Hôm nay,  

Học Sinh Việt Trong Trường My

24/10/200100:00:00(Xem: 231197)
Bài tham dự số: 02-368-vb31009


Xuất thân là một nhà giáo rất yêu nghề từ Việt Nam… nên khi sang Mỹ tôi chỉ có một ước nguyện "được tiếp tục hành nghề giáo dục". Dịp may đưa đẩy và đã khiến tôi có được cơ hội theo học lớp "phụ giáo" và sau thời gian ngắn lấy "License" để trở thành một phụ giáo chánh thức!
Từ giấc mơ, nay trở nên sự thật. Sau kỳ hè năm 93 tôi được nhận vào làm việc tại một trường cấp 2 (intermediate school) tại Charlotte (N. California).
Đa số học sinh tại đây là gốc dân da màu gồm: Mỹ đen, Mễ và một số ít học sinh gốc Á Châu, mà trong đó chỉ có 14 em học sinh Việt cả nam lẫn nữ!
Tôi được chỉ định làm phụ giáo cho cô giáo Dothory, người Mỹ gốc Anh. Dothory là một giáo viên trẻ, năng động, yêu nghề, thương yêu học sinh và rất chân tình, lịch thiệp với tất cả mọi người. Cô đón nhận tôi làm phụ tá cho cô một cách ân cần vui vẻ và hiểu biết. Cô luôn luôn chỉ dẫn, giúp đỡ tôi trong mọi lãnh vực trên bước "vạn sự khởi đầu nan". Lòng ưu ái và hướng dẫn của cô đã giúp tôi sớm hội nhập vào cuộc sống trong xã hội hoàn toàn xa lạ của quê hương hợp chủng này.
Nói về lương bổng của ngành giáo dục của tiểu bang này thì gọi là trung bình, mà trách nhiệm một thầy hoặc cô giáo quá nhiều. Học sinh lười biếng hay siêng năng, tốt hay xấu tại trường học cũng như ở nhà, lúc nào cũng đổ trách nhiệm cho thầy, cô giáo cả. Có điều nghịch lý là không quy trách nhiệm cho gia đình. Cha mẹ của các em.
Trái lại, luật tại tiểu bang Arkansas thì cha mẹ học sinh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về phần con em của mình trong việc học hành. Nếu cha mẹ để con cái lười biếng, không làm "home work" hai lần thì cha mẹ sẽ bị nhà trường gởi giấy "warning" hoặc để con mình nghỉ học 2 lần trong tháng (dù có lý do, có giấy chứng nhận của bác sĩ) cha mẹ vẫn bị ra hầu tòa và bị phạt vạ về tội "vô trách nhiệm với con cái" nếu nặng hơn (nghỉ trên 3 lần trong 3 tháng hoặc bỏ thi học kỳ: 2 môn học) thì sẽ bị... đi tù.
Là một phụ giáo nên tôi không chịu trách nhiệm đối với học sinh mà chỉ phụ giúp cô Dothory thêo dõi tình hình các em học sinh Việt trong trường.
Tại lớp 8 của cô Dothory có 3 em học sinh Việt gồm: 2 nữ và 1 nam ở lứa tuổi 13, 14. Các lớp 7 và 8 nằm dãy 1, các lớp 6 và 9 nằm dãy 2. Số học sinh Việt tại lớp 9 có: 5 nữ và 6 nam thuộc lứa tuổi 14 và 15…
Tuy các em phải mặc đồng phục đi học, nhưng đa số các em nam sinh thì quần áo rất lượm thượm, đầu tóc nhuộm đủ màu cắt tóc đủ kiểu. Các nữ sinh thì cũng có một số em ăn mặc theo thời trang (váy màu xanh đậm, áo thì đủ kiểu, đủ màu). Các em chia ra nhiều nhóm, riêng nhóm các em học sinh Việt rất ít nên có thêm mấy em Mỹ đen - Mỹ- Mễ- Miên- Lào... trong giờ nghỉ thường quy tụ một góc sân để nói chuyện, đùa giởn đôi khi còn lén hút thuốc lá và nói với nhau bằng liếng lóng (slang).
Việc làm ở tại trường cũng khá nhàn nhã, nên thời gian qua nhanh, thắm thoát cũng vừa tròn một niên học.
Trong kỳ nghỉ hè 94, có thêm một gia đình tỵ nạn diện HO từ Việt Nam mới sang định cư. Đó là gia đình của Hữu, một chiến hữu cùng đơn vị tôi trước năm 1975, gia đình có 5 con gồm 3 trai và hai gái, nhưng chỉ còn hai cháu gái và cậu út còn đi học.
Hồi còn ở Việt Nam, thời kỳ 1973, mấy con lớn của Hữu đi thi tú tài, đã nhờ tôi gởi gấm các bạn bè ngành giáo dục nâng đỡ trong các kỳ thi, do đó… nay sang My, Hữu cũng nhờ tôi xin cho con út anh vào học tại trường, nơi tôi đang làm việc! Tôi đã giải thích cho Hữu biết: Việc xin nhập học bất cứ ở trường nào trên đất Mỹ, chỉ cần mang đầy đủ giấy tờ hợp pháp là xin được ngay… chẳng cần phải nhờ cậy như Việt Nam. Nhưng có điều tôi khuyên Hữu: hãy xin trường khác tốt hơn, vì trường này tuy gần nhà, nhưng tình trạng kỷ luật ở đây không tốt, nên đa số học sinh ở đây kết bè lập đảng, kình chống nhau, gây sự và kỳ thị nhau (đối với học sinh gốc á Châu) lại còn thêm tệ nạn hút thuốc lá- lẫn ma túy!
Vợ chồng Hữu tỏ vẻ không vui, vì nghĩ rằng tôi "bịa chuyện" để có lý do từ chối…Hữu quay sang vị Mục sư sở tại để nhờ giúp, nhưng vị này cũng có lời khuyên như tôi đã nói với Hữu!
Ngày khai trường niên học 94- 95, con trai út Hữu cũng được nhận vào lớp 8 (vì căn cứ vào bài thi khảo sát, trường đã xếp cháu Hưng vào lớp 8, chớ không được lớp 9 như gia đình đã xin) Hữu lại tìm đến tôi nhờ can thiệp. Tôi đưa Hữu đến gặp cô Debby, trong ban giáo vụ của trường. Cô xem hồ sơ và trả lời với Hữu là: Con anh chưa đủ điều kiện học lớp 9!
Dù mới sang Mỹ 6 tháng và vào trường học 4 tháng, nhưng Hưng đã lẹ làng nhập cuộc với các nhóm lớp 9 một cách ăn ý. Từ cách ăn mặc, nói năng sinh hoạt đều rất hợp ý nhau…Có đôi lúc, tuy cũng "như là đi học' nhưng thật sự các em không đến lớp mà rủ nhau đến các chỗ giải trí để chơi "game điện tử".
Hằng năm, vào những ngày lễ Memorial Day, nhà trường tổ chức đi camping hoặc đi thăm mộ các chiến sĩ tại các nghĩa trang thành phố, thì nhóm học sinh Việt thường lẻn ra một nơi xa các thầy cô giáo, để hút thuốc hoặc ma túy. Nhiều lần tôi bắt gặp, thì các em thường tản ra và bỏ đi…Biết được như thế, nhưng tôi chẳng dám hé miệng với ai về việc làm sai trái của các em…Điều mà tôi lo sợ nhiều, là các em còn có súng trong "túi đựng sách vở" của các em.
Cuối niên học 95, tôi quyết định xin nghỉ việc và moved sang tiểu bang khác tìm việc làm! Vì sợ sau này, nếu lỡ bị nhà trường phát hiện, hoặc cảnh sát biết việc làm không tốt của các em, chắc chắn tôi sẽ là đối tượng mà các em nghi ngờ và bản thân tôi cũng chẳng được bình an, nên tôi xin nghỉ trước tốt hơn.
Nghe tin tôi xin nghỉ việc, cô giáo Dothory rất ngạc nhiên, vội đến nhà vặn hỏi tôi cho biết lý do, trong đó cô có hỏi rằng: "Có điều gì mà cô đã làm phiền tôi không"".
Tôi xin lỗi cô, chỉ trả lời: "Tôi rất kính mến cô, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt tôi phải "move" và tôi hứa sẽ gọi phone trả lời câu hỏi của cô, khi tôi đến nơi cư trú mới.
Sau khi có việc làm và chỗ ở ổn định, tôi bèn gọi cô giáo Dothory. Nghe tin tôi cô mừng lắm, sau khi nghe tôi cho biết lý do tôi bỏ đi. Cô cám ơn tôi, vì tôi đã không có điều gì phiền giận cô, và ngược lại, cô báo cho tôi một tin buồn:
Chỉ còn 5 ngày nữa là khai trường niên học 95- 96, cảnh sát đã đưa ra tòa 11 học sinh ở trường Richmond như sau:
- 2 em Mỹ đen - 2 Mexican- 1 em Lào
- 1 em nữ (Kampuchia) và 5 em Việt nam (gồm 2 nữ + 3 nam). Trong đó có Hưng (con của Hữu bạn của tôi).
Tòa đã xử: Từ 11 tháng đến tối đa 3 năm tù giam.
Tội danh: Trộm cắp, xử dụng vũ khí bất hợp pháp và hút ma túy.
Nghe cô Dothory kể xong câu chuyện, tôi thật sự đã toát mồ hôi, như một người vừa thoát được tai nạn.
Tôi cám ơn lời mời gọi trở lại trường của cô, vì tôi đã ở xa ngàn dặm rồi.
*
Cuối năm 1999, tôi quay về lại Nam Cali và quyết định định cư luôn tại miền nắng ấm này, tôi gặp lại Hữu, giờ đây Hữu đã thật sự hiểu và xin lỗi tôi, chúng tôi đã thông cảm và vui vẻ với nhau.
Gia đình Hữu cũng bỏ Charlotte, nơi mà con út anh thọ nạn, moved về Nam Cali với hy vọng: nơi thủ đô tỵ nạn này còn có nhiều thân hữu, đồng hương, có thể dễ sống hơn…
Qua cơn ác mộng, nay đứa con hoạn nạn của Hữu cũng đã học được một bài học quý và hiện Hữu cũng đã là một technician điện tử có License đang làm việc cho một hãng điện tử.
Đầu năm 2000, con trai Hữu là Hưng bị mất việc…và xin apply vào làm cùng hãng với tôi, hai chú cháu tình cờ gặp lại nhau trong cùng một xưởng sản xuất linh kiện điện tử, vừa mừng vừa ngượng. Hưng đã chào hỏi tôi..Tôi cũng rất cảm động với chân tình của Hưng… Sau đó, trong một buổi ăn Lunch, Hưng vừa ăn vừa kể cho tôi nghe về cuộc đời của cháu trong những bước đầu đến Mỹ:
Đặt chân lên đất Mỹ, gia đình cháu cứ tưởng như mình được rơi vào một hành tinh xa lạ. Mọi người trong gia đình ai cũng bở ngỡ- lo lắng- sợ sệt, nhưng rồi cũng nhờ có hội USCC cử người đón rước, lo mọi thủ tục giấy tờ đến nơi ăn chốn ở, nên gia đình cũng an tâm phần nào. Mọi sự việc đều ổn định, bố cháu bèn hỏi thăm bạn bè và tìm gặp chú để lo cho cháu được vào trường cho kịp niên học mới! Từ nhà chú trở về bố cháu có vẻ thất vọng và buồn lắm, chỉ thở dài và than thở: sang đây bạn bè cũng chẳng ai muốn giúp đỡ, rồi tuần lễ sau, có vị mục sư đến thăm và hướng dẫn bố cháu. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ, ông ta bảo bố cháu gọi cháu cùng với bố sửa soạn, để ông đưa đến trường Richmond xin cho cháu ghi tên nhập học.


Bước đầu đến trường Mỹ, cháu cảm thấy rất ư là xa lạ, tất cả trường dường như ai cũng nhìn cháu, có vài đứa Mỹ đen thường hay trêu chọc làm cháu sợ hãi quá, nên khiến cháu phải tìm đến các anh chị người Việt để nương tựa, cháu được tất cả bạn bè đồng hương giúp đỡ tận tình. Lâu ngày ơn nghĩa càng nặng nề, nên cháu chẳng biết rằng cháu bị gài vào cái thế "chẳng đặng đừng" cho đến cái ngày "sụp bẫy" cháu phải trả giá quá đắt 11 tháng tù.
Ngày cháu tìm đến các anh chị lớp 9, cháu được "welcome" nồng hậu, giúp đỡ tận tình. Hằng ngày các anh chị đến đón đi học, tan trường được đưa về nhà. Cuối tuần và ngày lễ anh chị đến rước đi chơi hoặc đi camping, còn bao cháu đi ăn uống khắp nhà hàng Mỹ, Tàu và tiệm Mc Donald, Pizza hut, Kentucky Fries Chicken… Suốt thời gian gần 2 tháng trời. Mãi cho đến ngày Lễ tạ Ơn (Thankgiving) anh Tony cùng với các anh chị trong nhóm mới bảo: Lễ này, tới phiên Hưng đãi lại các anh chị. Nghe họ nói thế cháu lo quá, làm sao có tiền đây" Gia đình mới định cư, còn lãnh trợ cấp của chính phủ: mỗi đầu người $165 tiền cash, và Foodstamp $90, gom cả tiền trong gia đình chỉ đủ trả tiền thuê Apartment tiền đi xe bus để cả nhà đến nơi học anh ngữ ESL, còn phải lo tiền điện, tiền gas, tiền điện thoại nữa, lấy đâu có dư mà lo cho bạn bè, năn nỉ mẹ lắm mới được $20, với số tiền này mà đãi cả chục người ăn uống cái gì đây" Anh Tony bảo: "Mày về gia đình "chà đồ nhôm" tức là "chôm đồ nhà" thêm, mới có thể ăn lunch một bữa tại Mc Danald. Cháu năn nỉ: "Anh Tony à, nhà em mới sang Mỹ, chưa có ai đi làm, thì có gì quý đâu để mà chôm".
Nghe cháu trình bày, Tony gật đầu suy nghĩ…chẳng nói gì! Vì sợ các anh chị trong nhóm "bỏ rơi" nên cháu năn nỉ anh Tony giữ dùm $20 (của cháu xin mẹ) và cũng nhờ chiï Julie, chị Sissi đốc vào, cuối cùng Tony nhận và trao lại cho Julie cất hộ…
Ba ngày sau, lúc tan trường Tony chở chị Julie, chị Sissi, chàng Mỹ đen Jimmy, chú Mễ Victor và cháu đến Mc Donald ở khu công viên, cùng uống nước ăn French Fries…
Trước khi ra về Tony bảo thằng Jimmy Mỹ đen đưa cho cháu một túi đeo lưng. Tony dặn: "mang về nhà cất cẩn thận, khi cần tao sẽ báo thì mới đem ra và tuyệt đối không cho bất cứ ai biết".
Rời xe cháu vội vàng chạy vào nhà, đi thẳng vào phòng đóng cửa và "lock" cẩn thận. Cháu hồi hộp mở túi ra xem, vì bản tính tò mò muốn biết "cái gì" mà Tony ra lệnh cẩn thận như thế" Cháu giật mình và run sơ khi biết là khẩu súng nhỏ" Cháu lo sợ không dám ra khỏi phòng, mỗi lần mẹ cháu gõ cửa gọi ra ăn cơm, cháu rất sợ sệt nên cháu cáo bệnh! Nghe nói cháu bệnh, mẹ cháu lại càng muốn vào để hỏi han và đưa thuốc cho cháu uống. Nhưng cháu giả vờ ngủ không trả lời.
Suốt đêm không chợp mắt…nên hôm sau vào trường cháu đờ đẫn cả người và ngủ gục nhiều lần. Bị cô giáo hỏi, cháu trả lời là cháu cảm thấy mệt, cô giáo bèn đưa lên phòng y tế. Cô y tá dìu cháu
nằm nghỉ…, đến tan học thì Tony tìm đến và đưa cháu về với "đề nghị của y tá cho Hưng nghỉ đến Weekend luôn".
Nằm nhà suốt 4 ngày, cháu mân mê cây súng và nghĩ ngợi nhiều về hình ảnh in sâu trong ký ức cháu: ai có cây súng mà biết sử dụng sẽ thành người hùng, sẽ có tiền, sẽ là đàn anh và cũng sẽ vào tù…! Bao nhiêu ý nghĩ từ sợ sệt đến thích thú, lẫn lộn làm cho cháu quá nhức đầu.
Đến trưa thứ bảy, anh Tony dẫn cả bọn đến thăm cháu gồm: chị Julie và Sissi, chị người Miê: Amy, thằng John người Lào, thằng Mễ Victor và 2 thằng Mỹ đen Jimmy và Andy.
Andy được anh Tony bảo: "Lấy một loại "Narcotie" mới để phi thử". Loại này có hiệu quả làm dễ say hơn các loại trước đây nó làm cho người cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng như bay lên cao, sau đó nó làm cho cháu bị ói mữa dữ dội khiến cháu sợ chết quá, nhưng anh Tony thì nói chẳng có sao đâu, vài lần nữa rồi sẽ quen thôi, lúc đó mày mới thấy "đi trên mây sướng lắm".
Mấy ngày nghỉ trôi qua cháu trở lại trường, tươi- khỏe lại- cô giáo cũng lưu tâm hỏi thăm cháu, cháu vui vẻ cám ơn cô. Tan học, Tony đưa cháu về và bảo cháu: "Ngày mai mang cái túi đeo lưng giao cho anh…"
Chiều tan trường về, Tony chở cháu, chị Julie, Amy và thằng Jimmy xuống bờ biển, họ bảo cháu giữ xe, còn lại tất cả cùng bỏ đi… đến gần 9 giờ đêm, chỉ có một mình Tony trở lại xe và đưa cháu về nhà, trong không khí thật im lặng!
Lần thứ hai cũng như thế, cháu giữ xe, còn anh Tony, thằng Andy và Victor kéo nhau đi hướng chợ Lion, khoảng 40 phút sau, cũng một mình anh Tony trở lại đưa cháu về nhà…
Qua ngày hôm sau, đến giờ "lunch" Sissi đi với Amy gọi cháu ra góc sân trường đưa cho cháu một gói "white" để hít thử…
Đến cuối tuần, thì 2 thằng Mễ: Hernandez và Victor giữ cái túi đeo lưng và thằng Lào, John cùng lái xe đi chung…
Trưa chủ nhật, cháu đang ngồi xem tivi, có tiếng bấm chuông, đập cửa thình thịch. Mẹ cháu mở cửa, cảnh sát ập vào, trình giấy tờ xin khám nhà, trong lúc ba và các anh cháu đang đi làm thuê cho một người quen ở downtown…Sau khi lục soát phòng cháu, cảønh sát đã thu gói "white" của Amy đưa, nhưng cháu chưa khui ra.
Cảnh sát lập biên bản bắt mẹ cháu ký, mẹ khóc, chỉ lắc đầu không chịu ký và cảnh sát còng tay cháu dẫn đi, trong khi mẹ cháu vẫn tiếp tục la khóc… không một ai trong apartment dám can thiệp.
Đến sở cảnh sát, cháu thấy đã có đủ tất cả anh chị trong nhóm có mặt tại đây rồi…Trước khi đưa vào phòng giam, Tony còn dặn: "Không khai gì hết, đừng khai bậy là chết nhe con". Cháu như người mất hồn.
Ngày ra tòa, cháu thấy tất cả gia đình cháu đều có mặt, nhìn thấy cháu, mẹ khóc nhiều, mấy chị cháu cũng khóc theo mẹ…
Sau khi đọc tội trạng và luật sư biện hộ, Tòa phạt anh Tony 3 năm tù và cháu Hưng 11 tháng tù.
Ngày tháng trong tù, sau giờ đi lao động, chơi thể thao, cháu cũng được học chương trình lớp 8. Nhờ giữ đúng kỹ luật, siêng năm làm lao động cũng như học tập, nên đến ngày đầu của tháng 11 cháu được lệnh "trả tự do".
Vừa bước ra khỏi cửa vòng rào trại tù, cháu đã gặp ngay ba mẹ cháu đứng chờ trước cửa. Mẹ lại khóc vì mừng, cháu cũng khóc và nói lời xin lỗi ba mẹ. Cháu về nhà được 1 tuần thì ba mẹ cháu quyết định dời về vùng nắng ấm Nam Cali để cháu làm lại cuộc đời.
Vì nhẹ dạ, ham vui, phạm vi hiểu biết còn non kém lại dễ tin , nghe theo lời bạn bè, nên cháu đã phạm phải sai lầm, lãnh hậu quả quá cay đắng, 11 tháng trong tù khi tuổi đời vừa 14, cháu mới sực nhớ câu ca dao: "Cá không ăn muối cá ươn, con cải cha mẹ trăm đường con hư"
Vừa đến đất tự do này với sự non kém vè mọi mặt, lại nghe theo lời bạïn bè xấu, nên đã lạm dụng cái "tự do" mà quên đi lẽ phải, quên cả luật pháp, để mà phạm pháp, dù vô tình vì kém hiểu biết. Nay mới hiểu ra thì đã quá muộn!
Giờ đây, ba mẹ cháu mới hiểu được tấm lòng tốt của chú…
*
Tôi cũng đã cám ơn Trời- Phật- Chúa, đã giúp đỡ cho mọi người, nhất là gia đình Hưng, hiểu được sự thật về tấm lòng của tôi và giúp tôi tránh được cái cảnh "làm ơn lại mắc oán".
Có biết bao học sinh Việt học rất xuất sắc nơi các trường học Mỹ thi tốt nghiệp high school đạt điểm rất cao, trái lại cũng có một số học sinh Việt đã gây nhiều tai tiếng.
Xin viết lại trường hợp kể trên để giúp tất cả đồng hương có con em đi học có chút kinh nghiệm để dễ dàng "take care" các em trong lãnh vực học hành và bạn bè.
Về tình trạng bất ổn nơi trường học Mỹ, trong thời gian gần đây đã nhiều lần xảy ra các thảm trạng như học sinh bắn thầy, học sinh bắn học sinh, học sinh hút ma túy, học sinh đâm bố giết em gái….
Mong rằng các bậc làm cha mẹ, dù quá bận rộn vì sinh kế, nhưng đừng quên để ý đến con em mình, cẩn thận xem xét sinh hoạt bất thường của các em, để kịp thời ngăn chặn những sai trái mà các em rất dễ mắc phải.

NAM HUỲNH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến