Hôm nay,  

Chuyện Mùa Valentine: Hoàng Thu

10/02/200300:00:00(Xem: 301137)
Người viết: NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG
Bài tham dự số 3118-725-vb80209

Ba đi tù, mẹ lần lượt ném từng đứa con ra biển đông. Từng đứa, lần lượt định cư tại Mỹ. Sau nhiều năm làm đủ việc nặng nhọc để học rồi ra trường, tác giả hiện cư trú và làm việc tại San Jose. Trong giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2000-2001, Diệu Hương được trao tặng giải danh dự với bài viết "Chương Cuối Của Cuộc Đời." Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ 10 của cô. Một chuyện tình nhân mùa Valentine, với lời đề tặng "Viết cho HTNP và bạn bè từ thời thơ dại."

Thời gian tưởng như ngừng lại với bạn. Vì gần hai mươi năm sau ngày rời trung học, bạn chúng tôi vẫn vậy. Vẫn mái tóc dài phủ kín lưng đen huyền, óng mượt. Vẫn nụ cười, lúm đồng tiền rất sâu trên hai gò má nâu hồng tự nhiên, như hai cái giếng cạn giữa những vùng đất trơ trọi, cằn khô của miền Trung Việt, nơi chúng tôi đã có một thiếu thời đầy lo toan của người lớn, cùng vận nước nổi trôi.
Tháng sáu đầu mùa hè ở ven biển Huntington Beach của CA, không phải là tháng sáu trong bài hát của Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa "trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa". Lại càng không phải là tháng sáu nắng chói chang, đủ để bãi cát trắng phau của Nha Trang ngày xưa trở thành cát vàng vào giữa trưa. Nhưng Hoàng Thu đã mang theo được một góc quê nhà đến California. Chúng tôi ngồi trong nhà thủy tạ ngắm nhìn công trình của bạn, đầy đủ hình ảnh quê hương: sân sau nuôi sáu con gà (loại gà mà người Mỹ gốc Việt vẫn gọi là "gà đi bộ") ba con vịt, sân trước có vườn rau, ao cá, có hòn non bộ, có cây thủy trúc, có dây tóc tiên lá xanh thưa, hoa hồng nhạt. Chưa hết bên hông nhà có đủ tía tô, kinh giới, bạc hà, rau quế, rau thơm, ớt chỉ thiên, ổi xá lị, thay vì có cây cam, cây táo, cây hồng, cây chanh... như đa số sân nhà ở Mỹ.
Cái vườn có mùi rau thơm kích thích đủ mọi ý tưởng tùy theo tâm hồn, và cá tính của mỗi người. Cái vườn mang theo được rất nhiều hình ảnh quệ nhà được chúng tôi đặt tên là "camp Davis ở California" Mùa hè đầu thế kỷ 21, khi hội tụ được một số bạn bè thời trung học bên đời lưu lạc, từ Mỹ Châu, Âu Châu hay Úc Châu những luống rau xanh ngát đã nhận được đủ mọi lời khen ngợi và kích thích óc tưởng tượng của chúng tôi mãnh liệt.
Phía đàn ông, con trai đã ồn ào nhắc đến bánh xèo, bún thịt nướng, bún cá... có thể ăn kèm với rau cây nhà lá vườn của Hoàng Thu.
Phe đàn bà, con gái nhẹ nhàng, thơ mộng hơn (vả chăng còn phải giữ vững ý chí ăn kiêng để giữ vòng số hai thon thả như thời mới lớn) luôn hít hà hương vị đặc biệt của rau thơm, một hương vị tự nhiên ăn đứt Chanel của Pháp hay Estee Lauder của Mỹ. Trong một bài hát nào đó, một nhạc sĩ đã viết "nói ra sợ mất lòng em, hôm qua lên tỉnh một ngày, hương đồng gió nội bay đâu mất rồi!" Hoàng Thu rời quê nhà từ tuổi mười bốn, lưu lạc đến Bắc Mỹ mà vẫn giữ được đủ "hương đồng gió nội" của thời thơ ấu. Do đó, bạn xứng đáng để chúng tôi nghiêng mình cảm phục.
Đời sống đầy tốc độ của Mỹ không cho phép chúng tôi gặp nhau thường xuyên. Cho nên, mặc dù lâu lâu thấy đời đầy nổi bất an, muốn tìm về thời mới lớn, nhấc phone lên kể lể với bạn, và nghe bạn nói về những chìm, nổi của đời sống, chúng tôi có khái niệm trong đầu, mà không thể ngờ "cơ ngơi" của bạn lại nhiều màu sắc quê hương đến như vậy. Mai Trang đã mở tròn mắt ngưỡng mộ:
- Nếu tao biết mày có một "quê hương mang theo" như vậy, khi nào nhớ đến Việt Nam, chỉ cần bay về miền Nam Cali tìm đến nhà mày, vừa tiết kiệm thời gian tiền bạc vừa được thưởng thức những món ăn ngon của Little Saigon, thật là "nhất cử, lưỡng tiện".
Nhà của Hoàng Thu giống hệt hình ảnh những ngôi nhà trong bài chính tả thời tiểu học, một căn nhà ba gian, hai chái. Có điều ba gian ở đây là hai dãy nhà nhỏ nằm về một phía, ngăn cách bằng lối đo có giàn hoa giấy ở giữa, tất cả cùng nằm song song với dãy nhà lớn. Vùng đất ở giữa là hồ cá rất rộng, luôn có ít nhất là năm mươi con cá Koi cỡ lớn bơi lội trong hồ. Ở giữa hồ, chính tay anh Kha và cả Hoàng Thu đã tha về từng viên đá lượm ở nhiều bờ biển, từ Santa Cruz ở miền Bắc, Huntington Beach ở miền Nam CA đến bờ biển Mễ Tây Cơ của nước láng giềng, hay mua ở chợ trời, xây nên một hòn non bộ, nằm cạnh nhà thủy tạ rất thơ mộng, như cái "thuở ban đầu lưu luyến ấy" của hai người.
Dù là "người di tản buồn" hay là "thuyền nhân", thời gian ở quê hương thứ hai của chúng tôi đều dài hơn thời gian ở quê nhà, nên giữ đúng lối sống của Mỹ, chúng tôi chỉ trầm trồ, thán phục mà không đứa nào mở miệng hỏi về anh Kha, kiến trúc sư chính của "cây nhà lá vườn" trong sân nhà Hoàng Thu.
Vả chăng, lớp tâm lý học đã dạy chúng tôi đừng bao giờ hỏi về những điều riêng. Có những điều rất riêng, đến đúng thời điểm, tự nhiên sẽ được "chia xẻ nỗi niềm". Khi chưa phải lúc, người Mỹ vẫn gọi là "the right time" bạn chỉ được nghe một phần tư, một phần ba của sự thật. Mà theo một câu ngạn ngữ của người Nga "một nửa cái bánh mì vẫn là một nửa cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì đã là một sự giả dối" tạo điều kiện cho bạn nói dối, cũng là một cái tội, cho nên không đứa nào hé môi.
Hoàng Thu là một trong những đợt thuyền nhân đầu tiên trong "bầy chim bỏ xứ" bằng những chiếc ghe mong manh, như thân phận con người giữa biển cả. Bạn chúng tôi đã học tiếp trung học ở Mỹ, rất lẻ loi. Vì lúc đó, tiếng Anh của bạn chỉ tạm đủ để đánh vật với sách vở và trò chuyện xã giao với bạn học người bản xứ, chưa đủ để chia xẻ mọi nổi niềm như thời chúng tôi ngồi xếp bằng trên bãi cát, nhìn ra biển tưởng tượng đến trời tự do. Giống như những con chim ủ rũ trong lòng, ngước mắt nhìn trời xanh.
Lúc đó, Hoàng Thu ở với anh chị cả. Anh chị quá lớn, vả chăng quá bận rộn với sinh kế lo cho bầy con đang lớn, đâu có giờ cho cô em út nhỏ nhoi, tội nghiệp. Bạn tôi lặng lẽ đến trường, lặng lẽ về nhà, lặng lẽ học hành và lặng lẽkhóc một mình vì nhớ bố mẹ và nhớ chúng tôi. Trong tình trạng đó, anh Kha xuất hiện đúng lúc như một "vị cứu tinh" vì anh Kha có đủ thứ Hoàng Thu cần. Không phải là địa vị tiền bạc, mà anh Kha đã lo cho Hoàng Thu như một ông anh lớn: dạy lái xe, đi họp PTA (họp phụ huynh học sinh) hướng dẫn Hoàng Thu chọn trường đại học, chọn ngành nghề đúng khả năng. Anh cùng ngồi ở Starbucks Coffee hàng giờ mỗi cuối tuần nghe Hoàng Thu kể về những ưu tư trong những năm đầu đại học. Hoàng Thu chỉ coi anh Kha đơn thuần như một ông anh lớn một nhà tư vấn có kinh nghiệm giúp bạn hội nhập vào đời sống Mỹ. Chẳng gì, anh Kha cũng đến Mỹ từ năm 75, vài ngày trước trận "đại hồng thủy" tràn vào Nam Việt, cuốn trôi ước mơ và hy vọng của tất cả chúng tôi. Cho đến lần Hoàng Thu bị một người say rượu lái xe lao thẳng vào xe Hoàng Thu ở trên một expressway. Chiếc Honda Civic của bạn bẹp dúm. Trời thương, bạn vẫn sống sót, toàn vẹn mặc dù đã phải nằm nhà thương gần ba tháng. Anh chị Hoàng Thu chỉ vào thăm cô em út mỗi tuần một lần. Duy có mỗi anh Kha, mặc dù vẫn bươn chải với học hành và kiếm sống vẫn đều đặn vào bệnh viện thăm Hoàng Thu mỗi ngày, không bê trễ. Trái tim của bạn bắt đầu động nay từ đó.
Khi Hoàng Thu chuyển vào UCLA, bạn trở thành roommate của anh Kha. Cuộc sống của hai người gắn bó từ đó, luôn "như chim liền cánh, như cây liền cành" gia đình Hoàng Thu bất bình về điều này, nhưng không tỏ thái độ cụ thể, vì vẫn rất thương Hoàng Thu, vả chăng anh Kha rất đàng hoàng, lễ phép, có học.


Mùa hè năm 96 tôi về Việt Nam thăm nhà, ghé thăm mẹ Hoàng Thu. Bà cụ cầm tay tôi khẩn khoản:
- Qua lại bên ấy, cháu lựa lời khuyên em nó. Dù gì cũng phải có miếng trầu là đầu câu chuyện, có miếng cau đặt lên bàn thờ tổ tiên, như truyền thống Việt Nam.
Tôi bối rối, nhìn xuống mũi giày không dám nhìn vào mắt mẹ bạn. Thế hệ của bác cách xa thế hệ chúng tôi gần nữa thế kỷ. Và trời Đông cách trời Tây cả một đại dương. Tôi không biết phải giải thích thế nào để bác hiểu là Hoàng Thu vẫn rất khôn ngoan và là một mẫu mực thành công trong cộng đồng lưu vong ở Mỹ. Mực thước đạo đức của thế kỷ 19 ở Việt Nam không thể nào mang nguyên khuôn mẫu vào thế kỷ hai mươi mốt ở Mỹ. Vả chăng, những hệ lụy về tài sản, về những ràng buộc pháp lý trói buộc con người chặt hơn những "tam tòng, tứ đức" của một thời xưa cũ. Bài học từ "gia huấn ca" chúng tôi được học năm lớp sáu, năm học sau cùng trước ngày mọi thứ đều đảo lộn theo "vận nước nổi trôi" vẫn còn đó trong ký ức của lũ học trò con gái chúng tôi. Nhưng điều đó chỉ có giá trị khuôn mẫu. Đâu có ai dùng đồ cổ trong đời sống hàng ngày. Mong sao bác hiểu được điều đó, để không trách Hoàng Thu.
Căn nhà ở ven biển Huntington Beach "Camp Davis của chúng tôi" được mua bốn năm sau ngày Hoàng Thu xong đại học. Căn nhà lúc đầu cũ kỹ, hoang tàn được anh Kha và Hoàng Thu nâng niu, chăm sóc trở thành một tổ ấm cho hai người và cho cả chúng tôi trong những lần vacation mỗi năm.
Chúng tôi cũng dành cho anh Kha nhiều thiện cảm, vì mỗi lần chúng tôi lái xe xuôi Nam về thăm Hoàng Thu. Đến nơi, cả bọn tha hồ đi ăn, đi chơi với xe của Hoàng Thu trọn hai ngày cuối tuần. Lúc trở về, xe đã được thay nhớt như vừa đem đi "minor tune up" ở tiệm. Chúng tôi thầm mừng cho bạn đã có "người đi bên đời" hiền lành, đạo đức, có học, tháo vát và thật lòng thương bạn.
Bẵng đi một dạo, như những con chuột bạch đánh đu với vòng quay nhanh của đời sống, chúng tôi lâu lâu mới liên lạc với nhau, mặc dù vẫn còn quý nhau như thời thơ dại. Lâu lâu qua email hay qua điện thoại, chúng tôi chỉ nhắc về thầy cũ, bạn xưa những năm đầu Trung học ở quê nhà. Vả chăng càng sống lâu ở Mỹ, chúng tôi càng nghiêng về lối sống Mỹ nhiều hơn, thời gian chúng tôi nói và nghe tiếng Mỹ nhiều hơn thời gian dành cho tiếng Việt, nên dĩ nhiên đời sống riêng tư lại càng được tôn trọng. Những điều rất riêng chỉ được đề cặp đến khi người trong cuộc muốn mang ra chia xẻ. Chúng tôi cũng an tâm, vì như người Mỹ quan niệm "No news is good news".
Không ngờ, mùa hè năm nay về lại Los Angeles, chúng tôi ghé thăm bạn thì bạn đang tất bật lo cho gà, vịt, cá, chó...không có thì giờ nhìn chúng tôi từ đầu tới chân, từ trái qua mặt để tìm những đổi thay, như bạn vẫn thường làm những lần gặp gỡ trước. Căn nhà "hương đồng gió nội mang theo" hình như cũng xơ xác hơn. Cỏ đã mọc lan man, vô hàng lối. Và lũ chó, mèo cùng bầy gà vịt hình như cũng tiều tụy hơn trước. Chừng như căn nhà thiếu bàn tay đàn ông, nhất là một người đàn ông rất đỗi tháo vát như anh Kha. Không nén nổi tò mò, chúng tôi buột miệng:
- Anh Kha đâu Hoàng Thu" Tại sao lại phải đến tay Thu làm việc nặng như vậy"
Bạn cười, má lúm đồng tiền vẫn sâu, mặc dù cái cười đã đẹp hơn, không còn khoe đủ cả hàm răng trắng như trước:
- Đuổi đi rồi!
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, hiểu là "đại chiến" đã xảy ra, và chúng tôi nên im lặng để tránh "tên bay đạn lạc". Lần "nam du" đó chúng tôi không lang thang khắp Little Saigon như thường lệ, mà ở nhà giúp bạn lo "trùng tu Camp Davis".
Một tháng sau ngày anh Kha rời nhà, Phương Chi trở thành roommate của Hoàng Thu. Và có một thỏa thuận ngầm giữa hai người bạn thân thời trung học. Hoàng Thu lo việc bên ngoài: vườn tược, ao cá, vườn rau. Phương Chi nấu ăn, hút bụi, giặt đồ, rửa chén, chu toàn mọi việc bên trong. "Camp Davis ở CA" lại ngăn nắp, lại vén khéo, mặc dù rất rộng và không có bàn tay đàn ông. Và hai người bạn của chúng tôi đều sống bình an, hạnh phúc. Chúng tôi thầm phục sự cứng cỏi của Hoàng Thu, bạn lúc nào cũng rất bình an, nhìn mọi sự rất "sắc sắc không không" như giáo lý nhà Phật mặc dù bạn là một con chiên rất ngoan đạo, không bỏ sót một thánh lễ nào Chủ nhật.
Dù vậy, để "lấp đầy khoảng trống" cho Hoàng Thu, một trong số chúng tôi đã thử giới thiệu anh Nam cho bạn. Anh Nam ở tận trời Âu, bên Tây Đức đang bị thụt lùi từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ, vì phải gồng gánh Đông Đức vẫn còn đang cơ cực trong thời hậu cộng sản. Anh Nam cũng có một hoàn cảnh tương tự Hoàng Thu, ngỡ là hai người sẽ giúp nhau vững vàng hơn vì "đồng bệnh tương lân". Nào ngờ "tiếng sét ái tình" nổ lại ở tuổi "nửa chừng xuân". Cả hai người thay nhau làm giàu cho các công ty điện thoại đường dài. Email thì đầy dẫy mỗi ngày trên PC. Tháng sáu đầu hè, ngày dài hơn, tình cảm của hai người cũng rất sâu hơn khi anh Nam bay qua Mỹ thăm Hoàng Thu hai tuần. Chúng tôi thấy bạn hạnh phúc, hồn nhiên lại như thời mới lớn. Hơn thế nữa, Hoàng Thu có ý muốn "thiếp theo chàng về...Đức". Những cái email được gởi chung cho cả bọn, được trả lời cho Hoàng Thu và c/c cho tất cả:
- Chắc là tao sẽ qua Đức sống luôn, "bốn biển là nhà" phải không tụi bây"
- Ừ! Cứ đi nhưng nhớ "đi Đức" chứ đừng "đi đứt".
- Khi yêu người ta sống lại thời mười lăm, mười sáu nhưng nhớ là tiếng Đức là một trong những ngôn ngữ khó nhai nhất thế giới.
- Tao ủng hộ mọi quyết định của mày, mặc dù biết là tất cả tụi mình sẽ mất hẳn căn nhà "hương đồng gió nội" ở Huntington Beach không còn "Camp Davis" để mỗi năm phe ta về nghỉ hè... Free như tổng thống thứ thiệt.
- "ừ thôi đi em" về bên Đức nhớ đem theo cả không khí Việt Nam lẫn không khí Mỹ.
- Nhớ gởi về bên nhà một mảnh tường Bá Linh, để thổi gió tự do dân chủ về bên đó!
- Mày qua Bá Linh, tụi tao rất buồn, nhưng thôi thì "Đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người" cho cả hai người.
Nói chung, chúng tôi ủng hộ quyết định của Hoàng Thu, vì hiểu là bạn luôn trầm tĩnh và khôn ngoan trong mọi quyết định. Bạn đã cười, nửa đùa nửa thật:
- Tao đã đóng thuế đủ để trả nợ ân tình của nước Mỹ, bây giờ đến lúc qua Đức để được anh Nam nuôi, không phải sáng lái xe đi, chiều lái xe về, kiên nhẫn xếp hàng trên những xa lộ đông kín xe của Los Angeles.
Tự ái của một người đàn ông không cho phép anh Nam qua Mỹ, để phải làm lại từ đầu ở tuổi nửa đời người, quá muộn màng. Dù Mỹ là một đất nước của cơ hội, những cơ hội đến với người bắt đầu từ con số không ở tuổi ngoài ba mươi rất là hiếm hoi. Cả bạn tôi và anh Nam đều thừa hiểu điều đó. Dĩ nhiên, Hoàng Thu đủ sức lo cho cả một gia đình ở Mỹ, nhưng cả hai người đều có quan niệm chung: đàn ông phải là bread winner, một người gánh vác cả gia đình. Cho nên Hoàng Thu sẽ qua Đức, với anh Nam vào một ngày rất gần, khi mọi thứ đã thu xếp xong: nhà cửa, xe cộ, nhựng hệ lụy vật chất của đời sống. Những hệ lụy tưởng như đơn giản, nhưng không dễ dàng để chặt bỏ. Và ngày ngày, sau tám tiếng "trả nợ áo cơm" Hoàng Thu kiên nhẫn học tiếng Đức, để cho một khởi đầu mới ở quê hương thứ ba.
Chúng tôi cầu mong cho bạn có hạnh phúc, một hạnh phúc muộn màng ở tuổi nữa đời người. Một người đã ở Mỹ từ hơn hai mươi năm qua mà vẫn không đánh mất "hương đồng gió nội" trong khi hội nhập đời sống mới, thì hẳn là bạn tôi sẽ vững vàng ở quê hương thứ ba, bởi vì ở đâu có tình yêu, ở đó có hạt giống ước mơ, chắc chắn là như thế, Hoàng Thu thân mến!

Nguyễn Trần Diệu Hương.
Santa Clara. Tháng 2/03

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến