Hôm nay,  

Nghĩa Mẹ

14/10/201300:00:00(Xem: 37727)
Tác giả: Nguyễn Thị Hữu Duyên
Bài số 4035-14-29435vb2101413


Tác giả còn sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, công việc: làm nail. Tham gia viết về nước Mỹ từ 2011. Với bút hiệu Hữu Duyên Nguyễn và bài "Cám Ơn Bố", bà đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Các bài viết của tác giả đều thể hiện tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ.

image001
“Mẹ và cháu”.

* * *

“Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”(*)

Vậy mà lâu lắm tôi không được gần mẹ. Đây là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam thăm mẹ. Niềm vui mừng và nỗi ray rứt như hoà quyện vào nhau.

Khi đẩy xe ra khỏi vòng trong, tôi đưa mắt nhìn đám người đang ồn ào náo nhiệt giữa sự chen lấn và kêu gọi nhau ơi ới bên ngoài, mà cảnh này tôi không bao giờ thấy ở Mỹ. Tôi bước chậm lại như muốn ghi nhận cảm giác hồi hộp này.

Máy bay trễ 15 phút. Đã 11 giờ khuya. Sân bay sáng choang như ban ngày. Có tiếng reo bên góc trái:

- Dì tư kìa, dì tư kìa, dì tư ơi, dì tư.

Tôi nhìn về phía tiếng gọi mình (trong gia đình tôi là người con thứ tư). Kìa! giữa đám đông các anh chị em và các cháu, một hình ảnh sáng rực lên dưới ánh đèn: Bà mặc nguyên bộ bà ba bằng gấm trắng, quàng cổ với chiếc khăn the trắng, nổi nhất là mái tóc bạc trắng. Mẹ tôi đó. Mái tóc sáng ánh lên màu bạch kim. Tôi bỏ xe đẩy, nhào đến ôm mẹ, nghẹn ngào không thốt nên lời. Vòng tay khẳng khiu, mảnh khảnh của Mẹ ôm lấy tôi Mẹ chầm chậm rút trong túi chiếc khăn tay nhỏ mềm mại cũng màu trắng, lau nước mắt rồi nhìn tôi thật kỹ:

- Con về bao lâu?. - Câu hỏi này tôi đã trả lời mẹ nhiều lần qua phone.

Tôi ôm mẹ, hai giọt nước mắt nóng hổi nhỏ xuống mái tóc bạc.

- Má khỏe không? Tôi nghẹn ngào

- Má khoẻ, con khoẻ không? Mẹ nói trong nước mắt.

- Dạ khỏe. Tôi ôm cánh tay Mẹ vào ngực siết nhẹ.

- Xin lỗi vì máy bay đến trễ làm mọi người phải đợi lâu.

Tôi quay sang các anh chị em và các cháu thanh minh.

Tất cả đều lên xe, chiếc xe bốn mưoi lăm chỗ ngồi, chở cả đại gia đình, để đi đón chỉ một người về từ nửa vòng trái đất sau chín năm xa cách, chín năm thương nhớ dâng tràn.

Xe rời sân bay, hướng về tỉnh lỵ Tây Ninh. Tôi ngồi yên lặng nắm tay Mẹ, nước mắt cứ giọt vắn giọt dài lã chã. Mẹ già như vậy sao? Tôi thầm nghĩ.

Đã tám mươi sáu năm trôi qua đời Mẹ. Mái tóc bạc trắng này nói lên bao nhọc nhằn Mẹ mang theo cho đến tận bây giờ. Suốt bao năm tháng lao động vất vả đã biến mái tóc đen mượt thời con gái của Mẹ tôi thành mái tóc màu bạch kim.

Sau biến cố lịch sử ngày ba mươi tháng tư năm bảy mươi lăm, Mẹ buôn tảo, bán tần từng cái bánh ích, từng củ khoai lang để nuôi đàn con chín đứa. Nỗi cơ cực nặng oằn trên đôi quang gánh kẽo kẹt làm chai cứng đôi bờ vai nhỏ của Mẹ.

Tôi vuốt nhẹ tóc Mẹ:

- Tóc má trắng hết rồi, nhưng đẹp lắm, lần này trở về Mỹ con sẽ không nhuộm tóc nữa, để cho trắng như má vậy.

- Nhưng tóc bạc nhìn già lắm bà Tư ơi. Cháu Hân, cháu nội của chị hai cho lời nhận xét như vậy. Ngày tôi rời Việt Nam để theo chồng đoàn tụ, Hân chỉ là đứa bé mới sinh được hai tháng nay đã được chín tuổi rồi còn gì.

Tôi chép miệng:

- Thì bà cũng già rồi con!

- Con thấy bà Tư còn trẻ mà, bà đâu có già như bà nội con và bà cố mà bà lại đẹp nữa, bà đừng để tóc trắng nghen, con không muốn đâu.- Hân phản đối.

Tôi quay lại cười với Hân:

- Cám ơn con, bà sẽ suy nghĩ lại, được không ?

- Dạ.- Hân cười khoái chí như vừa lập được chiến công.

Hơn hai giờ trên xe, tôi phải trả lời nhiều hơn nói chuyện. Những gì thắc mắc về nước Mỹ đều được mọi người đem ra hỏi.

Xe đến nhà. Tôi đứng ngẩn ngơ giữa sân đảo mắt nhìn bốn bên hàng xóm, cái xóm nhỏ ngày nào giờ đây không còn nữa. Nó đã thay đổi quá nhiều. Bước vào căn nhà mình đã lớn lên với biết bao kỷ niệm vui buồn, lòng tôi dâng trào một cảm xúc khó tả đến lạ lùng.

Tôi gọi điện thoại về Mỹ báo tin cho chồng con biết đã đến Việt Nam bình an. Mọi người đều muốn nói chuyện với chồng và con tôi. Tôi vui lắm:

- Nè, cứ tha hồ mà nói đi, nói cho ảnh nôn nao mà mau thu xếp một chuyến về thăm gia đình.- Tôi trao phone cho mọi người.

Cả nhà quây quần bên nồi cháo gà thật to, thơm phưng phức. Mùi hành tiêu xộc vào khứu giác, chưa ăn đã nuốt nước miếng ừng ực. Mọi người vừa ăn vừa tiếp tục phỏng vấn Việt Kiều - là tôi đó.

Đới sống Mỹ thế nào? Con người nước Mỹ tốt, xấu ra sao? Việc làm, việc học ở nước Mỹ? Văn hoá Mỹ khác Việt Nam ra sao ? Tiểu bang nào lạnh nhất, tuyết nhiều nhất? Tóm lại hầu như trong một thời gian ngắn mà các anh chị và các cháu tôi đều muốn được đi du lịch vòng quanh nước Mỹ. Thấy vậy anh Ba đằng hắng:

- Nếu phải nói chỉ một điều duy nhất ấn tượng về nước Mỹ thì cô Tư nó sẽ nói đều gì để mọi người biết điều đó chỉ nước Mỹ mới có mà thôi?

Anh Ba như muốn giúp tôi thoát ra khỏi vòng vây này. Anh là hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc thị xã, anh đã tốt nghiệp Cử nhân chuyên nghành giáo dục. Tóm lại anh là đại diện cho tầng lớp trí thức trong gia đình tôi. Mọi ánh mắt đều nhìn từ anh sang tôi, chờ đợi. Câu hỏi này nghe có vẻ hấp dẫn khiến tiếng ồn ào cũng im bặt vì ai cũng muốn nghe rõ câu trả lời. Tôi miên man suy nghĩ xem phải nói điều gì cho chính xác. Để kéo dài thời gian, tôi đảo mắt nhìn từng người đang ngồi xung quanh.

- Nếu chỉ được chọn một điều để nói thì em xin nói về đồng đô la Mỹ. Tôi vừa trả lời vừa lấy ra mấy tờ đô.

- Tại sao? Tiền thì nước nào cũng có đâu riêng gì nước Mỹ. Anh ba cười khẩy.

- Đúng, mỗi quốc gia đều có đồng tiền riêng của mình, nhưng tuyệt nhiên chỉ có đồng đô la Mỹ mới có một hàng chữ thể hiện cho niềm tin của họ.

Tôi vừa nói vừa trao mấy tờ đô la Mỹ vào tay những người đang ngồi gần. Anh ba cũng cầm một tờ.

- Mọi người thấy chữ “IN GOD WE TRUST” in ở mặt sau phía trên “Nhà Trắng” không? – Tôi chỉ vào hàng chữ cho mọi người xem.

Anh ba gục gật đầu.

- Đồng đô la Mỹ là đồng ngoại tệ mạnh có giá trị khắp thế giới vì họ biết tôn vinh Thượng đế nên Ngài ban phước cho đồng tiền của họ một cách lạ lùng.

Tôi nhẹ nhàng giải thích. Mọi con mắt đều tròn xoe thích thú khi biết được điều này và lập tức chuyền cho nhau những tờ đô la để xem cho rõ.

Những tiếng á, à, ùm phát ra trong sự thích thú. Mấy phút sau, thêm một câu hỏi.

- Nếu cho nói thêm điều thứ hai thì bà Tư nói gì, con muốn biết. Lại bé Hân một lần nữa nhanh nhảu.

Cả đám trẻ hùa theo bé Hân, đòi tôi nói điều thứ hai, mấy anh chị em tôi dường như cũng đồng tình và hứng thú với câu hỏi này nên không ai la rầy bọn trẻ mà lại im lặng chờ nghe.

Tôi biết rất rõ điều gì, đưa mắt nhìn quanh một vòng.

- Nếu phải nói điều thứ hai thì nói về những ngôi nhà thờ. Không có quốc gia nào xây nhiều nhà thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời như nước Mỹ. Đó là điểm nổi bật của nước Mỹ, vì vậy nên họ được Đức Chúa Trời ban phước đặc biệt.

Tôi vuốt tóc bé Hân nhìn mọi người chờ phản ứng. Ai cũng ngạc nhiên về điều này.

Đêm tàn, mọi người chia tay, ai về nhà nấy. Sáng hôm sau, thấy tôi mẹ ấp úng:

- Ủa, …con …về hồi…hồi nào vậy?

- Dạ con về đêm qua, má đi đón con ở sân bay, má quên rồi sao.

Tôi thật ngạc nhiên hỏi lại mẹ.

- Vậy hả.- Mẹ nhìn chằm chằm vào tôi.

Tôi nắm tay mẹ, nhìn kỹ từng nếp nhăn trên trán mẹ mà nghe lòng xót xa. Chị Hai đã cho biết trước mẹ lúc này hay quên lắm nhưng tôi không tưởng tượng được mẹ quên như thế nào.

Gia đình nhộn nhịp với tiết mục khui các thùng hàng từ Mỹ về, mẹ ngồi nhìn, niềm vui tràn ra khoé mắt thành những giọt nước long lanh. Món quà nào mẹ cũng thích.

Ai cũng có quà, cả nhà vui như ngày Tết.

Đến giờ cơm trưa, mẹ ngồi bên cạnh, tôi xới cơm cho mẹ:

- Má đói bụng chưa?

Tôi trao mẹ bát cơm. Mẹ đón chén cơm:

- Từ sáng đến giờ có ăn gì đâu mà không đói.

Tôi nhìn mẹ, nhíu mày:

- Sáng nay má ăn bánh mì với bơ đậu phọng và uống sữa con mang về, má khen ngon đó.

- Có hả, má tưởng ăn hôm qua.

Chị Hai nháy mắt, ra dấu đừng bận tâm. Tôi thẫn thờ, bây giờ tôi đã dần hiểu sự quên của mẹ, tôi thầm tạ ơn Thượng đế đã cho mẹ còn biết "tôi là ai".

*

Ba tuần trôi qua thật nhanh, rồi cũng phải đến lúc chia tay. Đêm đó tôi ngủ chung với mẹ, giữa khuya thức giấc thấy mẹ đang ngồi nhìn tôi chăm chăm, tôi ôm mẹ:

- Sao má ngồi dậy, má ngủ không được hả?

- Má không ngủ được vì ngày mai con đi rồi... Mẹ ôm chầm tôi nghẹn ngào.

Hai mẹ con cùng thút thít khóc, mẹ không quên việc ngày mai tôi sẽ rời xa mẹ, vậy chuyện gì mẹ quên và chuyện gì mẹ nhớ? Tôi thật không thể hiểu được bộ óc của con người được Thượng Đế tạo nên qúa bí hiểm. Lúc nào nhớ và lúc nào quên? Tôi không biết bao giờ thì mẹ sẽ quên hẳn không còn nhận ra tôi là ai?

Có một nhà văn đã viết:

“Phù vân, hư ảo! Hư ảo, phù vân! Trí người không hiểu nỗi mọi việc xảy ra trên đời này! Cát bụi trở về với cát bụi.

Ba tuần lễ, hai mươi mốt ngày, năm trăm lẻ bốn giờ, mà tưởng như mới hôm qua. Tôi chỉ còn gần bên mẹ một ngày nữa thôi. Suốt ba tuần nay tôi chỉ quanh quẩn ở nhà với mẹ và chơi với gia đình. Ngày mai tôi lại rời xa mẹ, bay hơn nửa vòng trái đất về lại với cuộc sống tất bật mà chín năm qua tôi đã sống với bổn phận của người vợ và người mẹ.

Đã qua “kỳ sum họp” đến “kỳ chia xa”.

Chiếc xe bốn mươi lăm chỗ lại đưa đoàn người đi tiễn một người. Bịn rịn, kẻ xịt mũi, người lau nước mắt, những tia chớp như điện xẹt của máy chụp hình giữa đám đông nhốn nháo càng thêm nao lòng người.

Đồng hồ báo đến giờ vào kiểm tra hành lý. Tôi ôm thân hình mỏng manh của mẹ, lau những giọt lệ đang lăn xuống đôi má nhăn nheo, không nói nên lời. Mẹ ngước nhìn tôi qua màng lệ:

- Bao giờ con lại về thăm má?

- Năm tới con sẽ về, nhất định.- Tôi cương quyết.

Giọng mẹ pha nước mắt:

- Má già rồi, chết nay, sống mai, chỉ sợ ngày má nhắm mắt không được gặp con…hu hu hu…

Trái tim tôi như đang bị ai đó bóp nghẹt. Hít một hơi dài tôi cố lấy giọng vui vẻ:

- Má còn sống lâu mà, con luôn cầu nguyện cho má sống hơn trăm tuổi đó, má đừng lo.

Đã đến giờ lên máy bay, tôi vừa đi vừa quay lại nhìn gia đình cho đến khi không còn thấy được Mẹ nữa.

Ngồi nơi phòng đợi tôi miên man suy nghĩ và chợt nao lòng vì nhớ Mẹ. Mẹ sống với đứa em trai và em dâu tôi. Các em gái và chị gái ở gần đó khoảng mười phút lái xe Honda nên việc chăm sóc mẹ không riêng phần cô em dâu mà hầu như mấy chị em cùng chung tay góp sức.

Ngày nào cũng vậy, cứ bảy giờ sáng thì cô em thứ bảy mang thức ăn sáng đến cho mẹ. Đến khoảng mười giờ chị hai ghé cho mẹ uống sữa, uống thuốc. Mười hai giờ thì cô em dâu cho Mẹ ăn cơm trưa. Ba giờ xế trưa, anh ba mang chè, cháo hoặc bánh đến cho mẹ. Sáu giờ cô em dâu lại lo cơm chiều, sau đó mẹ xem tivi với các con cháu rồi uống sữa đi ngủ. Chính vì được các con săn sóc chu đáo, cẩn thận mà mẹ tôi sống vui khoẻ để mà có ngày này tôi còn được gặp gỡ Mẹ.

Tôi nhớ đến cảnh người già ở Mỹ đa số họ ở viện dưỡng lão, con cháu mỗi tuần vào thăm một vài lần. Người Mỹ họ quen với việc này, vì chính họ đã từng đưa cha mẹ họ vào viện dưỡng lão và họ cũng chuẩn bị tinh thần để đến ngày cũng tới lượt họ. Do vậy họ thấy việc này như một lẽ tự nhiên như là một phần của văn hóa Mỹ vậy. Vả lại ở viện dưỡng lão tốt hơn cho người già vì họ có bạn bè, có bác sĩ, y tá nên sẽ không cảm thấy cô đơn. Họ cũng biết con họ phải đi làm kiếm tiền trả góp nhà, xe và mọi thứ vật dụng trong gia đình. Nếu họ ở nhà một mình ngộ nhỡ có ốm đau bất ngờ thì không ai phát hiện, và chăm sóc cho họ.

Tôi có một số khách hàng người Mỹ. Họ so sánh, đối chiếu và cho rằng văn hóa Việt Nam trong việc ứng xử với người già chưa được tốt. Con người không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra với mình ngày mai. Thế nên việc những người con để cha mẹ già ở nhà một mình như chúng ta vẫn thường thấy ở Việt Nam trong lúc họ đi làm là điều không nên vì những bất trắc có thể xảy ra cho cha mẹ chúng ta như bị trượt chân té ngã hay bị tai biến.

Tôi vui mừng vì mẹ ở Việt Nam có các anh chị em lo lắng, săn sóc. Riêng về phần tôi ở xa nên lo gửi tiền về gọi là chia sẻ gánh nặng phần nào trong sự phụng dưỡng mẹ già.

Giọng mẹ ru con như đang văng vẳng đâu đây:

“Ầu ơ…Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy từng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẫu từ”(*)


Điều răn thứ năm Thiên Chúa dạy rõ về bổn phận làm con: “Hãy hiếu kính cha mẹ con hầu cho con được sống lâu trên đất” (**).

Ơn mẹ cao sâu, nghĩa mẹ rộng dày.
Lòng con thương nhớ mẹ khôn nguôi. Mẹ ơi.


Nguyễn Thị Hữu Duyên

(*) Ca dao Việt nam

(**) Kinh thánh

Ý kiến bạn đọc
17/10/201307:00:00
Khách
Cám ơn hai bạn Nam Lê và Tường Vân. Góp ý của hai bạn là khích lệ cho tôi. Sẽ viết nhiều hơn để chia sẽ đ1ên các bạn nhưng suy tư, trăn trở và ao ước trong long. Hai bạn nhớ đón đọc bài kế của H-D nhe. God Bless. Hữu - Duyên
16/10/201307:00:00
Khách
Tks Bạn Nam Lê va ban Tường Vân. Y kien cua hai ban khich le tôi rất nhiều. Sẽ tiếp tục viết để chia sẻ với các bạn những trăn trở và suy tư trong lòng. God bless.
14/10/201307:00:00
Khách
Tác giả có những suy nghĩ rất sâu sắc! Xin cám ơn bài viết rất hay!
14/10/201307:00:00
Khách
Làm tôi rơi lệ, Mẹ tôi mất đã gần bốn năm rồi. HD hãy còn Mẹ, ráng tận hưởng những ngày hạnh phúc vô giá đó.
Cảm ơn HD đã chia xẻ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,968
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.