Hôm nay,  

Có Những Cái Tết

25/02/200200:00:00(Xem: 335646)
Bài tham dự số: 2-467-vb50207

Tác giả Hải Triều, tên thật Lại Thế Lãng, rất quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ. Ông đã góp nhiều bài giá trị và từng viết rằng ông “co`n muô’n viết về nước Mỹ” nhiều nữa. Bài mới của ông viết về Tết, bắt đầu bằng vài ba cái tết trong đời ở Việt Nam. Xin yên tâm đọc thêm ngày mai, sẽ tới phần Tết đầu tiên ở Mỹ. Tết Nhâm Ngọ đã bắt đầu, mong sẽ có thêm những bài viết về Tết và Năm Mới.

Theo dòng thời gian, Tết đến rồi đi. Tuy vậy không phải cái Tết nào cũng giống cái Tết nào. Có những cái Tết đã để lại trong ký ức ta những kỷ niệm vui buồn, những ấn tượng đặc biệt, khiến ta nhớ mãi, không bao giờ quên được. Bản thân tôi cũng đã trải qua những cái Tết như thế. Tôi xin được kể hầu quý vị sau đây. Xin bắt đầu bằng cái Tết khó quên của thời thơ ấu và kết thúc với cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ.


Năm đó tôi được khoảng tám, chín tuổi. Có lẽ cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác ở lứa tuổi này, tôi chẳng hiểu Tết là cái gì ngoài việc coi ngày Tết như là dịp để được mặc quần áo mới, được nhận tiền mừng tuổi, được đi đây đi đó với người lớn. Tôi cũng thấy có nhiều trò vui và người ta thường hay đánh bài trong dịp Tết.
Bố tôi là con trưởng của ông bà nội và tôi là con lớn của bó mẹ tôi. Vì là cháu đích tôn của ông bà nội nên tôi được nhiều người yêu quý. Mỗi dịp Tết đến, tôi tha hồ nhận tiền mừng tuổi, nào là tiền mừng tuổi của ông bà, nào là của các cô, các chú, thím. Họ hàng nội ngoại tôi đông lắm cho nên tôi còn được tiền mừng tuổi từ nhiều người khác trong cả họ nội lẫn họ ngoại. Chưa hết, tôi còn được theo ông nội tôi đi thăm ông nọ bà kia và ở đâu tôi cũng được cho tiền mừng tuổi.
Mới chỉ sau ngày mồng một mà cái túi của tôi đã dầy cộm. Tôi phải bỏ tiền vào một con lợn đất mà mẹ tôi đã mua sẵn cho tôi. Mẹ tôi nói cứ để dành tiền trong con lợn đất, khi nào được thật nhiều tiền mẹ tôi sẽ đập lợn lấy tiền may quần áo mới và mua sắm cho tôi nhiều thứ khác nữa. Qua ngày mồng hai, mồng ba tôi đều có tiền mừng tuổi và tôi cũng dồn hết tiền vào con lợn đất của mình. Tôi giữ khư khư con lợn đất, không cho ai đụng tới.
Tôi khoe với mấy đứa bạn trong xóm là tôi được mừng tuổi nhiều tiền lắm. Đứa nào nghe tôi nói cũng đều thèm thuồng. Trong mấy đứa bạn có thằng Can vịt đực- mấy đứa bạn của tôi đều gọi nó như vậy vì giọng của nó khàn khàn giống như tiếng kêu của con vịt đực- . Tuy cùng là bạn với nhau nhưng thằng Can là đứa lớn tuổi nhất, to xác nhất và cũng ma lanh nhất trong đám. Nó lớn hơn tôi đến năm tuổi. Nghe tôi khoe có nhiều tiền mừng tuổi, nó gạ gẫm, rủ rê tôi đánh bài. Tôi sợ thua hết tiền không chịu nhưng rồi nghe nó dụ ngon dụ ngọt mãi, tôi đã xiêu lòng. Tôi đồng ý đánh bài với nó mặc dù chưa bao giờ đánh bài.
Thằng Can vịt đực dụ tôi chơi bất- một loại bài của người miền Bắc, kiểu chơi đại khái giống như bài cào ở miền Nam -. Thằng Can vịt đực nói qua loa cách chơi và bảo tôi cứ rút bài, khi ngửa bài ra nó sẽ coi dùm xem tôi ăn hay là thua. Không hiểu nó có ma lực gì mà nó nói vậy tôi cũng tin lời của nó. Thằng Can nói để nó làm cái còn tôi đặt tiền. Lần đầu ngửa bài ra nó nói tôi ăn còn nó thua. Lần thứ hai và lần thứ ba cũng vậy. Nó chung tiền cho tôi đàng hoàng. Nhưng rồi những lần may mắn giảm dần. Tôi bắt đầu thua hai ba ván mới ăn một ván. Rồi còn tệ hơn nữa, thua bốn hay năm ván mới ăn được một. Cuối cùng thì tất cả tiền trong con lợn đất đã được moi ra hết để "cúng" vào túi thằng Can vịt đực. Khi tôi thua hết sạch tiền, nó còn giả đò hỏi tôi có muốn chơi tiếp nữa hay thôi. Nó hỏi cho có chuyện chứ tôi còn tiền đâu nữa mà chơi. Thế là tan sòng. Thằng Can vịt đực hớn hở đứng dậy với số tiền vừa ăn được của tôi còn tôi thì buồn thiu ôm con lợn đất trống rỗng về nhà.
Tôi đem giấu biệt con lợn đất vào một nơi thật kín và không hề hé môi về chuyện tôi đánh bài với thằng Can vịt đực và bị thua hết tiền. Mấy ngày sau, mẹ tôi không còn thấy tôi ôm khư khư con lợn đất nên thắc mắc. Mẹ tôi cứ hỏi đi hỏi lại mãi khiến tôi đành phải mang con lợn đất ra đưa cho mẹ tôi. Mặt mày tôi lúc đó chắc là xanh như tàu lá. Mẹ tôi sinh nghi, xem kỹ con lợn đất mới biết trong con lợn đất chẳng còn đồng tiền nào. Mẹ tôi càng tra hỏi thì tôi càng nói quanh nhưng rồi tôi cũng đã phải thú thật mọi sự. Mẹ tôi vừa bực mình vì tôi còn nhỏ mà đã ham mê bài bạc lại vừa tức giận vì tôi ngu dại để cho thằng Can vịt đực lừa bịp lấy hết tiền. Mẹ tôi bảo phải đi đòi lại cho bằng được, nếu không thì đừng về nhà. Trời ơi làm sao mà đòi lại đây. Tiền đã vào tay thằng "chết tiệt" ấy thì đời nào nó chịu nhả ra. Biết rằng đi đòi lại chỉ là công cốc nhưng tôi vẫn phải vâng lời mẹ.
Ra khỏi nhà, tôi đâu có dám đến gặp thằng Can vịt đực. Tôi biết chắc có đòi nó cũng chẳng chịu trả mà không chừng còn bị nó đấm vào mặt. Nó là thằng hung hăng. Nó thường khoe nó có võ và bàn tay nó cứng như sắt, quả đấm của nó nặng nghìn cân. Có lần nó đánh một thằng bạn trong xóm đến gẫy răng mà thằng này về nhà phải nói dối với bố mẹ là bị ngã gẫy răng chứ không dám nói thật. Nhớ lại chuyện đó tôi càng thấy ngại, không dám đến gặp thằng Can vịt đực. Tôi đi thơ thẩn cả một buổi chiều ở ngoài đường mặt cúi gằm, mắt lơ đãng nhìn xuống mặt đường rồi vô tình nhặt lên một vật trong lúc đầu óc vẫn miên man suy nghĩ đến hình phạt đang chờ đợi mình. Lang thang mãi cho đến lúc trời đã nhá nhem tối. Tôi chẳng còn biết đi đâu đành quay về nhà đểø sẵn sàng nhận chịu những gì sẽ đến với mình.
Tôi rụt rè bước vào nhà. Gặp mẹ tôi, mặt tôi cúi xuống, không dám ngước nhìn và cũng không dám mở miệng nói một câu trong lúc hai tay vẫn mân mê cái vật mà tôi nhặt được ở ngoài đường. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu lửa, tôi thấy mẹ tôi tiên nhanh về phía tôi. Bỗng mẹ tôi giật lấy cái vật trên tay tôi, giọng mẹ tôi hốt hoảng:
-Cái nhẫn vàng này ở đâu ra" Mày lấy của ai"
-Con nhặt được ở ngoài đường chứ đâu có lấy của ai.
-Ở ngoài đường à" Đâu mà sẵn vậy để cho mày nhặt"- mẹ tôi không tin-
-Con nói thật, con nhặt được ở ngoài đường hồi chiều này.
Mẹ tôi vẫn chưa tin. Mẹ tôi bảo lỡ lấy của ai thì phải nói thật để mẹ tôi đem trả lại cho người ta. Mẹ tôi đe rằng cứ nói dối loanh quanh thì tội càng nặng thêm. Tôi chẳng biết cái nhẫn ấy quý giá như thế nào mà mẹ tôi có vẻ lo lắng nếu như tôi đã lấy của người khác. Tôi vẫn bình tĩnh nói thật sự tôi chẳng lấy của ai mà nhặt được khi tôi lang thang ở ngoài đường. Tôi cũng nói tôi không biết cái đó dùng để làm gì mà chỉ vô tình nhặt lên thôi. Mẹ tôi vẫn chưa tin, tiếp tục gạn hỏi. Mẹ tôi bảo cố nhớ lại xem từ hồi chiều đã đến nhà ai, đã gặp những người nào. Tôi cả quyết nói với mẹ tôi rằng cả buổi chiều tôi không có đến nhà ai và cũng không gặp bất cứ người quen nào. Tôi cũng thú thật là tôi đã chẳng đến nhà thằng Can vịt đực để đòi lại tiền như mẹ tôi đã bắt buộc. Tôi nói như muốn khóc để chứng minh sự thành thật của mình. Có lẽ nghe tôi trả lời rành mạch, dứt khoát và nhìn vẻ mặt của tôi lúc đó chắc là đáng tội nghiệp lắm, mẹ tôi đã tin những gì tôi nói. Mẹ tôi để chiếc nhẫn vào lòng bàn tay, hất nhè nhẹ chiếc nhẫn lên xuống như muốn ước lượng xem nó nặng nhẹ thế nào. Mẹ tôi hết nhìn chiếc nhẫn lại nhìn tôi và cuối cùng bảo tôi đi tắm rửa rồi ăn cơm. Tôi đi lấy chiếc khăn mặt và đi tắm, lòng không vui vì tội của tôi vẫn còn đó. Từ phía sau lưng tôi nghe mẹ tôi nói "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ" mà chẳng hiểu mẹ tôi nói cái gì nhưng không dám hỏi lại.
Sau khi ăn cơm, tôi đi ngủ trong lúc mẹ tôi vẫn còn dọn dẹp. Lên giường nằm tôi cứ đinh ninh sẽ bị mẹ tôi gọi dậy "tính tội" khi bà làm xong hết mọi công việc trong nhà. Nhưng thật lạ, cho đến sáng hôm sau, khi tôi thức dậy tôi vẫn chưa bị ăn một trận đòn nên thân nào về cái tội đem nướng tất cả tiền mừng tuổi vào việc đỏ đen. Nhưng tôi vẫn còn thắc mắc không biết mẹ tôi đãù bỏ qua lỗi lầm của tôi chưa.

Năm 1965 chúng tôi làm ăn tương đối khấm khá vì cả hai vợ chồng đều có thu nhập hàng tháng. Tôi là sĩ quan quân đội còn vợ tôi làn cho phòng Nhân viên Dân chính Hoa Kỳ. Tết năm đó chúng tôi chuẩn bị một cái Tết thật đàng hoàng cho ra vẻ "người lớn". "Phú quý sinh lễ nghĩa", ngoài quà biếu ông bà nhạc và các bậc bề trên, chúng tôi còn "làm sang" gửi quà biếu cho bạn bè thân quen và các anh chị con ông bác bà bác mà xét về mặt vai vế chúng tôi không cần phải biếu quà.
Sở dĩ chúng tôi làm như vậy vì nghĩ một món quà nhỏ chẳng tốn kém gì lắm mà lại giữ được tình thân thiện họ hàng, tạo sự vui vẻ với nhau trong những ngày Tết. Năm đó được mùa dưa hấu. Dưa vừa ngon lại không đắt như mọi năm. Vợ chồng tôi bàn nhau mua dưa hấu làm quà cho những người mà chúng tôi có ý định gửi quà Tết.
Trái dưa hấu có từ thời An Tiêm chỉ đơn thuần là một loại trái, một loại thực phẩm. Không biết từ bao giờ người ta đưa dưa hấu vào dịp Tết và còn coi dưa hấu là một lọai trái không thể thiếu trong dịp này. Phải chăng vì mùa dưa hấu trúng vào dịp Tết, dưa hấu có hương vị thơm ngon và ruột dưa hấu có màu đỏ thắm tiêu biểu cho sự may mắn, tốt lành đầu năm"
Từ khi dưa hấu được sử dụng rộng rãi trong dịp Tết, người ta bày vẽ, thêu dệt, thêm thắt để linh thiêng hóa trái dưa hấu. Người ta tin rằng một trái dưa hấu có ruột đặc, đỏ thắm, hột đen bóng được bổ ra trong dịp Tết là điềm may mắn suốt năm. Gia chủ sẽ ăn nên làm ra, gia đình sẽ trong ấm ngoài êm, mọi việc đều được hanh thông, suông sẻ. Ngược lại khi gặp phải trái dưa ruột xốp, màu lợt lạt, hột trắng bạch là điềm xúi quảy. Suốt năm đó làm ăn sẽ chẳng ra gì.
Chính vì tin như vậy nên khi mua dưa hấu vào dịp Tết, người ta phải lựa chọn rất cẩn thận. Chọn dưa hấu không có một tiêu chuẩn nào nhất định. Có người căn cứ vào bề ngoài của trái dưa như xem vỏ dưa có màu xanh đậm, da bóng là dưa tốt. Có người lại quan tâm phần bên trong . Họ chọn dưa bằng cách vỗ vỗ vào trái dưa. Nếu nghe âm thanh "bịch bịch" là dưa tốt còn nghe "bộp bộp" là dưa xấu vì ruột dưa xốp hay đã bị úng thối nên mới phát ra âm thanh như vậy. Nói thì nói vậy chứ ai mà biết được bên trong. Có những việc sờ sờ trước mắt còn chẳng thấy được huống hồ gì bên trong của trái dưa. Vợ chồng tôi chẳng có kinh nghiệm chọn dưa nên thấy trái dưa nào cân đối trông được con mắt là chúng tôi lấy.


Trong số những người được biếu dưa có một bà chị họ. Chị là người tốt bụng nhưng trực tính. Chị nghĩ sao thì nói vậy mà không sợ người khác phật lòng. Chị cũng là người tin vào sự "linh thiêng" của trái dưa hấu. Thật là không may cho vợ chồng tôi, khi chị bổ trái dưa chúng tôi đem biếu thì trong ruột bị úng thối phải vất vào thùng rác. Chị buồn bực vì tin rằng sẽ có chuyện chẳng lành cho cả năm. Thế rồi trong suốt năm đó việc làm ăn không được suông sẻ là tại trái dưa, trong gia đình có chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt tại trái dưa, đi chợ tính lộn tiền cũng tại trái dưa, tóm lại là tất cả những gì xảy ra không vừa ý đều do từ trái dưa mà ra cả. Từ đó chúng tôi tởn, không dám gửi quà Tết cho chị nữa và cũng rất ngại ngùng mua dưa hấu biếu người khác trong dịp Tết.
Trái dưa hấu ruột đỏ hay không đỏ, thơm ngon hay bị thối đâu có thể khiến cho việc làm ăn phát đạt hay lụn bại, gia đạo yên vui hay lục đục. Ấy thếø mà người ta vẫn tin được. Kể cũng lạ.

Năm 1983 tôi được ra khỏi trại cải tạo nhưng phải đến bốn năm sau tức là năm 1987 tôi mới về thăm bố mẹ tôi được. Lý do vì bị quản chế, đi đứng khó khăn và một phần khác cũng vì sinh kế. Ngay khi về đến địa phương, tôi phải đến trình diện công an phường để làm những thủ tục dành cho người mới được tha. Từ đó nhất cử nhất động của tôi đều bị công an theo dõi. Tôi cũng phải đi làm ngay để phụ với vợ tôi đang phải một mình cáng đáng sáu miệng ăn và nay lại có thêm tôi nữa.
Lần này tôi nộp đơn xin phép tạm vắng mấy ngày vừa về thăm bố mẹ tôi vừa về ăn Tết với các cụ sau nhiều năm xa cách.
Có thể nói được đây là lần đầu tiên từ khi trưởng thành, tôi có mặt ỏ gia đình để ăn Tết với bố mẹ. Thời gian trưởng thành tôi tính từ ngày rời gia đình đi thụ huấn tại trường Huấn luyện Sĩ quan Thủ Đức. Sau khi ra trường tôi được thuyên chuyển về Nha Trang trong lúc bố mẹ tôi lại ở Long Xuyên. Đường sá đã xa xôi, quân nhân lại thường phải cấm trại trong dịp Tết. Vì vậy mà trong suốt thời gian ở trong quân ngũ, không có cái Tết nào tôi có mặt ở gia đình với bố mẹ tôi. Năm 1975 tôi lại được gửi đi "thụ huấn" tại các trại cải tạo ở miền Bắc lẽ tất nhiên không thể về ăn Tết với các cụ được. Vì vậy tôi xem trọng cái Tết này và có ý muốn nhân dịp này phải làm một cái gì để đền bù những thiếu sót của mình đối với bố mẹï.
Sáng mồng một Tết, sau khi cả nhà đã đi dự thánh lễ đầu năm, tôi nói với mấy người em cùng nhau quây quần lại. Tôi mời bố mẹ tôi ngồi ghế còn vợ chồng tôi, mấy chú, mấy cô em và mấy đứa cháu đứng trước mặt các cụ. Tôi ra sân đốt một phong pháo rồi trở vào nhà thay mặt các em chúc Tết bố mẹ tôi. Tôi cũng xin bố mẹ tôi tha thứ cho tôi và cho các em tôi nếu như chúng tôi có làm điều gì phật lòng bố mẹ. Bố mẹ tôi, nhất là bố tôi cảm động lắm vì cho đến quá nửa đời người bố tôi mới được nghe lời chúc tuổi của con cái. Bố tôi cũng chúc lại chúng tôi những lời chúc tốt đẹp. Sau đó cả nhà ăn uống vui vẻ.
Sau những ngày Tết, vợ chồng tôi chuẩn bị khăn gói trở về Nha Trang. Bố tôi bảo ở lại chơi thêm ít ngày nữa. Nét mặt và lời nói của bố tôi có vẻ khẩn khoản cho thấy bố tôi rất muốn chúng tôi đáp lại lời yêu cầu của cụ. Thương bố mẹ nhưng tôi không thể cưỡng lại cái lệnh quản chế quái ác đeo đẳng suốt từ ngày tôi được trả "tự do". Trên giấy tờ, tôi bị qủan chế ba năm nhưng đã bốn năm rồi mà lệnh đó vẫn chưa được bãi bỏ. Tôi phải có mặt tại địa phương đúng ngày để khỏi vi phạm lệnh cho tạm vắng của công an. Và tôi cũng phải trở về với công việc phụ hồ để kiếm gạo cho gia đình. Nghỉ lâu sợ người ta mướn người khác thì mình mất việc.
Bố tôi tỏù vẻ buồn khi lời yêu cầu của cụ không được đáp lại. Bố tôi không nói gì, chỉ thở dài rồi lặng lẽ đi kiếm đồ khâu túi đựng gạo, bánh, cá, mắm để chúng tôi "đem về cho lũ trẻ". Biết bố tôi không vui nhưng vợ chồng tôi cũng đành cắn răng dứt áo ra đi. Lúc từ giã bố tôi cứ quanh quẩn bên chúng tôi khiến vợ chồng tôi không cằm được nước mắt. Về tới nhà, tôi miệt mài vào công việc làm ăn và quên bẵng đi những giây phút quyến luyến ấy. Không đầy hai tháng sau, tôi nhận được điện tín báo bố tôi bị bệnh nặng. Tôi rất ngạc nhiên vì hôm Tết bố tôi còn khỏe lắm. Vợ chồng tôi vội vã đi mua vé xe và tức tốc đi Cần Thơ ( sau năm 1975 bố mẹ tôi đã chuyển về một vùng đồng ruộng thuộc tỉnh Cần Thơ). Khi vợ chồng tôi bước vào nhà thì được biết bố tôi đã được đưa đi bệnh viện Cần Thơ. Tôi chỉ kịp hỏi mẹ tôi để biết bố tôi bệnh gì và tình trạng có nguy hiểm lắm không rồi vợ chồng tôi lại vội vã quay trở ra đón xe đến bệnh viện. Mẹ tôi nói bố tôi đi cắt lúa bị liềm cắt đứt tay còn tình trạng hiện giờ ra sao thì chính mẹ tôi cũng không biết. Khi vợ chồng tôi đến bên giường bệnh thì bố tôi chỉ có thể nhìn chúng tôi bằng cặp mắt lờ đờ, mệt mỏi chứ không còn nói gì được nữa. Trong cuộc đời lam lũ, bị đứt tay là chuyện thường, bố tôi đã bị đứt tay biết bao nhiêu lần. Vậy mà lần này bố tôi đã vĩnh viễn ra đi chỉ vì cái chuyện cỏn con đó. Tôi không thể ngờ cái Tết đó lại là cái Tết cuối cùng của bố tôi. Tôi cũng không thể ngờ sau lần chúc Tết ấy chẳng bao giờ tôi còn có dịp nói với bố tôi những lời chúc Tết nữa .
*
Năm 1993 tôi ăn cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ. Cái Tết nơi đất khách quê người đã diễn ra trong hoàn cảnh khác biệt, không giống với những cái Tết ở quê hương. Chẳng ai còn thì giờ để nghĩ đến chuyện tiễn đưa ông táo, cũng chẳng có ai nấu bánh chưng, bánh tét nhưng cái Tết đó đã để lại trong ký ức tôi những kỷ niệm thật khó quên.
Nơi tôi cư ngụ có rất ít người Việt. Toàn tiểu bang lúc đó chỉ có khoảng trên dưới 50 gia đình. Tuy vậy cộng đồng bé nhỏ này cũng không quên ngày Tết cổ truyền, đã tổ chức một buổi họp mặt để cùng nhau ôn lại phong tục của tổ tiên. Buổi họp mặt diễn ra tại hội trường của một trường trung học mà nhà trường đã có nhã ý cho mượn để cộng đồng Việt Nam có nơi gặp gỡ nhau trong ngày Tết.
Giờ bắt đầu được ấn định là lúc 5 giờ chiều nhưng mới khoảng 3 giờ đã có người đến địa điểm. Tất cả đều ăn mặc chỉnh tề. Phụ nữ tha thướt trong những tà áo dài, nam giới mặc âu phục hoặc cũng có người mặc quốc phục khăn đóng áo dài, trẻ em thì xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất. Dường như mỗi người, ngay cả các cháu nhỏ cũng đều tỏ ra mình là những chủ nhân của buổi họp mặt. Họ lịch sự, tươi cười, vồn vã với mọi người. Họ sẵn sàng chỉ dẫn, giải thích khi có ai hỏi điều gì hoặc nhừng mọi thuận lợi cho những người khách đến tham dự buổi họp mặt.
Chương trình buổi họp mặt được mở đầu bằng bản đồng ca "Việt Nam, Việt Nam" làm nức lòng mọi người. Sau lời chúc Tết của ban tổ chức là một màn múa lân. Tiếp tục là một buổi văn nghệ giúp vui với những điệu múa do các cháu nữ sinh trình diễn. Rồi các bản dơn ca, song ca, cổ nhạc, kể chuyện vui v.v. lần lượt được các thành viên trong cộng đồng trình bày để cống hiến khán thính giả hiện diện. Trong lúc xem văn nghệ, mọi người còn được thưởng thức những món ăn mang hương vị quê hương.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có tới một nửa số người đến dự là người Mỹ. Tôi được biết họ là thầy cô giáo của những lớp học có học sinh Việt Nam. Họ là những người dạy các lớp ESL, là cơ nhân viên của cơ quan bảo trợ người tỵ nạn, là phóng viên truyền hình hay báo chí. Họ là người quen biết của bất cứ người Việt nào hoặc họ tự tìm đến vì nghe nói cộng đồng Việt Nam có buổi họp mặt nhân dịp Tết. Những người Mỹ đến với cộng đồng người Việt ngày hôm đó với những lý do khác nhau. Những người làm việc cho các cơ quan truyền thông đến vì nhu cầu thâu góp hình ảnh và tin tức. Cũng có nhiều người đến chỉ đơn giản vì muốn được thưởng thức món chả giò, một món ăn được rất nhiều người Mỹ ưa thích. Người khác đến vì muốn hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Một số người tỏ ra thích thú khi được biết năm âm lịch được tính theo chu kỳ 12 con giáp và mỗi năm mang tên một con vật. Khi được biết điều này, họ đã không ngần ngại cho biết tuổi của họ và yêu cầu tính sang âm lịch xem họ thuộc về tuổi con gì. Cũng có người muốn biết Tết có từ bao giờ và ý nghĩa của ngày Tết.
Thật ra không có ai biết đích xác Tết có từ bao giờ nhưng về ý nghĩa của ngày Tết thì chắc hẳn có nhiều người biết. Đối với người Việt Nam Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Từ xa xưa người Việt đã có thói quen dù đi làm ăn xa xôi đến ngày Tết cũng đều cố gắng trở về quê để ăn Tết với gia đình, thăm hỏi bạn bè, gặp gỡ chòm xóm. Tết là dịp nhớ đến tổ tiên thể hiện bằng những nén nhang, hoa trái trên bàn thờ ông bà. Tết là dịp để con cháu tỏ lòng biếtù ơn ông bà cha mẹ, thể hiện bằng quà biếu và bằng những lời chúc tụng đầu năm. Tết cũng là dịp đền ơn đáp nghĩa đối với thày dạy hay những người đã từng giúp đỡ, thi ân cho mình. Tết còn là dịp tạo tình thân thiện vơiù những người chung quanh. Trong năm dù có chuyện xíxh mích, bất đồng với nhau thì trong những ngày Tết người ta cũng sẵn sàng bỏ qua cho nhau để vui vẻ với nhau, nói với nhau những lời tử tế và cầu chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.
Tin tức va hình ảnh ngày Tết Việt Nam đã được trình chiếu trên các đài truyền hình địa phương ngay tối hôm đó và được đăng tải trên báo chí vào sáng hôm sau. Những ngày sau Tết, một vài người Mỹ tôi gặp ở nhà thờ nói rằng họ nhận ra tôi trong ngày Tết Việt Nam. Cũng có vài người Mỹ tôi gặp tại bưu điện đã tỏ ra thân thiện và và chuyện trò thân mật khi biết tôi là người Việt Nam. Họ nói những điều họ biết về ngày Tết giúp họ mở rộng kiến thức. Tôi vô cùng sung sướng vì nhận thấy cộng đồng bé nhỏ của chúng tôi đã đem văn hóa Việt Nam đến với người Mỹ, giúp họ hiểu biết nhiều hơn về người Việt Nam, một điều mà tôi cho là vô cùng quan trọng cho người Việt trong cuộc sống Việt tha hương.
Mỗi dịp Tết đến là mỗi dịp để người Việt trở về với cội nguồn. Điều này càng quan trọng hơn đối với người Việt tha hương mà trong cuộc sống hàng ngày thường xuyên tiếp xúc với nền văn hóa khác biệt. Tôi đã được nghe có người bi quan cho rằng người Việt sẽ bị Mỹ hóa dần dần và chỉ trong một vài thập niên nữa, khi mà thế hệ cha ông qua đi thì người Việt ở Mỹ sẽ không còn kỷ niệm ngày Tết. Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy nhưng tôi e ngại rằng ý nghĩa cao đẹp của ngày Tết sẽ lu mờ dần trong lòng người Việt ở Mỹ nói riêng và người Việt hải ngoại nói chung.
Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,065
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo