Hôm nay,  

Thanksgiving: Tri Ân

19/11/201100:00:00(Xem: 245701)

Thanksgiving: Tri Ân

Tác giả: Đoàn Thị 

Bài số 3410-12-2870vb7111911

Đoàn Thị tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010, và cho thấy một sức viết mạnh mẽ, với những đề tài rất Mỹ, dù tác giả là cư dân châu Âu, làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh tại nước Pháp. Viết Về Nước Mỹ 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang dự họp mặt để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là Giải Á Hậu. Sau đây là bài mới của cô cho mùa Lễ Tạ Ơn.

***

Từ ngày ba đi tù cải tạo, bị cho nghỉ việc, má ra chợ buôn bán lặt vặt, cầm cự được vài tháng và ngã bệnh.

Sau giờ học, chị Hai lấy mối rau muống đi bán dạo khắp xóm, chị Ba dọn dẹp nhà cửa nấu cơm cho cả nhà.

Xí Ngầu xin hai chị cho nó ra điễm bán nhu yếu phẫm ngoài phường làm phu tải gạo, ngô, khoai, than củi, chị Hai xoa đầu út, chị bán rau kiếm đủ tiền chợ, út ở nhà phụ chị Ba và lo cho má.

Xí Ngầu tiu nghỉu, mấy đứa trong xóm rủ em ra đó kiếm tiền, chỉ sau giờ học em mới làm, xong việc em về nhà với má liền mà, chị Ba giải hòa, để từ từ xem sao.

Đâu cần chờ các chị suy nghĩ, tuần sau Xí Ngầu gia nhập nhóm phu tải lương thực với đám nhóc ở phường, tuy là “ma mới » nhưng tụi nhóc thích Xí Ngầu vì nó ăn nói nhỏ nhẹ, không chửi thề, con quan mà đi làm phu, biết phận mình, nó hòa đồng nhanh chóng với mọi người.

Nhìn Xí Ngầu kéo gạo, khoai, trên tấm ván có bốn bánh xe, chạy thoan thoắt như dân chuyên nghiệp, ai dám nghĩ vài tháng trước mỗi ngày có xe đưa rước nó đến trường Taberd ngoài Tân Định đi học. May mà má nằm bệnh trong nhà không thấy cảnh thằng nhỏ tám tuổi phải lăn lộn ngoài phường để phụ giúp gia đình, trong cái rủi có cái hay chứ không phải là điều may mắn như người ta thường nói.

Hàng xóm ai cũng thương Xí Ngầu, con nhà quan thất thế, nhưng vẫn giữ lấy lề, có mấy đứa học cùng lớp con cán bự rủ nó đến nhà chơi và ăn cơm, nhưng nó không tới, làm sao nuốt nổi cơm của kẻ bắt ba nó đi tù. Dạo đó con cán vào miền Nam không nhiều như bây giờ, nên chúng nó cũng bị con nít Sàigòn cũ ghẻ lạnh, chỉ có Xí Ngầu là đứa vẫn nói chuyện với chúng nó, nhưng làm thân và tới nhà chúng nó thì Xí Ngầu không chấp nhập. Tuy không thù hận chúng nó, nhưng bố mẹ chúng nó làm điều sai quấy khiến Xí Ngầu thấy khó chịu, thấy bực bội. Tội nghiệp thằng bé bị ném vào hoàn cảnh éo le, đã có ai mách bảo cho nó cái ngày ba má nó phải ra nông nổi này vì dân VN ngoài Bắc thù hận đồng bào trong Nam.

Ba chưa được trả tự do má đã nhắm mắt xuôi tay, ngày đó Xí Ngầu chợt căm hận chế độ CS vô cùng và thề không thèm chơi với con cán cộng nữa, sự căm hờn là sự giận dữ của kẻ thất thế, thằng nhỏ đã nghe ba nói câu này với bạn của ba, chắc ba cũng đang nuốt hận như nó bây giờ.

Xí Ngầu để tiền thồ hàng ngoài phường qua một bên, mỗi lần chị Hai đi thăm nuôi ba, nó đưa hết tiền đó để chị mua thêm đường hay cá khô cho ba. Sau khi má mất, Xí Ngầu đòi đi theo chị Hai thăm ba, nó sợ ba sẽ chết như má mà nó không kịp gặp mặt, chị Hai ôm nó vào lòng, út ở nhà với chị Ba, đi hai người tốn tiền xe, còn tiền đâu mua đồ cho ba. Mặt nó buồn hiu, nó đâu biết đêm đó chị Hai đã khóc vì mai này khi gặp ba, chị phải dấu chuyện má đã chết để ba không bị hụt hẫng.

Mấy năm sau ba được thả về nhà, ba muốn ngất xỉu khi thấy hình má trên bàn thờ, chị Hai phân trần, tụi con sợ ba biết rồi đau khổ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đàng nào thì má cũng đã mất. Ba không trả lời chị Hai, đến thắp nhang cho má xong, ba nói, ba cảm ơn các con đã thay ba lo cho má trong khi ba bị tù tội, bây giờ cha con mình phải làm lại từ đầu.

Sau đó ba ra nghề, đạp xích lô, bơm mực viết Bic, Honda ôm, Xí Ngầu hết thồ gạo, ba bắt nó học thêm võ sau giờ học, ba thương Xí Ngầu sinh sau đẻ muộn nên, nghèo út chịu. Hai chị bảo nó là cục vàng của ba cũng đúng, những buổi đạp xích lô ế ẩm, ba chở Xí Ngầu đi dạo ngoài Sàigòn, sang như khách du lịch. Ba đổi nghề bơm mực, Xí Ngầu có ba cây bút, xanh, đỏ, đen, xem ra cũng bảnh như con nhà quan. Ba lái Honda ôm, Xí Ngầu là thượng khách mỗi sáng ba đưa đến trường trước khi ba đi khách.

Rồi chị Hai, chị Ba đi lấy chồng, theo chồng, ba buồn hiu, nhớ má da diết, nhà dạo này chỉ còn hai cha con côi cút.

Những lúc buồn, ngà ngà hơi men, ba nhắc đến má, đến những trận chiến rực lửa, bạn bè đã chết ngoài chiến trường, bạn bè bỏ xác trong tù cải tạo, và những chiến hữu còn kẹt trong ngục tù cộng sản.

Xí Ngầu muốn an ủi ba nhưng không biết nói gì, thằng nhỏ mười ba tuổi làm sao hiểu được nỗi lòng của ba, nó ước gì lúc này có má, chắc ba không say bí tỉ như vầy, sau đó nó dìu ba vô giường và dọn dẹp nhà cửa.

Sau này ba chuyễn qua nghề buôn thuốc tây, cuộc sống dễ thở hơn, chị Hai, chị Ba sinh cho ba mấy đứa cháu ngoại. Ăn thôi nôi các cháu lúc nào ba cũng nhắc đến má, ba ôm mấy đứa vào lòng, đau lòng nghĩ đến tương lai chúng nó phải chung sống với chế độ thù hận ông của chúng nó.

Năm 91 Xí Ngầu với ba đi Mỹ theo diện HO, ở San Diego được vai tháng, nó xin ba đi theo tàu đánh cá ngoài khơi, ba can, cha con mình qua đây chậm hơn người ta, sao con không cố gắng học để lấy một mảnh bằng sinh kế sau này. Nó phân trần, con tính đi tàu một thời gian, gom ít vốn làm ăn, ở tuổi này con học không vô đầu, ba cứ để con thử vận một năm, nếu không thành công con sẽ đi học.

Ba không phản đối, nhưng Xí Ngầu biết ba thất vọng, nó gọi điện thoại về Sàigòn tâm sự với chị Hai, chị Ba, hai chị cũng nói y như ba, đêm hôm đó nó khấn với má, xin má giúp nó đi biển an toàn.

Hai mươi năm sau ngày Xí Ngầu đặt chân trên đất Mỹ, qua người quen, nó tìm ra cô Năm, hôm nay họ hẹn gặp nhau, nó đến nhà đón cô đi ăn phở. Sau tiếng chuông, cô Năm mở cửa và ngẫn ngơ không nhận ra Xí Ngầu, trước mặt cô, một người đàn ông bảnh trai trong bộ veste lịch lãm, cô tần ngần, Xí Ngầu thay đổi nhiều quá. Thằng nhỏ lanh lẹ như xưa, gần ba mươi năm cô cháu mình mới gặp lại mà cô, bây giờ cô muốn ăn phở ở đâu, con đưa cô đi.

Xí Ngầu chở cô đến quán phở quen thuộc, họ chọn cái bàn trong góc để dễ nói chuyện, ăn xong bát phở, uống cà phê xong rồi uống trà, mà chuyện dài vẫn chưa kể hết, Xí Ngầu hẹn dịp khác đến nhà cô dùng cơm với chú, lúc đó cô cháu mình tha hồ tâm sự, con xin lỗi phải trở về Colorado ngay bây giờ.

Cô kể cho chú về Xí Ngầu, hồi trước nhà nó cách nhà cô ba căn trong cư xá Kiến Thiết, thằng bé con thiếu tá VNCH, đi kéo gạo, than củi khắp xóm sau giờ học, gầy nhom, đen thui, có lúc nó ghé nhà em xin nước đá uống sau khi giao hàng, vậy mà bây giờ đẹp trai ra phết. Chú cười cười, em quên nó là con nhà quan, tại sa cơ thất thế, gia đình nó đâu phải gốc bần nông như cán cộng, mà sao nó lại có tên Xí Ngầu, nó không xấu xí, cũng đâu có ngầu. Cô Năm hí hửng kể, lúc má nó mang thai, hai chị của nó, đứa thích em trai, đứa thích em gái, hai đứa lắc cục xí ngầu xem ai thắng cuộc, chị Hai thắng chị Ba 5 trên 1, chị hai thích em trai, thằng nhỏ chưa ra đời đã có biệt danh để đời.

Xí Ngầu đi tàu đánh cá suốt năm năm trời, mỗi năm sau sáu tháng trên biển, thời gian ở đất liền nó đi học chữ, giã từ nghề đánh cá nó gom tiền, mua nhà, cho share phòng, mua căn thứ hai cho sinh viên thuê, và căn thứ ba tiếp tục cho thuê.

Nó làm Teller trong ngân hàng một thời gian, vài năm sau nghỉ việc, mở một tiệm tạp hóa, rồi hai tiệm. Cách nay bảy năm nó bảo lãnh gia đình chồng con chị Hai chị Ba qua Mỹ, gia đình hai chị ở San Diego với ba, thỉng thoảng nó về thăm ba và các chị, lúc trước nó hay về VN chơi.

Chú Năm cười mỉm, thôi rồi, trai tơ về Sàigòn thế nào chả sập bẫy mấy em chân dài, em đừng nói là nó sắp về VN cưới vợ à nhen, bảo đãm trăm phần trăm Xí Ngầu không mê gái, gái Sàigòn càng lánh xa. Chú Năm pha trò, vậy là nó mê trai, cô gật đầu buồn bã nghĩ đến ông Tường, ba của Xí Ngầu, chính vì sợ ba thất vọng khi biết nó như thế nên nó mới bỏ ba đi đánh cá và không quay về San Diego nữa.

Trong quán phở đang kể chuyện vui vẽ, bỗng nó trầm ngâm rồi mở lời, cô Năm con nói cái này cô đừng cười con nhe, để giải tỏa không khí nặng nề, em dí dỏm, mới yêu nên tìm người tâm sự phải không, thằng nhỏ nửa vui nửa buồn, cũng gần như vậy, vậy là thầm yêu trộm nhớ ai đó mà chưa dám nói. Nó lắc đầu, nói ngay như sợ sẽ không đủ can đãm nói tiếp, con yêu thằng bạn của con, mặt nó sợ sệt như đứa trẻ vừa phạm tội, em nắm tay nó, không sao cả, cái chính là tình yêu, tình cảm chân thật bao giờ cũng đẹp, cũng đáng quý.

Chú Năm sốt ruột, vậy nó về Sàigòn tìm ai, không tìm ai cả, nó về đó để chia sẻ những gì nó có được bên này, chú Năm nhanh nhẫu, làm từ thiện phải không, coi chừng không tới tay người nghèo, mà chui vào túi tụi công an địa phương đó. Cô Năm chắc mẫm, anh khéo lo, thằng nhỏ từng đóng đô ngoài phường để thồ nhu yếu phẫm, cái trò ăn bẫn của tụi công an nó đâu có lạ, vì thế nó mới có cách của nó.

Chiều tối Xí Ngầu chạy xe Honda đến mấy con đường vòng quanh chợ Bến Thành dọ thám, trên vỉa hè “khách sạn ngàn sao” mọc lên như nấm, mỗi gia đình trải chiếc chiếu hoặc mấy tấm các tông làm ranh giới với láng giềng bên cạnh, bà vợ nhóm bếp nấu cơm, chồng con đổ mấy bao rác ra phân loại mặt hàng đem bán ve chai sáng mai. Ở Sàigòn có những con đường như thế, xóm đêm của người vô gia cư, những người nhập cư từ vùng hẻo lánh xa xôi vào Nam kiếm sống, không đủ tiền thuê ghế bố, hay phòng trọ, họ chọn vỉa hè làm nhà khi mặt trời đi ngủ. Xí Ngầu chuẫn bị một số bao thư có ít tiền trong đó, nó chạy Honda rà sát lề đường, tặng mỗi gia đình một bao rồi biến mất, hôm sau đi xóm khác. 

Ban ngày nó đến quán cơm “hai mươi ngàn” ăn cơm và ủng hộ những người thiện nguyện lo cho bếp ăn giúp thân nhân những bệnh nhân nghèo, nó nói ăn cơm ở đó an toàn, thức ăn rẻ tiền, không sợ hóa chất bảo quản độc hại của tàu cộng. Buổi sáng ngồi vĩa hè uống cà phê, nó chờ anh ca sĩ cải lương mù lòa vừa đàn vừa hát được chị vợ sáng mắt dẫn đường với tập vé số bán dạo, nó bao sô hết tập vé số và dúi vào tay chị ít vốn xoay sở sau này.

Có lần Xí Ngầu vào tiệm “Phở 5 Sao”, đây là loại quán phở của hệ thống Phở 5 Sao (như Mac Donald), hiệu Phở nhưng có bún bò Huế, cơm phần, hủ tíu nước, hủ tíu xào. Đa số nhân viên là sinh viên học sinh, có cô bé bê mâm thức ăn chưa đưa đến bàn khách, chén đĩa đã rơi lả chả giữa đường, trông tội nghiệp thế nào. Cô gái nấu phở dáng người nhỏ nhắn thư sinh, cô cầm cái gía to chan nước lèo, môi cứ bậm lại như sợ rơi vải như đồng nghiệp lúc nãy, thế là cứ cách hai ngày nó ghé vô ăn trưa và cho tiền tip mấy đứa nhỏ.

Ngoài những địa điễm tự nó tìm đến, khi nào về VN nó cũng ghé viện dưỡng lão ở Thị Nghè, trại mồ côi, bệnh viện Ung Bứu, BV này có “cò từ thiện” nên nó phải giã danh thân nhân người bệnh mới đưa tiền tận tay người bệnh.

Sau này nó hết về VN, chú Năm tiếp lời vợ, vì nó hết tiền, lại nhanh nhẫu đoảng nữa rồi, nó tìm được chỗ chia sẻ bên này, nó nói tiền vé máy bay, tiền ăn ở bên đó tính ra cũng bộn bạc, để số tiền đó tặng bên này tiện hơn, nghe thằng nhỏ nói mà ấm lòng. Chú Năm lại thắc mắc, chi phí đi VN có bao nhiêu mà em nói “ấm lòng”, cô Năm cười ưng ý, Xí Ngầu giải thích, từ ngày đến Mỹ con kiếm khá nhiều tiền, bao nhiêu năm nay con giúp bên nhà như vậy con thấy tạm đủ. Nước Mỹ đã cho con cơ hội làm giàu mà con chưa làm cái gì coi cho được nên con tính tạm ngưng về VN, để số tiền đó con quyên vào những hội đoàn giúp đở những người Homeless bên này, xứ Mỹ cũng có người nghèo, không có tiền chữa bệnh, thiếu thốn mọi thứ chứ đâu chỉ riêng ở VN.

Cô Năm kết, thằng nhỏ vậy mà hay hơn mình, sống gần hết đời người mà mình cứ bo bo “cái tôi”, cha mẹ tôi, vợ chồng con cháu tôi, anh chị em tôi, quê hương tôi. Dân Mỹ mà nghĩ như mình chắc họ mời mình “go home” lâu rồi, chính vì họ nhân đạo, chia sẻ phúc lợi với chúng ta nên thế hệ thứ hai, thứ ba con cháu chúng ta mới hội nhập vào dòng chính của xã hội.

Chúng ta đã ra khỏi chiến tranh hơn ba mươi năm nay, thời gian đủ để gia đình bên VN tự lực mưu sinh, thời gian đủ để chúng ta lo toan vuông tròn cho gia đình chúng ta, đã đến lúc chúng ta nên đáp trả những lợi lộc, ân tình nhận được từ quê hương thứ hai này.

Chú Năm pha trò, vậy lễ Thanksgiving em mời Xí Ngầu tới để anh chiêm ngưỡng thằng nhóc làm phu ngày xưa. Cô Năm gọi điện thoại cho Xí Ngầu, chuyễn lời mời của chú Năm. Xí Ngầu nói, con cảm ơn cô chú đã nghĩ đến con, con đành lỗi hẹn với cô chú, vì mùa Tạ Ơn năm nay con làm mấy con gà tây đãi tụi sinh viên xa nhà đang thuê phòng của con, cũng là dịp để con chuyện trò với chúng nó.

Con muốn truyền đạt ý nghĩa Thanksgiving, Nhận rồi, Cảm Ơn rồi, nhưng cũng đừng quên “Chia sẻ”, như thế những gì mình nhận được sẽ sinh lợi và sẽ được nhân lên nhiều hơn, của cải trao tay sẽ được tiêu thụ, trong cái mất cũng có cái sinh sôi, và sự Tri Ân sẽ còn đó, còn mãi.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
20/11/201121:37:15
Khách
nhung bai viet tu dau thang cho toi nay cung da nhieu , nhung doc de suy nghi va hieu thau duoc noi dung va dien ta ve doi song o My cung nhu o Vietnam thi khong con nua, nhung uu tu, nhung dan vat, nhung luat song moi ngay thuong dang xa dan so voi nhung gi trong bai da viet, doc cho vui, nhung doc de hieu duoc nhung gi tac gia dang phoi bay bang nhung hinh anh dep, co y nghia cho cuoc song bang nhung tam tu nhiet huyet, bang nhung tinh cam dep, chu khong phai la nhung ao tuong cho mot dat nuoc giau manh nhu My ngay homnay, vi ho (nuoc My) khong can nhung nguio nhu vay, vi ho da va dang nghien cuu nhung thanh tuu du truoc the gioi hang chuc nam, cho nen cac ban khong can quan tam lo lang nhu vay, khong can thiet lam dau...va da co tac gia dung ten nhan vat, dien hinh nhu Xi Ngau...va suot cau chuyen chang mang lai cho nguoi doc su cuon hut nao het...noi chung doc tat ca cac bai trong thanh 11, khong hay lam, va cung it y nghia , di nhien cuoc song co nhieu be mat, nhung doi khi noi ve cai toi nhieu qua thi cung khong lam cho cau chuyen tro nen hay hon, roi co nhung doan viet roi rac, di lac qua xa de voi muc dich chuyen viet ve nuoc My...ma theo cach phan anh cua toi la tu tu nhung cau chuyen nuoc My dang den hoi ket thuc vi khong con tieu de nao het...thuc su theo toi con rat nhieu de tai viet ve nuoc My, ma nhung tac gai vankhong khai thac duoc...ma ho lai cu di long vong, theo cai toi qua nhieu...de roi nhieu bai viet khong dem lai ngau hung cho nguoi doc...mong rang cac tac gia dong gop nhieu bai viet hay va song dong hon....theo y kien cua toi, viet duoc mot bai doc ma nuoc mat chuc rot xuong va lien tuong den nhan vat giong nhu minh, hoac la doc xong cau chuyen roi ma nhung tinh tiet, nhung loi hay cu dem ta lai doc them lan nua...va co the la doc xong, nuoc mat thuong cam, dong cam, voi moi hoan canh, de chia xe de dem lai nhung gi cho cuoc song day y nghia va thay co tinh con nguoi hon o noi xa xu nay...xin cam on
22/11/201108:07:52
Khách
Chào bạn Mike Nguyen,
Chuyện cậu bé hàng xóm, qua Mỹ ở tuổi 24 không tốt nghiệp ĐH, nhưng vẫn thành công và hài lòng về cuộc sống của mình, cuộc đời bằng phẵng, không éo le gây cấn, không có gì đáng nói.
Tôi cũng nghĩ như bạn, có khác chăng vì cậu bé là người tôi biết từ nhỏ ở VN, nên khi thấy nó thành công tôi rất vui, hài lòng vì nó sống có tình với nước Mỹ.
Cảm ơn bạn đã nêu lên những ý kiến đáng quý.
Chúc bạn và gia quyến luôn an vui.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,739
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.