Hôm nay,  

Anh Thắng Củi

02/02/200300:00:00(Xem: 217586)
Người viết: LÊ NHƯ ĐỨC
Bài tham dự số 3109-716-vb50130

Lê Như Đức là tác giả có bài viết được giải chính thức sơ kết Viết Về Nước Mỹ năm đầu tiên. Mỗi bài viết của ông đều thể hiện sự tinh tế và tấm lòng. Ông Đức sinh năm 1962 tại Saìgòn, Việt Nam. Nghềp Nghiệp: Kỹ sư cơ khí cho Boeing, Houston. Gia Đình: Vợ và ba con, hai gái một trai.

Tôi biết anh là vì gia đình anh là gia đình Việt-nam duy nhất ở chung Apartement với chúng tôi. Tuy bận rộn tối ngày, nhưng chiều nào đi làm về anh cũng đều ghé chỗ chúng tôi đấu láo dăm vài câu rồi mới về nhà. Anh có bệnh nghiền hút thuốc lá và nghiền nói. Đặc biệt mỗi lần mở miệng là phải có tiếng đệm chửi thề. Nhiều khi không biết nói gì, anh cũng mở miệng nói văng tục mấy chữ cho đã miệng. Công, người bạn sống chung với tôi, một lần tỏ ý khó chịu vì cái tính xấu này của anh, đã phải lên tiếng:
- Anh Thắng bớt chửi thề dùm được không" Tôi nghe không xuôi chút nào cả"
Anh không những không đỏ mặt mà còn tỉnh queo trả lời:
- ĐM, nói chuyện không chửi thề nói không sướng. Mày nghe không xuôi tao nói hoài riết cũng phải xuôi. Phải không Hán Không Dê"
Hán nhìn anh cười trừ, chứ không trả lời. Bạn bè trong trường thường gọi Hán là Hán Không Dê (g), gọi Công là Công Tử, và chúng tôi gọi anh là anh Thắng Củi. Cái tên Thắng Củi là do Công Tử đặt tặng anh là vì da anh đen như cột nhà cháy. Nhưng anh lại diễn giải theo sự hiểu biết đơn giản của mình:
- Nó sỏ lá tao đó. Nó sỏ lá số một khu này, mày biết hông" Nó biết tao làm nghề trồng cây cho trường, chân dính sình nên thúi cẳng nói lái là Thắng Củi.
Công Tử hình như rất rành về cái tính tình bộc trực của anh nên dễ dãi mỉm cười:
- Khu này chỉ có bốn người Việt. Anh và ba chúng tôi. Tôi sỏ lá nhất, thì anh cũng đứng thứ hai, thứ ba. Có thua gì đâu. Phải không anh Thắng Củi"
Anh ú ớ, chửi thề dăm ba câu rồi đi về nhà.
Anh người tầm thước, khuôn mặt xương xẩu với vầng trán thấp nhưng lại rộng. Da anh ngâm đen có lẽ vì dầm mưa dãi nắng từ thuở nhỏ. Người anh nẩy nở, bắp thịt rắn chắc, tay chân lại hơi ngắn. Anh không biết đọc cả tiếng Mỹ lẫn tiếng mẹ đẻ. Anh chửi thề tiếng Việt rất nhuyễn, nói tiếng Anh rất tầm bậy. Vậy mà anh lại có vợ ngoại quốc.
Cả cuộc đời lẫn cuộc tình của anh thật là ly kỳ và nhiều máu đổ. Anh người miệt Hậu-giang, chuyên nghề chài tôm, tép, ốc, và cá vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nói chung, anh chài đủ mọi thứ, không chừa thứ gì kể cả cá sấu, theo lời anh kể. Anh có vợ rất sớm, từ hồi chưa biết... chửi thề.
Ngày nước mất, anh đã được hai trai và một gái. Những người anh vợ của anh lại vào bưng theo tiếng gọi ngây thơ của Tướng Trần-văn-Trà thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, do dó gia đình anh tự nhiên trở thành có công lớn với cách mạng. Để trở thành gia đình gương mẫu cho hàng xóm láng giềng, anh và chị phải liên tục tham gia học tập và hội họp. Hết họp phường, lại họp tổ. Tổ chài tôm rồi lại tổ dân phố.
Một lần họp, vô tình ngứa miệng anh có hỏi thế nào là Chủ Nghĩa Xã Hội và thế nào là Xã Hội Chủ Nghĩa. Tên ủy viên chính trị như vặn trúng đài, hùng hồn giảng giải liên tục ba tiếng đồng hồ hơn. Nào là học thuyết Các-Mác, nào là tinh thần Xì-Ta-Lin-Nít, nào là chủ nghĩa "Mác-Xít Lê-Nin-Nít".
Thằng con út anh cũng bị ngồi học tập lâu nên hâm đít khóc to. Anh vừa xoa mông nó, vừa lẩm bẩm lặp lại ba cái tiếng Nga dài dòng bí hiểm nói về một chủ thuyết thật lạ kỳ, khó hiểu: "Móc Đít Đưa Lên Hít."
Vài tháng sau, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị sa thải sau một lời mỉa mai công bố thống nhất đất nước. Gia đình anh lại may mắn trở thành vô duyên với cách mạng. Từ dạo ít đi họp tổ, chị hay càu nhàu, giận hờn. Năm sau, sau một lần cãi nhau với chị, anh bực mình mang thằng út bỏ lên chiếc ghe đuôi tôm dài hơn mười thước của anh, phóng qua sông đậu bên bờ bãi sậy đối diện, tìm một sự lắng động trong tâm hồn.
Rủi cho anh, chiều đó bãi sậy lại là chỗ đổ bộ của những người vượt biên. Hai chiếc ghe đuôi tôm taxi cập vào bãi, đón người chở ra ghe lớn đậu ngoài khơi. Lúc đổ bộ hỗn độn, nhiều người nhẩy lộn vào ghe anh. Đang lúc anh đứng "thanh minh thanh nga" thì bộ đội công an biên phòng ùa tới. Sợ hiểu lầm anh mở máy, rồ ga theo ghe taxi, phóng ra cửa biển.
Sau khi vô tình làm "nghĩa vụ quốc tế" chở người vượt biên lên ghe lớn, anh quay ghe tính vòng về. Nào ngờ biển Đông tối đó lại mưa lớn, động mạnh, thổi ghe anh xa bờ hơn, tới hải phận quốc tế. Sáng hôm sau tầu hàng Na-Uy đi ngang, thấy ghe anh ít người, mừng...dớt đẹp. Anh lên tầu, gặp thuyền trưởng hỏi, anh khiêm nhượng chỉ đáp ba lần hai chữ "Việt-nam, Việt-nam, Việt-nam." Người thuyền trưởng nhân hậu chở cả cha con anh lẫn ghe anh tới tận Tân-gia-ba.
Sau khi cha con anh kiên nhẫn đứng cười mếu, chụp hình với tất cả mọi thủy thủ trên tầu, họ hùn tiền để đền công đứng chụp hình, biếu anh hơn ngàn đô. Được tiền, anh lên Cao Ủy Liên-Hiệp-Quốc cầu cứu xin hồi hương. Người thông dịch lịch duyệt vừa thông dịch, vừa kể anh nghe chuyện một chiếc tầu Việt-nam Thương-Tín. Anh hồi hộp xin rút đơn vì sợ về học tập cải tạo. Cải tạo anh không sợ, nhưng nghe hai chữ học tập anh rất ớn vì vốn không ưa họp từ dạo thấy những cán ngố xuất hiện nơi xóm chài của anh.
Rồi cha con anh cũng tới Mỹ. Anh được một người Mỹ ít tốt bụng ở tiểu bang Nebraska bảo lãnh. Hắn cung cấp cha con anh thật đầy đủ: chỗ ở tạm, quần áo cũ và việc làm không đòi hỏi nhiều sinh ngữ. Anh đứng lau, rửa xe trong cây xăng của hắn...free. Cha con anh ăn, ngủ, và làm tại garage sửa xe gần ba năm.
Một hôm, tên chủ thấy thằng con lên chín của anh có vẻ đã lớn nên bắt ra chùi xe, thay vì ngồi trong nhà coi phim cartoon. Anh tức mình, tối hôm đó dọn hết đồ lên một chiếc xe truck tốt nhất, đổ đầy cả hai bình xăng chính lẫn phụ, rồi cùng thằng út ra đi không từ giã.
Dọc theo quốc lộ 45, anh cứ lần về hướng nam mà phóng. Anh muốn xuống Houston vì nghe đồn nơi đó nghề chài của anh rất thịnh. Vào đến Dallas, đường phố quá chằng chịt, anh lạc lối, đổi hướng, bang sang Fort Worth, qua Waco rồi tới College Station.
Định mệnh đã đưa đẩy cho anh gặp Công Tử ở một tiệm ăn fast food McDonald. Thấy cha con anh ú ớ không biết mua loại Hamburger nào, Công Tử đứng sau thông dịch dùm. Sau khi nghe anh kể chuyện quá khứ tỵ nạn, Công Tử dở khóc dở cười không biết quyết định ra sao nên cho cha con anh về trú tạm chỗ mình.
Hôm sau, Công Tử vào trường hỏi ý kiến ông thầy cố vấn. Thương trò và thương người gặp cảnh lầm than, ông thầy đưa sự việc lên hội đồng trường. Hội đồng trường đẩy qua văn phòng Luật sư riêng của trường. Tên chủ Mỹ ở tiểu bang Nebraska nghe Luật sư dọa, sợ hãi nên đồng ý bồi thường, biếu không anh chiếc xe truck và sáu ngàn đô.
Nội vụ kết thúc, anh ra riêng, mướn phòng ở đối diện với phòng Công Tử và Hán. Tuần lễ sau anh nhận việc mới, trồng hoa và cây cho trường. Năm sau tôi vào trường trọ chung với Công Tử nên gặp cha con anh.
Định mệnh đã đưa năm người Việt tha hương chúng tôi gặp nhau trong một chung cư cổ của một thành phố nhỏ, hiền hòa, thuộc tiểu bang Texas.
Cuối dãy phòng anh ở, có một thiếu phụ Mỹ, gốc Đan-Mạch cũng cùng cảnh ngộ như anh, sống đơn chiếc với một con. Tên nàng là Helen. Helen có dòng máu pha của những tên hải tặc Vikings miền Bắc Âu nên xương to và người cao lớn. Mái tóc vàng óng, làn da hơi ăn nắng làm Helen trông mạnh khoẻ và đa tình.
Người chồng cũ của Helen là một Luật sư gốc Ý rất giầu có và nổi tiếng là lưu manh ở Nữu-Ước. Y ăn nói bặt thiệp, đường mật nhưng vẫn thường hay đấu...boxing với nàng. Nhiều lúc đi party cuối tuần, Helen phải thoa phấn thật dầy để che đậy những vết thương bầm tím nơi mặt. Xã hội Mỹ, vào cuối thập niên 70, chưa ai để ý nhiều về chuyện đấm đá trong phòng the nên Helen vẫn phải thường thượng đài đấu quyền anh với anh chồng vũ phu nặng hơn hai trăm hai mươi lăm cân anh của mình. Chịu đựng được cũng gần ba năm, Helen phải ôm đứa con trai duy nhất và bốn con mèo tam thể chạy bỏ của giữ lấy thân khỏi nhà chồng.
Cũng như anh Thắng Củi, Helen cứ hướng Nam mà phóng. Nàng muốn xuống Austin, thủ phủ của Texas, để tá túc nơi gia đình cô em gái. Nhưng xe nàng chỉ chạy nổi tới College Station thì banh. Thấy thành phố nhỏ, dân tình hiền hòa, nàng dừng bước xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho sống có cô đơn.
Một hôm đi làm về, anh Thắng thấy Helen đang tìm cách mang con mèo của nàng kẹt trên cây tùng cao mọc sát nhà xuống. Anh chạy vội vào phòng khiêng cái thang nhôm ra giúp Helen. Helen hôm đó mặc cái váy trắng ngà, dài chỉ tới đầu gối. Anh Thắng đứng dưới giữ thang để Helen leo lên bắt mèo. Helen tay giữ thang, tay giữ váy chậm chạp trèo lên. Con mèo quái quỷ, quào ngược vào tay Helen làm nàng giựt mình, hụt chân té khỏi thang.
Anh Thắng vừa hút thuốc vừa kể lại chuyện cũ:
- Tự dưng tao thấy trời đất tối thui hà. Tưởng nhật thực. Nhè ra nguyên cái váy nó chùm lên đầu tao. Nó nặng thấy ông cố nội tao luôn. Tao chịu hết nổi té xuống, đầu đụng vào cục gạch vách nhà. Tao vội bò dậy, thấy váy nó đỏ lòm, tưởng hôm đó là ngày của nó. Thấy đầu đau, tao rờ mới hay máu mình chứ không phải máu nó.
Mặc dù nghe lại nhiều lần, chúng tôi cũng không thể nhịn được cười. Hán hỏi lại anh:
- Vậy chứ sao anh Thắng không leo lên bắt mèo dùm em mà lại đứng dưới há họng nhìn lên"
Anh cười cười đáp:
- Ngu sao mày. Mà sao mày biết tao há họng nhìn lên hay dzậy"
Ngày cuối tuần, anh cùng con diện đồ thật láng, qua phòng Helen rủ nàng và con nàng đi date. Sợ Helen quên mất mình, anh vác cả cái thang nhôm theo cho chắc ăn. Từ cổ chí kim, tôi chắc anh là người duy nhất vác thang tới nhà, rủ em đi chơi.
Cuối tháng đó, anh nhờ Công Tử xin với Apartement cho anh chuyển phòng qua sát phòng Helen để impress nàng. Một cuối tuần, Helen và con xuống Austin thăm gia đình cô em, anh ở nhà phá thủng vách, mở một lối đi thông thương giữa hai phòng khách của hai nhà để nối tình hữu nghị Việt-Mỹ. Anh rất khéo tay lại nhanh nhẹ nên hai cái phòng khách trông như một. Khi trở về, Helen nhìn cái lối đi không nói gì, chỉ chúm chím cười.
Tháng sau, Helen báo tin mừng có thai. Anh chạy vội qua Công Tử nhờ tổ chức đám cưới.
Đám cưới anh cũng thật đơn giản như con người anh. Bên đàng trai chỉ có ba sinh viên chúng tôi và thằng cu con anh. Thằng cu năm đó đã lên mười mà vẫn chưa được có tên Mỹ lẫn tên Việt. Công Tử thường gọi nó là Dick. Lâu ngày trở thành tên thiệt. Đàng gái vỏn vẹn vợ chồng em gái Helen từ Austin xuống dự và Timmy con nàng. Công Tử là phụ rể, em gái Helen là phụ dâu. Chồng nàng và Hán là witness. Tôi giữ chân tài xế. Quan khách gồm hai đứa bé : Dick và Timmy.
Trước khi bước lên xe...bông tới nhà thờ làm lễ cưới, anh dặn riêng Công Tử:
- ĐM, mày nhớ nhắc tao khi nào trả lời ông cha "Yét sờ, ai đù" (Yes, I do) nghe mày.
Công Tử gật đầu, dặn anh lại:
- Nhớ rồi. Còn anh vào nhà thờ làm lễ, làm ơn đừng sổ tiếng nho nữa được không"


Anh cười hềnh hệch phân bua:
- Tao đâu có muốn đâu mày. ĐM, tại Mỹ nó muốn đó. Khi không lại "Yét sờ, ai đù". Sờ thét rồi lại hỏi ai đù.
Tôi có hỏi anh dự tính đi đâu cho Honneymoon. Anh nói chỉ ao ước được qua Cali thăm những người đồng hương Việt-nam. Anh nói:
- Giờ tao chưa có tiền. Khi nào có, tao dắt con Helen qua Cali chơi. Nó lấy chồng Việt-nam thì phải tới Cali để được gặp những người bà con của tụi mình hé mày.
Giống như anh, Công Tử, Hán và tôi cũng đều muốn có dịp ghé thăm Tiểu Sàigòn, thủ đô của chúng tôi trong những tháng ngày long đong. Cũng như bất cứ những người Việt tỵ nạn ở hải ngoại, dù giầu sang hay nghèo hèn, dù học cao hay không học, chúng tôi vẫn thầm hẹn một ngày nào đó sẽ gặp nhau trên phố Bolsa. Đi trên những đường phố trong Tiểu Sàigòn, dù hình thức cũng giống như bất cứ thành phố nào trên đất Mỹ, người Việt chúng tôi vẫn có một cảm giác riêng biệt. Cái cảm giác lâng lâng, ngậm ngùi của những người mất quê hương, phải đi tìm một địa danh khác để thay thế.
Hai ngày, sau ngày cưới, anh qua chúng tôi mang theo một cái hộp thiếc nhỏ dài hơn ngang tay, anh đưa Công Tử nói:
- Tao nghe mấy đứa trong trường kể, lấy vợ Mỹ hay ly dị. Mà ly dị nó sẽ lấy hết nửa gia tài. Tao có chút tiền, mày giữ dùng. Nó có bỏ, tao cũng không mất gì hết.
Công Tử cười hỏi lại anh:
- Nếu ly dị, Helen có lấy một nửa thì cũng lo cho con anh chứ con ai đâu. Anh cũng còn được một nửa ăn chơi. Nếu anh đưa tôi, rủi tôi giựt, anh sẽ mất hết tất cả. Anh tính kỹ chưa"
Anh gãi đầu, bối rối. Công Tử vỗ nhẹ vai anh, giải thích:
- Vợ Mỹ hay vợ Việt cũng đều là người cả, nếu anh phụ họ, họ sẽ phụ anh. Anh sống với Helen đàng hoàng, đừng gây sự, đừng khó chịu, và nhất là đừng đánh đập thì cô ta sẽ ở lại. Anh không phải lo lắng chia đôi, chia ba gì cả. Còn anh cứ... cà chớn. Đụng một tí là anh gây lộn, có chuyện, lúc nào cũng phải chiều theo ý mình thì mới yên. Đừng nói gì cô ta, ngay tôi đây cũng chạy xa nữa là sống chung. Anh hiểu chưa" Cuộc đời thật đơn giản. Nó hoàn toàn tùy thuộc ở cách đối xử của mình chứ không ở người. Anh đừng gây nhức đầu thì ai cũng muốn tới vui vẻ, còn anh cứ khó chịu thì ai thèm gặp. Vợ chồng sống chung thì phải biết hoà hoãn nói chuyện với nhau chứ đừng hét vào mặt nhau. Một điều nữa, anh nên nhớ kỹ. Anh đối xử với vợ con anh như thế nào, đừng tưởng giấu được người chung quanh. Họ đều biết hết đó, nhưng vì lịch sự và không muốn xía chuyện, họ gỉa bộ điếc.
Hán Không Dê có lần lo ngại lâu bền về cuộc tình duyên của anh, Công Tử có chia sẻ:
- Tạo hóa thật tuyệt vời, mày ạ. Tạo hóa đã sinh ra Helen gặp nhiều đau khổ với thằng chồng sang trọng, lưu manh thì Tạo hóa cũng phải sinh ra một quái kiệt như anh Thắng Củi, chất phác, đơn giản, để Helen có chỗ nương thân. Helen chỉ cần đừng đánh đập, đừng gây chuyện. Nói chuyện nhau, hiểu ti tí cũng không sao, nhiều khi lại càng tốt. Anh Thắng Củi là đáp số. Rồi mày coi, họ sẽ sống với nhau tới gìa.
Đã một lần thất bại trong tình trường nên Hán giống cộng sản, lúc nào cũng đa nghi. Nói đúng như giọng của đồng chí Trường-Chinh thì cuộc tình thất bại của Hán cũng chỉ là một... tất yếu của lịch sử. Hai khóa học trước, Hán được dung dăng dung dẻ dắt tay em đi học. Khoá sau, James Dũng nhập trường với chiếc Z28 sport convertible mới cáo cạnh. Người tình tên Dương tất yếu phải thích gió mát, ngắm trăng thanh hơn là cuốc bộ nên Hán đành cay cú, giã từ em.
James Dũng, con của một đại tư bản ở Houston nhưng lại bình dân, hòa đồng. Chiếc xe sport của Dũng chỉ là một món quà sinh nhật nhỏ năm Dũng mười sáu. Dũng rất mê điệp viên 007 James Bonds nên ngày mới lên trường thường bắt tay mọi người, tự xưng: "My name is Dũng, James DũngÏ". Thấy nhiều sinh viên trong trường bị trở ngại Anh ngữ nên Công Tử phải phiên dịch tên James Dũng thành Dũng... Dâm cho dễ gọi. Dũng không được vui lắm, phản đối ra mặt. Sau thấy chị em hay nhắc đến tên luôn, Dũng thích thú, thầm cám ơn.
Khi Dũng cặp Dương, Dũng được mọi người đổi mỹ danh, gọi là Dũng Dương.
Dương là hoa khôi của trường chúng tôi năm ấy. Dương có mái tóc thề dài qúa lưng và làn da tươi mát nên trông rất... dương. Hán thất tình, đau khổ đến bịnh. Công Tử phải vừa khuyên nhủ, vừa ma mãnh, Hán mới tỉnh. Từ đó chán chường biến thành Hán Không Dê.
Hán tuy hơi thấp, nhưng to con và đẹp trai, dễ lọt được vào mắt xanh của nhiều bông hồng trường tôi. Hán lại là tay quần vợt có hạng do dó càng ăn tiền thêm. Ngày Hán cùng Dương sánh đôi đã đạp gẫy hơn chục bông hồng trong trường. Ngày Công tử tuyên bố Hán sẽ thành Không Dê, những bông hồng ủ rũ, lặng lẽ biểu tình không xức dầu thơm 35 ngày đúng.
Thật ra người Dương thích chính là Công Tử. Dương tấn công mấy lần, thấy không áp phê nên đổi chiến thuật, cặp Hán khiêu khích chơi. Công Tử vẫn phây phây, chỉ nhìn em nhe răng cười. Dương đành lặng lẽ bỏ cuộc.
Ngày nhìn Hán thất tình, nằm sắp chết vì... Dương qúa nhiều, Công Tử mới kể sự thật và cho Hán coi hai bức thư tình đẫm ướt lệ mà Dương đã hai lần bạo dạn viết trao tin. Hán đọc tới đâu tỉnh tới đó.
Sau này, Lệ Hai Dòng, roommate của Dương, có kể tôi nghe chính Công Tử đã nhờ viết dùm hai lá thư cứu rỗi đó. Lệ rất mê Hán nên sẵng sàng cọp chữ viết của Dương để cứu bồ. Lệ kể chuyện xưa cho tôi nghe:
- Cuối tuần chị Dương về Houston thăm nhà. Ảnh tới phòng nhờ em viết thư tình, ký tặng riêng ảnh. Ảnh nằm dài trên giường của chị, vừa coi football vừa đọc thư cho em viết. Em viết thư, mủi lòng khóc xướt mướt. Ảnh thì tỉnh queo, nhẩy ầm ầm trên giường khi touchdown. Đọc xong, ảnh còn lấy chai thuốc xịt nách của chị xịt ướt nhẹp thư, nói phải có mùi thuốc chữa viêm cánh này anh Hán mới tỉnh, tin là thư thiệt.
Lệ dáng người nhỏ nhắn, nói chuyện khôn ngoan, ngọt còn hơn mía lùi. So với Dương thì Lệ không mượt mà bằng, nhưng cá tính nhẹ nhàng đặc biệt của Lệ được mọi người trong trường mến thương. Ngày hội sinh viên Việt Nam tổ chức đêm thắp đuốc quốc hận 30 tháng 4 đen, Lệ nức nở, khóc thật mùi, được báo trường đăng trên trang nhất tấm hình bự với hai dòng nước mắt. Từ đó Lệ được danh hiệu cao qúy: Lệ Hai Dòng. Sau này có nhiều sinh viên mới tới, không biết chuyện, oái oăm thường gọi lộn là Lệ Giòng Hai.
Bí mật của Lệ Hai Dòng sau này Công Tử có bật mí cho tôi hay:
- Trước khi đốt đuốc tao có gặp riêng nó dặn ráng tập viết chữ của nhỏ Dương bằng không thằng Hán sẽ phải qua Tầu gặp Hán Cao Tổ của nó. Đến khi đốt đuốc, nghe đọc diễn văn và phát biểu cảm tưởng, nó mủi lòng. Phần yêu nước, phần yêu thằng... Hán gian, nó tủi thân khóc quá cỡ. Khi thấy nhiều phóng viên tới, tao sợ bể độ nên bảo nó về nghỉ sớm. Hùng chủ tịch không hiểu, phê bình trình độ chính trị của tao còn thấp kém, không biết lợi dụng hai dòng thác cách mạng đang...chảy.
Trường tôi, Texas A&M University, năm ấy có hơn ba trăm sinh viên Việt nam trong tổng số gần bốn chục ngàn sinh viên toàn trường. Sinh viên Việt có thể phân làm hai hạng: hạng dễ yêu và hạng hết yêu. Những sinh viên được may mắn rời nước năm 75, chưa từng hưởng mùi... Bác nên vừa học, vừa yêu. Còn những sinh viên vượt biên như Công Tử và tôi, đã một lần được thấy đồng chí Nguyễn-thị-Định và những bộ đội gái dưới quyền nên ớn đàn bà, chỉ thích học.
Công Tử thường hay đưa ý kiến:
- Việt cộng lúc nào cũng hô hào khoan yêu để giờ hy sinh cho đất nước. Tao thấy cách hay nhất là dẹp hết hình Bác đi. Cứ trưng hình đồng chí Nguyễn-thị-Bình nũng nà đang nhe hàm răng ấp chiến lược, chờ đợi được cụng hàm răng vẩu của Thủ Tướng Phạm-văn-Đồng là cả nước sợ, hết yêu ngay.
Dù sống chung với Hán cùng thành phố hơn mười năm nay, tôi vẫn chưa có dịp gặp lại y. Công Tử có gặp Hán một lần trong hội chợ Tết năm nào. Hán tay dắt người tình, tay ôm chó đi đón xuân.
Hán có thầm thì, to nhỏ cho Công Tử nghe:
- Tuy là Việt nam, nhưng nàng thuộc gốc Tây...Ninh. Đi đâu cũng phải dắt chó mới sang.
Từ dạo đó tôi thấy Công Tử đổi tông, thường gọi y là Hán Lá Mơ.
Thu năm đó, thằng Tommy ra đời. Chúng tôi có ghé qua thăm gia đình anh Thắng Củi để tặng thằng bé hai bịch tã. Thằng bé mang nhiều giòng máu lai nên thật khỏe mạnh và bụ bẫm. Công Tử ôm chặt ba đứa nhỏ, nói tôi nghe:
- Đây là con anh, kia là con em, còn đó là con chúng ta. Anh Thắng giờ đã có đầy đủ. Con Việt, con Mỹ, và con Việt-Mỹ. Ở Việt-nam, anh lại còn có con...Việt Cộng nữa. Nếu sau này hai nước có bang giao, cử anh làm ông đại sứ thì số dzách.
Đễ tăng thêm tình hữu nghị, anh trổ thêm hai lối đi qua lại giữa hai nhà. Một cái ở phòng ngủ và cái kia ở nhà bếp. Công Tử nhìn anh lắc đầu khen:
- Bà Manager của Apartement này mà thấy tác phẩm của anh chắc phải khóc thét lên vì sung sướng. Đề nghị anh cẩn thận, đừng để bà ta sướng qúa hóa rồ.
Qua năm Công Tử ra trường, dọn lên Fort Worth làm. Hán cũng tốt nghiệp và về Houston. Tôi chuyển vào dorm, ở hẳn trong trường để tiết kiệm thời giờ lẫn tiền bạc. Anh bùi ngùi:
- Tụi mày đi hết, tao không còn có người mình để nói chuyện nữa. Thỉnh thoảng rảnh, mày ghé tao chơi đỡ buồn nghen mày. Chắc rồi tao cũng phải dọn qua Cali. Ở đây mỗi cuối khóa, thấy tụi bay ra đi, tao buồn thúi ruột.
Hình như chỉ lúc buồn anh mới không chửi thề.
Tôi hiểu tâm trạng của anh rất nhiều. Chính tôi cũng ở trong hoàn cảnh này. Mỗi cuối khóa, nhìn những người bạn thân ra đi tứ phương, tôi cũng buồn như anh. Mặc dù chúng tôi đều siết chặt tay nhau, hứa sẽ liên lạc luôn, nhưng chỉ một hai lần là mất.
Vì qúa bận với việc học, tôi ít có dịp qua thăm gia đình anh. Chỉ lâu lâu thấy anh đứng trồng cây trong sân trường, tôi dừng lại trò chuyện năm mười phút là cùng. Ngày tôi ra trường, Công Tử có về mừng và hỏi thăm về anh. Làm lễ phát bằng xong, chúng tôi ghé qua mới biết gia đình anh đã dọn đi lâu rồi. Công Tử có hỏi bà Manager. Bà vẫn còn hằn học kể lại:
- Nó sửa lại hai cái phòng thành một mà không hề xin phép gì cả. Apartement tính thưa nó ra tòa, gia đình nó lén trốn đi không báo. Trước khi đi, vợ chồng nó còn tới văn phòng giả bộ hỏi xin coi lại hồ sơ ký cam kết. Mới thấy tập hồ sơ, nó giựt chạy mất tiêu. Giờ muốn thưa kiện, cũng không có any information.
Đầu thập niên 80, computer chưa thịnh hành lắm. Nhất là ở một apartement nhỏ này. Tất cả hồ sơ ký giao kèo chỉ giữ lại trong một tập hồ sơ mỏng. Mất nó là ngọng, không biết đường nào mò. Công Tử nhìn tôi cười nói:
- Cái mưu này nhất định là của Helen. Vợ chồng anh đã thành một rồi. Khó ai có thể ăn trên họ được nữa. Mình cũng khỏi phải lo cho họ gặp người ức hiếp.
Tôi biết Công Tử rất có lòng với gia đình anh. Tuy hay bực mình vì cái tính liều mạng và vô luật lệ của anh, y vẫn thường để ý hỏi thăm luôn. Tôi đứng nhìn lại hai căn phòng cũ, bồi hồi thầm nghĩ:
- Chắc giờ này anh đang ngồi ở quán ăn nào đó trong quận cam, vừa uống bia vừa... chửi thề.

Houston, ngày 17/12/2002
Thân tặng anh Thắng và gia đình.
Viết ngày con trai, Lê Đình Tuấn Khoa, chào đời

Lê Như Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến