Hôm nay,  

Hiện Tượng Trống Vắng

03/07/200200:00:00(Xem: 151974)
Người viết: Thúy Trúc
Bài tham dự số: 2-580-vb30625
Thuý Trúc là bút hiệu một cựu giáo sư trung học tại Saigon, hìện định cư ở Ohio. Đây là bài viết về nước Mỹ thứ hai của bà kể về “hiện tượng trống vắng” trong gia đình, khi con cái yêu thương tới tuổi vào đại học, bắt đầu xa nhà... Bài được viết với tấm lòng của một bà mẹ VN ở Mỹ. Mong Thuý Trúc sẽ tiếp tục viết thêm.
*
Cách đây đúng một năm, nhìn con gái reo vui khi nhận giấy chấp nhận của trường Đại Học nổi tiếng bên thành phố bờ biển phía tây, Mai đã thấy vừa lo, vừa buồn. Con gái Mai mới 17 tuổi rưỡi mà đã định sống xa nhà gần ba ngàn dậm để theo học tại trường Đại học đó.
Cả đêm Mai không thể nào ngủ được vì không biết phải quyết định thế nào.
Mai lo là ai sẽ lo cho con miếng ăn, giấc ngủ. Ai là người nhắc nhở con mặc thêm áo lạnh khi trời bắt đầu vào thu, rồi mùa đông lạnh...
Mai có hai con, Cu là con trai lớn, Bé là con gái út, từ nhỏ bám mẹ như sam.
Khi sanh Bé ra thì bà nội Bé đã lẫn, rất khó tính. Mỗi lần Bé khóc là bà nội Bé lại la mắng Mai là không chịu dỗ Bé, vì thế ngoài giờ đi dậy học về là Mai cứ phải ôm Bé trên tay, thậm chí Bé chỉ bú mẹ mà không chịu bú thêm sữa bò.
Khi Bé lên ba tuổi, Mai đã đưa Bé vào trường mẫu giáo bán trú để có thể dậy học thêm ngoài giờ. Nhưng cô giáo Bé và cả cô hiệu trưởng đều yêu cầu Mai đón Bé về trưa vì Bé không chịu ngủ trưa lại còn khóc làm các bạn Bé không ngủ được.
Mai đi dậy cả buổi mà không mệt bằng cho Bé ăn cơm một bữa vì Bé rất biếng ăn.
Mai phải mở lớp dạy tại nhà để Bé nhìn thấy mẹ cũng yên tâm, ngồi chơi một mình để mẹ dạy học.
Rồi cả nhà sang Mỹ khi hai con còn nhỏ, Cu lên mười còn Bé lên tám.
Mai ngoài giờ đi làm là về nhà lo lắng, chăm sóc cho hai con từ việc ăn uống, học hành đến việc nhắc nhở các con phải giữ cách đọc, viết và nói tiếng Việt.
Ở nhà thì Mai bắt hai con phải nói bằng tiếng Việt, thỉnh thoảng phải viết thư về Việt Nam cho bà ngoại và các bác.
Sau bốn năm sống trên xứ người, Bé đã thi đoạt giải nhất tiếng Việt của Hội công giáo thành phố nơi Mai sinh sống. Kỳ thi đó là lần đầu tiên Mai dám lái xe đi xa lộ để đưa con đi thi. Câu cuối cùng Bé thắng là câu hỏi về ý nghĩa của câu "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Khi Bé vừa trả lời dứt thì cả hội trường vỗ tay làm Mai rất sung sướng và hãnh diện. Lúc đó có những anh chị lớn hơn Bé vài tuổi vừa từ Việt Nam sang mà không trả lời được. Khi các con lên trung học thì cả hai đều xin cho đi làm thêm ngoài giờ học để dành tiền cho việc học Đại học sau này. Mai đọc báo tìm việc làm rồi đưa hai con đi xin việc, Cu thì phụ việc cho một văn phòng đòi tiền bảo hiểm cho các bác sĩ, còn Bé thì phụ việc ở thư viện gần nhà. Thấy các con đều biết lo, Mai rất vui và cầu xin các con ăn học thành tài.
Khi Cu tốt nghiệp trung học, Mai muốn con học ở Đại học gần nhà, nhưng Cu xin cho học ở trường mà nó đã thích từ ngày bước chân lên trung học.
Gia đình Mai ở tại một nơi ít người Việt Nam, trường hai con học chỉ có hai đứa là người Việt và dĩ nhiên các con ảnh hưởng nhiều của lối giáo dục Mỹ là cố gắng học điểm cao tại trường (GPA), rồi dự các kỳ thi SAT, ACT điểm càng cao thì càng được các trường nổi tiếng nhận. Và hai con cũng tham khảo để lựa chọn trường Đại học lý tưởng như các bạn Mỹ cùng lớp. Mai hơi buồn khi nghĩ đến phải xa con, nhưng con trai thì đi xa một chút cũng có thể được, và Đại học này cũng chỉ cách nhà hơn một giờ lái xe, nghĩa là Mai có thể lên thăm con hay đón con về thăm nhà cũng dễ dàng. Lúc ấy Bé còn ở nhà nên Mai cũng còn có nguồn an ủi...
Bây giờ Bé lại quyết định đi xa Mai. Bé có hỏi Mai là nếu mẹ muốn con ở lại thì con sẽ học trường chung với anh. Mai gọi điện thoại hỏi ý kiến các bạn ở các tiểu bang khác, những người đã sang Mỹ từ lâu, rồi những người Mỹ làm cùng sở đều nói Mai không nên ích kỷ, giữ con ở cạnh bên mình.
Từ bấy lâu nay hai mẹ con gần gũi nhau, giờ Bé đi xa thì Mai sẽ buồn lắm, đó là chưa kể là Bé phải một mình lo mọi thứ, rồi nơi xa lạ, ai sẽ giúp Bé khi cần thiết.
Lúc khỏe mạnh thì còn không lo, lỡ lúc đau yếu thì ai sẽ giúp Bé. Với những suy nghĩ đó mà Mai không thể nào ngủ được.

Mai lại thấy sao xứ Mỹ lại có nhiều trường Đại học thế, lại còn phân biệt trường tốt, trường giỏi làm gì. Thời Mai còn trẻ thì tất cả anh chị em Mai đều học Đại học ở Saigon, có ai phải đi xa đâu. Khi ra trường thì Mai có phải đi tỉnh dạy học, nhưng lúc đó đã trưởng thành, đã có nghề nghiệp vững vàng...
Vài người quen ở gần nơi trường của Bé còn nói đây là trường rất khó được nhận vào học, nay Bé đã được nhận tại sao lại không cho nó học.
Họ khuyên Mai là nên để cho Bé đi theo đúng mong ước của nó. Suy nghĩ lại thì Mai thấy xứ Mỹ là của tuổi trẻ, nếu còn kẹt lại Việt Nam thì các con Mai đã chắc gì được chọn trường chúng thích mà cũng có thể không được vào Đại học vì lý lịch gia đình nữa. Sau nhiều ngày suy nghĩ Mai đành chấp nhận hy sinh để cho con đạt được ước mơ.
Ngày Bé sang trường nhập học, Mai xin nghỉ làm một tuần để đưa con vào trường.
Mai cũng muốn biết nơi ăn chốn ở của con như thế nào. Trên máy bay Mai đã khóc rất nhiều vì thấy con gái quá bé bỏng và cũng không biết quyết định của mình là đúng hay sai.
Đưa con đến khu nội trú nhận phòng, Mai cũng hơi yên tâm khi thấy hai bà mẹ khác cũng đưa con họ đến ở cùng phòng với Bé, họ không phải là người Việt Nam nhưng cũng rất quan tâm đến con như Mai vậy. Ngày ra phi trường để về đi làm, Mai ôm con từ giã mà nước mắt Mai cứ trào ra không cầm được. Không dám nhìn con, Mai bước vội ra phi cơ.
Về nhà Mai không muốn làm gì, chỉ ngồi nhìn hình các con mà khóc. Cu về đều mỗi cuối tuần thăm mẹ để Mai đỡ cô đơn. Mai đi tìm thêm việc thứ hai làm để bớt thời gian nhớ các con. Đi làm từ sáng đến chiều, ra sở ban ngày lại ghé vào sở khác làm thêm ba hay bốn tiếng, về đến nhà chỉ để ngủ.
Tuy thế Mai vẫn nhớ các con ray rứt. Chỉ sau một tháng Bé xa nhà Mai lại mua vé máy bay cho con về ăn cưới người cháu họ, rồi Thanksgiving, rồi Christmas, Spring break, Mai đều lo vé để con về thăm nhà.
Mỗi tối đi làm về chỉ mong các con gọi điện thoại dù chỉ một tiếng chào cũng đủ làm Mai yên tâm.
Từ ngày Bé đi xa, nhà vắng vẻ hẳn. Đã nhiều lần Mai nghĩ đến việc dọn qua thành phố con học, nhưng đã vài lần nộp đơn xin việc trên internet mà chưa thấy kết quả. Ngoài ra thành phố nơi Bé học sinh hoạt rất đắt đỏ làm Mai chưa dám quyết định dứt khoát nhất là Cu cũng chưa tốt nghiệp.
Những người Mỹ làm việc chung nói với Mai rằng đây là hiện tượng trống vắng (emptynest syndrome) nghĩa là các con đến tuổi vào Đại học là nhà vắng vẻ, trống trải. Lối giáo dục bên Mỹ khi con đến tuổi mười tám là để con cái xa nhà, tập cho con cái tính tự lập.
Nhưng Mai là người VN, Mai vẫn muốn có các con bên cạnh, nhất là khi tuổi đã xế chiều.
Thấy nhiều gia đình VN khi sang Mỹ thì các con họ đã lớn nên con cái họ vẫn ở nhà với cha mẹ chứ không mấy ai đi xa mà Mai thèm...Ngày xưa các cụ thường nói "trẻ nhờ cha, già cậy con" (nghĩa là khi còn bé được cha nuôi nấng dạy dỗ, khi về già thì nhờ vả vào con cái), nhưng hoàn cảnh của Mai thì phải chuẩn bị tinh thần là sống một mình như những người Mỹ già vì sau này ra trường biết đâu các con lại tìm việc làm tại nơi chúng học hay tại những thành phố hợp với sự phát triển của tuổi trẻ.
Mỗi lần nghĩ đến điều này là Mai lại khóc vì tủi thân và lại nhớ đến lời của Lành, một cô bạn cùng trường hồi còn đi dậy ở Saigon. Khi đó Mai mới sanh Bé, Lành đến thăm, xin mấy áo bầu để hy vọng cũng sanh con gái. Lành nói "có con gái để sau này mình đau ốm nó còn săn sóc, giặt quần áo cho mình chứ con trai đâu chịu làm chuyện đó."
Bây giờ con gái ở xa Mai ngaụn dặm...
Hôm nay Bé về nghỉ hè, nhà Mai như vui hẳn lên. Mai ước mong con ở với mình trọn vẹn ba tháng và Bé sẽ về mỗi mùa hè để mẹ con tâm tình, hủ hỉ. Nhưng một bà bạn Mỹ đã nói với Mai trước là những năm sau nó bận học hay lo tìm việc làm chuẩn bị cho ngày ra trường thì chưa chắc nó đã về nghỉ hè với bà đâu, các con tôi đều vậy cả.
Mai cứ giả vờ như không nghe, vẫn hy vọng là hai con lúc nào cũng thương yêu mình và muốn gần gũi, săn sóc mình như những người con Việt Nam...
THÚY TRÚC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,345,268
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.