Hôm nay,  

Chân Dung Ba Tôi

10/06/200100:00:00(Xem: 186604)
Bài tham dự số: 02-266-vb0608

Bà Xuân Nguyễn, cư trú tại Long Beach, Nam California đã góp cho giải thưởng Việt Báo nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Mùa Lễ Tạ Ơn, bà có bài “Cám Ơn, không phải dễ”; Mùa Lễ Mẹ, bà có bài “Mẹ là Cái Vai”; Bài viết nào cũng chân tình, sâu sắc. Sau đây là bài viết mới của bà dành cho Father’s Day sắp tới.



Ngày Hiền Mẫu vừa qua, tôi đến thăm cô tôi tại thành phố biển và ở chơi với cô một ngày. Trước khi ra về, cô giao cho tôi một cái hộp đựng thư từ và hình ảnh của ba tôi, anh Hai của cô, rồi dặn tôi cất giữ kỹ.
Cô kể cho tôi nghe những kỷ niệm thời ấu thơ khi hai anh em cô chung sống với nhau dưới một mái nhà ở Thành Nội Huế. Đó là những kỷ niệm lúc tôi chưa chào đời hoặc còn quá nhỏ.
Ba tôi mất cách đây sáu năm tại quê nhà, thọ được 82 tuổi. Ông là con cả của một vị quan triều Nguyễn, sinh ra và lớn lên ở Huế. Lúc nhỏ ông rất khôi ngô nên ngoài cái tên trong giấy khai sinh, ở nhà còn gọi ông là Bô (Beau). Theo tiếng Pháp, Beau có nghĩa là đẹp. Ông bà nội tôi rất mừng khi con đầu lòng là con trai mà lại khôi ngô nên ông bà rất cưng chiều ba tôi.
Gia đình ông bà nội tôi khá giả, lắm người giúp việc. Ông tôi mướn một thanh niên kéo xe chở ông đi làm và đưa đón ba tôi đi học. Đậu xong bằng Thành Chung ở Huế, ông bà gửi ba tôi ra Hà Nội để học lấy bằng Tú Tài nhưng ba tôi thi không đỗ. Nhà đông anh em nên ông phải ngưng học. Nhưng với vốn kiến thức Tây Học vào thời đó, ông cũng có một việc làm không lấy gì làm cao nhưng là niềm mơ ước của nhiều thanh niên đương thời:

Sao bằng đi học làm thông phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.

Ba tôi được bổ nhiệm ngạch thông phán làm cho chính phủ Pháp trong ngành Ngân Khố. Ông sống cần kiệm, không chút gì phè phởn vì ông luôn luôn ý thức vai trò "Người Anh Cả" trong gia đình. Tiền lương không chỉ lo cho bản thân mà ông còn phụ giúp ông bà nội và lo cho các cô chú ăn học.
Cô tôi kể, ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn minh Tây Phương, biết khiêu vũ và hiểu thế nào là tự do luyến ái nhưng ông là một đứa con chí hiếu nên việc hôn nhân, ông để cho ông bà nội tôi định đoạt.
Tiêu chuẩn chọn vợ cho con của ông bà nội là môn đăng hộ đối, trai tài gái sắc. Mẹ tôi hiền lành, xinh đẹp, đảm đang cũng con nhà thế gia vọng tộc nhưng vào thời đó đàn bà không được học nhiều. Ba tôi cũng hào hoa phong nhã lắm nhưng mẹ tôi hết sức tin tưởng và hình như bà không biết ghen. Hai người chỉ biết nhau trong ngày cưới hỏi nhưng cũng ý hợp tâm đầu nên sống chung với nhau có bảy mặt con.
Dạo đó ba tôi đi làm bằng xe đạp Peugeot, trên ghi-đông có gắn một cái chuông, chiều về mới đến đầu ngõ là ông đã bóp chuông inh ỏi. Nghe tiếng chuông, chị em chúng tôi ùa chạy ra reo mừng, mắt nhìn nơi ghi-đông hay đằng sau ba-ga xem ba có mua quà bánh gì không. Gần như lần nào cũng có, lúc thì miếng thịt luộc nóng hổi thơm phức, lúc thì cái bánh ngọt lớn.
Dựng chiếc xe đạp xong, chúng tôi dành mang thức ăn vào nhà. Đứa nào cũng nuốc nước bọt, còn cặp mắt thì dõi theo bàn tay của mẹ để xem miếng thịt nào lớn sẽ được gắp trước, phần bánh nào to sẽ "xí" trước.
Vừa cởi giày, vừa nở một nụ cười hiền hòa ông nói:
- Lần sau ba sẽ mua một cái cân để mẹ chia đều, tụi con khỏi lựa.
Mẹ tôi rất căn cơ, ngày ba bữa thường là "vỗ bụng rau bình bịch" nên chúng tôi trông ba về hơn là "trông mẹ về chợ".
Cuối tháng chúng tôi đứa nào cũng đem phiếu điểm ra khoe với ba để chờ lãnh thưởng. Tiền thưởng lúc nào tôi cũng cất kỹ, không dám ăn quà vặt.
Ngày Tết ba đưa cho mẹ một số tiền gọi là ráp-pen để mẹ may quần áo mới cho chúng tôi. Mỗi năm đến Tết Nguyên Đán, mấy chị em xếp hàng chúc Tết ba mẹ và chờ những bao lì xì bên trong có những tờ bạc mới thơm mùi in mới. Những ngày Tết, ông mở sòng bài gia đình do ông làm cái. Sau có vài giờ, đứa nào cũng cháy túi, mặt mày bí xị. Ông hỏi từng đứa thua bao nhiêu, ông trả lại. Chúng tôi đứa nào cũng hớn hở.

Nhưng những năm tháng hạnh phúc của gia đình thật ngắn ngủi. Mẹ tôi đã bỏ bảy chị em chúng tôi mà đi lúc bà mới 40 tuổi. Sự ra đi của mẹ đã để lại một chổ trống vắng trong lòng mấy cha con. Tối tối mấy cha con thắp hương cho mẹ. Lúc nào ba tôi cũng hứa sẽ thương tụi tôi gấp đôi để bù lại sự mất mác của những đứa con thiếu mẹ. Đã có lần ông thề thốt trước vong linh người quá cố là ông không lấy vợ. Nhưng tôi biết ba tôi khó mà ở vậy vì ông còn rất trẻ, lại đẹp trai và đang làm chủ một kho bạc.
Không có mẹ việc nhà quá bề bộn. Ông giao cho tôi một số việc nội trợ của mẹ nhưng vì còn nhỏ lại bận học nên tôi không sao quán xuyến hết được.
Thấy cảnh gà trống nuôi con kéo dài hơn cả năm và đã mãn tang mẹ tôi nên bạn bè thường đến rủ ông đi chơi. Có người khuyên ông nên bước thêm bước nữa. Nhiều bà biết ông đông con nhưng làm các việc "Tiền bạc trong kho chửa lãnh tiêu", có bổng lộc nên vẫn nhào vô không chút ngần ngại.
Tôi không biết ba tôi có biết câu ngạn ngữ Tây Phương "Người đàn ông có hai lần sung sướng là một lần lấy vợ và một lần vợ chết" hay không!
Thế rồi một buổi chiều cơm nước xong, mấy cha con quây quần với nhau ở phòng khách. Với một tinh thần cởi mở, dân chủ, ông đã nói lên ý định của mình: "Tụi con quá nhỏ lại bận học, ba cũng bận việc sở, không ai lo việc nhà. Nhà mình cần một người đàn bà thay mẹ mà chăm sóc cho tụi con. Ba chỉ muốn tụi con đồng ý trên nguyên tắc. Còn người đó là ai thì để ba lựa chọn".
Ba vừa dứt lời thì chị em chúng tôi đứa nào cũng buồn và lặng thinh. Đêm đã khuya, chờ cho ba và các em lên lầu, tôi đến bên bàn thờ mẹ khóc thút thít rồi thắp hương cầu nguyện mẹ phù hộ cho gia đình được hạnh phúc.
Mấy tháng sau, ba tôi dẫn về một bà môi son, má phấn, nét mặt dữ dằn khác hẵn với mẹ tôi rồi bắt chúng tôi gọi bằng Mợ. Mấy chị em vừa ngỡ ngàng, vừa không có cảm tình nên không gọi được. Kể từ ngày có người lạ trong nhà, cha con ít khi gặp nhau. Bà ta không là một gạch nối trong gia đình mà là một vĩ tuyến chia cắt ba và mấy chị em chúng tôi. Mấy chị em thu mình trong một căn phòng. Căn nhà chính phủ cho ở bình thường đã rộng nay lại càng rộng và vắng vẻ thêm. Không còn nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ. Ba tôi không có một chút quyền gì trong gia đình ngay cả quyền thương yêu con cái. Cuộc sống buồn tẻ, căng thẳng kéo dài cho đến tháng 4 năm 75.

Ba tôi mất chức chủ kho bạc, nhà cửa bị tịch thâu, tiền bạc trong trương mục ngân hàng bị sung công. Chỉ một sớm một chiều mà ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Bà kế mẫu sẵn có những "giây phút chạnh lòng":

Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta, có thế thôi.

Ba tôi hận tình đời đen bạc nhưng mấy chị em rất vui mừng vì được "giải phóng". Tối tối, mấy cha con lại quây quần ở phòng khách của căn nhà nhỏ vừa mới mướn mặc dầu gia đình hết sức túng quẫn.
... Nhưng rồi Trời cũng không cho ai tất cả và lấy của ai tất cả. Một tia sáng ở cuối đường hầm loé lên: chú tôi ở Pháp gửi giấy về bảo lãnh cho ba và em út của tôi. Ngày trước ông làm việc cho Pháp nên được cấp nhập cảnh nhanh chóng.
Ngày tiễn ba và em lên phi trường để "đi Tây" đã đến. Cả nhà đều vui vì có ba và em ở nước ngoài, nghĩ đến cuộc sống vật chất sẽ bớt khổ mà quên đi lần chia tay nầy có thể là vĩnh viễn.
Lời nói tràn đầy xúc động của ba lúc bước chân lên chiếc máy bay Air France là: “Đến nơi ba sẽ gửi quà về ngay.”
Khi chiếc máy bay vút lên không trung, sáu chị em ra về lòng buồn rười rượi. Từ nay bữa cơm gia đình sẽ vắng đi nụ cười hiền hòa thân thương của ba pha lẫn tiếng cười nói líu lo của em tôi.
Quả thật chỉ mấy tuần sau, chị em chúng tôi nhận một thùng quà với lời thư thật cảm động: "Những bộ quần áo cũ, đồ dùng, thức ăn bơ sữa họ phát cho ba, ba không ăn, không dùng gom tất cả gửi về cho các con. Ba biết ở quê nhà rất là thiếu thốn."
Tấm lòng thương con của cha mẹ không sao mà diễn tả cho hết được! Gói quà khiêm tốn được chúng tôi giữ lại một ít, bán đi một phần vẫn bằng mấy phần lương công nhân viên của chị em chúng tôi. Về sau, ba tôi lãnh được hưu, sau khi trang trải chi phí ăn ở, còn một số tiền quan ông nhờ Vina Paris gửi thuốc Tây về.
Thời gian sau mấy mẹ con tôi sang Mỹ, ba tôi từ Pháp sang thăm tôi và các cháu mặc dầu sức khoẻ yếu, di chuyển khó khăn ông vẫn đi.
Vừa đến Los, nhìn thấy tôi và các cháu ông bật khóc rồi nghẹn ngào cha con không nói nên lời. Mẹ con tôi được một tháng hạnh phúc bên cạnh ông. Sau đó ông còn sắp xếp thời gian đi thăm mấy đứa em tôi ở những tiểu bang khác nữa.
Thấy hoàn cảnh đau buồn của tôi ở Mỹ, ông trở về Pháp mà lòng không yên. Hiểu ý ông, tôi trấn an:
- Xin ba yên tâm, đừng lo nghĩ gì. Con sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn.
Về Pháp được vài năm, sức khoẻ một ngày một suy giảm, ông không thể nào chịu nỗi sự cô độc của tuổi già ly hương, nên ông đã quyết định về lại Sài gòn để sống những tháng ngày cuối đời với đứa em còn kẹt lại bằng tiền hưu của chính phủ Pháp chuyển về. Chúng tôi chỉ còn biết thư từ và điện thoại thăm hỏi ông.
Đến đầu năm 1995, em tôi điện thoại sang cho hay là ba yếu lắm sợ không qua khỏi Tết Nguyên Đán. Nó bảo chị em chúng tôi hãy cố gắng thu xếp về để gặp ba lần cuối. Nhưng đứa nào cũng bận bịu gia đình con cái, kinh tế, học hành chần chờ không về, chỉ gửi tiền về lo thuốc men.
Rồi một ngày đầu tháng Hai, chúng tôi nhận được tin là ông đã ra đi. Chị em chúng tôi không biết làm gì hơn là gửi tiền về lo ma chay và làm lễ phát tang cho ông ở Mỹ.
Sau đám tang ở Việt Nam, em tôi gọi điện thoại và gửi video sang kể lại những phút cuối lâm chung ba tôi vẫn còn sáng suốt gọi tên từng đứa con mà vì hoàn cảnh gia đình đã không có mặt. Chị em chúng tôi hết sức ân hận nhưng biết làm sao đây.

... Đến chiều, tôi từ giã cô. Cô đưa cho tôi một mẫu báo trong đó có một bài thơ song ngữ. Bài đăng trên một nhật báo khá lâu kể chuyện một đứa con ở Mỹ vì quá bận việc chưa sắp xếp được thời gian về thăm cha lúc ông cụ sắp lìa đời. Khi đứa con đến nơi thì cụ đã mất, trên ngực cụ còn giữ bài thơ:

Say It Now
(Hãy Nói Bây Giờ)

If you are ever going to love me
Love me now, while I can know
The sweet and tender feeling
Which from true affection flow
Love me now
While I am living
Do no wait until I'm gone
And then have it chiseled in marble
Sweet words on ice-cold stone
If you have tender thoughts of me,
Please tell me now
If you wait until I am sleeping
Never to awaken
There will be death between us
And I won't hear you then
So, if you love me, even a little bit
Let me know it while I am living
So I can treasure it.
- Unknown

Nếu người có bao giờ yêu ta
Hãy yêu ta vào lúc nầy, lúc ta còn biết được
Những tình cảm dịu dàng đằm thắm
Chảy tuôn từ những tình thương chân thật
Hãy yêu ta bây giờ
Khi ta đang còn sống
Đừng đợi đến lúc ta ra đi
Rồi mới khắc những lời âu yếm lên bia đá
Những lời ngọt ngào lên đá lạnh băng
Nếu người có những ý nghĩ trìu mến về ta
Hãy nói cho ta ngay bây giờ
Nếu đợi đến khi ta yên ngủ
Không bao giờ thức dậy
Lúc đó sẽ có cái chết len vào giữa chúng ta
Ta sẽ không còn nghe được tiếng của người
Cho nên, nếu người có yêu ta, cho dù một chút thôi
Hãy cho ta biết trong lúc ta còn sống
Để ta trân quí những tình cảm ấy.
- Khuyết danh

Ba tôi đã không biết bài thơ nầy nhưng mỗi lần đọc xong tôi thật hối hận. Ba tôi đã mong gặp lại những đứa con của ông biết bao nhiêu vậy mà ông đã ra đi không được toại nguyện. Hoàn cảnh của tôi chẳng khác gì hoàn cảnh đứa con của ông cụ. Tôi tự trách mình thật có lỗi với ông. Ngày mấy mẹ con tôi mới sang Mỹ, ba tôi tuổi già sức yếu. Sức khỏe của ông không cho phép ông có một cuộc hành trình dài dù bằng máy bay, thế mà ông vẫn lặn lội sang Mỹ thăm từng đứa con, đứa cháu. Vậy mà trước phút lâm chung, con cái đứa nào cũng khỏe mạnh thì không đứa nào quay về đứng cạnh giường để nhìn lại ba và nghe ông nói những lời trăn trối dặn dò.

Ba kính yêu, càng viết con càng ân hận vì con đã không tận tình với ba ngay cả lúc ba còn sống. Những năm tháng ở cạnh ba, con chưa nói với ba một lời yêu thương trìu mến nào, chứng tỏ một sự biết ơn nào. Khi con còn nhỏ, ba đã nuôi nấng dạy dỗ con, cho con ăn học đến nơi đến chốn. Khi lớn lên con đã bỏ ba mà đi học xa rồi đi lấy chồng. Con chỉ quay về khi nào con cần đến sự giúp đỡ của ba. Còn ba thì lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ cho con và muốn cho con hạnh phúc.
Ba kính yêu, con thật là bất hiếu. Bây giờ con có về thì ba cũng đã nằm dưới lòng đất lạnh. Hôm nay chẳng phải là ngày giỗ của ba, cũng chưa đến mùa Vu Lan báo hiếu mà là ngày Hiền Phụ ở Mỹ để vinh danh những người cha. Con xin thắp một nén hương trên bàn thờ để tưởng nhớ đến ba và xin ba hãy tha thứ những lỗi lầm của con như ba đã từng tha thứ cho con.

Mọi sự lựa chọn đều có mất mát và những gì mất đi không bao giờ tìm lại được con mới biết trân quí nó. Kính xin ba hiểu cho con và nở một nụ cười bao dung nơi chín suối.

Xuân Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,331,552
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.