Việt Nam. Mẹ đã có không biết bao nhiêu là chuyến đi xa trong đời.
Ngay từ những năm 1930, khi phong trào khai phá đồn điền cao su đang phát triển mạnh, Ba tôi đã vào Nam lập nghiệp. Mẹ tôi ở lại miền Bắc một vài năm, rồi cũng đem anh cả tôi vào Saigon theo ba tôi. Mẹ đã từng hớt ha hớt hải tha lũ con nhỏ về vùng quê miền Nam chạy loạn thời Tây. Mẹ đã từng hạnh phúc ngồi trên một trong những chiếc xe "ô tô" đầu tiên của gia đình, trong những ngày thái bình trở lại. Và Mẹ tôi cũng đã từng nuốt nước mắt trong những tháng ngày ba tôi làm ăn thất bại. Lúc đó, Ba tôi trở nên ít nói, quay về vui với cây cảnh, để mặc mẹ tôi xoay xở với gian hàng tạp hóa ở một con phố nhỏ vùng Tân Định, nuôi một gia đình chín miệng ăn.
Cuộc sống càng ngày càng khó khăn dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, gian hàng tạp hóa càng ngày càng ế ẩm, rồi phải dẹp tiệm. Ba mẹ tôi thu gọn nhà cửa để mẹ tiếp tục mưu sinh bằng một gian hàng trong khu chợ Bến Thành.
Khi 2 trong bảy đứa con của ba mẹ tôi bắt đầu có sự nghiệp và gia đình, thì ba tôi mất! Mẹ tôi tiếp tục nuôi cho thành tài những đứa con còn lại. Sau khi đứa con út của mẹ lập gia đình được vài tháng thì xảy ra biến cố 30 tháng tư. Biến cố 30 tháng 4 1975 đã đưa gia đình người con gái lớn của mẹ lưu lạc qua Mỹ, 2 đứa con trai và 1 đứa con rể của mẹ vào tù cải tạo. Rồi một ngày, vào năm 76 thì phải, gian hàng ngoài chợ của mẹ cũng bị Cộng Sản tịch thu làm "tài sản nhân dân", trong một đợt đánh tiểu thương. Thế là mẹ thôi không còn buôn bán nữa, ở nhà cùng với đám con cháu còn lại.
Những đứa con của mẹ lần lượt đi học tập về, rồi lại lần lượt từ giã mẹ ra đi, đứa thì Canada, đứa thì Anh Quốc, đứa vào đất Mỹ. Mẹ ngậm ngùi tiễn đưa, bao đêm lo lắng, âm thầm thương nhớ, rồi mừng vui, chảy nước mắt khi được tin con cháu gởi về từ những nơi xa xôi ấy.

Mẹ và gia đình tôi là những người cuối cùng, trong đại gia đình, còn ở lại Việt Nam. Sau nhiều lần vượt biên thất bại, vợ chồng tôi nộp đơn đi chính thức. Mẹ tôi lúc đó cũng đã được chị tôi bảo lãnh. Để được đi cùng với mẹ, năm ấy đã 79 tuổi, chúng tôi xin nhập chung hai hồ sơ, và dọn về ở với mẹ. Tôi nhớ mãi khoảng thời gian ấy. Mẹ tôi tuy tuổi đã cao, vẫn rất thích đi đây đi đó. Thường thường, mẹ tôi dậy sớm, nấu vài món ăn trưa để sẵn, đậy lồng bàn cẩn thận, viết một vài dòng nhắn chúng tôi "các con cứ ăn trước". Rồi mẹ hoặc lên xe bus, hoặc đón xe lambretta, đi chơi. Hôm thì viếng chùa nầy, hôm thì đi chợ nọ. Lần nào mẹ về, thằng con của chúng tôi cũng được bà ngoại mua cho một bánh chocolat, hay một khoanh giò lụa. Rồi thì cũng tới cái ngày mẹ phải bỏ tất cả nhà cửa, tài sản ba mẹ đã chắt chiu gầy dựng bao năm, để ra đi sum họp với con cái. Lúc đó vào khoảng đầu năm 1985. Nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể cùng đi với mẹ đến Thái Lan, vì mẹ được đi trực tiếp sang Mỹ, còn chúng tôi phải qua Phi Luật Tân một thời gian trước khi định cư. Thế là mẹ có chuyến đi xa cô đơn đầu tiên!


Qua Mỹ, con cháu không ở cùng một nơi, nên ở với con nầy, mẹ lại nhớ con kia. Đứa con nào cũng trên dưới 50, có con cái cả rồi, vậy mà mẹ vẫn cứ lo. Hơn nữa chân mẹ vốn là "chân đi", ở hoài một nơi dường như mẹ không chịu được. Thế nên chúng tôi luân phiên đón mẹ về chơi dăm ba tháng hay vài tuần. Ở cái tuổi trên 80, mẹ đã hiên ngang ngồi một mình trên những chuyến bay từ Mỹ qua Anh, từ Mỹ qua Canada, từ Virginia xuống California... Như bao nhiêu bà cụ Việt Nam, mẹ tôi biết đôi câu tiếng Pháp, nhưng tiếng Anh thì mẹ chỉ biết lõm bõm. Vì vậy, trước khi đi, anh rể tôi cẩn thận viết cho mẹ một danh sách, Anh-Việt đối chiếu, những câu nói cần thiết để mẹ đưa cho mấy cô tiếp viên. Chẳng hạn, tôi muốn uống nước cam, tôi cần một cái mền, tôi cần một cái gối, tôi nhức đầu, xin cho tôi viên thuốc v.v... Ở xứ Mỹ nầy, người lớn tuổi và trẻ con đi máy bay một mình được đeo cho một huy hiệu trên ngực áo, và được vào máy bay trước. Thường chúng tôi chỉ được phép đưa mẹ đến cổng và có người dắt mẹ vào ghế. Khi đón mẹ cũng vậy. Sau nầy mẹ yếu, chỉ đi chơi xa được khi có con cháu cùng đi.
Một lần mẹ tôi về chơi Cali, tôi dẫn mẹ ra thăm mộ anh họ tôi, vốn là một người cháu rất thân thiết của ba mẹ tôi, tại khu Westminster Memorial Park. Nhìn những tên tuổi Việt Nam khắc trên các tấm bia, rồi nhìn cảnh thăm nom nhộn nhịp thân thương quanh đó, mẹ tỏ ý ước muốn khi mất đi cũng được chôn cất tại đây. Tôi nghe chị tôi kể lại, khi về lại Virginia, mẹ tôi cũng đi thăm vài khu nghĩa trang bên đó, và có vẻ buồn buồn khi nghĩ rằng sau nầy sẽ phải nằm bên cạnh mấy ông bà Mỹ ngôn ngữ bất đồng với mẹ.
Nắng ấm ở Cali càng làm mẹ tôi tăng thêm ước muốn chọn Cali để sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Thế là khoảng giữa năm 1999, một tháng sau khi mẹ được nhận vào quốc tịch Mỹ ở cái tuổi 94, vợ chồng tôi sang Virginia đón mẹ về California. Lúc ấy, mẹ đã yếu lắm rồi, cả ngày chỉ nằm trong phòng, ăn uống không còn biết ngon như xưa nữa, tuy đôi lúc nói năng vẫn còn minh mẫn lắm. Mẹ tôi có vẻ háo hức, mặc dù đã qua lại Cali không biết bao nhiêu lần. Những lúc tỉnh táo, mẹ cứ hỏi thăm tôi về chuyến đi nầy. Lần ấy, mẹ phải ngồi trên chiếc xe lăn, để chúng tôi đẩy đi, để mặc cho chúng tôi thu xếp mọi việc. Trên máy bay, tôi ngồi bên mẹ, thấy mẹ mỉm cười luôn. Khi cô tiếp viên đưa đĩa thức ăn cho mẹ, tôi thấy mẹ cám ơn và ăn gần hết, có vẻ ngon miệng. Điều nầy làm tôi vui và ngạc nhiên vô cùng, vì gần như cả tuần nay mẹ không ăn được gì cả, cái gì mẹ cũng chê tanh, nuốt không được. Tôi đã vẽ trong đầu biết bao nhiêu chuyện tôi sắp làm cho mẹ, để mẹ vui trong những ngày còn lại. Trong đó, có cả việc ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa và ghi chép. Mẹ tôi hay đọc thơ và rất thích kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa của bà. Tôi còn dự trù sẽ để sẵn cái máy recorder kế bên, để có quên, còn nghe lại.
Nhưng niềm vui của chúng tôi quá mong manh. Tôi đã không có cơ hội để thực hiện những dự tính của mình. Mẹ tôi không đón được năm 2000, như lời chúc của một đứa cháu. Chuyến bay ấy là chuyến đi máy bay cuối cùng của mẹ. Mẹ như ngọn đèn yếu ớt chỉ chờ ngày để tắt. Vợ chồng người chị lớn của tôi cũng cùng xuống Cali để lo chuyển giấy tờ an sinh xã hội cho mẹ.
Khi giấy tờ xong xuôi, chúng tôi đi mua đất cho mẹ, gần cạnh người cháu như mẹ đã mong muốn. Trong thời gian nầy, mẹ tôi chỉ nằm trên giường, tim đập rất yếu, nhưng rất tỉnh táo, và tỏ ý rất vui khi biết chúng tôi đã hoàn tất ước nguyện của mẹ. Lo xong mọi việc, anh chị tôi trở về Virginia. Như có một sự sắp đặt huyền bí nào đó, 2 ngày sau, mẹ tôi bỗng ngã bịnh nặng...

Sau đó là một khoảng thời gian mà không bao giờ tôi quên được. Mẹ tôi lúc tỉnh lúc mê. Lúc tỉnh, mẹ nhận ra tôi, và luôn miệng hỏi:
--Con đã chuẩn bị xong chưa" Lo hết mọi việc chưa" Chừng nào thì đi"
Tôi đoán mẹ đang nghĩ đến một chuyến đi, nhưng chưa hiểu mẹ nói đến chuyến đi nào. Hoặc là mẹ tôi đã không còn minh mẫn nữa, vẫn còn nghĩ đến chuyến đi từ Virginia về Cali. Tuy vậy để trấn an mẹ, tôi cũng đáp:
--Con lo xong hết rồi, mẹ yên tâm nghỉ cho khỏe đi!
Và như thế, mẹ tôi đã ra đi, chuyến đi xa cuối cùng của cuộc đời bà. Hầu hết những đứa con, dâu rể, cháu chắt của mẹ đã có mặt để đưa tiễn mẹ trong chuyến đi nầy, chuyến đi xa mà bà hoàn toàn thảnh thơi, không cần phải đem theo cái danh sách Anh-Việt đối chiếu để nói chuyện. Tôi mơ thấy mẹ tôi rất vui.

Bạn có thể mỉm cười
khi biết tôi đã khóc
Khi viết những dòng nầy ...
Bạn có thể không hiểu vì sao bây giờ tôi ngừng khóc,
Khi nhìn ảnh mẹ trên kia ..
Mẹ đã ra đi nơi nào mẹ đến ...

Và Chân Như đã dắt tôi về...

Tâm Hoa
tháng 2, 2003

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,285,725
Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Đây là bài viết đầu tiên tham dự VVNM. Mong tác giả tiếp tục gửi bài
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Mùa hè, 16 tháng 9, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là hồi kết bài viết mới nhất của ông về những mùa hè khó quên.
Mùa hè, 19 tháng 6, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết mới nhân mùa bóng đá.
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ hai của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng, sinh năm 1975, qua Mỹ định cư năm 1992. Từ năm 2000-2005 hành nghề dược sĩ (Consultant Pharmacist), sau đó trở lại học và tốt nghiệp Y Khoa. Nghề nghiệp hiện tại là Physician tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.
Nhạc sĩ Cung Tiến