Bài tham dự số: 396-705-vb40108
Tác giả tên thật là Xuân Thu Đặng, hiện cư trú tại Hawaii, nghề nghiệp được ghi là chủ một tiệm may nhỏ. Trong bài viết, tác giả tự mô tả mình là thủa nhỏ ham chơi hơn ham học. Đây là bài viết về nước Mỹ thứ hai của bà. Bài đăng 2 kỳ.
*
Cây kia ăn quả ai trồng"
Sông kia uống nước,
hỏi dòng từ đâu"
Quê hương hai chữ in sâu
Chôn nhau, cắt rún,
khởi đầu tổ tiên!
Tôi nhớ mãi năm 1955, tôi được một người bạn rất thân cùng xóm dẫn tôi đi du ngoạn đó đây, từ Sa đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Giuộc. Nhờ chuyến đi đó mà tầm mắt tôi được mở rộng.
Nhìn ngắm những cánh đồng lúa vàng trãi dài mênh mông "thẳng cánh cò bay" xa tít tận chân trời như vô định, lòng tôi cảm thấy nao nao, rộn ràng nghĩ đến công lao cày cấy, trồng tỉa, gian lao, cực nhọc của nhà nông "chân lấm, tay bùn" tôi tự cảm thấy lòng ràng buộc, thân thương với quê hương, xứ sở. Lúc đó bài ca dao xưa bỗng hiện ra trong trí, khiến tôi ngâm nga:
Cấy cày đang buổi ban trưa
Mồ hôi nhỏ giọt, như mưa ruộng cày
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần!
Những người dân quê chỉ biết quanh quẩn bên thửa ruộng, nương khoai, chăm lo vun xới, cấy cày, bón phân, nhổ mạ. Trông cho cây trái mau đơm bông, kết trái. Họ sống một cuộc sống rất giản dị, chân chất, thật thà, dầm sương, trãi gió, nắng mưa quanh năm suốt tháng, không tranh đua, mưu mẹo. Trong khi đó, người dân thành thị vì vật chất, miếng ăn mà "tranh danh đoạt tội" "trăm phương ngàn kế" tìm đủ mọi cách "mưu kế thế thần" để được nhà cao, cửa rộng, cơm no, áo ấm. Dân nghèo sống trong các xóm lao động, bình dân như xóm Dakao của tôi thì cuộc sống quá bấp bênh, lao lực. Đa dố chỉ "tay làm hàm nhai".
Càng lớn tôi càng thấu hiểu nổi khổ tâm của họ. Họ phải đi làm "đầu tắt mặt tối" cả ngày mới kiếm ra từng cắc, từng đồng. Dì Tâm, chị Ba Nở, chị Tám phải đứng xếp hàng ngoài đường cái để lấy nước, từ cái phông tênh (fountain) nắng mưa, nặng nhọc để kiếm tiền mua gạo cho mấy đứa con ốm yếu vì thiếu ăn. Nghề gánh nước mướn thật cực khổ. Chú thím Bảy làm nghề quét rác trong chợ để lo cho 4 đứa con thường mặt mày lem luốt, đứa học đứa không vì không ai trông chúng. Bác Lành và hai con cũng chạy ăn từng bữa nhờ đi lượm những gì có thể bán được trong đống rác dơ bẩn và còn rất nhiều người khổ sở. Thật kể ra không xiết.
Nhưng tình cờ vào năm 1995 bỗng đâu tôi gặp lại chú thím Bảy tại "Trung tâm thương mại Alamoana" trong đảo tôi ở. Trông chú thím rất hồng hào, phát tướng ra ăn mặc tươm tất, chú thím mừng rỡ, hỏi han tôi rối rít, chú thím trông khác xưa quá chừng, giống như hai người du khách nhàn rỗi. Chú thím vồn vã mời tôi về thăm nhà chú. Trên chiếc xe Cadilac đẹp đẽ, bóng lộn, chú bắt đầu kể chuyện: "Cháu ơi, không ngờ cuộc đời đưa đẩy, bây giờ chú thím mới gặp lại cháu, gần 40 năm rồi còn gì, nhờ nụ cười của cháu chú mới nhận ra đó. Cháu biết không trong tháng 4 đen ai cũng chộn rộn, chẳng hiểu ra sao, rồi đến ngày cuối cùng 30 tháng 4 năm 75, người ta quýnh quáng, thoát chạy ra đường như "ong vỡ tổ" mình "cùi đâu sợ lỡ" chú thím dẫn 4 con, ít đồ mang theo chở nhau trên 2 chiếc xe đạp, lúc 6 giờ sáng đạp thẳng xuống sông Bạch Đằng theo lớp người đi trước vòng qua kho 5, ai làm sao mình cứ bắt chước chạy đại như họ, thế là chạy tuốt xuống chiếc tàu buôn.Ôi thôi người ta tấp nập lôi kéo, réo kêu inh ỏi, mặt ai cũng lộ vẻ thất thần, trong khi đó có một số đến chôm chĩa, ai bỏ lại xe cộ là họ chộp.
Khi tàu ra ngoài khơi xa tít mù, ai cũng mệt và lo thì được chuyển lên hạm đội Mỹ, nghe đâu có hơn 4,000 người" vậy chú thím có thích đảo Hawaii và muốn sống ở đây mãi mãi không" Tôi hỏi. Thím lật đật trả lời "Đâu mà bằng đây hả cháu"" nhưng chú vội xen vô "Tội nghiệp, chính phủ Mỹ họ tốt với dân mình quá, làm sao mình quên được ơn nghĩa của họ, nhưng chú thím vẫn nhớ đến quê hương, xứ sở, bà con dòng họ đang khổ sở chạy ăn từng bữa, chú thím cũng có giúp đỡ phần nào nhưng chẳng thấm vào đâu cháu à, lương hưu trí của chú cũng chỉ đủ ăn, may phước có 4 đứa nhỏ học hành khá đi làm cũng có tiền nên mới mua được căn nhà, hai đứa đã lập gia đình ở riêng, chỉ còn hai cháu gái ở với chú thím.
Nhà chú thím ở trên một ngọn đồi vùng Kailua, đẹp lắm nhà cũng thuộc loại sang, cây cảnh tươi tốt, bông hoa màu sắc rỡ ràng. Thím bảo: "Có nhiều lúc nhớ nhà và bà con bên mình quá, thím muốn về ở luôn, nhưng mấy cháu không cho, chẳng lẽ mình bỏ thây xứ người sao cháu"" lúc đó mặt thím buồn buồn, chú lại an ủi "Bà đừng lo, vài năm nữa chúng mình sẽ về, tôi cũng muốn được chết tại quê hương" mắt chú như đang suy tư, nghĩ ngợi "Chú thím ơi, chắc những người sang đây lớn tuổi rồi ai cũng muốn về sống ở quê hương được gần gũi người thân. Chính cháu cũng vậy, chúng ta ráng đợi vài năm nữa, xem sao chú nhé!" "cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông, chú thường nhắc nhở điều này với các con cháu đó cháu à".
Đêm đó trở về nhà, tôi cứ thao thức suy nghĩ về những lời chú nói, nhưng cũng có câu" "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng" "Ăn cây nào phải rào cây nấy" người Mỹ họ có cau "My home is where I hang my hat" (cái nhà tôi là nơi tôi máng cái nón) cũng có nghĩa bóng là "nơi nào tôi sống được là quê tôi". Cũng như tôi, gần cả nữa cuộc đời đã sống trên đất Mỹ, nơi cái hòn đảo Hawaii này xa xôi, vời vợi, nó dính liền với cuộc đời của tôi, nó đã chào đón tôi với lòng rộng mở. Tôi được sống những chuỗi ngày nồng ấm, yên vui như bầu trời đầy ấp trăng sao. Làm sao tôi có thể rũ áo ra đi xa lìa nó một cách dễ dàng như trở bàn tay, hay như vứt đi một đôi dép đứt quai, mòn nhẵn.
Xin phép các bạn cho tôi được chút "kiêu hãnh, khoe khoang, quảng cáo" về cái tiểu bang Hawaii 7 hòn đảo đẹp như mơ, có gió lộng ngàn phương và khí hậu ấm áp, mát mẻ nhất trên hoàn cầu này.
Cái đảo lớn nhất ở đây là Hawaii (big Island) nó đương nhiên được đứng tên cho tiểu bang này, thành ra nó có tên tự "Đảo lớn". Nó cũng còn hoang dã lắm, nhưng nó rất nổi tiếng nhờ 4 điểm đặc biệt về nó như sau:
1. Núi Mau na-Kea được gọi "white mountain" là điểm duy nhất để du khách đến trượt tuyết thoải mái.
2.Núi lửa nổi tiếng là Hawaii Vokanoes National Park, có tên là Ki Lauea nó phun lửa lại từ năm 1983 mãi đến nay vẫn còn tiếp tục. Nếu bạn may mắn bạn sẽ thấy lửa chói đỏ rực, lòe lên như pháo bông và âm ỷ chảy từ cuối con đường Chain of Craters Road. Chỉ cách vài dặm và phún thạch này đổ ra biển Thái Bình Dương.
3.Ở tại Black Sand Beaches là trang trại nuôi bò lớn nhất nước Mỹ. Và đây cũng là nơi săn bắn thú vị nhất tiểu bang.
4.Đảo này là nơi đào tạo, sanh sản bông lan (Orchid) ra nhiều nhất, hơn tất cả trên vũ trụ, thế giới này.
Maui là một hòn đảo kỳ diệu, lạ lùng, dù trên thế giới có hơn 1,000 đảo rất ít được so sánh với Maui. Gần đây nó được tặng cho danh hiệu "Đảo hạng nhất trên thế giới" (The best island in the world) trong 8 năm liền do tờ "Condé Nast Traveler". Những tài tử giàu có khắp nơi, sang đảo này mua đất cất nhà nhiều nhất. Hòn đảo tuyệt vời này có nhiều cảnh vật xinh đẹp hấp dẫn. Trong đó có Pools Ohéo 42 dặm cách bờ biển là núi lửa lớn nhất trên thế giới, nó đang "ngủ mê" không hoạt động. Nó cũng có khách sạn rất xinh đẹp với cảnh vật vây quanh. Nó còn rất nhiều bãi biển trong xanh, thắng cảnh hữu tình và cây trái hoa lá thiên nhiên như tranh vẽ. Nó cũng có vài nơi buôn bán, ăn uống thoải mái và tiện nghi lắm, bạn muốn gì cũng được. Các nàng thiếu nữ đẹp như mơ ca hát, vũ múa điệu Hula tại các nơi công cộng ở những nơi đặc biệt và họ chỉ dạy du khách cách nhảy múa, làm cho mệt đừ mới thôi.
Molo Kai thì không có chi nhiều lắm. Bạn thăm South Shores là nơi có đá ngầm lớn nhất nước Mỹ. Đi dạo bờ biển Palohaku là dài nhất trong tất cả các đảo. Cảnh đẹp sẽ lôi cuốn bạn từ mõm đá to lớn, cao nghễu đến thác nước đổ xuống pha trộn với mưa rĩ rã tạo ra màu sắc sáng chói trong cảnh núi đồi, cây cao dày đặc, chằng chịt, ta gọi mưa rừng (Forest rain). Bạn có thể cấm trại, cỡi ngựa, chèo thuyền, nhìn cá voi, bơi lặn xem các loại cá đủ màu sắc dưới biển, hay đạp xe trên đồi cao. Bạn dễ rung động theo cảnh thiên nhiên của tạo hóa, tuy chưa khai phá, hoang vu lắm nhưng nó có cái nét riêng của nó. Nó chẳng có đèn lưu thông và lầu cao không quá cây cau kiểng.
Ai đến đây cũng không khỏi mủi lòng về ông cha tên Damien, người gốc Bỉ vì đảo này có một trại nuôi người cùi. Chính ông đã tình nguyện sang đây săn sóc, chăm lo cho những người ấy rồi dần dà ông cũng bị lây bịnh luôn và chết tại đây. Lòng nhân từ của ông còn mãi trong lòng mọi người và ở đảo Oahu có một trường trung học mang tên ông.
Lanái còn là đảo rất hoang dại, nhưng cảnh vật thật khác lạ, có một con đường mòn, đi trên ấy bạn sẽ thấy đủ cả 5 đảo trải dài ra trước mắt. Có cái vườn đầy đủ mọi hoa lá xanh tươi đầy màu sắc có tên "vườn của Thượng Đế" (The garden of Gods) nó cũng nổi tiếng về đá hoa tỏa ra tia sáng nhiều màu sắc lạ kỳ. Dân chúng, vào khoảng 3,000 người, 30 dặm đường đất dài và chỉ có một thị xã nhỏ đơn sơ. Ai thích sống cuộc đời trầm lặng, tu thân sang đây sống là yên tâm nhất. Ở đây đặc biệt có trồng thơm loại ngon nhất, bạn chỉ cần cắn một miếng là biết ngay.
Kau'I có nét đẹp là lạ, huyền bí, nó được tặng một danh hiệu "Đảo vườn hoa" (Garden Isle). Từ xa nhìn bạn có cảm giác như có bàn tay Thượng Đế sắp xếp, nắn nót ngăn nắp với nhiều thung lũng, dây leo lòng thòng tủa xuống hang động như các nàng dâu Tàu thuở xưa, trong ngày cưới đội mão kết cườm tòng teng, lay động trong gió. Những thác ghềnh, sông rạch, núi non hùng vĩ khó tả. Nếu bạn là thi sĩ chắc bạn phải làm thơ ngay hay là họa sĩ chắc chắn bạn sẽ không tài nào bỏ qua cho đành đoạn. Thời tiết ở đây cũng thay đổi đôi chút. Nó chính thật là tụ điểm "ướt át, đầm đìa, thấm thía" nhất trong vũ trụ.
Cũng có nhiều phong cảnh đẹp đi bằng chân chẳng thấy được, bạn nếu chịu khó chi tiền mướn trực thăng hay ghe thuyền thì mới có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp hiếm có của đảo này. Nó cũng nổi tiếng với bãi biển có tên lạ kỳ "cát sủa" (barking sand) khi gió thổi lùa cát trắng bay lên phát ra tiếng "gâu gâu"như chó con mới biết sủa. Nghe cũng thấy vui vui.
Đảo Oahu này, nơi tôi đang sống rất là tân tiến, đầy đủ tiện nghi, chẳng thiếu chi cả, lầu cao nghều nghệu, chẳng thua Cali, nhà cửa cũng sang trọng dân số trên cả triệu người, chợ Tàu cũng có người Việt tha hồ buôn bán tấp nập. Nhờ vào du khách sang đây du lịch, nhất là người Nhật toàn thích mua đồ nổi tiếng (brand name) mà có lần cả nước bị mệt vì Stock lỗ. Đảo có một cái trung tâm buôn bán to lớn nổi tiếng nhất tên "Alamoana Center" du khách Nhật phần đông đến đây mua sắm vì chủ của nó cũng là người Nhật, họ giúp cho "Cây nhà lá vườn" mà. Người Nhật họ rất "Trung thành" với dân họ. Đó cũng là một điều hay. Dân chúng ở đây phần đông là dân Á Châu, một số lớn qua đây vài đời rồi, vì ngày xưa sang làm công trồng thơm, khớm và ở lại đây sang đây sanh sôi, nảy nở. Lúc ấy người Mỹ bảo hộ, chưa lập thành tiểu bang. Phần đông người Tàu và Nhật rất giàu có. Dân chúng phần đông rất dễ mến và sẵn lòng giúp đỡ nếu bạn lỡ lạc đường, nhưng nhiều khi ngoài đường bạn gặp người bản xứ (gốc Polynisian) với tướng mạo to lớn, phì lũ cở 300 pounds, mặt mày trông tương tợ như Tào Tháo lai Châu Xương làm bạn cũng chút ít teo ruột hay phật phồng tí tí. Đường xá tuy ít nhưng cũng xa lộ rộng rãi chẳng thua gì Cali. Đảo này nổi tiếng như cồn vì trận Trân Châu Cảng Nhật dội bom làm cho căn cứ hải quân tan tành, chiếc tàu USS Arizona, xác chiên nằm đấy thấy rất rõ. Hàng năm họ làm lễ kỷ niệm để nhớ đến bài học tan thương mất đến 2,390 người vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Du khách đến thăm được xem cuộn phim ngắn về trận Nhật tấn công đó.
Núi Diamond Head cũng nối tiếng, nó là một núi lửa, nhưng nó đã tàn rụi trên 100 năm nay rồi để lại một lổ hỏng chính giữa to lớn lắm.
Pali Look out cũng là nơi nổi tiếng vì ở trên cao độ, gió thổi mạnh lắm, nơi đây có một lịch sử: Ông vua Keme Hameha thắng kẻ nổi loạn ở đây, bên bại trận vội nhảy ra khỏi khoảng trống để tự tử, không dè gió mạnh quá đánh bật lên làm họ bay ngược lại còn sống sót, chỉ bị tray xể thôi. Nơi đây có thể nhìn bao quát chung quanh, nhà cửa cây cỏ thấy nhỏ bé phía dưới chân núi.
Ở đây cũng có vườn bông nổi tiếng tên "Haiku garden" nơi mà người ta thường làm đám cưới, tiệc tùng. Nó được đưa lên màn bạc trong truyện phim dài là Hawaii five O mà Jack Lord đóng vai chính, đã được chiếu trong nhiều năm. Ngoài ra cảnh đẹp thì nhiều lắm khó mà kể hết. Sea Life Park là nơi bạn đến để nhìn các cá heo làm trò hay mua quà kỷ niệm.
Polynisian Cultural Center là nơi bạn đi dạo để thấy cách sinh sống của những giống người này ngày xưa. Cảnh trí rất lạ mắt, thuyền chèo với các nàng thiếu nữ trẻ đẹp đeo Lei (bông kết vòng) vũ múa lắc lư rất nhịp nhàng theo tiếng đàn Hạ Uy Cầm réo rắt, làm cho bạn có cảm tưởng lạc vào một hoang đảo xa lạ gặp được những nàng tiên kiều diễm, dễ thương.
Bãi biển North Shore rất nổi tiếng vì cũng được đưa vào phim và sóng đánh rất cao, nơi đây rất lý tưởng cho trượt nước, lướt sóng và nhiều lần được tổ chức cuộc thi tại đây. Ngoài ra còn biết bao bờ biển đẹp mà du khách thích đến như: Sunset Beach, Haiimana Bay Beach, Kailua Beach, Bellows Field Beach, Haleiwa Beach, Makapu'u Beach, Lanika Beach vv…nhưng hai bãi biển mà du khách đông nhất là Alamoana và Waikiki hấp dẫn lắm vì rất gần bên thành phố, khách sạn, nhà hàng, rất tiện lợi và nhất là người đẹp nằm thoải mái phơi nắng, bơi lội đông như kiến, nhất là mùa hè. Làm cho các đấng mày râu đi ngang qua khó mà không rảo mắt chiêm ngưỡng người đẹp.
Hawaii cũng có một nét đẹp dịu hiền, đứng đắn, nghiêm trang của nó, nó không bắt chước Las Vegas có những sòng bài bạc, đỏ đen vì "Cờ bạc là bác thằng bần" mà, nó cũng không có bãi biển nào để con người "trần như nhộng" bắt chước ông Adam và bà Eva thời tiền sử, trước khi ăn trái cấm, như ở những nơi khác và Gia Nã Đại.
Bây giờ xin cho tôi kể về cái đảo Ni'ihau nó rất là riêng tư, đặc biệt hoàn toàn không giống 6 hòn đảo kia, nó không hề chấp thuận để nhập vào 6 đảo kia để trở thành một tiểu bang của Mỹ vào năm 1959. nó thật sự thuộc quyền sở hữu của gia đình Sin Clair, gốc người Anh Cát Lợi. Ông vua Kamehameha thứ IV đã bán dứt nợ cho họ năm 1864 với giá $10,000 dollars. Khi đó họ chỉ nuôi bò và mướn dân bản xứ làm cho họ nhưng về sau này giòng họ Robinsons được thừa hưởng và họ khuyến khích dân chính gốc Hawaii về bên đó sống với sự tự nguyện, lần lần họ làm ra luật lệ cấm không ai được tự động sang qua, phải viết thư xin phép nếu họ không cho thì đành chịu. Số dân sống trên đảo này là 230 người mà thôi, họ không muốn văn minh, họ chỉ muốn bảo toàn nguyên vẹn giống dân Hawaii. Họ không có điện, nước máy, có ít tủ lạnh chạy bằng điện riêng và radio pin. Họ không nhận sự giúp đỡ bên ngoài, cả thư từ, ngày xưa họ dùng chim bồ câu mang tin, ngày nay có thư từ phải đưa qua đảo khác rồi họ chèo ghe qua lấy.
Con cái học trong trường Mỹ, nhưng về nhà phải nói tiếng Hawaii những đứa lớn nếu muốn học thêm phải qua đảo Kaui. Một điều lạ là người ta ít thấy mấy đứa lớn lên bị ánh sáng văn minh hay vật chất quyến rũ. Họ cũng không có nhà thương, bệnh viện. Sau khi trận bảo Iwa và Ikini năm 1992, họ bị thiệt hại nặng nề, tiểu bang đưa đề nghị giúp đỡ mà họ vẫn không nhận. Họ sống nhờ vào sự đổi chác cá biển và họ rất chịu khó, kiên nhẫn. Hàng năm không quá 3 lần nhờ ngọn sóng dâng cao gió thổi mạnh vỏ sò nhỏ tý tỵ bay vèo lên bờ cát trắng họ điều tìm kiếm trên bãi biển, lạ một điều là chỉ có đảo này mới có loại này. Họ chịu khó làm bằng tay từ ly, từ tý một, mỗi lần họ lựa sò ra phải bỏ ít nhất là 80% vì họ phải chọn những vỏ thật hoàn toàn và cùng màu sắc, nó có nhiều màu như trắng, vàng, xanh, đỏ bán rất đắt có thể từ 500 đô đến 5,000 đô hay hơn. Họ cũng tự trồng trọt cây trái. Họ bị nhiều khổ sở, gian nan vì không đầy đủ tiện nghi, chắc họ sống như những người Thượng hay Mường, Mán ở Việt Nam trên vùng Kontum, Ban Mê Thuột. Họ cũng cấm thuyền ghe nơi khác đến đây, nếu ai cãi họ tịch thu luôn. Có lần vì sợ dơ bẩn môi trường sống, tiểu bang cho người ta dọn dẹp bờ biển của họ, họ đuổi đi không bằng lòng, cho đến nay cũng chưa biết ai là chủ quyền của bờ biển đó. Còn một điều lạ là họ không bao giờ cho du khách ở lâu trên đảo nhất là đàn ông không được ở qua đêm (sau này họ có cho máy bay trực thăng đáp xuống thăm đảo). Quả thật, vì họ sợ rủi những ông khách lạ đó có tình ý gì với các nàng tiên trên đảo thì giống dân họ sẽ không còn hoàn toàn là dân Hawaii nữa. Có lẽ chắc vì giống dân Hawaii càng ngày càng ít đi, nên họ mới cố gắng gìn giữ, chu toàn giống dân của họ.
Tôi rất phục những người ở đảo này, họ không màng lợi lộc, danh vọng, nhà cao cửa rộng, bất kể thuốc thang khi đau ốm, nhất là khi có người muốn "dưng tới miệng". Họ yêu dân tộc đến đỗi, bỏ ra ngoài tất cả, để chỉ biết có nhau mà thôi. Phải nó họ là những người rất gan dạ, yêu quê hương dân tộc.
Hai câu ca dao tự thuở xa xưa bỗng hiện rõ ra trong trí tôi:
"Ta về ta tắm ao ta
Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn"
Nhìn họ tôi nghĩ đến thân. Tôi rất yêu thương đất nước của tôi, nơi tôi đã được mở mắt chào đời, chôn nhao, cắt rún. Nhờ bầu sữa mẹ mà tôi được lớn khôn dưới mái gia đình nệm êm, chăn ấm. Tôi cũng nhớ đến bà con còn sống quá thiếu thốn, đói nghèo. Nhưng thật sự tôi cũng quý mến nước Mỹ không kém, nhất là tiểu bang này nó đã cưu mang tôi, cho tôi cơ hội vươn lên tìm sự sống, cho tôi niềm vui đầy ấp từ gần 28 năm qua, gần cả phân nữa cuộc đời tôi. Vậy để được công bằng, tôi xin được ôm ấp trong lòng tôi Hai Mảnh Quê Hương cho đến ngày tôi nhắm mắt lìa đời và tro tàn của tôi cũng sẽ chia ra làm đôi ngã, hai nơi! Một nữa cho tôi hòa biển rộng nơi đây, phần kia hòa vào đồng ruộng quê tôi!!
Thu Thảo 12/12/02