Hôm nay,  

Tấm Thiệp Tết

25/02/200200:00:00(Xem: 189700)
Bài tham dự số: 2-469-vb30212

Thân Ngọc Hà là bút hiệu của Nguyễn Văn Thân, sinh năm 1953 tại Ngọc Hà, Hà Nội trong một gia đình gồm 6 anh em trai, tất cả đều đi lính trong thời chiến tranh Việt Nam. Tác giả cho biết ông chỉ vừa mới qua Mỹ năm 2001, “đang còn ú ớ học tiếng Anh” nhưng tin rằng nước Mỹ là vùng đất hứa, dành cho người chịu khó làm việc và tin vào tương lai.
Tuy chỉ mới qua Mỹ, nhưng ngay từ bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên này, Thân Ngọc Hà đã cho thấy cách viết chừng mực, và sự hiểu biết đặc biệt của ông về nước Mỹ. Mong ông sẽ còn tiếp tục viết.

Khang khập khiễng đến Mỹ với mảnh đạn còn ghim trong đùi. Như bao nhiêu người Việt năm 75, chàng ra đi một cách tình cờ, không chuẩn bị.
Sáng 29 Khang còn nằm trong Tổng Y Viện Cộng Hoà với ngót ba chục quân nhân đủ mọi binh chủng đang chờ cưa hoặc mổ. Mãi gần trưa khi già nửa số người trong phòng đã bỏ đi Khang mới nghĩ đến chuyện rời bệnh viện. Thiếu tá Phương nằm cạnh vừa xếp mấy cuốn truyện vào cái sắc nhỏ vừa khôi hài:
-Bộ chú định nằm đây chờ bác sĩ Vi Xi nó. . . nó vô sơi tái, chắc"
Thấy Khang ngơ ngơ như chưa hiểu ông nheo mắt phá lên cười:
-Này, lại còn được y tá hộ lý săn sóc đó nghe, thiếu úy!
Khang gượng gạo nhếch môi cười. Thiếu tá Phương thân mật vỗ vai Khang, nghiêm mặt tiếp:
-Anh thấy tình hình đã rõ lắm rồi. Người Mỹ đang tiếp tục bốc đám con lai cô nhi viện rời Tân Sơn Nhất. Toà đại sứ Mỹ thì đã đóng cửa. Thiên hạ đang đổ xô xuống bến tầu. Nếu mình không tìm đường. . . dọt, anh sợ sẽ chậm mất.
-Nhưng. . . nhưng mà, em. ..
Khang thấy cay cay khoé mắt. Chàng không tin sẽ có ngày này, và càng không tin khi thấy những bác sĩ trẻ áo vấy máu, vẫn còn miệt mài quanh thương binh. Khang cũng không thể ngờ vực Phương, một sĩ quan đàn anh khả kính, cùng xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tầu. Nhưng Khang ngu ngơ không biết phải làm gì, về đâu. Cha Khang tử trận từ khi chàng mới 12 tuổi. Hai năm sau mẹ gởi Khang vào thiếu sinh quân. Rồi khi chàng còn trong trường Bộ Binh Thủ Đức thì mẹ cũng bạo bệnh ra đi. Tứ cố vô thân, Khang thấy đời mình gắn liền với binh nghiệp, xem anh em trong đơn vị như người thân trong nhà. Hai năm qua chàng đã có dịp theo tiểu đoàn Kình Ngư xuôi ngược nhiều địa danh của quê hương cho đến khi Khang bị thương ở Cửa Việt. Tháng trước vết thương đã được khử độc và Khang có thể thong thả đi, lại không cần chống nạng. Chàng muốn chờ tới phiên mổ, gắp mảnh đạn để có thể bình phục trở lại đơn vị. Nhưng dịp đó đã không bao giờ có. Thấy Khang còn ngần ngừ, Phương hối thúc:
-Đi, đi với anh! Về nhà anh ở Thị Nghè rồi. . . mình cùng dọt. Có chuyện gì thì anh em còn có nhau. Nếu phải ở nhà anh chị một thời gian cũng không sao. Đừng ngại ngùng khách sáo. Xếp đồ ngay, đi!
Nhiệt tình của Phương làm Khang cảm động. Hai người chỉ mới quen nhau hơn tháng nay ở bệnh viện, nhưng thâm tình như đã sẵn có tự bao giờ. Dân thiếu sinh quân có cái liên hệ đặc biệt đó, vượt ngoài tình Huynh đệ chi binh thông thường của quân đội. Dù ở đâu, bất cứ nơi nào, cựu thiếu sinh quân cũng ân cần giúp đỡ lẫn nhau, không phân biệt binh chủng, cấp bậc. Thâm tình đó bìểu hiệu qua lối xưng hô "anh, emỂ thuần nhất, chỉ dựa trên tuổi tác và thời điểm vô trường.
-Em có đồ gì đâu. Ba cái kem đánh răng.
Khang thay lại bộ quân phục vằn vện rồi tất tả bước theo Phương. Đón được chiếc Honda ôm hiếm hoi, hai người ngồi ép sát sau lưng anh tài xế sau khi thoả thuận trả gấp đôi. Nhưng họ chỉ chạy đến được ngang trại Bạch Đằng của hải quân. Đã có hàng rào chận hai bên cửa bộ tư lệnh, không cho lưu thông qua lại trong khi dân quân chen chúc hỗn loạn, xuống những chiến hạm và thương thuyền còn đậu ở các cầu tầu. Giữa sóng người đó Phương với Khang, và cả anh tài xế xe ôm cùng xuống một chiếc tầu.

Đến Guam Phương xin theo chuyến tầu Việt Nam Thương Tín về nước.
Ông về không phải vì tiếng gọi “ÀNối vòng tay lớn” của Việt Cộng. Phương có lý do sâu thẳm của tâm hồn mà mãi sau này ông mới cay đắng hiểu rằng người Cộng Sản không bao giờ tin tình cảm có thật. Hình ảnh người vợ trẻ và hai đứa con thơ theo đuổi, gậm nhấm tâm hồn suốt cuộc hành trình khiến ông héo úa, quẫn trí. Phương đâu biết, với cái tội Ềnhảy dù ác ônỂ cộng thêm gốc gác thiếu sinh quân bất khuất, chuyến hồi hương của ông đã làm khổ vợ con mình trên 14 năm dài đằng đẵng. Còn Khang, chàng không có lý do gì để về. Chính Phương cũng khuyên chàng nên chấp nhận cuộc đổi đời và nhìn vào tương lai. Biết đâu anh em lại có ngày tao ngộ.
Ở trại tỵ nạn ngày ngày xếp hàng chờ cơm, học Anh Văn, đá banh, xem văn nghệ riết rồi cũng chán. Không thiết tha gì đến tương lai, nhưng Khang cũng không khỏi nhấp nhỏm, bồn chồn khi thiên hạ chung quanh hớn hở lần lượt ra đi. Hai tháng, bốn tháng rồi sáu tháng! Thành phần lính tráng độc thân, vô năng khiếu như Khang ít có bảo trợ ngó ngàng. Đã thế một lần Khang còn bị loại khỏi đoàn người về mấy trại làm thịt bò ở tiểu bang Kansas. Khi công ty bảo trợ hỏi ra nguyên nhân cái chân khập khiễng của chàng họ từ khước ngay. Điều đó khiến Khang có lúc tủi thân, mặc dù anh từng hãnh diện kể lại trận đánh Cửa Việt của thuỷ quân lục chiến với sư đoàn chính quy Cộng Sản có xe tăng trợ chiến.
Cuối cùng rồi Khang và một gia đình Việt Nam cùng đươc bảo trợ về Anderson, tiểu bang South Carolina.
Anh Huỳnh gốc gác ngư phủ, có nghề đánh cá hẳn hoi, nhưng kẹt là vợ anh đang có thai lúc di tản. Đợi khi mẹ tròn con vuông, thằng bé Quân ra đời rồi mới có bảo trợ chiếu cố. Người bảo trợ là hai vợ chồng Mỹ, sống biệt lập trong một trang trại bên cánh rừng hoang vu. Tối hôm đó ông Miller và Tracy, vợ ông đến tận phi trường Greenville đón Khang và gia đình Huỳnh. Trên xe hai bên trao đổi vài câu xã giao thật ngắn, và gọn như trong lớp học Anh Văn. Vợ Huỳnh chăm chú cho con bú, thỉnh thoảng mới ngước đầu mỉm cười vu vơ, còn Huỳnh chỉ cười hềnh hệch, gật gù đầu vì chính Việt Ngữ anh còn chưa đọc thông thạo huống chi là Anh Văn. Khang cũng không giỏi giang gì hơn. Nghĩ lại chàng không khỏi tiếc đã chọn môn Pháp Văn làm ngoại ngữ khi còn ở trường Thiếu Sinh Quân. Phát âm tiếng Anh bằng giọng Huế với âm hưởng Pháp nghe nó ngang ngang lắm!
Ông bà Miller thật chu đáo và thận trọng trong vấn đề riêng tư. Gia đình Huỳnh được cấp một căn nhà 2 phòng ngủ. Còn Khang thì được ở trong một căn nhỏ hơn, nhưng cũng đầy đủ tiện nghi có đầy đủ bếp núc và phòng tắm riêng. Mọi thứ đều là đồ cũ, nhưng trông sáng loáng như mới. Cái TV màu còn có thể bật lên từ ghế salon. Tủ lạnh thì đầy ắp đồ ăn, nhất là thịt gà! Chính Khang còn thấy xôn xao, choáng ngộp huống chi là vợ Huỳnh; chị bước quanh nhà tròn mắt, há hốc miệng khen lấy khen để bằng tiếng Việt pha lẫn tiếng Anh.


Mấy ngày sau Khang mới hiểu ra đây là một trang trại nuôi gà khá lớn, của hương hoả lâu đời để lại cho ông Miller. Vì lý do sức khoẻ, đến đời ông, hoạt động của công ty thu hẹp lại trong hai cái trại nhỏ (barn) ở sát mé rừng. Nhà ông và cũng là văn phòng của công ty nằm gần cổng chính. Còn hai căn nhà Huỳnh và Khang ở, gọi là ỀtrailerỂ, thì toạ lạc kế bên kho chứa thực phẩm nuôi gà, cách nhà Miller chừng trăm thước. Dường như trước đây công ty có mướn một số thợ da đen. Bây giờ Huỳnh và Khang mỗi người được trông nom một trại. Chị Huỳnh thì làm những việc vặt trong nhà Miller.
Ông Miller trạc 50, da trắng bệch, nhăn nhúm vì một căn bệnh trầm kha nào đó. Mắt ông mỏi mệt, xụp trên mí mắt đỏ như máu khiến người mới gặp không khỏi khiếp sợ nếu không nghe giọng nói chậm rãi, dịu dàng của ông. Ông ít nói và thường chỉ tới lui trong nhà bằng chiếc xe lăn. Thỉnh thoảng mới thấy ông lăn xe ra cái hành lang gỗ chạy quanh căn nhà khổng lồ. Bà Tracy là một phụ nữ trẻ đẹp, kín đáo, cũng ít nói như chồng. Nụ cười thường tắt rất nhanh trên mặt bà để nhường cho đôi mắt sâu, buồn u uẩn. Việc điều hành trại gà dường như đều do bà đảm trách, từ việc huấn luyện Huỳnh và Khang cho đến kiểm soát gà và giao dịch. Mỗi tuần bà đều về phố Greenville mua thực phẩm và những thứ lặt vặt cho mọi người. Trước khi đi bà cặn kẽ hỏi Khang và vợ chồng Huỳnh rồi tỉ mỉ ghi vào cuốn sổ con những thứ cần dùng ngoài rau cỏ và. . . thịt gà.
Không bảo nhau, nhưng Khang và vợ chồng Huỳnh đều rất cần kiệm, tế nhị, chỉ sợ làm ông bà Miller phải bận tâm hay tốn kém. Bỗng dưng có được một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, không ai đòi hỏi gì khác, huống chi là thắc mắc đến vấn đề lương bổng! Thấy Khang lục đục nấu ăn một mình tội nghiệp, vợ chồng Huỳnh làm cơm tối mời chàng qua ăn chung luôn cho vui vẻ. Có tốn kém gì thêm đâu mà phải suy tính!
Giữa trang trại rộng mênh mông, biệt lập đó có lúc Khang bật cười một mình, tự hỏi đã có ai đến từ một xứ chiến tranh dám mơ ước một cuộc sống êm ả như thế này! Ba tháng sau ông bà Miller chở Khang về Greenville để khám bác sĩ. Sau đó chàng được giải phẫu, gắp mảnh đạn trong đùi. Ở bệnh viện có hai ngày là Khang khoẻ ngay. Hôm ông bà Miller đón về Khang ôm hai người ngẹn ngào nói cám ơn. Vợ chồng Huỳnh cũng cảm động không kém, giơ tay lau mi mắt. Hình như Khang đã chấp nhận cuộc đổi đời, và chàng không còn cái mơ tưởng khi còn nằm ở Tổng Y Viện Cộng Hoà.

Thấm thoát đã được gần năm. Nhờ coi TV Mỹ hằng đêm khả năng Anh Văn của Khang đã tiến bộ rõ rệt. Chàng đã có thể nói những câu dài hơn và đôi khi còn đùa cợt khiến ông bà Miller cũng có lúc bật cười. Thằng bé Quân càng lớn càng kháu khỉnh, dễ thương hơn. Người lớn thì da dẻ trở nên hồng hào, và chị Huỳnh, dường như đẹp ra. Khang bắt đầu thấy không được tự nhiên bên nhà Huỳnh. Chàng có mặc cảm tội lỗi khi nhận ra mình hay nhìn trộm những sợi tóc đen bóng lưa thưa xoả sau gáy trắng ngần của chị. Phải chăng mặc cảm đó phát xuất từ xúc cảm tự nhiên của một thanh niên 23 tuổi khoẻ mạnh, thèm khát yêu đương" Lớn lên trong thiếu sinh quân Khang không có những va chạm xã hội bình thường của thanh thiếu niên ngoài dân sự. Khi đến tuổi trưởng thành lại bị cuốn hút ngay vào cuộc chiến. Dĩ nhiên cũng có một số nhỏ thiếu sinh quân quen được cô hàng xóm mà lâu lâu mới được gặp nhau qua những dịp nghỉ Tết hay Hè. Nghe nói vào thập niên 60 trường Thiếu Sinh Quân còn kiểm duyệt cả thư từ qua lại. Nếu nội dung lá thư có dính líu đến tình yêu, anh chàng sẽ phải đích thân đọc oang oang trước hàng quân! Tìm hiểu thêm sau này cho thấy, có một giai đoạn trường kiểm duyệt thư từ để nhằm mục đích đề phòng chiến dịch tuyên truyền, địch vận của Cộng Sản. Một số cán bộ tiểu đoàn đi thêm một bước nữa là ngăn chận thư tình với dụng ý để thiếu sinh quân tập trung tinh thần vào việc học và huấn luyện quân sự.
Cuộc sống nơi này êm ả thật đấy, nhưng có lẽ không còn thích hợp với Khang nữa. Chàng ngỏ ý với ông bà Miller về việc học lái xe. Từ số tiền tiêu vặt hàng tháng do bảo trợ cho, Khang đã để dành một số vốn tạm đủ cho cái xe cũ. Vơ chồng Huỳnh thì nhất định không muốn học lái xe vì cho là nguy hiểm và không cần thiết.
Sau khi Khang đậu thi viết, Tracy đích thân dạy chàng lái xe. Chiếc Falcon đời 64 của Khang còn tốt lắm với hai băng ghế dài và rộng. Một buổi chiều đang tập lái xe, lúc đi ngang cánh đồng mưa rào bỗng đổ ập xuống. Khang bấm nút quạt nhưng cũng không đủ để thấy rõ mặt lộ. Chàng cho xe tấp vào vệ đường theo đề nghị của Tracy. Mưa như càng lúc càng đổ mạnh hơn và trời tối xầm. Khang tắt máy. Không hẹn, cả hai người cùng phá lên cười. Đợi một lúc khá lâu Tracy sửa lại thế ngồi gợi chuyện bàng một câu hỏi mà bà đã biết câu trả lời:
-Ở Việt Nam hay có mưa rào lắm, nhỉ"
-Vâng, rất nhiều.
Được dịp Khang nói thêm về những trận mưa dai giẳng, những chuyến hành quân phải ngủ trên mặt đất sũng nước. Trong lúc say sưa kể chuyện chàng vô tình không nhận ra Tracy đang nhìn mình một cách khác lạ. Bà ngửa người hất mái tóc sau vai xong nhích gần Khang hơn rồi trầm giọng:
-Anh định đi thật sao"
Khang chớp mắt bối rối:
-Vâng, tôi. . . tôi phải đi. Ông bà rất tốt, nhưng mà nơi này. . .
-Anh không thấy ở đây thanh bình, yên ổn, à"
-Không, không phải vậy!
-Chúng tôi có thể làm gì để anh sung sướng, như hai vợ chồng Huỳnh"
Khang càng lúng túng hơn:
-Ông bà rất tốt. Nhưng tôi. . . tôi còn trẻ. . .
Tracy cúi mặt, thì thầm như nói một mình:
-Vâng, anh conø trẻ lắm, Khang ạ. Tôi cũng vậy. Nhưng điều đó có nghĩa lý gì. . . lúc này.
Giọng Tracy bỗng ướt sũng, nghe thật gần:
-Những ngày sắp tới tôi sẽ nhớ anh. . .
Khang run lên, hồi hộp khi mái tóc vàng thơm vừa chạm vào ngực. Chàng thều thào một câu vô nghĩa trong khi hai tay vụng về luồn sâu dưới áo Tracy. Trong khoảnh khắc họ quấn chặt lấy nhau trên băng ghế sau như loài rắn. Bên ngoài mưa vẫn rơi và Khang thấy hồn mình chơi vơi, nguồn sinh lực trong cơ thể chàng tuôn chảy như dòng suối giữõa tiếng rên khe khẽ của người đàn bà.

Liên đưa chồng tấm phong bì màu đỏ hỏi ai gởi từ Anderson mà nàng chưa nghe bao giờ. Khang hấp háy mắt nhìn nét chữ cố lục trí nhớ, nhưng không tài nào nhận ra. Chàng hồi hộp bóc phong bì và nói:
-Anh không nhớ. Nhưng Anderson là nơi anh ở hồi mới qua Mỹ.
Đó là tấm thiệp Tết kiểu Việt Nam. Bên trong chữ viết chằng chịt, nhưng to và khá rõ.
Anh Khang thân mến,
Tình cờ gặp một cựu thiếu sinh quân trong Greenville Mall, biết anh đang ở Houston nên vội viết vài hàng thăm cố nhân đây. Thấm thoát đã hơn 25 năm từ ngày anh rời trại Anderson. Ông Miller vẫn khoẻ mạnh, nhưng giao hết việc trại gà cho hai vợ chồng tôi cai quản từ hơn 10 năm nay. Vì nhu cầu công việc cả hai đứa tôi đều phải lái xe. Tôi thì bây giờ đọc và viết chữ Việt cũng khá thông thạo nhờ theo học mấy lớp Việt Ngữ đặc biệt ở đại học Clemson. Cháu Quân mới tốt nghiệp bác sĩ năm ngoái. Tiếc rằng không có anh nơi này để chung vui với chúng tôi. Rảnh thư cho vui, nghe!
Anderson vẫn vậy. Buồn, vắng, và càng buồn hơn sau khi bà Tracy qua đời vì tai nạn. Tội nghiệp! Trời mưa, bà ấy lạc tay lái trong khi vượt con đường băng ngang cánh đồng.
Huỳnh
Thân Ngọc Hà
USA, Dec. 2001

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,969,934
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.