Hôm nay,  

Đường Chúng Ta Đi

04/08/200200:00:00(Xem: 380636)
Người viết: Nguyễn Trần Diệu Hương

Bài tham dự số: 2-609-vb60802

Nguyễn Trần Diệu Hương là tác giả bài viết “Chương Cuối Của Cuộc Đời”, một trong những giải danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2001. Cô hiện sống và làm việc tại miền Bắc California. Sau đây là viết mới nhất của cô, viết về những buổi họp mặt của trường cũ tại Mỹ.

Một ngày đầu tháng 5, giữa sáu Email từ công việc và hơn mười junk mail, tôi nhận được thông báo họp mặt cựu học sinh của trường trung học NQ, ngôi trường chứng kiến tôi, cùng "vận nước nổi trôi" bước từ tuổi ấu thơ vào thời người lớn, mà không hề có thời niên thiếu.

Thời học sinh bao giờ cũng là thời đẹp nhất đời người, vì đó là cái tuổi không có bon chen, chưa phải trả "nợ áo cơm". Học sinh trung học ở Mỹ thường có "High School Reunion" sau mỗi năm năm hay mười năm của ngày ra trường, nhận mảnh bằng đầu tiên trong đời. Thông thường chỉ những người tương đối thành công trở về tham dự ngày họp mặt, thường được tổ chức ở một Conference Room của một khách sạn sang trọng, có "self service food" có "Dancing floor". Ngoài những học sinh ra trường cùng ngày, còn có vợ (chồng) hay bạn thân của họ đi theo. Họ thường cùng một lứa tuổi. Rất nhiều người đã rời "High School Reunion" với nổi buồn thua thiệt vì "ngày xưa nó học dở hơn mình nhiều, mà bây giờ nó thành công, và giàu hơn mình nhiều." Cũng không thiếu những người rời cuộc họp mặt với nổi thất vọng ê chề, vì "người xưa thần tượng một thời đẹp đẽ, tươi mát, "sexy" là thế, bây giờ than ôi "tươi mát" đã thành "cằn cỗi" "đẹp đẽ" đã trở thành "khó coi", "sexy" đã thành "overweight".

Họp mặt của cựu học sinh Trung Học Việt Nam ở Mỹ khác với "High School Reunion" của học sinh trung học Mỹ rất nhiều. "Bên đời lưu lạc", muốn tìm lại đủ những người ra trường cùng năm với mình, chắc là đếm không đủ đầu ngón tay, thế nên cựu học sinh trường trung học ở VN thường phổ biến một thư mời trên báo chí, hay trên các đài truyền thanh Việt ngữ, và thành phần tham dự đủ mọi lứa tuổi, đôi lúc cựu học sinh còn già hơn cựu giáo sư. Nhưng mỗi người có thiện chí đến với cuộc họp mặt đều vui vẻ, mặc dù khoảng cách tuổi tác giữa họ đôi lúc bằng hai thế hệ.

Với những anh chị lớp lớn, ngày họ tốt nghiệp trung học, tôi chưa ra đời, hình như họ vẫn trẻ lại, hồn nhiên như thời mới lớn khi trở về họp mặt. Thầy và trò đều bạc tóc như nhau, tóc bạc của thầy do năm tháng. Tóc bạc của trò phần nhiều là do stress của đời sống Hoa Kỳ. Đôi lúc tôi không biết ai là trò và ai là thầy, đành cuối đầu khoanh tay chào họ một cách cung kính như đã chào các thầy cô giáo thời nhỏ dại.

Tôi không phải là "Party Animal" lại càng không phải là một người có "tâm hồn ăn uống" nhưng tôi vẫn thích đến họp mặt với cựu học sinh trường trung học cũ của mình vì muốn hiểu thêm về đời sống qua những thế hệ lưu vong.

Trường tôi là ngôi trường lớn nhất miền Đông Nam phần ở một tỉnh lỵ nhỏ cách Saigon khoảng 20 miles về hướng Đông Bắc, nữ học sinh học buổi sáng, nam học sinh buổi chiều, trừ những lớp lớn, vì phải chia ban A, B hay C, các anh chị học chung.

Ở mỗi cuộc họp mặt, tôi vẫn thường ngồi yên ở một góc phòng quan sát và nghe ngóng để hiểu thêm về đời sống của người Việt lưu vong. Tôi chỉ học ở trường Ngô Quyền có vài năm đầu trung học, rồi phải chuyển về một trường khác sau cuộc đổi đời năm 75, nên tôi không nghĩ là mình gặp được những cô bạn thân đã một thời "như chim liền cánh, như cây liền cành" của thời mới lớn.

Ở đó, tôi không gặp được các bạn cùng lớp ngày xưa, nhưng đã gặp đủ các "thế hệ lưu vong" nghĩa là đã được gặp và nghe chuyện của những người di tản hối hả chạy trốn làn sóng đỏ, những người vượt biển "thoát thì con nuôi ba má, không thoát thì con nuôi cá, hay mẹ nuôi con", những người lên đàng hoàng theo chương trình ODP "ra đi trong trật tự" nhưng không được chuẩn bị tinh thần từ những khóa "cultule orientation" ở trại chuyển tiếp, chỉ còn những cơ hội muộn màng.

Ở những cuộc họp mặt cựu học sinh trung học đó, tôi đã gặp lại những người bạn hàng xóm trong cứ xá ngày xưa, học trên tôi một vài lớp và được nghe những vui buồn "bên đời lưu lạc". Ngày xưa chúng tôi cùng ở một tỉnh lỵ nhỏ, cả tỉnh chỉ có một trường trung học công lập, nên cứ vào trung học là chúng tôi học cùng trường với nhau.

Từ Washington, anh Sinh bay về họp mặt, trông anh rất yêu đời, trẻ hơn tuổi rất nhiều, không ai có thể ngờ được những thăng trầm anh đã trãi qua kể từ ngày đặt chân đến Guam tháng 4/75.

Sau ngày mất nước, tôi chỉ mơ hồ biết là gia đình anh đã ra đi, nhưng không ngờ ba anh một trong những sĩ quan chỉ huy của trường Bộ Binh Thủ Đức, đã kẹt lại, và phải trả giá bằng 13 năm tù đày trong các trại cải tạo của VC từ Bắc vào Nam.

Anh Sinh đến Mỹ ở tuổi 15 với gánh nặng oằn vai, vì anh là người con cả trong gia đình, với 3 em còn nhỏ dại và mẹ anh, lúc đó chỉ mới ngoài 30, chưa bao giờ phải đi làm. Gánh nặng của "người chủ gia đình" đặt lên vai anh chưa đủ, trái tim anh một nữa để lại VN theo hình bóng người cha đang phải chịu nhục hình dành cho kẻ thua trận, và một nữa vương vấn theo mối tình đầu của thời mới lớn, chị Thanh, người yêu đầu đời của anh, cũng qua Mỹ kịp theo người anh là phi công.

May mắn là vốn liếng anh ngữ của anh Sinh tạm đủ để anh hội nhập ngay được vào đời sống xứ người. Từ Guam, gia đình anh được chuyển đến Camp Pendleton ở miền nam CA, và sau đó được gia đình một người bảo trợ đưa về Washington. Mẹ anh, một người đàn bà đẹp, lúc đó chỉ mới ngoài 30, như một cây cảnh yếu mềm bị bứng đi, nhưng đã lập tức vững vàng như một con gà mái xù cánh che chở cho đàn gà con.

Cả gia đình năm người ở trong một căn apartment, hai phòng vẫn còn thấy rộng thênh thang, vì không có đồ đạc gì ngoài bộ bàn ghế cũ vừa làm bàn ăn, bàn học, bàn tiếp khách. Mẹ anh đã làm tất cả mọi thứ bà có thể làm để giữ vững đời sống bình thường cho các con. Ban ngày, bà nấu ăn cho một Day care Center, ban đêm và cuối tuần bà nhận đồ về may, vừa nuôi con ở Mỹ, vừa nuôi chồng trong tù ở VN. Không hiểu nổi vất vả của mẹ anh Sinh ở cuối thế kỷ 20 và nổi vất vả của bà Tú Xương ở đầu thế kỷ, nổi vất vả nào đẫm nhiều nước mắt hơn"

Bỏ ngoài tai rất nhiều lời ong bướm, mẹ anh Sinh với sự giúp đỡ tận lực của anh đã hoàn tất chu đáo bổn phận của một người mẹ và người vợ. Ở quê nhà, trong núi rừng âm u đầy chướng khí của trại cải tạo, ba anh vẫn nhận được đầy đủ quà thăm nuôi qua một người thân, từ nguồn tiếp tế của người vợ. Mười lăm năm sau, ba anh trở về và được qua Mỹ theo chương trình H.O, vẫn còn được đền bù, vì với riêng ông "Nước mất" bầy con đã thành tài. Mỗi ngày, ông vẫn hát bài "Ơn em" như một lời cám ơn dành cho người vợ, một trong những bà Tú Xương vĩ đại nhất của cuối thế kỷ 20.

Sau ba năm Trung học ở Mỹ, anh Sinh vào trường đại học Washington và trở thành một thầy giáo. Giữa những tất bật, lo toan cùng mẹ, trở thành người chủ gia đình thay cho ba ở tuổi mười lăm, anh vẫn không quên chị Thanh. Bằng một tìm kiếm không mỏi mệt qua các hội thiện nguyện, anh tìm được chị Thanh vào đầu năm 1980.

Lúc đó vẫn là một sinh viên nghèo, anh đã lái chiếc xe rất cũ, cao hơn cả tuổi anh lúc đó, từ miền Tây Bắc qua miền Đông Nam, một cuộc hành trình xuyên qua nhiều tiểu bang để được gặp lại chị Thanh. Hai người đã gặp lại nhau sau những năm chia lìa, nhưng buồn thay họ không có một Happy ending như mơ ước. Hình như tình đầu vẫn luôn là "Một chút gì để nhớ", để làm tâm hồn an nhiên hơn trong những tất bật, bon chen của đời sống.

Thời gian vẫn là liều thuốc nhiệm màu, hàn gắn mọi đau buồn. Xong 4 năm đại học, các em tạm ổn định, để quên đi mối tình đầu mang theo từ bên kia bờ đại dương của một thời mới lớn, anh Sinh học tiếp hai năm nữa với master degree về ngành giáo dục, và lập gia đình với một người bạn cùng học ở UW, mà hình như không nhìn cùng một hướng. Hai vợ chồng cũng đã có 12 năm cùng chia xẻ mọi vui buồn, cùng hài lòng với thành quả vật chất bằng nhiều năm đi làm của họ. Riêng anh Sinh, căn nhà rộng gần 4000 sqft, với green house trong nhà, hình như lạnh lẽo hơn căn apartment hai phòng của mấy mẹ con anh từ ngày mới tới Mỹ, vì thiếu tiếng cười của trẻ thơ, thiếu sự cảm thông khi anh phải đối đầu với những stress ở trường. Hình như hơn mười năm qua, hai vợ chồng vẫn luôn "đồng sàng di mộng" hình như anh có tiếng đàn của Bá Nha, mà chị không phải là Tử Kỳ. Sau gần ba mươi năm lưu vong, anh Sinh rất thành công về sự nghiệp và đời sống vật chất, nhưng buồn thay đời sống tình cảm của anh trở về khởi điểm zero. Anh vẫn thường thắc mắc với ba anh:

- Tại sao ngày xưa ba tìm được mẹ" Và điều gì đã làm một người đàn bà đẹp như mẹ có một lòng son sắt chung thủy với ba"

Câu hỏi đó không bao giờ được trả lời thỏa đáng vì hai hoàn cảnh xã hội khác xa nhau. Cũng như trái thanh long chỉ có thể lớn trên đất cát, cây thông chỉ có thể tươi mát trên vùng đất có khí hậu lạnh.

Đó là tất cả những gì chúng tôi được nghe kể lại khi gặp người bạn lớn cùng trường ngày xưa, ở cùng cư xá, qua Mỹ từ một ngày cuối tháng tư rất buồn của đất nước. Tôi không được nghe giải thích từ chị để hiểu thêm về một điều rất dễ xảy ra ở Mỹ: chuyện ly dị. Tôi không dám có kết luận vì rất là phiến diện nếu chỉ căn cứ trên lý luận từ một phía.

Mới đây, trong một business trip ở Seattle, tôi được anh đưa qua Vancouver BC, Canada để ăn trái cây nhiệt đới và quan trọng hơn hết để nhớ lại thời thơ dại, anh chở tôi trên chiếc xe đạp mini màu đỏ đến cô nhi viện ở núi Châu Thới Biên Hòa thăm các em bé mồ côi.

Chiếc xe đạp mini màu đỏ ngày xưa không bằng một góc của chiếc BMW convertible màu đỏ bây giờ, nhưng hẳn là thời thơ dại ngày xưa trên quê nhà quý giá gấp vạn lần thời trung niên lưu vong trên quê người.

Học cùng lớp với anh Sinh ngày xưa ở trường Ngô Quyền thân yêu của chúng tôi là chị Duyên.

Như tất cả mọi ông Bố trong cư xá sĩ quan ngày đó, Ba chị Duyên cũng phải chịu cảnh "cùng một lứa bên trời lận đận" đập đá ở "cổng trời" miền Bắc, trồng cà phê ở đất đỏ miền Nam trong môi trường nghiệt ngã dành cho những người đã một thời chiến đấu để bảo vệ tự do.

Có ba đi "học tập cải tạo, có nợ máu với nhân dân" bị xếp vào thành phần cuối cùng của "xã hội chủ nghĩa" đứng dưới cả những người hành nghề đâm thuê chém mướn, chị Duyên rời Việt Nam vào đầu thập niên 80. Từ Mã Lai, chị đến Michigan giữa tháng 12 đầy tuyết trắng. Tấm postcard đầu tiên chị gởi về cho tôi có một câu trích dẫn là làm tôi chùng lòng trong những ngày vượt biển "hãy tưởng tượng ra em ở một nơi xa lạ, mình em một màu mắt, mình em một màu da, mình em mắt lệ nhòa…"

Những ngày đó chị đã trải qua nhiều nghề để sống còn, như người Mỹ vẫn gọi "survival jobs" chiên French Fries cho Mc Donald, bưng thức ăn ở "Denny's". Do vậy, sau này mỗi khi đi ăn, chị vẫn để lại một khoản tiền tip hậu hĩnh cho những cô cậu waiter, waitress. Khi học xong Drafting design ở Michigan, chị lập gia đình với một sĩ quan hải quân trẻ ngày xưa, mà những tháng mặc đồng phục màu trắng của anh đếm chưa đủ mười đầu ngón tay. Đám cưới của hai anh chị rất nghèo, dù đầy tình nghĩa, đàng trai và đàng gái đều là những sĩ quan hải quân học trên anh vài khóa.

Lúc đó những năm tháng đầu tiên chân ướt chân ráo nơi quê người, cô em kế của chị Duyên không đủ tiền để mua vé máy bay từ Michigan về California dự đám cưới của chị. Hai vợ chồng trẻ có một tuần trăng mật đầy hạnh phúc và đầy…mồ hôi dọc theo chiều dài của California, từ San Deigo đến San Francisco.

Lúc đó trang sử người Việt tỵ nạn ở Mỹ mới ở chương đầu tiên, tất cả mọi người đều nghèo. Quà cưới của các bạn anh dành cho anh chị là một chiếc xe Volvo có một số tuổi bằng tuổi anh và chị cộng lại, mỗi lần start up, phải có một người nhảy xuống đẩy xe, giúp xe chạy được. Vậy mà, họ rất hạnh phúc, vì khi một người nói thì có một người biết lắng nghe, và hiểu rõ những vui buồn người bạn đời muốn chia xẻ.

Rồi năm tháng trôi qua, với nhiều cố gắng từ hai bàn tay trắng, anh chị đã có một cơ ngơi ổn định hạnh phúc ở chân đồi của một thành phố nhỏ ở miền Nam Cali, cùng hai con thông thạo cả hai ngôn ngữ của hai quê hương. Mỗi lần "Nam du" nhà chị vẫn là một tổ ấm thứ hai của tôi. Ở đó, tôi thấy được cả một thời thơ dại hạnh phúc, chơi đánh thẻ với chị Duyên, chơi bắn bi với anh Sinh. Ở đó, trong khoảng sân sau nhà chị, tôi tìm lại được giàn hoa giấy màu đỏ mang lại hình ảnh hạnh phúc trong cư xá thân yêu của chúng tôi thời thơ ấu.

Cũng ở một lần họp mặt của cựu học sinh Ngô Quyền, tôi gặp lại Thi, người bạn học ở lớp bên cạnh. Khác với chúng tôi, đã rời đất nước lén lút trong một đêm tối trời ven biển, trên một chiếc thuyền mong manh. Thi rời Saigon, từ phi trường Tân Sơn nhất có đủ người thân đưa tiển, theo chương trình ODP.

Khi Thi đến Mỹ, thì cộng đồng VN ở Mỹ đã hình thành khá lớn mạnh, ít nhất là những thành phố quân tụ người Việt tỵ nạn như: Orange County ở miền Nam, San Jose ở miền Bắc California, Houston ở Texas, Falls Church ở Virginia, New Orleans ở Lousiana. Người đi sau vẫn thường bị thiệt thòi vì "trâu chậm phải uống nước đục" cơ hội đã không còn nhiều như trước, nhưng rút ra được kinh nghiệm từ những thành công và cả thất bại của người đi trước.

Một tối về nhà hơi trễ vì một project không thể bị bỏ dỡ dang, chưa kịp ăn tối, tôi nhận được điện thoại của Thi. Thoạt đầu, đầu óc còn vương vấn với những con số ở sở, tôi không nhận ra Thi, nhưng ký ức của tôi refresh nhanh chóng khi Thi nhắc lại niên khóa 74-75, niên khóa cuối cùng tôi còn đi hoc với đầy đủ cơm ăn, áo mặc và sự vô tư của một đứa trẻ chưa kịp lớn.

Chúng tôi có gần 120 phút trên đường dây điện thoại đường dài để cùng nhắc lại thời… chưa kịp lớn. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau sau 27 năm. Đời sống đã có nhiều ngả rẻ sau một ngày cuối tháng 4 không thể nào quên, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy mình rất gần nhau như ngày xưa chỉ ngồi cách nhau có mấy dãy bàn, bởi vì chúng tôi đều nhận ra rằng: chúng tôi là những người không bao giờ có thời niên thiếu, khi chúng tôi chưa kịp lớn thì làn sóng đỏ tràn vào Nam Việt cuốn trôi tất cả mọi thứ, tự do, ước mơ, hy vọng và cả thời mới lớn của chúng tôi, đẩây chúng tôi lưu vong nơi quê người.

Thi tương đối thành công trong sự nghiệp với tiệm Beauty Salon khá phát đạt ở một thành phố ven biển miền Nam CA. Đặc biệt, Thi còn tiếp tục được một lối sống rất là VN vì Thi may mắn có mẹ ở cùng nhà, bà cụ còn khỏe, rất thương con, cháu đã lo gia đình Thi từng miếng ăn, thức uống giống như ở quê nhà.

Tôi đến nhà Thi và được bà cụ cho một ít ớt đỏ tươi bầm rất ngon, mang về nhà tôi vẫn để dành không dám ăn vì tôi biết mình không có thì giờ để làm được như vậy, và tôi trân trọng tình cảm của mẹ bạn dành cho mình.

Chồng Thi làm ở một thành phố khác, cách nơi Thi ở 2 tiếng lái xe, anh chỉ về nhà mỗi cuối tuần, đủ để có một khoảng không gian nhỏ, anh có thể đặt ống kính viễn vọng nhìn trăng, nhìn sao và đủ để nếm mùi hạnh phúc với Thi và cô con gái nhỏ.

Học được thói quen Hoa Kỳ, tôi không dám hỏi bất cứ điều gì về đời sống cá nhân, nhưng gần mười lăm năm ở Mỹ, bằng quan sát và phân tích tôi hiểu được phần nào đời sống riêng của mỗi người bạn ngày xưa. Và hơn ai hết, tôi hiểu để có được ngày hôm nay, cũng như tôi, cũng như bao nhiêu người Việt nam khác đến Mỹ với một túi xách nylon của UNHCR, Cao Ủy tỵ nạn LHQ, các bạn tôi đã rất vất vả trong quá khứ, đã phải ngoảnh mặt trước những cám dỗ vật chất, thường tình trong một giai đoạn nào đó của đời sống ở quê hương thứ hai.

Chúng tôi may mắn gặp lại nhau sau một phần tư thế kỷ, trong khi nhiều thầy cô và bạn bè khác đã vĩnh viễn nằm xuống ở một góc rừng heo hút của trại cải tạo, vùng kinh tế mới của Việt nam, hay ở một góc nhỏ của biển Đông. Và chúng tôi vẫn còn bị chia lìa với rất nhiều bạn bè thân thương khác, bị chia lìa với chính quê hương mình, như một câu hát "Ru em giòng lệ quê hương, chảy xuôi trăm ngả, trùng dương chia lìa".

Trong mỗi khoảng đời riêng, chúng tôi cùng có một khoảng đời chung thời nhỏ dại, rất bình yên hạnh phúc ở Việt Nam. Bằng nhiều con đường khác nhau, chúng tôi đã cũng được hít thở tự do, và xây dựng được cơ ngơi riêng ở quê người.

Cầu mong chúng tôi, hay thế hệ kế tiếp của chúng tôi sẽ xây dựng được cơ ngơi chung ở quê nhà, có tự do, có cơ hội và có đủ cơm ăn áo mặc cho hơn 70 triệu đồng bào ở bên kia bờ đại dương.

Nguyễn Trần Diệu Hương.

Santa Clara, July 2002

Viết cho trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa cho anh chị Xuân Dung-anh Sơn và những ngày xưa thân ái, và như món quà tinh thần đầu tiên cho anh NĐT.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,305,573
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến