Hôm nay,  

Ngũ Đại Hồ, Đất Lành

12/09/200200:00:00(Xem: 182170)
Người viết: VÕ THỊ XUÂN ĐÀO

Bài tham dự số: 2-639-vb20909

Tác giả Võ thị Xuân Đào 48 tuổi, cư trú tại vùng Chicago, tiểu bang Ilinois, hiện làm việc cho IC Penney tại Calumet City. Bà Võ cho biết mới đây “tình cờ tim được Việt Báo trên Online” và góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một đoản văn nhiều chất thơ mộng từ vùng Ngũ Đại Hồ. Mong bà Võ sẽ tiếp tục viết thêm.

+++

Buổi sáng, con đường đến sở, hai hàng cây lá xanh mượt, cơn mưa đêm còn long lanh vài giọt nước. Nắng rất trong, gió thật nhẹ. Hình như, lâu lắm, ở một nơi thật xa, không nhìn thấy, nhưng cũng rất gần, nằm yên trong ký ức, cũng buổi sáng nhẹ như sương, con đường đến trường, hai hàng cây lá me bay, áo học trò phơ phất… mỗi đầu ngày.

Cho đến bây giờ, một điều các em vẩn không hiểu tại sao tôi lưu luyến cái xứ đạo buồn hiu hắt nầy, mùa hè theo tuổi đời thu ngắn, mùa đông theo ngày tháng chồng thêm… Bao nhiêu lần cất bước, lại quay trở về.

Bạn bè lần lượt xuôi nam, về vùng vịnh Mexico đầy tôm cá, hay về mãi viễn tây Cali nắng ấm. Tôi vẩn ngày tháng mênh mang, tôi vẩn dợm đi nhưng lại về, thoắt đó mà hơn hai mươi năm.

Ngày đầu đặt chân xuống phi trường O'Hare, ngơ ngác như bầy chim lạc. Chị Lisa Vũ đến đón, rối rít, hớn hở, nồng ấm.

- Chị đưa mấy đứa đi nghe nhạc Việt Nam, may quá, gặp đúng dịp ...

Con đường về thành phố, hình như trong trí nhớ mù mờ có bài hát thuở sinh hoạt cộng đồng … " đi đến Chicago, Chicago …" có toà nhà cao nhất thế giới, nằm cạnh hồ Michigan, lớn nhất trong Ngũ đại hồ. Xa lộ bát ngát, nhộn nhip xe cộ, phố xá ven đường, thật xa những đồi cát nắng cháy da ngày nằm trong trại tị nạn, thật nhỏ con đường mòn dẩn xuống bờ biển xanh, hàng dương liễu lá mong manh rì rào.

Tiếng nói reo vui của chị Lisa, hỏi bao nhiêu chuyện vắn dài, bao nhiêu con đường trong trí nhớ, chị huyên thuyên về những ngày còn ở quê nhà, lúc nghe tin hòa bình cũng là lúc chia xa, nước thống nhất nhưng lại mất nhà, có muốn về cũng chẳng còn nơi dung thân, chị lang thang như du mục, mãi đến lúc dân bỏ chế độ đi tìm đường sống, luồng sóng tị nạn gia tăng mỗi ngày, chị đến làm cho cơ quan xã hội để còn nghe và nói tiếng Mẹ, hướng dẩn đồng bào những ngày đầu tiên, công việc bận bịu giúp chị quên đi phần nào nổi nhớ nhung khao khát.

Chương trình văn nghệ tổ chức trong hội trường Đại học Truman, nhỏ và ấm cúng, chúng tôi vào đến nơi đã thấy rất đông người, tiếng chào mừng rộn ràng, người người dăm ba rối rít. Khai mạc bằng những tiếng hát học trò, và bất ngờ, đôi uyên ương Văn Phụng-Châu Hà nhân vật chính trong buổi văn nghệ, cũng là khuôn mặt quen thuộc của những ngày đầu tiên đến Pulau Besar. Chúng tôi đến chào và cảm ơn anh chị, bức tượng Phật Di Lặc (hay ông Địa) theo mọi người tin tưởng sẽ mang lại sự an vui và may mắn, lúc anh chị rời trại tạm cư tặng lại anh Huỳnh Ngọc Aån, lúc anh Ẩn rời đi tặng lại cho chúng tôi, và hiện nay vẩn lưu truyền trong trại do các em đến sau gìn giữ, chúng tôi hy vọng sẽ chuyền tay nhau sự may mắn của người đi trước.Tha hương ngộ cố tri, chút duyên tri ngộ từ ngày đầu thở không khí tự do, bài hát " Trăng trên Pulau Besar " anh chị hát tặng chúng tôi thật ấm nồng.

Không thể diễn tả được cảm giác bâng khuâng, trên đường về, ngang qua một cánh rừng, sau nầy tôi mới biết là đó là khu vực chánh phủ bảo vệ, bên cạnh những bụi rậm, những thân cây sồi cao, nhưng điều in đậm trong trí nhớ là màu lá thu, tôi nhớ như ngày hôm qua, mùa thu trong sách vở học trò, mùa thu ngày tựu trường, mùa thu chỉ hình dung trong tâm tưởng, mùa thu trong tranh vẽ, bức tường mùa thu trong quán kem ở đường Lê Lợi, những ngày theo nhau chân vui, mùa thu tôi mê đắm đang trải trước mắt, đang thoi thóp trong tim… Những ngày nằm nghe mưa lướt thướt trên hàng lá me mùa đông ở miền nam, tiếng ve sầu cuối thu thê thiết, có điều gì thôi thúc, có nổi nào trăn trở, những cánh thư bay đi về vội vã …

Cũng không biết vì nghiệp duyên tiền kiếp, hay mê đắm hiện nay, tôi xuôi Nam nhưng lại trở về. Lần trở về vẩn chị Lisa, người đến đón tận cổng, lần nầy có cả hai vợ chồng cùng đứa con gái nhỏ, chị vẩn tíu tít, giới thiệu mọi người, cẩn thận mang cả áo choàng dầy cộm

- Chị biết các em chưa hình dung được mùa đông ở Chicago, hôm nay ấm gần bốn mươi độ ( 40 F ), mới vừa qua một cơn bão tuyết …

Chúng tôi theo anh chị về ngoại ô, cách thành phố Chicago khoảng tám mươi dặm về phía bắc, khu trại nghỉ mát chỉ dùng cho mùa hè, nhưng anh chị vẩn thường về nghỉ mỗi cuối tuần. Tôi yêu cái không gian tĩnh mịch nơi nầy. Những ngày đầu lao đao, những bước chân làm lại cuộc đời, những ngày nghỉ cuối tuần … Mùa đông, buổi sáng nhìn ra sân trước nhà, con đường mòn và đôi vệt bánh xe lăn tối qua không còn dấu vết, trên cành thông tuyết trắng phủ đầy. Tuyết bay như bông gòn trong những ngày gió lớn thời ấu thơ, những ngày bình an chạy chơi trong vườn, đuổi theo cánh chuồn chuồn mỏng như mây. Chung trà nóng trên tay, anh Hải đến bên cạnh tôi, nhìn tuyết bay phơ phất, anh và chị Lisa hoàn toàn trái ngược, anh vẩn thường nhẹ nhàng:

- Chị của em nói đủ rồi, anh không cần phải nói nữa …

Anh sống và làm việc bên ngoài đã lâu, nhưng bước vào nhà, từ bức tranh thuỷ mặc, ngọn đèn lồng trong góc nhà, hình ảnh quê hương, con trâu, cánh đồng …và nói chuyện như một ẩn sĩ … Thời gian gần nhau không bao lâu, nhắc lại kỷ niệm ban đầu, những buổi trà đàm thâu đêm, những ngày nhìn tuyết rơi đầy ngõ, cái xao xuyến của lần đầu nhìn tuyết rơi, loay hoay với đôi giày tuyết cao quá gối … Cô bé Alexy chim sáo, cứ nhất định lôi chúng tôi ra ngoài đắp người tuyết, mải mê đến lúc cóng cả tay chân mới chịu vào …

Cuối mùa đông, khu trại nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa. Những cành khô hai bên đường đã thấy nụ xanh non, sáng ngày nghe tiếng chim reo vui, nhìn tia nắng len qua khung cửa sổ, không gian cũng chuyển mình nhẹ nhàng. Bên cạnh khu rừng thông già, con suối nhỏ, mạch nước thật trong, như mời mọc đôi chân trần dại dột, bước vào nước lạnh tái tê.

Hàng ngày, tôi theo anh Hải sang bên nhà bếp kiểm điểm các vật dụng, mở cửa mấy căn nhà không dùng suốt mùa đông. Có tất cả mười bảy căn, không kể hai căn anh và người phụ tá dùng làm nơi cư ngụ. Công việc nhẹ nhàng, so với những ngày ngồi thâu đêm bên ngọn đèn dầu lu, từng mũi kim may, từng manh vải nhỏ, hay dãi nắng dầm mưa xắn từng nhát len vào đất sét xanh, nắng cháy trên da, hay nước mưa từng giọt chảy dài…

Cuối hạ, không còn những ngày tung tăng, cánh đồng hoa vàng đã biến dạng, tơ trắng bay rộn ràng, tiếng trẻ thơ đêm lửa trại cuối cùng, tất cả cũng qua đi… Khu trại chẩn bị đóng cửa, cũng là lúc tôi rời cánh rừng bình an, theo nhau về vùng đất hứa.

Định cư phía đông nam thành phố, tỉnh lỵ nhỏ hiền hoà, lúc theo nhau về đây, từ trên xa lộ nhìn xuống, gác chuông nhà thờ nhấp nhô. Bên cạnh phố xá, công viên, con đường hai hàng cây, nằm dài theo bờ hồ, những ngày hè dài mang các con ra bãi cát, những ngày thu vàng nắng nhặt lá gió bay, cuộc sống thầm lặng, bình yên… Các em lớn lên, học hành và công việc, lần lượt ra đi. Các con lớn lên, mỗi mùa hè, đi thăm một vùng đất mới, từ miền viển tây đến cận đông, từ bờ biển bắc Maine đến miền nam Key West … mỗi nơi, câu hỏi cuối cùng, lại khăn gói quay về.

Tỉnh lỵ, nhỏ như Long Xuyên yêu dấu, đi năm phút đã về chốn cũ (bài hát miền cao nguyên vẩn thường nhắc, ngày xưa …) mỗi góc đường là nóc chuông nhà thờ, mỗi cuối đường về một bờ hồ, buổi sáng nhìn mặt trời lên bên hồ đông Michigan, chiều đuổi theo chim bồ câu bên hồ tây Woft lake… mỗi góc phố in hình ảnh của quê hương xa vời, của con đường xanh bóng cây, của dạt dào nổi nhớ.

Mùa hè, mẹ con thơ thẩn dắt nhau ra bờ hồ nghe sóng vỗ, nhìn chiều buông, mang bắp rang rải xuống bờ đá, nhìn bầy chim đuổi nhau tung tăng… hay ngồi thòng chân đong đưa trên cầu tàu, đếm mấy chú cá tung tăng bơi theo làn nước trong xanh biếc. Nhớ lại những ngày nước nổi chờ lớp học tan, vội vàng chạy về nhà cất sách vở để ra ao bắt cá lìm kìm, mấy cái chậu sành của bà thả đầy cá con. Bây giờ, nhìn đàn con nhỏ tung tăng chạy đuổi nhau trong thảm cỏ xanh mơ, hay ngồi đếm bao nhiêu cánh chim bay qua, mỗi cánh chim bay chở theo ít nhiều ngày tháng... Nắng vàng như nắng ở quê hương, như xôn xao thời tuổi nhỏ, ngày bắt gặp tổ chim sẻ nằm trên mái nhà sau. Như lần gọi khẽ các con, trên nhánh cây thông xanh trước nhà có tổ chim, mỗi ngày đi học về, các con rón rén ra đứng bên cửa sổ, nhìn mãi đôi vợ chồng chim, tha từng cọng cỏ khô, từng chiếc lá vụng về xây tổ cho con. Cũng như Bố Mẹ, nâng niu, gìn giữ các con. Bố vừa đi học thêm, vừa đi làm, chút tiền dành dụm, mua được căn nhà cũ làm mái ấm, đến lúc các con sinh ra, căn nhà nhỏ dần theo tuổi lớn, Bố Mẹ lại lọc cọc cưa cắt, tầng dưới nhà trước đây ẩm thấp, tối tăm, vất vả hàng ngày, hàng tháng, cả đời Bố Mẹ chưa từng cầm cưa, chưa từng xây viên gạch, bài học những này đi sinh hoạt cộng đồng thời mới lớn : tự tin và gây tin tưởng, không ngại ngần khi gặp khó khăn, học hõi không ngừng … cuối cùng thì các con có cả căn phòng lớn làm chốn chạy chơi, làm nơi học hành.

Mùa đông, bờ hồ đóng đầy băng, những lượn sóng thay bằng lớp đá trắng tinh, cầu tàu đã kéo lên, bờ đá khi xưa biến dạng, con đường hai hàng cây lá xanh giờ cành khô lặng lẽ, đàn chim xuôi nam phương đã vắng bóng từ lâu. Những ngày trời trong, lạnh se sắt, hơi thở như khói sương, xa xa những người ngồi câu cá giống như pho tượng trên nền tuyết trắng. Mấy anh em muốn phiêu lưu ra giữa hồ, Mẹ dặn dò bao nhiêu lần:

- Không nên đi ra xa, băng còn mong manh lắm, coi chừng sẩy chân rơi xuống hồ bị nước ngầm cuốn đi.

Mải chơi đến lúc hai má đỏ như tô phấn hồng, dắt díu nhau về với cốc Hot cocoa nóng bỏng. Những ngày tuyết đầy sân, mấy anh em chạy vào nhà xin mẹ củ cà rốt làm mũi cho snowman … Tuổi thơ các con trong mái ấm đầu tiên thật bình an. Ngày tháng qua nhanh như bốn mùa, các con lớn lên như cây thông xanh trước nhà, thật hồn nhiên, bên cạnh Bố Mẹ luôn vất vã, luôn âu lo trăn trở.

Bao nhiêu lần dợm bước chân đi, bao nhiêu mùa đông tê tái, đến lúc nhìn những nụ xanh non trên cành khô, những giọt mưa xuân nhẹ nhàng, lại có sợi dây vô hình trói buộc, lần về Nam tìm bạn bè, lần sang Tây tìm tình thân, những tối băn khoăn, những ngày toan tính… cuối cùng chúng tôi lại về.

Lúc nhìn thấy ngọn đồi nhỏ và hàng cây vàng lá cuối thu, có tiếng nói thầm thì mời mọc, có thôi thúc đợi chờ, tôi tìm thấy nơi bình an trú chân, lại theo nhau bắt đầu xây mái ấm, giống như đôi vợ chồng chim tha từng cọng cỏ khô, suốt mùa thu đi về, những ngày đầu đông theo nhau lếch thếch …

Đầu năm, như những con chim non mới nở, tung tăng vào nhà mới, chia nhau từng góc nhà. Những bâng khuâng, thay đổi, luyến lưu của căn nhà cũ, của chúng bạn quen… cũng qua đi.

Buổi sáng, nhìn ra khu rừng nhỏ sau nhà, những cành khô đêm qua nở đầy hoa tuyết, ngọn đồi, con dốc. Không gian thật bình yên, bên cạnh cuộc chạy đua cơm áo hàng ngày, những thư đi thư về, ở vùng kỷ niệm xa xưa, kể lại cược sống, bên nầy bên kia. Con đường nào cũng bắt đầu từ khởi điểm, cái hạnh phúc mỗi cuối đông nhìn những nụ xanh non hàng ngày, cái hạnh phúc mỗi ngày đi làm về, rón rén ra nhìn xuống gầm deck xem đôi Robin có còn ấp trứng trong tổ chim, chờ vết răn trên vỏ trứng xanh biếc, chờ đợi tiếng chim chíp và màu lông vàng tơ. Cho đến ngày em bé mặt buồn queo chạy vào:

- Mẹ, mấy con chim non của em bay mất rồi …

Tôi nhìn xuống deck, cái tổ chim chỉ còn lại mấy cọng cỏ khô và mảnh trứng vụn xanh biếc. Mỗi ngày, em bé đi học về là chạy ngay ra cửa sổ nhìn xuống, hy vọng là mấy con chim Robin sẽ trở về. Không thể giải thích cho các con, như giọt nước chảy xuôi, đàn chim non sẽ có ngày rời xa Bố Mẹ. Một ngày nào đó, các con cũng bay xa như bầy chim non. Một ngày nào, các con lại tha từng cọng cỏ khô về xây tổ ấm. Mỗi mùa xuân, lại có đôi Robin xây tổ ở một góc nhà nào đó, các con sẽ tiếp tục nhìn thấy và chờ đợi, nhưng thời gian rồi sẽ qua mau, con sẽ lớn lên, nắng mưa hờn dỗi,học trò vụng dại,băn khoăn bận bịu trong cuộc sống, đôi chim và cái tổ sẽ không còn là mối bận tâm lúc bấy giờ,có chăng chỉ là những thoáng qua xao xuyến…

Cuộc sống bình yên ở quê hương thứ hai, cái xứ đạo buồn hiu hắt, không thể giải thích được những bâng khuâng, lưu luyến, câu "đất lành chim đậu", "sống gởi thác về" của một thời yêu thương tha thiết, cái quê hương tuổi nhỏ nằm yên trong nổi nhớ, thật xa và rất gần. Một nửa đời khôn lớn, thương nhớ nơi nào" Một nửa đời qua đi, nơi sinh ra hay nơi dung dưỡng" Trong nổi nhung nhớ trùng trùng …

Võ Thị Xuân Đào

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,280,970
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến