Hôm nay,  

Hắn

20/05/200200:00:00(Xem: 255674)
Người viết: Lê Như Đức
Bài tham dự số: 2-545-vb70518
Tác giả Lê Như Đức đã được trao tặng giải thưởng sơ kết Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài “Cây Chuối Sứ” và nhiều bài viết giá trị khác, mỗi bài viết của ông không chỉ là tài hoa, ý nghĩa nhân bản mà còn nói lên tấm lòng của người viết với đồng bào, đồng loại. Sơ lược tiểu sử tác giả được ông ghi như sau: Sinh năm 1962 tại Saigòn, Việt Nam; Nghề Nghiệp : Kỹ sư cơ khí cho Boeing, thành phố Houston; Gia Đình: Vợ và hai con gái; Học vấn: Cao học cơ khí.
Bài mới nhất của Lê Như Đức được ghi ở dòng kết “tôi viết lại bài luận thầy ra năm xưa để trả ơn thầy.”


Lần đầu tiên tôi gặp hắn tại phòng vệ sinh trong sở khi tôi mới chuyển qua chỗ làm mới.
Chỉ nhìn sơ qua hắn, tôi cũng biết là Việt Nam rặt. Hắn nhìn tôi cũng biết chắc chắn tôi cũng là người Việt Nam. Chúng tôi cùng đứng ngang vai nhau trước tấm gương lớn rửa tay sau khi làm nghĩa vụ quốc tế: túm lấy cổ Bác rung. Tôi thấy hắn ngập ngừng tính bắt chuyện với tôi rồi lại thôi.
Tôi cũng tính mở lời nhưng thấy hắn im lặng nên tự ái nổi lên, quay mặt bước mau ra khỏi nhà vệ sinh. Khi tôi bước ra, tôi hơi nghiêng đầu liếc về phía hắn. Tôi sung sướng khi thấy hắn cũng khẽ quay về phía tôi.
Mới gặp sơ qua lần đầu, hắn và tôi đều biết chắc rằng chúng tôi sẽ là bạn rất thân sau này. Chỉ không biết được ai sẽ là người tới làm quen ai trước. Tôi nhất định phải bắt hắn mở lời trước vì tôi trông thấy hắn... trước. Hắn cao cao, gầy gầy trông dáng thư sinh nhiều hơn võ biền. Mái tóc bồng bềnh lại quăn quăn với nụ cười lúc nào cũng có trên môi. Trông hắn têu tếu, dễ làm quen. Tôi thường ưa những người bạn dễ chịu, vui vẻ, lại ít tự ái như vậy. Những người khó chịu, tự ái cao rất khó chơi. Nói chuyện phải để ý từng tí một, mất tự nhiên.
Những ngày kế, tôi đi vòng quanh sở tôi đang làm để thăm hỏi và làm quen với mọi người trong nhóm. Thật ra tôi muốn tìm chỗ ngồi của hắn. Hình như hắn cũng như tôi, cũng đi vòng vòng thăm dò chỗ ngồi của tôi. Do đó mà chả ai biết được chỗ ngồi của ai. Chúng tôi vô tình gặp nhau trong phòng giải lao của công ty. Lúc đó đã qúa giờ ăn trưa nên không có ai ở trong phòng. Đèn lại tắt nên nửa phòng hơi tối. Nửa bên kia nhờ có ánh sáng mặt trời chiếu vào từ cửa sổ nên sáng hơn nhiều. Tôi bắt gặp hắn đang đứng lặng yên sát tường nhìn tôi. Hắn cũng nhất định không chịu mở lời trước. Tôi cũng nhất định không chịu thua.
Tôi bước tới góc phòng gỉa vờ mở tủ lạnh ra coi. Tôi thường về nhà ăn cơm trưa với vợ tôi nên chả bao giờ mang đồ ăn trưa để tủ lạnh của công ty cả. Nhà tôi ở bên cạnh sở và cũng gần trường vợ tôi dậy nên chúng tôi thường về nhà ăn cơm trưa theo đúng như tập quán của người Việt Nam. Tôi lại còn có cái bệnh ngủ trưa nữa. Trưa không ngủ nửa giờ đồng hồ là chiều đó tôi chỉ ngồi ngáp chứ chả làm được gì thêm. Hình như hắn cũng không mang cơm vô sở và cũng về nhà ăn cơm trưa như tôi.
Lần đầu tiên mở tủ lạnh của công ty tôi hết hồn. Người Mỹ có tật ăn vặt nên tủ lạnh chứa toàn bánh kẹo và nước ngọt. Có thể nói nó là một tiệm tạp hóa nhỏ chứa đủ mọi thứ linh tinh. Tôi không hiểu làm sao họ có thể phân biệt được gói kẹo nào của mình, cái bánh kia của kẻ khác. Tôi lẩm bẩm vừa như nói với mình, vừa như nói với hắn:
- Đồ lặt vặt nhiều qúa, không nhớ cái nào của mình cả.
Tôi chú ý lắng nghe xem hắn có tiếp lời tôi gì chăng. Hắn vẫn giữ cái vẻ khinh khỉnh ta đây. Hắn có nhiều kiên nhẫn hơn tôi. Hắn muốn tôi phải chính thức nhìn hắn mở lời làm quen trước. Tôi bực mình vùng vằng bước ra khỏi phòng giải lao. Tôi không thèm liếc nhìn hắn.
Hắn cũng có tật uống cà-phê vào buổi sáng như tôi. Tôi biết được là vì sáng hôm sau tôi gặp lại hắn trong phòng giải lao. Hắn cùng tôi đứng rót cà-phê. Đó là lần thứ ba tôi gặp hắn trong tuần. Hôm đó tôi đi làm sớm hơn thường lệ. Chưa có nhiều người tới nên công ty chưa mở hết đèn. Tôi phải tự pha cà-phê lấy. Vừa đổ nước vào máy pha thì tôi thấy hắn. Cũng lại cái vẻ mặt khinh khỉnh ta đây, hắn chẳng thèm gật đầu chào tôi. Tôi nhấp vài ngụm cà-phê nói đủ to cho hắn nghe:
- Cà-phê Mỹ nhạt như nước ốc. Cà-phê Việt Nam lúc nào cũng đậm đà, đầy quyến luyến. Uống thấm tới tận đáy lòng. Không hờ hững, lạt lẽo như vậy.
Hắn cũng tỉnh bơ nhấp đúng vài ngụm cà-phê như tôi, nhưng không trả lời. Cũng chả tức giận, chả đỏ mặt. Hắn giỏi nhịn hơn tôi nhiều.
Rồi tôi cũng tìm được chỗ ngồi của hắn. Nó nằm gần cửa sau của công ty nên hơi tối nhưng lại rất đẹp. Chung quanh là kiếng nên có thể nhìn ra ngoài ngắm trời, làm thơ. Chỗ của hắn rộng cũng gần giống như chỗ của tôi. Cũng gần cửa sau của công ty nên đôi khi muốn chuồn ra ngoài làm việc riêng thật dễ dàng. Cửa sau lại có bãi đậu xe ngay sát cửa nên bước ra là ta có thể lên xe dông thật lẹ. Rất ít xếp lớn chịu đậu xe nơi cửa sau. Thường thường các xếp được công ty cấp cho chỗ đậu xe riêng ngay trước cửa hãng nên chuồn ra bãi đậu xe nơi cửa sau chả bao giờ sợ đụng độ với các xếp cả. Có lẽ cả hắn lẫn tôi đều nhận thấy sự tiện lợi này.
Hôm đó vì bận chuyện riêng, tôi phải chuồn một giờ đồng hồ. Khi trở về lại sở làm, trời nắng gắt, tôi vô tình gặp hắn trong bãi đậu xe. Hắn cũng như tôi, đeo một cái kính mát to tổ chảng che gần hết mặt. Tôi thường hay quên mang kính mát khi ra đường nên mua ba cái để trong xe mỗi cái cho khỏi bận lòng. Vợ tôi có lần lái xe tôi đi làm, thắc mắc hỏi tôi sao lại cái kính mát này lại thô và to như vậy. Tôi trả lời là kính đi làm phải càng to, càng đen thì càng tốt. Lỡ có trốn đi đâu gặp xếp cũng không ngượng ngùng mấy. Nhiều khi xếp không nhận ra mặt mũi càng tốt hơn. Vợ tôi chả bao giờ chịu đeo nó cả. Cho dù biết có đụng độ xếp lớn, xếp nhỏ
Tôi nhìn hắn mỉm cười thích thú. Thì ra hắn cũng biết ăn vụng chùi mép nhiều như tôi. Thảo nào tôi không thể không ưa hắn được. Hắn cũng ma lanh như tôi. Tôi tà tà bước theo chân hắn.
Lần thứ năm, tôi gặp hắn trong phòng họp của department tôi làm. Hắn cùng tôi tới hơi trễ nên phải ngồi cuối phòng, gần cửa kính. Chúng tôi chỉ ngồi yên lặng nghe xếp lớn ban hành những thông cáo mới của hãng. Xong họp, tôi nhìn hắn cười mỉa, nói nhỏ:
- Thông báo mới đó cha nội. Lo mà sửa đổi. Phải thay đổi, vui vẻ với mọi người chứ đừng ta đây làm le làm một mình, đứng một chỗ đó nghe.
Rồi tôi nhại giọng mấy tên bộ đội Bắc kỳ "bẩy nhăm" thường phê và tự phê lẫn nhau:
- Không nàm thì nói nà nười. Mà nàm thì nại nói nàm ne. Tớ đây không thèm nàm nữa.
Hắn cũng cười lại. Nụ cười thân thiện hơn nhiều. Hình như hắn tính nói gì với tôi, nhưng cô thơ ký bước vội tới hỏi tôi về những giấy tờ cô ta đưa tôi hồi sáng sớm. Hắn im lặng đứng nghe rồi biến mất lúc nào tôi không hay.
Không hiểu ở hắn có cái gì lạ lạ mà tôi lại ưa thích hơn những người Việt Nam cùng sở khác. Nhiều lúc trông thấy hắn muốn bắt chuyện làm quen, khi tới gần tính mở lời, nhìn cái bản mặt kên kên lại muốn chửi thầm bỏ đi. Hình như hắn cũng biết vậy nên nhất định treo giá làm cao. Bắt tôi phải làm quen trước.
Ừ thì làm quen trước đã có sao đâu " Nhưng ít ra hắn phải có chút vẻ muốn làm quen lại mới phải chứ " Đằng này lúc nào hắn cũng có cái vẻ chơi trên cơ không. Không chịu chơi ngang hàng, cho dù tuổi của hắn cũng không hơn gì tuổi của tôi mấy.
- Muốn làm cao thì tớ cũng làm cao lại. Sợ đếch gì nhau " Tôi càu nhàu lẩm bẩm.
Bàn giấy của hắn cũng trưng hình vợ, con như tôi. Một hôm canh không thấy hắn, tôi vội bước tới coi những bức hình chụp gia đình hắn. Hai đứa bé thật ngộ nghĩnh và dễ thương. Có lẽ cũng cùng tuổi với hai cô con gái của tôi. Tôi chắc chắn thể nào chúng cũng học trường vợ tôi dậy. Vợ tôi chắc chắn phải biết chúng, không chừng chúng cùng học lớp với con tôi. Vì lich sự, tôi không ngắm hình vợ hắn nhiều. Nhưng là một thiếu phụ trẻ, mặc chiếc áo dài mầu hồng nhạt có thêu mấy con chim phụng trước ngực. Cô ta đang ngồi trước tấm bình phong cũng vẽ hình con chim phụng đang đậu trên cành mai rực hoa vàng. Cô trông dáng quen quen, hình như đã có một thời sinh hoạt văn nghệ trong đài truyền hình ở Houston thì phải. Tôi chỉ nhớ mại mại như vậy.
Trên bàn hắn sách vở, giấy tờ cũng được sắp xếp gọn gàng thứ tự. Nhiều nhân viên trong sở chịu đi làm chứ không bao giờ chịu dọn bàn của mình. Bàn của họ không thua gì cái đống rác của thành phố Houston. Mỗi lần muốn tìm giấy tờ nào là họ mất cả giờ đồng hồ để moi cái đống rác nằm chình ình trước mặt họ hàng ngày. Bàn giấy của hắn trống trơn, không bầy đồ nhiều. Một cuốn lịch bàn to để ghi chép những điều cần nhớ nằm ngay giữa, chiếm gần hết mặt bàn. Hơn chục cuốn sách Toán và Vật Lý đặt ngay ngắn trên kệ theo thứ tự A,B,C... Góc bàn để cái cặp xách tay mầu đỏ gụ. Góc bên kia trưng hình gia đình. Một cái kệ cao cũng xếp đầy sách nằm cạnh che nửa cái bàn giấy.


Cái cặp xách tay của hắn cũng to và dầy như cái của tôi. Nhiều nhân viên trong sở đi làm thường mang cái cặp chỉ nhỏ và mỏng nửa. Nhiều khi cần để đồ ăn trưa, tờ báo hay cuốn sách lại không vừa, phải tay cầm cặp xách tay cầm tờ báo bước vào sở. Có lúc nách trái còn phải kẹp cái bình thủy đựng nước nóng nữa. Vào đến hãng, ghé phòng giải lao cầm được ly cà phê thì lại phải chuyển tờ báo kẹp qua nách phải trước khi bước tới chỗ làm việc của mình. Trông thật mất thẩm mỹ. Xếp thấy sẽ nghĩ mình tới sở không làm chỉ ăn, uống và đọc báo thôi. Có cái cặp xách to cỡ của hắn và tôi thì dù có bỏ thêm đồ ăn chiều cũng vừa y. Tôi còn nhớ ngày làm hãng cũ, ông xếp gìa thường than với tôi mỗi thứ sáu khi đi phát lương cho nhân viên:
- Hình như họ cố tình. Họ biết mỗi sáng thứ sáu lúc chín giờ sáng là tôi đi một vòng để phát lương. Người thì ngồi gác chân lên bàn đọc báo. Kẻ lại bầy đồ ăn sáng ra xơi. Nhiều lúc còn tụ năm tụ ba chơi game trên computer. Không ai muốn cho tôi thấy họ đang làm việc cả.
Tôi nhớ lời ông than nên đi làm lúc nào cũng để ý. Thấy xếp sắp tới là tôi lôi sách vở hay giấy tờ ra bầy ngập bàn. Nhiều khi làm bộ không hiểu, hỏi xếp vớ vẩn mấy câu. Xếp thích chí vì có dịp giảng giải, chỉ vẽ kinh nghiệm và có chuyện thân tình để nói. Nhiều lúc tôi phải ngồi nghĩ chuyện trước để khi gặp xếp khỏi phải trợn mắt lên nhìn, ú ớ không biết nói năng chi "
Ngày còn học trong trường, thầy tôi thường đậy chúng tôi:
- Ngày nào các anh ra trường đi làm, hãy nhớ lấy điều này. Muốn lên chức, lên lương nhiều thì một ngày tám tiếng đồng hồ chỉ làm sáu tiếng thôi. Hai tiếng còn lại phải đi tìm cách để la to cho xếp và mọi người biết mình đang làm việc ...chăm chỉ.
Mười lăm năm qua, tôi không nghe lời thầy nên vẫn cứ làm lính trơn. Cho dù những tính toán của tôi được đóng thành tập bầy ngập thư viện của cơ quan không gian Hoa Kỳ và chữ ký của tôi cũng là một trong rất ít những chữ ký được cơ quan chấp nhận trong họa đồ về ngành tôi làm, structure analyst.
Theo tôi để ý thấy thì thầy tôi đã tính lộn. Một ngày đi làm tám tiếng đồng hồ, làm sáu tiếng, bỏ hai tiếng để đi vận động, ngoại giao cũng chưa đủ. Phải để ít nhất sáu tiếng thì mới có cơ hội. Những ngài giám đốc của công ty tôi có bao giờ phải làm gì đâu. Chỉ đi vòng vòng bắt tay, bắt chân rồi ngồi ngắm thơ ký. Ngài nào cũng mướn toàn mấy em trẻ măng, thơm phức. Mấy người hơi có tuổi hay có chồng đều cho về vườn.
Một lần, nhóm tôi cần một cô thơ ký. Trong buổi họp, tôi tỉnh bơ đề nghị xếp nên để xếp bà ở nhà mướn là công bằng nhất. Xếp ức lắm, không thèm trả lời, lầm lì ngảnh mặt làm lơ. Bốn cô vào phỏng vấn, xếp chọn một cô đùi dài, chỉ mới tốt nghiệp trung học, chưa lập gia đình. Cả nhóm chúng tôi cũng ...nhất trí đồng ý. Tôi cũng ân hận lỡ lời nên hôm sau âm thầm mua bánh donut để xin lỗi xếp và các bạn trong nhóm. Xếp tôi đã già nhưng vẫn thích xơi donut. Cái bánh hình tròn có cái lỗ bự chính giữa, chung quanh trét xúc-cù-là chỗ thì nâu đậm, chỗ lại đen đen.
Cái máy computer của hắn để bàn sát cạnh cái bàn giấy và bị che khuất bởi cái tủ cao đựng giấy tờ. Hình như hắn cố tình kê cái tủ nơi đó để không ai thấy được cái màn ảnh của cái máy computer. Cái màn ảnh cũng được quay vào phía trong góc phòng chứ không để lộ liễu hướng ra phía ngoài. Chỉ nhìn cách trưng bầy đồ đạc, tôi cũng phải khâm phục hắn qủa là tay đáo để. Khó ai có thể thấy được hắn đang ngồi đâu và đang làm gì. Nhưng hắn lại có thể nhìn thấy được mọi diễn biến chung quanh thật dễ dàng và thật tự nhiên.
Hiện nước Mỹ đang mùa đóng thuế. Các nhân viên vào sở làm, ai ai cũng trầm tư và thành khẩn khai báo như trong mùa sám hối. Hắn cũng như tôi không chạy thoát được sở thuế. Có lúc tôi thấy hắn đi qua đi lại, tay cầm cái đơn khai thuế mầu xanh dương, vò đầu bức tóc. Có lúc hắn lại lẩm bẩm chửi thầm.
Đồng bệnh tương lân nên tôi cũng than khẽ với hắn:
- Làm bao nhiêu cũng cúng hết cho sở thuế. Nghề tụi mình có tiếng nhưng không có miếng. Giới trung lưu là giới
thiệt thòi nhất của nước Mỹ. Giầu ụ có luật sư khai, không phải đóng thuế nhiều, nghèo rớt mồng tơi lại được chính phủ chu cấp cả housing lẫn foodstamp. Chỉ có tụi mình là lãnh đủ. Đóng thuế khờ luôn.
Hắn gật gù đồng ý. Tôi hứng chí xổ tiếp:
- Ngày xưa đi học bốn năm trong trường được chính phủ cho mỗi năm hai ngàn tiền học, mừng hết lớn, cám ơn lòng đại ...bác của Uncle Sam lia chia. Giờ ra đi làm, mỗi năm đóng gần hai chục ngàn tiền thuế. Mà phải làm bốn chục năm mới được xin hưu ...non. Tính ra chính phủ Mỹ bỏ ra một, thu lại hơn một trăm lần. Mình cứ phải đi làm phờ râu ra kiếm tiền nộp thuế. Đại tư bản có khác, bỏ con săn sắt bắt con cá rô. Không ngu như Việt Cộng. Bao nhiêu chất xám, chất xanh giết tuyệt. Đồng chí lãnh tụ hay đồng chí tổng bí thư chỉ học mới tới lớp ba thì làm sao ưa đứa lớp bốn, nói chi đến người có bằng đại học. - với Cộng sản mà để chúng biết có trình độ là được đưa vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đi cải tạo mút mùa lệ thủy.
- với Đại tư bản Mỹ bị đóng thuế một phần lương nhưng buồn buồn lên báo, lên truyền hình nói nhăng nói cuội đôi điều, chửi thề chửi tục dăm câu cũng hả lòng, đỡ tức. Chả ai dám rờ đến cái móng chân của mình.
Thấy y hỉ hả cười, tôi vội xoay chiều, hỏi ngược lại:
- Mà không ai chịu đóng thuế thì lấy tiền đâu ra xây đường xá, cầu cống cho mình xài"
Y trợn mắt ú ớ nhìn tôi, ngẫm nghĩ một lúc nhưng không trả lời.
Càng ngày tôi càng chú ý đến hắn nhiều. Càng chú ý nhiều tôi lại càng khó chịu vì cái tính ngang tàng, cứng đầu của y. Cứng hay mềm cũng không thể thắng nổi hắn. Giở đủ trò đủ chiêu cũng chả làm hắn mở lời trước. Cuối cùng tôi đổi chiến thuật , tôi chơi bạo và đánh thẳng thừng vào con người của hắn để thăm dò phản ứng. Một hôm rình thấy hắn đang lén coi Việt Báo On Line trên Internet. Tôi bất kể, nhào tới vội, gào to:
- Ê cha nội, không lo làm việc lại lén đọc báo chùa. Mít tờ O. C. TIGER.
Hắn quê quê, tắt vội Internet nhìn tôi khó chịu nhưng vẫn chưa nổi khùng. Hắn đứng lên trầm tư một lúc rồi bỗng thăng mất.
Hình như hắn cũng ưa tôi nhiều và cũng biết chúng tôi sau này sẽ trở thành bạn tốt nên chả bao giờ nổi nóng, ngay cả lúc tôi cố tình chọc tức hắn. Hắn biết tôi vì tự ái nên cố làm như vậy để gây sự chú ý. Tuy rằng nhiều khi tôi hơi qúa trớn. Ai bảo hắn cố tình làm cao làm chi. Hơi cao cao thì tôi còn nhịn chứ cao qúa tôi cóc cần. Có chết thằng Tây nào đâu.
Lần sau hắn đứng rình tôi lại. Tôi biết rõ nên mở máy computer ra viết tiếng Việt chơi. Tôi thấy hắn ngập ngừng như muốn hỏi cách bỏ dấu tiếng Việt nên thích chí đánh càng mau, tiếng lách cách vang liên tục. Hắn nhìn một lúc rồi bỏ đi lúc nào tôi không hay.
Hôm sau tôi tới gần bàn hắn coi hắn đang mò mẫm học cách bỏ dấu từ một program mới, khác cái program xưa lắc, cũ kỹ của tôi. Hình như cái program của hắn thông dụng và tiện lợi hơn cái của tôi nhiều. Hình ảnh, chữ viết sáng sủa và dễ đọc hơn. Mầu sắc và cách trình bầy cũng tươi đẹp và nhã nhặn. Có lẽ tôi phải năn nỉ xin cái của hắn mới được.
Tôi lại thua hắn. Tôi bực mình lẩm bẩm:
- Cái đếch gì nó cũng hơn mình tí ti là làm sao"
***
Ba mươi năm trước, thầy dậy kèm của tôi, một lần, có ra đề luận “tả cái bóng của mình.” Một tiếng đồng hồ ngồi cắn bút, tôi chỉ viết được vài câu. "Cái bóng của tôi lúc nào cũng đi theo tôi. Có lúc nó to hơn tôi, có lúc nó nhỏ hơn tôi, nhưng lúc nào nó cũng giống tôi."
Giờ ra chơi, anh Thọ, người lớn tuổi nhất trong đám, than:
- Thầy hôm nay chơi... khăm. Cái bóng đen thùi có gì để tả. Ra đề luận kiểu này ai mà viết nổi.
Sau giờ chơi, chúng tôi có than thở với thầy. Thầy ngồi trên tấm phản dài, cầm cái quạt tay vừa nhè nhẹ quạt vừa hiền từ cười giải thích:
- Một ngày nào đó nhân loại sẽ phải nhìn cái bóng của mình mỗi ngày. Hôm nay thầy cho các con viết về cái bóng của chính mình để các con tự thấy được con người thật của các con.
Bọn chúng tôi, bốn đứa nhỏ, ngây ngô chả thấu hiểu mấy lời thầy dậy.
Ba mươi năm sau, một buổi sáng đi làm, vừa mở máy computer lên, tôi bỗng nhìn thấy cái bóng của tôi ẩn hiện trên màn ảnh của máy. Lời thầy năm xưa tưởng đã quên bỗng dưng hiện rõ lại trong ký ức. Nhân loại ngày nay đều phải nhìn cái bóng của mình hàng ngày. Computer đã có mặt khắp mọi nơi. Trong công sở, trên máy bay, bên đường phố, lề vỉa hè, ngoài công viên, nơi khách sạn, chỗ phòng ăn. Mọi người khi dùng nó đều tự nhiên phải nhìn thấy cái bóng của chính mình.
Bộ óc của thầy đã đi trước nhân loại hơn ba mươi năm. Chỉ tiếc rằng bộ óc đó không sinh ra trong một nước tân tiến để được đắc dụng hơn. Tôi may mắn sống trong một nước tân tiến vào bậc nhất
thế giới. Chỉ tiếc rằng bộ óc của tôi không bằng nửa của thầy.
Hôm nay nhân ngày lễ mẹ. Công thầy dậy dỗ cũng ngang ơn mẹ mang nặng đẻ đau. Mẹ cho tôi cuộc đời và khối óc, thầy đã khai thông khối óc để mở mang cuộc đời. Tôi viết lại bài luận thầy ra năm xưa để trả ơn thầy.
Thầy của tôi: giáo sư Trịnh-Xuân-Nghiêm.
Houston, Mother's Day năm 2002
Lê Như Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,304,207
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.