Hôm nay,  

Những Hạt Đậu Trên Sàng

27/10/200200:00:00(Xem: 321065)
Người viết:

NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG

Bài tham dự số: 3022-670-vb51024

Nguyễn Trần Diệu Hương là tác giả bài viết “Chương Cuối Của Cuộc Đời”, một trong những giải danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2001. Cô hiện sống và làm việc tại miền Bắc California. Sau đây là viết mới nhất của cô nhân lễ Father’s Day.

Trong cái hỗn hợp đủ mọi chủng tộc của hơn 250 triệu người Mỹ, người Mỹ đầu tiên tạo cơ hội cho tôi vào nghề nghiệp chuyên môn đúng ngành học là một người Mỹ gốc Anh, một người English American nói tiếng Mỹ với giọng Anh, rất "phớt tỉnh Ang Le".

Ngày đó, tôi đang ở cuối năm thứ hai ở SJSU, và vừa đi học vừa đi làm một cái nghề không dính dáng gì đến major của mình. Cùng lúc, nước Mỹ đang ở vào một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài gần hai năm, những người có kinh nghiệm, có bằng cấp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm được một công việc hợp với khả năng của mình. Cho nên, khỏi phải nói, tôi đã hoài công gởi rất nhiều resume, những cái resume sửa soạn rất kỹ từ những "bài bản" ở trường, nhưng chỉ có "Thư đi mà không có thư về".

Tôi không nản lòng (thật ra không có thì giờ để mà chán nản, 24 tiếng mỗi ngày là một thời gian ngắn đối với một người vừa đi học, vừa đi làm full time) tiếp tục gởi resume đi khắp nơi.

Cuối cùng, sau khi đóng góp cho Bưu điện và Kinko's gần hai trăm dollars (đầu thập niên 90, email không phổ biến như bây giờ) tôi cũng tìm được một việc làm part time, 25 tiếng mỗi tuần đúng major của mình. Nhân viên làm part time không có được đầy đủ quyền lợi như những người làm full time (không có bảo hiểm sức khỏe, răng, mắt, không được trả lương vào những ngày lễ…) nên thường chỉ có được những người không có kinh nghiệm, hay sinh viên đang đi học mới chịu làm part time. Không thể nào tả nổi hạnh phúc của tôi lúc đó, bởi vì đó là công việc chuyên môn đầu tiên của tôi, công việc liên quan đến ngành tôi đang theo học.

Boss của tôi thời đó là John McGovern. Một người Anh đến Mỹ làm việc dưới dạng H1 Visa, và chỉ muốn quay về "quê hương sương mù" của mình để nghỉ hè, không phải để ở luôn. Đó là một điều rất đổi ngạc nhiên cho tôi, trong đầu óc ngây thơ của tôi lúc đó, chỉ có những người mất tự do mới phải lưu vong nơi quê người.

Hai năm đầu đến Mỹ làm "survival Jobs" nghĩa là tất cả mỗi nghề để sống còn, đa số là ở những Department Stores, đồng hương của tôi thường là những người Mễ Tây Cơ to béo đầy thể lực, an phận thủ thường, hay những người Phi Luật Tân nhờ con như đa số người Châu Á, với nước da ngăm, làm việc rất cần cù, và thường tự bằng lòng với đời sống hiện tại của mình. Nếu không đi học, không coi tivi, hẳn là khả năng của tôi không thể nào tiến bộ được. Bởi vì cũng như tôi, đồng nghiệp của tôi lúc đó nói tiếng Mỹ với accent tiếng mẹ đẻ. Trong đó, tệ nhất là những người Mễ, có lẽ một phần đất Mỹ nguyên thủy ngày xưa là của Mễ Tây Cơ, nên những người Mễ vẫn thấy hình như đây là đất nước của mình, không cần phải học thêm một ngôn ngữ khác. Thời còn làm việc chung với người Mễ, tôi học được tiếng Mễ nhiều hơn là tiếng Mỹ. Vì yếu kém tiếng Mỹ, nên đa số họ phải làm những việc tay chân, cần nhiều thể lực hơn là trí lực, với một thu nhập rất đỗi khiêm nhường. Bất cứ một sắc dân nào ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều nghĩ đến những người Mễ khi cần phải tìm những người lao động tay chân. Trong những trường dạy nghề, hay Community College, còn có nhiều học sinh Mễ, nhưng khi đến trường đại học, hay sau đại học, tìm được một người Mễ thế hệ thứ nhất là một điều không dễ dàng, nhất là trong những major cần đến óc thông minh nhiều hơn là sự cần cù.

Như một con két học nói tiếng người, từ khi làm với ông Boss người Anh, tôi bắt đầu nói tiếng Mỹ với giọng Anh. Tôi cũng không nhận ra điều đó, cho đến một lần trong lúc đối thoại với một người Mỹ ở một thư viện, bà ta nhìn tôi:

- Cô đến đây từ Anh quốc"

- Không, tôi đến từ Việt Nam. Tại sao bà hỏi tôi như vậy"

- Vì cô nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Mỹ.

Sau lời "cảnh giác" đó, mặc dù rất bận rộn, tôi vẫn có coi tivi ít nhất nửa tiếng mỗi ngày để "giữ giọng…Mỹ pha Việt Nam". Group làm việc của tôi chỉ có 4 người, ngoài John McGorvern, hai người kia một người đến Mỹ từ Na Uy mới 3 năm, nên dĩ nhiên vẫn nói tiếng Mỹ accent Na Uy, người cuối cùng trong nhóm là một người Mỹ, nhưng ông ta rất ít nói. Do đó, tôi đã nói tiếng Mỹ với giọng Anh trong gần hai năm làm với ông boss người Anh.

Đó là một công ty High Tech rất phổ biến ở Silicon Valley, hãy theo như cách gọi ở cộng đồng Việt Nam là "Thung lũng Hoa Vàng", thuộc miền Bắc California. Đa số những nhân viên của công ty là những kỹ sư thuộc đủ mọi ngành nghề: software, hardware, vật lý, hóa học và cơ khí. Ngay từ ngày đầu tiên làm ở công ty, tôi đã nhìn phone list nơi đó để tìm một cái họ Việt Nam. Chỉ có duy nhất một họ Trịnh của đồng bào tôi trong gần một trăm cái họ của đủ mọi nước trên quả địa cầu.

Cuối ngày hôm đó, nhân vật họ Trịnh đã đến cubicle của tôi để "Nhận đồng hương". Đó là anh Hoàn, một kỹ sư điện, đến Mỹ từ một ngày tháng Tư đau buồn của đất nước. Nhìn bảng tên họ Nguyễn của tôi anh cười thản nhiên:


- Hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ lập lại lịch sử, thời "Trịnh Nguyễn phân tranh".

- Anh yên tâm, nếu người xưa còn sống tới bây giờ, họ cũng không phân tranh nhau ở quê người. Ví dụ gì đi nữa, cũng không nên "bôi mặt đá nhau" ở một nơi không phải là quê hương chôn nhau cắt rốn của mình.

Công việc bận rộn cuốn tôi vào cơn lốc đầy "due date", bill ở nhà, project ở sở, bài vở ở trường, extra credit paper (thông thường tôi chỉ viết những trang research này nếu tôi đang ở "border line" của hai loại điểm-grades- cần thêm một vài điểm để được "bump" lên "grade" cao hơn). Nhưng tôi vẫn có thì giờ để quan sát, tìm hiểu thêm về những người làm sở mới . "Birthday of the month" được tổ chức hàng tháng ở phòng họp chính (main conference room) của công ty, hay trong những lần tôi đến phòng ăn đọc báo, hay lấy thêm cà phê, giúp hai con mắt của tôi mở to hơn.

Mỗi một người Mỹ gốc ngoại quốc, bất kể thuộc thế hệ thứ nhất (sinh ra ở ngoại quốc) nói tiếng Mỹ còn pha accent của tiếng mẹ đẻ, thế hệ thứ hai nói tiếng Mỹ rất lưu loát không pha accent ngoại quốc, hay thế hệ thứ "n" thường không biết đọc, biết viết, và đôi lúc còn không biết noiù ngôn ngữ chính của tổ tiên mình đều thể hiện bản sắc riêng "chúng ta đi mang theo quê hương" trong từng hành động hàng ngày của mình.

Những người Đài Loan với màu da vàng, rất thích ăn, đặc biệt là những thức ăn tẩm đầy dầu mỡ, thường trang trí cubicle làm việc của mình bằng những chữ Tàu, hình như là "Phước-Lộc-Thọ" rất chuộng màu đỏ và kỵ màu trắng. Trong những business trip, đặc biệt là những chuyến công tác về lại quê nhà, nhiều người thường dùng tiền công chi cho việc riêng, mặc dù đã nhiều lần bị bộ phận kế toán nhắc nhở, nơi gần, nơi xa. Vào ngày Tết nguyên đán, họ thường tìm đủ mọi cách đề nghị, nếu không lấy được vacation, thì cũng "call sick" vào đầu ngày. Họ thường nói tiếng mẹ đẻ với nhau trong giao tiếp với đồng bào. Tiếng của họ vang vang trong phòng ăn rộng mênh mông nhắc nhở tất cả mọi người nhớ đến một nước Trung Hoa rất đông dân, luôn luôn bị nạn nhân đe dọa, có lẽ vì thế họ có thói quen "ăn to nói lớn". Bởi vì trong một đám đông ồn ào, muốn cho người khác chú ý đến mình, người ta thường phải nói lớn hơn bình thường.

Với nước da sậm đen và hàng ria mép rất phổ biến ở các nước theo đạo Hồi (nhắc người Mỹ nói ám về những tên không tặc cuồng tín, vô lương tâm của ngày 11 tháng 9 đầy nước mắt) những người Ấn Độ, thường phải đối đầu với INS, sở Di trú Hoa Kỳ mới 6 tháng khi Visa H1 của họ cần phải đươc gia hạn tiếp. Nơi làm việc của họ thường rất đơn giản, không được trang trí rườm rà như những văn phòng của đồng nghiệp. Cũng như người Mỹ gốc Việt, họ thường gởi tiền về cho thân nhân ở quê nhà, đông dân nhất nhì, và cũng nghèo nhất nhì thế giới. Họ làm việc rất cần cù, mang theo tinh hoa quý giá nhất của hơn một tỷ người Ấn Độ qua Mỹ: khả năng toán học. Như một bù trừ, bên cạnh khả năng tuyệt vời về toán học, đa số người Mỹ gốc Ấn Độ có một khả năng rất khiêm nhường về ngôn ngữ, tiếng Mỹ của họ vừa nặng nề (như mang theo cả một dãy Hy Mã Lạp Sơn) vừa khó nghe.

Là một người rất nhạy cảm về mùi vị, tôi đã âm thầm gạt khỏi thực đơn của riêng mình món "cari" mặc dù đây là một trong những món vừa rẻ, vừa dễ nấu, khi tôi đặt một cái gạch nối giữa mùi vị con người và mùi vị thức ăn, như người Mỹ vẫn có câu "You are what you eat".

Có một bề ngoài không khác gì người Mỹ bản xứ về màu da và chiều cao, những người Pháp mảnh mai, thon thả khi mới đến Mỹ. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, thực phẩm rất rẻ và đầy dãy ở Mỹ (ở sở, khi kinh tế phát triển, tình hình tài chánh sáng sủa, nhân viên thường được có free lunch ít nhất một ngày mỗi tuần, đôi khi còn được ăn điểm tâm miễn phí dù 5 ngày làm việc mỗi tuần) những người Mỹ gốc Pháp da mặt đành mất "shape" của mình. Truyền thống "thực dân" từ gần một trăm năm qua, dĩ nhiên cũng được mang theo, họ vẫn, thảng hoặc, kín đáo chê người Mỹ không có truyền thống, học hành ở Mỹ "chỉ có chiều sâu, không có chiều ngang…(hẳn là họ không biết đến câu "bá nghề, bá trị, vị chi…bá láp".

Dĩ nhiên, họ chỉ dám nói ra điều đó với người Mỹ gốc ngoại quốc, thế hệ thứ nhất, không hề dám đề cập với người Mỹ bản xứ. Họ làm việc không chăm chỉ như người Việt gốc Á, và vẫn luôn phàn nàn người Mỹ làm việc nhiều quá. Dù tiếng Pháp và tiếng Anh đều thuộc loại đa âm, vẫn rất dễ dàng nhận ra một người Mỹ gốc Pháp thế hệ thứ nhất khi họ phát âm những từ bắt đầu bằng chữ "R".

John Mc Govern, bằng một cách riêng, cũng mang theo "quê hương sương mù" của mình qua Mỹ. Lòng tự hào của người Anh hình như cao nhất so với những sắc dân lưu vong khác. Ông boss người Anh của nhóm chúng tôi cũng đã hơn một lần nhắc đến câu "Mặt trời không bao giờ lặn trên vương quốc Anh". Mỗi dân tộc đều có một niềm tự hào riêng về một truyền thống nào đó của mình. Niềm tự hào của những người Anh hình như vượt trội hơn hết, chẳng thế mà vào đầu thế kỷ 21, khi Châu Âu có chung đồng Europe, đơn vị tiền tệ thống nhất cho hầu hết các quốc gia Châu Âu, thì người Anh vẫn giữ đồng "sterlings" riêng, như là một niềm tự hào về nguồn gốc của họ, không muốn bị đồng hóa với bất cứ ai. Ngay cả trên bước đường lưu lạc, làm việc ở quê người, John McGovern vẫn "đứng thẳng lưng" và đối xử với những "big boss" một cách rất bình đẳng. Ông boss người Anh của tôi vẫn can đảm phê bình thẳng thừng, lớn tiếng trong các cuộc họp bằng một accent Anh quốc rất đặc biệt giữa đất Mỹ.

Một lần, trong một business lunch trong nhóm chúng tôi, John McGovern đã khuyên chúng tôi một điều, mà tôi vẫn nhớ mãi cho đến bây giờ:

- Cuộc đời không bao giờ công bằng. Nhưng bổn phận của chúng ta phải làm cho cuộc đời càng ngày càng đỡ bất công, cho dù đôi lúc chúng ta phải trả một giá đắt cho việc đấu tranh đó.

Tôi không biết tất cả những điều John McGovern đã làm để đi đến gần sự công bằng, nhưng ít nhất John McGovern đã điều chỉnh giờ làm việc của tôi thành Fulltime để tôi có đầy đủ mọi quyền lợi. Còn hơn thế, tôi có đươc Flexible hours, có thể vào ra sở bất cứ giờ nào, miễn là hoàn thành nhiệm vụ được giao.

John McGovern cũng nửa đùa nửa thật với chúng tôi:

- Tụi bây có biết là hồi xưa, lúc Columbus mới tìm ra Châu Mỹ, nhiều người Châu Âu đến vùng đất mới, ai cũng muốn là tiếng nói của mình sẽ thành ngôn ngữ chính của Châu Mỹ. Tụi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có truyền thống xuôi Nam, nên sau này Ba Tây hay Argentina nói tiếng Bồ Đào Nha. Ở Bắc Mỹ, đa số là người Anh và Pháp, nhưng người Anh đông hơn và "cao" hơn (John đã dùng lời diễn tả bằng tay của người Mỹ với hai cánh tay dơ lên, như kiểu chào sói con trong Hướng đạo, với hai ngón trỏ và hai ngón giữa cũng chuyển động để diễn tả chữ "cao") nên sau này English trở thành ngôn ngữ chính của Hoa Kỳ. Và do sống giữa một hỗn hợp đủ thứ sắc dân, kể cả người Indian bản xứ, tiếng Mỹ đã không còn accent của Anh quốc. Người Pháp rất bất bình vì French đã bị "knock out" bởi English, nên sau này họ vẫn thường hay tìm đủ mọi lý do nhỏ nhất để chê Mỹ, mặc dù như tất cả mọi nước khác trên địa cầu, Pháp cũng nghèo hơn Mỹ nhiều, và cũng rất cần hàng hóa và những đồng dollars xanh của Mỹ.

Tôi chợt nhớ đến một câu hát rất buồn về dân tộc mình "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày…." Và thầm tự hào sau bao nhiêu biến dâu, tiếng Việt vẫn còn, và được mang theo trên những bước đường lưu vong ở khắp nơi trên thế giới.

Là "một hạt đậu nhỏ" trong cái "melting pot" vĩ đại khổng lồ của nước Mỹ, tôi vẫn ước mong và cầu nguyện là những hạt đậu văng ra từ một dãy đất hình chữ S ở bên kia bờ Thái Bình Dương sẽ nhận được những hạt giống mới tốt hơn, to lớn hơn và có một tấm lòng cho tự do và no ấm của hơn 70 triệu đồng bào vẫn còn lầm than ở quê nhà.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Santa Clara, tháng 10/02

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,310,393
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.